HIỆP ĐỊNH
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHỈNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA PHÁP VỀ THÀNH LẬP NHÀ PHÁP LUẬT VIỆT - PHÁP
Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp;
Căn cứ bản ghi nhớ ngày 6 tháng 9 năm 1991 giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chưởng Ấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Pháp;
Căn cứ Biên bản họp lần thứ VIII Ủy ban hỗn hợp Việt - Pháp ngày 23 tháng 10 năm 1991;
Căn cứ Bản ghi nhớ ký tại Hà Nội ngày 24 tháng 07 năm 1992 giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các đại diện Đoàn Luật sư Paris, Tòa án Tối cao, Trường Đại học Paris I và Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội;
Căn cứ tuyên bố mục tiêu ký tại Paris ngày 23 tháng 11 năm 1992 giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chưởng Ấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Pháp và Quốc vụ khanh Pháp ngữ và Quan hệ văn hóa đối ngoại của nước Cộng hòa Pháp;
Đã thỏa thuận các điều dưới đây:
Điều 1: Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp quyết định thành lập Nhà Pháp luật Việt - Pháp đặt tại Trường Đại học Pháp lý Hà Nội, đường Láng Trung.
Điều 2: Trường Đại học Pháp lý Hà Nội dành cho Nhà Pháp luật Việt - Pháp sử dụng không mất tiền một ngôi nhà có diện tích là 270m2 để tiếp nhận một Thư viện, một Phòng học và các phòng làm việc cho nhân viên.
Để tổ chức các lớp học, hội thảo, phía Việt Nam dành cho những người hướng dẫn sử dụng một phòng hội nghị của Trường Đại học Pháp lý Hà Nội hoặc của Bộ Tư pháp, trong trường hợp cần thiết.
Điều 3: Phía Pháp chịu chi phí việc sửa sang bên trong ngôi nhà này, trang bị nội thất, cũng như trang bị văn phòng và tin học.
Điều 4: Nhà Pháp luật có các mục tiêu sau đây:
Xây dựng, bằng các phương tiện tin học, kho tư liệu cập nhật về pháp luật Việt Nam và Pháp mà tất cả các luật gia đều có thể sử dụng được.
Tổng hợp mọi thông tin về hợp tác pháp luật Việt - Pháp
Tổ chức các lớp học luật về các chuyên đề do hai bên thỏa thuận
Tham gia việc theo dõi và chuẩn bị các lớp thực tập và giúp đỡ tổ chức về nội dung cho các cuộc trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp.
Hỗ trợ việc hợp tác giữa các Trường Đại học và phát triển việc nghiên cứu trong lĩnh vực pháp luật
Điều 5: Nhà Pháp luật sẽ có các hoạt động sau đây:
Giảng dạy tiếng Pháp pháp lý theo chương trình do hai bên thỏa thuận
Những người tham gia các lớp tiếng Pháp pháp lý phải có bằng đại học trong đó các môn luật có vị trí chủ yếu hoặc có kinh nghiệm nghề nghiệp đáng kể trong lĩnh vực pháp luật. Nhà Pháp luật cũng được mở cửa cho sinh viên năm cuối của Trường Đại học Pháp lý, khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Viện Quan hệ quốc tế và cán bộ của Học viện Hành chính Quốc gia và Viện Nhà nước và Pháp luật.
Giảng dạy tiếng Pháp pháp lý cấp tốc trong tháng 7 và 8.
Chuẩn bị về mặt ngôn ngữ cho các thí sinh Việt Nam được tuyển chọn đi đào tạo tại các trường, các viện nghiên cứu hoặc các tổ chức khác có tham gia hợp tác pháp luật như Trường Quốc tế Hành chính công cộng và Viện Quốc tế luật phát triển, tại các trường cao cấp như Trường Hành chính Quốc gia và Trường Thẩm phán Quốc gia, tại các trung tâm đào tạo nghề luật sư và công chứng, tại các văn phòng luật sư và công chứng, cũng như bên cạnh các Trường Đại học Tổng hợp và các cơ quan hành chính như Tòa án Hành chính tối cao.
