THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1077/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 2022 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 06 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025” với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu chung
Triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; tập trung triển khai các quy định về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Khai thác IUU); ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC); quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, các hệ sinh thái biển, phát triển nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế, nhằm nâng cao đời sống sinh kế của người dân vùng ven biển, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
2. Mục tiêu cụ thể
- Hoàn thành 100% việc đánh dấu tàu cá và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên hoạt động thủy sản.
- 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên trước khi rời cảng đi khai thác trên biển phải được kiểm tra đảm bảo đầy đủ các giấy tờ và trang thiết bị theo quy định.
- 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên phải được theo dõi, giám sát qua Hệ thống giám sát hành trình tàu cá khi tham gia hoạt động trên biển và được thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng.
- 100% sản lượng thủy sản từ khai thác trong nước khi bốc dỡ qua cảng cá được kiểm tra, giám sát theo quy định.
- 100% sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng biển Việt Nam được kiểm tra, giám sát theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng của FAO-2009 (Hiệp định PSMA).
- Ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và không để tái diễn ở các năm tiếp theo.
- Ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thông tin truyền thông, tuyên truyền
a) Trong nước
- Thực hiện các chương trình thông tin truyền thông về tác hại của khai thác IUU đối với sự phát triển bền vững của hoạt động khai thác hải sản; tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các chính sách, quy định pháp luật của Việt Nam, Quốc tế và các nước có liên quan về phòng, chống khai thác IUU cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Tổ chức các hội thảo, tập huấn nghiệp vụ, hội nghị thường niên chỉ đạo triển khai thực thi pháp luật thủy sản và quản lý nghề cá hiệu quả, đồng bộ, thống nhất.
b) Ngoài nước
- Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, chương trình truyền thông, tổ chức các cuộc họp, hội thảo, họp báo để trao đổi, khẳng định các cam kết, nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống khai thác IUU, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế; phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các nội dung xuyên tạc, thông tin tiêu cực, không trung thực về công tác phòng, chống khai thác IUU của Việt Nam vì mục đích cạnh tranh không lành mạnh nhằm gây bất lợi để EC không gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.
- Hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các đối tác như: Úc, Na-uy, Hoa Kỳ, châu Âu thực hiện các chương trình tập huấn, tuyên truyền theo hướng tiếp cận đến các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản dựa trên kinh nghiệm thực tiễn thành công tại các quốc gia này.
2. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách
- Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với các hiệp định, cam kết quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập hoặc tham gia như: Hiệp định PSMA, UNFSA, C188, Đạo Luật bảo vệ động vật có vú của Hoa Kỳ... Rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về quản lý, an toàn kỹ thuật cho tàu cá (có chiều dài từ 24 m trở lên) và hệ thống cảng cá (Loại I, II, III).
- Xây dựng, triển khai một số chính sách về phát triển thủy sản bền vững theo hướng giảm cường lực khai thác, tăng không gian và thời gian cấm, hạn chế khai thác nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và sinh kế của cộng đồng ngư dân.
- Ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nghề cá tại các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão theo quy hoạch.
- Triển khai đồng bộ các chương trình, đề án thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thực hiện Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn lực và thường xuyên đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cơ quan quản lý thủy sản địa phương, đặc biệt tại các cảng cá đảm bảo thống nhất, đồng bộ về mô hình tổ chức quản lý cảng cá, mô hình thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm khai thác IUU tại cảng cá.
- Nghiên cứu, tổ chức thực hiện mô hình mẫu về kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm khai thác IUU tại 03 cảng cá tại 03 miền: miền Bắc (Hải Phòng), miền Trung (Khánh Hòa), miền Nam (Cà Mau) với sự hỗ trợ, tư vấn về kỹ thuật của EC.
- Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy chế phối hợp giữa lực lượng kiểm ngư và các lực lượng thực thi pháp luật khác hoạt động trên biển; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chung giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển.
- Thường xuyên đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, chống khai thác IUU.
a) Về quản lý đội tàu và cường lực khai thác
- Trên cơ sở quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, quản lý chặt chẽ hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản. Kiên quyết không để tình trạng khai thác quá mức và thực thi hiệu lực, hiệu quả các quy định về vùng cấm, thời gian cấm và nghề cấm hoạt động ở các vùng biển; tăng cường thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định.
