BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40/2010/TT-BCT | Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2010 |
QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRÊN THỊ TRƯỜNG ĐIỆN LỰC
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực;
Căn cứ Quyết định số 153/2008/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương;
Bộ Công Thương quy định trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp trên thị trường điện lực như sau:
Thông tư này quy định trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp trên thị trường điện lực sau đây:
1. Tranh chấp liên quan đến Hợp đồng mua bán điện, Hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ giữa các đơn vị điện lực, trừ các hợp đồng có yếu tố nước ngoài.
2. Tranh chấp khác trong hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực.
Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau đây:
1. Các đơn vị điện lực.
2. Tổ chức, cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp bị đơn vị điện lực xâm phạm.
3. Cơ quan giải quyết tranh chấp.
Trong Thông tư này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bên yêu cầu là đơn vị điện lực, tổ chức, cá nhân đề nghị giải quyết tranh chấp khi cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm.
2. Bên bị yêu cầu là đơn vị điện lực bị Bên yêu cầu cho rằng đã xâm phạm quyền và lợi ích của Bên yêu cầu.
3. Cơ quan giải quyết tranh chấp là Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương.
Điều 4. Thời hiệu đề nghị giải quyết tranh chấp
Thời hiệu đề nghị giải quyết các tranh chấp quy định tại Điều 1 Thông tư này là một (01) năm, kể từ ngày xảy ra hành vi mà một trong các bên cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp bất khả kháng.
Điều 5. Trình tự giải quyết tranh chấp
1. Khi có tranh chấp trên thị trường điện lực quy định tại Điều 1 Thông tư này, các bên trong tranh chấp phải tiến hành đàm phán để tự giải quyết trong thời hạn sáu mươi (60) ngày.
2. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này mà hai bên không tự giải quyết được tranh chấp thì một bên hoặc hai bên có quyền trình vụ việc đến Cục Điều tiết điện lực để giải quyết theo trình tự, thủ tục được quy định tại Thông tư này.
Điều 6. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp
1. Việc giải quyết các tranh chấp phải tuân theo trình tự, thủ tục được quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến Hợp đồng mua bán điện hoặc Hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ đã ký, phải căn cứ vào nội dung Hợp đồng đã ký.
3. Việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến Giấy phép hoạt động điện lực phải căn cứ vào nội dung và các quy định của Giấy phép đã cấp cho đơn vị điện lực.
Điều 7. Xử lý vụ việc tranh chấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Đình chỉ giải quyết vụ việc tranh chấp
1. Cục Điều tiết điện lực đình chỉ giải quyết vụ việc tranh chấp trong các trường hợp sau đây:
a) Bên yêu cầu rút Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp;
b) Bên yêu cầu đã được mời họp giải quyết tranh chấp đến lần thứ hai (02) mà vẫn vắng mặt hoặc bỏ phiên họp giải quyết tranh chấp mà không được Chủ trì phiên họp đồng ý;
c) Các bên thoả thuận chấm dứt vụ việc giải quyết tranh chấp;
d) Trường hợp quy định tại Điều 7 Thông tư này;
đ) Một bên hoặc hai bên gửi vụ việc tranh chấp tới cơ quan có thẩm quyền khác để giải quyết.
2. Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho các bên về việc đình chỉ giải quyết vụ việc tranh chấp.
Điều 9. Trách nhiệm cung cấp thông tin
Các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc tranh chấp có trách nhiệm hợp tác, cung cấp các thông tin cần thiết có liên quan đến vụ việc tranh chấp theo yêu cầu của Cục Điều tiết điện lực.
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực
1. Trưng cầu giám định theo đề nghị của một bên hoặc các bên tranh chấp.
2. Mời chuyên gia tham gia quá trình giải quyết tranh chấp.
3. Quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc tranh chấp theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.
4. Chủ trì phiên họp giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp vắng mặt, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực có thể uỷ quyền cho Phó cục trưởng chủ trì phiên họp.
5. Giải quyết khiếu nại trong trường hợp có khiếu nại về Quyết định giải quyết tranh chấp, Quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc tranh chấp.
Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ thụ lý vụ việc tranh chấp
1. Yêu cầu các bên trong tranh chấp giải trình, cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc tranh chấp.
2. Giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
3. Bảo quản tài liệu đã được cung cấp.
4. Từ chối thụ lý vụ việc tranh chấp trong trường hợp có quyền, lợi ích, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc tranh chấp hoặc là bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đại diện hợp pháp của các bên trong tranh chấp.
