Skip to content
  • Giới thiệu
  • Bảng giá
  • Hướng dẫn sử dụng
  • English
Dữ Liệu Pháp LuậtDữ Liệu Pháp Luật
    • Văn bản mới
    • Chính sách mới
    • Tin văn bản
    • Kiến thức luật
    • Biểu mẫu
  • -
Trang chủ » Văn bản pháp luật » Y tế » Thông tư 03/2012/TT-BYT
  • Nội dung
  • Bản gốc
  • VB liên quan
  • Tải xuống
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 03/2012/TT-BYT

Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2012

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VỀ THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG

Căn cứ Luật Dược ngày 14/06/2005 và Nghị định số 79/2006/NĐ-CP ngày 09/08/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược;

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế,

Bộ Y tế hướng dẫn về thử thuốc trên lâm sàng như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn về thuốc phải thử lâm sàng, miễn thử lâm sàng, miễn một số giai đoạn thử lâm sàng; điều kiện thử thuốc trên lâm sàng; đăng ký, thẩm định, phê duyệt thử thuốc trên lâm sàng, các giai đoạn thử thuốc trên lâm sàng; quyền và nghĩa vụ của các đối tượng liên quan; giám sát, kiểm tra, nghiệm thu đánh giá kết quả thử thuốc trên lâm sàng ở Việt Nam phục vụ cho việc nghiên cứu, cho phép lưu hành các loại thuốc hóa dược, sinh phẩm y tế, vắc xin và thuốc đông y, thuốc từ dược liệu sử dụng trong chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh trực tiếp trên người (sau đây được gọi chung là thuốc).

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nước tham chiếu là một trong các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Canada hoặc Cơ quan quản lý các sản phẩm y tế của Châu Âu (European Medicines Agency - EMA).

2. Nghiên cứu đa trung tâm là một thử nghiệm lâm sàng được tiến hành ở hai trung tâm nghiên cứu trở lên để bảo đảm tính phổ quát về số lượng người tham gia thử thuốc trên lâm sàng, các yếu tố nhân khẩu học hoặc nhân chủng học đa dạng hơn.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng là những cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức năng nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, phân phối thuốc có nhu cầu thử thuốc của mình trên lâm sàng.

4. Tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng là các cơ sở y tế có chức năng nghiên cứu khoa học, có đủ điều kiện về nhân lực chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc thực hiện thử thuốc trên lâm sàng và được Bộ Y tế thẩm định, cho phép.

5. Người tham gia thử thuốc trên lâm sàng là người bệnh hoặc người tình nguyện khoẻ mạnh tự nguyện tham gia vào nghiên cứu.

6. Tổ chức nghiên cứu lâm sàng (Contract Research Orgnization: CRO) là tổ chức có tư cách pháp nhân, có năng lực chuyên môn phù hợp theo quy định của Bộ Y tế, độc lập với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng, được tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng ký hợp đồng để thực hiện các công việc hỗ trợ cho nghiên cứu như viết đề cương nghiên cứu, giám sát nghiên cứu, phân tích dữ liệu.

7. Tổ chức quản lý địa điểm nghiên cứu (Site Management Organization: SMO) là tổ chức có tư cách pháp nhân, đủ năng lực theo quy định của Bộ Y tế, độc lập với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng, tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng được tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng hoặc tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng ký hợp đồng để thực hiện các công việc hỗ trợ cho việc quản lý địa điểm nghiên cứu.

8. Dữ liệu lâm sàng nước ngoài là phương pháp, kết quả nghiên cứu lâm sàng đã được thực hiện ở nước ngoài.

9. Yếu tố chủng tộc là các yếu tố liên quan đến nhóm dân cư lớn có chung các đặc tính về di truyền, văn hóa, tập quán và môi trường sống.

10. Các quy định quốc tế về thử thuốc trên lâm sàng được Bộ Y tế công nhận là các hướng dẫn thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng của khối các khu vực nằm trong Hội nghị hài hoà quốc tế về sử dụng dược phẩm trên người (ICH) và hướng dẫn thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng (Good Clinical Practice - GCP) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Điều 3. Nguyên tắc thử thuốc trên lâm sàng

1. Việc thử thuốc trên lâm sàng phải theo đúng quy định của Thông tư này, các quy định của pháp luật về khoa học công nghệ, thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Người tham gia thử thuốc trên lâm sàng phải được tuyển chọn theo đúng các nguyên tắc về đạo đức trong nghiên cứu y sinh học.

Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Thử thuốc trên lâm sàng khi chưa được phép của Bộ Y tế.

2. Tự ý sửa đổi, bổ sung nội dung hồ sơ, đề cương nghiên cứu đã được Bộ Y tế phê duyệt.

3. Sử dụng thuốc thử lâm sàng vào các mục đích khác.

4. Ép buộc đối tượng tham gia nghiên cứu hoặc che dấu thông tin hoặc không cung cấp thông tin theo quy định dành cho người tham gia nghiên cứu.

Chương II

CÁC THUỐC PHẢI THỬ LÂM SÀNG, MIỄN THỬ LÂM SÀNG VÀ MIỄN MỘT SỐ GIAI ĐOẠN THỬ LÂM SÀNG

Điều 5. Thuốc phải thử lâm sàng đầy đủ các giai đoạn

1. Đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm y tế:

a) Thuốc hóa dược chứa dược chất mới, thuốc có sự kết hợp mới của các dược chất đã lưu hành.

b) Sinh phẩm y tế lần đầu tiên được phát minh hoặc có sự kết hợp mới của các thành phần đã được lưu hành.

c) Thuốc hóa dược, sinh phẩm y tế nước ngoài đã được lưu hành hợp pháp nhưng chưa đủ 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép).

d) Thuốc hóa dược, sinh phẩm y tế đã thử lâm sàng trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa đáp ứng các quy định về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng của Bộ Y tế hoặc các hướng dẫn của quốc tế về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng được Bộ Y tế công nhận.

2. Đối với vắc xin:

a) Vắc xin mới được nghiên cứu, sản xuất và lần đầu tiên được sử dụng.

b) Vắc xin nước ngoài đã được lưu hành hợp pháp nhưng chưa đủ 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép).

c) Vắc xin đã thử lâm sàng trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa đáp ứng các quy định về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng của Bộ Y tế hoặc các hướng dẫn của quốc tế về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng được Bộ Y tế công nhận.

3. Đối với thuốc đông y, thuốc từ dược liệu:

a) Thuốc có chứa dược liệu mới lần đầu sử dụng trên người.

b) Thuốc đã thử lâm sàng trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa đáp ứng các quy định về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng của Bộ Y tế hoặc các hướng dẫn của quốc tế về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng được Bộ Y tế công nhận.

Điều 6. Thuốc miễn thử lâm sàng

1. Đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm y tế:

a) Thuốc hóa dược mang tên gốc (thuốc generic).

b) Thuốc nước ngoài chưa được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng đã được lưu hành hợp pháp ít nhất 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép) và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước đó xác nhận là an toàn và hiệu quả, có cùng đường dùng, hàm lượng và có chỉ định ở Việt Nam giống như chỉ định ở nước đó.

c) Thuốc nước ngoài đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, nhưng có thay đổi hoặc bổ sung về chỉ định mới, đường dùng mới, dạng bào chế mới giống như chỉ định, đường dùng, dạng bào chế của thuốc đó đã được lưu hành hợp pháp ít nhất 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép).

2. Đối với vắc xin:

a) Vắc xin nước ngoài đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam còn hiệu lực, được nhập khẩu vào Việt Nam để hoàn thành giai đoạn dán nhãn, vào hộp.

b) Vắc xin đăng ký lại tại Việt Nam do hết hiệu lực số đăng ký và không có bất kỳ thay đổi nào.

3. Đối với thuốc đông y, thuốc từ dược liệu:

a) Các bài thuốc đông y được Bộ Y tế công nhận.

b) Thuốc đông y, thuốc từ dược liệu nước ngoài chưa được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng đã được lưu hành hợp pháp ít nhất 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép) và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước đó xác nhận là an toàn và hiệu quả, có cùng đường dùng, hàm lượng và có chỉ định ở Việt Nam giống như chỉ định ở nước đó.

Điều 7. Thuốc miễn một số giai đoạn thử lâm sàng

1. Đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm y tế:

Thuốc nước ngoài đã có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng có thay đổi hoặc bổ sung về chỉ định mới, đường dùng mới, dạng bào chế mới khác với chỉ định, đường dùng, dạng bào chế của thuốc đang được lưu hành hợp pháp ít nhất 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép) phải thực hiện:

a) Thử lâm sàng đánh giá về tính an toàn;

b) Thử lâm sàng đánh giá về tính hiệu quả trong trường hợp chưa thử lâm sàng đánh giá về tính hiệu quả hoặc đã thử lâm sàng đánh giá về tính hiệu quả nhưng chưa đáp ứng các quy định về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng của Bộ Y tế hoặc các hướng dẫn của quốc tế về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng được Bộ Y tế công nhận.

2. Đối với vắc xin:

a) Thử lâm sàng đánh giá về tính an toàn đối với:

- Vắc xin nước ngoài chưa được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, đã được lưu hành hợp pháp ít nhất 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép) và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước đó xác nhận là an toàn và hiệu quả, có cùng đường dùng, hàm lượng và có chỉ định ở Việt Nam giống như chỉ định ở nước đó.

- Vắc xin sản xuất tại Việt Nam được làm từ sản phẩm chờ đóng gói nhập khẩu từ nước ngoài mà thành phẩm của vắc xin đó đã được lưu hành hợp pháp ít nhất 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép).

- Vắc xin đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng thay đổi hoặc bổ sung tá dược, chất bảo quản, thay đổi cơ sở sản xuất (không thay đổi quy trình sản xuất).

b) Thử lâm sàng đánh giá về tính an toàn và tính sinh miễn dịch ở giai đoạn 3 đối với:

- Vắc xin nước ngoài đã được lưu hành hợp pháp ít nhất 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép) chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam.

- Vắc xin sản xuất tại Việt Nam được làm từ sản phẩm trung gian nhập khẩu mà thành phẩm của vắc xin đó đã được lưu hành hợp pháp ít nhất 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép).

- Vắc xin đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng thay đổi hoặc bổ sung một trong những nội dung: quy trình sản xuất, dạng bào chế, chỉ định, đối tượng sử dụng (lứa tuổi, giới tính, chủng tộc), đường dùng, liều dùng, lịch tiêm chủng.

3. Đối với thuốc đông y, thuốc từ dược liệu:

Thử lâm sàng đánh giá về tính an toàn đối với thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam và các bài thuốc đông y được Bộ Y tế công nhận nhưng có thay đổi hoặc bổ sung về chỉ định, đường dùng, công thức, dạng bào chế khác với chỉ định, đường dùng, công thức, dạng bào chế của thuốc đã được lưu hành hợp pháp ít nhất 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép).

Điều 8. Thử thuốc trên lâm sàng trong một số trường hợp đặc biệt, khẩn cấp liên quan đến an ninh sức khỏe

Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định miễn một số giai đoạn thử thuốc trên lâm sàng trên cơ sở tư vấn của Hội đồng Tư vấn cấp số đăng ký lưu hành thuốc và Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học - Bộ Y tế đối với các trường hợp sau:

1. Thuốc dùng trong các trường hợp đặc biệt, khẩn cấp liên quan đến an ninh sức khỏe gồm:

a) Thuốc hóa dược, sinh phẩm y tế, vắc xin đã được lưu hành hợp pháp nhưng chưa đủ 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép), đã có dữ liệu thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm được tiến hành tại Việt Nam và Châu Á, kết quả nghiên cứu chứng minh đạt an toàn và hiệu quả, có cùng hàm lượng, chỉ định và đường dùng ở Việt Nam giống như chỉ định ở nước đó.

b) Thuốc hóa dược, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu đáp ứng yêu cầu điều trị đặc biệt, thuộc danh mục thuốc hiếm do Bộ Y tế ban hành, có dạng bào chế đặc biệt trong nước chưa sản xuất được, chưa có thuốc thay thế mà không có thuốc đó sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, chưa được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, đã được lưu hành hợp pháp nhưng chưa đủ 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép) và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước đó xác nhận là an toàn và hiệu quả, có cùng đường dùng, hàm lượng và có chỉ định ở Việt Nam giống như chỉ định ở nước đó.

c) Vắc xin dùng để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh hoặc các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao, chưa được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, đã được lưu hành hợp pháp nhưng chưa đủ 05 năm tại nước xuất xứ (hoặc nước tham chiếu nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép) và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước đó xác nhận là an toàn và hiệu quả, có cùng đường dùng, hàm lượng và có chỉ định ở Việt Nam giống như chỉ định ở nước đó.

2. Thuốc đã có kết quả nghiên cứu từ các công trình, đề tài nghiên cứu cấp Bộ hoặc tương đương trở lên được thực hiện trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực mà đã thực hiện theo đúng quy định của Thông tư này và các hướng dẫn về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng, được hội đồng khoa học công nghệ cấp Bộ hoặc tương đương trở lên nghiệm thu đánh giá đạt yêu cầu và đề nghị cho phép áp dụng rộng rãi.

Chương III

ĐIỀU KIỆN VỀ THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG

Điều 9. Điều kiện về thuốc thử lâm sàng

Thuốc thử lâm sàng phải bảo đảm các yêu cầu sau:

1. Đã được nghiên cứu ở giai đoạn tiền lâm sàng, có các tài liệu chứng minh tính an toàn để có thể thử nghiệm các giai đoạn tiếp theo.

2. Có công thức, dạng bào chế và quy trình bào chế ổn định.

3. Có kết quả nghiên cứu thử lâm sàng các giai đoạn trước nếu đề nghị thử thuốc trên lâm sàng giai đoạn tiếp theo.

4. Đạt tiêu chuẩn chất lượng theo hồ sơ đăng ký thử thuốc trên lâm sàng.

5. Nhãn thuốc thử lâm sàng có dòng chữ “Sản phẩm dùng cho thử lâm sàng. Cấm dùng cho mục đích khác”.

Điều 10. Điều kiện về hồ sơ thử thuốc trên lâm sàng

Hồ sơ đăng ký thử thuốc trên lâm sàng bằng tiếng Việt (01 bản gốc có chữ ký, đóng dấu hợp pháp và 03 bản sao) gồm:

1. Đơn đề nghị thử thuốc trên lâm sàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng (Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Hồ sơ sản phẩm dành cho nghiên cứu viên bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng Anh kèm theo bản tóm tắt bằng tiếng Việt (Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này).

3. Đơn đề nghị thẩm định, xét duyệt đề cương nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng của tổ chức nhận thử (Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này).

4. Hợp đồng hợp tác nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử và tổ chức nhận thử và hợp đồng hợp tác giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử với tổ chức nghiên cứu lâm sàng, tổ chức quản lý địa điểm nghiên cứu nếu có (Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này).

5. Thuyết minh đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).

6. Lý lịch khoa học và Giấy chứng nhận về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng của nghiên cứu viên chính/ chủ nhiệm đề tài do Bộ Y tế hoặc do các tổ chức được Bộ Y tế công nhận cấp.

7. Bản cung cấp thông tin về nghiên cứu và phiếu tình nguyện tham gia nghiên cứu (Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này).

8. Biên bản đánh giá về mặt khoa học và đạo đức trong nghiên cứu của hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp cơ sở (tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng).

9. Văn bản xác nhận tham gia của các tổ chức nghiên cứu đối với nghiên cứu đa trung tâm tại Việt Nam.

10. Văn bản chấp thuận tham gia nghiên cứu của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các nghiên cứu tại thực địa.

11. Các tài liệu về thuốc thử lâm sàng, gồm:

a) Tài liệu nghiên cứu về thuốc: thành phần công thức, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, phiếu kiểm nghiệm thuốc (đối với thuốc hóa dược, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu: phiếu kiểm nghiệm của cơ quan kiểm nghiệm thuốc trung ương hoặc của nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP); đối với vắc xin: phiếu kiểm nghiệm chất lượng của cơ quan kiểm định quốc gia hoặc chứng nhận xuất xưởng đối với lô vắc xin, sinh phẩm của cơ quan quản lý thuốc quốc gia nước sở tại).

b) Tài liệu nghiên cứu tiền lâm sàng của thuốc cần thử: các báo cáo nghiên cứu về tác dụng dược lý, độc tính, tính an toàn, đề xuất về liều dùng, đường dùng, cách sử dụng.

c) Tài liệu nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng các giai đoạn trước (nếu đề nghị thử thuốc trên lâm sàng ở giai đoạn tiếp theo).

12. Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận sản phẩm (CPP) hoặc giấy phép lưu hành thuốc (FSC) và giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với các thuốc đề nghị nghiên cứu thử lâm sàng đánh giá về tính an toàn, thử lâm sàng giai đoạn 4.

13. Nhãn thuốc nghiên cứu theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Thông tư này và ảnh chụp mẫu thuốc nghiên cứu.

Điều 11. Điều kiện của tổ chức nhận thử, nghiên cứu viên chính và nghiên cứu viên tham gia thử thuốc trên lâm sàng

1. Tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng phải đạt các tiêu chí về thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng (GCP); độc lập về kinh tế, tổ chức nhân sự đối với cá nhân, tổ chức có thuốc thử trên lâm sàng và cam kết thực hiện thử nghiệm lâm sàng hoàn toàn không có bất kỳ xung đột lợi ích nào giữa các bên tham gia.

2. Nghiên cứu viên chính thử thuốc trên lâm sàng phải là người có trình độ kiến thức sâu về chuyên ngành, kinh nghiệm lâm sàng, năng lực thực hành bảo đảm các nguyên tắc thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng, nắm vững các quy định thử thuốc trên lâm sàng, có khả năng triển khai thực hiện đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt đầy đủ, đúng tiến độ, có giấy chứng nhận GCP do Bộ Y tế hoặc do các tổ chức được Bộ Y tế công nhận cấp.

3. Nghiên cứu viên phải là người có kiến thức chuyên ngành phù hợp, được tập huấn về những nội dung và kỹ năng cần thiết để thực hiện nghiên cứu, có giấy chứng nhận GCP do Bộ Y tế hoặc do các tổ chức được Bộ Y tế công nhận cấp.

Điều 12. Điều kiện của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng

1. Người tham gia thử thuốc trên lâm sàng phải là người tình nguyện, đáp ứng yêu cầu chuyên môn và phải ký cam kết với tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng, trừ trường hợp người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có năng lực hành vi dân sự.

2. Trường hợp người tham gia thử thuốc trên lâm sàng chưa đủ 18 tuổi, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có năng lực hành vi dân sự thì phải được sự đồng ý của người đại diện theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp người thử thuốc trên lâm sàng là phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú: Hồ sơ nghiên cứu phải nêu rõ lý do tuyển chọn đối tượng này và phải được sự phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Y tế trên cơ sở xem xét, thẩm định đề cương nghiên cứu về tính khoa học, tính đạo đức của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học - Bộ Y tế.

Điều 13. Điều kiện về kinh phí thử thuốc lâm sàng

1. Kinh phí phải được cấp đủ để hoàn thành các hoạt động trong toàn bộ quá trình thử thuốc trên lâm sàng (bao gồm các mục: kinh phí triển khai nghiên cứu; kinh phí quản lý, giám sát, thanh tra) do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc cần thử lâm sàng cung cấp thể hiện bằng hợp đồng nghiên cứu giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử và tổ chức nhận thử lâm sàng.

2. Đối với các thuốc nghiên cứu do các chương trình, đề tài sử dụng ngân sách nhà nước hoặc đề tài hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cấp kinh phí, chủ nhiệm và tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng cần dự trù kinh phí thử nghiệm lâm sàng trong tổng kinh phí được cấp cho nghiên cứu.

3. Tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng và nghiên cứu viên chính có trách nhiệm quản lý kinh phí được giao để chi cho việc nghiên cứu đúng nội dung và định mức chi theo quy định của pháp luật hoặc hợp đồng đã ký kết giữa hai bên.

Chương IV

ĐĂNG KÝ, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT NGHIÊN CỨU THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG

Điều 14. Đăng ký nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng nộp hồ sơ đăng ký bao gồm các tài liệu quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 10 Thông tư này về Bộ Y tế.

2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký, Bộ Y tế có văn bản trả lời làm cơ sở cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng triển khai các bước tiếp theo.

Điều 15. Xây dựng hồ sơ nghiên cứu

Căn cứ vào văn bản chấp thuận của Bộ Y tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng phối hợp với nghiên cứu viên chính và tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng xây dựng hồ sơ nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng bao gồm:

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng cung cấp các tài liệu quy định tại các khoản 1, 2, 7, 11, 12 và 13 Điều 10 Thông tư này cho nghiên cứu viên chính và tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng.

2. Nghiên cứu viên chính phối hợp cùng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng và các thành viên nhóm nghiên cứu thiết kế đề cương nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 10 của Thông tư này.

Điều 16. Nộp hồ sơ nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng

1. Hồ sơ nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng theo quy định tại Điều 10 Thông tư này gửi về Bộ Y tế làm cơ sở cho việc thẩm định, xem xét và phê duyệt.

2. Hồ sơ nộp về Bộ Y tế trước ngày 20 hàng tháng sẽ được xem xét thẩm định trong tháng đó. Hồ sơ nộp sau thời hạn trên sẽ chuyển sang thẩm định ở tháng tiếp theo.

3. Thông tin liên quan đến đăng ký, xây dựng và nộp hồ sơ có thể truy cập tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế www.moh.gov.vn hoặc qua trang điện tử của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Bộ Y tế www.iecmoh.vn.

Điều 17. Thẩm định, phê duyệt các nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng

1. Thẩm định hồ sơ nghiên cứu:

Trong thời hạn 30 ngày làm việc, sau khi nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 10 Thông tư này, Bộ Y tế tổ chức họp Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học.

2. Thông báo kết quả:

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, sau khi có kết quả thẩm định của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, Vụ Khoa học và Đạo tạo sẽ tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ và thông báo kết quả bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng, tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng.

3. Phê duyệt:

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, sau khi thông báo kết quả và nhận hồ sơ bổ sung hoàn chỉnh (nếu có), Vụ Khoa học và Đạo tạo sẽ tổng hợp, trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt.

Chương V

CÁC GIAI ĐOẠN THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG VÀ TIẾN HÀNH THỬ NGHIỆM

Điều 18. Các giai đoạn thử thuốc hóa dược, sinh phẩm y tế trên lâm sàng

1. Giai đoạn 1:

a) Là giai đoạn lần đầu tiên thử nghiệm hoạt chất mới hay công thức mới của thuốc trên người (thường được thực hiện ở người tình nguyện khỏe mạnh).

b) Mục đích nghiên cứu giai đoạn 1: nhằm thiết lập đánh giá sơ bộ về tính an toàn và bước đầu đánh giá dược động học và dược lực học của hoạt chất trên người.

c) Cỡ mẫu: cần cân nhắc thận trọng dựa trên kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng, cỡ mẫu 10-30 đối tượng.

2. Giai đoạn 2:

a) Là giai đoạn thử nghiệm được tiến hành trên số lượng người bệnh hạn chế.

b) Mục đích nghiên cứu giai đoạn 2: nhằm đánh giá hiệu quả trị liệu, tính an toàn của hoạt chất trên người bệnh, xác định liều sử dụng và chế độ liều thích hợp để đưa ra trị liệu tối ưu cho thử nghiệm lâm sàng.

c) Cỡ mẫu: tối thiểu 50 người bệnh.

3. Giai đoạn 3:

a) Là giai đoạn thử nghiệm được nghiên cứu trên số lượng người bệnh lớn hơn. Các điều kiện thử nghiệm lâm sàng trong giai đoạn này được tiến hành gần với điều kiện sử dụng thông thường. Thường tiến hành đa trung tâm, ngẫu nhiên, có nhóm chứng.

b) Mục đích nghiên cứu giai đoạn 3: nhằm xác định tính ổn định của công thức, tính an toàn, hiệu quả ngắn hạn và dài hạn của hoạt chất, đánh giá hiệu quả trị liệu ở mức tổng thể. Nghiên cứu các phản ứng có hại thường xảy ra, phát hiện các đặc điểm đặc biệt của sản phẩm nghiên cứu.

c) Cỡ mẫu: tối thiểu 200 người bệnh.

4. Giai đoạn 4:

a) Là các nghiên cứu lâm sàng được tiến hành sau khi thuốc đã được đưa vào lưu hành. Thiết kế nghiên cứu có thể khác nhau nhưng các tiêu chuẩn khoa học và đạo đức giống với tiêu chuẩn trước khi thuốc lưu hành.

b) Mục đích nghiên cứu giai đoạn 4: thử nghiệm lâm sàng giai đoạn này được tiến hành trên cơ sở của các đặc tính của sản phẩm đã được phép lưu hành, thông thường dưới hình thức giám sát sau lưu hành hay đánh giá hiệu quả trị liệu hoặc đánh giá các chiến lược điều trị.

c) Cỡ mẫu: tối thiểu 1.000 người bệnh.

Điều 19. Các giai đoạn thử vắc xin trên lâm sàng

1. Giai đoạn 1:

a) Là giai đoạn đầu tiên thử nghiệm vắc xin mới ở mức quy mô nhỏ để đánh giá sơ bộ về tính an toàn của vắc xin qua thu nhận thông tin sơ bộ về khả năng chịu đựng thuốc. Thông thường giai đoạn 1 được thực hiện trên người trưởng thành tình nguyện khoẻ mạnh, có nguy cơ nhiễm bệnh và biến chứng thấp trước khi sử dụng cho đối tượng đích.

b) Giai đoạn 1 thường là nghiên cứu mở, không ngẫu nhiên với nhóm chứng giả dược có thể thực hiện với một số lứa tuổi hoặc nhóm dân cư để xác định liều dùng, tính an toàn, lịch tiêm, đường tiêm chủng vắc xin.

c) Những vắc xin sống giảm độc lực (vi rút hoặc vi khuẩn) có khả năng nhiễm cho người tiếp nhận hoặc tiếp xúc phải được đánh giá và giám sát chặt chẽ về liều dùng, dấu hiệu lâm sàng nhiễm bệnh và tính gây phản ứng (tức thì, sớm và muộn). Nghiên cứu giai đoạn 1 có thể cung cấp thông tin sơ bộ về sự phát tán, đặc tính hồi độc, lây truyền cho người tiếp xúc và tính ổn định di truyền học của chủng vắc xin.

d) Cỡ mẫu: cần cân nhắc thận trọng dựa trên kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng, cỡ mẫu 30-50 đối tượng.

2. Giai đoạn 2:

a) Được tiến hành sau khi hoàn thành giai đoạn 1 với kết quả được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học - Bộ Y tế chấp thuận. Mục đích giai đoạn 2 để chứng minh tính sinh miễn dịch của thành phần có hoạt tính, tính an toàn của vắc xin thử trên đối tượng đích. Nghiên cứu giai đoạn 2 đánh giá khả năng đáp ứng miễn dịch liên quan đến tuổi, chủng tộc, giới tính. Nghiên cứu thiết kế có nhóm chứng và ngẫu nhiên.

b) Đối với vắc xin sống giảm độc lực, ngoài việc giám sát các thông số như giai đoạn 1 cần quan tâm đến sự xuất hiện và tồn tại hiệu giá kháng thể: kháng thể trung hoà hoặc kháng thể ngưng kết chéo hoặc miễn dịch trung gian tế bào và những tương tác ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch (ví dụ: kháng thể tồn tại trước đó, việc tiêm chủng đồng thời với vắc xin hoặc thuốc khác).

c) Cỡ mẫu: tối thiểu 200 đối tượng.

3. Giai đoạn 3:

a) Nghiên cứu giai đoạn 3 được thực hiện trên quy mô lớn, đa trung tâm để đánh giá hiệu quả bảo vệ (efficacy) và tính an toàn của các thành phần có hoạt tính miễn dịch trong vắc xin trên các đối tượng đích.

b) Cỡ mẫu: tối thiểu 500 đối tượng.

4. Giai đoạn 4:

a) Nghiên cứu giai đoạn 4 được tiến hành sau khi vắc xin được phép cấp lưu hành. Giai đoạn 4 được coi như giám sát sau cấp phép hoặc nghiên cứu sau cấp phép với mục đích xác định phản ứng có hại và theo dõi hiệu quả bảo vệ sau khi vắc xin được dùng rộng rãi trong cộng đồng dân cư dưới điều kiện sử dụng. Giai đoạn 4 có thể được tổ chức để đánh giá:

- Điều kiện tối ưu để sử dụng vắc xin (tuổi tối ưu để tiêm chủng, sử dụng đồng thời với một vắc xin khác và các điều kiện khác).

- Hiệu quả bảo vệ trong nhóm nguy cơ (người cao tuổi, người bệnh tổn thương miễn dịch, người bị bệnh nhất định).

- Duy trì mức độ bảo vệ và tính an toàn lâu dài.

b) Cỡ mẫu: tối thiểu 10.000 đối tượng.

Điều 20. Các giai đoạn thử thuốc đông y, thuốc từ dược liệu trên lâm sàng

1. Giai đoạn 1:

a) Nghiên cứu thường được tiến hành trên người tình nguyện đáp ứng đủ tiêu chuẩn thử nghiệm lâm sàng với mục đích xác định liều an toàn (là liều tối đa mà với liều đó không gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng), cụ thể:

b) Liều đầu tiên phải bằng 1/3 - 1/5 liều dự kiến từ nghiên cứu tiền lâm sàng. Từ liều đầu tiên đến liều tối đa có thể chia làm nhiều liều. Giai đoạn này kết thúc khi xác định được liều an toàn.

c) Cỡ mẫu: cần cân nhắc thận trọng dựa trên kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng, cỡ mẫu 10-30 đối tượng.

2. Giai đoạn 2:

a) Nghiên cứu đánh giá về tính an toàn và hiệu lực của thuốc. Thiết kế nghiên cứu có nhóm chứng, ngẫu nhiên, mỗi nhóm tối thiểu là 25 người bệnh.

b) Liều điều trị: liều lượng thuốc dùng trong giai đoạn này phải căn cứ vào kết quả của nghiên cứu giai đoạn 1.

c) Cỡ mẫu: tối thiểu 50 người bệnh.

3. Giai đoạn 3:

a) Để khẳng định lại tính an toàn và hiệu lực của thuốc trong điều kiện mở rộng. Đối tượng nghiên cứu được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên có đối chứng hoặc tự đối chứng.

b) Cỡ mẫu: tối thiểu 100 người bệnh.

4. Giai đoạn 4:

a) Áp dụng như đối với thuốc hóa dược.

b) Cỡ mẫu: tối thiểu 200 người bệnh.

Điều 21. Thử thuốc trên lâm sàng tại nhiều cơ sở khác nhau

1. Khi triển khai nghiên cứu tại nhiều cơ sở khác nhau, tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng cần thành lập ban chỉ đạo chung bao gồm nghiên cứu viên chính, các nghiên cứu viên chính các nhánh và đại diện các đơn vị chủ trì nghiên cứu để thống nhất mục tiêu, nội dung, các tiêu chí đánh giá, kế hoạch và tiến độ nghiên cứu.

2. Đối với những nghiên cứu lâm sàng đa quốc gia, trong đó có Việt Nam là thành viên tham gia thì thủ tục hồ sơ phải theo đúng các quy định của Thông tư này. Mục tiêu, nội dung nghiên cứu thử nghiệm tại Việt Nam, các hoạt động phối hợp triển khai nghiên cứu với các quốc gia phải được thể hiện chi tiết trong đề cương nghiên cứu.

Điều 22. Mục tiêu, nội dung và cỡ mẫu nghiên cứu

Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định cụ thể mục tiêu, nội dung và cỡ mẫu nghiên cứu được quy định tại Điều 18, 19, 20, 21 của Thông tư này trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học đối với từng trường hợp hồ sơ, đề cương nghiên cứu.

Điều 23. Xử lý các trường hợp tai biến trong thời gian thử thuốc trên lâm sàng

Xử lý các bất thường trong quá trình nghiên cứu được thực hiện như sau:

1. Trường hợp xảy ra tai biến gây nguy hiểm, đe doạ đến tính mạng người tham gia thử thuốc trên lâm sàng, nghiên cứu viên chính và tổ chức nhận thử lâm sàng phải dừng ngay thử nghiệm trên người tham gia thử đó, tổ chức cấp cứu, khắc phục và giải quyết hậu quả, lập biên bản, đồng thời báo cáo khẩn cho Hội đồng đạo đức cấp cơ sở, Hội đồng đạo đức - Bộ Y tế, Vụ Khoa học Đào tạo, Bộ Y tế.

2. Trường hợp thử nghiệm dẫn đến tổn thương về sức khoẻ người tham gia thử thuốc trên lâm sàng, nghiên cứu viên chính phải dừng nghiên cứu để điều trị và theo dõi diễn biến sức khoẻ của người tham gia thử lâm sàng và xem xét, quyết định tiếp tục hoặc dừng thử lâm sàng.

3. Trường hợp bất thường đã được dự kiến trước và đã áp dụng biện pháp xử lý có hiệu quả thì vẫn tiếp tục tiến hành thử thuốc trên lâm sàng.

