UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/1999/QĐ-UB | Hoà Bình, ngày 14 tháng 5 năm 1999 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN MIỀN NÚI VÀ VÙNG SÂU, VÙNG XA TỈNH HOÀ BÌNH (CHƯƠNG TRÌNH 135)
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HOÀ BÌNH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;
- Căn cứ Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa;
- Căn cứ Thông tư Liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Uỷ ban Dân tộc và Miền núi - Tài chính - Xây dựng số 416/1999TTLB/BKH-UBDTMN-TC-XD ngày 29-4-1999 hướng dẫn quản lý đầu tư và xây dựng công trình hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa;
Xét đề nghị của Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 135 tỉnh Hoà Bình.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, điều hành Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa tỉnh Hoà Bình (Chương trình 135).
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Điều 3: Các ông Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 135 tỉnh, Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính - Vật giá, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng; Chi cục Trưởng Chi cục Định canh định cư và vùng kinh tế mới và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện Mai Châu, Đà Bắc chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | T/M UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HOÀ BÌNH |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN MIỀN NÚI VÀ VÙNG SÂU, VÙNG XA TỈNH HOÀ BÌNH (CHƯƠNG TRÌNH 135)
(Kèm theo Quyết định số 37/1999/QĐ- UB ngày 14 tháng 5 năm 1999 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa được thực hiện theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 135)
Điều 2: Phạm vi, thời gian thực hiện chương trình:
- Phạm vi chương trình: Chương trình được thực hiện trên địa bàn 24 xã khu vực III thuộc 2 huyện Mai Châu và Đà Bắc theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Chính phủ:
+ Mai Châu gồm 8 xã: Noong Luông, Pù Bin, Cun Pheo, Tân Mai, Phúc Sạn, Pà Cò, Hang Kia và Ba Khan.
+ Đà Bắc gồm 16 xã: Đồng Nghê, Suối Nánh, Đồng Chum, Đoàn Kết, Trung Thành, Giáp Đắt, Yên Hoà, Tân Dân, Tân Pheo, Tân Minh, Hiền Lương, Đồng Ruộng, Tiền Phong, Cao Sơn, Vầy Nưa và Mường Tuổng.
- Thời gian thực hiện chương trình: Từ năm 1999 -2005 .
Điều 3: Nhiệm vụ của chương trình:
- Quy hoạch lại dân cư ở những nơi cần thiết .
- Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; Nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.
- Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phù hợp với quy hoạch sản xuất và bố trí lại dân cư, bao gồm:
+ Công trình cấp nuớc sinh hoạt: xây dựng một số điểm cấp nước tập trung.
+ Công trình thuỷ lợi: XD công trình tưới tiêu trong phạm vi xã.
+ Đường giao thông: đường từ trung tâm cụm xã hoặc từ đường trục chính đến xã, đường liên thôn, liên bản.
+ Công trình trường học.
+ Trạm y tế.
+ Công trình điện: hỗ trợ đầu tư phần hạ thế đưa điện về hộ gia đình ( kể cả xây dựng thuỷ điện nhỏ).
- Quy hoạch và xây dựng các trung tâm cụm xã .
- Đào tạo cán bộ xã, bản: nâng cao trình độ quản lý hành chính và kinh tế của cán bộ cơ sở phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Bồi dưỡng và tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người nghèo, hướng dẫn người nghèo cách làm ăn.
Điều 4: Nguyên tắc đầu tư:
- Vốn đầu tư của chương trình tập trung cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở xã. Công trình xây dựng ở xã phải do nhân dân trong xã dân chủ bàn bạc, đề xuất và được Hội đồng nhân dân xã thông qua. Thực hiện lồng ghép các chương trình, các dự án khác trên địa bàn xã.
- Nhà nước hỗ trợ vốn và kỹ thuật kết hợp với lao động của nhân dân địa phương để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu. Vốn đầu tư cho công trình phải công khai cho dân biết và phải ưu tiên lao động trong xã thực hiện nhằm gắn trách nhiệm, quyền lợi của người dân với công trình được đầu tư tại xã, giải quyết việc làm và tăng thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo.
Điều 5: Cơ chế quản lý cấp phát và sử dụng vốn của Chương trình 135 thực hiện theo hướng dẫn của liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, Tài chính, Xây dựng tại Thông tư số 416/1999TTLB/BKH-UBDTMN-TC-XD ngày 29-4-1999 và các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành.
Chương II
TỔ CHỨC QUẢN LÝ ĐIỀU HÀNH CHƯƠNG TRÌNH
Điều 6: Việc chỉ đạo thực hiện Chương trình 135 ở tỉnh được giao cho Ban chỉ đạo xoá đói giảm nghèo tỉnh đảm nhiệm theo Quyết định số 06/1999/QĐ-UB ngày 12 tháng 2 năm 1999 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Điều 7: Chi cục định canh định cư và vùng kinh tế mới là cơ quan Thường trực Chương trình 135 của tỉnh .
Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo có nhiệm vụ:
+ Hướng dẫn xây dựng kế hoạch hằng năm và tổng hợp để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh và Ban chỉ đạo Chương trình 135 Trung ương theo quy định.
+ Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, Ngành và các Địa phương chỉ đạo thực hiện kế hoạch được giao.
+ Chủ trì tổ chức các lớp tập huấn thuộc dự án đào tạo nâng cao năng lực cán bộ xoá đói giảm nghèo và cán bộ các xã nghèo đặc biệt khó khăn .
+ Phối hợp với Trung tâm khuyến nông khuyến lâm của tỉnh mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nghèo, hướng dẫn người nghèo cách làm ăn .
+ Tổng hợp báo cáo định kỳ, báo cáo năm về thực hiện kế hoạch của Chương trình báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Ban chỉ đạo chương trình 135 Trung ương .
+ Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá, Kho bạc Nhà nước tỉnh thẩm tra và tổng hợp quyết toán các công trình hoàn thành, quyết toán năm và khi kết thúc dự án của các Chủ đầu tư dự án, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xét duyệt và báo cáo Ban chỉ đạo Chương trình 135 Trung ương theo quy định.
Điều 8: Các thành viên Ban chỉ đạo có nhiệm vụ:
1- Sở Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan (là thành viên của Ban chỉ đạo) đề xuất việc lồng ghép các chương trình, các dự án khác đầu tư trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn.
2- Sở Tài chính - Vật giá, căn cứ Thông tư số 47/1999/TT-BTC ngày 05-5-1999 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn chi tiết về quản lý, cấp phát vốn đầu tư cho dự án hạ tầng cơ sở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, xa" tổ chức hướng dẫn các chủ đầu tư dự án thực hiện.
3- Kho bạc Nhà nước tỉnh, chủ trì phối hợp cùng với Sở kế hoạch và Đầu tư, Chi cục định canh định cư và vùng kinh tế mới hướng dẫn, kiểm tra việc cấp phát, sử dụng kinh phí và thanh quyết toán nguồn vốn do Trung ương cấp.
4- Sở Xây dựng chịu trách nhiệm hướng dẫn các chủ đầu tư dự án trình tự thủ tục thực hiện các dự án, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình 135.
5- Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trong ngành hướng dẫn nhân dân cách làm ăn, đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp gắn với sản xuất hàng hoá, ổn định định canh định cư.
6- Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tỉnh Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Tỉnh đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ chí Minh tham gia chỉ đạo thực hiện Chương trình 135 theo chức năng, nhiệm vụ cuả mình.
Điều 9: Mỗi huyện (Đà Bắc , Mai Châu ) là 1 Dự án của Chương trình 135. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện là chủ đầu tư dự án.
Giúp chủ đầu tư dự án điều hành, quản lý thực hiện Dự án, gồm có:
- Ban chỉ đạo xoá đói, giảm nghèo huyện: Chỉ đạo chung.
- Ban quản lý dự án xây dựng cơ bản huyện (bổ sung một thành viên là cán bộ của Ban định canh định cư và Phát triển vùng kinh tế mới huyện): thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý dự án, chịu trách nhiệm giúp chủ đầu tư dự án tổ chức, quản lý thực hiện công tác xây dựng cơ bản; Nghiệm thu, thanh quyết toán các công trình.
- Ban Định canh định cư và Phát triển vùng kinh tế mới huyện: Chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các nội dung về quy hoạch, kế hoạch sản xuất nông lâm nghiệp và tổng hợp chung.
Điều 10: Mỗi xã thuộc Chương trình 135 là một dự án thành phần. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã dự án thành phần là thành viên Ban quản lý dự án, chịu trách nhiêm chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các công trình trên địa bàn xã và đôn đốc huy động lao động để thực hiện những công việc do xã đảm nhận.
Điều 11: Kiểm tra và giám sát quá trình thực hiện:
Mỗi xã thực hiện Chương trình 135 thành lập Ban giám sát công trình (do UBND huyện Quyết định). Ban có 1 Trưởng ban và 4 uỷ viên là đại diện: Mặt trận tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên. Chức năng, nhiệm vụ của Ban giám sát do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện quy định.
Điều 12: Về xây dựng dự án:
Việc xây dựng dự án Quy hoạch cơ sở hạ tầng xã đặc biệt khó khăn của huyện (không xây dựng dự án của từng xã) theo hướng dẫn của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi ( Công văn số 430/UBDTMN-BTK ngày 29-4-1999) và hoàn thành trong năm 1999 để làm cơ sở cho kế hoạch đầu tư năm 2000 và những năm tiếp theo.