- Thực hiện thí điểm giao hạn ngạch sản lượng khai thác theo loài phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm nghề cá của từng địa phương.
- Tổ chức, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác hải sản hợp pháp ở các vùng biển giáp ranh và ngoài vùng biển Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, nước sở tại và các tổ chức quản lý nghề cá khu vực.
- Tập trung nguồn lực hoàn thành 100% việc đánh dấu tàu cá và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tất cả các tàu cá còn lại theo quy định; căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, có giải pháp, chính sách hỗ trợ kinh phí cho việc lắp đặt thiết bị VMS.
- Thực hiện chuyển đổi số, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia đảm bảo số hóa toàn bộ thông tin, dữ liệu, quy trình nghiệp vụ phục vụ cho công tác quản lý thông suốt hoạt động khai thác thủy sản từ trung ương đến địa phương.
b) Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trước lúc rời cảng đi khai thác và khi cập cảng
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát điều kiện của toàn bộ tàu cá khi rời cảng, đặc biệt các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU; kiên quyết ngăn chặn, xử lý tàu cá không đủ điều kiện theo quy định tham gia khai thác hải sản.
- Từ chối cho cập cảng và xử lý theo quy định tàu cá không khai báo trước khi cập cảng, không nộp Báo cáo, Nhật ký khai thác theo quy định; kiểm soát toàn bộ sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng cá theo quy định về khai thác IUU.
- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các địa phương có liên quan để siết chặt quản lý tàu cá địa phương hoạt động thường xuyên trên địa bàn ngoài tỉnh.
c) Theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá trên biển
- Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giám sát tàu cá đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt, chia sẻ, kết nối đồng bộ từ trung ương đến địa phương và các lực lượng chức năng có liên quan để theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, trong đó:
+ Khai thác, sử dụng và vận hành có hiệu quả hệ thống giám sát tàu cá hiện có và khẩn trương triển khai dự án thông tin quản lý nghề cá giai đoạn II.
+ Kiểm soát chặt chẽ chất lượng của thiết bị VMS từ các đơn vị cung cấp, đảm bảo thiết bị VMS được lắp đặt trên tàu cá hoạt động ổn định, kết nối thông tin với hệ thống giám sát tàu cá theo quy định; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về việc cung cấp, lắp đặt, sử dụng thiết bị VMS.
- Rà soát nguồn lực, sắp xếp, kiện toàn, thiết lập bộ phận điều hành, chỉ huy thực thi pháp luật thủy sản, phòng, chống khai thác IUU của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phối hợp thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương và giữa các lực lượng chức năng của các bộ, ngành có liên quan.
- Thiết lập cơ chế trao đổi thông tin giữa tàu và bờ, thường xuyên phát các bản tin cảnh báo thông qua hệ thống đài thông tin duyên hải để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin từ tàu cá liên quan đến tình trạng hoạt động của thiết bị VMS, tai nạn, sự cố nghề cá trên biển, các vụ việc tàu cá bị kiểm soát, bắt giữ, xử lý...
- Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Hải quân, Biên phòng, Thanh tra thủy sản...) tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển; đặc biệt là tại các khu vực vùng biển chồng lấn, tranh chấp, chưa phân định để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; kiên quyết đấu tranh khi lực lượng chức năng nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, xử lý trái phép tàu cá, ngư dân của ta.
6. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thực thi pháp luật, xử lý các hành vi khai thác IUU
- Lập danh sách, khoanh vùng đối tượng, nắm chắc địa bàn để theo dõi, quản lý chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá có biểu hiện nghi vấn tổ chức đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, răn đe, giáo dục.
- Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển đảm bảo thực hiện triệt để, đồng bộ, thống nhất trong công tác điều tra, xử lý các hành vi khai thác IUU theo quy định của pháp luật.
- Tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh, dứt điểm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối, cố tình đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý hoặc do lực lượng chức năng trong nước phát hiện.
7. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản
a) Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát sản lượng khai thác tại cảng cá
- Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc, đảm bảo số hóa quy trình nghiệp vụ theo dõi, giám sát sản phẩm hải sản từ khai thác theo toàn bộ chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.
