BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7711 TC/TCT | Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2004 |
Kính gửi: | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị số 17/2004/CT-TTg ngày 24/5/2004 về việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); nhằm thực hiện tốt các quy định về quản lý nguồn vốn ODA, chính sách thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các dự án ODA, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung sau:
1. Về việc lập kế hoạch tài chính:
1.1. Khi lập kế hoạch tài chính theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2003/TTLT-BKH-BTC ngày 17/3/2003 của Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chủ dự án phải tính đủ các khoản thuế phát sinh đối với hàng hoá nhập khẩu và hàng hoá, dịch vụ mua trong nước để thực hiện dự án. Các loại thuế cần lưu ý khi lập kế hoạch tài chính bao gồm:
- Thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với hàng nhập khẩu (kể cả trường hợp chủ dự án trực tiếp nhập khẩu hoặc nhà thầu nhập khẩu nhưng chủ dự án cam kết trả thuế ở khâu nhập khẩu).
- Thuế GTGT đối với hàng hoá, dịch vụ mua tại Việt Nam.
- Riêng đối với các khoản thuế trực thu như thế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của nhà thầu và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của các cá nhân làm việc cho nhà thầu là các khoản thu đối với các đối tượng có thu nhập. Vì vậy, về nguyên tắc các khoản thuế nêu trên sẽ được kết cấu trong giá thầu của các nhà thầu hoặc chi phí tiền lương trả cho các cá nhân.
1.2. Khi phê duyệt dự án ODA, hoặc phê duyệt kết quả đấu thầu, các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu các chủ dự án phải tính đủ các khoản thuế theo quy định của Luật thuế hiện hành, phát sinh trong quá trình thực hiện của toàn bộ dự án để tính vào kế hoạch tài chính của dự án và kế hoạch vốn đối ứng. Hàng năm, chủ dự án phải tính số thuế phát sinh trong năm để lập vốn đối ứng.
Đối với các dự án sử dụng vốn ODA được NSNN cấp phát (bao gồm dự án được NSNN cấp phát toàn bộ; dự án được NSNN cấp phát một phần, một phần cho vay lại nhưng được phê duyệt trước ngày 29/5/2001- là ngày Nghị định số 17/2001/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức có hiệu lực thi hành), căn cứ hướng dẫn tại công văn này, các chủ dự án ký hợp đồng theo giá hợp đồng bao gồm GTGT và chủ động lập kế hoạch vốn đối ứng để có nguồn trả thuế GTGT nhằm giảm bớt các thủ tục như hoàn thuế GTGT, ghi tăng vốn NSNN cấp đối với số thuế GTGT được hoàn (kể cả số thuế nhà thầu chính được hoàn), tránh tình trạng phản ánh không chính xác giá trị vốn của dự án và gây thất thoát tiền vốn của NSNN.
2. Hoàn thuế GTGT:
Việc hoàn thuế GTGT đối với các dự án ODA viện trợ không hoàn lại và dự án ODA vay ưu đãi được NSNN cấp phát thực hiện theo hướng dẫn tại Điểm 3, Mục IV, Thông tư số 41/2002/TT-BTC ngày 3/5/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách thuế đối với các chương trình, dự án ODA, Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/2003/TT-BTC ngày 10.12.2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế GTGT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT và hướng dẫn bổ sung dưới đây:
2.1. Đối với dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại và dự án ODA vay ưu đãi được NSNN cấp phát, chủ dự án phải xác định đúng đối tượng được hoàn thuế GTGT và đối tượng nộp thuế GTGT trên cơ sở hợp đồng đã được phê duyệt, cụ thể: nếu hợp đồng đã ký và được phê duyệt bao gồm số thuế GTGT và chủ dự án không được cấp vốn để trả thuế GTGT thì chủ dự án thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT, nhà thầu chính nộp thuế GTGT theo quy định hiện hành; nếu hợp đồng đã ký và phê duyệt không bao gồm thuế GTGT thì chủ dự án không phải trả thuế GTGT và nhà thầu chính thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT.
2.2. Thủ tục, hồ sơ đăng ký mã số thuế để hoàn thuế GTGT thực hiện theo văn bản của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Quyết định số 75/1998/QĐ-TTg ngày 4/4/1998 của Thủ tướng Chính phủ quy định về mã số đối tượng nộp thuế.
