Trẻ sơ sinh có quyền được hưởng thừa kế không?

Thừa kế là một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Vậy, trẻ sơ sinh có quyền được hưởng thừa kế không? Quy định của pháp luật về vấn đề quyền hưởng thừa kế của trẻ sơ sinh như thế nào?

Thừa kế là một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Vậy, trẻ sơ sinh có quyền được hưởng thừa kế không? Quy định của pháp luật về vấn đề quyền hưởng thừa kế của trẻ sơ sinh như thế nào?

1. Quyền định đoạt tài sản của người để lại di sản

Thừa kế là một trong những chế định lớn của Luật Dân sự. Việc phân chia di sản thừa kế, thời điểm mở thừa kế hay xác định những người thừa kế ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các bên. Về nguyên tắc, Luật Dân sự tôn trọng quyền định đoạt tài sản của người để lại di sản. Họ có toàn quyền quyết định việc ai là người được hưởng di sản và khối lượng di sản mà người đó được nhận mà không phụ thuộc vào ý chí của chủ thể khác.

Đồng thời, người để lại di sản có toàn quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hay hủy bỏ di chúc của mình bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của những người hưởng di sản, pháp luật vẫn đặt ra giới hạn của việc lập di chúc như việc quy định Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.

Trong trường hợp, trẻ sơ sinh là con của người để lại di sản (không phân biệt giữa con trong giá thú và con ngoài giá thú; giữa con đẻ và con nuôi) mà người lập di chúc không cho hưởng di sản hoặc cho hưởng nhưng ít hơn 2 phần 3 suất của một người thừa kế thì trẻ sơ sinh vẫn được hưởng phần bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật.

2. Trẻ sơ sinh có quyền được hưởng thừa kế không?

Đối với trường hợp người chết không để lại di chúc hoặc di chúc bị vô hiệu thì di sản của người đó sẽ được phân chia theo pháp luật. Theo quy định tại Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”

Đồng thời, tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định người thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Như vậy, khi trẻ sơ sinh nằm trong hàng thừa kế được hưởng di sản thì trẻ sơ sinh vẫn được hưởng di sản bằng với những người cùng hàng thừa kế mà không phân biệt về độ tuổi hay năng lực hành vi dân sự.

Tuy nhiên, trẻ sơ sinh chưa thành niên nên tài sản được thừa kế của trẻ sơ sinh sẽ do người giám hộ của trẻ sơ sinh quản lý cho đến khi trẻ sơ sinh thành niên (có năng lực hành vi dân sự đầy đủ).

3. Trẻ sơ sinh được hưởng thừa kế có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?

Khoản 4 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định: “Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.”

Như vậy, khi trẻ sơ sinh được hưởng thừa kế thì không cần phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

5 / 5 ( 1 bình chọn )