BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5295/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2004 |
Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố
Thực hiện Điểm 9.2, phần 1, Quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hoá gia công với thương nhân nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC ngày 24/08/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (sau đây gọi tắt là Quy định) và để Hải quan các tỉnh, thành phố hiểu thống nhất khi thực hiện Quy định này, Tổng cục Hải quan hướng dẫn một số điểm như sau:
1. Một số điểm cần lưu ý khi xác định đối tượng kiểm tra định mức:
Đối tượng kiểm tra định mức và chế độ kiểm tra đã được quy định cụ thể tại Điểm 9.1, phần 1 Quy định. Tổng cục hải quan chỉ lưu ý thêm một số điểm sau:
1.1. Một số dấu hiệu nghi vấn định mức doanh nghiệp đăng ký với cơ quan hải quan là không chính xác, không trung thực:
- Cùng mặt hàng gia công giống nhau, có các thông số của sản phẩm liên quan đến việc xác định định mức (ví dụ đối với áo là kích thước dài rộng, số lớp...) như nhau hoặc bé hơn nhưng định mức doanh nghiệp đăng ký lớn hơn hoặc bằng (đối với trường hợp thông số bé hơn) định mức doanh nghiệp khác đã đăng ký trước đó.
- Định mức doanh nghiệp đăng ký bất hợp lý so với sản phẩm gia công (không cần so sánh với định mức khác cũng có thể nhận biết được).
- Lượng nguyên liệu quy đổi từ sản phẩm gia công xuất khẩu (tính theo định mức doanh nghiệp đăng ký) vượt quá lượng nguyên liệu doanh nghiệp đã nhập khẩu, nhưng hợp đồng không có thoả thuận nguyên liệu cung ứng.
- Hợp đồng gia công có thoả thuận nguyên liệu cung ứng, nhưng không cụ thể; doanh nghiệp khai nguyên liệu mua trong nước để cung ứng nhưng không rõ ràng, không đúng quy định, có dấu hiệu hợp thức hoá lượng chênh lệch giữa nguyên liệu quy đổi từ sản phẩm xuất khẩu và nguyên liệu nhập khẩu.
- Doanh nghiệp tiêu thụ bất hợp pháp nguyên liệu gia công ra thị trường nội địa (bị Hải quan hoặc cơ quan chức năng khác phát hiện).
1.2. Về việc kiểm tra định mức đối với doanh nghiệp lần đầu tiên thực hiện hợp đồng gia công nêu tại Điểm 9.1.1.1, phần 1, Quy định:
1.2.1. Trường hợp doanh nghiệp lần đầu tiên làm thủ tục hải quan đối với hàng gia công tại một Chi cục Hải quan, nhưng có xác nhận trước đó đã làm thủ tục hải quan đối với hàng gia công tại Chi cục Hải quan khác thì không coi là lần đầu tiên thực hiện hợp đồng gia công nêu tại Điểm 9.1.1.1, phần 1, Quy định.
Chi cục Hải quan xác nhận cho doanh nghiệp đã làm thủ tục hải quan đối với hàng gia công tại đơn vị mình phải ghi rõ doanh nghiệp có vi phạm về khai sai định mức, nhập thừa, xuất thiếu so với khai báo hay không? thời điểm xẩy ra các hành vi vi phạm này; hoặc có thuộc đối tượng doanh nghiệp không chấp hành tốt chế độ quản lý, sử dụng hoá đơn chứng từ hay không.
1.2.2. Sau khi kiểm tra định mức của hợp đồng đầu tiên không phát hiện khai sai định mức, thì các hợp đồng gia công sau chuyển sang chế độ kiểm tra xác suất khi cần thiết như nêu tại Điểm 1.3 dưới đây.
Nếu doanh nghiệp ký kết hợp đồng gia công dài hạn (2 năm trở lên) thì quy định này áp dụng cho phụ kiện đầu tiên của hợp đồng,
1.3. Về chế độ kiểm tra xác suất định mức nêu tại Điểm 9.1.2, phần 1 Quy định:
Hải quan các tỉnh, thành phố cần chú trọng kiểm tra nhưng mặt hàng gia công dễ gian lận định mức, không được áp dụng chế độ kiểm tra này để kiểm tra tràn lan, làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công xem xét quyết định việc lựa chọn mã hàng kiểm tra xác suất.