Trường hợp trong thời gian đầu thực hiện dự án, do một số nguyên nhân khách quan, chủ dự án chưa đăng ký với cơ quan thuế để được cấp mã số thuế nhưng có mua một số hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho dự án thì số thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ ghi trên các hoá đơn chưa có mã số thuế của chủ dự án nhưng có tên người mua là dự án hoặc chủ dự án và đầy đủ nội dung khác của hoá đơn sẽ được hoàn lại nếu chủ dự án cam kết hàng hoá, dịch vụ mua vào để sử dụng cho dự án và cơ quan thuế kiểm tra đối chiếu xác minh bên cung cấp hàng hoá, dịch vụ đã kê khai nộp thuế đối với các hoá đơn nêu trên. Kể từ lần hoàn thuế tiếp theo, chủ dự án phải thực hiện hoàn thuế theo đúng quy định tại Thông tư số 41/2002/TT-BTC ngày 3/5/2002 và Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính.
2.3. Thủ tục, hồ sơ hoàn thuế GTGT thực hiện theo hướng dẫn tại Điểm 4, Mục II, phần D Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính quy định chi tiết thi hành Luật thuế GTGT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT.
- Khi nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế cho cơ quan thuế, các chủ dự án phải gửi kèm xác nhận của Kho bạc Nhà nước về việc không được NSNN cấp vốn đối ứng để trả thuế GTGT.
- Đối với dự án sử dụng vốn ODA vay ưu đãi được NSNN cấp phát, hồ sơ hoàn thuế GTGT cho nhà thầu chính phải có xác nhận hoàn thuế GTGT của chủ dự án như hướng dẫn tại công văn số 06 TC/TCT ngày 2/1/2004 của Bộ Tài chính.
2.4. Thời hạn kê khai để hoàn thuế GTGT: Hàng tháng, Chủ dự án hoặc nhà thầu chính thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT phải kê khai khoản thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào phục vụ cho việc thực hiện các dự án ODA hoặc phục vụ cho việc thực hiện hợp đồng ký giữa chủ dự án và các nhà thầu chính. Trường hợp hoá đơn GTGT, chứng từ nộp thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ mua vào phát sinh trong tháng nhưng chưa kê khai kịp trong tháng thì được kê khai vào các tháng tiếp theo sau, thời gian tối đa là 03 tháng kể từ thời điểm kê khai của tháng phát sinh. Các hoá đơn, chứng từ nộp thuế GTGT kê khai chậm (quá thời hạn 3 tháng) sẽ không được hoàn thuế GTGT mà tính vào chi phí đầu tư của các dự án hoặc chi phí kinh doanh của nhà thầu.
2.5. Trường hợp chủ dự án đã được cấp vốn đối ứng để trả thuế GTGT thì chủ dự án không được hoàn thuế GTGT. Trường hợp đã được cấp vốn đối ứng để trả thuế GTGT nhưng đã làm thủ tục và đã được hoàn thuế GTGT thì chủ dự án phải nộp lại NSNN số thuế GTGT đã được hoàn theo hướng dẫn tại Thông tư số 42/2001/TT-BTC ngày 12/6/2001 của Bộ Tài chính, Cơ quan thuế khi kiểm tra xác định số thuế GTGT được hoàn của chủ dự án phải kiểm tra việc NSNN cấp vốn cho chủ dự án căn cứ theo Xác nhận của Kho bạc Nhà nước.
Các Cục thuế địa phương gửi danh sách của các chủ dự án, nhà thầu chính đã được hoàn thuế GTGT theo mẫu đính kèm công văn này tới cơ quan Kho bạc Nhà nước cùng cấp và cơ quan Kho bạc Nhà nước trung ương. Căn cứ danh sách đối tượng được hoàn thuế GTGT, cơ quan Kho bạc Nhà nước rà soát, đối chiếu và xác định số thuế GTGT chủ dự án phải nộp lại NSNN, đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan yêu cầu chủ dự án nộp lại NSNN như hướng dẫn tại Thông tư số 42/2001/TT-BTC.
2.6. Đối với các dự án ODA vay được NSNN cấp phát, việc hạch toán vốn của dự án được xác định như sau:
- Đối với dự án đã được cấp vốn đối ứng để trả thuế GTGT thì giá trị vốn của dự án là giá bao gồm thuế GTGT.
