BỘ VĂN HOÁ-ỦY BAN ĐIỀU TRA TỘI ÁC CHIẾN TRANH CỦA ĐẾ QUỐC MỸ Ở VIỆT NAM | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 184-TT/LB | Hà Nội, ngày 15 tháng 08 năm 1969 |
Hiện nay, đế quốc Mỹ đã buộc phải chấm dứt không điều kiện ném bom, bắn phá trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt-nam dân chủ cộng hòa. Đã đến lúc ta phải tổ chức ghi nhớ đầy đủ, có hệ thống, có phân tích, chọn lọc những di tích chiến thắng của ta và những chứng tích tội ác man rợ do đế quốc Mỹ gây ra trong 4 năm chiến tranh phá hoại, lưu lại đời đời những di tích ấy để làm tư liệu dùng vào việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống trước mắt và lâu dài, đồng thời tố cáo với trong nước và ngoài nước những tội ác man rợ ấy của địch:
Ngày 26-6-1969, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 59-TTg/VG về việc bảo tồn di tích chống Mỹ, cứu nước. Bộ Văn hóa và Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt-nam ra thông tư liên bộ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nói trên như sau:
Muốn ghi lại những chiến thắng của ta và tội ác của đế quốc Mỹ trên đất nước ta, cần phải tiến hành cùng một lúc nhiều công tác như là: xác định các di tích ngoài trời, sưu tầm hiện vật, lập các hồ sơ tổng hợp, hồ sơ chuyên đề và điển hình; trưng bày trong các nhà bảo tàng, các nhà truyền thống; dựng các bia, đài, dựng các bộ tranh, ảnh, phim điện ảnh, viết các cuốn sách; quản lý các hiện trường tội ác; phát hiện, bồi dưỡng và quản lý những nhân chứng là nạn nhân của những tội ác của địch v .v…
Nội dung bản thông tư này nói về hai vấn đề:
1. Vấn đề lựa chọn, đăng ký và quản lý những địa điểm là di tích chống Mỹ, cứu nước.
2. Vấn đề sưu tầm hiện vật và tổ chức trưng bày về tội ác của đế quốc Mỹ và những thành tích chiến đấu sản xuất của địa phương trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, nhằm mục đích tố cáo những tội ác vô cùng dã man của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta trong 4 năm qua; giáo dục sâu sắc lòng căm thù địch, ý chí quyết chiến, quyết thắng, nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng; đồng thời cũng giới thiệu những chiến công oanh liệt và những thành tích về xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân để mọi người phấn khởi hăng say công tác, đẩy mạnh sản xuất và sẵn sàng chiến đấu.
I. LỰA CHỌN VÀ ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ NHỮNG ĐỊA ĐIỂM LÀ DI TÍCH CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC.
Qua 4 năm đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, hầu hết các tỉnh, thành đều có những vết tích về tội ác của địch, đồng thời cũng có những di tích về tội ác của địch, đồng thời cũng có những di tích về công tác phòng chống và chiến thắng của ta. Đó là những chứng tích chống Mỹ, cứu nước, bao gồm:
- Những chứng tích về tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ là những nơi bị bom đạn địch bắn phá ác liệt, cảnh tàn phá nói lên những tội ác điển hình về mức độ thiệt hại hay tính chất dã man tàn bạo cần giữ lại để tố cáo về lâu dài, như là: các khu dân cư, các đê đập, cầu cống, các trụ sở cơ quan, đoàn thể, các khu vực văn hóa, giáo dục, các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp v .v…
- Những địa điểm mang dấu tích những chiến thắng của ta như là: các hầm của cấp ủy, Ủy ban hành chính…chỉ đạo trực tiếp các cuộc chiến đấu ở trong thành phố hoặc thị xã, các ụ pháo, hầm pháo, hầm sinh hoạt của đơn vị bộ đội đã lập nhiều chiến công, những hầm chống bom đạn và phục vụ sinh hoạt của nhân dân, hệ thống giao thông hào phục vụ chiến đấu v .v…
Những nơi bị địch bắn phá có nhiều, nhưng chỉ nên giữ lại những nơi nói rõ được tội ác dã man của đế quốc Mỹ, có tác dụng gây xúc động và có giá trị cao về mặt tố cáo tội ác trước dư luận quốc tế cũng như trong nước.
