TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5070/TCHQ-KTTT | Hà Nội, ngày 10 tháng 09 năm 1999 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Sau khi nghiên cứu các vấn đề đặt ra đối với ngành Hải quan trong tiến trình hội nhập quốc tế và các cam kết quốc tế trong lĩnh vực hải quan, Tổng cục Hải quan xin trình Thủ tướng Chính phủ những vấn đề liên quan đến việc xác định trị giá tính thuế hải quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo Hiệp định trị giá GATT - một nội dung được đề cập trong các cuộc đàm phán thương mại song phương và đa phương - và là điều kiện bắt buộc phải thực hiện khi Việt nam trở thành một bên tham gia ký kết.
1. Hệ thống xác định trị giá hiện hành:
Trị giá tính thuế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu cùng với Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu là những yếu tố cơ bản của chính sách thuế xuất nhập khẩu và tạo nên hàng rào thuế quan. Nguyên tắc xác định giá tính thuế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được quy định tại Điều 7 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, theo đó hệ thống xác định trị giá tính thuế hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt nam về cơ bản dựa trên bảng giá tối thiểu.
Ưu điểm chính của hệ thống xác định trị giá tính thuế hiện nay là Nhà nước thu được khoản thuế chắc chắn dựa trên giá tối thiểu, đây cũng là biện pháp chống bán phá giá và chống gian lận thương mại qua giá khá đơn giản, qua đó góp phần bảo hộ sản xuất và bảo vệ nguồn thu cho ngân sách Nhà nước trong điều kiện thu thuế từ hàng hoá xuất nhập khẩu còn chiếm tỷ lệ tương đối cao trong tổng thu ngân sách nhà nước, mà điều này vẫn là nhu cầu tất yếu trong vài năm tới.
Bên cạnh đó hệ thống xác định trị giá dựa trên bảng giá tối thiểu cũng bộc lộ một số điểm yếu như mức giá quy định tương đối cứng nhắc không được sửa đổi kịp thời theo sự biến động giá trên thị trường, những mặt hàng có uy tín, chất lượng và giá trị thương mại rất khác nhau đều được đưa vào một khung giá duy nhất, lợi dụng những đặc điểm này các doanh nghiệp dù có giao dịch với mức giá thực tế cao hơn nhưng đều ghi trên hợp đồng với mức giá ngang bằng giá tối thiểu để duy trì lợi thế cạnh tranh vì nếu không nhà nhập khẩu sẽ tự loại mình ra khỏi hoạt động kinh doanh và như vậy nhà nước mất đi một khoản thuế lẽ ra nhà nhập khẩu phải nộp.
Hai xu hướng trái ngược trên đây cùng tồn tại nhưng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của bảng giá tối thiểu trong giai đoạn hiện nay, song điều đó không đồng nghĩa với việc coi bảng giá tối thiểu là sự lựa chọn tối ưu trong tương lai mà nó chỉ phù hợp trong giai đoạn chuyển đổi sang hệ thống xác định trị giá công bằng và tiến bộ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Sự cần thiết xác lập hệ thống xác định trị giá tính thuế theo Hiệp định trị giá GATT:
Tham gia các tổ chức khu vực hay quốc tế như ASEAN, APEC và WTO, Việt nam sẽ phải thực hàng loạt các cam kết quốc tế, các Hiệp định và Công ước trên các lĩnh vực hợp tác.
Trong lĩnh vực Hải quan, khi Việt nam là thành viên của các tổ chức này, ngành Hải quan đã và sẽ tham gia hàng loạt Công ước quốc tế như Công ước Kyoto, Công uớc HS, Hiệp định trị giá GATT, ... Lợi ích lớn nhất khi thực hiện các công ước này là tạo thuận lợi cho thương mại. Riêng đối với Hiệp định trị giá GATT sẽ tác động trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước trong thời kỳ đầu áp dụng, đồng thời ảnh hưởng tới vai trò bảo hộ sản xuất trong nước khi hàng hoá trong nước phải cạnh không bình đẳng với hàng hoá nhập khẩu có sự gian lận bằng cách ghi giảm giá trên hợp đồng để trốn thuế.
Tại Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan các nước ASEAN lần thứ 5 ngày 22 - 23/5/1997 tại Brunei, Việt nam đã cam kết cố gắng thực hiện Hiệp định trị giá GATT vào năm 2000, thực tế thời điểm đó đã gần kề nhưng chúng ta chưa chuẩn bị đủ điều kiện để thực thi. Trong phiên họp lần thứ 3 diễn ra tháng 7/1999 tại Geneva - Thuỵ sĩ giữa Việt nam và Ban công tác về việc Việt nam gia nhập WTO, chúng ta đã đưa ra Bản chào thực hiện Hiệp định trị giá GATT/WTO vào năm 2005 dựa trên sự cân nhắc về lợi ích và khả năng thực hiện Hiệp định. Về lộ trình chúng ta đưa ra, các nước tham gia đàm phán cũng có những ý kiến khác nhau nhưng tựu chung lại đó là kế hoạch hành động có tính thuyết phục và phù hợp với điều kiện Việt nam đang áp dụng bảng giá tối thiểu, cần có thời gian để chuyển đổi dần sang thực hiện Hiệp định.
