VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 192/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2022 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ TÌNH TRẠNG THIẾU THUỐC, VẬT TƯ Y TẾ TẠI CÁC CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH VÀ TÌNH HÌNH NGHỈ VIỆC, THÔI VIỆC CỦA CÁN BỘ Y TẾ KHU VỰC CÔNG LẬP
Chiều ngày 23 tháng 6 năm 2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh và tình hình nghỉ việc, thôi việc của cán bộ y tế khu vực công lập. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ; Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Sau khi nghe báo cáo của đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp và của các Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:
Dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, công tác điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, bạn bè quốc tế, đặc biệt là sự nỗ lực của ngành y tế và các lực lượng tuyến đầu, đến nay, dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Tuy nhiên, trên phạm vi toàn cầu, dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, đòi hỏi chúng ta tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Ở trong nước, dịch bệnh sốt xuất huyết, chân tay miệng đang ở kỳ cao điểm; những căn bệnh nan y như tim mạch, huyết áp, ung thư, tiểu đường… vẫn luôn đe dọa sức khoẻ và tính mạng của Nhân dân. Trong khi đó, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đang xuất hiện tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh; nhiều cán bộ y tế trong khu vực công lập nghỉ việc. Đây là những vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân, cần được các ngành, các cấp và địa phương quan tâm, khẩn trương vào cuộc, kịp thời xử lý, khắc phục.
Thường trực Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ Y tế:
(i) Khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, chủ trương xã hội hóa, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế; chủ động ban hành các quy định, hướng dẫn theo thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ vướng mắc; dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ xem xét ban hành đối với những giải pháp vượt thẩm quyền;
(ii) Khẩn trương tổ chức thực hiện đấu thầu tập trung thuốc ở Trung ương, chỉ đạo các tỉnh, các cơ sở y tế khẩn trương tổ chức đấu thầu thuốc theo đúng quy định, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; nâng cao năng lực dự báo nhu cầu về thuốc, thiết bị và vật tư y tế để chủ động lên kế hoạch đầu tư, mua sắm;
(iii) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về dược; kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết liên quan đến việc cấp phép nhập khẩu, lưu hành thuốc;
(iv) Rà soát, hoàn thiện, ban hành mới quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí đối với thiết bị y tế; trên cơ sở đó, đẩy mạnh phân cấp hoạt động cấp phép đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mua sắm của tuyến dưới theo quy định;
(v) Hoàn thiện Danh mục các dự án thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực y tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 11 tháng 07 năm 2022;
(vi) Rà soát, cập nhật số cán bộ ngành y tế khu vực công nghỉ việc trong thời gian gần đây; trên cơ sở đó, đánh giá đúng tình hình, làm rõ nguyên nhân để kịp thời có giải pháp phù hợp; chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để làm tốt công tác thông tin, truyền thông về việc này;
(vii) Khẩn trương hoàn tất thủ tục, trình Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp;
(viii) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ để hướng dẫn việc tổ chức các trạm y tế theo quy mô dân số theo đúng Kết luận số 25-KL/TW ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Bộ Chính trị;
(ix) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng bảo hiểm y tế và khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế.
2. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với Bộ Y tế để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản theo thẩm quyền để quy định, hướng dẫn hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện đấu thầu thuốc tập trung theo quy định; các cơ sở y tế của địa phương thực hiện việc đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế theo thẩm quyền, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế.
3. Các bộ, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
(i) Khẩn trương thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế theo đúng quy định tại các Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021, số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020, số 106/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ;
(ii) Chú trọng, chủ động làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và phòng, chống dịch bệnh;
(iii) Quan tâm đầu tư, cải thiện điều kiện làm việc cho các cơ sở y tế, nâng cao năng lực cho y tế cơ sở nhằm cung cấp các dịch vụ y tế cơ sở có chất lượng, góp phần đảm bảo sự công bằng, hiệu quả trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân;
(iv) Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với thủ trưởng đơn vị nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
File gốc của Thông báo 192/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh và tình hình nghỉ việc, thôi việc của cán bộ y tế khu vực công lập đang được cập nhật.
Thông báo 192/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh và tình hình nghỉ việc, thôi việc của cán bộ y tế khu vực công lập
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Số hiệu | 192/TB-VPCP |
Loại văn bản | Thông báo |
Người ký | Nguyễn Sỹ Hiệp |
Ngày ban hành | 2022-06-29 |
Ngày hiệu lực | 2022-06-29 |
Lĩnh vực | Y tế |
Tình trạng |