Những địa điểm mang dấu tích chiến thắng của ta cũng rất nhiều, nhưng chỉ nên giữ lại một số địa điểm nói lên được rõ nét về tinh thần chiến đấu anh dũng, mưu trí và sáng tạo của ta trong việc bảo vệ nhân dân và chiến thắng địch.
Căn cứ vào các yêu cầu trên, các Ủy ban hành chính, tỉnh, thành phố chỉ đạo các ty, sở văn hóa và ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ tiến hành ngay việc lựa chọn để giữ lại những địa điểm đáp ứng rõ nét những yêu cầu nói trên. Đối với những địa phương không có địa điểm đạt các yêu cầu trên thì không cần phải giữ mà chỉ cần dựng bia, đài chiến thắng hoặc bia căm thù là đủ.
Ngoài ra, còn những di tích về xây dựng chủ nghĩa xã hội và phục vụ chống Mỹ, cứu nước như những xí nghiệp sơ tán, những xí nghiệp công nghiệp địa phương, những cầu cống, đập nước, những công trình phục vụ dân sinh… những hiện vật về sáng kiến, phát minh, thành tích sản xuất trong thời gian chống Mỹ, cứu nước. Những di tích này cũng cần được sưu tầm, lựa chọn giữ lại những thứ có giá trị để phục vụ cho việc giáo dục truyền thống của địa phương.
Từ trước đến nay, vì quan niệm chưa thống nhất cho nên về cách giải quyết các vấn đề nói trên mỗi địa phương làm một cách :
- Có nơi đã phá bỏ cả những hiện trường cần giữ lại;
- Có nơi giữ khá nhiều hiện trường một cách tràn lan, thậm chí muốn giữ cả những hiện trường tội ác là những khu phố lớn;
- Có nơi còn lưỡng lự, không biết làm thế nào cho đúng, nhất là đối với những địa điểm mang dấu tích chiến thắng của ta.
Căn cứ vào chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, việc giữ những địa điểm chống Mỹ, cứu nước cần tiến hành theo những nguyên tắc như sau:
1. Đối với những hiện trường tội ác đế quốc Mỹ, các địa phương chỉ nên giữ lại một số có tính chất điển hình, được lựa chọn một cách cẩn thận, không nên giữ tràn lan vì phải phục hồi kinh tế, xây dựng đất nước về mọi mặt.
- Việc đề tồn tại mãi những sự đổ nát sẽ gây nên những khó khăn về mặt xã hội và ảnh hưởng đến mỹ quan của đô thị, cho nên các cảnh đổ nát nói chung chỉ cần giữ một thời gian cần thiết để tố cáo tội ác của giặc.
Ngoài một số địa điểm thật cần thiết phải giữ nguyên hình, các nơi khác có thể được cải tạo hoặc dọn dẹp, sửa chữa lại để phục hồi sản xuất hoặc sử dụng vào những việc cần thiết khác, nhưng trước và sau khi làm các việc đó cần quay phim, hoặc chụp ảnh, đo vẽ để lưu lại làm tài liệu.
- Đối với những nơi địch đã gây tội ác thì trong quy hoạch cải tạo xây dựng của địa phương cần chú ý dành một khu vực xứng đáng để dựng bia, biển căm thù; đối với những di tích lớn thì có thể dựng một nhà lưu niệm về tội ác của địch nếu có điều kiện.
Tại những địa điểm mang dấu tích, chiến thắng thì cũng dùng thức cắm bia, biển chiến thắng là chủ yếu. Đối với những nơi quân và dân ta đã lập nhiều chiến công oanh liệt thì có thể xây dựng bia, đài kỷ niệm.
Các ty, sở văn hóa có trách nhiệm hướng dẫn việc xây dựng các bia, đài và nhà lưu niệm.
2. Những nơi cần giữ nguyên hình thì không kể là di tích tội ác hay di tích chiến thắng đều phải có tính chất điển hình đối với toàn quốc hoặc từng địa phương và tương đối quy mô. Những di tích này phải do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố quyết định sau khi đã thống nhất ý kiến với Bộ chủ quản.
Để làm việc này, theo điểm 1 của chỉ thị, các ty, sở văn hóa phối hợp với các ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ, giúp các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố nghiên cứu và đăng ký những di tích ấy. Đối với những di tích có tầm quan trọng đặc biệt, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố sẽ cùng ngành chủ quản đề nghị Bộ Văn hóa xếp hạng.
