Nhiệm vụ quyền hạn của hội nhà báo
Nhiệm vụ quyền hạn của Hội Nhà báo được nêu trong Quyết định 375/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam
1. Hội Nhà báo là gì?
Hội nhà báo Việt Nam được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Báo chí 2016 như sau: Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội.
Đồng thời được quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định 375/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam như sau: Hội Nhà báo Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hội) là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.
2. Nhiệm vụ Hội Nhà báo mới nhất
Nhiệm vụ của Hội Nhà báo mới nhất được quy định tại Điều 6 Quyết định 375/QĐ-TTg như sau:
– Xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả theo quy định của pháp luật về báo chí, Điều lệ Hội và các quy định pháp luật có liên quan.
– Tham gia giám sát việc tuân theo pháp luật về báo chí; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
– Phản ánh, tư vấn, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển đối với báo chí và người làm báo, văn bản quy phạm pháp luật về báo chí.
– Tổ chức giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ và công tác hội cho hội viên.
– Đề nghị các cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức Hội, hội viên.
– Hội phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và cơ quan chủ quản các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương trong hoạt động báo chí theo quy định pháp luật; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí.
– Tham gia, phối hợp hoạt động báo chí với tổ chức nước ngoài và tổ chức quốc tế có liên quan đến báo chí theo quy định pháp luật; hợp tác và tham gia các tổ chức báo chí trong khu vực và quốc tế theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
– Tham gia thẩm định sản phẩm báo chí và thực hiện các nhiệm vụ khác khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Khen thưởng, kỷ luật tổ chức Hội, hội viên theo quy định pháp luật và Điều lệ Hội.
– Tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật để phục vụ hoạt động của Hội.
– Hằng năm, Hội Nhà báo Việt Nam báo cáo tình hình hoạt động của Hội với Bộ Nội vụ và bộ, ngành quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà hội hoạt động theo quy định pháp luật.
3. Quyền hạn của Hội Nhà báo mới nhất
Quyền hạn của Hội Nhà báo mới nhất được quy định tại Điều 7 Quyết định 375/QĐ-TTg, cụ thể bao gồm:
– Đề xuất với Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành có liên quan về chủ trương chính sách và cơ chế phát triển báo chí.
– Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.
– Ban hành và tổ chức thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
– Tổ chức các hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức các giải báo chí để tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí chất lượng cao, có hiệu quả xã hội tích cực theo quy định pháp luật. Tuyển chọn các tác phẩm báo chí xuất sắc để tham gia các cuộc thi báo chí trong nước và quốc tế.
– Đề xuất khen thưởng tổ chức, cá nhân thuộc Hội, các cơ quan báo chí có thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí theo quy định pháp luật.
– Thành lập các tổ chức có tư cách pháp nhân trực thuộc Hội hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích, Điều lệ Hội và theo quy định của pháp luật.