HIỆP ĐỊNH MARRAKESH
THÀNH LẬP TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI
Các Bên Ký Kết Hiệp định này,
Thừa nhận rằng tất cả những mối quan hệ của họ trong lĩnh vực kinh tế và thương mại phải được thực hiện với mục tiêu nâng cao mức sống, bảo đảm đầy đủ việc làm và một khối lượng thu nhập và nhu cầu thực tế lớn và phát triển ổn định; mở rộng sản xuất, thương mại hàng hoá và dịch vụ, trong khi đó vẫn bảo đảm việc sử dụng tối ưu nguồn lực của thế giới theo đúng mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ và duy trì môi trường và nâng cao các biện pháp để thực hiện điều đó theo cách thức phù hợp với những nhu cầu và mối quan tâm riêng rẽ của mỗi bên ở các cấp độ phát triển kinh tế khác nhau,
Thừa nhận thêm rằng cần phải có nỗ lực tích cực để bảo đảm rằng các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những quốc gia kém phát triển nhất, duy trì được tỷ phần tăng trưởng trong thương mại quốc tế tương xứng với nhu cầu phát triển kinh tế của các quốc gia đó,
Mong muốn đóng góp vào những mục tiêu này bằng cách tham gia vào những thoả thuận tương hỗ và cùng có lợi theo hướng giảm đáng kể thuế và các hàng rào cản trở thương mại khác và theo hướng loại bỏ sự phân biệt đối xử trong các mối quan hệ thương mại quốc tế,
Do đó, quyết tâm xây dựng một cơ chế thương mại đa biên chặt chẽ, ổn định, và khả thi hơn, bao gồm Hiệp định chung về thuế quan và thương mại, kết quả của những nỗ lực tự do hoá thương mại từ trước tới nay và toàn bộ kết quả của Vòng Uruguay về Đàm phán Thương mại Đa biên,
Quyết tâm duy trì những nguyên tắc cơ bản và tiếp tục theo đuổi những mục tiêu đang đặt ra cho cơ chế thương mại đa biên này,
Đã nhất trí như sau:
Thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (dưới đây được gọi tắt là “WTO”).
1. WTO là một khuôn khổ định chế chung để điều chỉnh các mối quan hệ thương mại giữa các Thành viên của tổ chức về những vấn đề liên quan đến các Hiệp định và các văn bản pháp lý không tách rời gồm cả những Phụ lục của Hiệp định này.
2. Các Hiệp định và các văn bản pháp lý không tách rời gồm cả Phụ lục 1, 2 và 3 (dưới đâỵ được gọi là "Các Hiệp định Thương mại Đa biên") là những phần không thể tách rời Hiệp định này và ràng buộc tất cả các Thành viên.
3. Các Hiệp định và các văn bản pháp lý không tách rời trong Phụ lục 4 (dưới đâỵ được gọi là "Các Hiệp định Thương mại Nhiều bên") cũng là những phần không thể tách rời khỏi Hiệp định này và ràng buộc tất cả các Thành viên đã chấp nhận chúng. Các Hiệp định Thương mại Nhiều bên không tạo ra quyền hay nghĩa vụ gì đối với những nước Thành viên không chấp nhận chúng.
4. Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại năm 1994 được nêu cụ thể trong Phụ lục 1A (dưới đây được gọi là "GATT 1994") độc lập về mặt pháp lý đối với Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại ngày 30 tháng 10 năm 1947 (dưới đây được gọi là "GATT 1947") đã được chỉnh lý, sửa chữa hay thay đổi, là phụ lục của Văn kiện cuối cùng được thông qua tại buổi bế mạc phiên họp lần thứ hai Hội đồng Trù bị của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Việc làm.
1. WTO tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi, quản lý và điều hành, những mục tiêu khác của Hiệp định này và các Hiệp định Thương mại Đa biên và cũng là một khuôn khổ cho việc thực thi, quản lý và điều hành các Hiệp định Thương mại Nhiều bên.
2. WTO là một diễn đàn cho các cuộc đàm phán giữa các nước Thành viên về những mối quan hệ thương mại đa biên trong những vấn đề được điều chỉnh theo các thoả thuận qui định trong các Phụ lục của Hiệp định này. WTO có thể là một diễn đàn cho các cuộc đàm phán tiếp theo giữa các nước Thành viên về những mối quan hệ thương mại đa biên của họ và cũng là một cơ chế cho việc thực thi các kết quả của các cuộc đàm phán đó hay do Hội nghị Bộ trưởng quyết định.
3. WTO sẽ theo dõi Bản Diễn giải về những Qui tắc và Thủ tục Giải quyết Tranh chấp (dưới đâỵ được gọi là "Bản Diễn giải về Giải quyết Tranh chấp” hay “DSU”) trong Phụ lục 2 của Hiệp định này.
