Thông tư 38/2015/TT-BTC Quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Điều 43. Bảo lãnh số tiền thuế phải nộp
1. Việc bảo lãnh số tiền thuế phải nộp được thực hiện theo một trong hai hình thức: bảo lãnh riêng hoặc bảo lãnh chung.
a) Bảo lãnh riêng là việc tổ chức tín dụng hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng cam kết bảo lãnh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp số tiền thuế cho một tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp đã được tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh nhưng hết thời hạn bảo lãnh mà người nộp thuế chưa nộp tiền thuế và tiền chậm nộp (nếu có) thì tổ chức nhận bảo lãnh có trách nhiệm nộp đủ tiền thuế, tiền chậm nộp thay người nộp thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13. khoản 2 Điều 114 Luật Quản lý thuế.
b) Bảo lãnh chung là việc tổ chức tín dụng hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng cam kết bảo lãnh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp số tiền thuế cho hai tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trở lên tại một hoặc nhiều Chi cục Hải quan. Bảo lãnh chung được trừ lùi, được khôi phục mức bảo lãnh tương ứng với số tiền thuế đã nộp.
Trường hợp đã được tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh nhưng hết thời hạn bảo lãnh đối với từng tờ khai mà người nộp thuế chưa nộp thuế và tiền chậm nộp (nếu có), thì tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh có trách nhiệm nộp đủ tiền thuế, tiền chậm nộp thay người nộp thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13. khoản 2 Điều 114 Luật Quản lý thuế.
2. Cơ quan hải quan chấp nhận áp dụng bảo lãnh nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
a) Điều kiện người nộp thuế được áp dụng bảo lãnh:
a.1) Người nộp thuế có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tối thiểu 365 ngày tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Trong thời gian 365 ngày trở về trước kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu được cơ quan hải quan xác định là:
a.1.1) Không có trong danh sách đã bị xử lý về hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới của cơ quan hải quan.
a.1.2) Không có trong danh sách đã bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế của cơ quan hải quan.
a.1.3) Không quá hai lần bị xử lý về các hành vi vi phạm khác về hải quan (bao gồm cả hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu) với mức phạt tiền vượt thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
a.2) Không có trong danh sách còn nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.
b) Có Thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng ghi rõ số tiền thuế thực hiện bảo lãnh, thời hạn bảo lãnh, cam kết với cơ quan hải quan liên quan về việc bảo đảm khả năng thực hiện và chịu trách nhiệm nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp thay cho người nộp thuế khi hết thời hạn bảo lãnh nhưng người nộp thuế chưa nộp thuế.
3. Thủ tục đối với hình thức bảo lãnh riêng
a) Khi làm thủ tục cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu, nếu thực hiện bảo lãnh người nộp thuế nộp Thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh cho cơ quan hải quan.
b) Nội dung Thư bảo lãnh riêng thực hiện theo mẫu số 05/TBLR/TXNK phụ lục VI ban hành kèm Thông tư này.
c) Cơ quan hải quan kiểm tra các điều kiện bảo lãnh theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều này, nội dung thư bảo lãnh theo mẫu và xử lý việc bảo lãnh như sau:
c.1) Xác định thời hạn nộp thuế theo thời hạn bảo lãnh nhưng không được quá thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 42 Luật Quản lý thuế được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13.
c.2) Trường hợp số tiền thuế bảo lãnh nhỏ hơn số tiền thuế phải nộp, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định thông quan số lượng hàng hóa tương ứng với số tiền thuế được bảo lãnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xử lý này. Trường hợp người nộp thuế muốn thông quan cho toàn bộ lô hàng, người nộp thuế phải nộp số tiền thuế chênh lệch chưa được bảo lãnh trước khi nhận hàng.
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được bảo lãnh là hàng rời, hàng khí hóa lỏng có số tiền bảo lãnh ít hơn số tiền thuế phải nộp, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định thông quan số lượng hàng hóa tối đa không quá số lượng tương ứng với số tiền được bảo lãnh.
c.3) Trường hợp không đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo lãnh, cơ quan hải quan có văn bản thông báo từ chối áp dụng bảo lãnh cho người nộp thuế biết. Trường hợp nghi ngờ tính trung thực của Thư bảo lãnh thì có văn bản trao đổi với tổ chức tín dụng bảo lãnh để xác minh.
d) Theo dõi, xử lý việc bảo lãnh:
d.1) Hết thời hạn nộp thuế nhưng người nộp thuế chưa nộp hết số tiền thuế được bảo lãnh thì tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh có trách nhiệm nộp đủ số tiền thuế và tiền chậm nộp (nếu có) thay cho người nộp thuế.
d.2) Cơ quan hải quan có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc nhắc nhở người nộp thuế, tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh thực hiện nộp đủ tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định.
