BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 49/2000/TT-BTC | Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2000 |
Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), Nghị quyết số 90/1999/NQ-UBTVQH10 ngày 3/9/1999 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số danh mục hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và thuế suất thuế GTGT đối với một số hàng hoá, dịch vụ; Nghị định số 15/2000/NĐ-CP ngày 09/5/2000 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Nghị quyết số 90/NQ-UBTVQH10 ngày 03/9/1999 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Căn cứ vào các Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998, Nghị định số 102/1998/NĐ-CP ngày 21/12/1998 và Nghị định số 78/1999/NĐ-CP ngày 20/8/1999 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng.
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 15/2000/ NĐ-CP ngày 09/5/2000 của Chính phủ và sửa đổi bổ sung một số qui định về thuế GTGT như sau:
1. Về đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT:
Đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT qui định tại Nghị quyết số 90/NQ- UBTVQH10 ngày 03/9/1999 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số15/2000/NĐ-CP ngày 09/5/2000 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành như sau:
a) Thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được, cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp; máy bay, dàn khoan, tàu thuỷ thuê của nước ngoài loại trong nước chưa sản xuất được dùng cho sản xuất, kinh doanh:
- Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh nhập khẩu dây chuyền thiết bị, máy móc đồng bộ thuộc diện không chịu thuế GTGT nhưng trong dây chuyền đồng bộ đó có cả loại thiết bị, máy móc trong nước đã sản xuất được thì không tính thuế GTGT cho cả dây chuyền thiết bị, máy móc đồng bộ.
Ví dụ: Công ty Dệt A nhập khẩu một số máy dệt loại trong nước chưa sản xuất được, trong đó có cả một số mô tơ điện đồng bộ của máy dệt là loại trong nước đã sản xuất được thì mô tơ nhập khẩu đồng bộ này cũng không chịu thuế GTGT.
- Trường hợp, các cơ sở nhập khẩu thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được dưới hình thức nhà thầu cung cấp trực tiếp hoặc uỷ thác nhập khẩu cho các đơn vị sử dụng làm tài sản cố định theo dự án đầu tư được duyệt, thì cũng không phải nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu, cũng như khi xuất bán hoặc trả hàng uỷ thác nhập khẩu là máy móc, thiết bị này cho các đơn vị sử dụng theo hợp đồng. Các khoản thu khác như: hoa hồng nhập khẩu, vận chuyển, lắp đặt (nếu có) vẫn phải chịu thuế GTGT và phải lập hoá đơn riêng để tính thuế.
- Công ty cho thuê tài chính nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng loại trong nước chưa sản xuất được làm tài sản cho các doanh nghiệp thuê mua để làm tài sản cố định.
- Căn cứ để xác định thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng loại trong nước chưa sản xuất được, đơn vị nhập khẩu phải xuất trình các hồ sơ sau:
+ Hợp đồng nhập khẩu (nếu nhập khẩu trực tiếp); hợp đồng uỷ thác nhập khẩu và hợp đồng nhập khẩu ký với bên nước ngoài (nếu nhập khẩu uỷ thác); giấy báo trúng thầu và hợp đồng nhập khẩu (nếu đơn vị nhập khẩu để cung cấp cho dự án trúng thầu); hợp đồng nhập khẩu hoặc hợp đồng uỷ thác nhập khẩu và hợp đồng cho thuê mua (nếu Công ty cho thuê tài chính nhập khẩu để cho doanh nghiệp thuê mua).
Thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu được xác định căn cứ vào danh mục các loại máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng trong nước đã sản xuất được, ban hành kèm theo Quyết định số 214/1999/QĐ-BKH ngày 26/4/1999 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
+ Xác nhận thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nhập khẩu để tạo tài sản cố định của Giám đốc doanh nghiệp sử dụng tài sản nhập khẩu.
- Đối với, vật tư xây dựng loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định được xác định căn cứ vào bản danh mục vật tư xây dựng loại trong nước đã sản xuất được do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định.
