BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/1999/TT-BTC | Hà Nội, ngày 04 tháng 2 năm 1999 |
Căn cứ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp được Quốc hội khoá IX thông qua ngày 10/5/1997;
Căn cứ Nghị định số 30/1998/NĐ- CP ngày 13/5/1998, quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp;
Căn cứ văn bản số 1554/CP-KTTH ngày 31/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu thuế cước đối với tàu biển nước ngoài;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu thuế cước đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển của các hãng vận tải nước ngoài như sau:
1- Đối tượng nộp thuế cước theo hướng dẫn ở Thông tư này là các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển từ các cảng biển Việt Nam ra nước ngoài hoặc giữa các cảng biển Việt Nam, bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài dùng tàu biển thuộc sở hữu của mình hoặc thuê tàu để thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển thông qua các đại lý xếp dỡ, giao nhận vận chuyển là các tổ chức, cá nhân Việt nam nhưng các tổ chức, cá nhân nước ngoài là người chịu trách nhiệm pháp lý đối với hàng hóa của chủ hàng.
2- Thông tư này không áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải biển được thành lập và hoạt động theo luật pháp Việt nam như: Công ty vận tải biển Việt Nam hoặc Công ty vận tải biển có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
1. Xác định thuế cước phải nộp:
Thuế cước phải nộp = Tổng tiền cước vận chuyển x Thuế suất thuế cước
Tiền cước vận chuyển làm căn cứ tính thuế là toàn bộ tiền cước thu được từ hoạt động vận chuyển hàng hoá từ cảng xếp hàng của Việt nam đến cảng cuối cùng bốc dỡ hàng hoá đó (bao gồm cả tiền cước của các lô hàng phải chuyển tải qua các cảng trung gian) và/hoặc tiền cước thu được do vận chuyển hàng hoá giữa các cảng Việt nam.
Tiền cước vận chuyển làm căn cứ tính thuế cước không bao gồm tiền cước đã tính thuế cước tại cảng Việt nam đối với chủ tàu nước ngoài và tiền cước trả cho doanh nghiệp vận tải Việt nam do đã tham gia vận chuyển hàng từ Cảng Việt nam đến một cảng trung gian.
Thuế suất thuế cước quy định là 3%.
Ví dụ: Doanh nghiệp Hoa Cúc thực hiện làm Đại lý cho Hãng vận tải Z của nước ngoài. Theo Hợp đồng đại lý vận tải, Doanh nghiệp Hoa Cúc thay mặt hãng Z nhận hàng vận chuyển ra nước ngoài, phát hành vận đơn, thu tiền vận chuyển...
Doanh nghiệp A của Việt nam thuê hãng Z (qua doanh nghiệp Hoa cúc) vận chuyển hàng từ Việt nam sang Hoa kỳ với số tiền vận chuyển là: 100 000USD.
Doanh nghiệp Hoa Cúc đã thuê tàu biển của doanh nghiệp Việt nam hoặc tàu biển nước ngoài chở hàng từ Việt nam sang Singapore với tiền cước vận chuyển là 20 000 USD và từ Singapore hàng sẽ được vận chuyển tiếp sang Hoa kỳ.
Doanh nghiệp Hoa cúc có trách nhiệm khấu trừ thuế cước của Hãng Z nộp cho Ngân sách Nhà nước. Số thuế cước khấu trừ sẽ là : (100 000 - 20 000) x 3%.
Nếu tàu biển nước ngoài chở hàng từ Việt nam sang Singapore thì cơ quan đại lý tàu biển thực hiện thu thuế cước đối với tàu nước ngoài với số tiền là : 20.000 x 3%.
2. Đồng tiền nộp thuế cước là đồng ngoại tệ chuyển đổi.
III . MIỄN THUẾ, GIẢM THUẾ CƯỚC
1- Các tổ chức, cá nhân nước ngoài vận chuyển dầu thô xuất khẩu của Việt Nam được giảm 60% thuế suất quy định.
2- Trong những trường hợp đặc biệt Nhà nước sẽ có quy định cho giảm thuế cước đối với vận chuyển một số mặt hàng cụ thể. Các đối tượng được miễn, giảm nộp thuế phải có đầy đủ tài liệu chứng minh thuộc diện được miễn, giảm nộp thuế trình bày với cơ quan đại lý tàu biển theo từng chuyến hàng. Cơ quan đại lý tàu biển lưu giữ các tài liệu này cuối tháng tổng hợp vào Bảng kê khai thu thuế cước theo Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
3- Đối với tổ chức ,cá nhân nước ngoài thuộc nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt nam thì tùy theo quy định của Hiệp định đã ký để xác định mức miễn giảm thuế cước. Trong các trường hợp này, mức thuế Thu nhập doanh nghiệp làm căn cứ xác định mức miễn giảm theo quy định của Hiệp định là 1% trong tổng mức thuế cước 3% quy định tại Thông tư này.
