BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2288/LĐTBXH-QLLĐNN | Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 2000 |
CÔNG VĂN
CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 2288/LĐTBXH-QLLĐNN NGÀY 18 THÁNG 7 NĂM 2000 VỀ VIỆC SẮP XẾP LẠI CÁC DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
Kính gửi | - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. |
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về xuất khẩu lao động và chuyên gia ngày 08, 09 tháng 6 năm 2000 về việc chấn chỉnh lại doanh nghiệp đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (Công văn số 79/VPCP-TB ngày 4/7/2000 của Văn phòng Chính phủ), để nâng cao hiệu quả của hoạt động xuất khẩu lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và Đoàn thể Trung ương đánh giá và sắp xếp lại các doanh nghiệp hoạt động chuyên doanh xuất khẩu lao động như sau:
1. Các nội dung đánh giá để sắp xếp lại doanh nghiệp.
1.1 Khả năng tiếp cận và mở thị trường xuất khẩu lao động của doanh nghiệp; nguồn lao động, chất lượng lao động và chuyên gia do doanh nghiệp đã đưa đi làm việc ở nước ngoài.
1.2. Trình độ quản lý, chuyên môn (nghiệp vụ, ngoại ngữ) và phầm chất đạo đức của cán bộ làm công tác xuất khẩu lao động tại doanh nghiệp và cán bộ quản lý của doanh nghiệp ở ngoài nước.
1.3. Kết quả hoạt động xuất khẩu lao động của doanh nghiệp:
- Khai thác, mở thị trường, ký kết và tổ chức thực hiện các hợp đồng cung ứng lao động (số thị trường khai thác được, số lao động đưa đi, số lao động phải về nước trước hạn, số số lao động bỏ trốn...).
- Doanh thu của doanh nghiệp về xuất khẩu lao động, các khoản nộp ngân sách...
- Việc chấp hành các quy định, chính sách chế độ của Nhà nước trong công tác xuất khẩu lao động (tuyển chọn lao động; đào tạo và giáo dục định hướng cho lao động trước khi đi; tổ chức, quản lý ở trong và ngoài nước; thực hiện chế độ tài chính; thực hiện chế độ báo cáo đinh kỳ).
- Việc giải quyết, xử lý tranh chấp và các vụ việc phát sinh trong quá trình thực hiện công tác xuất khẩu lao động.
2. Hướng dẫn sắp xếp lại các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.
- Các doanh nghiệp đã có giấy phép hoạt động chuyên doanh về xuất khẩu lao động có đủ điều kiện, đảm bảo chất lượng, hoạt động có hiệu quả, chấp hành nghiêm pháp luật và các quy định về xuất khẩu lao động thì tiếp tục cho phép hoạt động và đầu tư để phát triển.
- Những doanh nghiệp có vi phạm thì tuỳ theo mức độ vi phạm để xem xét đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc bị thu hồi giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động.
- Những doanh nghiệp đã có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động, sau 12 tháng kể từ ngày 16-7-2000 mà không có hợp đồng xuất khẩu lao động thì thu hồi giấy phép, đối với những doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động sau ngày 16-7-2000 thì thời hạn 12 tháng được tính từ ngày cấp giấy phép.
- Những Bộ, ngành, tỉnh, thành phố có nhiều doanh nghiệp chuyên doanh xuất khẩu lao động, nhưng đưa lao động đi ít thì nên sát nhập để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các đoàn thể Trung ương tiến hành đánh giá và dự kiến sắp xếp lại doanh nghiệp trực thuộc, gửi kết quả về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 15 tháng 8 năm 2000.
Trong quá trình tiến hành đánh giá, sắp xếp doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động, nếu vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp giải quyết.
| Nguyễn Lương Trào (Đã ký) |
File gốc của Công văn về việc sắp xếp lại các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang được cập nhật.
Công văn về việc sắp xếp lại các doanh nghiệp xuất khẩu lao động
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội |
Số hiệu | 2288/LĐTBXH-QLLĐNN |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Nguyễn Lương Trào |
Ngày ban hành | 2000-07-18 |
Ngày hiệu lực | 2000-07-18 |
Lĩnh vực | Văn hóa |
Tình trạng | Còn hiệu lực |