Cơ quan hải quan nơi phát hiện tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh không thực hiện đúng cam kết có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hoặc trên Hệ thống dữ liệu điện tử (nếu đã có Hệ thống dữ liệu điện tử) cho các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc để không chấp nhận Thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng đó.
d.3) Trường hợp người nộp thuế và tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh cùng đồng thời nộp thuế, tiền chậm nộp (nếu có) thì tiền thuế, tiền chậm nộp, nộp thừa được hoàn trả cho tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh.
4. Thủ tục đối với hình thức bảo lãnh chung
a) Trước khi làm thủ tục cho hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, người nộp thuế có văn bản gửi Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai đề nghị được bảo lãnh chung cho hàng hoá nhập khẩu theo mẫu số 06A/ĐĐNBLC/TXNK phụ lục VI ban hành kèm Thông tư này.
b) Nội dung Thư bảo lãnh chung thực hiện theo mẫu số 06/TBLC/TXNK phụ lục VI ban hành kèm Thông tư này.
c) Cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai kiểm tra các điều kiện bảo lãnh hướng dẫn tại khoản 2 Điều này. Trường hợp đáp ứng đủ các điều kiện bảo lãnh thì chấp nhận bảo lãnh chung cho các tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của người nộp thuế đăng ký trong khoảng thời gian người nộp thuế đề nghị được bảo lãnh ghi trên Thư bảo lãnh, xác định thời hạn nộp thuế theo thời hạn bảo lãnh đối với từng lô hàng theo qui định.
Trường hợp không đáp ứng các điều kiện bảo lãnh, cơ quan hải quan có văn bản từ chối áp dụng bảo lãnh và thông báo cho người nộp thuế biết.
Trường hợp nghi ngờ tính trung thực của Thư bảo lãnh, cơ quan hải quan có văn bản trao đổi với tổ chức tín dụng bảo lãnh để xác minh, xử lý theo quy định.
d) Trường hợp số tiền bảo lãnh còn lại nhỏ hơn số tiền thuế phải nộp được xử lý tương tự như quy định tại điểm c.2 khoản 3 Điều này.
đ) Việc theo dõi, xử lý bảo lãnh thực hiện tương tự như điểm d khoản 3 Điều này và phải theo dõi trừ lùi, đảm bảo số tiền thuế mỗi lần bảo lãnh phải nhỏ hơn hoặc bằng số dư của bảo lãnh chung và được khôi phục hạn mức bảo lãnh tương ứng với số thuế đã nộp của tờ khai sử dụng bảo lãnh. Hạn mức còn lại của thư bảo lãnh được căn cứ trên hạn mức ban đầu của thư bảo lãnh trừ (-) số tiền thuế đã thực hiện bảo lãnh cộng (+) số tiền thuế đã nộp vào Ngân sách Nhà nước cho các tờ khai đã thực hiện bảo lãnh chung.
e) Trường hợp tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh có văn bản đề nghị dừng sử dụng bảo lãnh chung (hủy ngang): Cơ quan hải quan khi nhận được văn bản đề nghị dừng bảo lãnh chung của tổ chức tín dụng nhận bảo lãnh thì thực hiện dừng ngay việc sử dụng bảo lãnh chung đó trên Hệ thống, có văn bản thông báo cho tổ chức tín dụng việc chấp thuận dừng bảo lãnh chung với điều kiện tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt (nếu có) của các tờ khai đã sử dụng bảo lãnh chung đó đã được nộp đủ vào ngân sách Nhà nước.
5. Trường hợp bảo lãnh thuế bằng phương thức điện tử của các ngân hàng thương mại đã ký kết, thỏa thuận phối hợp thu với Tổng cục Hải quan: Khi nhận được thông tin số tiền bảo lãnh thuế tại ngân hàng thương mại qua Hệ thống thanh toán điện tử trên cổng thanh toán điện tử của Tổng cục Hải quan, cơ quan hải quan cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Tổng cục Hải quan và chấp nhận thông quan hàng hóa. Việc theo dõi, xử lý bảo lãnh thực hiện tương tự như điểm d khoản 3 và điểm đ khoản 4 Điều này.