Điều 24. Thu thập thông tin, số liệu

1. Các thông tin ghi nhận trong quá trình nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng phải ghi trong bệnh án nghiên cứu (CRFs). Bệnh án nghiên cứu được coi là tài liệu gốc, bảo quản lưu trữ theo đúng quy định làm căn cứ cho việc giám sát, nghiệm thu đánh giá kết quả thử nghiệm.

2. Các tài liệu liên quan cần thiết cho quá trình đánh giá lâm sàng (phiếu xét nghiệm, kết quả chẩn đoán hình ảnh, đơn thuốc) phải được sao chụp từ bản gốc ghi rõ họ tên người kiểm tra đối chiếu, nêu rõ nguồn gốc và phải được quản lý, lưu trữ theo quy định.

Điều 25. Xử lý số liệu

1. Các số liệu nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng phải được xử lý theo phương pháp thống kê y sinh học và phải do một cơ quan, tổ chức độc lập với cơ quan, tổ chức nhận thử chịu trách nhiệm xử lý số liệu nhằm đảm bảo tính khách quan, trung thực và tin cậy.

2. Kết quả phân tích thống kê phải được trình bày rõ ràng để giúp cho việc nhận định sự khác biệt về kết quả lâm sàng; khi đánh giá hiệu quả điều trị, phải dựa vào mức độ tin cậy và các kết quả đạt được từ phân tích thống kê. Báo cáo kết luận cuối cùng của nghiên cứu lâm sàng phải nhất quán với kết quả phân tích thống kê.

Điều 26. Lưu trữ tài liệu về thử thuốc trên lâm sàng

1. Các số liệu, tài liệu gốc, phiếu xét nghiệm, kết quả chẩn đoán hình ảnh, các tài liệu thu thập có liên quan đến thử thuốc trên lâm sàng, biên bản họp các hội đồng, biên bản giám sát, báo cáo tiến độ, hồ sơ đăng ký thử nghiệm và các tài liệu khác liên quan đến nghiên cứu phải được bảo quản đầy đủ, lưu trữ ít nhất 15 năm tại cơ sở nghiên cứu, tính từ thời điểm kết thúc nghiên cứu.

2. Nghiên cứu viên chính chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình bảo quản lưu trữ tài liệu của nghiên cứu và có trách nhiệm xuất trình khi có yêu cầu của các đoàn thanh tra, giám sát và của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Điều 27. Báo cáo kết quả nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng

1. Báo cáo kết quả thử thuốc trên lâm sàng tuân thủ theo đúng mẫu quy định (Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này), bao gồm đầy đủ các thông tin về thuốc, mô tả phương pháp nghiên cứu, quá trình thử, phân tích các số liệu, đánh giá kết quả, so sánh với mục tiêu nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu; đưa ra được kết luận chính xác, trung thực và khách quan. Nội dung báo cáo phải phù hợp với mục tiêu và nội dung nghiên cứu trong đề cương đã được phê duyệt.

2. Nghiên cứu viên chính chịu trách nhiệm về tính khoa học, tính chính xác, trung thực của các số liệu, kết luận, nhận định và các nội dung khác của báo cáo.

Điều 28. Quản lý thuốc thử lâm sàng

1. Việc xuất, nhập khẩu thuốc thử lâm sàng cần thực hiện theo quy định hiện hành về xuất, nhập khẩu thuốc.

2. Việc quản lý thuốc thử lâm sàng phải được thực hiện đúng các quy định hiện hành từ các khâu lấy mẫu, kiểm nghiệm chất lượng, đóng gói, vận chuyển, giao nhận, bảo quản, ghi nhãn và phân phối.

3. Phải có sổ ghi chép để theo dõi việc sử dụng thuốc cho thử lâm sàng kèm theo các thông tin về số lượng, chất lượng của thuốc.

4. Thuốc chưa dùng hết và thuốc lưu phải được quản lý chặt chẽ, để riêng và bảo quản theo đúng quy định. Thuốc không sử dụng hết phải được bàn giao cho tổ chức, cá nhân có thuốc thử.

5. Thuốc không bảo đảm chất lượng phải lập biên bản xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế.

6. Mẫu thuốc lưu (03 đơn vị đóng gói nhỏ nhất) phải được bảo quản ít nhất ba năm (36 tháng) tại tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng sau khi kết thúc nghiên cứu.

Chương VI

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI THAM GIA, NGƯỜI CÓ THUỐC VÀ TỔ CHỨC NHẬN THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG

Điều 29. Quyền của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng

1. Được cung cấp thông tin đầy đủ và trung thực trước khi thử lâm sàng về quá trình thử nghiệm và những rủi ro có thể xảy ra.

2. Được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng bồi thường thiệt hại nếu do thử lâm sàng gây ra.

3. Được giữ bí mật về những thông tin cá nhân có liên quan.

4. Không phải chịu trách nhiệm khi đơn phương chấm dứt hợp đồng tham gia thử thuốc trên lâm sàng.

5. Khiếu nại, tố cáo những vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân có thuốc thử trên lâm sàng và nhận thử thuốc trên lâm sàng.

6. Được chăm sóc sức khoẻ trong quá trình thử nghiệm theo đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt.

Điều 30. Quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng

1. Lựa chọn và đề xuất tổ chức đáp ứng quy định về cơ sở vật chất và cán bộ chuyên môn để thử thuốc trên lâm sàng.

2. Được sở hữu toàn bộ kết quả nghiên cứu của thuốc thử trên lâm sàng.

3. Được quyền đề nghị chấm dứt nghiên cứu nếu tổ chức nhận thử thuốc vi phạm nghiêm trọng đề cương.

Điều 31. Nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng

1. Xin phép và được Bộ trưởng Bộ Y tế đồng ý bằng văn bản trước khi thử lâm sàng.

2. Bồi thường thiệt hại cho người tham gia thử thuốc trên lâm sàng nếu rủi ro xảy ra do thử thuốc trên lâm sàng theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Ký kết hợp đồng về thử thuốc trên lâm sàng với tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng và tổ chức nghiên cứu lâm sàng (nếu có).

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng và tính an toàn của thuốc do mình cung cấp.

Điều 32. Quyền của tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng

1. Được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng cung cấp thuốc, kinh phí để tiến hành thử lâm sàng theo quy định của pháp luật.

2. Được sử dụng kết quả nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng theo thoả thuận với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng.

Điều 33. Nghĩa vụ của tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng

1. Tuân thủ các quy định thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng, báo cáo với Bộ Y tế về quá trình, kết quả thử nghiệm lâm sàng và báo cáo đột xuất trong trường hợp cần thiết.

2. Ký kết hợp đồng về việc thử thuốc trên lâm sàng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng và với người tham gia thử lâm sàng.

3. Tiếp tục theo dõi sức khoẻ và bệnh tật của người tham gia thử lâm sàng theo thoả thuận trong hợp đồng hoặc đề cương nghiên cứu.

Chương VII

GIÁM SÁT, KIỂM TRA ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG NGHIÊN CỨU

Điều 34. Giám sát, kiểm tra quá trình thử thuốc trên lâm sàng

1. Giám sát, kiểm tra nhằm bảo đảm quyền, lợi ích, sức khoẻ của người tham gia thử thuốc trên lâm sàng, bảo đảm các số liệu ghi chép của nghiên cứu được tiến hành đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng quy định theo đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt.

2. Bộ Y tế thành lập đoàn giám sát, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với từng trường hợp cụ thể.

3. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân có thuốc thử lâm sàng, tổ chức nghiên cứu lâm sàng (CRO) hoặc tổ chức quản lý địa điểm nghiên cứu (SMO) được Bộ Y tế chấp thuận bằng văn bản có thể đề xuất cử người theo dõi, giám sát quá trình nghiên cứu một cách có hệ thống. Người được giao nhiệm vụ giám sát không được là thành viên của nhóm nghiên cứu, thực hiện đúng các quy định về bảo mật số liệu nghiên cứu và các thông tin liên quan đến người tham gia thử lâm sàng và chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý về công việc của mình.

4. Nghiên cứu viên chính và các nghiên cứu viên có trách nhiệm tạo điều kiện cho người giám sát tham khảo các số liệu nghiên cứu khi có yêu cầu.

5. Đoàn giám sát, kiểm tra có trách nhiệm báo cáo, đề xuất bằng biên bản giám sát, kiểm tra các nội dung giám sát với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền làm cơ sở cho việc xem xét, xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.

Điều 35. Bảo đảm độ tin cậy kết quả nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng

1. Để bảo đảm nghiên cứu có đủ độ tin cậy, các phân tích, nhận định kết luận về kết quả phải xuất phát từ số liệu gốc. Trong mỗi giai đoạn nghiên cứu cần phải thẩm tra tất cả các số liệu lâm sàng và chỉ tiêu xét nghiệm.

2. Trong trường hợp cần thiết, hội đồng nghiệm thu các cấp sẽ mời chuyên gia đánh giá kết quả, kiểm tra số liệu, kiểm định sản phẩm của nghiên cứu hoặc thành lập Ban giám sát số liệu (DSMB) theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

Chương VIII

NGHIỆM THU ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỬ THUỐC TRÊN LÂM SÀNG

Điều 36. Thủ tục nghiệm thu kết quả thử thuốc trên lâm sàng

1. Nghiệm thu kết quả nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng được thực hiện theo các quy định hiện hành về đánh giá, nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ và hướng dẫn thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng.

2. Việc nghiệm thu được tiến hành ở hai cấp: cấp cơ sở và cấp Bộ Y tế. Khi kết thúc nghiên cứu, nghiên cứu viên chính có trách nhiệm báo cáo với tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng để đánh giá kết quả nghiên cứu ở cấp cơ sở và hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Y tế để nghiệm thu cấp Bộ.

Điều 37. Hồ sơ nghiệm thu cấp Bộ Y tế

Hồ sơ báo cáo nghiệm thu cấp Bộ (01 bộ gốc có chữ ký, đóng dấu hợp pháp và 03 bản sao) gồm:

1. Công văn của tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng đề nghị nghiệm thu cấp Bộ.

2. Bản sao đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt.

3. Quyết định phê duyệt đề cương nghiên cứu.

4. Quyết định thành lập hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở.

5. Biên bản họp hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở.

6. Báo cáo toàn văn kết quả nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng theo quy định và có thể bổ sung những thông tin có liên quan khác khi thấy cần thiết.

Điều 38. Kết thúc nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng

1. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị nghiệm thu, Bộ Y tế sẽ tổ chức họp hội đồng nghiệm thu kết quả nghiên cứu theo quy định hiện hành.

2. Nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng chỉ được coi là hoàn thành khi báo cáo kết quả cuối cùng được hội đồng đánh giá nghiệm thu và chấp nhận những bổ sung của nghiên cứu viên chính theo các ý kiến góp ý của hội đồng (nếu có).

3. Các số liệu và kết quả thử lâm sàng chỉ được công bố khi đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học - Bộ Y tế đánh giá nghiệm thu.

Chương IX

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 39. Trách nhiệm thực hiện

Vụ Khoa học và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục có liên quan:

1. Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đăng ký, hướng dẫn tổ chức, cá nhân có thuốc thử và tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng thực hiện đúng các quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Tổ chức thẩm định các điều kiện về hồ sơ thử thuốc trên lâm sàng, năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất và tính pháp lý của tổ chức nhận thử thuốc trên lâm sàng, tổ chức nghiên cứu lâm sàng (CRO), tổ chức quản lý địa điểm nghiên cứu (SMO) báo cáo Lãnh đạo Bộ cho phép tiến hành thử nghiệm.

3. Tổ chức các phiên họp của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học - Bộ Y tế xét duyệt đề cương nghiên cứu, thẩm định các nội dung về đạo đức trong nghiên cứu và khoa học chuyên ngành, đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng, tổng hợp trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt.

4. Tổ chức giám sát, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất quá trình nghiên cứu.

5. Tổ chức phổ biến, hướng dẫn thực hiện nội dung Thông tư này, hướng dẫn thực hành lâm sàng tốt và đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 40. Điều khoản chuyển tiếp

Các hồ sơ đăng ký thử thuốc trên lâm sàng nộp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được xem xét và thẩm định theo “Quy định về thử thuốc trên lâm sàng” được ban hành theo Quyết định số 01/2007/QĐ-BYT ngày 11/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 41. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2012.

2. Bãi bỏ Quyết định số 01/2007/QĐ-BYT ngày 11/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Quy định về thử thuốc trên lâm sàng” kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

3. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Thông tư cho các đối tượng biết và thực hiện.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Y tế để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (Công báo, Cổng thông tin điện tử CP);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);
- Bộ Khoa học và Công nghệ (Vụ Pháp chế);
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Các bệnh viện trực thuộc Bộ; Y tế các Bộ, ngành;
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ - Bộ Y tế;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế;
- L­ưu: VT, PC, K2ĐT.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Kim Tiến

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

Hướng dẫn

Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 1 Thông tư 177/2013/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 03/09/2016)

Thông tư 177/2013/TT-BTC sửa đổi Thông tư 24/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và hóa dầu tiêu thụ trong nước của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành


Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 24/2013/TT-BTC ngày 01/03/2013 hướng dẫn thực hiện thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và hóa dầu tiêu thụ trong nước của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn như sau:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 24/2013/TT-BTC ngày 01/03/2013 như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 về kê khai, thu nộp, quyết toán khoản thu điều tiết như sau:
“Điều 7. Kê khai, thu nộp, quyết toán khoản thu điều tiết
1. Định kỳ hàng tháng, Công ty Bình Sơn có nghĩa vụ tự kê khai, nộp vào ngân sách nhà nước khoản thu điều tiết cho cơ quan thuế theo mẫu tờ khai khoản thu điều tiết số 01A ban hành kèm theo Thông tư này và bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ bán ra chịu khoản thu điều tiết mẫu số 02A ban hành kèm theo Thông tư số 24/2013/TT-BTC.
2. Hàng năm, Công ty Bình Sơn có nghĩa vụ thực hiện việc quyết toán thu, nộp khoản thu điều tiết với cơ quan thuế theo mẫu tờ khai quyết toán khoản thu điều tiết số 01B ban hành kèm theo Thông tư số 24/2013/TT-BTC và bảng kê hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ bán ra, chịu khoản thu điều tiết mẫu số 02B ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Thời hạn kê khai, nộp vào ngân sách nhà nước khoản thu điều tiết hàng tháng thực hiện như quy định về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành.
Thời hạn khai, nộp quyết toán năm thực hiện như quy định về thời hạn quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành”.
Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 1 và các Điều 4, 5, 6, 7 Thông tư 24/2013/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 03/09/2016)

Thông tư 24/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện chính sách thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và hoá dầu tiêu thụ trong nước của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên lọc hoá dầu Bình Sơn do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành


Căn cứ Quyết định số 138/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2013 sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 952/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2012 về một số cơ chế tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Lọc hoá dầu Bình Sơn.
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và hoá dầu tiêu thụ trong nước của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên lọc hoá dầu Bình Sơn như sau:
Điều 1. Đối tượng thu điều tiết và người nộp khoản thu điều tiết
...
2. Công ty Bình Sơn là đơn vị có trách nhiệm kê khai, nộp khoản thu điều tiết quy định tại Điều này vào ngân sách nhà nước khi tiêu thụ trong nước sản phẩm lọc dầu và sản phẩm hoá dầu.
...
Điều 4. Đồng tiền nộp khoản thu điều tiết
Đồng tiền nộp khoản thu điều tiết là Đồng Việt Nam.
Điều 5. Điều tiết và hạch toán ngân sách
1. Khoản thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và sản phẩm hoá dầu theo quy định tại Thông tư này là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được điều tiết 100% cho ngân sách trung ương.
2. Khi nộp khoản thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và sản phẩm hoá dầu theo quy định tại Thông tư này, Công ty Bình Sơn hạch toán vào Chương 121, mục 4900 tiểu mục 4908.
Điều 6. Hạch toán kế toán
Khoản thu điều tiết phải nộp ngân sách nhà nước khi tiêu thụ sản phẩm lọc dầu và sản phẩm hoá dầu do Công ty Bình Sơn sản xuất, chế biến bán ra theo quy định tại Thông tư này là khoản chi được trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.
Kế toán các nghiệp vụ cụ thể Công ty Bình Sơn thực hiện như sau:
+ Khi xác định số phải nộp ngân sách nhà nước đối với khoản thu điều tiết, ghi:
Nợ Tài khoản 632 - Giá vốn hàng bán
Có Tài khoản 3339 - Phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác
+ Khi nộp tiền vào ngân sách nhà nước ghi:
Nợ Tài khoản 3339 - Phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác
Có Tài khoản 112 - Tiền gửi ngân hàng
Điều 7. Kê khai, thu nộp, quyết toán khoản thu điều tiết
1. Định kỳ hàng quý, Công ty Bình Sơn có nghĩa vụ tự kê khai, nộp vào ngân sách nhà nước khoản thu điều tiết cho cơ quan thuế khoản thu điều tiết theo mẫu tờ khai số 01A và bảng kê số 02A ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Hàng năm, Công ty Bình Sơn có nghĩa vụ thực hiện việc quyết toán thu, nộp khoản thu điều tiết với cơ quan thuế theo mẫu tờ khai quyết toán năm số 01B và bảng kê mẫu số 02B ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Thời hạn kê khai, nộp vào ngân sách nhà nước khoản thu điều tiết hàng quý và cả năm thực hiện như quy định về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
4. Trường hợp sản phẩm đã xuất bán theo giá không có thu điều tiết để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu trong quý thì trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về số hàng không xuất khẩu, thương nhân đầu mối và doanh nghiệp được phép mua sản phẩm lọc dầu, sản phẩm hoá dầu từ Công ty Bình Sơn để xuất khẩu theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thông báo cho Công ty Bình Sơn kèm theo bản xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Bộ Công thương) về số hàng không xuất khẩu này để Công ty Bình Sơn khai nộp bổ sung khoản thu điều tiết tương ứng với số hàng đó.
Các thương nhân đầu mối và doanh nghiệp được phép mua sản phẩm lọc dầu, sản phẩm hoá dầu từ Công ty Bình Sơn để xuất khẩu theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thanh toán với Công ty Bình Sơn theo giá mua của sản phẩm tiêu thụ nội địa để Công ty Bình Sơn khai nộp bổ sung khoản thu điều tiết cho số hàng hoá không xuất khẩu. Công ty Bình Sơn nộp bổ sung khoản thu điều tiết cho số hàng không xuất khẩu chậm nhất vào quý tiếp theo quý nhận được thông báo từ các thương nhân đầu mối và doanh nghiệp được phép mua sản phẩm lọc dầu, sản phẩm hoá dầu từ Công ty Bình Sơn để xuất khẩu.