Như vậy, việc tham gia thực hiện Hiệp định trị giá GATT/WTO vừa là một nghĩa vụ khi chúng ta tham gia WTO, đồng thời là một xu hướng tiến bộ nhằm thay thế và loại bỏ những bất cập trong hệ thống xác định trị giá hiện hành. Song việc xem xét những tác động của nó trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể Việt nam hiện nay để đưa ra những giải pháp và kế hoạch hành động thích hợp là vấn đề quan trọng có tác động trực tiếp tới vai trò của hàng rào thuế quan và chức năng chống gian lận thương mại của ngành Hải quan.
3. Hiệp định trị giá GATT và yêu cầu về tổ chức thực hiện:
Nguyên tắc cơ bản xuyên suốt nhằm duy trì tính minh bạch, công bằng và ổn định của Hiệp định trị giá GATT là trong chừng mực lớn nhất có thể thì trị giá tính thuế được xác định theo trị giá giao dịch, hay nói cách khác trị giá tính thuế được xác định theo giá mua bán thực tế ghi trên hợp đồng, tức là giá mà người mua và người bán đạt được thông qua đàm phán. Chỉ trong trường hợp trị giá giao dịch không thể chấp nhận thì sẽ áp dụng lần lượt theo thứ tự 5 phương pháp thay thế nhưng không được dùng bảng giá tối thiểu, chỉ một số ít trường hợp nhập khẩu không có trị giá giao dịch, người mua người bán có mối quan hệ đặc biệt mà hải quan đủ cơ sở kết luận có ảnh hưởng tới giá giao dịch... thì cơ quan Hải quan sẽ xác định trị giá theo một trong năm phương pháp thay thế. Theo số liệu thống kê của các nước đã thực hiện Hiệp định này thì trên 90% số tờ khai nhập khẩu có trị giá giao dịch được chấp nhận để tính thuế. Nhìn chung Hiệp định tạo môi trường thuận cho thương mại, nhà nhập khẩu không chịu sự áp đặt chủ quan từ phía cơ quan Hải quan trong việc xác định trị giá tính thuế.
Theo Hiệp định, điều kiện để xác định trị giá tính thuế theo hợp đồng khá đơn giản nhưng hầu hết các hiện tượng gian lận thương mại qua giá đều bị kiểm soát chặt chẽ thông qua hệ thống quản lý rủi ro, hệ thống kiểm tra sau giải phóng hàng được tổ chức tốt và trong những trường hợp bị phát hiện doanh nghiệp sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí dẫn đến sự phá sản.
Môi trường duy trì và đảm bảo khả năng thực thi Hiệp định trị giá GATT là hệ thống kiểm tra sau khi giải phóng hàng. Đó là vũ khí răn đe và tìm kiếm những kẻ gian lận thương mại. Nhưng chúng ta chưa có hệ thống kiểm tra sau thông quan đủ sức mạnh, mà chỉ mới được hình thành trên văn bản vào tháng 6 năm 1999. Do vậy, nếu chấp nhận Hiệp định khi chưa chuẩn bị đầy đủ các tiền đề cần thiết tức là chấp nhận hầu hết giá ghi trên hợp đồng với tỷ lệ gian lận thương mại rất cao, và như vậy ta đã mở chốt cuối cùng mặc sức cho gian lận thương mại qua giá mà không có biện pháp kiểm soát hữu hiệu.
Để thiết lập được hệ thống kiểm tra đủ mạnh thì những nỗ lực riêng của Ngành Hải quan là chưa đủ mà cần sự hỗ trợ và phát triển đồng bộ của hệ thống thuế nội địa, đặc biệt là tính minh bạch và trung thực của hệ thống sổ sách kế toán chứng từ, bên cạnh đó là hệ thống thanh toán quốc tế, thanh toán nội địa qua ngân hàng có khả năng kiểm soát mối quan hệ thanh toán giữa các doanh nghiệp, cá nhân. Tính tương hỗ và phụ thuộc lẫn nhau đó đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Như vậy, do tính chất và đặc điểm của việc tổ chức thực thi Hiệp định không chỉ nằm trong phạm vi của ngành Hải quan và còn chịu sự chi phối bởi các văn bản pháp quy hiện hành, nên vấn đề này cần được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo thực hiện đúng cam kết quốc tế và nghĩa vụ của Việt nam khi tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực.