Những trường hợp nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng, vật tư xây dựng thuộc diện không chịu thuế GTGT khâu nhập khẩu theo qui định trên đây nếu đã nhập khẩu trước ngày công bố danh mục loại trong nước đã sản xuất được làm căn cứ xác định, đã thu thuế GTGT hay đã được hoàn thuế GTGT đã nộp ở khâu nhập khẩu thì không xác định lại.
- Đối với máy bay, tàu thuỷ thuê không phân biệt hình thức thuê (thuê riêng máy bay, tàu thuỷ hoặc thuê cả người lái).
- Đối với giàn khoan thuê, không bao gồm các vật tư, nguyên liệu sử dụng cho hoạt động khoan.
Các cơ sở thuê máy bay, tàu thuỷ, thiết bị dàn khoan của nước ngoài không chịu thuế GTGT nêu tại điểm này phải có hợp đồng thuê ký với phía nước ngoài hợp pháp.
b) Một số sản phẩm, dịch vụ thuộc lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao:
- Hoạt động văn hoá, triển lãm và thể dục, thể thao mang tính chất phong trào, quần chúng, tổ chức luyện tập, thi đấu không thu tiền hoặc có thu tiền nhưng không nhằm mục đích kinh doanh. Các hoạt động triển lãm, thể dục, thể thao mang tính phong trào quần chúng, tổ chức luyện tập, thi đấu không thu tiền hoặc có thu tiền. Các hoạt động nêu trên nếu có thu tiền như dưới hình thức bán vé vào xem biểu diễn nghệ thuật, xem thi đấu thể thao, triển lãm thì doanh thu bán vé không chịu thuế GTGT. Nhưng các khoản doanh thu khác như: bán hàng hoá tại hội chợ, triển lãm, thu tiền các dịch vụ khác như: cho thuê sân bãi, gian hàng triển lãm... phải chịu thuế GTGT.
- Hoạt động biểu diễn nghệ thuật như: ca, múa, nhạc, kịch, xiếc; hoạt động biểu diễn nghệ thuật khác và dịch vụ tổ chức biểu diễn nghệ thuật.
- Sản xuất phim các loại (phim đã ghi hình) không phân biệt chủ đề, loại hình phim.
- Nhập khẩu (phim đã ghi hình), phát hành và chiếu phim: đối với phim nhựa thì không phân biệt chủ đề, loại phim; đối với phim ghi trên băng hình, đĩa hình viđiô chỉ là phim tài liệu, phóng sự, khoa học. Loại phim và chủ đề phim được xác định theo các qui định của Bộ Văn hoá và Thông tin.
c) In, xuất bản, nhập khẩu, phát hành: báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, sách chính trị, sách giáo khoa (kể cả dưới dạng băng hoặc đĩa ghi tiếng, ghi hình), giáo trình, sách văn bản pháp luật (sách in các văn bản pháp luật, các Văn kiện, Nghị quyết, văn bản pháp qui khác); sách in bằng tiếng dân tộc thiểu số, tranh, ảnh, áp phích, tuyên truyền cổ động; in tiền.
d) Hàng hoá nhập khẩu trong các trường hợp: hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; quà tặng cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao; hàng mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế; đồ dùng của người Việt Nam sống ở nước ngoài khi về nước mang theo. Hàng nhập khẩu trong các trường hợp qui định tại điểm này được xác định theo chế độ Nhà nước qui định.
Hàng bán cho tổ chức quốc tế, người nước ngoài để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam. Đối với tổ chức Việt Nam sử dụng tiền viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của tổ chức, cá nhân nước ngoài để mua hàng hoá tại Việt Nam thì được hoàn lại tiền thuế GTGT đã trả ghi trên hoá đơn thuế GTGT khi mua hàng.