2. Biện pháp kiểm tra định mức:
2.1. Đối với doanh nghiệp lần đầu thực hiện hợp đồng gia công và doanh nghiệp không chấp hành tốt chế độ bảo quản hóa đơn chứng từ:
2.1.1. Doanh nghiệp làm giải trình cụ thể, chi tiết về cơ sở, phương pháp tính định mức của mã hàng doanh nghiệp đăng ký với Hải quan gửi Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công kèm mẫu sản phẩm, tài liệu thiết kế kỹ thuật của sản phẩm (như sơ đồ cắt đối với hàng may mặc) và tạo tiều kiện thuận lợi cho Hải quan khảo sát quy trình sản xuất, nhằm đảm bảo việc kiểm tra định mức được nhanh chóng, chính xác.
2.1.2. Chi cục hải quan quản lý hợp đồng gia công căn cứ vào giải trình của doanh nghiệp, mẫu sản phẩm, tài liệu thiết kế kỹ thuật, hồ sơ các lô hàng nguyên liệu nhập khẩu lưu tại hải quan, khảo sát quy trình sản xuất của doanh nghiệp (nếu cần) để xem xét, quyết định.
2.1.3. Nếu bằng biện pháp trên vẫn chưa quyết định được thì trưng cầu giám định tại các đơn vị sự nghiệp kỹ thuật phục vụ quản lý Nhà nước theo danh sách kèm theo Thông tư số 44/2001/TT-BK CNMT ngày 25/7/2001 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (ví dụ: đối với gia công mặt hàng dệt may thì trưng cầu giám định Viện Kinh tế kỹ thuật dệt may; gia công mặt hàng thuốc lá thì trưng cầu giám định Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá).
Trường hợp không nhất trí với kết quả giám định thì tham khảo ý kiến của Bộ, ngành quản lý chuyên ngành tương ứng như quy định tại Điểm 9, Thông tư số 44/2001/TT-BKHCNMT ngày 25/7/2001 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học, Công nghệ)
2.2. Đối với các trường hợp còn lại:
2.2.1. Doanh nghiệp thực hiện như quy định tại Điểm 2.1.1. trên đây. Nếu Hải quan phải tiến hành thêm biện pháp nêu tại Điểm 2.2.3 dưới đây thì doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ cho Hải quan các chứng từ xuất kho; nhập kho.
2.2.2. Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công thực hiện việc kiểm tra định mức theo biện pháp nêu tại Điểm 2.1.2 trên đây. Nếu sau khi thực hiện biện pháp này vẫn chưa kết luận được thì trưng cầu giám định các đơn vị sự nghiệp kỹ thuật phục vụ quản lý Nhà nước như Điểm 2.1.3 trên đây hoặc thực hiện tiếp biện pháp nêu tại Điểm 2.2.3 dưới đây.
2.2.3. Căn cứ vào chứng từ xuất kho, chứng từ nhập kho để xác định lượng nguyên liệu đưa vào sản xuất, lượng sản phẩm sản xuất được đã nhập kho; khảo sát thực tế tại nơi sản xuất để xác định lượng nguyên liệu còn nằm trên dây chuyền, lượng sản phẩm chưa nhập kho. Trên cơ sở các số liệu này tiến hành xác định định mức thực tế.
Đối với một số mặt hàng gia công như thuốc lá, len, sợi.... thì định mức nguyên liệu còn liên quan đến một số thông số kỹ thuật như độ ẩm của nguyên liệu của sản phẩm... Vì vậy, khi xác định định mức còn xét thêm các yếu tố này.
Định mức xác định bằng biện pháp này là định mức bao gồm cả hao hụt nguyên liệu trên dây chuyền sản xuất.
3. Tổ chức thực hiện việc kiểm tra định mức:
3.1. Thời điểm kiểm tra định mức:
- Khi doanh nghiệp đăng ký định mức, Hải quan tiếp nhận định mức này để làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá cho doanh nghiệp; việc kiểm tra định mức (nếu thuộc đối tượng phải kiểm tra) sẽ được tiến hành trong quá trình doanh nghiệp thực hiện hợp đồng gia công (áp dụng cho cả những hợp đồng gia công đăng ký trước khi Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC ngày 24/08/2004 có hiệu lực thi hành nhưng hiện nay vẫn đang thực hiện).
Đối với trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu một lần hết cả lượng hàng của mã hàng trong hợp đồng gia công, nếu khi làm thủ tục xuất khẩu Hải quan xác định được mã hàng đó thuộc diện phải kiểm tra định mức thì Hải quan niêm phong mẫu sản phẩm giao doanh nghiệp bảo quản để kiểm tra định mức sau khi doanh nghiệp đã xuất khẩu mã hàng đó. Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công phải hoàn thành việc kiểm tra định mức đối với mã hàng này trước khi thanh khoản hợp đồng gia công.
