Thông tư 111/2013/TT-BTC Hướng dẫn Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định 65/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Điều 7. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công
Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất, cụ thể như sau:
1. Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này trừ (-) các khoản giảm trừ sau:
a) Các khoản giảm trừ gia cảnh theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 9 Thông tư này.
b) Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 9 Thông tư này.
c) Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 9 Thông tư này.
2. Thuế suất
Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công được áp dụng theo Biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân, cụ thể như sau:
(Bảng xem tại văn bản)
3. Cách tính thuế
Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công là tổng số thuế tính theo từng bậc thu nhập. Số thuế tính theo từng bậc thu nhập bằng thu nhập tính thuế của bậc thu nhập nhân (×) với thuế suất tương ứng của bậc thu nhập đó.
Để thuận tiện cho việc tính toán, có thể áp dụng phương pháp tính rút gọn theo phụ lục số 01/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này.
Ví dụ 4: Bà C có thu nhập từ tiền lương, tiền công trong tháng là 40 triệu đồng và nộp các khoản bảo hiểm là: 7% bảo hiểm xã hội, 1,5% bảo hiểm y tế trên tiền lương. Bà C nuôi 2 con dưới 18 tuổi, trong tháng Bà C không đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học. Thuế thu nhập cá nhân tạm nộp trong tháng của Bà C được tính như sau:
- Thu nhập chịu thuế của Bà C là 40 triệu đồng.
- Bà C được giảm trừ các khoản sau:
+ Giảm trừ gia cảnh cho bản thân: 9 triệu đồng
+ Giảm trừ gia cảnh cho 02 người phụ thuộc (2 con):
3,6 triệu đồng × 2 = 7,2 triệu đồng
+ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế:
40 triệu đồng × (7% + 1,5%) = 3,4 triệu đồng
Tổng cộng các khoản được giảm trừ:
9 triệu đồng + 7,2 triệu đồng + 3,4 triệu đồng = 19,6 triệu đồng
- Thu nhập tính thuế của Bà C là:
40 triệu đồng - 19,6 triệu đồng = 20,4 triệu đồng
- Số thuế phải nộp:
Cách 1: Số thuế phải nộp tính theo từng bậc của Biểu thuế lũy tiến từng phần:
+ Bậc 1: thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng, thuế suất 5%:
5 triệu đồng × 5% = 0,25 triệu đồng
+ Bậc 2: thu nhập tính thuế trên 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, thuế suất 10%:
(10 triệu đồng - 5 triệu đồng) × 10% = 0,5 triệu đồng
+ Bậc 3: thu nhập tính thuế trên 10 triệu đồng đến 18 triệu đồng, thuế suất 15%:
(18 triệu đồng - 10 triệu đồng) × 15% = 1,2 triệu đồng
+ Bậc 4: thu nhập tính thuế trên 18 triệu đồng đến 32 triệu đồng, thuế suất 20%:
(20,4 triệu đồng - 18 triệu đồng) × 20% = 0,48 triệu đồng
- Tổng số thuế Bà C phải tạm nộp trong tháng là:
0,25 triệu đồng + 0,5 triệu đồng + 1,2 triệu đồng + 0,48 triệu đồng = 2,43 triệu đồng
Cách 2: Số thuế phải nộp tính theo phương pháp rút gọn:
Thu nhập tính thuế trong tháng 20,4 triệu đồng là thu nhập tính thuế thuộc bậc 4. Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp như sau:
20,4 triệu đồng × 20% - 1,65 triệu đồng = 2,43 triệu đồng
4. Quy đổi thu nhập không bao gồm thuế thành thu nhập tính thuế
Trường hợp tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công cho người lao động theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 2 Thông tư này không bao gồm thuế thì phải quy đổi thu nhập không bao gồm thuế thành thu nhập tính thuế theo Phụ lục số 02/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này để xác định thu nhập chịu thuế. Cụ thể như sau:
a) Thu nhập làm căn cứ quy đổi thành thu nhập tính thuế là thu nhập thực nhận cộng (+) các khoản lợi ích do người sử dụng lao động trả thay cho người lao động (nếu có) trừ (-) các khoản giảm trừ. Trường hợp trong các khoản trả thay có tiền thuê nhà thì tiền thuê nhà tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi bằng số thực trả nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế tại đơn vị (chưa bao gồm tiền thuê nhà).