4. WTO sẽ theo dõi Cơ chế Rà soát Chính sách Thương mại (dưới đâỵ được gọi là "TPRM”) tại Phụ lục 3 của Hiệp định này.
5. Nhằm đạt được sự nhất quán cao hơn trong quá trình hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu, WTO, khi cần thiết, phải hợp tác với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển và các cơ quan trực thuộc của nó.
1. Hội nghị Bộ trưởng sẽ họp hai năm một lần bao gồm đại diện của tất cả các Thành viên. Hội nghị Bộ trưởng sẽ thực hiện chức năng của WTO và đưa ra những hành động cần thiết để thực thi những chức năng này. Khi một Thành viên nào đó yêu cầu, Hội nghị Bộ trưởng có quyền đưa ra những quyết định về tất cả những vấn đề thuộc bất kỳ một Hiệp định Thương mại Đa biên nào theo đúng các yêu cầu cụ thể về cơ chế ra quyết định qui định trong Hiệp định này và Hiệp định Thương mại Đa biên có liên quan.
2. Đại Hội đồng, gồm đại diện của tất cả các nước Thành viên, sẽ họp khi cần thiết. Trong thời gian giữa các khoá họp của Hội nghị Bộ trưởng, thì chức năng của Hội nghị Bộ trưởng sẽ do Đại Hội đồng đảm nhiệm. Đại Hội đồng cũng thực hiện những chức năng được qui định trong Hiệp định này. Đại Hội đồng sẽ thiết lập các quy tắc về thủ tục của mình và phê chuẩn những qui tắc về thủ tục cho các Ủy ban quy định tại khoản 7 Điều IV.
3. Khi cần thiết Đại Hội đồng sẽ được triệu tập để đảm nhiệm phần trách nhiệm của Cơ quan Giải quyết Tranh chấp được qui định tại Bản Diễn giải về giải quyết tranh chấp. Cơ quan giải quyết tranh chấp có thể có chủ tịch riêng và tự xây dựng ra những qui tắc về thủ tục mà cơ quan này cho là cần thiết để hoàn thành trách nhiệm của mình.
4. Khi cần thiết Đại Hội đồng sẽ được triệu tập để đảm nhiệm trách nhiệm của Cơ quan Rà soát Chính sách Thương mại được qui định tại TPRM. Cơ quan Rà soát Chính sách Thương mại có thể có chủ tịch riêng và sẽ xây dựng những qui tắc về thủ tục mà cơ quan này cho là cần thiết để hoàn thành trách nhiệm của mình.
5. Hội đồng Thương mại Hàng hoá, Hội đồng Thương mại Dịch vụ và Hội đồng về các khía cạnh của Quyền Sở hữu Trí tuệ liên quan đến Thương mại (dưới đây được gọi tắt là “Hội đồng TRIPS”), sẽ hoạt động theo chỉ đạo chung của Đại Hội đồng. Hội đồng Thương mại Hàng hoá sẽ giám sát việc thực hiện các Hiệp định Thương mại Đa biên trong Phụ lục 1A. Hội đồng về Thương mại Dịch vụ sẽ giám sát việc thực hiện Hiệp định Thương mại Dịch vụ (dưới đây được gọi tắt là “GATS”). Hội đồng về các khía cạnh liên quan đến thương mại của Quyền Sở hữu Trí tuệ sẽ giám sát việc thực hiện Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của Quyền Sở hữu Trí tuệ (dưới đây được gọi tắt là “Hiệp định TRIPS”). Tất cả các Hội đồng này sẽ đảm nhiệm những chức năng được qui định trong các Hiệp định riêng rẽ và do Đại Hội đồng giao phó. Các Hội đồng này sẽ tự xây dựng cho mình những qui tắc về thủ tục và phải được Đại Hội đồng thông qua. Tư cách thành viên của các Hội đồng này sẽ được rộng mở cho đại điện của các nước Thành viên. Khi cần thiết các Hội đồng này có thể nhóm họp để thực hiện các chức năng của mình.
6. Hội đồng Thương mại Hàng hoá, Hội đồng Thương mại Dịch vụ và Hội đồng về các khía cạnh liên quan đến thương mại của Quyền Sở hữu Trí tuệ liên quan sẽ thành lập ra các cơ quan cấp dưới theo yêu cầu. Các cơ quan cấp dưới này sẽ tự xây dựng cho mình những qui định về thủ tục và phải được Hội đồng cấp trên của mình thông qua.
