TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 920/LĐLĐ-TG | TP. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 9 năm 2022 |
Kính gửi: | - Liên đoàn Lao động Quận, Huyện; |
Thực hiện Công văn số 4897/TLĐ-QHLĐ ngày 07 tháng 9 năm 2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; Công văn số 1990-CV/BTGTU ngày 09 tháng 9 năm 2022 của Ban Tuyên giáo Thành ủy về việc tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố.
Trong nước, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng gia tăng; nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của vi rút với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; xuất hiện nhiều bệnh dịch như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng... Việt Nam đã tăng nhanh tỷ lệ bao phủ vắc xin, song tại một số nơi, việc tiêm vắc xin chưa đảm bảo yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm, nhất là tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên còn thấp.
Để góp phần bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang có nguy cơ gia tăng, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các cấp Công đoàn Thành phố, các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai, thực hiện một số nội dung sau đây:
1. Tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn tuyên truyền, vận động đoàn viên công đoàn, người lao động tích cực tham gia đầy đủ việc tiêm vắc xin mũi cơ bản, mũi nhắc lại theo yêu cầu của chính quyền địa phương. Tuyên truyền để doanh nghiệp tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho công nhân lao động, tạo điều kiện cho người lao động đi tiêm chủng tại địa phương, nơi cư trú. Thực hiện công tác tuyên truyền, kêu gọi đoàn viên công đoàn, người lao động thực hiện tốt thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác của Bộ Y tế để chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
2. Chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng các kịch bản sẵn sàng ứng phó, xử lý cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại.
3. Tuyên truyền, quán triệt tư tưởng “Kiên trì, kiên định, kiên quyết kiểm soát dịch Covid-19 với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để thúc đẩy hồi phục kinh tế nhanh và phát triển bền vững”; “đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết để hành động”; “phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng bệnh từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở”; “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để vận động; tiêm vắc xin cũng như phòng, chống dịch Covid-19.
4. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của các cấp công đoàn, của đoàn viên công đoàn, người lao động trong phòng, chống dịch; làm rõ, nêu bật những kết quả đã đạt được; biểu dương tinh thần đoàn kết, giữ vững bản lĩnh, vượt qua khó khăn, thách thức, biến nguy thành cơ của các cấp công đoàn, đoàn viên công đoàn và người lao động; lan tỏa các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những tấm gương hy sinh, cống hiến vì tính mạng, sức khỏe người dân; tuyên truyền phát huy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên công đoàn và người lao động, doanh nghiệp cùng tham gia phòng, chống dịch phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên công đoàn trong triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19.
5. Tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng của đoàn viên công đoàn, người lao động trước diễn biến mới của tình hình dịch bệnh; vận động cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động tích cực chung tay phòng, chống dịch, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc để đẩy lùi dịch bệnh, quyết tâm không để dịch bùng phát trở lại. Trên cơ sở kinh nghiệm công tác tuyên truyền phòng, chống dịch thời gian qua, phát huy những kết quả đạt được, áp dụng những mô hình tuyên truyền hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên công đoàn và người lao động vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chung sức đồng lòng, nêu cao quyết tâm chiến thắng đại dịch; tiếp tục chỉ đạo CĐCS đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy vai trò lực lượng đoàn viên, người lao động tích cực tiêm vắc xin; tổ chức các đội hình tình nguyện tham gia hỗ trợ các lực lượng chức năng trong việc tiêm vắc xin cho người dân.
6. Chỉ đạo Ban Biên tập trang thông tin điện tử, nhóm zalo, viber... kịp thời thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, nhất là nguy cơ do các biến thể mới gây ra, các biện pháp phòng, chống dịch để đoàn viên công đoàn, người lao động thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, tích cực tiêm vắc xin phòng Covid-19 để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các cấp Công đoàn, các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các nội dung trên. Kịp thời báo cáo tình hình triển khai, thực hiện về Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh để tổng hợp báo cáo về Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Trân trọng./.
| TM. BAN THƯỜNG VỤ |
File gốc của Công văn 920/LĐLĐ-TG của Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh về việc đẩy mạnh triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang được cập nhật.
Công văn 920/LĐLĐ-TG của Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh về việc đẩy mạnh triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh |
Số hiệu | 920/LĐLĐ-TG |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Phạm Chí Tâm |
Ngày ban hành | 2022-09-15 |
Ngày hiệu lực | 2022-09-15 |
Lĩnh vực | Y tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |