BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 233-TĐC-TTr | Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 1995 |
CÔNG VĂN
CỦA BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG SỐ : 233 TĐC-TTR NGÀY 31 THÁNG 03 NĂM 1995
Kính gửi | - Chánh Thanh tra Tổng cục. |
Để kiện toàn công tác thanh tra trong hệ thống Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, sau khi bàn bạc và thống nhất với Thanh tra Bộ KH,CN và MT Tổng cục quy định như sau :
1.Thanh tra Tổng cục:
1.1. Tổng cục trưởng và Chánh thanh tra Tổng cục thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong Quy chế về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tổng cục TCĐLCL kèm theo Quyết định 1068/QĐ-TĐC ngày 23 tháng 9 năm 1994 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (về việc ban hành Quy chế về tổ chức bộ máy và hoạt động của Thanh tra Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng).
1.2. Các Phó Chánh thanh tra Tổng cục là người phụ trách trực tiếp các Thanh tra viên tại Tổng cục (đối với Bộ phận Tổng hợp) hoặc tại khu vực 1,2,3 (đối với Bộ phận Thanh tra Tổng cục đặt tại các khu vực), theo điều 5.3 của Quy chế kèm theo Quyết định 1068/QĐ-TĐC.
1.3. Các thanh tra viên phải được bổ nhiệm chính thức theo Pháp lệnh Thanh tra và thực hiện điều 10 của Quyết định 1068/QĐ-TĐC.
1.4. Bộ phận Tổng hợp của Thanh tra Tổng cục có trách nhiệm :
- Theo dõi, giải quyết những vấn đề chung trong nghiệp vụ thanh tra TCĐLCL.
- Tổng hợp kế hoạch Thanh tra TCĐLCL hàng năm, thống nhất các mục tiêu, đối tượng thanh tra từng thời kỳ. Xây dựng các báo cáo Thanh tra TCĐLCL hàng tháng, quý, năm.
Phối hợp với các đơn vị chức năng của Tổng cục để xây dựng kế hoạch thanh tra và là đầu mối tổ chức các đoàn thanh tra của Tổng cục để thanh tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về TCĐLCL, về các quy định của Nhà nước, của cấp trên và kế hoạch công tác được giao tại các đơn vị trực thuộc Tổng cục.
- Trực tiếp quan hệ và nhận sự chỉ đạo của Thanh tra Bộ.
1.5. Bộ phận Thanh tra Tổng cục đặt tại các khu vực tiến hành công tác thanh tra theo điều 11 và 12 của Quy chế kèm theo Quyết định 1068/QĐ-TĐC.
1.6. Căn cứ để tiến hành thanh tra bao gồm :
a) Kế hoạch thanh tra được lập theo yêu cầu quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá và đo lường.
b) Khi có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về chất lượng hàng hoá và đo lường.
c) Khi phát hiện các vụ việc vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hoá và đo lường hoặc khi được cơ quan quản lý cấp trên giao.
1.7. Quyết định thanh tra phải lập đúng thủ tục, ghi rõ nội dung và thời hạn tiến hành thanh tra; thanh tra định kỳ phải gửi trước cho cơ sở ít nhất là 10 ngày.
Nội dung thanh tra phải đúng với các quy định hiện hành :
- Nghị định 327/HĐBT ngày 19/10/1991 (điều 25) và QĐ 400/QĐ ngày 10/6/1992 (điểm 1).
- Nghị định 115/HĐBT ngày 13/4/1991 (điều 24) và QĐ 380/QĐ ngày 1/7/1991 (điểm 4).
- Quy chế kèm theo Quyết định 1068/QĐ-TĐC (chương II).
1.8. Quyết định thanh tra do các Phó Chánh thanh tra Tổng cục ký phải được gửi ngay cho Chánh thanh tra Tổng cục để biết và gửi Chi cục trưởng liên đới để phối hợp trước khi thực hiện công tác thanh tra. Nếu Chi cục là đối tượng thanh tra thì việc thanh tra do Phó Chánh thanh tra Tổng cục thực hiện.
Khi kết thúc thanh tra, các cấp quyết định thanh tra phải báo cáo kết quả thanh tra, các biện pháp xử lý lên cấp trên trực tiếp, lưu trữ, bảo quản các hồ sơ thanh tra tại đơn vị.
2. Thanh tra Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại các Chi cục TCĐLCL tỉnh và thành phố.
2.1. Tại các Chi cục TCĐLCL chỉ có thanh tra viên TCĐLCL được bổ nhiệm theo Pháp lệnh Thanh tra do Chi cục trưởng trực tiếp quản lý và chịu sự hướng dẫn về nghiệp vụ của Thanh tra Tổng cục tại khu vực.
2.2. Căn cứ tiến hành và nội dung thanh tra thực hiện theo điểm 1.6 và 1.7 của quy định này, và khi Giám đốc Sở hoặc Chánh thanh tra Sở yêu cầu.