7. Hội nghị Bộ trưởng sẽ thành lập ra một Uỷ ban về Thương mại và Phát triển, Uỷ ban về các hạn chế đối với Cán cân Thanh toán Quốc tế và Uỷ ban về Ngân sách, Tài chính và Quản trị. Những Uỷ ban này sẽ đảm nhiệm các chức năng được qui định trong Hiệp định này và các Hiệp định Thương mại Đa biên, và bất kỳ một chức năng nào thêm khác do Đại Hội đồng giao cho. Hội nghị Bộ trưởng có thể thành lập thêm các Uỷ ban tương tự như vậy với chức năng tương ứng khi thấy cần thiết. Trong phạm vi chức năng của mình, Ủy ban về Thương mại và Phát triển sẽ định kỳ rà soát các quy định đặc biệt tại các Hiệp định Thương mại Đa biên dành cho các nước kém phát triển nhất và báo cáo lên Đại Hội đồng để có những quyết sách thích hợp. Tư cách thành viên của các Uỷ ban này sẽ được mở rộng cho đại điện của các nước Thành viên.
8. Các cơ quan được qui định trong các Hiệp định Thương mại Nhiều bên sẽ đảm nhiệm những chức năng được giao cho mình trong các hiệp định này và sẽ hoạt động trong khuôn khổ định chế của WTO. Các cơ quan này sẽ phải định kỳ thông báo về những hoạt động của họ cho Đại Hội đồng.
Điều 5: Quan hệ với các tổ chức khác
1. Đại Hội đồng sẽ dàn xếp hợp lý việc hợp tác có hiệu quả với các tổ chức liên chính phủ có trách nhiệm liên quan đến các vấn đề tương ứng trong WTO.
2. Đại Hội đồng sẽ dàn xếp hợp ký việc tham vấn và hợp tác với các tổ chức phi chính phủ về những vấn đề liên quan đến WTO.
1. Ban Thư ký của WTO (dưới đây được gọi là “Ban Thư ký”) sẽ do một Tổng Giám đốc lãnh đạo.
2. Hội nghị Bộ trưởng sẽ bổ nhiệm Tổng Giám đốc và thông qua các qui định về quyền hạn, nghĩa vụ, điều kiện phục vụ và thời hạn phục vụ của Tổng Giám đốc.
3. Tổng Giám đốc sẽ bổ nhiệm các thành viên của Ban Thư ký và quyết định nghĩa vụ và điều kiện phục vụ phù hợp với quyết định của Hội nghị Bộ trưởng .
4. Trách nhiệm của Tổng Giám đốc và nhân viên của Ban Thư ký sẽ phải hoàn toàn mang tính quốc tế. Khi thực hiện bổn phận của mình, Tổng Giám đốc và nhân viên của Ban Thư ký sẽ không được phép tìm kiếm hoặc chấp nhận những chỉ thị từ bất kỳ một chính phủ hay một cơ quan nào khác bên ngoài WTO. Tổng Giám đốc và nhân viên của Ban Thư ký cũng phải tự kiềm chế đối với bất kỳ một hành động nào có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí là quan chức quốc tế của họ. Các Thành viên của WTO phải tôn trọng đặc điểm quốc tế về trách nhiệm của Tổng Giám đốc và nhân viên của Ban Thư ký và không được gây ảnh hưởng gì trong quá trình thực thi bổn phận của mình.
1. Tổng Giám đốc phải trình lên Uỷ ban Ngân sách, Tài chính và Quản trị báo cáo tài chính và dự toán ngân sách hàng năm của WTO. Uỷ ban Ngân sách, Tài chính và Quản trị sẽ xem xét báo cáo này và đưa ra các khuyến nghị/đề xuất lên Đại Hội đồng. Dự toán ngân sách hàng năm phải được Đại Hội đồng thông qua.
2. Uỷ ban Ngân sách, Tài chính và Quản trị phải đệ trình lên Đại Hội đồng Quy chế tài chính, bao gồm những qui định về:
mức đóng góp để chia sẻ chi phí của WTO giữa các Thành viên; và các biện pháp áp dụng đối với những nước Thành viên còn nợ.
Quy chế tài chính phải căn cứ trên, nhiều nhất có thể được, các qui định và thông lệ của GATT 1947.
3. Quy chế tài chính và dự toán ngân sách hàng năm phải được Đại Hội đồng thông qua bởi 2/3 số phiếu của trên một nửa số Thành viên WTO .
4. Mỗi Thành viên sẽ phải đóng góp ngay lập tức cho WTO phần của họ trong chi phí của WTO phù hợp với Qui chế tài chính đã được Đại Hội đồng thông qua.
1. WTO có tư cách pháp nhân và được mỗi nước Thành viên trao cho năng lực pháp lý đó khi cần thiết để thực thi các chức năng của mình.