- Những nghi vấn về gian lận định mức được phát hiện khi thanh khoản hợp đồng gia công và sau khi thanh khoản hợp đồng gia công thì thực hiện kiểm tra theo quy định về kiểm tra sau thông quan.
3.2. Bố trí nhân lực thực hiện kiểm tra định mức:
- Tuỳ theo tình hình cụ thể của từng đơn vị, Cục trưởng cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục trực thuộc tổ chức việc kiểm tra định mức cho phù hợp và hiệu quả; có thể tổ chức bộ phận chuyên trách hoặc giao cho bộ phận tiếp nhận, thanh khoản hợp đồng gia công hay kiểm hoá kiêm nhiệm công việc này.
- Hải quan các tỉnh, thành phố cần lựa chọn những công chức Hải quan hiểu biết về những mặt hàng gia công cần kiểm tra và có kinh nghiệm về kiểm tra định mức để bố trí làm nhiệm vụ này.
3.3. Thực hiện kiểm tra định mức:
a. Chuẩn bị kiểm tra:
- Bộ phận được giao nhiệm vụ kiểm tra định mức có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu định mức doanh nghiệp đã đăng ký; tập hợp các số liệu của các định mức đã đăng ký để làm dự liệu so sánh; thu thập các thông tin liên quan đến gian lận định mức; căn cứ các quy định tại Quyết định 69/2004/QĐ-BTC và hướng dẫn tại văn bản này để lựa chọn những định mức cần kiểm tra; lựa chọn biện pháp kiểm tra.
b. Tiến hành kiềm tra:
- Tiến hành kiểm tra theo mã hàng và biện pháp kiểm tra đã lựa chọn.
- Trong quá trình kiểm tra định mức, các công chức Hải quan được giao nhiệm vụ này không được làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
c. Kết thúc kiểm tra:
- Sau khi tiến hành xong việc kiểm tra phải có biên bản kết luận kết quả kiểm tra. Biên bản phải có các nội dung chủ yếu như: tên doanh nghiệp; tên công chức Hải quan tham gia kiểm tra; hợp đồng, phụ kiện, hợp đồng gia công; mã hàng kiểm tra định mức; biện pháp kiểm tra; căn cứ kiểm tra; kết quả kiểm tra; kết luận kiểm tra.
Kết luận kiểm tra phải xác định rõ định mức doanh nghiệp đăng ký đúng hay sai, nếu định mức đăng ký sai thì định mức đúng là bao nhiêu để làm căn cứ xác định hành vi vi phạm và xử phạt theo quy định của pháp luật đối với trường hợp xác định doanh nghiệp vi phạm quy định về đăng ký định mức với Hải quan.
Biên bản kết luận này phải có chữ ký của Lãnh đạo Chi cục Hải quan và Giám đốc doanh nghiệp hoặc người được Giám đốc uỷ quyền.
- Ghi số mã hàng, số phụ kiện hợp đồng, số hợp đồng gia công lên mẫu sản phẩm; lưu đầy đủ hồ sơ kiểm tra định mức cùng hồ sơ của hợp đồng gia công.
II. GIẢI THÍCH MỘT SỐ ĐIỂM KHÁC NÊU TẠI QUY ĐỊNH:
1. Cụm từ "cơ sở sản xuất đang thực hiện hợp đồng gia công" nêu tại Điểm 3, phần 1, Quy định bao gồm: cơ sở sản xuất của doanh nghiệp nhận gia công cho thương nhân nước ngoài và cơ sở sản xuất của doanh nghiệp nhận gia công lại mà hợp đồng gia công thực hiện tại đó.
2. Việc gia hạn thời hạn thanh Khoản quy định tại Điểm 10.4. phần 1 Quy định áp dụng cho những trường hợp đặc biệt sau:
2.1. Doanh nghiệp đồng thời thực hiện nhiều hợp đồng gia công và các hợp đồng này đều hết hạn thực hiện tại một thời điểm, nên doanh nghiệp không kịp chuẩn bị hồ sơ thanh khoản trong thời hạn quy định.
2.2. Đang có tranh chấp giữa bên thuê gia công và bên nhận gia công liên quan đến hợp đồng gia công.
2.3. Các trường hợp vì lý do bất khả kháng khác nên doanh nghiệp không thực hiện được đúng thời hạn thanh khoản.
Đối với các trường hợp này, doanh nghiệp phải có văn bản giải trình gửi Hải quan xem xét gia hạn.
3. Về việc xử lý vi phạm thời hạn thanh khoản và cưỡng chế làm thủ lục hải quan nêu tại Điểm 10.5, phần 1 Quy định:
- Quy định này không áp dụng cho những trường hợp doanh nghiệp đã làm thủ tục XNK tại chỗ đối với nguyên liệu dư, phế liệu, phế phẩm, máy móc thiết bị tạm nhập, Hải quan đã ra thông báo thuế nhưng doanh nghiệp chưa nộp thuế. Đối với những trường hợp này coi như doanh nghiệp đã hoàn thành việc thanh khoản.
