ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3675/CV-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 12 năm 1985 |
BẢN HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 156/QĐ-UB NGÀY 11-7-1985 CỦA UBND THÀNH PHỐ VỀ QUY ĐỊNH GỌI THANH NIÊN ĐI LÀM NHIỆM VỤ XÂY DỰNG KINH TẾ - QUỐC PHÒNG CỦA THÀNH PHỐ
UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 156/QĐ-UB ngày 11-7-1985 kèm theo “Quy định về việc gọi thanh niên đi làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng của Thành phố”.
Để thi hành Quyết định 156/QĐ-UB được thống nhất và thuận lợi, sau khi họp bàn thống nhất với các ngành: Lao động, Thanh niên xung phong, Công an, Thành đoàn thanh niên cộng sản, Bộ chỉ huy quân sự thành phố và Văn phòng UBND Thành phố, Thường trực UBND Thành phố hướng dẫn thêm một số điểm cụ thể sau đây:
I- ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN LAO ĐỘNG:
- Nói chung là những thanh niên chưa đủ các điều kiện để gọi nhập ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, và chưa có việc làm ổn định.
Riêng đối với nữ thanh niên, chủ yếu là vận động tình nguyện, tuyệt đối tránh hiện tượng gò ép bằng bất cứ hình thức nào.
Ngoài ra, theo điều 9 của bản quy định, mặc dù không thuộc phạm vi áp dụng của bản quy định này, nhưng cũng là đối tượng tập trung lao động bắt buộc và do Lực lượng Thanh niên xung phong tiếp nhận và quản lý. Đó là những thanh niên trốn đăng ký, trốn khám sức khỏe, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và những người đào ngũ không còn đủ điều kiện trở lại, phục vụ trong quân đội, không thuộc diện xét thi hành kỷ luật rồi cho về địa phương nhưng cũng chưa đến mức phải đưa ra truy tố trước pháp luật.
2. Thời gian lao động: như điểm 2 điều 1 và có mở rộng thêm một số điểm cụ thể sau đây:
a) Nếu trong thời gian công tác được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật thì có thể kéo dài niên hạn phục vụ thêm một năm.
b) Nếu trong thời gian công tác mà bị kỷ luật hoặc đào ngũ thì thời gian chịu kỷ luật và thời gian đào ngũ không được tính là thời gian công tác nghĩa vụ liên tục mà phải chịu phục vụ thêm một thời gian bằng thời gian chịu kỹ luật và thời gian đào ngũ.
II- VỀ CHẾ ĐỘ HOÃN ĐI LÀM NGHĨA VỤ KINH TẾ - QUỐC PHÒNG (như điều 3, 4 phần III)
1. Việc hoãn đi làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng được áp dụng trước hết đối với những người được hoãn gọi nhập ngũ và miễn làm nghĩa vụ quân sự theo điều 29 và 30 của Luật nghĩa vụ quân sự.
2. Các học sinh, sinh viên đại học, trung học chuyên nghiệp đã tốt nghiệp nhưng còn trong thời gian chờ quyết định phân công, hoặc vì lý do nào đó chưa bố trí được nơi công tác.
3. Các học sinh đang học tại các trường turng học phổ thông, các trường lớp bên cạnh xí nghiệp hoặc các trường lớp dạy nghề của chánh quyền địa phương tổ chức đào tạo và đã có kế hoạch phân bố học sinh trên sau khi đào tạo xong vào các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước hoặc của địa phương (vấn đề này phải được xem xét kỹ khi tuyển để tránh hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra).
4. Cách thức và thẩm quyền chứng nhận những người có việc làm ổn định:
- Đối với thanh niên thuộc khu vực Nhà nước, công tư hợp doanh, thì Thủ trưởng cơ quan hoặc Ban giám đốc cấp giấy chứng nhận.
- Đối với thanh niên đang làm trong các tổ hợp sản xuất tiểu thủ công nghiệp thì Thủ trưởng Phòng Liên hiệp xã – tiểu, thủ công nghiệp hoặc Phòng công nghiệp quận huyện chứng nhận.
- Đối với thanh niên đang làm trong các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp thì Phòng (Ban) nông nghiệp quận huyện chứng nhận.