2. WTO được mỗi nước Thành viên trao cho những đặc quyền và quyền bất khả xâm phạm khi cần thiết để thực thi các chức năng của mình.
3. Nhân viên của WTO và đại diện của các Thành viên tương tự như vậy cũng được mỗi nước Thành viên trao cho những đặc quyền và quyền bất khả xâm phạm khi cần thiết để thực thi độc lập các chức năng của họ trong khuôn khổ WTO.
4. Những đặc quyền và quyền bất khả xâm phạm được mỗi nước Thành viên trao cho WTO, nhân viên của WTO và đại diện của mỗi Thành viên tương tự như những đặc quyền và quyền bất khả xâm phạm qui định trong Công ước về những đặc quyền và quyền bất khả xâm phạm của các cơ quan chuyên môn, được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 21 tháng 11 năm 1947.
5. WTO có thể ký kết hợp đồng về trụ sở hoạt động chính.
Điều 9: Quá trình ra quyết định
1. WTO tiếp tục thông lệ ra quyết định trên cơ sở đồng thuận như qui định trong GATT 1947[1]. Trừ khi có quy định khác, nếu không thể đạt được một quyết định trên cơ sở đồng thuận, thì vấn đề cần giải quyết sẽ được quyết định bằng hình thức bỏ phiếu. Tại các cuộc họp của Hội nghị Bộ trưởng và Đại Hội đồng, mỗi Thành viên của WTO có một phiếu. Nếu Cộng đồng Châu Âu thực hiện quyền bỏ phiếu của mình thì họ sẽ có số phiếu tương đương số lượng thành viên của Cộng đồng[2] là Thành viên của WTO. Trừ khi có quy định khác trong Hiệp định này hoặc trong Hiệp định Thương mại Đa biên có liên quan[3], các quyết định của Hội nghị Bộ trưởng và Đại Hội đồng được thông qua trên cơ sở đa số phiếu.
2. Hội nghị Bộ trưởng và Đại Hội đồng có thẩm quyền chuyên biệt để thông qua việc giải thích của Hiệp định này và của các Hiệp định Thương mại Đa biên. Trong trường hợp giải thích một Hiệp định Thương mại Đa biên trong Phụ lục 1, Hội nghị Bộ trưởng và Đại Hội đồng sẽ thực thi thẩm quyền của họ trên cơ sở đề xuất của Hội đồng giám sát chức năng của hiệp định đó. Quyết định thông qua sẽ được chấp nhận bởi 3/4 số Thành viên. Khoản này sẽ không được sử dụng theo cách để xác định các quy định sửa đổi tại Điều X.
3. Trong những trường hợp ngoại lệ, Hội nghị Bộ trưởng có thể quyết định miễn trừ một nghĩa vụ được Hiệp định này hoặc bất kỳ một Hiệp định Thương mại Đa biên nào quy định cho một nước Thành viên, với điều kiện quyết định này được thông qua bởi 3/4[4] số nước Thành viên trừ khi có qui định khác tại khoản này.
(a) yêu cầu miễn trừ một nghĩa vụ nào đó liên quan đến Hiệp định này phải được đệ trình lên Hội nghị Bộ trưởng để xem xét theo đúng thông lệ của cơ chế ra quyết định bằng nguyên tắc nhất trí. Hội nghị Bộ trưởng sẽ quyết định thời hạn, những không được quá 90 ngày, để xem xét yêu cầu này.
(b) yêu cầu miễn trừ một nghĩa vụ nào đó liên quan đến các Hiệp định Thương mại Đa biên trong các Phụ lục 1A hoặc 1B hoặc 1C và những phụ lục của các hiệp định này phải được đệ trình riêng rẽ lên Hội đồng Thương mại Hàng hoá, Hội đồng Thương mại Dịch vụ và Hội đồng về các khía cạnh có liên quan đến thương mại của Quyền Sở hữu Trí tuệ để xem xét trong thời hạn không quá 90 ngày. Sau thời hạn đó, mỗi Hội đồng này sẽ đệ trình báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng.