- Cơ sở kinh doanh bán hàng hoá cho tổ chức quốc tế, người nước ngoài để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam không phải tính thuế GTGT đối với số hàng bán này. Khi bán hàng cho các đối tượng này, cơ sở bán hàng phải yêu cầu bên mua cung cấp bản xác nhận của tổ chức quốc tế hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ghi rõ tên tổ chức quốc tế, người nước ngoài mua hàng để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, số lượng hoặc giá trị loại hàng cần mua. Cơ sở bán hàng vẫn lập và giao hóa đơn GTGT theo đúng quy định nhưng không tính thuế GTGT, vì vậy phải gạch chéo dòng ghi thuế GTGT và lưu giữ bản xác nhận của tổ chức quốc tế hoặc của cơ quan đại diện của Việt Nam để làm căn cứ kê khai và quyết toán thuế. Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá bán cho đối tượng này, cơ sở kinh doanh được tính khấu trừ khi tính số thuế GTGT phải nộp hoặc được hoàn.
- Đối với tổ chức Việt Nam sử dụng tiền của các tổ chức, cá nhân nước ngoài mua hàng hoá tại Việt Nam để viện trợ nhân đạo thì được hoàn lại tiền thuế GTGT đúng bằng số thuế GTGT ghi trên hoá đơn GTGT khi mua hàng.
Cơ sở mua hàng phải có văn bản đề nghị hoàn thuế gửi Cục Thuế tỉnh, thành phố nơi địa phương mua hàng đóng trụ sở chính, ghi rõ số thuế GTGT đề nghị hoàn. Kèm theo văn bản đề nghị hoàn thuế phải có:
+ Văn bản của cơ quan có thẩm quyền giao cho tổ chức mua hàng hoá bằng nguồn tiền này ghi rõ số tiền và loại hàng hoá mua (nếu là bản sao phải có đóng dấu y sao bản chính).
+ Bản kê các hoá đơn mua hàng (theo mẫu bản kê mua hàng số 03/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 89/1998/TT-BTC của Bộ Tài chính) và bản sao các hoá đơn mua hàng có đóng dấu sao của tổ chức mua hàng. Cục Thuế khi nhận được hồ sơ đề nghị hoàn thuế có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và giải quyết hoàn thuế cho từng trường hợp cụ thể trong thời gian không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ.
- Tổ chức quốc tế, người nước ngoài mua hàng để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam. Tổ chức Việt Nam sử dụng tiền viện trợ nhân đạo của tổ chức, cá nhân nước ngoài để mua hàng hoá tại Việt Nam được hoàn lại tiền thuế GTGT ghi trên hoá đơn GTGT mua hàng kể từ ngày 1/10/1999.
a) Các hàng hóa, dịch vụ dưới đây thuộc Nhóm thuế suất 10% được chuyển sang nhóm thuế suất 5%:
Than đá, than cốc, than bùn;
Sản phẩm cơ khí (trừ cơ khí tiêu dùng);
Hoá chất cơ bản.
Danh mục sản phẩm cơ khí và hoá chất cơ bản thuộc nhóm thuế suất 5% xác định theo hướng dẫn tại Thông tư số 106/1999/TT-BTC ngày 30/8/1999 và các văn bản hướng dẫn chi tiết đã ban hành của Bộ Tài chính, nay bổ sung cụ thể thêm danh mục các mặt hàng thuộc sản phẩm cơ khí (trừ cơ khí tiêu dùng): que hàn, lưới rào bằng thép từ B27 đến B41, dây thép gai, tấm lợp bằng kim loại, dây cáp chịu lực bằng kim loại, băng tải bằng thép.
b) Các hàng hoá, dịch vụ: Khách sạn, du lịch, ăn uống thuộc nhóm thuế suất 20%, được chuyển sang nhóm thuế suất 10%.
- Khách sạn, du lịch được xác định theo tiêu chuẩn do cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc theo giấy phép kinh doanh.
- Kinh doanh ăn uống không phân biệt ăn uống bình dân, cao cấp.