IV. KÊ KHAI NỘP THUẾ CƯỚC VÀ KIỂM TRA THU NỘP THUẾ CƯỚC
1. Uỷ quyền kê khai, thu nộp thuế cước:
Bộ Tài chính ủy quyền cho các đơn vị làm đại lý tàu biển đã được Cục Hàng hải Việt Nam cấp giấy phép hoạt động đại lý tàu biển và các đại lý giao nhận hàng hoá vận chuyển cho các hãng vận tải nước ngoài trực tiếp thu thuế cước và nộp Ngân sách Nhà nước theo quy định tại Thông tư này.
Đơn vị làm đại lý tàu biển, đại lý giao nhận hàng hoá vận chuyển của các hãng vận tải thuộc tổ chức, cá nhân nước ngoài, ngoài việc đăng ký, kê khai nộp thuế về hoạt động đại lý và hoạt động kinh doanh khác của đơn vị mình, phải thực hiện đăng ký kê khai nộp thuế cước với Cục thuế địa phương theo mẫu tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này. Riêng đại lý các hãng vận tải nước ngoài phải gửi một bản Hợp đồng đại lý (bản sao) cho cơ quan thuế.
Tờ khai đăng ký lập thành 2 bản gửi Cục thuế kiểm tra, xác nhận (1 bản trả lại đơn vị làm đại lý tàu biển, 1 bản cơ quan thuế lưu hồ sơ theo dõi thực hiện nộp thuế). Khi có sự thay đổi các chỉ tiêu đã đăng ký nộp thuế cước hay thay đổi làm đại lý tàu cho các hãng tàu khác hoặc sát nhập, phân chia, giải thể, các đơn vị được ủy quyền thu thuế cước phải kê khai với cơ quan thuế địa phương chậm nhất 5 ngày trước khi có sự thay đổi và thanh toán hết số tiền cước còn nợ Ngân sách Nhà nước.
Tờ khai đăng ký nộp thuế cước đã được cơ quan thuế xác nhận là cơ sở pháp lý xác nhận đơn vị đã được cơ quan thuế ủy quyền thu thuế cước.
2. Trách nhiệm của chủ tàu biển, đại lý của các hãng vận tải nước ngoài:
a ) Trách nhiệm của chủ tàu biển:
Tổ chức, cá nhân nước ngoài là chủ tàu biển khi có tàu biển vào cảng của Việt nam thực hiện việc vận chuyển hàng hoá xuất khẩu hoặc vận chuyển hàng hoá giữa các cảng Việt Nam, có trách nhiệm kê khai đúng doanh thu cước, cung cấp đầy đủ các chứng từ như: hợp đồng vận chuyển, vận đơn và các chứng từ liên quan khác cho đơn vị đại lý tàu biển làm căn cứ xác định thuế cước phải nộp. Thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán tiền thuế cước phải nộp ghi trên biên lai thu thuế cước do đơn vị được uỷ quyền thu thuế cước lập.
b) Trách nhiệm của đại lý các hãng vân tải nước ngoài và các đơn vị làm đại lý tàu biển:
- Kê khai đúng doanh thu cước của các hãng vận tải biển nước ngoài khai thác vận tải biển tại Việt nam, cung cấp đầy đủ các chứng từ như Hợp đồng vận chuyển, vận đơn và các chứng từ liên quan khác cho cơ quan thuế khi có yêu cầu.
- Kiểm tra hợp đồng vận chuyển hàng hoá giữa các chủ tàu và chủ hàng, biểu giá cước chủ tàu công bố phải phù hợp với giá cước trên thị trường thế giới tại thời điểm thực hiện hợp đồng vận chuyển. Tính toán chính xác số thuế phải thu, khấu trừ tiền thuế và/hoặc thu đủ, thu kịp thời thuế cước chủ tàu phải nộp.
- Trường hợp chủ tàu, chủ hàng không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ các tài liệu làm cơ sở tính thuế cước, đơn vị đại lý tàu biển có quyền ấn định số thuế cước của chủ tàu phải nộp dựa trên bản lược khai hàng hoá, biểu giá cước quốc tế hoặc chứng từ có liên quan khác.
- Thông báo thuế cước phải nộp cho chủ tàu biết, viết biên lai thu thuế cước (Biên lai do Bộ Tài chính phát hành theo Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này) trước khi tàu rời cảng. Biên lai thu thuế cước được viết thành 4 liên:
- Liên 1: Báo soát
- Liên 2: Giao cho người nộp thuế
- Liên 3: Dùng để thanh toán
- Liên 4: Lưu tại cuống biên lai
Hàng tháng căn cứ vào biên lai thu thuế cước, đơn vị đại lý tàu biển lập "Bảng kê khai thu thuế cước" theo mẫu tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này gửi cơ quan thuế vào ngày 05 hàng tháng.
- Nộp đầy đủ, kịp thời tiền thuế cước phải nộp vào Ngân sách Nhà nước theo thông báo thuế hàng tháng của cơ quan thuế.
3. Kiểm soát thu thuế cước:
Cảng vụ khi làm thủ tục cho các tàu nước ngoài vận chuyển rời cảng có nhiệm vụ kiểm tra việc nộp thuế cước của chủ tàu. Việc kiểm tra căn cứ vào biên lai nộp thuế, đối chiếu với các hồ sơ liên quan. Trường hợp người vận chuyển chưa nộp hoặc chưa chấp nhận nộp thuế cước thì cảng vụ yêu cầu người vận chuyển phải nộp thuế hoặc chấp nhận nộp thuế trước khi cho tàu rời cảng. Trong những trường hợp đặc biệt phải cho tàu rời cảng thì cảng vụ lập biên bản với chủ tàu xác nhận việc chưa nộp thuế cước (theo mẫu tại Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư này), biên bản lập thành 3 bản giao cho chủ tàu 1 bản, 1 bản gửi Cục thuế địa phương, 1 bản Cảng vụ lưu.
- Hàng tháng căn cứ vào hồ sơ theo dõi tàu ra, tàu vào cảng, Cảng vụ tổng hợp lập Bảng kê khai của Cảng vụ (theo mẫu tại Phụ lục số 5 ban hành kèm theo Thông tư này) gửi Cục thuế địa phương làm cơ sở kiểm tra việc nộp thuế cước. Bảng kê hàng tháng gửi trước ngày 05 tháng sau.
4. Kiểm tra thu, nộp thuế cước của cơ quan thuế:
- Cơ quan thuế có nhiệm vụ kiểm tra bảng kê khai thu thuế cước của các đơn vị đaị lý tàu biển, đại lý Hãng vận tải nước ngoài, kiểm tra đối chiếu với biên lai thu thuế cước, bảng kê về tàu ra, vào cảng của Cảng vụ và các chứng từ có liên quan khác; xác định số thuế cước phải thu và đã nộp ngân sách của các đơn vị đại lý được Bộ Tài chính uỷ quyền thu thuế cước.
- Xác định thuế cước đơn vị đại lý phải nộp, lập thông báo nộp thuế cước hàng tháng gửi đơn vị đại lý thực hiện.
- Xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan pháp luật xử lý các vi phạm về thu nộp thuế cước theo luật pháp hiện hành.
V. XỬ LÝ VI PHẠM VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI.
1/ Xử lý vi phạm:
Các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt nam khai thác vận chuyển hàng hoá bằng tàu biển và các đơn vị được ủy quyền thu thuế cước có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Luật pháp về thuế hiện hành và hướng dẫn tại Thông tư này.
Các chủ tàu biển nước ngoài và/hoặc các đơn vị đại lý được Bộ Tài chính uỷ quyền thu thuế cước chậm nộp thuế cước và/hoặc tiền phạt vi phạm về thuế thì ngoài việc phải nộp đủ tiền thuế, tiền phạt theo quy định, mỗi ngày chậm nộp còn bị phạt 0,1% (1 phần nghìn) trên số tiền chậm nộp.
Các đơn vị đại lý được Bộ Tài chính uỷ quyền thu thuế cước nếu không thực hiện đúng các quy định về đăng ký, kê khai nộp thuế cước sẽ bị xử phạt theo quy định tại Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính.
Các đơn vị được ủy quyền thu thuế cước nếu không thực hiện thu thuế cước theo hướng dẫn tại Thông tư này và nguyên nhân được xác định thuộc trách nhiệm của đơn vị được ủy quyền thì đơn vị được ủy quyền phải nộp phạt bằng số tiền thuế cước thất thu.