Hướng dẫn

Đối tượng và hồ sơ xác định không thu điều tiết được hướng dẫn bởi Điều 2 Thông tư 24/2013/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 03/09/2016)

Thông tư 24/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện chính sách thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và hoá dầu tiêu thụ trong nước của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên lọc hoá dầu Bình Sơn do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành


Căn cứ Quyết định số 138/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2013 sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 952/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2012 về một số cơ chế tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Lọc hoá dầu Bình Sơn.
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và hoá dầu tiêu thụ trong nước của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên lọc hoá dầu Bình Sơn như sau:
...
Điều 2. Đối tượng và hồ sơ xác định không thu điều tiết
1. Sản phẩm lọc dầu, sản phẩm hoá dầu do Công ty Bình Sơn trực tiếp hoặc uỷ thác xuất khẩu.
2. Sản phẩm lọc dầu, sản phẩm hoá dầu do Công ty Bình Sơn bán cho Thương nhân đầu mối theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng và các doanh nghiệp khác được phép mua sản phẩm lọc dầu, sản phẩm hoá dầu từ Công ty Bình Sơn để xuất khẩu theo quy định của pháp luật.
3. Chứng từ làm căn cứ xác định không thu điều tiết đối với các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này gồm:
- Bản phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Công thương) về việc cho phép xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu, hoá dầu (nếu có).
- Hợp đồng xuất khẩu. hợp đồng ủy thác xuất khẩu đối với trường hợp uỷ thác xuất khẩu. hợp đồng xuất khẩu của các thương nhân đầu mối và doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều này được ký với công ty nước ngoài (trường hợp xuất khẩu qua thương nhân đầu mối và doanh nghiệp được phép mua sản phẩm lọc dầu, sản phẩm hoá dầu từ Công ty Bình Sơn để xuất khẩu theo quy định của pháp luật).
- Chứng từ thanh toán tiền hàng hoá xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật.
- Tờ khai hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu.
Đối với trường hợp Công ty Bình Sơn không trực tiếp xuất khẩu thì hàng quý các thương nhân đầu mối và doanh nghiệp được phép mua sản phẩm lọc dầu, sản phẩm hoá dầu từ Công ty Bình Sơn để xuất khẩu theo quy định của pháp luật có trách nhiệm sao gửi cho Công ty Bình Sơn bản sao các chứng từ nêu tại khoản này để theo dõi, quản lý khi kê khai tạm nộp khoản thu điều tiết.
Đối tượng và hồ sơ xác định không thu điều tiết được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 177/2013/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 03/09/2016)

Thông tư 177/2013/TT-BTC sửa đổi Thông tư 24/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và hóa dầu tiêu thụ trong nước của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành


Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 24/2013/TT-BTC ngày 01/03/2013 hướng dẫn thực hiện thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và hóa dầu tiêu thụ trong nước của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn như sau:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 24/2013/TT-BTC ngày 01/03/2013 như sau:
...
2. Sửa đổi tương ứng cụm từ “hàng quý”, “từng quý”, “trong quý” nêu tại các Điều 2 về đối tượng và hồ sơ xác định không thu điều tiết và tại Điều 3 về căn cứ tính thu điều tiết thành cụm từ “hàng tháng”, “từng tháng”, “trong tháng”.

Hướng dẫn

Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 24/2013/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 03/09/2016)

Thông tư 24/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện chính sách thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và hoá dầu tiêu thụ trong nước của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên lọc hoá dầu Bình Sơn do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành


Căn cứ Quyết định số 138/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2013 sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 952/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2012 về một số cơ chế tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Lọc hoá dầu Bình Sơn.
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và hoá dầu tiêu thụ trong nước của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên lọc hoá dầu Bình Sơn như sau:
...
Điều 3. Căn cứ tính thu điều tiết
1. Căn cứ tính số thu điều tiết khi tiêu thụ trong nước sản phẩm lọc dầu và sản phẩm hoá dầu quy định tại Điều 1 Thông tư này của Công ty Bình Sơn là sản lượng các sản phẩm lọc dầu và sản phẩm hoá dầu tiêu thụ thực tế hàng quý, giá tính thu điều tiết và tỷ lệ thu điều tiết.
a) Sản lượng các sản phẩm lọc dầu và sản phẩm hoá dầu tiêu thụ thực tế hàng quý là tổng sản lượng tiêu thụ từng sản phẩm thực tế trong quý.
b) Giá tính thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và sản phẩm hoá dầu xuất bán được xác định theo giá bán thực tế tại thời điểm tiêu thụ của Công ty Bình Sơn, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu và các khoản thuế, phí phải nộp ngân sách nhà nước (nếu có).
c) Tỷ lệ thu điều tiết là chênh lệch giữa mức thuế suất thuế nhập khẩu của các sản phẩm lọc dầu và sản phẩm hoá dầu quy định tại thời điểm tiêu thụ trừ (-) mức giá trị ưu đãi tính trong giá bán đối với: xăng, dầu là 7%, LPG là 5% và sản phẩm hoá dầu là 3%.
d) Số thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu, sản phẩm hoá dầu tiêu thụ trong nước của từng quý được xác định bằng tổng số thu điều tiết của từng lần xuất bán sản phẩm thực tế trong quý.
Trong đó số thu điều tiết của từng lần xuất bán sản phẩm lọc dầu hoặc sản phẩm hoá dầu bằng (=) sản lượng các sản phẩm lọc dầu hoặc sản phẩm hoá dầu tiêu thụ thực tế tại từng lần xuất bán nhân (x) với giá tính thu điều tiết của từng lần xuất bán tương ứng nhân (x) với tỷ lệ thu điều tiết tại thời điểm xuất bán sản phẩm.
2. Trường hợp mức thuế nhập khẩu sản phẩm lọc dầu, sản phẩm hoá dầu do Nhà nước quy định tại thời điểm tiêu thụ sản phẩm lọc dầu và sản phẩm hoá dầu thấp hơn mức giá trị ưu đãi tính trong giá bán quy định cho các sản phẩm lọc dầu, sản phẩm hoá dầu (7% đối với xăng, dầu, 5% đối với LPG và 3% đối với sản phẩm hoá dầu) thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thanh toán phần chênh lệch giữa mức giá trị ưu đãi với mức thuế nhập khẩu cho Công ty Bình Sơn và hạch toán vào lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn.

Hướng dẫn

Khoản này bị thay thế bởi Khoản 1 Điều 3 Quyết định 28/2014/QĐ-UBND (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Quyết định 28/2014/QĐ-UBND quy định mức thu, quản lý, sử dụng phí, lệ phí thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam


Điều 3. Tổ chức thực hiện.
1. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2014 và thay thế:
- Khoản 1, 2, 3, 4, 6 Điều 1. khoản 1 Điều 2 Quyết định số 03/2013/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về việc Quy định mức thu, quản lý, sử dụng các loại phí và lệ phí thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Hướng dẫn

Khoản này bị thay thế bởi Khoản 1 Điều 3 Quyết định 28/2014/QĐ-UBND (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Quyết định 28/2014/QĐ-UBND quy định mức thu, quản lý, sử dụng phí, lệ phí thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam


Điều 3. Tổ chức thực hiện.
1. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2014 và thay thế:
- Khoản 1, 2, 3, 4, 6 Điều 1. khoản 1 Điều 2 Quyết định số 03/2013/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về việc Quy định mức thu, quản lý, sử dụng các loại phí và lệ phí thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Hướng dẫn

Khoản này bị thay thế bởi Khoản 1 Điều 3 Quyết định 28/2014/QĐ-UBND (VB hết hiệu lực: 01/01/2017)

Quyết định 28/2014/QĐ-UBND quy định mức thu, quản lý, sử dụng phí, lệ phí thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam


Điều 3. Tổ chức thực hiện.
1. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2014 và thay thế:
- Khoản 1, 2, 3, 4, 6 Điều 1. khoản 1 Điều 2 Quyết định số 03/2013/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về việc Quy định mức thu, quản lý, sử dụng các loại phí và lệ phí thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Hướng dẫn

Khoản này bị bãi bỏ bởi Điểm a Khoản 1 Điều 3 Quyết định 67/2016/QĐ-UBND (VB hết hiệu lực: 01/01/2021)

Quyết định 67/2016/QĐ-UBND về phí, lệ phí thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường tại tỉnh Hà Nam


Điều 3. Tổ chức thực hiện:
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 và bãi bỏ:
a) Khoản 5, Điều 1 Quyết định số 03/2013/QĐ-UBND ngày 10/01/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về việc quy định mức thu, quản lý, sử dụng các loại phí và lệ phí thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Hướng dẫn

Điều này được bổ sung bởi Điều 1 Quyết định 3655/2013/QĐ-UBND (VB hết hiệu lực: 09/01/2015)

Quyết định 3655/2013/QĐ-UBND bổ sung quy định về trình tự, thủ tục xét, công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa


Điều 1. Bổ sung quy định về “lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã” vào trình tự, thủ tục xét, công nhận và tổ chức công bố “Xã đạt chuẩn nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (đã được ban hành tại Quyết định số 145/2013/QĐ-UBND ngày 10/01/2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa), bao gồm những nội dung sau:
- Thực hiện lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân được triển khai tại các xã đề nghị xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
- Trong thời gian xã tiến hành lập hồ sơ công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình xây dựng nông thôn mới xã đề nghị Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tổ chức lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
- Nội dung phiếu đánh giá: Gồm 12 nội dung liên quan trực tiếp đến các cá nhân, hộ gia đình, phản ánh hiệu quả và lợi ích từ Chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại cho người dân (theo mẫu số 01 kèm theo).
- Mặt trận Tổ quốc xã chủ trì tổ chức hội nghị thôn, xóm (thành phần tham gia là các chủ hộ) hoặc tổ chức phát phiếu đánh giá đến từng hộ gia đình trên địa bàn xã (mỗi hộ 01 phiếu), sau đó thu và kiểm phiếu để tổng hợp kết quả, (theo mẫu số 02 kèm theo) gửi về BCĐ Chương trình xây dựng nông thôn mới xã.
Kết quả lấy phiếu này là căn cứ để Tổ thẩm định công nhận xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới xem xét, cùng với việc thẩm định các tiêu chí cụ thể, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Hướng dẫn

Trách nhiệm thi hành của các cơ quan thuộc Tổng cục Thuế được hướng dẫn bởi Công văn 749/TCT-TCCB năm 2013

Công văn 749/TCT-TCCB thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg do Tổng cục Thuế ban hành


Thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc - Ngày Truyền thống thi đua yêu nước (ngày 11/6/1948 - ngày 11/6/2013), Tổng cục Thuế hướng dẫn các đơn vị trong ngành triển khai một số nội dung sau:
1. Trên cơ sở những nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2013 của toàn ngành, của Cục Thuế và của đơn vị đã xây dựng từ đầu năm, các nội dung thi đua Tổng cục Thuế phát động để tổ chức phát động các đợt thi đua ngắn ngày nhằm động viên, khuyến khích từng đơn vị hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách và chương trình công tác chủ yếu từng tháng, quý tạo điều kiện để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao năm 2013. Các phong trào thi đua cần kết hợp giữa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, kỷ niệm các ngày lễ lớn như ngày giải phóng miền nam (ngày 30/4), ngày Quốc tế lao động (ngày 1/5), kỷ niệm ngày sinh nhật Bác (ngày 19/5), ngày truyền thống thi đua yêu nước (ngày 11/6), kỷ niệm cách mạng Tháng tám và Quốc khánh (ngày 2/9), ngày truyền thống ngành Thuế Việt Nam (ngày 10/9).
2. Kết thúc các đợt thi đua các đơn vị cần tổ chức sơ kết phát hiện và tôn vinh các điển hình tiêu biểu xuất sắc, các nhân tố mới để nhân rộng và khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng thành tích kịp thời để động viên phong trào. Chú trọng việc khen thưởng và đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc mang lại hiệu quả cao. Xây dựng các giải pháp nhân rộng gương tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc để thúc đẩy mạnh mẽ hơn phong trào thi đua của đơn vị.
3. Tổ chức Hội nghị Tuyên dương người nộp thuế nhằm tôn vinh người nộp thuế tiêu biểu, qua đó khuyến khích thúc đẩy người nộp thuế thi đua chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế, nộp đúng, nộp đủ, nộp kịp thời số thuế phát sinh vào ngân sách.
4. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương, tổ chức tuyên truyền, giới thiệu những điển hình tiêu biểu xuất sắc trong ngành thuế, giới thiệu những người nộp thuế gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật thuế để động viên phong trào thi đua chung.
5. Tổ chức buổi gặp mặt ôn lại 65 năm Ngày Truyền thống Thi đua yêu nước (ngày 11/6). Ngày truyền thống ngành Thuế (ngày 10/9) tại cơ quan thuế các cấp trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả. Nội dung tập trung ôn lại lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. truyền thống thi đua yêu nước của toàn ngành Thuế nói chung, Cục Thuế nói riêng từ ngày thành lập đến nay. báo cáo thành tích đạt được qua các phong trào thi đua từ đầu năm, xây dựng quyết tâm cao trong các đợt thi đua tiếp theo của những tháng còn lại năm 2013 gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. tập trung mục tiêu cốt lõi là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác thuế năm 2013.
6. Thủ trưởng đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng và các đoàn thể trong đơn vị tổ chức động viên, khuyến khích mọi cán bộ, công chức trong cơ quan tham gia các phong trào thi đua và các hoạt động kỷ niệm Ngày Truyền thống Thi đua yêu nước. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phản ánh về Tổng cục Thuế (Vụ Tổ chức cán bộ) để có hướng dẫn bổ sung./.

Hướng dẫn

Điểm này được đính chính bởi Khoản 1 Điều 1 Quyết định 759/QĐ-BTC năm 2013

Quyết định 759/QĐ-BTC năm 2013 đính chính Thông tư 08/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành


Điều 1. Đính chính một số lỗi kỹ thuật trình bày tại Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) như sau:
1. Tại điểm 2.3 khoản 2 Điều 37, đã in là: “Mã chi tiết nguồn kinh phí phải trả”, nay sửa thành: “Mã chi tiết phải thu, phải trả”.