5. Làm Thư ký phiên họp giải quyết tranh chấp.
6. Chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của Bên yêu cầu, Bên bị yêu cầu
1. Cử người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo uỷ quyền tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp.
2. Đưa ra những chứng cứ hợp pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
3. Được đề nghị thay đổi cán bộ thụ lý vụ việc tranh chấp trong trường hợp phát hiện cán bộ thụ lý vụ việc có quyền, lợi ích, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc tranh chấp hoặc là bố, mẹ, vợ chồng, con, anh, chị, em ruột của người đại diện hợp pháp của các bên trong tranh chấp.
4. Đề nghị trưng cầu giám định.
5. Đề nghị mời người làm chứng.
6. Đề nghị mời chuyên gia.
7. Sửa đổi, bổ sung, rút Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp hoặc Đơn kiện lại trước thời điểm Cục Điều tiết điện lực ra Quyết định giải quyết tranh chấp.
8. Thi hành Quyết định giải quyết tranh chấp.
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
Điều 13. Hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp
1. Bên yêu cầu phải gửi hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp đến Cục Điều tiết điện lực. Hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp bao gồm:
a) Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp;
b) Biên bản thương lượng hoặc hoà giải không thành hoặc tài liệu chứng minh tranh chấp không hòa giải được;
c) Bản sao công chứng của Hợp đồng đối với tranh chấp liên quan đến Hợp đồng mua bán điện hoặc Hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ. Trường hợp Hợp đồng không có thoả thuận đề nghị Cục Điều tiết điện lực giải quyết tranh chấp thì hồ sơ phải có Bản thoả thuận của các bên về việc đề nghị Cục Điều tiết điện lực giải quyết tranh chấp;
d) Bản sao hợp lệ Giấy phép hoạt động điện lực (trường hợp Bên yêu cầu là Đơn vị điện lực);
đ) Bản sao hợp lệ các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu giải quyết tranh chấp là có căn cứ và hợp pháp;
e) Cam kết về vụ việc tranh chấp chưa được gửi đến giải quyết tại Toà án hoặc Trọng tài thương mại.
2. Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm viết đơn;
b) Tên, địa chỉ và các thông tin có liên quan của các bên;
c) Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp;
d) Các yêu cầu của Bên yêu cầu;
đ) Giá trị bồi thường yêu cầu (nếu có).
Điều 14. Thụ lý hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp
1. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp, Cục Điều tiết điện lực phải tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho Bên yêu cầu về việc thụ lý hồ sơ.
2. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực phải thông báo bằng văn bản cho Bên yêu cầu để bổ sung hồ sơ; thời hạn bổ sung hồ sơ không quá mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày Cục Điều tiết điện lực thông báo bổ sung hồ sơ. Trong trường hợp Bên yêu cầu có đề nghị bằng văn bản, Cục Điều tiết điện lực có thể gia hạn bổ sung hồ sơ nhưng không quá mười (10) ngày làm việc kể từ ngày hết hạn bổ sung hồ sơ.
1. Bên bị yêu cầu có quyền kiện lại Bên yêu cầu về những vấn đề có liên quan đến yêu cầu của Bên yêu cầu. Đơn kiện lại phải được gửi Cục Điều tiết điện lực, Bên yêu cầu cùng thời điểm với văn bản giải trình.
2. Bên yêu cầu phải gửi văn bản trả lời Đơn kiện lại cho Cục Điều tiết điện lực và Bên bị yêu cầu trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Đơn kiện lại.
3. Các yêu cầu trong Đơn kiện lại của Bên bị yêu cầu được giải quyết trong cùng phiên họp giải quyết đề nghị giải quyết tranh chấp của Bên yêu cầu.
4. Trường hợp Đơn kiện lại được gửi muộn hơn thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này hoặc nội dung kiện lại không liên quan tới yêu cầu của Bên yêu cầu thì được xem xét và giải quyết như vụ việc tranh chấp khác.
Điều 16. Không thụ lý hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp
1. Không thụ lý hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp trong các trường hợp sau đây:
a) Thời hiệu đề nghị giải quyết tranh chấp đã hết;
b) Vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Điều tiết điện lực;
c) Vụ việc đã được đưa ra giải quyết tại Trọng tài thương mại, Toà án hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc Trọng tài thương mại;
d) Chưa tiến hành đàm phán để tự giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này;
đ) Bên yêu cầu không bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của Cục Điều tiết điện lực đúng thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư này;
e) Bên yêu cầu hoặc Bên bị yêu cầu không nộp tạm ứng chi phí giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 32 Thông tư này.
2. Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho Bên yêu cầu về việc không thụ lý hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp.
Mục 2. NGHIÊN CỨU, XÁC MINH VỤ VIỆC
Điều 17. Phân công cán bộ thụ lý vụ việc tranh chấp, thông báo vụ việc cho Bên bị yêu cầu
1. Trong thời hạn hai (02) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm phân công cán bộ thụ lý vụ việc tranh chấp.
2. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tranh chấp và gửi bản sao Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp, tài liệu kèm theo của Bên yêu cầu cho Bên bị yêu cầu.
Điều 18. Giải trình của các bên
1. Trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp và các tài liệu kèm theo của Bên yêu cầu do Cục Điều tiết điện lực gửi đến, Bên bị yêu cầu phải gửi cho Cục Điều tiết điện lực văn bản giải trình và các tài liệu chứng minh kèm theo.
Trường hợp cần gia hạn thời gian giải trình thì Bên bị yêu cầu phải gửi văn bản đề nghị Cục Điều tiết điện lực gia hạn, trong đó nêu rõ lý do đề nghị gia hạn. Thời hạn gia hạn không quá mười (10) ngày làm việc.
2. Văn bản giải trình phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm giải trình;
b) Tên và địa chỉ của Bên bị yêu cầu;
c) Giải trình và các lý lẽ, phân tích để tự bảo vệ.
3. Trường hợp Bên bị yêu cầu không gửi văn bản giải trình thì coi như đã chấp nhận nội dung trong Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp của Bên yêu cầu.
Điều 19. Nghiên cứu hồ sơ, xác minh vụ việc
1. Cán bộ thụ lý vụ việc tranh chấp có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ vụ việc tranh chấp trên cơ sở Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp, các tài liệu, chứng cứ kèm theo và văn bản giải trình của các bên.
2. Cán bộ thụ lý vụ việc tranh chấp có quyền xem xét, kiểm tra tại hiện trường; gặp các bên để nghe các bên trình bày ý kiến; phải lập Biên bản ghi rõ thời gian, địa điểm, họ tên, địa chỉ các bên, nội dung xác minh, ý kiến trình bày của các bên; phải đọc lại Biên bản cho các bên nghe và yêu cầu các bên cùng ký vào Biên bản.
3. Kết thúc quá trình nghiên cứu hồ sơ, xác minh vụ việc tranh chấp, cán bộ thụ lý vụ việc tranh chấp phải báo cáo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực bằng văn bản. Trong đó, phải tóm tắt nội dung vụ việc tranh chấp, nêu rõ các tình tiết, chứng cứ đã được xác minh và kiến nghị phương án giải quyết.
1. Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực có quyền ra quyết định trưng cầu giám định theo đề nghị của một bên hoặc các bên tranh chấp. Quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân giám định, đối tượng cần giám định, những vấn đề cần giám định, các yêu cầu cụ thể cần có kết luận giám định.
2. Bên đề nghị trưng cầu giám định phải nộp chi phí giám định. Trường hợp các bên đề nghị giám định thì phải cùng nộp chi phí giám định.
Điều 21. Thời hạn nghiên cứu, xác minh vụ việc
Thời hạn nghiên cứu, xác minh vụ việc tranh chấp là ba (03) tháng, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Đối với vụ việc tranh chấp phức tạp thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá sáu (06) tháng, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Mục 3. TỔ CHỨC PHIÊN HỌP GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
Điều 22. Thời hạn tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp
1. Thời hạn tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp là ba mươi (30) ngày, kể từ ngày kết thúc nghiên cứu, xác minh vụ việc tranh chấp.
2. Trong thời hạn này, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm tiến hành các thủ tục cần thiết để mở phiên họp giải quyết tranh chấp. Giấy mời các bên tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp phải được gửi chậm nhất mười lăm (15) ngày trước ngày tổ chức phiên họp.
Điều 23. Tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp
1. Đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền của các bên phải tham dự phiên họp theo mời họp của Cục Điều tiết điện lực. Danh sách người tham dự phiên họp của mỗi bên phải gửi tới Cục Điều tiết điện lực trước ngày mở phiên họp ít nhất hai (02) ngày làm việc.
2. Cục Điều tiết điện lực có quyền mời người làm chứng, chuyên gia, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan tham gia phiên họp.