4.Quyết định của Hội nghị Bộ trưởng cho phép miễn trừ một nghĩa vụ nào đó phải nêu rõ các trường hợp ngoại lệ áp dụng cho quyết định đó, các điều khoản và điều kiện điều chỉnh việc áp dụng sự miễn trừ này, ngày hết hiệu lực của miễn trừ. Bất kỳ một sự miễn trừ nào có thời hạn qúa một năm đều phải được Hội nghị Bộ trưởng xem xét lại trong vòng không quá một năm sau khi sự miễn trừ đó được ban hành và tiếp sau đó hàng năm Hội nghị Bộ trưởng sẽ tiếp tục xem xét lại sự miễn trừ đó cho tới khi sự miễn trừ đó hết hiệu lực. Trong mỗi lần xem xét lại, Hội nghị Bộ trưởng sẽ xem xét liệu những trường hợp ngoại lệ đó còn tồn tại hay không và liệu những điều khoản và điều kiện đi kèm sự miễn trừ này còn thoả mãn hay không. Hội nghị Bộ trưởng, trên cơ sở xem xét hàng năm, có thể gia hạn, sửa đổi hoặc chấp dứt sự miễn trừ đó.
5.Các quyết định thuộc Hiệp định Thương mại Nhiều bên, bao gồm cả bất kỳ một quyết định nào về việc giải thích và về sự miễn trừ, sẽ phải được điều chỉnh bởi những qui định của Hiệp định đó.
1. Bất kỳ một Thành viên nào của WTO đều có thể đề nghị sửa đổi các quy định của Hiệp định này hoặc các Hiệp định Thương mại Đa biên trong Phụ lục 1 bằng cách đệ trình đề nghị đó lên Hội nghị Bộ trưởng. Các Hội đồng được liệt kê trong khoản 5 Điều IV cũng có thể đệ trình lên Hội nghị Bộ trưởng những đề nghị sửa đổi của các Hiệp định Thương mại Đa biên trong Phụ lục 1. Trừ trường hợp Hội nghị Bộ trưởng đưa ra một thời hạn dài hơn, trong vòng 90 ngày sau khi đề nghị sửa đổi được chính thức đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng, thì bất kỳ một quyết định nào của Hội nghị Bộ trưởng về đề nghị sửa đổi được gửi tới các Thành viên để thông qua đều được thực hiện trên cơ sở đồng thuận. Trừ khi các quy định của khoản 2, 5 hoặc 6 được áp dụng, quyết định đó sẽ phải xác định rõ liệu các quy định tại khoản 3 hoặc 4 có được áp dụng hay không. Nếu quyết định đó được nhất trí thông qua, Hội nghị Bộ trưởng sẽ ngay lập tức đệ trình sửa đổi được đề nghị đó cho các Thành viên để họ thông qua. Nếu quyết định đó không được nhất trí thông qua trong thời hạn đã đưa ra thì Hội nghị Bộ trưởng sẽ quyết định bởi đa số 2/3 số Thành viên rằng có đệ trình sửa đổi được đề nghị đó cho các Thành viên để họ thông qua hay không. Trừ các qui định trong khoản 2, 5 và 6, các quy định của khoản 3 sẽ được áp dụng cho sửa đổi được đề nghị trừ khi Hội nghị Bộ trưởng quyết định bởi 3/4 số Thành viên rằng các quy định tại khoản 4 sẽ được áp dụng.
2. Những sửa đổi đối với các qui định của Điều này và của các quy định tại các Điều dưới đây sẽ chỉ có hiệu lực khi có sự chấp nhận bởi tất cả các Thành viên:
Điều IX của Hiệp định này;
Điều I và II của GATT 1994;
Điều II: 1 của Hiệp định GATS;
Điều 4 của Hiệp định TRIPS.
3.Trừ các điều khoản được liệt kê trong khoản 2 và 6, việc sửa đổi các quy định của Hiệp định này hoặc của các Hiệp định Thương mại Đa biên trong Phụ lục 1A và 1C, mà làm thay đổi những quyền và nghĩa vụ của các nước Thành viên, được chấp nhận bởi 2/3 số nước Thành viên thì sẽ có hiệu lực đối với những nước Thành viên chấp nhận chúng và từ đó sẽ có hiệu lực với mỗi Thành viên khác khi Thành viên đó chấp nhận. Bất kỳ một sửa đổi nào được Hội nghị Bộ trưởng thông qua với 3/4 đa số và đã có hiệu lực theo khoản này, theo đó bất kỳ một nước Thành viên nào không chấp nhận sửa đổi đó trong thời hạn do Hội nghị Bộ trưởng qui định trong từng trường hợp cụ thể thì sẽ được tự do rút khỏi WTO hoặc vẫn tiếp tục là Thành viên nếu Hội nghị Bộ trưởng đồng ý.
4.Trừ các quy định liệt kê trong khoản 2 và 6, việc sửa đổi các các quy định của Hiệp định này hoặc của các Hiệp định Thương mại Đa biên trong Phụ lục 1A và 1C, mà không làm thay đổi những quyền và nghĩa vụ của các Thành viên thì sẽ có hiệu lực đối với tất cả các nước Thành viên nếu được 2/3 số Thành viên chấp nhận.
