TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 649/TCT-PCCS | Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2006 |
Kính gửi: Cục thuế tỉnh Quảng Nam
Trả lời công văn số 57/CT-TTHT ngày 6/1/2006 của Cục thuế tỉnh Quảng Nam về chính sách thuế, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Tại Điểm 2 Mục I Thông tư số 11/2004/TT-BTC ngày 25/2/2004 hướng dẫn chế độ tài chính áp dụng tại khu kinh tế mở Chu Lai hướng dẫn: “Đối tượng áp dụng các chính sách ưu đãi về tài chính quy định trong Thông tư này là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh tại KKTM Chu Lai, bao gồm:
a. Các nhà đầu tư trong nước thuộc các thành phần kinh tế hoạt động theo quy định của Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, các hộ kinh doanh cá thể và các cá nhân hành nghề độc lập.
b. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài lao động bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia Hợp đồng hợp tác kinh doanh, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoạt động theo các hình thức quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh không theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.
Căn cứ vào hướng dẫn nêu trên các hoạt động kinh doanh của tổ chức Việt Nam gồm các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại khu kinh tế thương mại Chu Lai mà không đăng ký kinh doanh theo Luật doanh nghiệp Nhà nước, Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã, các hộ kinh doanh cá thể thì không thuộc đối tượng được ưu đãi theo thông tư số 11/2004/TT-BTC nêu trên.
2. Tại Khoản 4 Điều 13 Luật kế toán 17/6/2003 quy định: “Trường hợp kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng có thời gian ngắn hơn 90 ngày thì được phép cộng với kỳ kế toán năm tiếp theo hoặc cộng với kỳ kế toán năm trước đó để hình thành một kỳ kế toán năm. Kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng phải ngắn hơn 15 tháng”.
Tại Khoản 3 Điều 13 Luật kế toán 17/6/2003 cũng quy định: “3. Đơn vị kế toán khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc phá sản thì kỳ kế toán cuối cùng tính từ đầu ngày kỳ kế toán năm, kỳ kế toán quý, kỳ kế toán tháng theo quy định tại Khoản 1 Điều này đến hết ngày trước ngày ghi trên quyết định chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể chấm dứt hoạt động hoặc phá sản đơn vị kế toán có hiệu lực”.
Căn cứ vào quy định nêu trên doanh nghiệp mới thành lập nếu có kỳ kế toán năm đầu tiên dưới 90 ngày thì được áp dụng theo quy định tại Khoản 4 Điều 13 Luật kế toán nêu trên; các doanh nghiệp chia, tách, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc phá sản thì xác định kỳ kế toán cuối cùng để quyết toán thuế theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Luật kế toán nêu trên, nếu kỳ kế toán cuối cùng xác định theo Khoản 3 Điều 13 có thời gian ngắn hơn 90 ngày thì xác định lại kỳ kế toán theo Khoản 4 Điều 13 Luật kế toán nêu trên.
3. Tại Điểm 1 Mục II Phần B Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật thuế giá trị gia tăng hướng dẫn: “Hàng hóa gia công xuất khẩu chuyển tiếp theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hóa với nước ngoài. Trường hợp này áp dụng đối với hàng gia công xuất khẩu của cơ sở trực tiếp gia công theo hợp đồng gia công cơ sở đã ký với bên nước ngoài (gọi là cơ sở giao hàng), nhưng hàng gia công chưa được xuất khẩu ra nước ngoài mà được giao chuyển tiếp cho cơ sở khác ở trong nước (gọi là cơ sở nhận hàng) theo chỉ định của bên nước ngoài để tiếp tục gia công thành sản phẩm hoàn chỉnh theo hợp đồng gia công đã ký với nước ngoài, tiền gia công do bên nước ngoài trực tiếp thanh toán”.
Căn cứ vào hướng dẫn nêu trên, trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng gia công giặt tẩy hàng dệt may trực tiếp với khách hàng nước ngoài, hàng được giặt tẩy xong thì được giao lại cho doanh nghiệp trong nước để xuất khẩu nếu đủ các điều kiện, thủ tục, hồ sơ theo hướng dẫn tại Điểm 1.2 đ.1 Mục III Phần B Thông tư số 120/2003/TT-BTC thì được coi là xuất khẩu theo hình thức hàng hóa gia công xuất khẩu chuyển tiếp.
Tổng cục Thuế thông báo để Cục thuế biết và thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
File gốc của Công văn số 649/TCT-PCCS của Tổng Cục Thuế về chính sách thuế đang được cập nhật.
Công văn số 649/TCT-PCCS của Tổng Cục Thuế về chính sách thuế
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tổng cục Thuế |
Số hiệu | 649/TCT-PCCS |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Phạm Duy Khương |
Ngày ban hành | 2006-02-21 |
Ngày hiệu lực | 2006-02-21 |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí |
Tình trạng | Còn hiệu lực |