- Minh bạch hóa toàn bộ quá trình luân chuyển của sản phẩm hải sản từ khai thác đảm bảo được xác nhận, chứng nhận không vi phạm khai thác IUU và truy xuất được nguồn gốc để chống gian lận thương mại.
b) Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát sản phẩm hải sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng biển Việt Nam để thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng của FAO-2009 (PSMA).
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý và quy trình thực hiện việc thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn không để sản phẩm hải sản từ khai thác của nước ngoài vi phạm IUU xâm nhập vào Việt Nam.
- Tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi thông tin, nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cho các lực lượng chức năng triển khai thực hiện Hiệp định PSMA.
8. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thực hiện các nghĩa vụ điều ước quốc tế và hợp tác quốc tế
a) Gia nhập Hiệp định, Công ước quốc tế
- Hoàn thiện hồ sơ, gia nhập Công ước 188 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về lao động khai thác hải sản.
- Đẩy mạnh đàm phán, hoàn tất thủ tục trở thành thành viên chính thức của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực Trung Tây Thái Bình Dương (WCPFC), xây dựng phương án tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác lớn là thành viên sáng lập và có ảnh hưởng trong WCPFC nhằm có được hạn ngạch khai thác cá ngừ đại dương tại vùng nước thẩm quyền quốc tế do WCPFC quản lý khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức.
b) Hợp tác quốc tế và triển khai các nghĩa vụ đối với các Hiệp định quốc tế về thủy sản mà Việt Nam đã tham gia
- Tuân thủ các biện pháp quản lý, bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi biển theo quy định tại Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 và Hiệp định đàn cá di cư xa của Liên Hợp quốc (UNFSA). Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định đàn cá di cư xa của Liên Hợp quốc.
- Tổ chức các cuộc đàm phán, đối thoại cấp cao và kỹ thuật với EC và Hoa Kỳ thể hiện nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam.
- Đàm phán ký kết Thoả thuận thiết lập đường dây nóng với các quốc gia và vùng lãnh thổ có liên quan nhằm phối hợp ngăn ngừa các hoạt động vi phạm khai thác bất hợp pháp và giải quyết các vấn đề liên quan trên biển trên tinh thần hợp tác hữu nghị và nhân đạo.
- Đàm phán ký kết hoặc thực hiện các Hiệp định, Thoả thuận hợp tác với các quốc đảo như: Mi-crô-nê-xi-a, Pa-lau... và một số nước trong khu vực Đông Nam A (ASEAN) để đưa tàu cá của Việt Nam sang khai thác hải sản. Nghiên cứu khả năng hợp tác trong lĩnh vực thủy sản với các nước trong Liên minh châu Âu, qua đó tranh thủ sự hợp tác, đầu tư vào thị trường thủy sản Việt Nam để tác động, vận động EC gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” cho Việt Nam.
- Tham gia các diễn đàn hợp tác đa phương, các tổ chức quản lý nghề cá quốc tế và hợp tác nghề cá song phương với các quốc gia. Tăng cường trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ các nước đã thành công trong việc gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC để áp dụng triển khai thực hiện.
- Hợp tác với các tổ chức quản lý nghề cá khu vực với tư cách là thành viên, quan sát viên, hoặc là quốc gia hợp tác không phải thành viên, để triển khai hiệu quả các biện pháp MCS và thực thi pháp luật, đồng thời nếu thích hợp có thể thực thi cơ chế chứng nhận trong khai thác thủy sản.
- Hợp tác tích cực, có trách nhiệm, hiệu quả, minh bạch với các nước có liên quan, tổ chức nghề cá khu vực và quốc tế trong trao đổi, phối hợp xử lý thông tin liên quan đến hoạt động khai thác IUU và triển khai các chính sách, biện pháp để ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm khai thác lưu ra khỏi thương mại theo các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
III. CÁC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN ƯU TIÊN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Dự án thông tin, truyền thông và đào tạo, tập huấn nhằm thực thi Luật Thủy sản, phòng chống khai thác IUU ở trong và ngoài nước.
2. Đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống cảng cá, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực đáp ứng yêu cầu quản lý, kiểm soát tàu cá và truy xuất nguồn gốc hải sản từ khai thác tại cảng cá, phòng, chống khai thác IUU.
