ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 4 năm 1986 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO NHÂN DÂN TRỒNG CÂY GÂY RỪNG, PHỦ XANH DIỆN TÍCH HOANG TRỐNG
Năm 1985, thực hiện chỉ thị 21/CT-UB của UBND Thành phố và hưởng ứng Năm quốc tế về rừng ở Việt Nam do Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng phát động, các cấp, các ngành, các đoàn thể quần chúng, các trường hợp, các lực lượng vũ trang, và các đơn vị sản xuất từ Thành phố đến các Quận Huyện, Phường Xã nhứt là nhân dân các huyện ngoại thành đã thi đua sôi nổi phát triển mạnh phong trào trồng cây gây rừng đời đời nhớ ơn Bác. Trong đợt này, toàn thành phố đã trồng được 3.380 hécta rừng tập trung, 14.210.000 cây phân tán, vượt mức kế hoạch của Trung ương giao trên 60%; so với năm 1984 tăng 20% về số lượng cây trồng; chất lượng cây trồng sống trên 80%, đặc biệt là công trình trồng cây xanh 100km theo trục lộ giao thông chính đi qua thành phố thành công tốt đẹp. Cây sống nhiều và phát triển nhanh so với các năm trước. Đã hoàn thành cơ bản việc giao đất giao rừng theo quyết định 441/QĐ-UB của UBND Thành phố; đã giao cho 27 đơn vị quốc doanh và tập thể tổ chức bảo vệ chăm sóc 25.416 hécta rừng tập trung các loại và tổ chức trồng cây phủ xanh 6.042 hécta đất trồng. Công tác giáo dục và quản lý bảo vệ rừng và cây trồng có nhiều tiến bộ, các vụ phá rừng giảm 40% so với năm trước.
Tuy vậy bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại cần khẩn trương khắc phục, như phong trào trồng cây gây rừng chưa đều nhất là các tập đoàn sản xuất, các hợp tác xã nông nghiệp; ở phường xã có nơi chưa có quy hoạch và kế hoạch trồng cây gây rừng; công tác giao đất giao rừng chưa gắn chặt với nội dung tổ chức lại sản xuất kinh doanh trên địa bàn được giao và chưa triển khai mạnh đến từng hộ gia đình để nhân dân xây dựng vườn rừng. Việc tổ chức chỉ đạo xây dựng các mô hình nông lâm ngư kết hợp hoặc lâm nông ngư kết hợp hoặc HVAC trên từng vùng sinh thái chưa được đúc kết kinh nghiệm kịp thời, các tiến bộ về khoa học kỹ thuật lam nghiệp chưa nhanh chóng đưa vào sản xuất, còn diện tích đất trống dọc theo hệ thống kinh mương thủy lợi và một số đường giao thông thủy bộ, việc phủ xanh còn chậm.
Để phát huy những thành tựu to lớn của phong trào trồng cây gây rừng của nhân dân thành phố trong 10 năm qua và tích cực thực hiện nghị quyết 11 của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố khóa 3, UBND Thành phố chỉ thị cho các cấp các ngành, các đơn vị sản xuất, các trường học, các lực lượng vũ trang phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể quần chúng :
- “Tiếp tục đẩy mạnh phong trào nhân dân trồng cây gây rừng đời đời nhớ ơn Bác, hoàn thành cơ bản trong năm 1986 việc phủ xanh đất hoang trống trên địa bàn của thành phố, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ sáu. Với mục tiêu cụ thể là: trồng 3.000 hécta rừng tập trung, 10 triệu cây phân tán và tổ chức quản lý bảo vệ chăm sóc tốt cây và rừng hiện có đạt hiệu quả cao” nhằm xây dựng vốn rừng trên địa bàn thành phố đến cuối năm 1986 có được 30.000 hécta rừng tập trung sống tốt và 50 triệu cây phân tán còn sống tương ứng với 20.000 hécta rừng tập trung.
- Vể tổ chức phân công thực hiện :
1. Ủy ban kế hoạch, Ban phân vùng kinh tế cùng với Sở Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp, Sở Thủy sản, Sở Thủy lợi, Sở Giao thông vận tải, Sở Công trình đô thị (Công ty công viên cây xanh), Sở Tài Chánh, Ngân hàng thành phố và Ủy ban nhân dân các quận huyện tiến hành rà soát quy hoạch lại diện tích đất hoang trống dọc theo hệ thống kinh mương thủy lợi, đường giao thông thủy bộ để tổ chức giao đất, phân công các đon vị sản xuất nông lâm trường, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, cơ quan, trường học, các lực lượng vũ trang và hộ gia đình xây dựng kế hoạch trồng cây gây rừng trên từng địa bàn theo 4 nguồn khả năng cân đối. Tiến hành khẩn trương chuẩn bị các biện pháp trồng cây gây rừng, tổ chức phát động phong trào vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác 19-5-1986 trên từng địa bàn quận huyện, phường xã, từng cơ sở sản xuất, trường học v.v… Thực hiện đúng thời vụ trồng cây gây rừng từ 19-5-1986 đến 15-9-1986. Riêng trồng rừng được kéo dài đến 31-10-1986, đảm bảo cây trồng sống phát triển tốt trên 80% số lượng cây trồng.