Những hàng hoá, dịch vụ nêu tại điểm 2a và 2b trước đây được giảm 50% mức thuế GTGT theo qui định tại Khoản 3, Điều 1 Nghị định số 78/1999/NĐ-CP ngày 20/8/1999 của Chính phủ thì kể từ ngày 25/5/2000 không áp dụng giảm 50% thuế GTGT nữa mà chuyển sang áp dụng mức thuế suất mới qui định tại điểm 2 Thông tư này.
c) Xây dựng, lắp đặt các công trình, hạng mục công trình ở nước ngoài và cho doanh nghiệp chế xuất được coi là sản phẩm xuất khẩu, áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%.
- Xây dựng, lắp đặt, áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% phải có hồ sơ sau:
+ Hợp đồng xây dựng phải ghi rõ công trình, hạng mục công trình xây dựng, lắp đặt ở nước ngoài và cho doanh nghiệp chế xuất.
+ Hoá đơn thanh toán công trình (hoặc hạng mục công trình) hoàn thành bàn giao.
+ Xác nhận của cơ quan Hải quan về vật tư, nguyên liệu của doanh nghiệp đã mua xuất sử dụng cho công trình, hạng mục công trình xây dựng ở nước ngoài, ở doanh nghiệp chế xuất.
Căn cứ vào giá thanh toán chưa có thuế GTGT, lập hoá đơn GTGT ghi thuế suất thuế GTGT 0%.
d) Giảm 50% mức thuế GTGT đối với các hoạt động: Xây dựng, lắp đặt; cơ sở kinh doanh được Nhà nước giao đất xây nhà để bán, xây dựng cơ sở hạ tầng để chuyển nhượng; cơ sở kinh doanh được Nhà nước cho thuê đất đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để cho thuê.
Hoạt động lắp đặt thuộc diện được giảm 50% mức thuế GTGT là hoạt động lắp đặt máy móc, thiết bị, điện, nước gắn với công trình xây dựng. Đối với vật tư, hàng hoá cung ứng cho các đơn vị xây dựng, lắp đặt áp dụng thuế suất theo mặt hàng, kể cả trường hợp bên cung ứng vật tư, hàng hoá thực hiện lắp đặt vào công trình xây dựng. Các cơ sở kinh doanh mua bán nhà đất, cho thuê nhà không thuộc đối tượng nêu trên, áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%.
đ) Lốp và bộ săm lốp cỡ từ 900- 20 trở lên được giảm 50% thuế GTGT.
e) Đối với hoạt động gia công sản xuất mặt hàng chịu thuế GTGT áp dụng theo mức thuế suất theo mặt hàng. Ví dụ: Gia công hàng may mặc áp dụng thuế suất của hàng may mặc là 10%; gia công sản xuất thiết bị chuyên dùng cho y tế, áp dụng thuế suất dụng cụ y tế 5%. Đối với gia công sản xuất các mặt hàng không thuộc diện chịu thuế GTGT thì không tính thuế GTGT.
g) Đối với hoạt động sửa chữa máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải... thuộc loại sản phẩm cơ khí, thuế suất thuế GTGT 5% thì thuế suất sửa chữa áp dụng là 5%.
h) Các phế liệu, phế phẩm thu hồi bán ra, áp dụng thuế suất thuế GTGT 5%.
- Đối với các doanh nghiệp được nhà nước giao đất xây nhà, cơ sở hạ tầng kỹ thuật để bán, để chuyển nhượng gắn với chuyển quyền sử dụng đất, giá tính thuế GTGT đối với nhà, cơ sở hạ tầng bán ra hoặc chuyển nhượng là giá bán, giá chuyển nhượng (chưa có thuế GTGT), trừ tiền sử dụng đất phải nộp Ngân sách Nhà nước.
- Đối với hoạt động kinh doanh mua, bán nhà, cơ sở hạ tầng, giá tính thuế GTGT là giá bán chưa có thuế GTGT, trừ giá trị đất đã tính thuế chuyển quyền sử dụng đất.