Hướng dẫn

Phụ lục I, II, III được đính chính bởi Khoản 2, 3, 4 Điều 1 Quyết định 759/QĐ-BTC năm 2013

Quyết định 759/QĐ-BTC năm 2013 đính chính Thông tư 08/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành


Điều 1. Đính chính một số lỗi kỹ thuật trình bày tại Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) như sau:
...
2. Tại Phụ lục I:
2.1. Đính chính các mẫu chứng từ C1-01/NS, C1-02/NS, C1-03/NS, C1-04/NS, C1-05/NS, C1-06/NS, C1-07/NS, C1-08/NS, C2-01a/NS, C2-02/NS, C2-03/NS,C2-04/NS, C2-05/NS, C2-06/NS, C2-08/NS, C2-09/NS, C2-11/NS, C2-12/NS, C2-13/NS, C2-14a/NS, C2-14b/NS, C2-15/NS, C2-16/NS, C2-17a/NS, C2-17b/NS, C2-18/NS, C3-01/NS, C3-02/NS, C3-03/NS, C3-04/NS, C3-05/NS, C4-02/NS, C4-09/NS, C6-01/NS, C6-02/NS, C6-03/NS, C7-16/NS bằng các mẫu chứng từ quy định tại Phụ lục “Chứng từ kế toán sửa đổi” kèm theo Quyết định này.
2.2. Khổ giấy của mẫu chứng từ C4-08/KB, C4-09/KB đã in là khổ giấy A5, nay sửa thành khổ giấy A4.
3. Tại Phụ lục II, sửa tên tài khoản sau:
TK 3131 “Phải trả về phí tiền gửi ngân hàng bằng ngoại tệ”, nay sửa thành “Phải trả về lãi tiền gửi ngân hàng bằng ngoại tệ”.
4. Tại Phụ lục III.10, Phần tên danh mục đã in là: “Danh mục mã chi tiết kinh phí phải trả”, nay sửa thành: “Danh mục mã chi tiết phải thu, phải trả”. Tiêu đề trong bảng danh mục đã in là: “Tên mã kinh phí phải trả”, nay sửa thành: “Tên mã chi tiết phải thu, phải trả”.
Mẫu Giấy nộp tiền vào Ngân sách nhà nước (mẫu số C1-02/NS và C1-03/NS) được đính chính bởi Quyết định 759/QĐ-BTC nay được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 4 Thông tư 119/2014/TT-BTC

Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi Thông tư 156/2013/TT-BTC, 111/2013/TT-BTC, 219/2013/TT-BTC, 08/2013/TT-BTC, 85/2011/TT-BTC, 39/2014/TT-BTC và 78/2014/TT-BTC để cải cách, đơn giản thủ tục hành chính về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành


Điều 4. Sửa đổi mẫu Giấy nộp tiền vào NSNN (mẫu C1-02/NS và C1-03/NS) tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 759/QĐ-BTC ngày 16/4/2013 của Bộ Tài chính về việc đính chính Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/1/2013 của Bộ Tài chính và mẫu Bảng kê nộp thuế (01/BKNT) ban hành kèm theo Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính như sau:
Ban hành kèm theo Thông tư này:
1. Mẫu Giấy nộp tiền vào NSNN (mẫu số C1-02/NS và C1-03/NS) thay thế cho mẫu Giấy nộp tiền vào NSNN ban hành kèm theo Quyết định số 759/QĐ-BTC ngày 16/4/2013 của Bộ Tài chính về việc đính chính Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/1/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (gọi tắt là TABMIS).

Hướng dẫn

Việc thực hiện kế toán dự toán NSTW trên TABMIS được hướng dẫn bởi Công văn 814/BTC-KBNN năm 2013

Công văn 814/BTC-KBNN hướng dẫn thực hiện kế toán dự toán ngân sách trung ương trên TABMIS do Bộ Tài chính ban hành


Thực hiện Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/1/2013 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và nghiệp vụ Kho bạc (TABMIS), Bộ Tài chính hướng dẫn nhập dự toán NSTW năm 2013 trên TABMIS, như sau:
A. QUY ĐỊNH CHUNG
I. Thời điểm thực hiện
II. Phạm vi triển khai
III. Một số lưu ý về quản lý và điều hành ngân sách
IV. Mẫu biểu giao dự toán và chứng từ kế toán
B. QUY TRÌNH VÀ PHƯƠNG PHÁP KẾ TOÁN DỰ TOÁN DO VỤ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN
I. Quy trình nhập dự toán và phương pháp kế toán dự toán cấp 0
II. Quy trình nhập và phương pháp kế toán dự toán ứng trước giao cho đơn vị dự toán cấp 1
III. Quy trình và phương pháp kế toán phân bổ dự toán từ cấp 0 tới cấp 1
IV. Quy trình nhập dự toán, phương pháp kế toán và đồng bộ hóa dự toán nguồn trái phiếu Chính phủ giao cho địa phương
V. Quy trình nhập dự toán, phương pháp kế toán dự toán lệnh chi tiền
VI. Phương pháp điều chỉnh dự toán (áp dụng cho Vụ Ngân sách Nhà nước)
C. QUY TRÌNH VÀ PHƯƠNG PHÁP KẾ TOÁN PHÂN BỔ DỰ TOÁN ÁP DỤNG CHO CÁC BỘ, NGÀNH THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ HÓA
I. Quy trình phân bổ và phương pháp kế toán phân bổ từ cấp 1 tới cấp 4 áp dụng cho các Bộ, ngành thực hiện đồng bộ hóa – Thực hiện tại bộ sổ TW
II. Quy trình và phương pháp kế toán phân bổ từ cấp 1 tới cấp trung gian, từ cấp trung gian tới cấp 4 áp dụng cho các Bộ, ngành thực hiện đồng bộ hóa
D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Hướng dẫn

Quy chế kiểm soát nghiệp vụ kế toán trong hệ thống Kho bạc Nhà nước được hướng dẫn bởi Quyết định 888/QĐ-KBNN năm 2014

Quyết định 888/QĐ-KBNN năm 2014 về Quy chế kiểm soát nghiệp vụ kế toán trong hệ thống Kho bạc Nhà nước


Căn cứ Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho hệ thống Thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS).
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế kiểm soát nghiệp vụ kế toán trong hệ thống KBNN”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 567/QĐ-KBNN ngày 31/5/2012 của Tổng Giám đốc KBNN về việc ban hành Quy chế kiểm soát nghiệp vụ kế toán trong hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc KBNN, Giám đốc KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
...
QUY CHẾ KIỂM SOÁT NGHIỆP VỤ KẾ TOÁN TRONG HỆ THỐNG KHO BẠC NHÀ NƯỚC
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích công tác kiểm soát nghiệp vụ kế toán
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng quy chế kiểm soát nghiệp vụ kế toán
...
Điều 3. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 4. Nhiệm vụ của công tác kiểm soát nghiệp vụ kế toán
...
Điều 5. Yêu cầu của công tác kiểm soát nghiệp vụ kế toán
...
Điều 6. Hình thức kiểm soát nghiệp vụ kế toán
...
Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 7. Kiểm soát việc tổ chức bộ máy kế toán nghiệp vụ
...
Điều 8. Kiểm soát chứng từ kế toán
...
Điều 9. Kiểm soát tài khoản kế toán và phương pháp hạch toán
...
Điều 10. Kiểm soát số liệu trên sổ kế toán
...
Điều 11. Kiểm soát báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị
...
Điều 12. Kiểm soát nghiệp vụ đối chiếu với đơn vị có quan hệ giao dịch với KBNN
...
Điều 13. Kiểm soát nghiệp vụ đối chiếu với cơ quan tài chính
...
Điều 14. Kiểm soát nghiệp vụ đối chiếu với cơ quan thu
...
Điều 15. Kiểm soát nghiệp vụ đối chiếu với các cơ quan khác
...
Điều 16. Kiểm soát nghiệp vụ đối chiếu với bộ phận kiểm soát chi NSNN
...
Điều 17. Kiểm soát hoạt động thanh toán
...
Điều 18. Kiểm soát việc mở và sử dụng tài khoản tại ngân hàng, việc tính lãi tiền gửi và phí dịch vụ thanh toán của các tài khoản của KBNN tại ngân hàng
...
Điều 19. Kiểm soát hoạt động mở và sử dụng tài khoản tại KBNN
...
Điều 20. Kiểm soát công tác lưu trữ tài liệu kế toán
...
Điều 21. Kiểm soát việc quản lý và sử dụng con dấu “Kế toán”, “Phòng giao dịch”, “Điểm giao dịch”.
...
Điều 23. Kiểm soát quy trình quản lý người sử dụng
...
Điều 24. Kiểm soát quy trình xác nhận số liệu báo cáo và nhập điện báo
...
Điều 25. Kiểm soát quy trình nghiệp vụ trên các chương trình thanh toán
...
Điều 26. Kiểm soát việc thực hiện quy trình giao diện
...
Điều 27. Kiểm soát quy trình đóng, mở kỳ kế toán trên TABMIS
...
Điều 28. Kiểm soát đảm bảo an toàn mật khẩu truy cập
...
Chương III TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 29. Trách nhiệm của Vụ trưởng Vụ KTNN, Giám đốc Sở giao dịch, Giám đốc KBNN tỉnh, huyện
...
Điều 30. Trách nhiệm của KTT các đơn vị KBNN
...
Điều 31. Trách nhiệm của công chức làm kế toán nghiệp vụ thuộc KBNN
...
Điều 32. Chế độ báo cáo
...
Điều 33. Tính hiệu lực của các văn bản trích dẫn

Hướng dẫn

Một số quy trình nghiệp vụ kế toán nhà nước được hướng dẫn bởi Quyết định 161/QĐ-KBNN năm 2013

Quyết định 161/QĐ-KBNN năm 2013 về một số quy trình nghiệp vụ kế toán nhà nước trong điều kiện áp dụng TABMIS do Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước ban hành


Căn cứ Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS).
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Một số quy trình nghiệp vụ kế toán nhà nước trong điều kiện áp dụng TABMIS”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2013.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc KBNN, Giám đốc KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc KBNN quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
...
MỘT SỐ QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ KẾ TOÁN NHÀ NƯỚC TRONG ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG TABMIS
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG
I. Mục đích của quy trình
...
II. Đối tượng áp dụng
...
III. Phạm vi điều chỉnh
...
IV. Nguyên tắc kiểm soát chứng từ kế toán
...
V. Quy định ký chứng từ kế toán, quản lý và sử dụng con dấu của KBNN
...
VI. Nhiệm vụ của Kế toán trưởng
...
VII. Quy định về kiểm soát các khoản chi ngân sách nhà nước
...
VIII. Quy định về kiểm soát các khoản thu NSNN
...
IX. Quy định về điều chỉnh số liệu
...
Chương II QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ KẾ TOÁN
I. Quy trình nghiệp vụ chi ngân sách theo hình thức rút dự toán (Phụ lục số 01)
...
II. Quy trình nghiệp vụ chi ngân sách nhà nước bằng hình thức Lệnh chi tiền (Phụ lục số 02)
...
III. Quy trình nghiệp vụ chi từ tài khoản tiền gửi, tài khoản tạm thu, tạm giữ của đơn vị (Phụ lục số 01)
...
IV. Quy trình kế toán - thanh toán với ngân hàng
...
V. Quy trình thanh toán điện tử Liên kho bạc (Phụ lục số 06)
...
VI. Quy trình nghiệp vụ thu NSNN
...
Chương III TỔ CHỨC THỰC HIỆN
...
(File đính kèm)

Hướng dẫn

Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Mục IV Chương I Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 161/QĐ-KBNN năm 2013

Quyết định 161/QĐ-KBNN năm 2013 về một số quy trình nghiệp vụ kế toán nhà nước trong điều kiện áp dụng TABMIS do Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước ban hành


Căn cứ Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS).
...
MỘT SỐ QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ KẾ TOÁN NHÀ NƯỚC TRONG ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG TABMIS
...
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG
...
IV. Nguyên tắc kiểm soát chứng từ kế toán
...
1. Mẫu chứng từ kế toán
Chứng từ kế toán sử dụng trong hệ thống KBNN bao gồm chứng từ giấy và chứng từ điện tử.
1.1. Đối với chứng từ giấy: việc sử dụng chứng từ kế toán phải theo đúng mẫu quy định tại Danh mục chứng từ kèm theo Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 của Bộ Tài chính và một số chứng từ quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Mẫu chứng từ kế toán gồm 02 loại:
- Mẫu chứng từ kế toán bắt buộc bao gồm: séc, biên lai thu tiền, vé thu phí, lệ phí, trái phiếu, tín phiếu, công trái, các loại hoá đơn bán hàng và mẫu chứng từ bắt buộc khác do Bộ Tài chính hoặc đơn vị được Bộ Tài chính ủy quyền in và phát hành.
- Mẫu chứng từ kế toán hướng dẫn là mẫu chứng từ kế toán do Bộ trưởng Bộ Tài chính (hoặc Tổng Giám đốc KBNN được Bộ trưởng Bộ Tài chính ủy quyền) quy định về biểu mẫu và nội dung ghi chép. đơn vị được phép lập chứng từ kế toán hướng dẫn trên máy vi tính nhưng phải đảm bảo đúng mẫu quy định.
1.2. Đối với chứng từ điện tử: chứng từ điện tử được dùng làm chứng từ kế toán khi có đủ các nội dung quy định cho chứng từ kế toán và đã được mã hóa đảm bảo an toàn dữ liệu điện tử trong quá trình xử lý, truyền tin và lưu trữ. Chứng từ điện tử được chứa trong các vật mang tin (băng từ, đĩa từ, các thiết bị lưu trữ điện tử, các loại thẻ thanh toán) được bảo quản, quản lý như tài liệu kế toán ở dạng nguyên bản và phải có đủ thiết bị để sử dụng khi cần thiết, bao gồm chứng từ điện tử của KBNN, chứng từ điện tử do ngân hàng và các cơ quan liên quan chuyển đến để thực hiện thanh toán và hạch toán kế toán theo các quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Hướng dẫn

Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Mục IV Chương I Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 161/QĐ-KBNN năm 2013

Quyết định 161/QĐ-KBNN năm 2013 về một số quy trình nghiệp vụ kế toán nhà nước trong điều kiện áp dụng TABMIS do Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước ban hành


Căn cứ Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS).
...
MỘT SỐ QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ KẾ TOÁN NHÀ NƯỚC TRONG ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG TABMIS
...
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG
...
IV. Nguyên tắc kiểm soát chứng từ kế toán
...
2. Lập chứng từ kế toán
Chứng từ kế toán có thể được lập trên máy tính hoặc lập thủ công, cụ thể như sau:
- Chứng từ kế toán được lập và in từ máy tính (theo phần mềm kế toán) phải đảm bảo nội dung của chứng từ kế toán quy định tại Điều 17 - Luật Kế toán và quy định cụ thể đối với mỗi loại chứng từ kế toán theo quy định hiện hành.
- Chứng từ kế toán lập thủ công:
+ Tuỳ từng nội dung và nghiệp vụ kinh tế phát sinh, đơn vị lập chứng từ kế toán theo đúng mẫu quy định.
+ Chứng từ kế toán chỉ được lập 1 lần cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh. trường hợp phải lập nhiều liên chứng từ và không thể lập 1 lần thì các nội dung, yếu tố phản ánh trên các liên chứng từ phải giống nhau.
+ Trên chứng từ phải ghi đầy đủ, rõ ràng, chính xác các nội dung theo quy định.
+ Chữ viết trên chứng từ phải cùng một nét chữ, ghi rõ ràng, thể hiện đầy đủ, đúng nội dung phản ánh, không được tẩy xoá. khi viết phải dùng cùng một màu mực, loại mực không phai. không viết bằng mực đỏ.
+ Kế toán, kế toán trưởng các đơn vị KBNN không được ghi các yếu tố thuộc trách nhiệm ghi trên chứng từ của đơn vị.