Việc theo dõi nợ thuế và áp dụng cưỡng chế thủ tục hải quan thực hiện theo loại hình nhập khẩu tại chỗ; nếu nhập khẩu tại chỗ theo loại hình kinh doanh thì theo dõi nợ thuế và thực hiện cưỡng chế theo loại hình kinh doanh; nếu nhập khẩu tại chỗ theo loại hình nhập sản xuất hàng xuất khẩu thì theo dõi nợ thuế và thực hiện cưỡng chế theo loại hình nhập sản xuất xuất khẩu (nếu loại hình này có quy định áp dụng biện pháp cưỡng chế)
- Doanh nghiệp được giải toả cưỡng chế khi nộp đủ hồ sơ thanh khoản theo quy định (nếu vi phạm thời hạn nộp hồ sơ thanh khoản nêu tại Điểm 10.1 Quy định) hoặc khi hoàn thành thủ tục hải quan giải quyết nguyên liệu thừa, phế liệu phế phẩm, máy móc thiết bị tạm nhập (nếu vị phạm thời hạn nêu tại Điểm 10.3 Quy định)
Thủ tục cưỡng chế và giải toả cưỡng chế thực hiện như trường hợp doanh nghiệp vi phạm quy định về thời hạn nộp thuế XNK đối với hàng hoá thuộc loại hình kinh doanh.
4. Thủ tục hải quan đối với hàng mẫu xuất, nhập khẩu để làm mẫu gia công nêu tại Điểm 11.4, phần 1, Quy định áp dụng cho hàng mẫu nhập khẩu; hàng mẫu xuất khẩu không làm từ nguyên liệu của hợp đồng gia công.
Đối với trường hợp hàng mẫu xuất khẩu được làm từ nguyên liệu của hợp đồng gia công thì thủ tục hải quan xuất khẩu hàng mẫu này thực hiện như xuất khẩu sản phẩm gia công; hàng mẫu này được đưa vào thanh khoản hợp đồng gia công như sản phẩm gia công xuất khẩu.
5. Thủ tục hải quan đối với sản phẩm gia công nhập khẩu trở lại để tái chế nêu tại Điểm 11.6, phần 1, Quy định thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản số 6466/TCHQ-GSQL ngày 23/12/2002 và các văn bản hướng dẫn bổ sung, sửa đổi của Tổng cục Hải quan.
6. Đối với những nguyên liệu mua trong nước để cung ứng cho gia công thuộc mặt hàng xuất khẩu có thuế, sản phẩm gia công đã xuất khẩu trước khi Quyết định 69/2004/QĐ-BTC ngày 24/8/2004 có hiệu lực nên chưa tính thuế xuất khẩu đối với nguyên liệu cung ứng này thì tính thuế khi doanh nghiệp làm thủ tục thanh khoản.
7. Khi làm thủ tục nhập khẩu tại chỗ nguyên liệu dư sau khi thanh khoản hợp đồng gia công, nếu xác định nguyên liệu dư do chênh lệch giữa định mức thoả thuận trong hợp đồng gia công với định mức thực tế doanh nghiệp thực hiện thì trong hồ sơ nhập khẩu tại chỗ không yêu cầu phải có hợp đồng mua bán ký với bên thuê gia công.
8. Việc thống kê các tờ khai tạm nhập máy móc, thiết bị để phục vụ gia công thực hiện trên mẫu 08/HQ-GC cùng với thống kê tờ khai nhập khẩu nguyên liệu gia công.
Trên đây là một số điểm hướng dẫn của Tổng cục. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh, yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố kịp thời báo cáo kèm ý kiến đề xuất giải quyết để Tổng cục hướng dẫn bổ sung.
| Vũ Ngọc Anh (Đã ký) |
File gốc của Công văn 5295/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan về việc hướng dẫn kiểm tra định mức và giải thích một số điểm tại Quy định ban hành kèm Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC đang được cập nhật.
Công văn 5295/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan về việc hướng dẫn kiểm tra định mức và giải thích một số điểm tại Quy định ban hành kèm Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tổng cục Hải quan |
Số hiệu | 5295/TCHQ-GSQL |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Vũ Ngọc Anh |
Ngày ban hành | 2004-11-03 |
Ngày hiệu lực | 2004-11-03 |
Lĩnh vực | Thương mại |
Tình trạng | Còn hiệu lực |