- Đối với cơ sở kinh doanh cho thuê cơ sở hạ tầng, giá tính thuế GTGT là giá cho thuê (chưa có thuế GTGT), trừ giá thuê đất phải nộp Ngân sách Nhà nước.
Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ trực tiếp thu mua hàng hoá là nông sản, lâm sản, thuỷ sản chưa qua chế biến của các nông trường, trạm trại sản xuất bán ra có hoá đơn bán hàng hoặc hoá đơn GTGT nhưng không ghi thuế GTGT được tính khấu trừ thuế theo tỷ lệ % qui định đối với từng mặt hàng.
Các doanh nghiệp thu mua các mặt hàng được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo tỷ lệ % qui định, nếu chuyển các mặt hàng thu mua cho cơ sở khác gia công thì cơ sở thu mua là đối tượng được tính khấu trừ thuế.
Các doanh nghiệp thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế, trực tiếp thu mua cà phê, lúa, gạo của người sản xuất không có hoá đơn GTGT được tính khấu trừ thuế theo tỷ lệ qui định là 3% trên giá mua theo bản kê mua hàng đối với cà phê, lúa gạo thu mua, xuất khẩu. Việc khấu trừ thuế đầu vào theo tỷ lệ % đối với lúa, gạo, cà phê thu mua để bán trong nước vẫn thực hiện theo qui định tại điểm 1a, 1b, Mục II, Thông tư số 106/1999/TT-BTC ngày 30/8/1999 của Bộ Tài chính. Trường hợp kinh doanh lúa, gạo, cà phê vừa thu mua bán trong nước, vừa xuất khẩu thì số thuế GTGT được tính khấu trừ xác định tương ứng với tỷ lệ % doanh số xuất khẩu và doanh số bán nội địa.
Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt hướng dẫn cụ thể đối với một số trường hợp như sau:
- Trường hợp các đơn vị xây dựng, lắp đặt có tổ chức các đơn vị phụ thuộc như: tổ, đội xây dựng, ban quản lý công trình thực hiện xây lắp các công trình ở địa phương khác nơi đơn vị có trụ sở chính, thì đơn vị thi công xây lắp ở địa phương nào phải kê khai, nộp thuế GTGT ở địa phương đó; trường hợp, không xác định được thuế GTGT đầu vào, thuế GTGT đầu ra để tính thuế GTGT phải nộp thì đơn vị phải kê khai doanh thu và áp dụng tính thuế GTGT nộp tại địa phương nơi xây dựng công trình, hạng mục công trình theo tỷ lệ bằng 1% trên giá thanh toán công trình, hạng mục công trình chưa có thuế GTGT. Đơn vị xây dựng, lắp đặt có trách nhiệm kê khai, quyết toán thuế GTGT theo chế độ qui định với cơ quan thuế nơi đóng trụ sở chính. Các đơn vị hạch toán phụ thuộc thực hiện xây dựng công trình, hạng mục công trình ở địa phương khác sử dụng mã số thuế, hoá đơn của đơn vị cấp trên; sử dụng tờ khai thuế GTGT theo mẫu số 01/GTGT ban hành kèm theo thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998 của Bộ Tài chính. Khi kê khai số thuế GTGT nộp tại địa phương nơi xây dựng, lắp đặt công trình, hạng mục công trình đơn vị chỉ kê khai vào dòng 1và 2b của tờ khai doanh số chịu thuế GTGT theo giá thanh toán (chưa có thuế GTGT), dòng số 10 (số thuế phải nộp tháng này) ghi số thuế GTGT tạm nộp xác định bằng (=) doanh số theo giá thanh toán (chưa có thuế GTGT) nhân (x) 1%.
- Trường hợp cơ sở kinh doanh thực hiện thi công xây lắp những công trình, hạng mục công trình liên quan tới nhiều địa phương như: xây dựng đường giao thông, đường dây tải điện, đường ống dẫn nước, dẫn dầu khí ... thì đơn vị có doanh thu, hạch toán thuế GTGT đầu vào, đầu ra là đối tượng đăng ký, kê khai, nộp thuế GTGT ở địa phương nơi cơ sở đóng trụ sở.