Hướng dẫn

Các yếu tố của chứng từ kế toán được hướng dẫn bởi Khoản 3 Mục IV Chương I Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 161/QĐ-KBNN năm 2013

Quyết định 161/QĐ-KBNN năm 2013 về một số quy trình nghiệp vụ kế toán nhà nước trong điều kiện áp dụng TABMIS do Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước ban hành


Căn cứ Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS).
...
MỘT SỐ QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ KẾ TOÁN NHÀ NƯỚC TRONG ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG TABMIS
...
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG
...
IV. Nguyên tắc kiểm soát chứng từ kế toán
...
3. Các yếu tố của chứng từ kế toán
3.1. Đối với các khoản chi do phòng (bộ phận) KTNN kiểm soát và thanh toán, KTV kiểm tra các nội dung sau:
- Tên và số hiệu của chứng từ kế toán, ví dụ: Giấy rút dự toán ngân sách, Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng, ứng trước, Giấy nộp trả kinh phí, Uỷ nhiệm chi, Giấy rút tiền mặt từ tài khoản tiền gửi, ...
- Ngày, tháng, năm lập chứng từ kế toán: yếu tố ngày, tháng, năm của chứng từ phải viết bằng số. riêng các tờ séc thì ngày, tháng viết bằng chữ, năm viết bằng số.
- Tên, địa chỉ, mã hiệu (nếu có) của đơn vị lập chứng từ kế toán phải phù hợp với tên và dấu của đơn vị đã đăng ký tại KBNN.
- Mã tài khoản kế toán của đơn vị mở tại KBNN bao gồm mã tài khoản tự nhiên, mã cấp ngân sách (đối với tài khoản có theo dõi cấp ngân sách), mã đơn vị có quan hệ với ngân sách (mã ĐVQHNS với N = 1, 2, 3, 7, 8, 9), cụ thể như sau:
+ Trường hợp đơn vị rút dự toán chi thường xuyên: đơn vị ghi mã tài khoản “Tạm ứng/ứng trước/Chi ngân sách” theo mã cấp ngân sách (1, 2, 3, 4) tương ứng với mã tài khoản dự toán của đơn vị đã mở tại Kho bạc. Mã ĐVQHNS có giá trị N = 1, 2, 3. riêng các đơn vị thuộc Bộ Công an có mã ĐVQHNS chung là 1053629, các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng có mã ĐVQHNS chung là 1053630.
+ Trường hợp đơn vị rút dự toán chi đầu tư XDCB: đơn vị ghi mã tài khoản “Tạm ứng/ứng trước/Chi ngân sách” theo mã cấp ngân sách (1, 2, 3, 4) tương ứng với mã tài khoản dự toán của đơn vị mở tại Kho bạc. Mã ĐVQHNS là mã dự án với N = 7, 8. riêng các đơn vị thuộc Bộ Công an có mã dự án chung là 7004692, các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng có mã dự án chung là 7004686.
+ Trường hợp cơ quan tài chính rút dự toán chi chuyển giao giữa các cấp ngân sách: đơn vị ghi mã tài khoản “Ứng trước/Chi ngân sách” theo mã cấp ngân sách (1, 2, 3) tương ứng với mã tài khoản dự toán chi chuyển giao đã mở tại Kho bạc và mã tổ chức ngân sách của cơ quan tài chính cấp dưới (cấp ngân sách nhận số thu chuyển giao), trường hợp cơ quan tài chính cấp dưới là xã, đơn vị ghi mã ĐVQHNS của xã.
+ Trường hợp đơn vị thanh toán (rút tiền mặt, trích tài khoản tiền gửi, …) từ tài khoản tiền gửi, tài khoản có tính chất tiền gửi: đơn vị ghi mã tài khoản kế toán đã mở tại Kho bạc, mã cấp ngân sách (nếu có) và mã ĐVQHNS với N = 1, 2, 3, 9 hoặc 7, 8 (đối với một số dự án đầu tư chi từ TKTG thuộc nguồn quảng cáo truyền hình, bảo hiểm xã hội, phí đường bộ, ...).
+ Kiểm tra sự phù hợp giữa mã tài khoản kế toán và mã nguồn NSNN.
+ Mã chương trình mục tiêu (nếu có).
- Nơi đơn vị chuyển tiền mở tài khoản: ghi tên KBNN nơi đơn vị mở tài khoản.
- Tên, địa chỉ, mã hiệu (nếu có) của đơn vị nhận tiền:
+ Ghi rõ tên, địa chỉ của đơn vị nhận tiền. tên đơn vị nhận tiền phải phù hợp với hợp đồng kinh tế (trường hợp các khoản thanh toán theo quy định phải có hợp đồng).
+ Mã tài khoản kế toán của đơn vị nhận tiền. trường hợp đơn vị nhận tiền mở tài khoản tại KBNN cần lưu ý ghi rõ mã cấp ngân sách (nếu có), mã ĐVQHNS của đơn vị.
+ Tên KBNN hoặc tên Ngân hàng nơi đơn vị nhận tiền mở tài khoản.
+ Trường hợp đơn vị rút tiền mặt tại KBNN: kiểm tra họ, tên người lĩnh tiền, số chứng minh nhân dân (CMND), ngày, tháng cấp, nơi cấp phải phù hợp với các thông tin ghi trên CMND (còn giá trị sử dụng) của người đến lĩnh tiền mặt.
- Nội dung thanh toán (nội dung chi, nội dung các khoản nộp): ghi rõ nội dung thanh toán phù hợp với nội dung, tính chất tài khoản đã mở tại KBNN. nếu là chứng từ thu, chi NSNN thì nội dung thanh toán phải phù hợp với mục lục ngân sách nhà nước (MLNSNN), phù hợp với nội dung đã được kiểm soát chi (đối với các khoản chi NSNN do bộ phận Kế toán phải thực hiện kiểm soát chi).
- Các chỉ tiêu về số lượng, đơn giá (nếu có) và số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính ghi bằng số. tổng số tiền của chứng từ kế toán ghi bằng số và bằng chữ:
+ Số tiền viết bằng chữ phải khớp đúng với số tiền viết bằng số. chữ cái đầu tiên phải viết hoa, những chữ còn lại không được viết bằng chữ in hoa. phải viết sát đầu dòng, chữ viết và chữ số phải viết liên tục không để cách quãng, ghi hết dòng mới xuống dòng khác, không viết chèn dòng, không viết đè lên chữ in sẵn. chỗ trống phải gạch chéo để không thể sửa chữa, thêm số hoặc thêm chữ. không thanh toán và ghi sổ kế toán đối với chứng từ bị tẩy xoá hoặc sửa chữa.
+ Tổng số tiền viết bằng số, bằng chữ phải khớp đúng với các dòng số tiền bằng số chi tiết cộng lại.
- Chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt và những người có liên quan đến chứng từ kế toán. dấu của các đơn vị có liên quan theo quy định đối với từng loại chứng từ:
+ KTV đối chiếu chữ ký của Kế toán trưởng/Phụ trách kế toán (hoặc người được ủy quyền), Thủ trưởng (hoặc người được ủy quyền) của đơn vị: chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất và phải giống với chữ ký còn giá trị đã đăng ký tại KBNN. phải ký từng liên chứng từ, không ký lồng giấy than hoặc ký bằng mực đỏ, bút chì.
+ Dấu của đơn vị đóng trên chứng từ phải đúng vị trí đã quy định, phải rõ nét, không mờ, không nhoè, phải đóng vào từng liên chứng từ và phù hợp với mẫu dấu còn giá trị đã đăng ký tại KBNN. Việc đăng ký chữ ký chức danh Kế toán trưởng, Thủ trưởng và dấu của đơn vị được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2011/TT-BTC ngày 01/08/2011 của Bộ Tài chính.
3.2. Đối với các khoản chi do phòng (bộ phận) KSC NSNN kiểm soát
- Chuyên viên phòng (bộ phận) KSC NSNN kiểm tra các yếu tố của chứng từ kế toán tương tự như Tiết 3.1, Điểm 3, Mục IV, Chương I (Quy trình này).
- KTV kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của chứng từ. đối chiếu chữ ký của Kế toán trưởng/Phụ trách kế toán (hoặc người được ủy quyền), Thủ trưởng (hoặc người được ủy quyền) trên chứng từ theo quy định.
- Kiểm tra chữ ký kiểm soát của phòng (bộ phận) KSC NSNN: đảm bảo đủ các chữ ký theo quy định. kiểm tra yếu tố ghi “ngày..., tháng ...năm ...” kiểm soát chứng từ của phòng (bộ phận) KSC NSNN.
3.3. Đối với chứng từ thu NSNN và các chứng từ kế toán khác
KTV kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của chứng từ tương tự như Tiết 3.1, Điểm 3, Mục IV, Chương I (Quy trình này).
3.4. Đối với các chứng từ bị tẩy xoá, sửa chữa, không đảm bảo yếu tố pháp lý theo quy định: KTV từ chối, không chấp nhận thanh toán và trả lại cho đơn vị hoặc phòng (bộ phận) KSC NSNN.

Hướng dẫn

Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Mục V Chương I Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 161/QĐ-KBNN năm 2013

Quyết định 161/QĐ-KBNN năm 2013 về một số quy trình nghiệp vụ kế toán nhà nước trong điều kiện áp dụng TABMIS do Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước ban hành


Căn cứ Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS).
...
MỘT SỐ QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ KẾ TOÁN NHÀ NƯỚC TRONG ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG TABMIS
...
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG
...
V. Quy định ký chứng từ kế toán, quản lý và sử dụng con dấu của KBNN
1. Ký chứng từ kế toán
1.1. Đăng ký mẫu chữ ký:
- Các đơn vị KBNN phải mở sổ đăng ký mẫu chữ ký của KTV, cán bộ kiểm ngân, thủ quỹ, thủ kho, cán bộ KSC NSNN, lãnh đạo phòng (bộ phận) KSC NSNN, lãnh đạo phòng Kế toán nhà nước KBNN tỉnh, Kế toán trưởng và người được ủy quyền KTT KBNN quận, huyện (gọi chung là KTT), Giám đốc, phó Giám đốc KBNN.
- Sổ đăng ký mẫu chữ ký phải đánh số trang, đóng dấu giáp lai do Giám đốc KBNN (hoặc uỷ quyền cho KTT) quản lý. mỗi người phải ký 02 chữ ký mẫu trong sổ đăng ký.
- Chữ ký của KTV trên chứng từ phải giống chữ ký đã đăng ký tại Sổ đăng ký mẫu chữ ký do Giám đốc (hoặc uỷ quyền cho KTT) quản lý.
(Sổ đăng ký mẫu chữ ký phải được cập nhật, bổ sung đầy đủ các mẫu chữ ký theo thứ tự thời gian)
- KTT không được ký “thừa ủy quyền” Giám đốc KBNN. người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác.
1.2. Việc phân cấp ký trên chứng từ kế toán do Tổng Giám đốc KBNN quy định phù hợp với luật pháp, yêu cầu quản lý nhằm kiểm soát chặt chẽ, an toàn tiền và tài sản.

Hướng dẫn

Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Mục V Chương I Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 161/QĐ-KBNN năm 2013

Quyết định 161/QĐ-KBNN năm 2013 về một số quy trình nghiệp vụ kế toán nhà nước trong điều kiện áp dụng TABMIS do Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước ban hành


Căn cứ Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS).
...
MỘT SỐ QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ KẾ TOÁN NHÀ NƯỚC TRONG ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG TABMIS
...
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG
...
V. Quy định ký chứng từ kế toán, quản lý và sử dụng con dấu của KBNN
...
2. Quản lý và sử dụng con dấu của KBNN
2.1. Giám đốc các đơn vị KBNN phải có quy định bằng văn bản và mở sổ theo dõi giao việc quản lý con dấu và đóng dấu trên chứng từ kế toán cho nhân viên hành chính (đối với dấu “Kho bẠc Nhà nưỚc”), nhân viên kế toán (đối với dấu “kẾ toán”, dấu “PHÒNG GIAO DỊCH”), hoặc thủ quỹ (đối với dấu “ĐÃ THU TIỀN”, “ĐÃ CHI TIỀN”).
2.2. Người quản lý con dấu có trách nhiệm giữ và bảo quản con dấu an toàn, không để mất mát, hư hỏng, thất lạc hoặc lợi dụng con dấu. Trường hợp bị mất con dấu phải lập Biên bản xác định trách nhiệm đối với người để mất con dấu. đồng thời báo cáo ngay cơ quan công an địa phương và KBNN cấp trên.
2.3. Các đơn vị KBNN sử dụng dấu “KẾ TOÁN” để thực hiện các nghiệp vụ kế toán, thanh toán trong hệ thống KBNN và giao dịch với đơn vị. dấu được đóng vào vị trí chữ ký chức danh cao nhất trên chứng từ. các chứng từ thanh toán qua ngân hàng có chữ ký của Giám đốc KBNN với tư cách chủ tài khoản thì đóng dấu “KHO BẠC NHÀ NƯỚC”. dấu được đóng theo quy định sau:
- Dấu đóng phải đúng vị trí, rõ nét, không mờ, không nhoè, không làm biến dạng chữ ký trên chứng từ và phải đóng dấu trên từng liên chứng từ.
- Không được đóng dấu lên chứng từ chưa ghi nội dung hoặc nội dung ghi chưa đầy đủ, kể cả trong trường hợp đã có chữ ký.
2.4. Sau khi đã thu đủ tiền hoặc đã chi trả tiền cho đơn vị, thủ quỹ đóng dấu “ĐÃ THU TIỀN” hoặc “ĐÃ CHI TIỀN” lên từng liên chứng từ. không được đóng dấu lên chứng từ khi chưa thu tiền, chi tiền cho đơn vị.
2.5. Người ký chức danh “Giám đốc” hoặc “Kế toán trưởng” trên chứng từ kế toán không được giữ bất kỳ con dấu nào (trừ trường hợp đặc biệt do Tổng Giám đốc KBNN quy định riêng).

Hướng dẫn

Nhiệm vụ của Kế toán trưởng được hướng dẫn bởi Mục VI Chương I Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 161/QĐ-KBNN năm 2013

Quyết định 161/QĐ-KBNN năm 2013 về một số quy trình nghiệp vụ kế toán nhà nước trong điều kiện áp dụng TABMIS do Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước ban hành


Căn cứ Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS).
...
MỘT SỐ QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ KẾ TOÁN NHÀ NƯỚC TRONG ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG TABMIS
...
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG
...
VI. Nhiệm vụ của Kế toán trưởng
1. Kiểm soát tính hợp lệ, hợp pháp của chứng từ giấy và các bút toán hạch toán trên máy tính của các KTV. nếu phù hợp thì phê duyệt (chứng từ giấy và trên máy tính). nếu chưa phù hợp thì chuyển trả lại cho KTV hoặc từ chối phê duyệt trên máy tính.
2. Cuối ngày, sau khi các bút toán tại các phân hệ đã được KTV hạch toán đầy đủ và KTT đã phê duyệt trên hệ thống, KTT thực hiện chuyển dữ liệu từ các phân hệ phụ về phân hệ Sổ cái và thực hiện kết sổ.
3. Chạy báo cáo ngoại lệ cuối kỳ, kiểm tra các giao dịch dở dang trên phân hệ Quản lý chi (AP), đôn đốc KTV hoàn thiện (nếu có).
4. Kết sổ các bút toán thực, bút toán ngân sách và bút toán dự chi. kiểm tra trạng thái kết sổ có hoàn thành thông thường hay hoàn thành cảnh báo, nếu hoàn thành cảnh báo thì cần xác định rõ nguyên nhân để khắc phục.
5. Đối chiếu số liệu
- Hàng tháng (năm):
+ Đối chiếu số liệu trên Báo cáo thu, chi NSNN và các báo cáo liên quan đảm bảo khớp đúng với số liệu trên Bảng cân đối tài khoản.
+ Kiểm tra, đối chiếu, xác nhận số liệu trên tài khoản thanh toán vốn (giữa trung ương với tỉnh, giữa tỉnh với huyện) nhằm đảm bảo khớp đúng số dư đầu tháng, số phát sinh Nợ, phát sinh Có, số dư cuối tháng. nếu có chênh lệch phải tìm nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời.
+ Đối chiếu số liệu tài khoản thanh toán LKB đi, đến với Phòng Thanh toán điện tử (Vụ Kế toán nhà nước).
- Hàng ngày: kiểm soát việc đối chiếu số liệu trên TKTG Ngân hàng mở tại Kho bạc với số liệu trên TKTG của Kho bạc mở tại Ngân hàng (đối chiếu khớp đúng số dư đầu ngày, số phát sinh Nợ, phát sinh Có, số dư cuối ngày), nếu có chênh lệch phải tìm nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời.
6. KTT thực hiện chạy Chương trình “Tính toán cân đối thu chi cho năm ngân sách” theo từng cấp ngân sách để xác định số chênh lệch thực thu, thực chi NSNN tại các thời điểm sau:
- Sau ngày 31/12 hàng năm.
- Sau ngày 31/01 năm sau.
- Ngày cuối cùng của tháng (nếu trong tháng có điều chỉnh số liệu làm thay đổi số thực thu, thực chi NSNN năm trước).
- Khi quyết toán thu, chi NSNN đã được phê duyệt.