5.Trừ các quy định trong khoản 2 ở trên, những sửa đổi đối với Phần I, II và III của GATS và từng Phụ lục tương ứng sẽ có hiệu lực đối với tất cả các Thành viên chấp nhận những sửa đổi này trên cơ sở chấp thuận của 2/3 số Thành viên và từ đó sẽ có hiệu lực với mỗi Thành viên khác khi Thành viên đó chấp nhận. Bất kỳ một sửa đổi nào được Hội nghị Bộ trưởng thông qua với 3/4 đa số Thành viên và đã có hiệu lực theo các quy định trên thì theo đó, bất kỳ một nước Thành viên nào không chấp nhận sửa đổi này trong thời hạn do Hội nghị Bộ trưởng qui định trong từng trường hợp cụ thể thì sẽ được tự do rút khỏi WTO hoặc vẫn tiếp tục là Thành viên nếu Hội nghị Bộ trưởng đồng ý. Những sửa đổi đối với Phần IV, V và VI của GATS và các Phụ lục tương ứng sẽ có hiệu lực đối với tất cả các nước Thành viên khi được 2/3 nước Thành viên thông qua.
6.Cho dù có các quy định khác của Điều này, việc sửa đổi Hiệp định TRIPS thoả mãn các đòi hỏi của khoản 2 Điều 71 của Hiệp định đó có thể được Hội nghị Bộ trưởng thông qua mà không cần thủ tục chấp nhận chính thức thêm nữa.
7.Bất kỳ mộtThành viên nào chấp nhận một sửa đổi đối với Hiệp định này hoặc một Hiệp định Thương mại Đa biên trong Phụ lục 1 sẽ phải nộp lưu chiểu cho Tổng Giám đốc WTO trong một thời hạn chấp nhận được Hội nghị Bộ trưởng qui định.
8.Bất kỳ một Thành viên nào của WTO đều có thể đề nghị sửa đổi các quy định của các Hiệp định Thương mại Đa biên trong Phụ lục 2 và 3 bằng cách đệ trình đề nghị đó lên Hội nghị Bộ trưởng. Quyết định thông qua các sửa đổi đối với các Hiệp định Thương mại Đa biên trong Phụ lục 2 sẽ được thực hiện trên cơ sở đồng thuận và những sửa đổi này sẽ có hiệu lực đối với tất cả các nước Thành viên sau khi đã được Hội nghị Bộ trưởng thông qua. Quyết định thông qua việc sửa đổi các Hiệp định Thương mại Đa biên trong Phụ lục 3 sẽ có hiệu lực với các bên sau khi được Hội nghị Bộ trưởng thông qua.
9.Hội nghị Bộ trưởng, căn cứ yêu cầu của các Thành viên của một Hiệp định thương mại, có thể độc lập quyết định trên cơ sở đồng thuận việc đưa thêm Hiệp định đó vào Phụ lục 4. Hội nghị Bộ trưởng, căn cứ yêu cầu của các Thành viên của một Hiệp định Thương mại Nhiều bên, có thể độc lập quyết định loại bỏ Hiệp định đó ra khỏi Phụ lục 4.
10.Những sửa đổi đối với một Hiệp định Thương mại Nhiều bên sẽ chịu sự điều chỉnh của các quy định của Hiệp định đó.
1. Kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực, các bên ký kết Hiệp định GATT 1947 và Cộng đồng Châu Âu đã thông qua Hiệp định này và các Hiệp định Thương mại Đa biên với các Danh mục nhượng bộ và cam kết là phụ lục của GATT 1994 và các Danh mục các cam kết cụ thể là phụ lục của GATS sẽ trở thành Thành viên sáng lập của WTO.
2. Các nước kém phát triển được Liên hợp Quốc thừa nhận sẽ chỉ bị bắt buộc cam kết và nhượng bộ trong phạm vi phù hợp với trình độ phát triển của mỗi nước, nhu cầu về tài chính thương mại hoặc năng lực quản lý và thể chế của mình.
1. Bất kỳ một quốc gia nào hay vùng lãnh thổ thuế quan riêng biệt nào hoàn toàn tự chủ trong việc điều hành các mối quan hệ ngoại thương và các vấn đề khác qui định trong Hiệp định này và các Hiệp định Thương mại Đa biên đều có thể gia nhập Hiệp định này theo các điều khoản đã thoả thuận giữa quốc gia hay vùng lãnh thổ thuế quan đó với WTO. Việc gia nhập đó cũng sẽ áp dụng cho Hiệp định này và các Hiệp định Thương mại Đa biên kèm theo.