Điều 24. Sự vắng mặt của các bên trong phiên họp giải quyết tranh chấp
1. Sự vắng mặt của Bên yêu cầu
a) Bên yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì Cục Điều tiết điện lực phải hoãn phiên họp giải quyết tranh chấp;
b) Bên yêu cầu đã được mời họp đến lần thứ hai (02) mà vẫn vắng mặt hoặc bỏ phiên họp mà không được Chủ trì phiên họp đồng ý thì coi như từ bỏ đề nghị giải quyết tranh chấp và Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm ra quyết định đình chỉ việc giải quyết. Trong trường hợp này, Bên yêu cầu vẫn có quyền đề nghị giải quyết tranh chấp lại nếu thời hiệu đề nghị giải quyết tranh chấp vẫn còn.
2. Sự vắng mặt của Bên bị yêu cầu
a) Bên bị yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì Cục Điều tiết điện lực phải hoãn phiên họp giải quyết tranh chấp;
b) Bên bị yêu cầu đã được mời họp đến lần thứ hai (02) mà vẫn vắng mặt hoặc bỏ phiên họp mà không được Chủ trì phiên họp đồng ý thì Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực căn cứ vào hồ sơ vụ việc và chứng cứ hiện có để tiến hành giải quyết tranh chấp vắng mặt Bên bị yêu cầu.
3. Trong trường hợp cả hai bên đề nghị giải quyết vụ tranh chấp mà không cần các bên có mặt, thì Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực căn cứ vào hồ sơ vụ việc và các chứng cứ hiện có để giải quyết.
Điều 25. Phiên họp giải quyết tranh chấp
1. Khai mạc phiên họp
a) Chủ trì phiên họp giải quyết tranh chấp khai mạc phiên họp và đọc Quyết định mở phiên họp giải quyết tranh chấp;
b) Thư ký phiên họp đọc danh sách những người tham dự hoặc vắng mặt, lý do vắng mặt.
2. Giải quyết vụ việc tranh chấp
a) Các bên trình bày yêu cầu giải quyết tranh chấp, giải trình và đưa ra các tài liệu, chứng cứ chứng minh;
b) Người làm chứng, chuyên gia, đại diện tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan tham gia phiên họp trình bày ý kiến;
c) Xem xét, kiểm tra, phân tích tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, báo cáo nghiên cứu, xác minh vụ việc tranh chấp.
3. Kết luận giải quyết vụ việc tranh chấp
a) Chủ trì phiên họp kết luận về việc giải quyết tranh chấp trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, xem xét, phân tích tài liệu, chứng cứ đã thu thập được và báo cáo nghiên cứu, xác minh vụ việc tranh chấp;
b) Trường hợp một bên hoặc các bên chưa nhất trí với kết luận của Chủ trì phiên họp hoặc vụ việc có nhiều tình tiết mới chưa thể kết luận được thì Chủ trì phiên họp có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, xác minh bổ sung và tổ chức họp lại. Thời hạn nghiên cứu, xác minh bổ sung và tổ chức họp lại không được quá thời hạn quy định tại Điều 21 và Điều 22 Thông tư này.
Điều 26. Biên bản phiên họp giải quyết vụ tranh chấp
1. Biên bản phiên họp giải quyết vụ tranh chấp gồm các nội dung sau:
a) Tên vụ tranh chấp;
b) Địa điểm và ngày, tháng, năm mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp;
c) Tên của Bên yêu cầu, Bên bị yêu cầu và những người đại diện tham gia phiên họp giải quyết vụ tranh chấp;
d) Tên giám định viên, người làm chứng (nếu có) và những người khác tham gia phiên họp giải quyết vụ tranh chấp;
đ) Tóm tắt diễn biến phiên họp giải quyết vụ tranh chấp.
e) Kết luận của Chủ trì phiên họp.
2. Biên bản phiên họp giải quyết vụ tranh chấp phải có chữ ký của Chủ trì phiên họp, Thư ký phiên họp, Bên yêu cầu, Bên bị yêu cầu trừ trường hợp các bên vắng mặt theo quy định tại Điều 24 Thông tư này. Trường hợp một bên hoặc các bên trong vụ việc tranh chấp không thống nhất với một hoặc nhiều nội dung của phiên họp thì vẫn phải ký vào biên bản và có quyền bảo lưu ý kiến về những điểm không thống nhất.
Mục 4. QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
Điều 27. Quyết định giải quyết vụ việc tranh chấp
1. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên họp giải quyết tranh chấp, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm ra Quyết định giải quyết tranh chấp.