3. Dự án thí điểm và nhân rộng mô hình mẫu về kiểm soát nghề cá bền vững tại 03 cảng cá tại 03 miền: miền Bắc (Hải Phòng), miền Trung (Khánh Hòa), miền Nam (Cà Mau).
4. Dự án kiện toàn, thiết lập bộ phận điều hành, chỉ huy thực thi pháp luật thủy sản, phòng chống khai thác IUU của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phối hợp thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương và giữa các lực lượng thực thi pháp luật của các bộ, ngành có liên quan.
5. Dự án xây dựng hệ thống quản lý thống nhất đảm bảo tích hợp đồng bộ các cơ sở dữ liệu nghề cá phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, truy xuất hoạt động của tàu cá và sản lượng khai thác.
6. Dự án nâng cao năng lực, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng Kiểm ngư và thanh tra chuyên ngành thủy sản về tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật thủy sản.
7. Thực hiện tuần tra chung giữa các lực lượng thực thi pháp luật thủy sản để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU.
8. Nhiệm vụ hợp tác quốc tế, đàm phán, ký kết, tham gia thực hiện các Hiệp định, Thoả thuận hợp tác nghề cá, phòng, chống khai thác IUU.
(Chi tiết nhiệm vụ, dự án ưu tiên tại Phụ lục kèm theo)
Thực hiện đa dạng nguồn vốn huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình.
1. Nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm (chi đầu tư phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, chi thường xuyên) theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
2. Kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án, dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2030.
3. Kinh phí vận động, huy động từ các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và kinh phí hợp pháp khác.
4. Nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào nội dung của Đề án, các ban, bộ, ngành trung ương có liên quan và Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển tập trung xây dựng kế hoạch triển khai và bố trí kinh phí để thực hiện có hiệu quả Đề án, đảm bảo mục tiêu đề ra.
Trách nhiệm cụ thể của các bộ, cơ quan được quy định như sau:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương có liên quan, Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển và các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án; kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU kết quả thực hiện Đề án trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an và Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về thông tin, truyền thông, tuyên truyền, tập huấn pháp luật trong nước và quốc tế để khẳng định nỗ lực, quyết tâm chính trị của Việt Nam nhằm ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.
c) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, khung pháp lý, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật; xây dựng cơ chế chính sách, các chiến lược, mục tiêu, chương trình, kế hoạch, giải pháp về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và khai thác thủy sản để phát triển bền vững ngành Thủy sản và các văn bản liên quan để gia nhập, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, cam kết của Việt Nam đối với các Hiệp định, Công ước quốc tế về thủy sản mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia. Tăng cường tổ chức triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về nghề cá, phòng, chống khai thác IUU giữa Việt Nam và các nước, tổ chức nghề cá khu vực và quốc tế.
d) Rà soát nguồn lực, sắp xếp, kiện toàn, thiết lập bộ phận điều hành, chỉ huy thực thi pháp luật thủy sản, phòng chống khai thác IUU để phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phối hợp thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương và giữa các lực lượng chức năng của các bộ, ngành có liên quan.
đ) Chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương có liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển để tổ chức triển khai, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá; hệ thống thông tin quản lý nghề cá hiện đại, đảm bảo số hóa và được tích hợp trên một phần mềm dùng chung để quản lý, thống nhất tại cơ quan quản lý thủy sản trung ương và chia sẻ, kết nối đồng bộ đến 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển và các cơ quan, đơn vị có liên quan; trước mắt tập trung tại các trung tâm nghề cá lớn và hệ thống các cảng cá chỉ định. Thí điểm thực hiện mô hình kiểm soát nghề cá với sự hỗ trợ, tư vấn của EC; đánh giá hiệu quả, nhân rộng tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển.
e) Ưu tiên bố trí kinh phí, kiện toàn lực lượng Kiểm ngư, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về Kiểm ngư, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển để quản lý hoạt động của tàu cá.
g) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) đảm bảo đúng quy định về thanh tra, kiểm tra các sản phẩm, nguyên liệu hải sản nhập khẩu vào cảng biển Việt Nam theo quy định.
h) Thường xuyên kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU, thực hiện Luật Thủy sản. Kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU các nội dung, giải pháp, điều kiện cần thiết để đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống khai thác lưu, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.
a) Chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương có liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo thực hiện hiệu quả ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; bố trí, sắp xếp lực lượng kiểm soát biên phòng tại các cảng cá để kiểm soát hoạt động nghề cá.
b) Chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương có liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển thực hiện kiểm tra, kiểm soát đảm bảo tất cả tàu cá khi xuất cảng đi khai thác thủy sản phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định pháp luật; kiên quyết ngăn chặn, xử lý, không cho xuất cảng đi khai thác đối với tàu cá vi phạm khai thác IUU.
c) Tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các hành vi khai thác IUU, đặc biệt là hành vi vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý hoặc do lực lượng chức năng trong nước phát hiện, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, răn đe, giáo dục.
d) Phối hợp với Bộ Công an điều tra, xác minh các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
đ) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trong giai đoạn 2022 - 2023 tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn giữa Việt Nam và các nước để ngăn chặn, xử lý các vụ việc tàu cá Việt Nam có hành vi vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
a) Phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương có liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo thực hiện hiệu quả vận động hành lang, đàm phán với EC trong việc sớm gỡ “Thẻ vàng” cho Việt Nam. Thông qua các kênh ngoại giao chính thức truyền tải thông điệp thể hiện quyết tâm chính trị của Việt Nam trong nỗ lực ngăn chặn, xử lý tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác IUU.
b) Chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương có liên quan tham mưu cho Chính phủ phương án đàm phán với các quốc gia có vùng biển chồng lấn, chưa phân định để xác định ranh giới khai thác hải sản hợp pháp của tàu cá Việt Nam.
c) Tăng cường chủ động nắm tình hình, thu thập thông tin, hồ sơ bằng chứng tại các nước bắt giữ, xử lý tàu cá vi phạm của Việt Nam; kịp thời trao đối với cơ quan chức năng trong nước để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác bảo hộ công dân đối với các ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
a) Chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương có liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo thực hiện hiệu quả trong điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hoạt động môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác IUU.
b) Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình về chủ trương, chính sách, biện pháp chống khai thác IUU của các quốc gia, vùng lãnh thổ, kịp thời tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các ban, bộ, ngành trung ương có liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển nghiên cứu, vận dụng triển khai thực hiện; trao đổi thông tin dữ liệu dân cư phục vụ công tác quản lý lao động trên tàu cá theo quy định.
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, từ chối không cho tàu nước ngoài cập cảng, sử dụng cảng nếu phát hiện tàu nước ngoài thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam sản phẩm hải sản có nguồn gốc từ khai thác vi phạm quy định về khai thác IUU theo đúng quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng.
b) Chủ trì, rà soát, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, chính sách, các quy định cho tàu vào cảng; bố trí nhân lực, địa điểm làm việc, phương tiện, trang thiết bị để cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực thi các quy định Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng tại cảng biển được chỉ định cho tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng để thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác qua lãnh thổ Việt Nam.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành có liên quan và địa phương định hướng thông tin tuyên truyền, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tăng thời lượng, chất lượng thông tin, tuyên truyền nội dung Đề án “Phòng, chống khai thác IUU đến năm 2025”, chú trọng tuyên truyền về nỗ lực phòng, chống khai thác IUU của Việt Nam; thông tin, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân điển hình trong phòng, chống khai thác IUU.
Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí trung ương và cấp ủy các cấp tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật thủy sản, đặc biệt là quy định chống khai thác IUU đến cấp cơ sở, ngư dân ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan; chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, đấu tranh phản bác các quan điểm xuyên tạc, sai trái về nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống khai thác IUU.
Báo cáo cấp có thẩm quyền ưu tiên bố trí, phân bổ đủ nguồn vốn đầu tư công cho các ban, bộ, ngành trung ương có liên quan và địa phương để thực hiện Đề án “Phòng, chống khai thác IUU đến năm 2025”, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”, đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng nghề cá, các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, hệ thống thông tin quản lý nghề cá hiện đại, đảm bảo số hóa để phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.
a) Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách trung ương, trên cơ sở đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ban, bộ, ngành liên quan và địa phương, ưu tiên tổng hợp bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của ngân sách trung ương, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cân đối, bố trí kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn để thực hiện Đề án.
b) Chỉ đạo Tổng cục Hải quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải... triển khai thực hiện đúng quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng để kiểm soát tàu nước ngoài cập cảng nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam nguyên liệu sản phẩm thủy sản khai thác, thể hiện cam kết, thiện chí và tuân thủ quy định quốc tế trong chống khai thác IUU của Việt Nam.
10. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề; hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật lao động phù hợp với đặc thù của lao động nghề cá và luật pháp quốc tế.
11. Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển
a) Tổ chức thực hiện Đề án thông qua việc đưa các nội dung của Đề án vào kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; tổng hợp hình hình thực hiện Đề án gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.
b) Tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế thủy sản bền vững, phòng, chống khai thác IUU đến từng cán bộ, từng người dân một cách hiệu quả, thường xuyên, cấp cơ sở (xã/phường/thị trấn) phải là lực lượng nòng cốt, chịu trách nhiệm chính, sâu sát, trực tiếp, nắm vững địa bàn quản lý, tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật. Gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm để xảy ra sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
c) Tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân tại địa phương thực hiện hoạt động khai thác thủy sản theo đúng quy định, đảm bảo ổn định đời sống, sinh kế của ngư dân bền vững; thực hiện các dự án phục hồi hệ sinh thái biển, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển cho các loài hải sản sinh sống; dự án cắt giảm tàu lưới kéo, đánh đắm làm rạn san hô nhân tạo.
d) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các ban, bộ, ngành trung ương có liên quan triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp để ngăn chặn, chấm dứt tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
đ) Lập danh sách, khoanh vùng đối tượng, nắm chắc địa bàn để theo dõi, quản lý chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá có biểu hiện nghi vấn tổ chức đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm theo đúng quy định của pháp luật để răn đe, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để tuyên truyền, giáo dục.
e) Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các địa phương có liên quan để siết chặt quản lý đối với tàu cá địa phương hoạt động thường xuyên trên địa bàn ngoài tỉnh, xử lý kịp thời tàu cá có hành vi khai thác IUU.
g) Khẩn trương hoàn thành việc đánh dấu tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên. Khai thác, sử dụng, vận hành có hiệu quả Hệ thống giám sát tàu cá để theo dõi, giám sát toàn bộ hoạt động của tàu cá trên biển của địa phương theo quy định và được thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng để xử lý khi có hành vi khai thác IUU.
h) Thực hiện đúng quy định việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, kiểm soát sản lượng qua cảng, thực hiện chứng nhận, xác nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không cho tàu cá tham gia hoạt động khai thác hải sản nếu không lắp đặt VMS, chưa đánh dấu tàu cá theo quy định. Giao nhiệm vụ cho tổ chức quản lý cảng cá thực hiện điều tra nghề cá thương phẩm.
i) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai dự án xây dựng hệ thống quản lý thống nhất đảm bảo tích hợp đồng bộ các cơ sở dữ liệu nghề cá phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, truy xuất hoạt động của tàu cá và sản lượng khai thác để theo dõi, giám sát và quản lý nghề cá tại cảng.
k) Công bố hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng bờ, vùng lộng; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc quản lý hạn ngạch Giấy phép khai thác vùng khơi. Thực hiện quản lý đóng mới tàu cá, nghề nghiệp khai thác trên các ngư trường.
l) Thành lập Kiểm ngư địa phương, các Trạm kiểm ngư tại các cảng cá. Tổ chức quản lý nghề cá theo quy định pháp luật; kiện toàn tổ chức bộ máy, ưu tiên bố trí nguồn lực, nhân lực, trang thiết bị cho các cơ quan quản lý thủy sản địa phương theo quy định và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật thủy sản.
m) Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá loại II, loại III, khu neo đậu tránh trú bão tại địa phương đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào đầu tư, quản lý hạ tầng nghề cá tại địa phương.
n) Hàng năm bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao của Đề án thuộc trách nhiệm của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.