Về mẫu kê khai nộp thuế GTGT: thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 89/1998/TT-BTC của Bộ Tài chính và được bổ sung như sau:
+ Các cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế khi lập bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá, dịch vụ bán ra (mẫu số 02/GTGT) phải ghi mã số thuế của khách hàng mua vào cột ghi chú. Khi lập bảng kê hoá đơn, chứng từ hàng hoá, dịch vụ mua vào (mẫu số 03/GTGT) phải ghi mã số thuế của đơn vị, người bán vào cột ghi chú. Các trường hợp không có mã số thuế thì gạch ngang (-).
+ Cơ sở kinh doanh mua các mặt hàng không có hoá đơn được tính khấu trừ theo bảng kê nếu không phải là hàng nông sản, lâm sản, thuỷ sản, thì lập bảng kê theo mẫu bảng kê số 04/GTGT và sửa tên bảng kê là hàng hoá mua của người bán không có hoá đơn.
Đối với các mặt hàng mua vào có hóa đơn, cơ sở kinh doanh phải lập riêng bảng kê và cũng sử dụng theo mẫu bảng kê số 04/GTGT và sửa tên thành bảng kê hàng hoá mua vào có hoá đơn bán hàng.
Trong các trường hợp lập bảng kê hàng hoá mua vào được tính khấu trừ thuế, nếu mua nhiều loại hàng hoá có tỷ lệ (%) khấu trừ khác nhau thì phải lập bảng kê riêng cho từng loại hàng hoá mua vào có cùng tỷ lệ (%) được tính khấu trừ.
6- Về hoàn thuế GTGT, giảm thuế GTGT:
- Việc giảm thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (theo Điều 28 của Luật thuế GTGT) chỉ áp dụng đối với cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế và là đơn vị hạch toán độc lập và do Cục Thuế địa phương nơi cơ sở kinh doanh đóng trụ sở chính xem xét giải quyết.
- Việc hoàn thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng kê khai nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế chỉ áp dụng đối với cơ sở kinh doanh có lưu giữ sổ sách kế toán, hoá đơn, chứng từ và tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 5 năm 2000, các qui định về hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, giá tính thuế GTGT, thuế suất thuế GTGT, khấu trừ thuế GTGT, kê khai nộp thuế GTGT nêu trong Thông tư số 89/1998/TT-BTC; Thông tư số 175/1998/TT-BTC; Thông tư số 106/1999/TT-BTC và các văn bản khác hướng dẫn về thuế GTGT đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư này thì thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì vướng mắc, đề nghị các đơn vị báo cáo về Bộ Tài chính để hướng dẫn giải quyết.
| Phạm Văn Trọng (Đã ký) |
File gốc của Thông tư 49/2000/TT-BTC hướng dẫn thi hành NĐ 15/2000/NĐ-CP thi hành NQ 90/NQ-UBTVQH10 sửa đổi một số danh mục hàng hoá dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và thuế suất thuế GTGT đối với một số hàng hóa dịch vụ và sửa đổi một số quy định về thuế GTGT do Bộ Tài chính ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 49/2000/TT-BTC hướng dẫn thi hành NĐ 15/2000/NĐ-CP thi hành NQ 90/NQ-UBTVQH10 sửa đổi một số danh mục hàng hoá dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và thuế suất thuế GTGT đối với một số hàng hóa dịch vụ và sửa đổi một số quy định về thuế GTGT do Bộ Tài chính ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Số hiệu | 49/2000/TT-BTC |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Phạm Văn Trọng |
Ngày ban hành | 2000-05-31 |
Ngày hiệu lực | 2000-05-25 |
Lĩnh vực | Thương mại |
Tình trạng | Hết hiệu lực |