Công thức xác định thu nhập làm căn cứ quy đổi:
Thu nhập làm căn cứ quy đổi = Thu nhập thực nhận + Các khoản trả thay - Các khoản giảm trừ
Trong đó:
- Thu nhập thực nhận là tiền lương, tiền công không bao gồm thuế mà người lao động nhận được hàng tháng.
- Các khoản trả thay là các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền do người sử dụng lao động trả cho người lao động theo hướng dẫn tại điểm đ, khoản 2, Điều 2 Thông tư này.
- Các khoản giảm trừ bao gồm: giảm trừ gia cảnh. giảm trừ đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện. giảm trừ đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư này.
Ví dụ 5: Năm 2014, theo hợp đồng lao động ký giữa Ông D và Công ty X thì Ông D được trả lương hàng tháng là 31,5 triệu đồng, ngoài tiền lương Ông D được công ty X trả thay phí hội viên câu lạc bộ thể thao 1 triệu đồng/tháng. Ông D phải đóng bảo hiểm bắt buộc là 1,5 triệu đồng/tháng. Công ty X chịu trách nhiệm nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định thay cho ông D. Trong năm Ông D chỉ tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân, không có người phụ thuộc và không phát sinh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp hàng tháng của Ông D như sau:
- Thu nhập làm căn cứ quy đổi là:
31,5 triệu đồng + 1 triệu đồng – (9 triệu đồng + 1,5 triệu đồng) = 22 triệu đồng
- Thu nhập tính thuế (xác định theo Phụ lục số 02/PL-TNCN) là:
(22 triệu đồng – 1,65 triệu đồng)/0,8 = 25,4375 triệu đồng
- Thuế thu nhập cá nhân Ông D phải nộp (áp dụng cách tính thuế rút gọn theo Phụ lục số 01/PL-TNCN) là:
25,4375 triệu đồng × 20% - 1,65 triệu đồng = 3,4375 triệu đồng
Ví dụ 6: Giả sử ông D tại ví dụ 5 nêu trên còn được công ty X trả thay tiền thuê nhà là 6 triệu đồng/tháng. Thuế thu nhập cá nhân phải nộp hàng tháng của Ông D như sau:
Bước 1: Xác định tiền thuê nhà trả thay được tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi
- Thu nhập làm căn cứ quy đổi (không gồm tiền thuê nhà):
31,5 triệu đồng + 1 triệu đồng – (9 triệu đồng + 1,5 triệu đồng) = 22 triệu đồng
- Thu nhập tính thuế (xác định theo Phụ lục số 02/PL-TNCN) là:
(22 triệu đồng – 1,65 triệu đồng)/0,8 = 25,4375 triệu đồng
- Thu nhập chịu thuế (không gồm tiền thuê nhà):
25,4375 triệu đồng + 9 triệu đồng + 1,5 triệu đồng = 35,9375 triệu đồng/tháng
- 15% Tổng thu nhập chịu thuế (không gồm tiền thuê nhà):
35,9375 triệu đồng × 15% = 5,390 triệu đồng/tháng
Vậy tiền thuê nhà được tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi là 5,390 triệu đồng/tháng
Bước 2: Xác định thu nhập tính thuế
- Thu nhập làm căn cứ để quy đổi thành thu nhập tính thuế:
31,5 triệu đồng + 1 triệu đồng + 5,390 triệu đồng – (9 triệu đồng + 1,5 triệu đồng) = 27,39 triệu đồng/tháng
- Thu nhập tính thuế (quy đổi theo Phụ lục số 02/PL-TNCN):
(27,39 triệu đồng - 3,25 triệu đồng)/0,75 = 32,187 triệu đồng/tháng
- Thuế thu nhập cá nhân phải nộp:
32,187 triệu đồng × 25% - 3,25 triệu đồng = 4,797 triệu đồng/tháng
- Thu nhập chịu thuế hàng tháng của ông D là:
31,5 triệu đồng + 1 triệu đồng + 5,390 triệu đồng + 4,797 triệu đồng = 42,687 triệu đồng/tháng
Hoặc xác định theo cách:
32,187 triệu đồng + 9 triệu đồng + 1,5 triệu đồng = 42,687 triệu đồng/tháng.
*Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 14 Thông tư 92/2015/TT-BTC
Điều 14. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 Thông tư số 111/2013/TT-BTC như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 7
“a) Thu nhập làm căn cứ quy đổi thành thu nhập tính thuế là thu nhập thực nhận (không bao gồm thu nhập được miễn thuế) cộng (+) các khoản lợi ích do người sử dụng lao động trả thay cho người lao động (nếu có) trừ (-) các khoản giảm trừ. Trường hợp người sử dụng lao động áp dụng chính sách “tiền thuế giả định”, “tiền nhà giả định” thì thu nhập làm căn cứ quy đổi thành thu nhập tính thuế không bao gồm “tiền thuế giả định”, “tiền nhà giả định”. Trường hợp trong các khoản trả thay có tiền thuê nhà thì tiền thuê nhà tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi bằng số thực trả nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập (chưa bao gồm tiền thuê nhà thực tế phát sinh, “tiền nhà giả định” (nếu có)).
Công thức xác định thu nhập làm căn cứ quy đổi:
Thu nhập làm căn cứ quy đổi = Thu nhập thực nhận + Các khoản trả thay -
Các khoản giảm trừ
Trong đó:
- Thu nhập thực nhận là tiền lương, tiền công không bao gồm thuế mà người lao động nhận được hàng tháng.
- Các khoản trả thay là các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền do người sử dụng lao động trả cho người lao động theo hướng dẫn tại điểm đ, khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC và khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 11 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.
- Các khoản giảm trừ bao gồm: giảm trừ gia cảnh. giảm trừ đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện. giảm trừ đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC và Điều 15 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.”*
b) Trường hợp cá nhân thuộc diện quyết toán thuế theo quy định thì thu nhập chịu thuế của năm là tổng thu nhập chịu thuế của từng tháng được xác định trên cơ sở thu nhập tính thuế đã quy đổi. Trường hợp cá nhân có thu nhập không bao gồm thuế từ nhiều tổ chức trả thu nhập thì thu nhập chịu thuế của năm là tổng thu nhập chịu thuế từng tháng tại các tổ chức trả thu nhập trong năm.
Ví dụ 7: Giả sử Ông D tại ví dụ 6 nêu trên, ngoài thu nhập tại công ty X, từ tháng 01/2014 đến tháng 5/2014 ông còn có hợp đồng nhận thu nhập tại công ty Y là 12 triệu đồng/tháng. Công ty Y cũng trả thay thuế thu nhập cá nhân cho Ông D.
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân của ông D năm 2014 như sau:
- Tại công ty X, thu nhập chịu thuế năm của ông D là:
42,687 triệu đồng x 12 tháng = 512,244 triệu đồng
- Tại công ty Y:
+ Thu nhập tính thuế hàng tháng (quy đổi theo Phụ lục số 02/PL-TNCN):
(12 triệu đồng – 0,75 triệu đồng)/0,85 = 13,235 triệu đồng
+ Thu nhập chịu thuế năm tại công ty Y:
13,235 triệu đồng x 5 tháng = 66,175 triệu đồng
- Tổng thu nhập chịu thuế của ông D năm 2014:
512,244 triệu đồng + 66, 175 triệu đồng = 578,419 triệu đồng
- Thu nhập tính thuế tháng:
(578,419 triệu đồng : 12 tháng) - (9 triệu đồng + 1,5 triệu đồng) = 37,702 triệu đồng
- Thuế Thu nhập cá nhân phải nộp trong năm:
(37,702 triệu đồng × 25% - 3,25 triệu đồng) × 12 tháng = 74,105 triệu đồng.
5. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ hoạt động đại lý xổ số, từ đại lý bảo hiểm, từ bán hàng đa cấp là thu nhập tính thuế và tỷ lệ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể như sau:
a) Thu nhập tính thuế là thu nhập chịu thuế từ hoạt động đại lý xổ số, từ hoạt động đại lý bảo hiểm, từ bán hàng đa cấp bao gồm: hoa hồng của đại lý, các khoản thưởng dưới mọi hình thức, các khoản hỗ trợ và các khoản khác mà cá nhân nhận được từ công ty xổ số kiến thiết, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
b) Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế là thời điểm công ty Xổ số kiến thiết, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp trả thu nhập cho cá nhân.
c) Tỷ lệ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân:
c.1) Công ty Xổ số kiến thiết thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ trên thu nhập tính thuế hàng tháng của cá nhân như sau:
(Bảng xem tại văn bản)
c.2) Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ trên thu nhập tính thuế hàng tháng của cá nhân như sau:
(Bảng xem tại văn bản)
6. Căn cứ tính thuế đối với tiền tích lũy mua bảo hiểm không bắt buộc, tiền tích lũy đóng quỹ hưu trí tự nguyện là khoản tiền phí tích lũy mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác, tiền tích lũy đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện, do người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động và tỷ lệ khấu trừ 10%.
Trước khi trả tiền bảo hiểm, tiền lương hưu cho cá nhân, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hưu trí tự nguyện có trách nhiệm khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí tích luỹ, tiền tích lũy đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện tương ứng với phần người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.
Doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hưu trí tự nguyện có trách nhiệm theo dõi riêng phần phí bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác, tiền tích lũy đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện do người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động để làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.
*Khoản này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 14 Thông tư 92/2015/TT-BTC
Điều 14. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 Thông tư số 111/2013/TT-BTC như sau:
...
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 7
“6. Căn cứ tính thuế đối với tiền tích lũy mua bảo hiểm không bắt buộc là khoản tiền phí tích luỹ mua bảo hiểm nhân thọ (không bao gồm bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác do người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động và tỷ lệ khấu trừ 10%.
Trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động bảo hiểm nhân thọ (không bao gồm bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, người lao động chưa phải tính vào thu nhập chịu thuế khi người sử dụng lao động mua bảo hiểm. Đến thời điểm đáo hạn hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí tích lũy tương ứng với phần người sử dụng lao động mua cho người lao động từ ngày 01 tháng 7 năm 2013. Trường hợp khoản phí tích luỹ được trả nhiều lần thì tiền thuế được khấu trừ theo tỷ lệ 10% tương ứng với từng lần trả tiền phí tích luỹ.
Trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động bảo hiểm nhân thọ (không bao gồm bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam thì người sử dụng lao động có trách nhiệm khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm đã mua hoặc đóng góp trước khi trả lương cho người lao động.
Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm theo dõi riêng phần phí bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác do người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động để làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.”*
*Điều này được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 25 Thông tư 92/2015/TT-BTC
Điều 25. Hiệu lực thi hành
...
6. Bãi bỏ các nội dung liên quan đến thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân kinh doanh hướng dẫn tại Điều 7, Điều 8, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.*
Điều 8. Xác định thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công
1. Xác định thu nhập chịu thuế từ kinh doanh
Thu nhập chịu thuế từ kinh doanh được xác định bằng doanh thu trừ các khoản chi phí hợp lý liên quan trực tiếp đến việc tạo ra thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế.
Thu nhập chịu thuế từ kinh doanh đối với từng trường hợp cụ thể được xác định như sau:
a) Đối với cá nhân kinh doanh chưa thực hiện đúng pháp luật về kế toán, hóa đơn chứng từ.
a.1) Đối với cá nhân kinh doanh không thực hiện chế độ kế toán hóa đơn, chứng từ không xác định được doanh thu, chi phí và thu nhập chịu thuế (sau đây gọi tắt là cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán).
a.1.1) Đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thì thu nhập chịu thuế xác định như sau:
Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế = Doanh thu khoán trong kỳ tính thuế x Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định
Trong đó:
- Doanh thu khoán được xác định theo tài liệu kê khai của cá nhân kinh doanh, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, kết quả điều tra doanh thu thực tế của cơ quan thuế và ý kiến tham vấn của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường.
- Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định được xác định theo hướng dẫn điểm a.4, khoản 1, Điều này.
a.1.2) Đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có sử dụng hóa đơn.
a.1.2.1) Trường hợp cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có sử dụng hóa đơn quyển, nếu trong quý doanh thu trên hóa đơn cao hơn doanh thu khoán thì ngoài việc nộp thuế theo doanh thu khoán còn phải nộp bổ sung thuế thu nhập cá nhân đối với phần doanh thu trên hóa đơn cao hơn doanh thu khoán.
a.1.2.2) Trường hợp cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán lẻ theo từng số thì khai và nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% tính trên thu nhập chịu thuế của từng lần phát sinh.
Thu nhập chịu thuế của từng lần phát sinh được xác định như sau:
Thu nhập chịu thuế từng lần phát sinh = Doanh thu tính thu nhập chịu thuế từng lần phát sinh xTỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định
Trong đó:
- Doanh thu tính thu nhập chịu thuế từng lần phát sinh được xác định theo hợp đồng và các chứng từ mua bán.
- Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định được xác định theo hướng dẫn tại điểm a.4, khoản 1, Điều này.
a.1.2.3) Trường hợp cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán sử dụng hóa đơn quyển có yêu cầu hoàn thuế thu nhập cá nhân thì doanh thu tính thuế của năm được xác định như sau:
- Nếu doanh thu trên hóa đơn của cả năm thấp hơn doanh thu khoán thì doanh thu tính thuế của năm là doanh thu khoán.
- Nếu doanh thu trên hóa đơn của cả năm cao hơn doanh thu khoán thì doanh thu tính thuế của năm là doanh thu trên hóa đơn.
a.2) Đối với cá nhân kinh doanh chỉ hạch toán được doanh thu không hạch toán được chi phí thì thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế = Doanh thu tính thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế × Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định +Thu nhập chịu thuế khác trong kỳ tính thuế
Trong đó:
- Doanh thu tính thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế được xác định theo hướng dẫn tại điểm b.1, khoản 1, Điều này.
- Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định được xác định theo hướng dẫn tại điểm a.4, khoản 1, Điều này.
- Thu nhập chịu thuế khác là các khoản thu nhập phát sinh trong quá trình kinh doanh gồm: tiền phạt vi phạm hợp đồng. tiền phạt do chậm thanh toán. tiền lãi ngân hàng trong quá trình thanh toán. tiền lãi do bán hàng trả chậm, trả góp. tiền lãi do bán tài sản cố định. tiền bán phế liệu, phế phẩm và thu nhập chịu thuế khác.
a.3) Đối với cá nhân kinh doanh lưu động (buôn chuyến) và cá nhân không kinh doanh có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng.
Cá nhân kinh doanh lưu động (buôn chuyến) và cá nhân không kinh doanh có phát sinh hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cần có hóa đơn để giao cho khách hàng khai và nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% tính trên thu nhập chịu thuế của từng lần phát sinh.
Thu nhập chịu thuế của từng lần phát sinh được xác định tương tự như đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán lẻ theo từng số theo hướng dẫn tại tiết a.1.2.2, điểm a, khoản 1, Điều này.
a.4) Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định
Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định tính trên doanh thu áp dụng đối với cá nhân kinh doanh chưa thực hiện đúng pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ. cá nhân kinh doanh lưu động và cá nhân không kinh doanh như sau:
(Bảng xem tại văn bản)
Đối với cá nhân kinh doanh nhiều ngành nghề thì áp dụng theo tỷ lệ của hoạt động kinh doanh chính. Trường hợp cá nhân thực tế kinh doanh nhiều ngành nghề và không xác định được ngành nghề kinh doanh chính thì áp dụng theo tỷ lệ của “Hoạt động kinh doanh khác”.
