BỘ Y TẾ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 14-BYT-TT | Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 1965 |
Kính gửi: | - Các Bộ, các ngành ở trung ương, |
Năm 1965 là năm kết thúc và phấn đấu để hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất làm cơ sở cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ hai. Do đó công tác bảo vệ lao động năm nay có một tầm quan trọng đặc biệt để góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất, đồng thời cải thiện một bước điều kiện lao động, điều kiện vệ sinh trong sản xuất, trong đời sống để nâng cao sức khỏe cho công nhân, viên chức.
Xuất phát từ yêu cầu vệ sinh phòng bệnh của quần chúng, của phong trào, trong những năm qua, một số nơi như: Ty Y tế Đường sắt, Hải Phòng, Hải Dương… các nhà máy xe lửa Gia tâm, cơ khí Hà Nội, nông trường Yên Mỹ Thanh Hóa, nông trường 19/5 Nghệ An… đã áp dụng phong trào xây dựng nhà tiên tiến vệ sinh của nhân dân vào cơ sở xí nghiệp, công, nông, lâm trường, cơ quan.
Qua phong trào này, một số nơi đã đạt được một số thành tích đáng kể về công tác vệ sinh trong lao động sản xuất, trong đời sống, đã chú ý cải thiện điều kiện làm việc, cải thiện sinh hoạt. Do đó đã giảm dần các tỷ lệ ốm đau và tai nạn lao động, tăng cường một bước cho sức khỏe cán bộ, công nhân. Phong trào này còn có tác dụng giáo dục, động viên quần chúng tự nguyện tham gia đã phát huy sáng kiến, khắc phục khó khăn để làm tốt công tác vệ sinh trong sản xuất, trong sinh hoạt nhằm thực hiện một nếp sống tươi vui lành mạnh.
Với đà tiến của phong trào, Bộ Y tế nhận thấy cần đẩy mạnh việc thi đua này thành phong trào thi đua xây dựng, tổ, đội, đơn vị tiên tiến về vệ sinh phòng bệnh rộng rãi trong các cơ sở xí nghiệp, công, nông, lâm trường, cơ quan nhằm mục đích:
- Làm cho các nhà ở tập thể, các gia đình cán bộ, công nhân, các khu vực công trình phúc lợi trong từng tổ, đội, đơn vị đảm bảo vệ sinh trật tự gọn gàng ngăn nắp và đẹp mắt;
- Tăng cường vệ sinh trong lao động, cải thiện điều kiện làm việc, tăng cường an toàn trong sản xuất làm cho tỷ lệ ốm đau và tai nạn lao động giảm dần, hạn chế các yếu tố độc hại trong lao động sản xuất và đề phòng các bệnh do nghề nghiệp gây ra;
- Nâng cao sức khỏe cho cán bộ, công nhân nhằm phục vụ tốt cho phong trào thi đua yêu nước với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai” góp phần vào việc tăng năng suất lao động để hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước.
Để chi tiêu thi đua đi dần vào cụ thể, để nội dung thi đua được thống nhất nhằm giúp cho địa phương, cho cơ sở tiến hành cuộc vận động được dễ dàng, thuận lợi và cũng để tiện việc theo dõi và chỉ đạo phong trào, Bộ Y tế đề ra một số chỉ tiêu dưới đây để địa phương nghiên cứu thực hiện.
I. Chỉ tiêu vệ sinh phòng bệnh tại khu vực sản xuất
Trong từng tổ, đội, phân xưởng, đơn vị phải thực hiện:
- Vệ sinh thường thức tốt, cần thực hiện tốt khẩu hiệu “làm đâu sạch đấy, đứng dậy sạch ngay”, hoặc “đến sạch về cũng sạch”;
- Vệ sinh trong lao động tốt chủ yếu là: chống nóng, chống mưa, nắng, chống hơi khí độc, chống bụi, đề phòng ánh sáng mạnh làm chói mắt, đảm bảo đủ ánh sáng trong sản xuất thi công, đảm bảo thoáng khí, cải thiện điều kiện làm việc nhằm giảm dần các yếu tố độc hại và đề phòng các bệnh do nghề nghiệp gây ra;
- Trật tự gọn gàng, ngăn nắp nơi làm việc, nơi sản xuất tốt, các dụng cụ máy móc, thành phẩm, phế phẩm, nguyên vật liệu… phải để đúng chỗ quy định;
- Có màng lưới vệ sinh viên đủ số lượng; được huấn luyện và thực sự hoạt động.