Trình tự lập, thẩm định và trình duyệt theo quy định tại Thông tư liên Bộ số 416/1999TTLB/BKH-UBDTMN-TC-XD ngày 29-4-1999.
Điều 13: Cơ chế kế hoạch hoá chương trình:
1-Việc lồng ghép đầu tư với các Chương trình khác trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135) phải đảm bảo yêu cầu:
+ Không đầu tư nhiều nguồn vốn cho cùng một danh mục công trình .
+ Tập trung được nguồn lực trên địa bàn đầu tư. Kết hợp với nguồn lực tại chỗ của địa phương để tăng thêm hiệu quả hoạt động của các Chương trình.
2-Xây dựng và tổng hợp kế hoạch:
+ Kế hoạch chương trình 135 được ghi thành một khoản mục riêng trong kế hoạch của tỉnh, huyện, xã.
+ Hàng năm căn cứ vào hướng dẫn lập kế hoạch của cấp trên và căn cứ vào dự án quy hoạch cơ sở hạ tầng xã đặc biệt khó khăn được duyệt, kế hoạch Chương trình 135 phải được tiến hành từ xã, được nhân dân trong xã dân chủ tham gia thông qua Hội đồng nhân dân xã lựa chọn các công trình để thực hiện đầu tư, Uỷ ban nhân dân xã báo cáo lên Uỷ ban nhân dân huyện tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh( đồng thời gửi cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo tổng hợp) để trình các Bộ, Ngành Trung ương.
+ Bố trí vốn đầu tư để thi công dứt điểm các công trình trong 1 năm (Kéo dài nhất cũng chỉ đến 2 năm đối với những công trình có kỹ thuật phức tạp, điều kiện thi công khó khăn, vốn đầu tư lớn).
3-Giao kế hoạch:
Uỷ ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch Chương trình 135 cho Uỷ ban nhân dân huyện (chủ đầu tư dự án). Trong đó xác định rõ danh mục từng công trình trên địa bàn từng xã .
4-Thực hiện kế hoạch năm:
Căn cứ vào Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ đầu tư dự án tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư các công trình theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng. Thực hiện công tác kiểm tra giám sát thường xuyên để đảm bảo chất lượng, kỹ thuật công trình.
Chủ đầu tư dự án, Trưởng ban quản lý dự án, đơn vị thi công, đơn vị thiết kế và đại diện Ban Giám sát của xã tổ chức nghiệm thu khi công trình hoàn thành.
Công trình xây dựng hoàn thành, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng phải có xác nhận của Ban giám sát xã, Chi cục Định canh định cư và vùng kinh tế mới.
5-Báo cáo thực hiện kế hoạch:
Theo định kỳ hàng quý và cả năm, Chủ đầu tư dự án phải có báo cáo về cơ quan Thường trực Chương trình 135 của tỉnh tình hình thực hiện kế hoạch, trong đó xác định rõ kết quả đạt đựơc, tiến độ thực hiện, những vấn đề tồn tại và đề xuất giải pháp giải quyết. Cơ quan Thường trực Chương trình 135 chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 135, Uỷ ban nhân dân tỉnh đồng thời phối hợp với các Sở, Ban, Ngành để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền. Những vấn đề vượt quá quyền hạn sẽ trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định .
Điều 14: Chi cục định canh định cư và vùng kinh tế mới (cơ quan Thường trực Chương trình 135) sử dụng bộ máy và con dấu của Chi cục để phục vụ cho hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình 135 của tỉnh .
Điều 15: Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình 135:
- Ở tỉnh: hàng năm cơ quan Thường trực Chương trình 135 tỉnh lập dự toán chi qua Sở Tài chính - Vật giá thẩm định, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt trong ngân sách tỉnh.
- Ở huyện: hàng năm Ban quản lý dự án huyện lập dự toán chi, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện phê duyệt trong ngân sách huyện.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16: Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình 135 của tỉnh tổng hợp, đề xuất những nội dung cần bổ sung, sửa đổi trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
File gốc của Quyết định 37/1999/QĐ-UB về quy chế quản lý, điều hành chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu vùng xa chương trình 135 do tỉnh Hòa Bình ban hành đang được cập nhật.
Quyết định 37/1999/QĐ-UB về quy chế quản lý, điều hành chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu vùng xa chương trình 135 do tỉnh Hòa Bình ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hòa Bình |
Số hiệu | 37/1999/QĐ-UB |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Nguyễn Xuân Thu |
Ngày ban hành | 1999-05-14 |
Ngày hiệu lực | 1999-05-14 |
Lĩnh vực | Văn hóa |
Tình trạng | Đã hủy |