2. Sở Lâm nghiệp có trách nhiệm theo dõi chỉ đạo phong trào này, hướng dẫn kỹ thuật gieo ươm tại các địa điểm trồng rừng, có chính sách và tổ chức tốt công tác bảo vệ chăm sóc cây trồng, rừng trồng; cấp bán đủ cây con với chất lượng tốt trên từng địa bàn cho các đơn vị trồng. Hướng dẫn nhân dân và các đơn vị tự thu hái hạt giống tự gieo ươm, tự trồng tại chổ.
UBND các huyện và quận ven tiến hành sơ kết công tác trồng cây gây rừng, xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp hoặc lâm ngư kết hợp (mô hình HVAC) trong năm 1985 và tổ chức chỉ đạo thực hiện kế hoạch trồng cây gây rừng ở các phường xã, các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, phấn đấu phủ xanh hết diện tích đất hoang trống trong năm 1986 đạt tỷ lệ cây trồng sống cao. Hoàn thành trồng cây trên các trục lộ, kinh mương thủy lợi trên địa bàn thành phố (khoảng 1.000km). Tiến hành trồng các đai rừng phòng hộ chống gió mạnh, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, chống ô nhiễm dầu khí sau này và cải tạo môi sinh cho vùng rau chuyên canh, vùng sản xuất lương thực thực phẩm.
3. Ủy ban kế hoạch cùng với Ban chỉ đạo huyện Duyên Hải, Sở Thủy sản, Sở Lâm nghiệp, Sở nông nghiệp Ban phân vùng kinh tế, Ủy ban khoa học kỹ thuật và Ủy ban nhân dân huyện Duyên Hải nghiên cứu xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất theo mô hình ngư lâm nông công nghiệp trên địa bàn huyện Duyên Hải nhằm liên kết các ngành và các đơn vị sản xuất kinh doanh, phát huy thế mạnh của vùng sinh thái của rừng ngập mặn huyện Duyên Hải, kết hợp tổ chức xây dựng các cơ sở du lịch giải trí trên địa bàn để trình UBND Thành phố phê duyệt vào tháng 6-1986.
4. Ủy ban kế hoạch cùng với Sở Lâm nghiệp, Ủy ban Khoa học kỹ thuật, Sở Công trình đô thị và UBND huyện Thủ Đức nghiên cứu lên phương án xây dựng khu sưu tập thực vật rừng nhiệt đới và á nhiệt đới với diện tích 300 đến 500 hécta trong hai năm 1986-1987 trên lâm viên Thủ Đức để trình UBND Thành phố phê duyệt vào thàng 5-1986, đồng thời có kế hoạch phủ xanh bằng các loại cây địa phương đối với rừng lịch sử Củ Chi và rừng lịch sử Duyên Hải trong hai năm 1986-1987.
5. Các Sở, Ban, Ngành thành phố theo chức năng nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm hướng dẫn giải quyết kịp thời các yêu cầu đẩy mạnh phong trào nhân dân trồng cây gây rừng như tiền vốn, vật tư, nhiên liệu nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất đưa phong trào trồng cây gây rừng phát triển nhanh mạnh và đạt hiệu quả cao.
Sở Văn hóa và thông tin, Ban thi đua khen thưởng, các đài, báo cùng với các đoàn thể, Mặt trận có kế hoạch tuyên truyền phát động, đưa tin về những đơn vị cá nhân có thành tích xuất sắc để kịp thời biểu dương cổ vũ phong trào nhân dân trồng cây gây rừng đời đời nhớ ơn Bác, hoàn thành cơ bản công trình phủ xanh diện tích đất hoang trống của thành phố năm 1986.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
File gốc của Chỉ thị 09/CT-UB năm 1986 về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào nhân dân trồng cây gây rừng, phủ xanh diện tích hoang trống do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 09/CT-UB năm 1986 về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào nhân dân trồng cây gây rừng, phủ xanh diện tích hoang trống do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Số hiệu | 09/CT-UB |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Lê Văn Triết |
Ngày ban hành | 1986-04-23 |
Ngày hiệu lực | 1986-04-23 |
Lĩnh vực | Văn hóa |
Tình trạng | Hết hiệu lực |