- Riêng những người là lao động chính duy nhất phải trực tiếp nuôi sống các người khác trong gia đình không còn sức lao động hoặc chưa đến tuổi lao động mà không có nơi nương tựa thì Phường Xã cần xác minh và chứng nhận rõ ràng để cấp Quận Huyện xét duyệt quyết định (nếu đương sự đang làm việc ở khu vực cá thể, tập thể thì cần xét kỹ về tư cách, nghề nghiệp đang làm của người đó).
Hàng năm, những người trong diện hoãn nêu trên phải được xem xét lại, nếu không còn lý do để hoãn nữa thì được gọi đi làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng.
III- NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN LỢI.
1. Nhiệm vụ: như điều 5 phần III, riêng điểm 3 điều 5, quy định cụ thể thêm là trong thời gian 3 năm lao động thì thời gian huấn luyện quân sự phổ thông sẽ từ 6 tháng đến 9 tháng. Chương trình, nội dung và cán bộ huấn luyện do Bộ Chỉ huy quân sự thành phố chuẩn bị cung cấp trên cơ sở phối hợp với lực lượng thanh niên xung phong thành phố và Liên đội thanh niên xung phong các quận, huyện để tổ chức thực hiện.
2. Quyền lợi:
a) Thời hạn tại ngũ:
- Những thanh niên đi làm nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng không phải thuộc diện bắt buộc lao động theo quyết định 191-CT thì trong thời gian lao động sẽ được hưởng các chế độ, chính sách đối với lực lượng thanh niên xung phong (ban hành theo Quyết định số 122/QĐ-UB ngày 09-10-1980 của UBND Thành phố và Quyết định số 172/QĐ-UB ngày 26-7-1985 của UBND Thành phố về việc ban hành quy định tạm thời về một số cán bộ, công nhân và thanh niên xung phong của thành phố được điều động đến công tác lâu dài ở huyện Duyên Hải và khu kinh tế Nam Tây Nguyên.
Trong thời gian tại ngũ ít nhất một năm, nếu tình nguyện phục vụ lâu dài trong các đơn vị thanh niên xung phong thì được xét thu nhận, nếu có đủ điều kiện và được đưa vào biên chế Nhà nước, được bố trí, hoặc đưa đào tạo chuyên môn kỹ thuật phù hợp với trình độ và năng lực từng người. Hoặc nếu xin ra lập nghiệp tại các nông lâm trường thì được chuyển sang làm công nhân và được hưởng mọi chế độ chính sách như gia đình đi xây dựng kinh tế mới theo quy định hiện hành của Nhà nước.
b) Những thanh niên chống lệnh gọi, hoặc đào ngũ hay vi phạm kỷ luật trong thời gian phục vụ: Sau thời gian vận động giáo dục của đơn vị và địa phương mà vẫn không trở lại đơn vị hoặc bị xét trả về địa phương thì phải chịu xử lý theo các hình thức kỷ luật như điểm 2, điều 6 của bản quy định đính kèm Quyết định 156/QĐ-UB ngày 11-7-1985; các quy định hiện hành của Nhà nước và quy chế của thanh niên xung phong có liên quan.
c) Sau khi mãn niên hạn nghĩa vụ (như điểm 3 điều 6) cụ thể là:
- Sau khi bàn bạc thống nhất với Bộ Chỉ huy quân sự thành phố và Sở Lao động thành phố, Ban chỉ huy lực lượng thanh niên xung phong thành phố có trách nhiệm cấp quyết định hoàn thành nhiệm vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng, không phải qua phục vụ tại ngũ trong quân đội thường trực, được đăng ký quân sự dự bị 1 tại địa phương nơi cư ngụ theo điều 35 của Luật Nghĩa vụ quân sự đã quy định.
- Riêng các đối tượng thanh niên thuộc diện bị xứ lý theo Quyết định 191/CP thì không được hưởng các chế độ quyền lợi như trên, mà coi đây là một hình thức xử phạt hành chánh về hành vi vi phạm Luật nghĩa vụ quân sự. Những thanh niên thuộc diện ba chống này, sau thời gian lao động quy định, nếu có đủ điều kiện thì vẫn phải thi hành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ.
d) Xuất ngũ trước niên hạn:
Những thanh niên trong quá trình phục vụ, có những lý do chính đáng theo những tiêu chuẩn dưới đây thì được xuất ngũ trước niên hạn:
- Không đủ sức khỏe để lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa của thanh niên xung phong.