Tổ chức các lớp học, hội thảo định kỳ, các đoàn công tác theo lịch và chuyên đề được hai bên thỏa thuận. Nhà Pháp luật cũng đảm bảo việc in ấn bằng hai ngôn ngữ các tài liệu cần thiết cho hội thảo, các phương tiện nghe nhìn và việc phiên dịch các bài giảng.
Trung tâm tư liệu về các văn bản pháp luật của Việt Nam và Pháp, được mở cửa cho các nhà chuyên môn và sinh viên sử dụng.
Điều 6: Tổ chức của Nhà Pháp luật gồm có:
- Một Ủy ban Định hướng
- Một Giám đốc và một Phó Giám đốc
Điều 7: Ủy ban Định hướng gồm 12 thành viên cơ sở ngang nhau.
Về phía Việt Nam là:
Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc đại diện của Bộ trưởng
Một thẩm phán cao cấp của Tòa án nhân dân tối cao
Hiệu trưởng Trường Đại học Pháp lý Hà Nội hoặc đại diện của Hiệu trưởng
Một đại diện của Bộ Ngoại giao
Một đại diện của Văn phòng Chính phủ
Một đại diện của các tổ chức nghề nghiệp pháp luật
Về phía Pháp là:
Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc đại diện của Bộ trưởng
Một thẩm phán cao cấp của Tòa án tư pháp
Một đại diện của Bộ Ngoại giao
Tham tán Văn hóa và Hợp tác Khoa học kỹ thuật, Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Paris hoặc đại diện của Chủ nhiệm
Một đại diện của các tổ chức nghề nghiệp pháp luật
Trên cơ sở tôn trọng thành phần ngang nhau của Ủy ban, hai bên có thể thỏa thuận quyết định bổ sung các thành viên khác.
Ủy ban hoạt động theo nguyên tắc đồng Chủ tịch do Chính phủ mỗi bên cử ra trong số các đại diện của mỗi bên.
Với chức trách của mình, Giám đốc và Phó Giám đốc là thành viên tư vấn của Ủy ban.
Điều 8: Ủy ban họp ít nhất một lần trong năm. Ủy ban chỉ định Giám đốc và Phó Giám đốc với nhiệm kỳ là 2 năm và có thể được tái chỉ định. Ủy ban cho ý kiến về các định hướng lớn cho hoạt động của Nhà Pháp luật. Ủy ban quyết định số lượng nhân viên, người Việt Nam và người Pháp, cần thiết cho hoạt động của Nhà Pháp luật. Ủy ban thông qua ngân sách hàng năm và nghe Báo cáo hoạt động trong năm của Giám đốc.
Ủy ban quyết định theo đa số thường phiếu của các thành viên.
Điều 9: Với sự giúp đỡ của Phó Giám đốc, Giám đốc có trách nhiệm thực hiện các mục tiêu của Nhà Pháp luật trong khuôn khổ định hướng do Ủy ban đề ra. Giám đốc tuyển dụng nhân viên và giảng dạy và hành chính, chỉ đạo đề án sư phạm, theo dõi việc thực hiện quy chế nội bộ do Ủy ban thông qua và quản lý các nguồn vốn được dành cho Nhà Pháp luật.
Điều 10: Trong thời kỳ đầu của Dự án, thời kỳ này sẽ kết thúc vào thời điểm chấm dứt Hiệp định này, Giám đốc là Chủ nhiệm Dự án sẽ do phía Pháp đề cử; Phó Giám đốc là Phó Chủ nhiệm Dự án sẽ do phía Việt Nam đề cử.
Điều 11: Cho đến thời điểm chấm dứt thời kỳ đầu của Hiệp định này, trong phạm vi khả năng ngân sách của mình phía Pháp chịu các chi phí cho hoạt động của Nhà Pháp luật gồm chi phí cho nhân viên sang công tác, cho nhân viên Việt Nam, chi phí phương tiện giảng dạy, tin học và văn phòng;
Phía Việt Nam bảo đảm việc bảo quản hàng ngày các phòng sử dụng và sửa chữa ngôi nhà khi cần thiết.