II. Chỉ tiêu vệ sinh phòng chóng tại khu vực sinh hoạt
1. Nhà ở:
- Vệ sinh thường thức tốt: Trong phòng ngủ, ngoài hành lang, các khu vực công cộng được phân công phụ trách vệ sinh, các gia đình cán bộ, công nhân trong từng tổ, đội, đơn vị phải đảm bảo thường xuyên sạch sẽ. Rác phải được thanh toán hàng ngày.
- Trật tự tốt: Các đồ dùng cá nhân, của tập thể phải để cho có trật tự, gọn gàng và ngăn nắp. Việc sắp xếp nên thống nhất một kiểu cho đẹp mắt.
2. Nhà ăn, nhà bếp:
- Nhà bếp nên sắp xếp và tổ chức theo kiểu một chiều. Có nội quy vệ sinh thực phẩm, có chế độ kiểm tra hàng ngày thực phẩm khi mua về, khi nấu và khi sắp ăn;
- Thực hiện tốt tiêu chuẩn nhà ăn 5 tốt là: ăn sạch, ăn ngon, ăn bổ, ăn rẻ tiền và ăn đủ tiêu chuẩn.
3. Nhà trẻ, mẫu giáo:
- Nhà trẻ, mẫu giáo phải đảm bảo vệ sinh, đủ ánh sáng, không ẩm ướt, không mùi hôi tanh. Có buồng cách ly và có phân công cán bộ y tế kiểm tra, đôn đốc trật tự vệ sinh và theo dõi sức khỏe các cháu hàng ngày;
- Có trang bị các dụng cụ cần thiết. Các đồ dùng cá nhân, của tập thể phải sạch sẽ và sắp xếp cho gọn gàng trật tự đẹp mắt và để đúng nơi quy định;
- Đảm bảo việc ăn uống, tắm giặt, đại tiểu tiện hợp vệ sinh cho các cháu.
4. Nhà tắm, nhà vệ sinh kinh nguyệt:
- Trong, ngoài nhà tắm, nhà vệ sinh kinh nguyệt phải đảm bảo sạch sẽ, không để rêu trơn, không có mùi hôi tanh, không có nước bẩn ứ đọng và cần có rãnh thoát nước tốt;
- Riêng nhà vệ sinh kinh nguyệt phải có nước vô trùng để làm vệ sinh khi có kinh. Có vòi hoặc gáo múc riêng để giặt khố, vận động chị em không dùng chung chậu.
5. Nhà xí:
- Những hố xí mới xây dựng nhất thiết phải xây dựng hố xí theo kiểu 2 ngăn đúng quy cách hợp vệ sinh (ủ phân tại chỗ) hố xí ngấm (kiểu Cao-bằng) hoặc hố xí máy tự hủy (nếu có điều kiện). Những nơi đã xây dựng hố xí thùng (hoặc hố xí cào lấy phân tươi) phải cải tạo để chuyển thành hố xí theo kiểu 2 ngăn đúng quy cách hợp vệ sinh (ủ phân tại chỗ) hoặc hố xí ngấm (kiểu Cao Bằng);
- Có phân công trực nhật, quét dọn hàng ngày, thường xuyên để gio, đất mùn, vôi bột và đốt giấy bẩn.
6. Hố tiểu:
- Có thùng, nồi, hoặc hố đựng nước tiểu. Nước tiểu không để chảy ra ngoài và không có mùi khai thối. Có phên hoặc tường che kín, có phân chia nơi đi tiểu nam, nữ riêng biệt và đường đi ra hố tiêu phải cao ráo, sạch sẽ, không lầy lội bẩn thỉu;
- Có phân công trực nhật làm vệ sinh hàng ngày.