b) Đối với cá nhân kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán hóa đơn, chứng từ thì thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế = Doanh thu tính thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế - Chi phí hợp lý được trừ trong kỳ tính thuế +Thu nhập chịu thuế khác trong kỳ tính thuế
b.1) Doanh thu tính thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế
Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế từ kinh doanh là toàn bộ tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế bao gồm cả khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền và được xác định theo sổ sách kế toán.
b.1.1) Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế như sau:
b.1.1.1) Đối với hoạt động bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa hoặc thời điểm lập hóa đơn bán hàng.
b.1.1.2) Đối với hoạt động cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ. Đối với hoạt động cho thuê nhà, quyền sử dụng đất, mặt nước, tài sản khác là thời điểm hợp đồng cho thuê có hiệu lực.
Trường hợp thời điểm lập hóa đơn trước thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa (hoặc dịch vụ hoàn thành) thì thời điểm xác định doanh thu được tính theo thời điểm lập hóa đơn hoặc ngược lại.
b.1.2) Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp được xác định như sau:
b.1.2.1) Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp được xác định theo giá bán hàng hóa trả tiền một lần, không bao gồm tiền lãi trả góp.
b.1.2.2) Đối với hàng hóa, dịch vụ bán theo phương thức trả chậm là tiền bán hàng hóa, dịch vụ trả một lần, không bao gồm tiền lãi trả chậm.
Trường hợp việc thanh toán theo hợp đồng mua bán theo phương thức trả góp, trả chậm kéo dài nhiều kỳ tính thuế theo doanh thu là số tiền phải thu của người mua trong kỳ tính thuế không bao gồm lãi trả góp, trả chậm theo thời hạn quy định trong hợp đồng.
Việc xác định chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế đối với hàng hóa bán trả góp, trả chậm thực hiện theo nguyên tắc chi phí phải phù hợp với doanh thu.
b.1.2.3) Đối với hàng hóa, dịch vụ do cá nhân kinh doanh làm ra dùng để trao đổi, biếu, tặng, trang bị, thưởng cho người lao động, doanh thu được xác định theo giá bán hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương trên thị trường tại thời điểm trao đổi, biếu, tặng, trang bị, thưởng cho người lao động.
b.1.2.4) Đối với hàng hóa, dịch vụ do cá nhân kinh doanh làm ra tự dùng để phục vụ cho quá trình sản xuất, kinh doanh của cá nhân thì doanh thu là chi phí sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đó.
b.1.2.5) Đối với hoạt động gia công hàng hóa thì doanh thu là tổng số tiền thu về từ hoạt động gia công bao gồm cả tiền công, nhiên liệu, động lực, vật liệu phụ và chi phí khác phục vụ cho việc gia công hàng hóa.
b.1.2.6) Đối với nhận đại lý, ký gửi bán hàng đúng giá quy định của cá nhân kinh doanh giao đại lý, ký gửi hưởng hoa hồng thì doanh thu là tiền hoa hồng được hưởng theo hợp đồng đại lý, ký gửi hàng hóa.
b.1.2.7) Đối với hoạt động cho thuê tài sản, doanh thu được xác định theo hợp đồng không phân biệt đã nhận tiền hay chưa nhận tiền.
Trường hợp bên thuê trả tiền thuê trước cho nhiều năm thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được phân bổ cho số năm trả tiền trước hoặc xác định theo doanh thu trả tiền một lần.
b.1.2.8) Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt là giá trị công trình, giá trị hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng công trình nghiệm thu bàn giao. Trường hợp xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị thì doanh thu tính thuế là số tiền từ hoạt động xây dựng, lắp đặt không bao gồm giá trị nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị.
Trường hợp xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị thì doanh thu tính thuế là số tiền từ hoạt động xây dựng, lắp đặt bao gồm cả giá trị nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị.
b.1.2.9) Đối với hoạt động vận tải là toàn bộ doanh thu vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa phát sinh trong kỳ tính thuế.
b.2) Các khoản chi phí hợp lý được trừ
Chi phí hợp lý được trừ là các khoản chi phí thực tế phát sinh, có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân và có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
b.2.1) Chi phí tiền lương, tiền công, phụ cấp, trợ cấp, các khoản thù lao và các chi phí khác trả cho người lao động theo hợp đồng lao động, hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa ước lao động tập thể theo quy định của Bộ luật Lao động.