12. Các ban, bộ, ngành, địa phương và các hội, hiệp hội, tổ chức, cá nhân có liên quan
a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung có liên quan trong Đề án.
b) Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, các doanh nghiệp thủy sản tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Chính phủ vận động các doanh nghiệp thủy sản kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU. Phối hợp với các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin, xử lý nghiêm các doanh nghiệp thủy sản làm ăn phi pháp, hợp thức hóa hồ sơ, tiếp tay, dung túng cho hành vi khai thác IUU.
c) Hội nghề cá Việt Nam tích cực vận động hội viên gương mẫu, thực hiện tốt các quy định về phòng, chống khai thác IUU; kịp thời động viên các tấm gương điển hình, người tốt việc tốt.
d) Các ban, bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển và các hội, hiệp hội, tổ chức, cá nhân có liên quan (Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi...) tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, vận động tới các cấp ủy, chính quyền và cá nhân, gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản... chấp hành nghiêm các quy định pháp luật thủy sản, không vi phạm khai thác IUU; phát hiện, tố giác kịp thời các hành vi khai thác IUU.
đ) Bố trí kinh phí nguồn ngân sách trung ương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Đề án theo quy định của pháp luật.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| KT. THỦ TƯỚNG |
DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN ƯU TIÊN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
(Kèm theo Quyết định số 1077/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | Tên nhiệm vụ, dự án | Đơn vị chủ trì | Đơn vị phối hợp | Thời gian thực hiện | Dự kiến kinh phí | Nguồn kinh phí |
1 | Dự án thông tin, truyền thông và đào tạo, tập huấn nhằm thực thi Luật Thủy sản và chống khai thác IUU ở trong và ngoài nước. | Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển | Bộ Ngoại giao, Hiệp hội VASEP, Hội nghề cá, doanh nghiệp | 2022 - 2025 | 20 | - Đối với dự án đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống Cảng cá sử dụng nguồn ngân sách nhà nước đầu tư các hạng mục công trình thiết yếu. - Đối với các hạng mục dịch vụ hậu cần tại cảng huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp, xã hội hóa. - Đối với các nhiệm vụ, dự án khác sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. |
2 | Đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống cảng cá, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực đáp ứng yêu cầu quản lý, kiểm soát tàu cá và truy xuất nguồn gốc hải sản từ khai thác tại cảng cá, phòng, chống khai thác IUU. | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển | Các bộ, ngành có liên quan | 2022 - 2025 | 1.100 | |
3 | Dự án thí điểm và nhân rộng mô hình mẫu về kiểm soát nghề cá bền vững tại 03 cảng cá tại 03 miền: miền Bắc (Hải Phòng), miền Trung (Khánh Hòa), miền Nam (Cà Mau). | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển | 2022 - 2025 | 30 | |
4 | Dự án kiện toàn, thiết lập bộ phận điều hành, chỉ huy thực thi pháp luật thủy sản, phòng chống khai thác lưu để phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phối hợp thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương và giữa các lực lượng thực thi pháp luật của các bộ, ngành có liên quan. | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển | 2022 - 2025 | 10 | |
5 | Dự án xây dựng hệ thống quản lý thống nhất đảm bảo tích hợp đồng bộ các cơ sở dữ liệu nghề cá phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, truy xuất hoạt động của tàu cá và sản lượng khai thác. | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển | 2022 - 2025 | 20 | |
6 | Dự án nâng cao năng lực, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng kiểm ngư và thanh tra chuyên ngành thủy sản về tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật thủy sản. | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển, các Bộ: Quốc phòng, Công an | 2022 - 2025 | 10 | |
7 | Thực hiện tuần tra chung giữa các lực lượng thực thi pháp luật thủy sản để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU. | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an | Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển | 2022 - 2025 | 50 | |
8 | Nhiệm vụ hợp tác quốc tế, đàm phán, ký kết, tham gia thực hiện các Hiệp định/Thoả thuận hợp tác nghề cá, phòng, chống khai thác IUU. | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Bộ Ngoại giao | 2022 - 2023 | 10 | |
Tổng kinh phí: (Bằng chữ: Một nghìn hai trăm năm mươi tỷ đồng) | 1.250 |
|
File gốc của Quyết định 1077/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 đang được cập nhật.
Quyết định 1077/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu | 1077/QĐ-TTg |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Lê Văn Thành |
Ngày ban hành | 2022-09-14 |
Ngày hiệu lực | 2022-09-14 |
Lĩnh vực | Nông nghiệp |
Tình trạng | Còn hiệu lực |