7. Thùng rác, hố rác:
- Từng nhà, từng tổ, từng khu vực phải đủ thùng rác, hố rác kín, có nắp đậy. Rác không ứ đọng lâu trong thùng, không có rác vương vãi và ruồi nhặng tập trung sinh sản xung quanh. Các thùng rác, hố rác đều được thường xuyên sử dụng và bảo quản tốt.
8. Giếng nước, bể nước, thùng nước uống:
Nếu sử dụng giếng nước ăn phải đảm bảo:
- Nước trong và sạch, nếu đục phải có bể lọc hoặc đánh phèn, có gầy múc công cộng và có nơi quy định treo gầu;
- Xung quanh miệng giếng có xây thành, xây nền, có rãnh thoát nước, có hàng rào bảo vệ. Xa chuồng, phân, hố xí, chuồng gia suc tối thiểu 50 mét. Nếu giếng nước ăn ở sườn đồi dốc, các nhà vệ sinh, chuồng gia súc chỉ được xây dựng ở phía dưới giếng và xa tối thiểu 50m để đảm bảo nguồn nước được sạch, hợp vệ sinh.
Nếu sử dụng bể nước, thùng nước ăn phải đảm bảo:
- Có nắp đậy, có vòi hoặc gáo múc riêng, có chỗ quy định nơi treo gáo. Thùng nước, bể nước mỗi quý cọ rửa hai lần. Có rãnh thoát nước tốt và không có nước ứ động xung quanh bể hoặc thùng nước.
9. Câu lạc bộ, cầu thang gác, vườn hoa và các công trình phúc lợi công cộng khác:
- Phải đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn về vệ sinh trật tự như khu vực nhà ở;
- Tất cả các công trình phúc lợi tập thể đều được phân công cho từng tổ, đổi, phân xưởng quản lý về vệ sinh trật tự.
1. Phấn đấu giảm các tỷ lệ:
a) Giảm tỷ lệ người ốm nghỉ, ngày ốm nghỉ xuống 8% so với cùng thời kỳ năm trước;
b) Giảm tỷ lệ con ốm mẹ nghỉ xuống 5% so với cùng thời kỳ năm trước;
c) Giảm tỷ lệ sinh đẻ xuống dưới 13% so với tổng số nữ cán bộ, công nhân, viên chức.
2. Về cấp cứu phòng không:
- Có màng lưới cấp cứu đầy đủ từ trên xuống dưới, đảm bảo cấp cứu tốt khi xảy ra tai nạn lao động và khi cần cấp cứu phòng không;
- Huấn luyện vệ sinh viên thành cứu thương đủ số lượng, đảm bảo chất lượng và làm tốt cấp cứu tuyến 1. Mỗi cứu thương có một túi thuốc cấp cứu, một công nhân có một băng cá nhân (bằng hình chữ nhật 4 dải buộc và có đủ bông gạc và bột sulfamid);
- Các bệnh viện, bệnh xá có y bác sĩ phụ trách phải đảm bảo làm tốt nhiệm vụ của tuyến 2 và có thể cả tuyến 3 (do yêu cầu cụ thể của y tế địa phương);
- Có đủ hầm hố nơi làm việc, có công sự đảm bảo an toàn cho công nhân, bắt buộc phải có mặt khi cơ sở bị máy bay oanh tạc. Trường hợp không thể đào hầm ngay chỗ làm việc được phải đào giao thông hào ra tận hầm trú ẩn.
3. Tiêm chủng phòng dịch các loại đủ liều lượng, đúng ngày đã quy định của tỉnh và Bộ đạt tỷ lệ 100%. Không để phát sinh các bệnh dịch, nếu dịch xuất hiện phải bao vây và dập tắt không quá năm ngày.
4. Sổ sách, biểu đồ, thống kê y tế các loại đầy đủ, rõ ràng và chính xác, báo cáo thống kê tình hình lên cấp trên đúng ngày quy định.