- Đối với dự án không được cấp vốn đối ứng để trả thuế GTGT thì giá trị vốn của dự án là giá trị không bao gồm thuế GTGT và số thuế GTGT được hoàn (kể cả số thuế nhà thầu chính được hoàn).
Đối với những dự án đã được hoàn thuế GTGT nhưng chủ dự án chưa làm thủ tục ghi tăng vốn NSNN cấp phát như hướng dẫn tại Thông tư số 42/2001/TT-BTC thì chủ dự án phải lập bảng kê tổng hợp toàn bộ số thuế GTGT đã được hoàn, bản sao các quyết định hoàn thuế gửi Bộ Tài chính (Vụ Đầu tư) để làm thủ tục ghi tăng vốn NSNN cấp phát.
2.7. Quyết định hoàn thuế GTGT thực hiện theo mẫu số 13/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính.
Đối với dự án ODA vay được NSNN cấp phát, khi ban hành Quyết định hoàn thuế GTGT, Cục thuế phải gửi thêm 1 bản Quyết định hoàn thuế GTGT đối với dự án (kể cả trường hợp hoàn thuế GTGT cho nhà thầu chính) cho chủ dự án và Bộ Tài chính (Vụ Đầu tư) để thực hiện ghi tăng vốn đầu tư cho dự án theo hướng dẫn tại Thông tư 42/2001/TT-BTC.
2.8. Các dự án sử dụng vốn ODA vay được NSNN cho vay lại, kể cả các dự án được NSNN cấp phát một phần, một phần cho vay lại được phê duyệt từ ngày 29/5/2001 (là ngày Nghị định số 17/2001/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) thực hiện khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào phát sinh trong quá trình thực hiện dự án theo hướng dẫn tại Thông tư số 122/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 và Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính.
3. Thuế đối với nhà thầu nước ngoài thực hiện dự án ODA:
3.1. Khi ký hợp đồng với các nhà thầu, chủ dự án phải tính đủ các loại thuế phải nộp để xác định được đúng giá trị hàng hoá, dịch vụ do các nhà thầu cung cấp để tránh xảy ra tranh chấp khi phát sinh các nghĩa vụ về thuế trong quá trình thực hiện hợp đồng.
3.2. Chủ dự án có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn các nhà thầu nước ngoài về việc thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.
- Đối với nhà thầu nước ngoài thực hiện chế độ kế toán Việt Nam: nhà thầu trực tiếp thực hiện nghĩa vụ thuế đối với cơ quan thuế. Chủ dự án không phải khấu trừ và nộp thuế thay nhà thầu nước ngoài.
- Đối với nhà thầu nước ngoài không thực hiện chế độ kế toán Việt Nam: Chủ dự án có trách nhiệm khấu trừ thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của các nhà thầu nước ngoài (đặc biệt là các nhà thầu tư vấn), trước khi thanh toán cho nhà thầu nước ngoài. Nếu giá hợp đồng ký giữa nhà thầu và chủ dự án không bao gồm thuế GTGT và nhà thầu chính thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT thì chủ dự án thực hiện khấu trừ và nộp thuế TNDN thay cho nhà thầu nước ngoài.
3.3. Trường hợp điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định miễn thuế TNDN đối với các nhà thầu của nước tài trợ tham gia thực hiện một dự án ODA cụ thể thì các nhà thầu nước ngoài này được miễn thuế TNDN.
Để được miễn thuế TNDN, nhà thầu nước ngoài (trực tiếp nộp thuế) hoặc chủ dự án (trường hợp nộp thuế thay nhà thầu nước ngoài) phải cung cấp cho cơ quan thuế theo Hiệp định về việc tài trợ ODA trong đó có quy định về việc miễn thuế TNDN (bản sao có chữ ký, đóng dấu của đại diện có thẩm quyền).
Ví dụ: Tại công hàm trao đổi giữa đại diện Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản liên quan đến thực hiện một dự án sử dụng ODA do Chính phủ Nhật Bản tài trợ có quy định:
"The Government of the Socialist Republic of Viet Nam will exempt: Japanesse companies operating as suppliers, contractor, and/or consultanst from all fiscal liveies or taxes imposed in the Socialist Republic of Viet Nam on the income accruing from the supply of producst and/or services tobe provided under the Loan".
"Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ miễn cho các Công ty Nhật Bản hoạt động với tư cách là nhà cung cấp, nhà thầu và/hoặc nhà tư vấn tất cả các khoản thuế và phí tài chính tại Việt Nam đối với thu nhập phát sinh từ việc cung cấp hàng hoá, dịch vụ theo quy định của khoản vay".
Như vậy, với quy định tại công hàm trao đổi như nêu trên các Công ty Nhật Bản sẽ được miễn thuế TNDN đối với thu nhập từ việc cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho dự án sử dụng vốn ODA đó. Tuy nhiên, các Công ty của các nước khác như Hà Lan, Thuỵ Sĩ hoặc công ty 100% vốn đầu tư của Nhật Bản đầu tư theo Luật ĐTNN tại Việt Nam... ký hợp đồng cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho chủ dự án sử dụng vốn ODA nêu trên sẽ không được miễn thuế TNDN.
4. Thuế thu nhập cá nhân (TNCN):
4.1. Chủ dự án có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế TNDN thay cho các cá nhân người Việt Nam, người nước ngoài làm việc cho Ban quản lý dự án. Ngoài ra, Chủ dự án có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn các cá nhân người Việt Nam, người nước ngoài làm việc cho các nhà thầu nước ngoài về việc thực hiện nghĩa vụ thuế TNCN tại Việt Nam đồng thời thông báo cho cơ quan thuế nơi các nhà thầu này có văn phòng điều hành hoặc có công trình xây dựng để phối hợp quản lý và thu thuế TNDN.
4.2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định miễn thuế TNCN đối với các cá nhân người nước ngoài làm việc cho các nhà thầu tham gia thực hiện một dự án ODA thì các cá nhân người nước ngoài này được miễn thuế TNDN.
Để được miễn thuế TNCN, cá nhân người nước ngoài hoặc cơ quan chi trả thu nhập phải cung cấp cho cơ quan thuế bảo sao Hiệp định về việc tài trợ ODA trong đó có quy định về việc miễn thuế TNCN (bản sao có chữ ký, đóng dấu của đại diện có thẩm quyền).
Ví dụ: Công hàm trao đổi giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản có quy định:
"The Government of the Socialist Republic of Viet Nam will exempt: Japanese employees engagedin the implementation of the projects enumerated in the List or engeged in the supply of services mentioned in subparagraph (1) (b) of paragraph 3 of Part II from all fiscat levies or taxes imposed imposed in the Socialist Republic of Viet Nam on their personal income derived from Japanese companies operating as supplier, contractors and/or consultants".
"Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ miễn cho các người làm công Nhật Bản tham gia thực hiện dự án được liệt kê trong Danh sách hoặc tham gia cung cấp các dịch vụ được quy định tại Tiết 1.b, Khoản 3 của Phần II tất cả các khoản phí tài chính hoặc thuế tại Việt Nam đối với thu nhập cá nhân phát sinh từ các công ty Nhật Bản hoạt động với tư cách là nhà cung cấp, nhà thầu và/ hoặc nhà tư vấn"
Như vậy, các cá nhân Nhật Bản làm việc cho nhà thầu Nhật Bản tham gia thực hiện một trong các dự án có trong Danh sách (Danh sách các dự án đính kèm theo công hàm trao đổi) được miễn thuế TNCN đối với thu nhập phát sinh từ việc tham gia thực hiện dự án đó. Trường hợp các cá nhân này có thu nhập cá nhân khác thuộc đối tượng chịu thuế TNCN, ngoài thu nhập thực hiện từ dự án, hoặc các cá nhân người nước ngoài khác không mang quốc tịch Nhật Bản có thu nhập từ thực hiện các dự án đó thì thực hiện nộp thuế TNCN theo quy định của pháp luật về thuế TNCN hiện hành.