Đối với chi phí tiền lương, tiền công không bao gồm khoản tiền lương, tiền công của cá nhân là chủ hộ kinh doanh hoặc các thành viên đứng tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhóm kinh doanh.
Đối với tiền trang phục trả cho người lao động không vượt quá 5.000.000 đồng/người/năm. Trường hợp chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật cho người lao động thì mức chi tối đa để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế không vượt quá 5.000.000 đồng/người/năm. Đối với những ngành kinh doanh có tính chất đặc thù thì chi phí này được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
b.2.2) Chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa thực tế sử dụng vào sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ liên quan đến việc tạo ra doanh thu, thu nhập chịu thuế trong kỳ được tính theo mức tiêu hao hợp lý, giá thực tế xuất kho do hộ gia đình, cá nhân kinh doanh tự xác định và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trường hợp một số nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, hàng hóa đã được Nhà nước ban hành định mức tiêu hao thì thực hiện theo định mức của Nhà nước đã ban hành.
Mọi trường hợp tổn thất vật tư, tài sản, tiền vốn, hàng hóa đều không được tính giá trị tổn thất đó vào chi phí hợp lý trừ trường hợp tổn thất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và các trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường.
Đối với vật tư hàng hóa vừa dùng cho tiêu dùng cá nhân, vừa dùng cho kinh doanh thì chỉ được tính vào chi phí phần sử dụng vào kinh doanh.
b.2.3) Chi phí khấu hao, duy tu, bảo dưỡng tài sản cố định sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Cụ thể như sau:
b.2.3.1) Tài sản cố định được trích khấu hao tính vào chi phí hợp lý phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Tài sản cố định sử dụng vào sản xuất, kinh doanh.
- Tài sản cố định phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và các giấy tờ hợp pháp khác chứng minh tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của cá nhân kinh doanh.
- Tài sản cố định phải được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của cá nhân kinh doanh theo chế độ quản lý và hạch toán kế toán hiện hành.
Riêng trích khấu hao đối với tài sản cố định là ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống không được tính vào chi phí hợp lý.
b.2.3.2) Mức trích khấu hao tài sản cố định được tính vào chi phí hợp lý theo quy định về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.
b.2.3.3) Tài sản cố định đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn tiếp tục được sử dụng cho sản xuất, kinh doanh thì không được trích khấu hao.
Đối với tài sản cố định vừa sử dụng cho mục đích kinh doanh, vừa sử dụng cho mục đích khác thì chi phí khấu hao được tính vào chi phí hợp lý tương ứng mức độ sử dụng tài sản cho kinh doanh.
b.2.4) Chi phí trả lãi các khoản tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ liên quan trực tiếp đến việc tạo ra doanh thu, thu nhập chịu thuế.
Mức lãi suất tiền vay được tính theo lãi suất thực tế căn cứ vào hợp đồng vay vốn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế. Trường hợp vay của các đối tượng không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế thì chi phí trả lãi tiền vay được căn cứ vào hợp đồng vay nhưng mức tối đa không quá 1,5 lần mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.
Chi phí trả lãi tiền vay nêu trên không bao gồm trả lãi tiền vay để góp vốn thành lập cơ sở của cá nhân kinh doanh.
b.2.5) Chi phí quản lý, bao gồm:
b.2.5.1) Chi phí trả tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, tiền mua văn phòng phẩm, tiền thuê kiểm toán, tiền thuê dịch vụ pháp lý, tiền thuê thiết kế, tiền mua bảo hiểm tài sản, tiền dịch vụ kỹ thuật và dịch vụ mua ngoài khác.
b.2.5.2) Các khoản chi phí để có các tài sản không thuộc tài sản cố định như chi mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh.
b.2.5.3) Tiền thuê tài sản cố định hoạt động theo hợp đồng thuê. Trường hợp trả tiền thuê tài sản cố định một lần cho nhiều năm thì tiền thuê được phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo số năm sử dụng tài sản cố định.