- Là người lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng người khác trong gia đình không còn sức lao động hoặc chưa đủ tuổi lao động không nơi nương tựa.
Nhữn người này được hưởng các quyền lợi như ghi ở điểm 3 điều 6 của quy định 156, trừ quyền lợi không được đăng ký quân sự dự bị.
Những điều 7, 8 phần IV của quyết định 156/QĐ-UB được cụ thể hóa như sau:
1. Để thực hiện tốt quyết định 156/QĐ-UB và bản hướng dẫn này, UBND Thành phố giao trách nhiệm cho đồng chí Thủ trưởng các ban, ngành, sau đây làm cơ quan thường trực do Giám đốc Sở Lao động chủ trì, gồm: Ủy ban Kế hoạch, Sở Lao động, Bộ chỉ huy quân sự thành phố, Công an thành phố, Sở Tài chánh, Thành đoàn và Chỉ huy trưởng Lực lượng thanh niên xung phong thành phố. Cơ quan thường trực đề ra nội dung công tác, phân công và định lịch sinh hoạt thường xuyên.
2. Giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, cơ quan chức năng thành phố:
a) Bộ Chỉ huy quân sự thành phố và cơ quan chỉ huy quân sự các cấp quận huyện, phường xã có trách nhiệm cung cấp số lượng và danh sách cụ thể số thanh niên chưa đủ điều kiện gọi nhập ngũ (đã qua xét duyệt của Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp trong từng đợt tuyển quân) cho cơ quan lao động cung cấp để trực tiếp tuyển và tổ chức bàn giao cho lực lượng thanh niên xung phong số thanh niên trúng tuyển đi lao động xây dựng kinh tế - quốc phòng; đồng thời cũng bàn giao một số quan nhân đào, bỏ ngũ đã xóa danh hiệu quân nhân. Cần phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo địa phương, các cơ quan chức năng trong việc bảo đảm khâu tổ chức tuyển và bàn giao cho thanh niên xung phong.
Hàng năm, sau mỗi đợt gọi thanh niên nhập ngũ, Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp, với cơ quan quân sự thường trực có trách nhiệm báo cáo cho Chủ tịch UBND các cấp về số lượng thanh niên nằm ngoài chỉ tiêu giao quân hàng năm tại địa phương. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố còn có trách nhiệm xây dựng chương trình, nội dung và thời gian huấn luyện quân sự phổ thông, tổ chức cách thức đăng ký quân sự dự bị I và xây dựng kế hoạch động viên số thanh niên, trong thời chiến.
b) Sở Lao động và các Phòng lao động quận huyện có trách nhiệm quan trọng trong việc phối hợp với cơ quan quân đội và công an, lập danh sách hồ sơ, khám tuyển, xét miễn hoãn và đề nghị gọi thanh niên đi làm nghĩa vụ kinh tế - quốc phòng, để tổ chức giao cho lực lượng thanh niên xung phong thành phố trên cơ sở chỉ tiêu phân bố của Ủy ban Kế hoạch thành phố giao cho các quận huyện, đề xuất bổ sung các chánh sách cho thanh niên đi làm nghĩa vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng.
c) Lực lượng thanh niên xung phong thành phố: có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả số thanh niên đi làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng, bảo đảm các điều kiện lao động, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thanh niên.
- Phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự thành phố trong việc tổ chức huấn luyện quân sự phổ thông, giải quyết các chế độ, chính sách cho các thanh niên đã hoàn thành thời gian lao động quy định và cấp quyết định hoàn thành nhiệm vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng.
- Phối hợp với ngành Công an và Lao động để quan lý số thanh niên đào ngũ và giải quyết chính sách cho thanh niên (có hộ khẩu gốc tại thành phố) sau khi mãn hạn về nhập lại hộ khẩu thường trú tại địa phương.
- Có trách nhiệm lập kế hoạch sản xuất và lao động hằng năm từ quí 4 năm trước, để kịp thời phối hợp với ngành lao động và các ngành liên quan trong việc tuyển lao động. Phối hợp chặt chẽ với ngành lao động để giải quyết việc làm cho thanh niên sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về.