2. Quyết định giải quyết tranh chấp phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm và địa điểm ra Quyết định;
b) Tên, địa chỉ Bên yêu cầu, Bên bị yêu cầu;
c) Tóm tắt Đơn đề nghị và các vấn đề tranh chấp;
d) Các căn cứ để ra Quyết định, gồm: cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp, các chứng cứ đã được kiểm tra, xác minh trong quá trình giải quyết tranh chấp;
đ) Trách nhiệm của các bên trong tranh chấp, bao gồm cả chi phí giải quyết tranh chấp và các chi phí khác (nếu có);
e) Thời hạn thi hành Quyết định giải quyết tranh chấp.
3. Quyết định giải quyết tranh chấp phải được gửi cho Bên yêu cầu và Bên bị yêu cầu trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày ký.
Điều 28. Hiệu lực của Quyết định giải quyết tranh chấp
1. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực kể từ ngày ký.
2. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực chung thẩm, trừ trường hợp tranh chấp liên quan đến Hợp đồng đã ký giữa các bên.
3. Các bên có trách nhiệm thi hành Quyết định theo quy định của pháp luật.
Điều 29. Khiếu nại Quyết định giải quyết tranh chấp
1. Việc khiếu nại Quyết định giải quyết tranh chấp đối với các tranh chấp quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư này được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
2. Trường hợp một bên hoặc các bên không đồng ý với Quyết định giải quyết tranh chấp đối với tranh chấp liên quan đến Hợp đồng mua bán điện, Hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ thì có quyền khởi kiện tại Toà án để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 30. Bảo mật, lưu trữ hồ sơ giải quyết tranh chấp
1. Các tài liệu, chứng cứ do các bên trong tranh chấp hoặc các bên có liên quan cung cấp cho Cục Điều tiết điện lực chỉ được sử dụng cho việc giải quyết tranh chấp. Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm bảo mật thông tin theo đề nghị của bên cung cấp và theo quy định của pháp luật.
2. Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Điều 31. Chi phí giải quyết tranh chấp
1. Bên thua kiện phải chịu chi phí giải quyết tranh chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Chi phí giải quyết tranh chấp bao gồm:
a) Chi phí đi lại, ở và các chi phí có liên quan khác cho cán bộ thụ lý vụ việc tranh chấp theo định mức tại quy định của pháp luật có liên quan;
b) Chi phí thuê chuyên gia và thù lao cho thành viên phiên họp giải quyết tranh chấp.
Điều 32. Nộp chi phí giải quyết tranh chấp
1. Bên yêu cầu phải nộp tạm ứng chi phí giải quyết tranh chấp quy định tại khoản 2 Điều 31 Thông tư này cùng thời điểm nộp Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp, nếu các bên không có thỏa thuận khác.
2. Trong trường hợp có Đơn kiện lại, Bên bị yêu cầu phải nộp tạm ứng chi phí giải quyết tranh chấp cho Đơn kiện lại, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
3. Tiền tạm ứng chi phí giải quyết tranh chấp được thanh toán theo chi phí thực tế cho việc giải quyết tranh chấp và được thanh quyết toán với bên đã nộp trong các trường hợp sau:
a) Đình chỉ giải quyết vụ việc tranh chấp quy định tại Điều 8 Thông tư này;
b) Bên bị yêu cầu rút Đơn kiện lại;
c) Hồ sơ không được thụ lý theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 16 Thông tư này.
4. Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm lập dự toán các chi phí phát sinh trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp và thông báo cho các bên. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày kể từ ngày nhận được thông báo, Bên yêu cầu phải nộp đủ các chi phí này, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Hết thời hạn này, Bên yêu cầu vẫn không nộp mà không có lý do được Cục Điều tiết điện lực chấp thuận thì được coi là rút Đơn đề nghị giải quyết tranh chấp.
5. Việc quyết toán các khoản chi phí được Cục Điều tiết điện lực thông báo cho các bên trước khi ra Quyết định giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp số tiền tạm ứng cao hơn chi phí thực tế thì Cục Điều tiết điện lực phải hoàn lại cho bên đã nộp số tiền còn dư. Trong trường hợp chi phí thực tế cao hơn số tiền tạm ứng thì các bên phải nộp bổ sung số tiền còn thiếu.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 01 năm 2011.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc thì tổ chức, cá nhân báo cáo Bộ Công Thương để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Thông tư 40/2010/TT-BCT quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp trên thị trường điện lực do Bộ Công thương ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 40/2010/TT-BCT quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp trên thị trường điện lực do Bộ Công thương ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Công thương |
Số hiệu | 40/2010/TT-BCT |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Hoàng Quốc Vượng |
Ngày ban hành | 2010-12-13 |
Ngày hiệu lực | 2011-01-27 |
Lĩnh vực | Thương mại |
Tình trạng | Còn hiệu lực |