2. Quyết định về việc gia nhập sẽ do Hội nghị Bộ trưởng đưa ra. Thoả thuận về những điều khoản gia nhập sẽ được thông qua nếu 2/3 số Thành viên của WTO chấp nhận tại Hội nghị Bộ trưởng.
3. Việc tham gia Hiệp định Thương mại Nhiều bên được điều chỉnh theo Hiệp định đó.
Điều 13: Qui định về việc không áp dụng các Hiệp định Thương mại Đa biên giữa các Thành viên cụ thể
1. Hiệp định này và các Hiệp định Thương mại Đa biên trong Phụ lục 1 và 2 sẽ không áp dụng giữa bất kỳ một Thành viên này với bất kỳ một nước Thành viên nào khác nếu một trong số các nước Thành viên đó, ở thời điểm một trong số họ trở thành Thành viên, không đồng ý áp dụng.
2. Khoản 1 có thể được viện dẫn giữa các nước Thành viên sáng lập WTO là các bên của GATT 1947 chỉ khi Điều XXXV của Hiệp định đó đã được viện dẫn trước và đã có hiệu lực giữa các bên đó tại thời điểm Hiệp định này có hiệu lực đối với họ.
3. Khoản 1 sẽ áp dụng giữa một nước Thành viên này với một nước Thành viên khác đã tham gia theo Điều XII chỉ khi các Thành viên này không đồng ý áp dụng và đã thông báo như vậy cho Hội nghị Bộ trưởng trước khi Hội nghị Bộ trưởng thông qua Thoả thuận về các điều kiện gia nhập.
4. Theo đề nghị của bất kỳ một nước Thành viên nào, Hội nghị Bộ trưởng có thể rà soát việc thực thi Điều này trong các trường hợp cụ thể và đưa ra những đề xuất thích hợp.
5. Việc không áp dụng một Hiệp định Thương mại Nhiều bên giữa các bên tham gia Hiệp định đó được điều chỉnh theo bằng các quy định của Hiệp định đó.
Điều 14: Chấp nhận, có hiệu lực và nộp lưu chiểu
1. Hiệp định này sẽ không hạn chế việc chấp nhận bằng chữ ký hoặc bằng cách khác đối với các bên của GATT 1947, và Cộng đồng Châu Âu, mà đã đủ điều kiện trở thành Thành viên sáng lập WTO phù hợp với các quy định của Điều XI Hiệp định này. Việc chấp nhận như vậy áp dụng cho cả Hiệp định này và các Hiệp định Thương mại Đa biên kèm theo. Ngày Hiệp định này và các Hiệp định Thương mại Đa biên kèm theo có hiệu lực được các Bộ trưởng xác định phù hợp với khoản 3 của Văn kiện cuối cùng bao quát Kết quả các cuộc Đàm phán Thương mại Đa biên trong Vòng Uruguay và sẽ không hạn chế việc tham gia trong thời hạn 2 năm kể từ sau ngày đó trừ khi các Bộ trưởng đưa ra quyết định khác. Sự chấp nhận sau khi Hiệp định này có hiệu lực sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 30 sau ngày chấp nhận.
2. Khi một Thành viên chấp nhận Hiệp định này vào sau ngày Hiệp định này có hiệu lực thì phải thực hiện những nhượng bộ và nghĩa vụ trong các Hiệp định Thương mại Đa biên đã được thực hiện trong thời hạn bắt đầu từ khi Hiệp định này có hiệu lực như thể nước Thành viên này đã chấp nhận Hiệp định từ ngày Hiệp định có hiệu lực.
3. Cho tới khi Hiệp định này có hiệu lực, thì nội dung của Hiệp định này và các Hiệp định Thương mại Đa biên sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng Giám đốc của CÁC BÊN KÝ KẾT GATT 1947. Tổng Giám đốc sẽ ngay lập tức cấp cho các chính phủ và Cộng đồng Châu Âu đã chấp nhận Hiệp định này một bản có chứng thực Hiệp định này và các Hiệp định Thương mại Đa biên, và một bản thông báo chấp nhận từng hiệp định đó. Hiệp định này và các Hiệp định Thương mại Đa biên, các sửa đổi kèm theo, khi Hiệp định này có hiệu lực, sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng Giám đốc.
4. Sự chấp nhận và có hiệu lực của một Hiệp định Thương mại Nhiều bên được điều chỉnh bằng các quy định của Hiệp định đó. Các Hiệp định Thương mại Nhiều bên sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng Giám đốc của CÁC BÊN KÝ KẾT GATT 1947. Khi Hiệp định này có hiệu lực thì các Hiệp định Thương mại Nhiều bên sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng Giám đốc WTO.