Nội dung hồ sơ di tích tăng ký phải phản ảnh tương đối đầy đủ các yêu cầu của một hồ sơ về tội ác của địch cũng như yêu cầu của một hồ sơ về di tích, nên ty, sở văn hóa và ban điều tra tội ác phải phối hợp cùng làm.
Hồ sơ gồm những phần chính sau đây:
1. Lý lịch (địa điểm nơi xẩy ra sự việc; tình hình sinh hoạt truớc đây về mọi mặt…),
2. Tình hình, đặc điểm của cuộc bắn phá và tình hình của ta trước, trong và sau khi địa điểm bị bắn phá.
3. Các bản kê tang vật, hiện vật, thiệt hại về người và của; lý lịch từng tang vật, hiện vật.
4. Danh sách và lý lịch các nhân chứng hoặc cá nhân hay đơn vị gắn liền với địa điểm.
5. Các phim và ảnh chụp, các cuốn phim điện ảnh đã quay, các băng ghi âm về lời khai của nhân chứng hoặc những cá nhân liên quan trực tiếp đến di tích.
6. Đạc họa (phần này chỉ cần đối với những di tích phải tu sửa sau này).
7. Sơ đồ khu vực bảo vệ tỷ lệ 1/1000.
8. Dự kiến của địa phương về việc bảo vệ, sửa sang và phát huy tác dụng di tích.
Trên đây là một số điểm gợi ý, các địa phương sẽ tùy tình hình cụ thể mà xây dựng các hồ sơ với nội dung đáp ứng được các yêu cầu cụ thể đề ra đối với mỗi di tích.
Mỗi hồ sơ gửi lên Bộ Văn hóa phải có chữ ký của người lập hồ sơ, và được Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố duyệt. Bộ Văn hóa sẽ ra quyết định xếp hạng và phân cấp quản lý cho địa phương sau khi đã thống nhất ý kiến với Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ và căn cứ vào ý kiến của một Hội đồng do Bộ và Ủy ban thành lập.
Sau này, nếu xét một di tích nào không cần giữ nữa thì, cũng theo thủ tục ở trên, Bộ Văn hóa sẽ ra quyết định bãi bỏ việc xếp hạng di tích ấy.
3. Đối với những địa điểm là di tích nói trong các điểm 1 và 2 thì trước khi tiến hành các việc dọn dẹp, sửa chữa phải được sự đồng ý của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố. Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố sẽ quyết định sau khi hỏi ý kiến ty, sở văn hóa và ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ về mặt chuyên môn.
Nếu là di tích đã xếp hạng hoặc đang nghiên cứu xếp hạng thì phải có ý kiến của Bộ Văn hóa và Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt-nam.
4. Vấn đề quay phim, chụp ảnh và đo vẽ các di tích chống Mỹ, cứu nước là rất cần thiết để phục vụ cho công tác tu sửa khi di tích bị hư hỏng, đồng thời để có tài liệu cụ thể tố cáo tội ác của địch. Căn cứ vào điểm 5 của Chỉ thị số 59-TTg/VG của Thủ tướng Chính phủ, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào chức năng của các ngành văn hóa, thông tin và kiến trúc mà phân công thích hợp để sớm hoàn thành những công việc nói trên.
5. Đối với các di tích quân sự ở địa phương thì ty, sở văn hóa và ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ sẽ trao đổi với tỉnh đội, thành đội để thống nhất ý kiến về việc lựa chọn những di tích điển hình rồi tiến hành các việc đăng ký, quản lý theo những quy định chung đã nêu trong thông tư này.
Riêng đối với những di tích quân sự thuộc loại đặc biệt thì Bộ Quốc phòng sẽ cùng với Bộ Văn hóa và Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt-nam trao đổi bàn bạc và có quyết định sau.
Những công tác nói trên cần được tiến hành khẩn trương, phù hợp với yêu cầu hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi kinh tế.