2/ Giải quyết khiếu nại:
Các khiếu nại về thuế cước do cơ quan thuế trực tiếp quản lý đơn vị được ủy quyền thu thuế xử lý. Nếu người khiếu nại chưa thoả mãn với xử lý của cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế thì có thể gửi đơn khiếu nại tới Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính. Quyết định xử lý của Bộ trưởng Bộ Tài chính là quyết định cuối cùng. Trong khi chờ quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền, người khiếu nại vẫn phải thực hiện nghiêm chỉnh kết luận của cơ quan thuế địa phương trực tiếp quản lý thu thuế đã đưa ra.
Các khiếu nại về thuế liên quan đến các quy định của một Hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ một nước khác sẽ được giải quyết theo các thủ tục giải quyết khiếu nại và tranh chấp đã quy định trong Hiệp định đó.
1- Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì phối hợp với các đơn vị được ủy quyền, đại lý hàng hải, Cảng vụ tổ chức thực hiện thu thuế cước theo đúng quy định tại Thông tư này.
Bộ Tài chính uỷ quyền cho Cục hàng hải Việt Nam dịch và cung cấp bản dịch Thông tư này ra tiếng Anh, gửi cho các đơn vị làm đại lý làm cơ sở pháp lý thông báo cho các hãng tàu nước ngoài vào cảng Việt Nam khai thác vận chuyển hàng hóa biết để thực hiện nộp thuế cước theo quy định.
2- Các đơn vị được ủy quyền thu thuế cước được hưởng mức thù lao là 1% số thuế cước thực tế thu được. Số tiền thù lao này được khấu trừ từ số thuế cước thu được trước khi nộp vào tài khoản của Ngân sách Nhà nước và được sử dụng để trang trải các chi phí cho việc thu nộp thuế và để khen thưởng cho các cá nhân tham gia thu nộp thuế.
3- Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1999 và thay thế các Thông tư và văn bản hướng dẫn, quy định của Bộ Tài chính về thu thuế cước đã ban hành trước đây.
Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, đề nghị các đơn vị báo cáo về Bộ Tài chính để xem xét, quyết định.
| Phạm Văn Trọng (Đã ký) |
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16/1999/TT-BTC ngày 4/2/1999)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
TỜ KHAI ĐĂNG KÝ THU NỘP THUẾ CƯỚC VẬN TẢI BIỂN
Kính gửi:........................................ (1)
1. Tên đơn vị làm đại lý tàu biển: ...................................... (2)
2. Họ tên Giám đốc: ...........................................................(3)
3. Quyết định thành lập doanh nghiệp số...... ngày...... cơ quan cấp.....
Giấy phép Cục Hàng hải Việt nam cấp...... ngày..... tháng..... năm....
4. Thời gian bắt đầu làm đại lý.............................................(4)
5. Đại lý cho hãng: ..............................................................(5)
6. Địa điểm kinh doanh:......................................................(6)
7. Tổng số vốn kinh doanh: ............. (Đồng Việt nam) (7)
Trong đó : Vốn pháp định.............................
Vốn NSNN cấp...........................
Nguồn vốn khác.........................
8. Hình thức kế toán áp dụng:.............................................
9. Tài khoản số .................... tại Ngân hàng.........................
Tài khoản số .................... tại Kho bạc.............................
10. Đăng ký nộp thuế..........................................................(8)
Xin chịu trách nhiệm về những điểm kê khai trên đây là đúng sự thật và đề nghị được uỷ quyền thu thuế cước.
Ngày....tháng...năm.... Ngày.....tháng .... năm...
Người kiểm tra tờ khai TM cơ quan đại lý tàu biển
Giám đốc
(Ký tên đóng dấu)
Xác nhận đơn vị đại lý tàu biển.......
được uỷ quyền thu thuế cước tàu biển.
Ngày......tháng.....năm
Lãnh đạo cơ quan thuế ký tên đóng dấu
File gốc của Thông tư 16/1999/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế cước đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hoá bằng tàu biển của các hãng vận tải nước ngoài vào Việt Nam khai thác vận tải do Bộ Tài chính ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 16/1999/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế cước đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hoá bằng tàu biển của các hãng vận tải nước ngoài vào Việt Nam khai thác vận tải do Bộ Tài chính ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Số hiệu | 16/1999/TT-BTC |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Phạm Văn Trọng |
Ngày ban hành | 1999-02-04 |
Ngày hiệu lực | 1999-01-01 |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí |
Tình trạng | Hết hiệu lực |