BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2902/TCT-PCCS | Hà Nội, ngày 14 tháng 8 năm 2006 |
Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Tổng cục Thuế nhận được một số công văn của Cục thuế các tỉnh, thành phố phản ánh vướng mắc về thuế GTGT đối với dịch vụ cầm cố tài sản; Tổng cục Thuế xin trao đổi với quý cơ quan như sau:
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Thương mại tại Thông tư số 13/1999/TT-BTM ngày 19/5/1999 về kinh doanh dịch vụ cầm đồ, thì: dịch vụ cầm đồ là việc thương nhân cho khách hàng vay tiền và nhận giữ hàng hoá hoặc tài sản của khách hàng để đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng cầm đồ. Lãi suất vay do hai bên thoả thuận, tối đa không quá 3%/tháng. Được biết hiện nay các Ngân hàng thương mại có cung cấp 2 dịch vụ: cho vay có tài sản đảm bảo và dịch vụ cầm đồ. Về bản chất 2 dịch vụ này là như nhau, chỉ khác nhau quy định về lãi suất: đối với dịch vụ cầm đồ lãi suất do 2 bên thoả thuận; đối với dịch vụ cho vay có tài sản đảm bảo lãi suất do Ngân hàng thương mại quy định và hình thức là Hợp đồng: Hợp đồng cầm cố và Hợp đồng tín dụng.
Căn cứ quy định của Luật thuế GTGT thì nếu dịch vụ cho vay có tài sản đảm bảo theo hợp đồng tín dụng thì dịch vụ này không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT (quy định tại Điểm 7 Mục II phần A Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính). Còn dịch vụ cầm đồ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT là 10% (Điểm 15 Mục I phần B Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 nêu trên của Bộ Tài chính).
Cục thuế một số tỉnh có phản ánh từ năm 2004 theo hướng dẫn tại Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN ngày 29/4/2004 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước quy định hoạt động cầm đồ được hạch toán chung vào doanh thu tín dụng. Vì vậy hiện nay các chi nhánh thuộc ngành ngân hàng không kê khai nộp thuế GTGT đối với hoạt động cầm đồ.
Tổng cục Thuế cho rằng nêu như bản chất 2 nghiệp vụ: dịch vụ cho vay có tài sản đảm bảo theo hợp đồng tín dụng và dịch vụ cầm cố tài sản là như nhau thì dịch vụ cầm cố tài sản mà các ngân hàng thực hiện cũng nên được coi là dịch vụ tín dụng. Tuy nhiên theo quy định của Bộ luật dân sự thì hoạt động cầm cố (hay nói cách khác cầm đồ) có liên quan đến tài sản (là việc một bên giao tài sản thuộc sở hữu của mình cho bên kia để thực hiện nghĩa vụ dân sự). Như vậy hoạt động cầm cố tài sản không chỉ liên quan đến riêng nghiệp vụ của ngành ngân hàng mà kể cả các hoạt động của các cửa hàng cầm đồ. Vậy nếu coi dịch vụ cầm cố tài sản của các ngân hàng đang thực hiện là dịch vụ tín dụng không thu thuế GTGT trong khi dịch vụ cầm cố tài sản tại các cửa hàng cầm đồ đang thu thuế GTGT 10% là không phù hợp với quy định hiện hành.
Để đảm bảo việc hướng dẫn Cục thuế các tỉnh, thành phố thực hiện thống nhất quản lý thu thuế GTGT đối với dịch vụ cầm cố tài sản, Tổng cục Thuế đề nghị quý cơ quan nghiên cứu và cho ý kiến:
1. Dịch vụ cầm cố tài sản mà các ngân hàng thương mại thực hiện có khác với dịch vụ cầm cố tài sản tại các cửa hàng cầm đồ hay không? (quy định về hợp đồng, lãi suất, hình thức tiến hành).
2. Nếu dịch vụ cầm cố tài sản của ngân hàng thực hiện cũng giống về hình thức như dịch vụ cầm cố tài sản tại các cửa hàng cầm đồ thì mặc dù ngành ngân hàng có quy định hạch toán chung với hoạt động tín dụng (coi dịch vụ cầm cố tài sản là dịch vụ tín dụng thì để đảm bảo việc thực hiện thu thuế GTGT được thống nhất, Tổng cục Thuế đề nghị:
- Dịch vụ cho vay có tài sản đảm bảo là dịch vụ tín dụng không thuộc diện chịu thuế GTGT;
- Dịch vụ cầm cố tài sản thuộc diện chịu thuế GTGT.
Việc phân biệt để thu thuế GTGT đối với dịch vụ cầm cố tài sản được xác định căn cứ vào Hợp đồng ký giữa Ngân hàng và khách hàng.
Tổng cục Thuế rất mong sớm nhận được ý kiến tham gia của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị có liên quan. ý kiến tham gia thời hạn trước ngày 20/08/2006.
Xin chân thành cám ơn sự phối hợp của quý cơ quan./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
File gốc của Công văn 2902/TCT-PCCS về thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ cầm cố tài sản do Tổng cục Thuế ban hành đang được cập nhật.
Công văn 2902/TCT-PCCS về thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ cầm cố tài sản do Tổng cục Thuế ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tổng cục Thuế |
Số hiệu | 2902/TCT-PCCS |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Phạm Duy Khương |
Ngày ban hành | 2006-08-14 |
Ngày hiệu lực | 2006-08-14 |
Lĩnh vực | Thương mại |
Tình trạng | Còn hiệu lực |