- Có trách nhiệm quy định thống nhất các nguyên tắc quản lý hành chánh(biểu mẫu, hồ sơ, lý lịch), điều lệnh thanh niên xung phong trong toàn thành phố. Hướng dẫn thanh niên xung phong quận huyện thực hiện nhiệm vụ một cách toàn diện và có hiệu quả.
d) Y tế:
Cơ quan y tế các cấp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quân sự tổ chức khám sức khỏe cho số thanh niên đi làm nhậm vụ kinh tế - quốc phòng, theo tiêu chuẩn sức khỏe từ A- B1 (về thể lực), được quy định trong Thông tư số 1054/YTQP ngày 01-8-1983.
đ) Tài chính:
Ngành tài chính các cấp có trách nhiệm bảo đảm đủ kinh phí chi cho các hoạt động tổ chức đưa thanh niên đi làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng theo ngân sách được UBND Thành phố phân bố cho các quận huyện.
e) Ủy ban Kế hoạch thành phố:
Có trách nhiệm xây dựng kế hoạch gọi thanh niên làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng hằng năm, dự kiến chỉ tiêu trình Chủ tịch UBND Thành phố phân bổ cho các quận huyện căn cứ vào nhu cầu sản xuất, công tác của lực lượng thanh niên xung phong thanh phố và liên đội thanh niên xung phong quận huyện mà UBND đã giao.
g) Công an:
Có trách nhiệm phối hợp với cơ quan lao động, quân đội từ việc chuẩn bị hồ sơ, danh sách những thanh niên trong diện 3 chống và quân nhân đào bỏ ngũ, giao lực lượng thanh niên xung phong thanh phố theo chỉ tiêu được phân bổ và cùng với các cơ quan trong khối nội chính phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi trốn nghĩa vụ lao động hoặc thanh niên xung phong đào bỏ ngũ.
- Giải quyết nhanh chóng kịp thời việc cắt nhập hổ khẩu cho thanh niên đi làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng và những người đã hoàn thành nhiệm vụ trở về.
h) Quận huyện:
Chủ tịch UBND quận huyện có quyền ký quyết định gọi thanh niên đi làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng, tổ chức chỉ đạo các ngành, các phường, xã thực hiện tốt việc tuyên truyền, giáo dục và vận động sâu rộng trong quần chúng nhân dân về chủ trương này của thành phố, tổ chức thực hiện tốt việc giao quan theo yêu cầu số lượng và chất lượng, giải quyết tốt công tác hậu phương.
i) Các đoàn thể, Mặt trận, các cơ quan thông tin, tuyên truyền, đài, báo v.v… có trách nhiệm tuyên truyền giáo dục động viên thanh niên ý thức về nghĩa vụ, quyền lợi, cống hiến và hưởng thụ, để họ tự giác chấp hành nhiệm vụ xây dựng kinh tế - quốc phòng, tổ chức thành cuộc vận động rộng lớn ở tận cơ sở và tích cực tham gia vào quá trình huy động và tổ chức thanh niên đi làm nhiệm vụ.
Để cho việc chỉ đạo thực hiện tốt Quyết định 156/QĐ-UB của UBND Thành phố, Ban thường trực chỉ đạo thực hiện quyết định 156 có kế hoạch tổ chức thực hiện thí điểm rút kinh nghiệm để chỉ đạo diện.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
File gốc của Hướng dẫn 3675/CV-UB năm 1985 thực hiện Quyết định 156/QĐ-UB về quy định gọi thanh niên đi làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế – quốc phòng của thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành đang được cập nhật.
Hướng dẫn 3675/CV-UB năm 1985 thực hiện Quyết định 156/QĐ-UB về quy định gọi thanh niên đi làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế – quốc phòng của thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Số hiệu | 3675/CV-UB |
Loại văn bản | Hướng dẫn |
Người ký | Nguyễn Vĩnh Nghiệp |
Ngày ban hành | 1985-12-02 |
Ngày hiệu lực | 1985-12-02 |
Lĩnh vực | Văn hóa |
Tình trạng | Hết hiệu lực |