b.2.5.4) Chi phí dịch vụ mua ngoài, thuê ngoài khác phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có chứng từ, hóa đơn theo chế độ quy định.
b.2.5.5) Chi về tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ bao gồm: chi phí bảo quản, đóng gói, vận chuyển, bốc xếp, thuê kho bãi, bảo hành sản phẩm, hàng hóa.
b.2.6) Các khoản thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất phải nộp có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật (trừ thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng đầu vào đã được khấu trừ và các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác không được tính vào chi phí theo quy định của pháp luật liên quan), bao gồm:
b.2.6.1) Thuế môn bài, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế bảo vệ môi trường, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước.
b.2.6.2) Thuế giá trị gia tăng mà pháp luật quy định được tính vào chi phí.
b.2.6.3) Các khoản phí, lệ phí mà cơ sở kinh doanh thực nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.
b.2.7) Phần chi phụ cấp cho người lao động đi công tác (không bao gồm tiền đi lại và tiền ở) tối đa là hai lần mức quy định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với cán bộ công chức, viên chức Nhà nước.
Chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn chứng từ hợp pháp theo quy định được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp cá nhân kinh doanh có khoán tiền đi lại và tiền ở cho người lao động thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại và tiền ở theo quy định của Bộ Tài chính đối với cán bộ công chức, viên chức Nhà nước.
b.2.8) Các khoản chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc tạo ra doanh thu, thu nhập chịu thuế có chứng từ, hóa đơn theo chế độ quy định.
b.3) Thu nhập chịu thuế khác
Thu nhập chịu thuế khác là các khoản thu nhập phát sinh trong quá trình kinh doanh gồm: tiền phạt vi phạm hợp đồng. tiền phạt do chậm thanh toán. tiền lãi ngân hàng trong quá trình thanh toán. tiền lãi do bán hàng trả chậm, trả góp. tiền lãi do bán tài sản cố định. tiền bán phế liệu, phế phẩm và thu nhập chịu thuế khác.
c) Đối với nhóm cá nhân kinh doanh
Trường hợp nhiều người cùng đứng tên trong một Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh kể cả trường hợp cho thuê nhà, thuê mặt bằng có nhiều người cùng đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là nhóm cá nhân kinh doanh), sau khi đã xác định được thu nhập chịu thuế từ kinh doanh theo hướng dẫn tại điểm a và b, khoản 1, Điều này, thu nhập chịu thuế của mỗi cá nhân được phân chia theo một trong các cách sau đây:
c.1) Theo tỷ lệ vốn góp của từng cá nhân ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
c.2) Theo thỏa thuận giữa các cá nhân.
c.3) Theo số bình quân thu nhập đầu người trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không xác định tỷ lệ vốn góp hoặc không có thỏa thuận về phân chia thu nhập giữa các cá nhân.
Trên cơ sở thu nhập chịu thuế của mỗi cá nhân cùng tham gia kinh doanh đã xác định theo nguyên tắc phân chia nêu trên, từng cá nhân được tính các khoản giảm trừ theo hướng dẫn tại Điều 9, Thông tư này để xác định thu nhập tính thuế và số thuế thu nhập cá nhân phải nộp riêng cho từng cá nhân.
2. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công
a) Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 2 Thông tư này.
b) Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế.
Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.
Riêng thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm có tích lũy theo hướng dẫn tại điểm đ.2, khoản 2, Điều 2 Thông tư này là thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hữu trí tự nguyện trả tiền bảo hiểm.
3. Thu nhập chịu thuế đối với cá nhân vừa có thu nhập từ kinh doanh, vừa có thu nhập từ tiền lương, tiền công là tổng thu nhập chịu thuế từ kinh doanh và thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công.
*Điều này được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 25 Thông tư 92/2015/TT-BTC
Điều 25. Hiệu lực thi hành
...
6. Bãi bỏ các nội dung liên quan đến thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân kinh doanh hướng dẫn tại Điều 7, Điều 8, Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.*