Hết thời kỳ đầu việc phân bố chi phí sẽ cho hai bên thỏa thuận quyết định.
Điều 12: Phù hợp với các quy định của pháp luật nước mình, phía Việt Nam thực hiện mọi biện pháp cần thiết để tạo điều kiện dễ dàng cho việc nhập cảnh và cư trú của các nhân viên Pháp được tuyển dụng sang làm việc thường xuyên cho Nhà Pháp luật và gia đình của họ, của các giảng viên và chuyên gia có nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động của Nhà Pháp luật.
Điều 13: Phù hợp với các quy định của pháp luật nước mình, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho phép việc nhập khẩu miến thuế hải quan, các thuế và lệ phí khác, trừ các chi phí lưu kho và vận chuyển, các hàng hóa được chỉ định dưới đây:
1) Đồ đạc, thiết bị văn phòng và tài sản cần thiết cho hoạt động của Nhà Pháp luật, bao gồm cả ô tô.
2) Đồ dùng cá nhân, thiết bị nội trợ, đồ đạc và đồ tiêu dùng của các nhân viên Pháp làm việc thường xuyên cho Nhà Pháp luật, bao gồm cả một xe ô tô cho mỗi người.
Điều 14: Hai bên cam kết tạo mọi điều kiện và tiến hành các thủ tục cần thiết để Dự án này được thực hiện ngay sau khi Hiệp định này được ký kết.
Điều 15: Hiệp định này có hiệu lực từ ngày ký và được ký kết cho thời kỳ đầu kết thúc ngày 31 tháng 12 năm 1994. Sau ngày này, Hiệp định sẽ được mặc nhiên tiếp tục có hiệu lực mỗi thời kỳ là 2 năm, trừ phi một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia biết trong thời hạn là 3 tháng trước khi chấm dứt thời kỳ đang có hiệu lực của Hiệp định.
Trong trường hợp Hiệp định này bị hủy bỏ, hai bên sẽ thỏa thuận riêng về bất động sản và động sản của Nhà Pháp luật.
Hiệp định này có thể được bổ sung, sửa đổi theo sự thỏa thuận của hai bên.
Mọi bất đồng liên quan đến việc giải thích và thực hiện Hiệp định này được giải quyết thông qua thương lượng.
Làm tại Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 1993, thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, hai văn bản có giá trị như nhau.
THỬA ỦY QUYỀN CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | THỬA ỦY QUYỀN CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA PHÁP | |
BỘ TRƯỞNG TƯ PHÁP | CHƯỞNG ẤN BỘ TRƯỞNG TƯ PHÁP | QUỐC VỤ KHANH PHÁP NGỮ VÀ QUAN HỆ VĂN HÓA ĐỐI NGOẠI |
Từ khóa: Hiệp định Khongso, Hiệp định số Khongso, Hiệp định Khongso của Chính phủ Cộng hoà Pháp, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiệp định số Khongso của Chính phủ Cộng hoà Pháp, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiệp định Khongso của Chính phủ Cộng hoà Pháp, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Khongso
File gốc của Hiệp định về thành lập Nhà Pháp luật Việt – Pháp giữa Việt Nam – Pháp đang được cập nhật.
Hiệp định về thành lập Nhà Pháp luật Việt – Pháp giữa Việt Nam – Pháp
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Chính phủ Cộng hoà Pháp, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam |
Số hiệu | Khongso |
Loại văn bản | Hiệp định |
Người ký | Nguyễn Đình Lộc, Michel Vauzelle, Catherine Tasca |
Ngày ban hành | 1993-02-10 |
Ngày hiệu lực | 1993-02-10 |
Lĩnh vực | Văn hóa |
Tình trạng | Còn hiệu lực |