BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1430/TB-BYT | Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2022 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN, CHỈ ĐẠO CỦA THỨ TRƯỞNG NGUYỄN THỊ LIÊN HƯƠNG TẠI CUỘC HỌP TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH VÀ CÔNG TÁC TIÊM CHỦNG PHÒNG COVID-19
Sáng ngày 20/10/2022, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch và công tác tiêm chủng phòng COVID-19 tại trụ sở Cơ quan Bộ Y tế và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cùng sự tham dự của Lãnh đạo các Vụ, Cục, Trung tâm thuộc Bộ Y tế, các Viện, Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và đại diện các bộ, ngành, các tổ chức liên quan. Về phía địa phương, có sự tham dự của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện và các báo đài Trung ương và địa phương.
Sau khi nghe các báo cáo về tình hình dịch bệnh, tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, dự thảo Phương án bảo đảm công tác y tế năm 2022 - 2023, ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự Hội nghị về tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19, các biện pháp đẩy nhanh tiêm chủng, cập nhật dữ liệu tiêm chủng; công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, cúm gia cầm lây sang người (A/H5), sốt xuất huyết, bệnh do vi rút Adeno, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương kết luận, chỉ đạo như sau:
Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cùng các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Dịch COVID-19 cơ bản vẫn được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước; đồng thời đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để kiểm soát tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm khác, tuy nhiên nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến thể gốc; tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp do đó các địa phương, đơn vị cần tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tiêm vắc xin phòng COVID-19 và truyền thông nâng cao ý thức người dân và cộng đồng.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế tiếp tục tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch:
1.1. Đối với dịch COVID-19
- Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là sắp tới thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho vi rút dịch bệnh lây lan, phát triển; tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch bệnh bùng phát.
- Đối với công tác tiêm chủng: (1) Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ cao; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra; tiếp tục rà soát số liệu tiêm chủng và thúc đẩy việc cập nhật dữ liệu tiêm chủng hàng ngày lên hệ thống Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19; (2) Thực hiện đúng, kịp thời công tác báo cáo tiêm chủng, một số địa phương còn báo cáo chậm như Hà Nội,…; (3) Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cán bộ đầu mối của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để giải quyết vấn đề bồi thường đối với các trường hợp phản ứng sau tiêm phòng COVID-19; (4) Tiếp tục rà soát số lượng vắc xin còn tồn, sắp hết hạn gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để hướng dẫn xử lý kịp thời.
1.2. Đối với dịch bệnh đậu mùa khỉ
- Đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giám sát, điều trị, điều tra dịch tễ đối với ca mắc đậu mùa khỉ thứ 2 và sớm có báo cáo về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ.
- Tăng cường thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.
1.3. Đối với bệnh cúm lây truyền từ gia cầm sang người (cúm A/H5)
- Tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp người nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm, xử lý sớm, triệt để ổ dịch tại các địa phương. Rà soát các hướng dẫn chuyên môn về giám sát, phòng chống cúm gia cầm trên người; xây dựng phương án phòng, chống dịch.
- Phối hợp với ngành thú y địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm trên gia cầm để có các biện pháp dự phòng lây sang người và chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đáp ứng; tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao.
1.4. Đối với bệnh do vi rút Adeno và các bệnh dịch nguy hiểm khác
Hiện nay, về cơ bản các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn các dịch bệnh mới nổi và dịch bệnh lưu hành đã được ban hành đầy đủ, các địa phương cần tiếp tục chủ động, tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
1.5. Đối với công tác truyền thông
Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo công thức “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”.
2. Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ
2.1. Cục Y tế dự phòng
- Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ, cúm A(H5) và các bệnh truyền nhiễm khác; chủ động có các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên địa bàn và ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu với các dịch bệnh mới; tăng cường chỉ đạo giám sát, sàng lọc phát hiện sớm các ca mắc bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị; triển khai xử lý các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.
- Khẩn trương xây dựng Báo cáo tình hình một số bệnh truyền nhiễm 10 tháng năm 2022 và kết quả các hoạt động đã triển khai, trình Thủ tướng Chính phủ.
- Phối hợp với Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường giám sát chủ động trên gia cầm, đặc biệt là các địa phương có nguy cơ cao; chỉ đạo tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường.
- Phối hợp với Vụ Pháp chế sớm trình Lãnh đạo Bộ ký, ban hành Quyết định bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
- Muộn nhất thứ Hai hàng tuần, trình Lãnh đạo Bộ ký, ban hành Giấy mời họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về tăng cường công tác phòng, chống dịch và tiêm vắc xin phòng COVID-19 nếu thay đổi lịch họp định kỳ (định kỳ họp thứ Tư hàng tuần).
2.2. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; chỉ đạo, giám sát thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo và tuân thủ các biện pháp dự phòng lây nhiễm bệnh, không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2.3. Cục Công nghệ thông tin tiếp tục phối hợp với Bộ Công an thúc đẩy triển khai Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 và “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng.
2.4. Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm mới nổi; đẩy mạnh thông tin về tiêm vắc xin phòng COVID-19.
2.5. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur
- Tiếp tục tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống bệnh; tập trung tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.
- Tiếp tục củng cố năng lực xét nghiệm chẩn đoán, xác định bệnh tại các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, các cơ sở y tế có năng lực. Tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rà soát, cập nhật thông tin về tác nhân gây bệnh, chuẩn bị các trang thiết bị xét nghiệm, sinh phẩm phục vụ chẩn đoán bệnh.
- Nghiêm túc tham gia đầy đủ và đúng thời gian các cuộc họp do Bộ Y tế tổ chức, chấn chỉnh công tác văn thư tại đơn vị để thông tin kịp thời tới Lãnh đạo đơn vị.
Văn phòng Bộ trân trọng thông báo để các Đơn vị biết, triển khai thực hiện./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Thông báo 1430/TB-BYT của Bộ Y tế về kết luận, chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch và công tác tiêm chủng phòng COVID-19 đang được cập nhật.
Thông báo 1430/TB-BYT của Bộ Y tế về kết luận, chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch và công tác tiêm chủng phòng COVID-19
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Y Tế |
Số hiệu | 1430/TB-BYT |
Loại văn bản | Thông báo |
Người ký | Vũ Thị Kim Anh |
Ngày ban hành | 2022-10-25 |
Ngày hiệu lực | 2022-10-25 |
Lĩnh vực | Y tế |
Tình trạng |