Hướng dẫn

Một số quy trình nghiệp vụ kế toán nhà nước trong TABMIS được hướng dẫn bởi Quyết định 161/QĐ-KBNN năm 2013

Quyết định 161/QĐ-KBNN năm 2013 về một số quy trình nghiệp vụ kế toán nhà nước trong điều kiện áp dụng TABMIS do Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước ban hành


Căn cứ Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS).
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Một số quy trình nghiệp vụ kế toán nhà nước trong điều kiện áp dụng TABMIS”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2013.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc KBNN, Giám đốc KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc KBNN quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
...
MỘT SỐ QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ KẾ TOÁN NHÀ NƯỚC TRONG ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG TABMIS
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG
I. Mục đích của quy trình
...
II. Đối tượng áp dụng
...
III. Phạm vi điều chỉnh
...
IV. Nguyên tắc kiểm soát chứng từ kế toán
...
V. Quy định ký chứng từ kế toán, quản lý và sử dụng con dấu của KBNN
...
VI. Nhiệm vụ của Kế toán trưởng
...
VII. Quy định về kiểm soát các khoản chi ngân sách nhà nước
...
VIII. Quy định về kiểm soát các khoản thu NSNN
...
IX. Quy định về điều chỉnh số liệu
...
Chương II QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ KẾ TOÁN
I. Quy trình nghiệp vụ chi ngân sách theo hình thức rút dự toán (Phụ lục số 01)
...
II. Quy trình nghiệp vụ chi ngân sách nhà nước bằng hình thức Lệnh chi tiền (Phụ lục số 02)
...
III. Quy trình nghiệp vụ chi từ tài khoản tiền gửi, tài khoản tạm thu, tạm giữ của đơn vị (Phụ lục số 01)
...
IV. Quy trình kế toán - thanh toán với ngân hàng
...
V. Quy trình thanh toán điện tử Liên kho bạc (Phụ lục số 06)
...
VI. Quy trình nghiệp vụ thu NSNN
...
Chương III TỔ CHỨC THỰC HIỆN
...
(File đính kèm)

Hướng dẫn

Khoản này bị bãi bỏ bởi Điều 2 Thông tư 05/2018/TT-BTTTT

Thông tư 05/2018/TT-BTTTT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thiết bị lặp thông tin di động W-CDMA FDD do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành


Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2019. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị lặp thông tin di động W- CDMA FDD, Ký hiệu QCVN 66:2013/BTTTT quy định tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 01/2013/TT-BTTTT ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hết hiệu lực pháp luật kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Hướng dẫn

Điểm này được đính chính bởi Điểm 3 Phần I Công văn 120/TLĐ năm 2013

Công văn 120/TLĐ năm 2013 đính chính tài liệu do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành


I- Về đính chính tài liệu sai sót.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đính chính sai sót tại...Quy định về thu, chi, quản lý tài chính công đoàn cơ sở ban hành kèm theo Quyết định 171/QĐ-TLĐ ngày 9 tháng 11 năm 2013 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam như sau:
...
3- Quy định về thu, chi, quản lý tài chính công đoàn cơ sở.
- Trang 3: Điều 5, khoản 2b "30%", được sửa lại "60%" và bổ sung chi hỗ trợ tham quan du lịch không quá 10%, chi thăm hỏi, trợ cấp khó khăn không quá 20% tổng số thu kinh phí và đoàn phí công đoàn cơ sở được sử dụng....

Hướng dẫn

Điểm này được đính chính bởi Điểm 3 Phần 1 Công văn 120/TLĐ năm 2013

Công văn 120/TLĐ năm 2013 đính chính tài liệu do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành


I- Về đính chính tài liệu sai sót.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đính chính sai sót tại...Quy định về thu, chi, quản lý tài chính công đoàn cơ sở ban hành kèm theo Quyết định 171/QĐ-TLĐ ngày 9 tháng 11 năm 2013 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam như sau:
...
3- Quy định về thu, chi, quản lý tài chính công đoàn cơ sở.
- Trang 3: Điều 5,...Khoản 2c được sửa lại "chi quản lý hành chính 10%".

Hướng dẫn

Tiết này được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Quyết định 715/QĐ-BXD năm 2015

Quyết định 715/QĐ-BXD năm 2015 điều chỉnh Đề án tái cấu trúc và nâng cao năng lực quản trị của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành


Điều 1. Điều chỉnh, bổ sung Đề án tái cấu trúc và nâng cao năng lực quản trị của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 26/QĐ-BXD ngày 09/01/2013 của Bộ Xây dựng với các nội dung sau:
1. Điều chỉnh tiết c... điểm 3, mục II Điều 1.
c). Phân loại, sắp xếp các doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty LILAMA giai đoạn 2015 - 2020:
- Các doanh nghiệp nòng cốt Tổng công ty LILAMA nắm giữ đến 65% vốn điều lệ (04 đơn vị):
Công ty cổ phần LILAMA 10.
Công ty cổ phần LILAMA 18.
Công ty cổ phần LILAMA 69.1.
Công ty cổ phần LISEMCO.
- Các doanh nghiệp Tổng công ty LILAMA giữ nguyên vốn đã đầu tư và không đầu tư thêm (5 đơn vị)
Công ty cổ phần LILAMA 45.1.
Công ty cổ phần LILAMA 69.2.
Công ty cổ phần LILAMA 69.3.
Công ty cổ phần Tư vấn quốc tế LHT.
Công ty TNHH Tư vấn thiết kế CIMAS

Hướng dẫn

Tiết này được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Quyết định 715/QĐ-BXD năm 2015

Quyết định 715/QĐ-BXD năm 2015 điều chỉnh Đề án tái cấu trúc và nâng cao năng lực quản trị của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành


Điều 1. Điều chỉnh, bổ sung Đề án tái cấu trúc và nâng cao năng lực quản trị của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 26/QĐ-BXD ngày 09/01/2013 của Bộ Xây dựng với các nội dung sau:
1. Điều chỉnh ...tiết d điểm 3, mục II Điều 1.
...
d). Các doanh nghiệp LILAMA giữ dưới 50% vốn điều lệ (05 đơn vị):
Công ty cổ phần LILAMA 5.
Công ty cổ phần LILAMA 7.
Công ty cổ phần LILAMA 45.3.
Công ty cổ phần Cơ khí Lắp máy LILAMA.
Công ty cổ phần Lắp máy - Thí nghiệm Cơ điện.

Hướng dẫn

Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Quyết định 715/QĐ-BXD năm 2015

Quyết định 715/QĐ-BXD năm 2015 điều chỉnh Đề án tái cấu trúc và nâng cao năng lực quản trị của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành


Điều 1. Điều chỉnh, bổ sung Đề án tái cấu trúc và nâng cao năng lực quản trị của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 26/QĐ-BXD ngày 09/01/2013 của Bộ Xây dựng với các nội dung sau:
...
2. Điều chỉnh điểm 4, mục II Điều 1: Thoái toàn bộ vốn đầu tư của công ty mẹ tại các doanh nghiệp (14 đơn vị) sau:
Công ty cổ phần LILAMA 3.
Công ty cổ phần LILAMA45.4.
Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Lilama (UDC).
Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ông.
Công ty cổ phần Thủy điện Sông Vàng.
Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na.
Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao.
Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long.
Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí.
Công ty cổ phần Bất động sản Lilama (Lilama Land).
Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Xây dựng & Công nghệ Lilama.
Công ty cổ phần Cơ - Điện - Môi trường Lilama.
Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Lilama SHB
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Hướng dẫn

Mục này được bổ sung bởi Khoản 3 Điều 1 Quyết định 715/QĐ-BXD năm 2015

Quyết định 715/QĐ-BXD năm 2015 điều chỉnh Đề án tái cấu trúc và nâng cao năng lực quản trị của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành


Điều 1. Điều chỉnh, bổ sung Đề án tái cấu trúc và nâng cao năng lực quản trị của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 26/QĐ-BXD ngày 09/01/2013 của Bộ Xây dựng với các nội dung sau:
...
3. Bổ sung Điểm 6, Mục II, Điều 1: Định hướng giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 và các năm tiếp theo Tổng công ty LILAMA tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức theo hướng công ty mẹ - công ty cổ phần, đóng vai trò là nhà hoạch định, kiểm soát chiến lược, đầu tư và quản lý vốn đầu tư vào các công ty con chuyên ngành thuộc các ngành EPC, Cơ khí xuất khẩu và thí điểm trên cơ sở tổ chức lại các công ty con, công ty liên kết, lấy các công ty con có sở hữu vốn chi phối làm nòng cốt.

Hướng dẫn

Nội dung này được đính chính bởi Điểm 2 Phần I Công văn 120/TLĐ năm 2013

Công văn 120/TLĐ năm 2013 đính chính tài liệu do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành


I- Về đính chính tài liệu sai sót.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đính chính sai sót tại...Quy chế Quản lý tài chính công đoàn ban hành kèm theo Quyết định số 169/QĐ-TLĐ ngày 9 tháng 1 năm 2013...
...
2- Quy chế quản lý tài chính công đoàn.
Trang 4: Điều 6, Khoản 5, điểm a:
- Khổ 2, ý thứ nhất sau chữ Nhà nước cấp bổ sung "qua Tổng Liên đoàn".
...

Hướng dẫn

Nội dung này được đính chính bởi Điểm 2 Phần I Công văn 120/TLĐ năm 2013

Công văn 120/TLĐ năm 2013 đính chính tài liệu do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành


I- Về đính chính tài liệu sai sót.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đính chính sai sót tại...Quy chế Quản lý tài chính công đoàn ban hành kèm theo Quyết định số 169/QĐ-TLĐ ngày 9 tháng 1 năm 2013...
...
2- Quy chế quản lý tài chính công đoàn.
Trang 4: Điều 6, Khoản 5, điểm a:
...
- Khổ 4, bỏ "từ 2 tỷ đồng trở lên" ở phần cuối câu. Phần trong ngoặc được viết lại: "trừ Điều lệ doanh nghiệp công đoàn có Quy định khác".

Hướng dẫn

Nội dung này được đính chính bởi Điểm 2 Phần I Công văn 120/TLĐ năm 2013

Công văn 120/TLĐ năm 2013 đính chính tài liệu do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành


I- Về đính chính tài liệu sai sót.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đính chính sai sót tại...Quy chế Quản lý tài chính công đoàn ban hành kèm theo Quyết định số 169/QĐ-TLĐ ngày 9 tháng 1 năm 2013...
...
2- Quy chế quản lý tài chính công đoàn.
Trang 4: Điều 6, Khoản 5, điểm a:
...
Trang 7: Điều 16 phần mở đầu, khổ 3 thay "kiểm định quyết toán" bằng "thẩm định quyết toán".

Hướng dẫn

Quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án được hướng dẫn bởi Thông tư 07/2018/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 25/04/2022)

Thông tư 07/2018/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020" do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành


Thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”.
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”.
Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Đề án).
2. Riêng đối với việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020 được phê duyệt theo Quyết định số 231/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện theo Thông tư số 68/2016/TT-BTC ngày 5 tháng 5 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Đề án.
Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện
1. Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện Đề án theo nhiệm vụ được giao cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo phân cấp của Luật ngân sách nhà nước.
2. Nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Nội dung và mức chi từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ
1. Nội dung chi do các cơ quan Trung ương thực hiện:
1.1. Chi các hoạt động triển khai, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án và các Đề án thành Phần, gồm:
a) Chi tổ chức hội nghị giới thiệu, hội nghị tập huấn triển khai Đề án. hội thảo trao đổi kinh nghiệm. các hội thảo triển khai nội dung của Đề án. các hội nghị sơ kết, tổng kết cấp Trung ương: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị (sau đây viết tắt là Thông tư số 40/2017/TT-BTC) và Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
b) Chi công tác phí đi chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
c) Chi thi đua, khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án theo quyết định của cấp có thẩm quyền: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng từ nguồn kinh phí của Đề án.
1.2. Chi khảo sát về tình hình, nhu cầu học tập của cán bộ, công chức, viên chức, lao động nông thôn và học sinh, sinh viên để có các hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp, hiệu quả: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc Điều tra thống kê, tổng Điều tra thống kê quốc gia (sau đây viết tắt là Thông tư số 109/2016/TT-BTC).
1.3. Xây dựng tài liệu cho các cuộc bồi dưỡng, tập huấn. tài liệu truyền thông để hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên và cán bộ chủ chốt của các hội về công tác xóa mù chữ, công tác quản lý, Điều hành và tổ chức hoạt động tại các trung tâm học tập cộng đồng và công tác kiểm tra, đánh giá, công nhận/xếp loại các mô hình học tập: Nội dung và mức chi áp dụng theo quy định xây dựng Chương trình, giáo trình cho các ngành đào tạo đại học, cao đẳng tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi xây dựng Chương trình khung và biên soạn Chương trình, giáo trình các môn học đối với ngành đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp.
1.4. Chi công tác tuyên truyền, gồm:
a) Phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
b) Sản xuất Chương trình phát thanh, truyền hình, phát hành ấn phẩm, sản phẩm truyền thông và tài liệu phục vụ cho hoạt động tuyên truyền: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định lựa chọn nội dung, hình thức ấn phẩm, sản phẩm truyền thông trên cơ sở dự toán được giao và thực hiện theo hình thức đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định.
c) Tổ chức các hoạt động tư vấn, truyền thông, diễn đàn về các mô hình học tập (“Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập” cấp thôn/bản/ấp hoặc cấp xã/phường/ thị trấn, “Thành phố học tập” và “Công dân học tập”), học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
1.5. Chi cho hoạt động nghiên cứu, học tập kinh nghiệm mô hình xây dựng xã hội học tập ở nước ngoài: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí.
2. Nội dung chi do các địa phương thực hiện:
2.1. Chi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, các lực lượng xã hội... về Mục đích, ý nghĩa, vai trò và ích lợi của học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. chi tổ chức khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời hàng năm: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
2.2. Chi công tác phí đi chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án tại địa phương. chi tổ chức các cuộc họp sơ kết, tổng kết các cấp ở địa phương. chi văn phòng phẩm và các chi phí khác phục vụ trực tiếp cho hoạt động triển khai Đề án: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
2.3. Chi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng thuộc các hoạt động của Đề án. chi bồi dưỡng cho báo cáo viên/hướng dẫn viên tham gia giảng dạy tại Trung tâm học tập cộng đồng (bao gồm công tác chuẩn bị, soạn bài và báo cáo). chi cho đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý của Trung tâm học tập cộng đồng: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
2.4. Chi cho kiểm tra, đánh giá, xếp loại/công nhận các mô hình học tập (“Gia đình học tập, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập” cấp thôn/bản/ấp/tổ dân phố hoặc cấp xã/phường/thị trấn”, “Thành phố học tập” và “Công dân học tập”), gồm:
a) Chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị triển khai kế hoạch đánh giá, xếp loại/công nhận các mô hình học tập: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
b) Chi thu thập minh chứng, chi tổng hợp số liệu, viết báo cáo đánh giá: căn cứ quy mô, tính chất của từng cuộc Điều tra, Thủ trưởng đơn vị được giao chủ trì thực hiện kiểm tra, đánh giá, xếp loại/ công nhận “Gia đình học tập, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” áp dụng mức chi quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC
2.5. Chi cho công tác Điều tra nhu cầu học tập. chi tiền điện (hoặc dầu đèn) đối với các lớp học tại Trung tâm học tập cộng đồng ban đêm. chi hỗ trợ tài liệu, sách giáo khoa, đồ dùng phục vụ công tác giảng dạy, học tập tại các Trung tâm học tập cộng đồng: Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng quyết định mức chi/khoán chi cụ thể trong phạm vi dự toán được giao và tình hình cân đối ngân sách nhà nước của đơn vị để bố trí thực hiện nhiệm vụ.
2.6. Chi cho công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục:
a) Chi Điều tra, khảo sát đối với các nội dung: Số người mù chữ, tái mù chữ trong độ tuổi 15-60. phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. kiểm tra công nhận phổ cập giáo dục và xóa mù chữ: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC.
b) Chi hỗ trợ học phẩm, tài liệu học tập thực hiện xóa mù chữ và chống tái mù chữ:
- Đối với các học viên các lớp học xóa mù chữ được nhà nước hỗ trợ học phẩm, tùy thuộc tình hình thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh phê duyệt danh Mục tên học phẩm, số lượng học phẩm hỗ trợ trong phạm vi danh Mục hỗ trợ học phẩm đối với cấp trung học cơ sở quy định tại Khoản 6 Điều 2 Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 29 tháng 5 năm 2009 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc.
- Đối với các lớp học phổ cập, xóa mù chữ ban đêm, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí chi thắp sáng ban đêm, chi mua sổ sách theo dõi quá trình học tập, sách giáo khoa dùng chung. Mức hỗ trợ thực tế do địa phương quyết định căn cứ nguồn kinh phí được cân đối, quy mô và thời gian hoạt động của các lớp xóa mù chữ.
c) Chi tuyên truyền, huy động người mù chữ, tái mù chữ đến lớp xóa mù chữ. Mức hỗ trợ thực tế do địa phương quyết định căn cứ nguồn kinh phí được cân đối, quy mô và thời gian hoạt động của các lớp xóa mù chữ.
d) Chi phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập trung học cơ sở: Chi hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đảm bảo các Điều kiện quy định về quy mô trường lớp, cơ sở vật chất và thiết bị đạt chuẩn quốc gia mức độ (1). Việc mua sắm thực hiện theo quy định hiện hành về mua sắm hàng hóa, vật tư thiết bị và các văn bản liên quan.
đ) Chi trả thù lao đối với giáo viên, người ngoài biên chế dạy lớp xóa mù, chống tái mù chữ, cụ thể:
- Đối với giáo viên thuộc biên chế: Mức chi thù lao tính theo số giờ thực dạy. Trường hợp số giờ dạy vượt định mức giờ chuẩn được thanh toán theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8 tháng 3 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
- Đối với những người ngoài biên chế, nếu có đủ tiêu chuẩn và năng lực giảng dạy, tình nguyện tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ:
+ Đối với trường hợp trả thù lao: Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ trả thù lao cho các đối tượng này theo hợp đồng thỏa thuận. Mức thù lao tối đa theo hợp đồng tương đương với mức lương giáo viên trong biên chế có cùng trình độ đào tạo, thâm niên công tác dạy cùng cấp học, lớp học theo bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
+ Đối với tình nguyện viên: Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ chi phí ăn, ở, đi lại cho các đối tượng này theo chế độ công tác phí. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
2.7. Chi công tác phí cho hoạt động học tập kinh nghiệm mô hình xây dựng xã hội học tập hiệu quả trong nước: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
2.8. Chi thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Điều 5. Lập, phân bổ dự toán, quản lý và quyết toán
Việc lập, chấp hành dự toán, hạch toán kế toán và quyết toán thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật. Ngoài ra, Thông tư này hướng dẫn bổ sung như sau:
1. Hàng năm, cùng thời gian quy định về lập dự toán ngân sách nhà nước, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện các nội dung của Đề án lập dự toán kinh phí và tổng hợp chung trong dự toán thu, chi ngân sách của cơ quan, đơn vị, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về lập và phân bổ dự toán ngân sách nhà nước.
2. Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho Đề án phải được sử dụng đúng Mục đích, đúng chế độ của Nhà nước và quy định tại Thông tư này.
3. Cơ quan, đơn vị được giao dự toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện các nội dung của Đề án phải mở sổ kế toán để ghi chép, hạch toán và tổng hợp trong quyết toán ngân sách hàng năm của các cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê, báo cáo quyết toán. Các Khoản chi ngân sách nhà nước thực hiện Đề án được hạch toán, quyết toán vào loại, Khoản, Mục và tiểu Mục tương ứng theo quy định Mục lục Ngân sách nhà nước hiện hành.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 4 năm 2018.
2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản khác thì thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