4.3. Các chuyên gia nước ngoài được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy xác nhận là chuyên gia nước ngoài tham gia thực hiện chương trình, dự án ODA được miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ việc thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn ODA tại Việt Nam. Thủ tục, hồ sơ để được miễn thuế TNCN thực hiện như hướng dẫn tại Thông tư số 52/2000/TT-BTC ngày 5/6/2000 của Bộ Tài chính. Các chuyên gia nước ngoài có thu nhập khác ngoài thu nhập từ việc tham gia thực hiện chương trình, dự án ODA phải nộp thuế thu nhập theo quy định của Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
5. Quản lý tài chính và quản lý thuế đối với dự án sử dụng vốn ODA:
Để tăng cường việc quản lý tài chính và quản lý thuế đối với các dự án sử dụng vốn ODA, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các dự án ODA căn cứ các văn bản hướng dẫn hiện hành và hướng dẫn tại công văn này chỉ đạo các Ban quản lý dự án phối hợp với các Cục thuế địa phương, Sở Tài chính địa phương tổ chức tốt việc thực hiện chính sách thuế, chính sách tài chính đối với các dự án ODA như sau:
- Các Cục thuế địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các quy định về thuế áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn ODA cho các chủ dự án, nhà thầu tham gia thực hiện dự án tại các địa phương (theo danh sách các dự án ODA đính kèm). Chủ động tổ chức các lớp tập huấn cho các chủ dự án, nhà thầu, cán bộ thuế hướng dẫn về việc áp dụng chính sách thuế và hoàn thuế GTGT đối với các dự án sử dụng vốn ODA.
- Tăng cường kiểm tra, quyết toán thuế đối với các nhà thầu nước ngoài tham gia thực hiện dự án ODA. Đối với các đối tượng được hoàn thuế GTGT, các Cục thuế tổ chức thanh tra sau hoàn thuế hoặc kiểm tra trước hoàn thuế khi các nhà thầu nước ngoài kết thúc hợp đồng ký với chủ dự án ODA để kịp thời xử lý các sai phạm (nếu có).
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, cơ quan Kho bạc phối hợp với cơ quan thuế trong việc quản lý và hạch toán vốn NSNN đối với số thuế GTGT được hoàn (bao gồm số thuế chủ dự án được hoàn và số thuế nhà thầu chính được hoàn).
- Chủ dự án ODA phải gửi các báo cáo định kỳ (báo cáo tháng, báo cáo quý, báo cáo năm và báo cáo kết thúc) cho cơ quan thuế như hướng dẫn tại Thông tư 41/2002/TT-BTC để phối hợp quản lý việc thực hiện của các dự án ODA.
- Các Cục thuế tổng hợp các vướng mắc trong quá trình quản lý thuế, hoàn thuế GTGT đối với các dự án sử dụng vốn ODA và gửi kèm báo cáo về tình hình thực hiện hoàn thuế GTGT theo mẫu đính kèm (Báo cáo theo từng năm kể từ khi bắt đầu thực hiện hoàn thuế GTGT) về Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) trước ngày 30/7/2004.
Để đẩy nhanh việc giải ngân ODA, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn ODA, đề nghị các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các địa phương chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát và có biện pháp quản lý để tăng cường quản lý vốn NSNN cấp cho các dự án, chỉ đạo các Ban quản lý dự án thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc về việc cấp vốn đối ứng, thực hiện các thủ tục cấp phát vốn NSNN, hoàn thuế GTGT... đề nghị thông báo vê Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết kịp thời./.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
BÁO CÁO VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN HOÀN THUẾ GTGT NĂM.........
Đơn vị: VND
STT | Đối tượng được hoàn thuế GTGT | Quyết định số | Ngày | Số thuế được hoàn | Đã kiểm tra sau hoàn | Ghi chú |
| Dự án A: |
|
|
|
|
|
| Tổng cộng |
|
|
|
|
|
File gốc của Công văn số 7711 TC/TCT ngày 13/07/2004 của Bộ Tài chính về việc tăng cường quản lý thuế và quản lý tài chính đối với dự án sử dụng vốn ODA đang được cập nhật.
Công văn số 7711 TC/TCT ngày 13/07/2004 của Bộ Tài chính về việc tăng cường quản lý thuế và quản lý tài chính đối với dự án sử dụng vốn ODA
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Số hiệu | 7711TC/TCT |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Trương Chí Trung |
Ngày ban hành | 2004-07-13 |
Ngày hiệu lực | 2004-07-13 |
Lĩnh vực | Đầu tư |
Tình trạng | Còn hiệu lực |