Hiện vật gốc là cơ sở vật chất của toàn bộ công tác bảo tàng. Chúng ta phải quán triệt nhận thức ấy để sưu tầm kịp thời các hiện vật phục vụ cho việc trưng bày về tội ác của đế quốc Mỹ và những thành tích chiến đấu, sản xuất của địa phương tại các nhà bảo tàng hoặc nhà truyền thống, nhằm khơi sâu lòng căm thù đế quốc Mỹ, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tăng cường ý chí quyết chiến, quyết thắng trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hiện vật chống Mỹ, cứu nước bao gồm:
1. Hiện vật về tội ác của địch là những hiện vật và tang vật nói lên tội ác của đế quốc Mỹ: những mảng bom, đạn thu lượm được sau các cuộc bắn phá của địch; những đồ dùng trong gia đình, dụng cụ sản xuất, quần áo, sách vở của phụ nữ và trẻ em bị phát hỏng hoặc cháy dở hoặc còn dính vết máu của nạn nhân v .v…
2. Hiện vật về chiến thắng của ta:
- Những vũ khí các loại đã dùng trong việc lập nhiều chiến công như bắn rơi máy bay, bắn hỏng tầu chiến Mỹ v .v…
- Những vũ khí thô sơ đã dùng vào việc bắt giữ giặc lái máy bay (dáo, mác, gậy, đòn xóc, đòn càn …)
- Những chiến lợi phẩm ta thu được: xác máy bay, dù, quần áo và đồ dùng của giặc lái máy bay, của biệt kích, gián điệp bị bắt tại địa phương, những dụng cụ về tâm lý chiến…;
- Những hiện vật nói lên những thành tích phòng không, cứu chữa dũng cảm của nhân dân, cán bộ hoặc nói lên những công tác hỗ trợ phục vụ chiến đấu anh hùng của đồng bào địa phương.
3. Hiện vật về xây dựng chủ nghĩa xã hội trong chiến tranh gồm những hiện vật nói lên thành tích về các mặt sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải, y tế vệ sinh v .v… Mỗi hiện vật nói trên cần phải có lý lịch của nó, nói lên những sự việc về tội ác hoặc về thành tích gắn liền với hiện vật đó.
Ngoài những hiện vật, tang vật nói trên, cũng cần phải nắm vững một số nhân chứng, bồi dưỡng cho những người này lòng căm thù sâu sắc đế quốc Mỹ để sử dụng trong mỗi khi cần thiết như kể lại những tội ác của địch đã gây ra đối với địa phương hoặc thuyết minh phần trưng bày về tội ác trong các phòng tội ác hoặc nhà căm thù.
Địa phương nào có điều kiện thì nên cho thu thanh hoặc chụp ảnh các nhân chứng để sử dụng khi cần.
Những người trực tiếp bị tai nạn sẽ là những bằng chứng sống có tác dụng minh họa tội ác của địch. Họ là những cá nhân gắn liền với di tích nên địa phương cần có kế hoạch bồi dưỡng cho họ về mặt lập trường, tư tưởng để có thể sử dụng về lâu dài sau này (các mặt chính sách khác đối với nạn nhân chiến tranh do Bộ Nội vụ quy định). Những người này sẽ là cộng tác viên chính thức của ngành, nếu có điều kiện, các ty, sở văn hóa có thể tuyển dụng và giao cho họ trực tiếp quản lý di tích.
Nội dung trưng bày tại các phòng tội ác hoặc nhà căm thù nên chia làm 2 phần chính:
1. Phần tội ác của địch: Yêu cầu của phần này là chọn lọc và trình bày cho thấy rõ âm mưu đánh phá của địch và tính chất tàn bạo dã man của những tội ác của đế quốc Mỹ đối với địa phương, nhằm khơi sâu lòng căm thù đế quốc Mỹ, nâng cao quyết tâm và cảnh giác cách mạng và chú ý không để gây sợ hãi, bi quan cho người xem.
Ngoài những tang vật, hiện vật gốc đã sưu tầm được, cần có những sơ đồ, biểu đồ, thống kê, mô hình, tranh ảnh…là những tài liệu khoa học phụ rất cần thiết cho việc trưng bày.
2. Phần chiến thắng của ta: Yêu cầu của phần này là giới thiệu những chiến công, những thành tích mọi mặt về chiến đấu, sản xuất, phục vụ chiến trường, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân… Chú ý nêu thật rõ nét về tinh thần dũng cảm, mưu trí và sáng tạo của quân dân địa phương, nhằm nâng cao khí thế cách mạng, quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.