4. Một số hoạt động của ngành Hải quan tiến tới thực hiện Hiệp định trị giá GATT:
Theo Điều 7 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Điều 7 Nghị định 54/CP ngày 28/3/1993 của Chính phủ thì Bộ Tài chính được giao chủ trì phối hợp với Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan để xây dựng các nguyên tắc xác định giá tính thuế hàng hoá xuất nhập khẩu. Mặc dầu đã có một số cải tiến xung quanh hệ thống này nhưng về cơ bản đó vẫn là hệ thống xác định trị giá dựa trên bảng giá tối thiểu. Cho đến nay việc nghiên cứu để thực hiện Hiệp định trị giá GATT đã được đặt ra khá cấp bách nhưng cả ba cơ quan được Chính phủ giao vẫn chưa có sự phối hợp để đưa ra giải pháp chung trình Chính phủ.
Về phía Tổng cục Hải quan thì việc thực thi Hiệp định sẽ là một bộ phận tất yếu trong quy trình thủ tục Hải quan và nằm trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính về Hải quan. Từ trước đến nay Tổng cục Hải quan là cơ quan đầu mối tiếp nhận sự trợ giúp và hợp tác quốc tế về Hiệp định trị giá GATT, như các loại hình đào tạo, nghiên cứu, hội thảo, tư vấn, dự án... Bên cạnh đó Tổng cục Hải quan đã chủ động thành lập Tổ nghiên cứu trị giá GATT và xây dựng kế hoạch hành động tiến tới thực hiện Hiệp định trị giá GATT. Hiện nay trong khuôn khổ Dự án VIE/97/059 do UNDP tài trợ thì việc hỗ trợ nghiên cứu triển khai thực hiện Hiệp định trị giá GATT là một trong những nội dung chính của dự án này.
II. KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ:
Để tiến tới thực hiện Hiệp định trị giá GATT - một nghĩa vụ bắt buộc khi trở thành thành viên WTO, Tổng cục Hải quan xin kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề sau:
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thành lập Nhóm nghiên cứu triển khai thực hiện xác định trị giá tính thuế hải quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo Hiệp định trị giá GATT trực thuộc Thủ tướng Chính phủ do Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan làm trưởng Nhóm với thành phần và nhiệm vụ như sau:
Thành phần gồm:
Đại diện Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan.
- Nhiệm vụ:
Tổ chức nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ giải pháp đồng bộ để triển khai thực hiện đầy đủ Hiệp định trị giá GATT vào năm 2005 theo hai giai đoạn: giai đoạn 1 đến năm 2003 mục tiêu chính là áp dụng từng phần Hiệp địnhvà chuẩn bị tiền đề áp dụng toàn bộ, giai đoạn hai 2004 - 2005 mục tiêu chính là hoàn thiện hệ thống xác định trị giá hải quan theo Hiệp định trị giá GATT/WTO.
- Tổng cục Hải quan là cơ quan chủ trì phối hợp và chuẩn bị điều kiện cần thiết để tiếp nhận những nội dung nghiên cứu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ứng dụng vào thực tiễn hoạt động của Ngành.
Giao Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nghiên cứu giải pháp tổng thể về kiểm tra sau thông quan, tổ chức đào tạo và sắp xếp lực lượng để hình thành hệ thống kiểm tra sau thông quan đủ sức mạnh làm tiền đề chắc chắn thực thi Hiệp định trị giá GATT.
3. Trong thời gian trước mắt, giao Tổng cục Hải quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ giải pháp cải tiến hệ thống xác định trị giá đang áp dụng đối với các mặt hàng không thuộc danh mục nhà nước quản lý giá tính thuế nằm ngoài bảng giá tối thiểu do Bộ Tài chính quy định đảm bảo thu đúng, thu đủ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời tạo ra bước chuyển tích cực phù hợp với giai đoạn tiếp theo thực hiện Hiệp định trị giá GATT.
Tổng cục Hải quan kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo .
Nơi gửi: | TỔNG CỤC TRƯỞNG
|
File gốc của Công văn số 5070/TCHQ-KTTT của Tổng cục Hải quan về việc thành lập Nhóm nghiên cứu triển khai thực hiện xác định trị giá tính thuế hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu nhập khẩu theo Hiệp định Trị giá GATT/WTO đang được cập nhật.
Công văn số 5070/TCHQ-KTTT của Tổng cục Hải quan về việc thành lập Nhóm nghiên cứu triển khai thực hiện xác định trị giá tính thuế hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu nhập khẩu theo Hiệp định Trị giá GATT/WTO
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tổng cục Hải quan |
Số hiệu | 5070/TCHQ-KTTT |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Phan Văn Dĩnh |
Ngày ban hành | 1999-09-10 |
Ngày hiệu lực | 1999-09-10 |
Lĩnh vực | Thương mại |
Tình trạng | Còn hiệu lực |