1. Bất kỳ một nước Thành viên nào cũng có thể rút khỏi Hiệp định này. Việc rút khỏi đó sẽ áp dụng cho cả Hiệp định này và các Hiệp định Thương mại Đa biên và sẽ có hiệu lực ngay sau khi hết 6 tháng kể từ ngày Tổng Giám đốc WTO nhận được thông báo bằng văn bản về việc rút khỏi đó.
2. Việc rút khỏi bất cứ một Hiệp định Thương mại Nhiều bên nào được điều chỉnh theo các quy định của Hiệp định đó.
1. Trừ khi có qui định khác trong Hiệp định này hay các Hiệp định Thương mại Đa biên, WTO sẽ còn chịu sự điều chỉnh bởi các quyết định, thủ tục và các thông lệ thường có mà các bên của GATT 1947 và các cơ quan được hình thành trong khuôn khổ GATT 1947 vẫn tuân thủ.
2. Trong trường hợp có thể thực hiện được, Ban Thư ký của GATT 1947 sẽ trở thành Ban Thư ký của WTO. Tổng Giám đốc của các BÊN KÝ KẾT GATT 1947, cho tới khi Hội nghị Bộ trưởng bổ nhiệm Tổng Giám đốc phù hợp với khoản 2 Điều VI của Hiệp định này, sẽ là Tổng Giám đốc của WTO.
3. Trong trường hợp có mâu thuẫn giữa quy định của Hiệp định này với quy định của bất kỳ một Hiệp định Thương mại Đa biên nào, thì các quy định của Hiệp định này sẽ được áp dụng để giải quyết mâu thuẫn nói trên.
4. Mỗi nước Thành viên sẽ đảm bảo sự thống nhất các luật, qui định và những thủ tục hành chính với những nghĩa vụ của mình được qui định trong các Hiệp định.
5. Không một bảo lưu nào đối với bất kỳ quy định nào của Hiệp định này được thực hiện. Những bảo lưu đối với bất kỳ một quy định nào của các Hiệp định Thương mại Đa biên chỉ được thực hiện trong phạm vi được qui định trong các Hiệp định đó. Những bảo lưu đối với bất kỳ một quy định nào của một Hiệp định Thương mại Nhiều bên được điều chỉnh theo các quy định của Hiệp định đó.
6. Hiệp định này sẽ được đăng ký phù hợp với quy định của Điều 102 Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Hiệp định này được lập tại Marrakesh ngày 15 tháng 4 năm 1994 thành một bản duy nhất bằng ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, mỗi bản có giá trị như nhau
Phần chú giải
Các thuật ngữ “quốc gia” hoặc “các quốc gia” được sử dụng trong Hiệp định này và các Hiệp định Thương mại Đa biên được hiểu là bao gồm cả Thành viên của WTO có vùng lãnh thổ thuế quan riêng rẽ.
Trong trường hợp Thành viên WTO là một vùng lãnh thổ thuế quan riêng rẽ, thì thuật ngữ “quốc gia” được sử dụng trong Hiệp định này và các Hiệp định Thương mại Đa biên sẽ được hiểu là vùng lãnh thổ thuế quan đó, nếu không có qui định cụ thể khác.
[1] Cơ quan có liên quan được xem xét như đã quyết định dựa trên nguyên tắc đồng thuận về những vấn đề được đưa ra cho mình xem xét nếu không có thành viên nào, có mặt tại phiên họp để đưa ra quyết định, chính thức phản đối quyết định được dự kiến.
[2] Số lượng phiếu của EC và các quốc gia thành viên sẽ không được quá số lượng quốc gia thành viên của EC trong bất kỳ trường hợp nào.
[3] Những quyết định của Đại Hội đồng trong trường hợp được triệu tập để thaythế Cơ quan Giải quyết Tranh chấp sẽ phải được đưa ra phù hợp với các quy định của khoản 4 Điều 2 của Bản Diễn giải về Giải quyết Tranh chấp.
[4] Một quyết định cho phép miễn trừ bất kỳ nghĩa vụ nào trong giai đoạn chuyển đổi hay giai đoạn thực hiện mà thành viên yêu cầu chưa thực hiện hết thời hạn có liên quan thì phải được thông qua dựa trên nguyên tắc đồng thuận.
File gốc của Hiệp định Marrakesh số 204/WTO/VB về thành lập tổ chức Thương mại Thế giới đang được cập nhật.
Hiệp định Marrakesh số 204/WTO/VB về thành lập tổ chức Thương mại Thế giới
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | WTO |
Số hiệu | 204/WTO/VB |
Loại văn bản | Văn bản WTO |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 1994-04-15 |
Ngày hiệu lực | |
Lĩnh vực | Thương mại |
Tình trạng | Còn hiệu lực |