Hướng dẫn

Điều này được sửa đổi bởi Điều 1 Quyết định 242/QĐ-BXD năm 2019

Quyết định 242/QĐ-BXD năm 2019 sửa đổi Quyết định 25/QĐ-BXD về Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc trên toàn bộ khuôn viên Trung tâm Hội nghị Quốc gia do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành


Điều 1. Sửa đổi Điều 8 của Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc trên toàn bộ khuôn viên Trung tâm Hội nghị Quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 25/QĐ-BXD ngày 09/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng như sau:
“Điều 8. Khu Biệt thự cao cấp
- Căn cứ Quyết định số 234/QĐ-BXD ngày 02/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu Biệt thự trong Khu vực Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
- Những thông tin cụ thể:
+ Khu biệt thự cao cấp bố trí ở góc phía Tây Nam khu đất, diện tích lô đất khoảng 9,1 ha bao gồm: các biệt thự, khu nhà hàng - tiếp đón (kết hợp khối dịch vụ), khu dịch vụ bể bơi, nhà bảo vệ và các hạng mục phụ trợ khác.
+ Toàn bộ cây xanh trong khuôn viên Khu Biệt thự cao cấp giáp với đường số 6 và đại lộ Thăng Long sử dụng các loại cây cao có tán lớn che chắn tầm nhìn, bụi và tiếng ồn ảnh hưởng đến khu biệt thự.
+ Việc cải tạo xây dựng, bổ sung hạng mục công trình phải báo cáo Bộ Xây dựng.”.

Hướng dẫn

Điều này được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 61/2013/TT-BTC (VB hết hiệu lực: 01/10/2014)

Thông tư 61/2013/TT-BTC sửa đổi Thông tư 04/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí qua phà do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành


Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 Thông tư số 04/2013/TT-BTC, như sau:
“ Điều 2. Đối tượng chịu phí, không chịu phí và người nộp phí
1. Đối tượng chịu phí qua phà bao gồm: Người đi bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và các loại xe tương tự.
2. Người nộp phí qua phà bao gồm: Người đi bộ. người điều khiển phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và các loại xe tương tự.
3. Không thu phí qua phà đối với: Thương binh, bệnh binh, học sinh và trẻ em dưới 10 tuổi (bao gồm cả trường hợp đi xe đạp). Khi qua phà các trường hợp này phải xuất trình các giấy tờ (bản sao có công chứng, chứng thực) cần thiết như sau:
- Thẻ thương binh, bệnh binh hoặc giấy chứng nhận đối với thương binh, bệnh binh.
- Thẻ học sinh hoặc giấy chứng nhận của Nhà trường đối với học sinh.
- Giấy khai sinh đối với trẻ em”.

Hướng dẫn

Quy định này được hướng dẫn bởi Điều 55, Điều 56 Thông tư 01/2013/TT-BKHĐT (VB hết hiệu lực: 15/01/2016)

Thông tư 01/2013/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành


Căn cứ Nghị định số 05/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thủ tục hành chính của Nghị định số 43/2010/NĐ-CP.
...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp như sau:
...
Điều 55. Trách nhiệm công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thành lập hoặc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đăng tải nội dung đăng ký doanh nghiệp trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định tại Điều 28 Luật Doanh nghiệp và tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 05/2013/NĐ-CP.
2. Công ty CP phát hành thêm cổ phần phổ thông và chào bán số cổ phần đó cho tất cả cổ đông phổ thông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ tại công ty phải gửi bảo đảm bằng văn bản thông báo việc phát hành thêm cổ phần phổ thông đến địa chỉ thường trú của các cổ đông.
Thông báo này phải được đăng tải trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia hoặc đăng báo trong ba số liên tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo.
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể theo quy định tại Khoản 1 Điều 158 Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp phải sao gửi quyết định giải thể đến Phòng Đăng ký kinh doanh, tất cả các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích liên quan, người lao động trong doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phải niêm yết công khai quyết định giải thể tại trụ sở chính và chi nhánh của doanh nghiệp và đăng tải quyết định này trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.
Điều 56. Phương thức đề nghị đăng tải công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp có thể đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo các phương thức sau:
1. Trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh. Sau khi tiếp nhận yêu cầu đăng tải công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh chuyển yêu cầu cho Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh thuộc Cục Quản lý đăng ký kinh doanh để xử lý đăng tải trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.
2. Trực tiếp tại Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh thuộc Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.
3. Thông qua cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

Hướng dẫn

Nội dung này được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 16 Thông tư 01/2013/TT-BKHĐT (VB hết hiệu lực: 15/01/2016)

Thông tư 01/2013/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành


Căn cứ Nghị định số 05/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thủ tục hành chính của Nghị định số 43/2010/NĐ-CP.
...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp như sau:
...
Điều 16. Các mẫu giấy tờ do Phòng Đăng ký kinh doanh ban hành
...
3. Giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký tạm ngừng hoạt động thực hiện theo mẫu quy định tại các Phụ lục V-6, V-7 ban hành kèm theo Thông tư này.

Hướng dẫn

Điểm này được đính chính bởi Điểm 3 Phần I Công văn 120/TLĐ năm 2013

Công văn 120/TLĐ năm 2013 đính chính tài liệu do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành


I- Về đính chính tài liệu sai sót.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đính chính sai sót tại...Quy định về thu, chi, quản lý tài chính công đoàn cơ sở ban hành kèm theo Quyết định 171/QĐ-TLĐ ngày 9 tháng 11 năm 2013 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam như sau:
...
3- Quy định về thu, chi, quản lý tài chính công đoàn cơ sở.
- Trang 3: Điều 5, khoản 2b "30%", được sửa lại "60%" và bổ sung chi hỗ trợ tham quan du lịch không quá 10%, chi thăm hỏi, trợ cấp khó khăn không quá 20% tổng số thu kinh phí và đoàn phí công đoàn cơ sở được sử dụng....

Hướng dẫn

Điểm này được đính chính bởi Điểm 3 Phần 1 Công văn 120/TLĐ năm 2013

Công văn 120/TLĐ năm 2013 đính chính tài liệu do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành


I- Về đính chính tài liệu sai sót.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đính chính sai sót tại...Quy định về thu, chi, quản lý tài chính công đoàn cơ sở ban hành kèm theo Quyết định 171/QĐ-TLĐ ngày 9 tháng 11 năm 2013 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam như sau:
...
3- Quy định về thu, chi, quản lý tài chính công đoàn cơ sở.
- Trang 3: Điều 5,...Khoản 2c được sửa lại "chi quản lý hành chính 10%".

Hướng dẫn

Phần này bị thay thế bởi Điểm 2.6 Khoản 2 Mục IV Phần B Hướng dẫn 1456/HD-STNMT

Hướng dẫn 1456/HD-STNMT năm 2015 về lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện phương án xử lý đối với những trường hợp sử dụng đất không hợp pháp trước khi có Nghị quyết 17-NQ/TU và Kế hoạch 54/KH-UBND do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định ban hành


B. VẬN DỤNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT TRONG VIỆC LẬP PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ:
...
IV. Một số điểm cần lưu ý khi lập phương án xử lý:
...
2. Về xác định hạn mức đất ở khi lập phương án xử lý:
...
2.6. Thời điểm áp dụng quy định về hạn mức đất ở theo thời điểm lập phương án xử lý.
Phần B của Hướng dẫn này thay thế phần B hướng dẫn số 42/STNMT-TTra ngày 09/01/2013.

Hướng dẫn

Điều này được sửa đổi bởi Khoản 2 và Khoản 3 Điều 1 Quyết định 677/QĐ-UBND năm 2016

Quyết định 677/QĐ-UBND năm 2016 bổ sung Quy hoạch phát triển chế biến lâm sản tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2012 - 2020, định hướng đến 2030


Điều 1. Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển chế biến lâm sản tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2012 - 2020, định hướng đến năm 2030, cụ thể như sau:
...
2. Chuyển đổi địa điểm cơ sở chế biến:
Chuyển đổi địa điểm 01 cơ sở chế biến tại huyện Hương Sơn (cơ sở đã được quy hoạch tại thị trấn Tây Sơn về hoạt động tại điểm quy hoạch Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp tại xã Sơn Tây).
3. Bổ sung vào Quy hoạch phát triển chế biến lâm sản của tỉnh 01 cơ sở sản xuất viên nén sinh khối tại khối 12, thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên (chi tiết có Phụ lục 03 kèm theo).
4. Tại các Khu, Cụm công nghiệp theo quy hoạch: Đối với các cơ sở chế biến lâm sản tại các Khu, Cụm công nghiệp theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì được triển khai thực hiện nhưng yêu cầu phải đảm bảo các trình tự, thủ tục theo đúng quy định hiện hành, đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại điểm 1.1 khoản 1 điều 1 Quyết định số 810/QĐ-UBND ngày 06/3/2015 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh một số nội dung của Quyết định số 111/QĐ-UBND ngày 09/01/2013 của UBND tỉnh về phê duyệt Quy hoạch phát triển chế biến lâm sản tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2012 - 2020, định hướng đến năm 2030 và phù hợp với thực tế địa phương. Không được đầu tư mới và nâng cấp, mở rộng các cơ sở chế biến dăm gỗ.

Từ khóa: Thông tư 03/2012/TT-BYT, Thông tư số 03/2012/TT-BYT, Thông tư 03/2012/TT-BYT của Bộ Y tế, Thông tư số 03/2012/TT-BYT của Bộ Y tế, Thông tư 03 2012 TT BYT của Bộ Y tế, 03/2012/TT-BYT

File gốc của Thông tư 03/2012/TT-BYT hướng dẫn về thử thuốc trên lâm sàng do Bộ Y tế ban hành đang được cập nhật.

Y tế

  • Công văn 8726/BYT-KCB năm 2021 về chỉ định và thu phí xét nghiệm COVID-19 do Bộ Y tế ban hành
  • Công văn 8718/BYT-DP năm 2021 về giám sát người về từ các khu vực có dịch COVID-19 do Bộ Y tế ban hành
  • Công điện 1599/CĐ-BYT năm 2021 về tăng cường tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 do Bộ Y tế điện
  • Thông báo 266/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tại cuộc họp về thuốc, vắc xin, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch COVID-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
  • Công văn 8715/BYT-TB-CT năm 2021 về trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2 do Bộ Y tế ban hành
  • Công văn 8688/BYT-DP năm 2021 về tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi do Bộ Y tế ban hành
  • Công điện 21/CĐ-UBND năm 2021 triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong tình hình mới
  • Công văn 16572/SYT-QLHNYDTN năm 2021 về tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở hành nghề Y, Dược ngoài công lập trên địa bàn Thành phố Hà Nội
  • Công văn 16569/SYT-NVY năm 2021 về tiếp tục triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội đợt 24
  • Quyết định 4800/QĐ-BYT năm 2021 hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Thông tư 03/2012/TT-BYT hướng dẫn về thử thuốc trên lâm sàng do Bộ Y tế ban hành

- File PDF đang được cập nhật

- File Word Tiếng Việt đang được cập nhật

Chính sách mới

  • Giá xăng hôm nay tiếp tục giảm sâu còn hơn 25.000 đồng/lít
  • Nhiệm vụ quyền hạn của hội nhà báo
  • Gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng năm 2023
  • Thủ tục đăng ký kết hôn trực tuyến
  • Sửa đổi, bổ sung một số quy định hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp
  • Tiêu chí phân loại phim 18+
  • Danh mục bệnh Nghề nghiệp được hưởng BHXH mới nhất
  • Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú
  • Điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án
  • Văn bản nổi bật có hiệu lực tháng 5/2023

Tin văn bản

  • Chính sách mới có hiệu lực từ ngày 01/07/2022
  • Đầu tư giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Khu dân cư nông thôn mới Phú Khởi, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp
  • Danh mục mã hãng sản xuất vật tư y tế để tạo lập mã vật tư y tế phục vụ quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
  • Từ 11/7/2022: Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng còn 1.000 đồng/lít
  • Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc được vay đến 100 triệu đồng để ký quỹ
  • HOT: Giá xăng, dầu đồng loạt giảm hơn 3.000 đồng/lít
  • Hỗ trợ đơn vị y tế công lập thu không đủ chi do dịch Covid-19
  • Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
  • Phấn đấu đến hết 2025, nợ xấu của toàn hệ thống tổ chức tín dụng dưới 3%
  • Xuất cấp 432,78 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Bình Phước

Tóm tắt

Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Số hiệu 03/2012/TT-BYT
Loại văn bản Thông tư
Người ký Nguyễn Thị Kim Tiến
Ngày ban hành 2012-02-02
Ngày hiệu lực 2012-03-20
Lĩnh vực Y tế
Tình trạng Hết hiệu lực

Văn bản Được hướng dẫn

  • Thông tư 29/2018/TT-BYT quy định về thử thuốc trên lâm sàng do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
  • Thông tư 21/2018/TT-BYT quy định về đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
  • Công văn 2433/BYT-QLD năm 2015 quy định về thử lâm sàng đối với trường hợp thay đổi, bổ sung cơ sở đóng gói vắc xin do Bộ Y tế ban hành

Văn bản Hướng dẫn

  • Luật Dược 2005

Văn bản Bãi bỏ

  • Thông tư 21/2018/TT-BYT quy định về đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
  • Thông tư 29/2018/TT-BYT quy định về thử thuốc trên lâm sàng do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

DỮ LIỆU PHÁP LUẬT - Website hàng đầu về văn bản pháp luật Việt Nam, Dữ Liệu Pháp Luật cung cấp cơ sở dữ liệu, tra cứu Văn bản pháp luật miễn phí.

Website được xây dựng và phát triển bởi Vinaseco Jsc - Doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số lĩnh vực pháp lý.

NỘI DUNG

  • Chính sách mới
  • Tin văn bản
  • Kiến thức luật
  • Biểu mẫu
  • Media Luật

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG

  • Giới thiệu
  • Bảng giá
  • Hướng dẫn sử dụng
  • Chính sách bảo mật
  • Điều khoản sử dụng

CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ VINASECO

Địa chỉ: Trần Vỹ, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam - Email: [email protected] - Website: vinaseco.vn - Hotline: 088.66.55.213

Mã số thuế: 0109181523 do Phòng DKKD Sở kế hoạch & Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp ngày 14/05/2023

  • Trang chủ
  • Văn bản mới
  • Chính sách mới
  • Tin văn bản
  • Kiến thức luật
  • Biểu mẫu