BIỆN PHÁP TỔ CHỨC VÀ CHỈ ĐẠO PHONG TRÀO
Về tổ chức việc thực hiện:
Đối với cơ sở sản xuất, chính quyền chịu trách nhiệm đảm bảo vận dụng đầy đủ các chỉ tiêu thi đua này trong phong trào thi đua chung của đơn vị. Chính quyền cần phối hợp với công đoàn, lao động, thanh niên và y tế để vận động quần chúng thực hiện.
Cần bố trí sắp xếp chỗ ăn, ở riêng cho từng tổ, đội đơn vị sản xuất cho thích hợp để tiện việc theo dõi chấm điểm thi đua. Khi xét thành tích phải kết hợp chấm điểm từ chỗ ở của từng gia đình công nhân đến chỗ ở tập thể, các khu vực công cộng được phân công phụ trách vệ sinh trật tự đến khu vực sản xuất của tổ, đội, đơn vị đã đăng ký thi đua. Ở tỉnh, thành phố cũng cần có sự phối hợp công tác giữa các cơ quan, công đoàn, lao động, ban thể dục thể thao và y tế dưới sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính địa phương.
Về tổ chức học tập:
Cần tổ chức tốt việc học tập, tuyên truyền giáo dục cho quần chúng công nhân thấy rõ lợi ích của cuộc vận động này có liên hệ nhận thức về vệ sinh phòng bệnh, sau đó vận động các tổ, đội, đơn vị đăngk ý thực hiện chỉ tiêu thi đua.
Cần làm thí điểm ở một tổ, đội sản xuất, có đúc rút kinh nghiệm sau đó mới phát động thành phong trào thi đua rộng rãi trong toàn đơn vị.
Kiểm tra xác nhận phong trào:
- Cuối mỗi quý hoặc mỗi đợt phát động thi đua thực hiện chỉ tiêu vệ sinh phòng bệnh phải tổ chức đoàn tham quan giữa tổ này với tổ khác, giữa phân xưởng này với phân xưởng khác, giữa đơn vị này với đơn vị khác để quần chúng nhận xét, xác nhận thành tích, rút kinh nghiệm và học tập lẫn nhau.
- Ở tỉnh, thành phố cũng cần thành lập đoàn kiểm tra để xác nhận thành tích, đánh giá phong trào. Cần có tuyên dương, khen thưởng kịp thời những tổ, đội, đơn vị có thành tích trong việc thực hiện chỉ tiêu này.
Khen thưởng:
Các xí nghiệp, công, nông, lâm trường, cơ quan và cá nhân có thành tích trong công tác xây dựng tổ, đội, đơn vị tiên tiến về vệ sinh phòng bệnh sẽ được xét để khen thưởng.
Khi xét khen thưởng đơn vị hay cá nhân có thành tích trong lao động sản xuất, cơ quan có thẩm quyền phải đồng thời xét cả về mặt thành tích trong công tác vệ sinh phòng bệnh.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Trong quá trình thực hiện nếu có gặp khó khăn gì đề nghị phản ánh để Bộ Y tế nghiên cứu giải quyết.
| BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |
File gốc của Thông tư 14-BYT-TT-1965 quy định chỉ tiêu xây dựng tổ, đội, phân xưởng và đơn vị, xí nghiệp, công nông lâm trường, cơ quan tiên tiến về vệ sinh phòng bệnh do Bộ Y tế ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 14-BYT-TT-1965 quy định chỉ tiêu xây dựng tổ, đội, phân xưởng và đơn vị, xí nghiệp, công nông lâm trường, cơ quan tiên tiến về vệ sinh phòng bệnh do Bộ Y tế ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Y tế |
Số hiệu | 14-BYT-TT |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Phạm Ngọc Thạch |
Ngày ban hành | 1965-03-25 |
Ngày hiệu lực | 1965-03-25 |
Lĩnh vực | Y tế |
Tình trạng | Đã hủy |