BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1085/TB-BYT | Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2022 |
Sáng ngày 02/8/2022, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh với 63 tỉnh, thành phố do Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế; Lãnh đạo các Vụ, Cục, Viện, Bệnh viện thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; đại diện các Bộ, ngành: Cục Y tế (Bộ Công an), Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng; đại diện các tổ chức quốc tế: Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF). Tại điểm cầu các tỉnh, thành phố có sự tham dự của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện, các Sở, ngành liên quan; các báo đài Trung ương và địa phương.
Sau khi nghe báo cáo của Cục Y tế dự phòng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp đã triển khai, tồn tại, khó khăn và đề xuất giải pháp; báo cáo của Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia về tình hình tiêm vắc xin phòng COVID-19, tồn tại, khó khăn, đề xuất các giải pháp; báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh về triển khai hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ và tăng cường công tác điều trị sốt xuất huyết, tay chân miệng; báo cáo của Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng về công tác truyền thông phòng, chống dịch và truyền thông công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19; các ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự Hội nghị; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan kết luận, chỉ đạo như sau:
1. Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cùng các cấp, các ngành, các địa phương đã rất nỗ lực, quyết tâm, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Dịch COVID-19 cơ bản vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước; đã tiêm được trên 246 triệu liều vắc xin phòng COVID-19; triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để kiểm soát tình hình các dịch bệnh lưu hành như: Cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng và bệnh dịch mới nổi như đậu mùa khỉ.
2. Bộ Y tế ghi nhận, đánh giá cao và tri ân sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm của toàn Ngành, từ Trung ương đến địa phương nhất là các lực lượng phòng, chống dịch tuyến đầu; các cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở; các y bác sỹ, nhân viên y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh và sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng xã hội và người dân đã luôn quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và góp phần tạo nên các thành quả trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua.
3. Hiện nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến rất phức tạp trên thế giới và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta như bệnh đậu mùa khỉ . Trong nước, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong nước như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm… đang trong mùa cao điểm bùng phát dịch. Do đó, tiếp tục quán triệt mục tiêu đặt tính mạng của người dân lên trên hết trước hết để chủ động kiểm soát dịch bệnh với tinh thần và giải pháp là “Sớm hơn một bước, cao hơn một mức”, không để xảy ra dịch chồng dịch, góp phần tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quan tâm tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung sau:
- Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động, quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh; rà soát các văn bản đã ban hành để tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
- Chỉ đạo tổ chức hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, các công điện của Thủ tướng Chính phủ về tiêm vắc xin và phòng, chống dịch bệnh; chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động. Quán triệt và thực hiện nghiêm giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo công thức “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác” với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị.
- Tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, hoàn thành tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng và không để vắc xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí.
- Chỉ đạo theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết số 128-NQ/CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong; phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur lấy mẫu, giải trình tự gen, phát hiện sớm các biến thể mới của SARS-CoV-2.
- Chủ động có các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên địa bàn và ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu với các dịch bệnh mới nổi; tăng cường giám sát, sàng lọc, phát hiện sớm các ca mắc bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị; xử lý các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng; thực hiện quyết liệt các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy.
- Chỉ đạo các cơ sở điều trị thực hiện tốt việc phân tuyến, phân luồng khám, sàng lọc bệnh; đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao như: Phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính, người già và trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
- Chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tác dụng, hiệu quả của vắc xin trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong để khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; triển khai Chiến dịch “Bảo vệ người có nguy cơ cao trong dịch COVID-19” và phối hợp với ngành Giáo dục phát động chiến dịch “Vui trung thu và tựu trường an toàn”.
- Huy động các ban ngành, đoàn thể và người dân tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống dịch; kêu gọi mọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để kiểm tra, phát hiện và xử lý triệt để ổ lăng quăng, bọ gậy trong và ngoài nhà.
- Chỉ đạo các đơn vị bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân và đảm bảo các chế độ, chính sách cho lực lượng phòng, chống dịch, nhất là cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở, cán bộ y tế tại các cơ sở điều trị.
- Các địa phương chủ động tham mưu, trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt các nội dung chi đặc thù cho công tác phòng, chống dịch theo quy định.
3.2. Đối với các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế
- Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm khác. Thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống dịch.
- Kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn, tăng cường tập huấn và hỗ trợ địa phương trong phòng, chống dịch, đặc biệt là tiêm vắc xin.
- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định, chính sách về công tác tài chính, hậu cần và chế độ chính sách phục vụ công tác phòng, chống dịch để kịp thời trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Phối hợp với các địa phương rà soát thực trạng nguồn nhân lực của y tế cơ sở, y tế dự phòng để kịp thời có phương án bổ sung, đào tạo, tập huấn cán bộ kịp thời; không để tình trạng thiếu cán bộ làm việc, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
- Tiếp tục tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt chú ý đối với nhóm nguy cơ cao, hạn chế thấp nhất các ca tử vong; thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tuyến dưới.
- Phối hợp với các tổ chức, chuyên gia trong nước, quốc tế theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh; kịp thời đề xuất các hoạt động phòng, chống dịch phù hợp và huy động sự hỗ trợ, viện trợ của các tổ chức quốc tế.
- Rà soát và xây dựng chiến lược truyền thông theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới; tăng cường các kênh truyền thông chính thống để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời tới người dân và phản biện các thông tin sai lệch; hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch, thông điệp truyền thông phù hợp với bối cảnh và đặc điểm của từng địa phương.
- Đề nghị các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đảm bảo kinh phí, nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và kịp thời xử lý các vướng mắc, tồn tại liên quan tới công tác phòng, chống dịch.
Văn phòng Bộ Y tế trân trọng thông báo để các Đơn vị biết và thực hiện./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Thông báo 1085/TB-BYT của Bộ Y tế về kết luận của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại Hội nghị trực tuyến về tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh đang được cập nhật.
Thông báo 1085/TB-BYT của Bộ Y tế về kết luận của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại Hội nghị trực tuyến về tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Y Tế |
Số hiệu | 1085/TB-BYT |
Loại văn bản | Thông báo |
Người ký | Vũ Thị Kim Anh |
Ngày ban hành | 2022-08-23 |
Ngày hiệu lực | 2022-08-23 |
Lĩnh vực | Y tế |
Tình trạng |