Các việc kể trên đều phải khẩn trương tiến hành, nhưng cần chú ý giải quyết gấp hai khâu chính là:
- Lựa chọn và xây dựng hồ sơ những địa điểm cần giữ;
- Sưu tầm hiện vật, thu thập tang vật, chọn nhân chứng.
Để giải quyết tốt các vấn đề nêu ở trên, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố cần tiến hành các công tác sau đây:
1. Có thể tổ chức hội nghị tố cáo tội ác của giặc Mỹ, nhằm khơi sâu lòng căm thù giặc Mỹ trong nhân dân, đồng thời động viên quần chúng tham gia bảo vệ các di tích về tội ác của giặc Mỹ và chiến thắng của ta ở địa phương.
2. Phát động một phong trào toàn dân tham gia bảo tồn các chứng tích tội ác của đế quốc Mỹ và thành tích chống Mỹ, cứu nước của ta: phát hiện, thu thập những hiện vật, tang vật cùng các loại chiến lợi phẩm để giao nộp cho ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ. Ban này phải có tổ chức để thu nhận hiện vật, có nhiệm vụ ghi chép những điều có liên quan đến hiện vật, lựa chọn điển hình, làm hồ sơ lý lịch, phân loại, đồng thời có kế hoạch phối hợp và phân công với ty, sở văn hóa bảo quản cho tốt.
Đối với những tang vật, hiện vật thu thập được, cần lập danh sách gửi lên Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ để báo cáo.
Việc biên soạn các loại sách tố cáo tổng hợp hoặc tố cáo từng tội ác điển hình của đế quốc Mỹ thì do cấp tỉnh, thành phố và trung ương làm. Các cấp huyện, xã có trách nhiệm cung cấp tài liệu.
Việc bảo tồn những chứng tích về tội ác của đế quốc Mỹ đã được nhiều địa phương chú ý. Ở một số nơi đã thu được kết quả cụ thể đã có nhiều sáng tạo trong việc thực hiện. Những công việc nêu trong thông tư này là những gợi ý chung đã được đúc kết từ những kinh nghiệm của một số địa phương. Trong khi thực hiện, các địa phương, các ngành có thể căn cứ vào yêu cầu chính trị và tình hình cụ thể của từng nơi mà tiến hành bảo đảm cho việc tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ và giáo dục truyền thống của nhân dân ta đạt được kết quả thật tốt.
Công việc này cũng là bước chuẩn bị phục vụ cho việc tổ chức 4 ngày lễ lớn trong năm 1970 của địa phương có liên quan đến nhiều ngành như điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ, văn hóa, thông tin, tuyên giáo, nghiên cứu lịch sử Đảng v .v… nên cần được các cấp ủy Đảng và Ủy ban hành chính địa phương trực tiếp chỉ đạo, và có sự thảo luận phân công cụ thể cho từng ngành để làm cho tốt và hoàn thành các việc trên vào cuối năm 1969.
Trong quá trình tiến hành, yêu cầu các tỉnh, thành báo cáo kết quả về Bộ Văn hóa, và Ủy ban điều tra trung ương biết.
CHỦ TỊCH ỦY BAN ĐIỀU TRA TỘI ÁC | BỘ TRƯỞNG |
Từ khóa: Thông tư liên tịch 184-TT/LB, Thông tư liên tịch số 184-TT/LB, Thông tư liên tịch 184-TT/LB của Bộ Văn hoá, Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, Thông tư liên tịch số 184-TT/LB của Bộ Văn hoá, Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, Thông tư liên tịch 184 TT LB của Bộ Văn hoá, Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, 184-TT/LB
File gốc của Thông tư liên bộ 184-TT/LB năm 1969 hướng dẫn chỉ thị 59-TTg/VG về việc bảo tồn di tích chống Mỹ, cứu nước do Bộ Văn hóa – Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam ban hành đang được cập nhật.
Thông tư liên bộ 184-TT/LB năm 1969 hướng dẫn chỉ thị 59-TTg/VG về việc bảo tồn di tích chống Mỹ, cứu nước do Bộ Văn hóa – Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Văn hoá, Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam |
Số hiệu | 184-TT/LB |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Người ký | Hoàng Minh Giám, Phạm Văn Bạch |
Ngày ban hành | 1969-08-15 |
Ngày hiệu lực | 1969-08-30 |
Lĩnh vực | Văn hóa |
Tình trạng | Đã hủy |