2.3. Chi cục trưởng ký các quyết định thanh tra, phân công các thanh tra viên thực hiện, chịu trách nhiệm về kết quả thanh tra. Hàng tháng, Chi cục trưởng tập hợp các hoạt động thanh tra trong tháng và báo cáo cho các Phó chánh Thanh tra Tổng cục tại Khu vực và Chánh Thanh tra Sở để tổng hợp, báo cáo Tổng cục và Sở. Khi có các vụ việc quan trọng, đột xuất cần báo cáo kịp thời (bằng fax).
3. Phân cấp thanh tra :
3.1. Tổng cục trưởng quyết định thanh tra theo điều 18.1 của Quy chế kèm theo Quy định 1068/QĐ-TĐC.
3.2. Chánh thanh tra Tổng cục quyết định thanh tra theo điều 18.2 của Quy chế kèm theo Quyết định 1068/QĐ-TĐC.
3.3. Phó Chánh thanh tra Tổng cục tại Khu vực (1,2,3) quyết định thanh tra dựa vào các căn cứ nói ở điểm 1.6 và nội dung nói ở điều 1.7 của quy chế này, trên địa bàn khu vực tương ứng.
3.4. Chi cục trưởng quyết định thanh tra như điểm 3.3. nói trên và thực hiện trong địa bàn của Chi cục.
3.5. Tùy theo yêu cầu, Phó Chánh thanh tra Tổng cục tại Khu vực và các Chi cục trưởng có thể phối hợp thanh tra liên tỉnh, thành phố trên địa bàn Khu vực. Trong trường hợp đó Phó Chánh thanh tra Tổng cục ra Quyết định thanh tra.
3.6. Trong trường hợp cần thiết, thanh tra viên sử dụng thẻ thanh tra viên để thực hiện nhiệm vụ thanh tra bất thường sẽ tự chịu trách nhiệm về toàn bộ vụ thanh tra theo quy định của Pháp luật và phải báo cáo ngay cấp trên trong vòng 24 giờ.
3.7. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục thực hiện trách nhiệm nói ở điều 15 và điều 16 của Quyết định kèm theo quyết định 1068/QĐ-TĐC.
3.8. Thẩm quyền xử phạt được thực hiện theo Quyết định 399/QĐ ngày 10/6/1992 của Chủ nhiệm ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Bộ trưởng Bộ KH,CN và MT).
4. Tổ chức thực hiện.
4.1. Trước ngày 30/6/1995 phải hoàn tất các việc như sau:
- Bổ nhiệm các Phó Chánh thanh tra Tổng cục.
- Trong khi chờ đợi quyết định bổ nhiệm, các đồng chí sau đây thực hiện trách nhiệm các Phó Chánh thanh tra Tổng cục;
. Nguyễn Hữu Cư (Bộ phận Tổng hợp tại Tổng cục).
. Đặng Văn Sửu (Bộ phận Thanh tra Tổng cục tại Khu vực 1).
. Đỗ Kim Bảo (Bộ phận Thanh tra Tổng cục tại Khu vực 2).
. Nguyễn Trung Nhật (Bộ phận Thanh tra Tổng cục Đặt tại Khu vực 3).
- Tổng cục làm thủ tục để trình Bộ trưởng bổ nhiệm và đề nghị bổ nhiệm thanh tra viên các cấp của Tổng cục, các Chi cục làm thủ tục để Giám đốc Sở đề nghị bổ nhiệm thanh tra viên của Chi cục và báo cáo danh sách Thanh tra viên các Chi cục với Phó Chánh thanh tra Tổng cục tại khu vực (Thẩm quyền và thủ tục bổ nhiệm Thanh tra viên thực hiện theo điều 5 - Nghị định 191/HĐBT ngày 18 tháng 6 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng nay là Chính phủ, về việc ban hành Quy chế Thanh tra viên).
- Trang bị đồng phục cho cán bộ của hệ thống thanh tra TCĐLCL của Tổng cục và các Chi cục theo hướng dẫn số 422/TTNN ngày 5 tháng 11 năm 1991 của Thanh tra Nhà nước (về việc hướng dẫn trang phục cho Thanh tra viên).
Bộ phận Tổng hợp của Thanh tra Tổng cục thông báo cho Thanh tra Tổng cục tại các Khu vực và các Chi cục về mẫu và màu sắc thống nhất của trang phục, chi phí cần thiết để các khu vực và chi cục dự trù, xin kinh phí trang bị.
- Thu hồi các thẻ thanh tra viên đã cấp trước đây để trả lại nơi đã cấp, trừ các trường hợp đã cấp theo Pháp lệnh thanh tra.
Tập huấn tất cả các cán bộ và thanh tra viên về công tác thanh tra..
4.2. Kể từ 1 tháng 7 năm 1995 chỉ được tiến hành thanh tra khi:
- Cán bộ và thanh tra viên đã được bổ nhiệm đúng quy định;
- Đã có đủ trang phục cho cán bộ và thanh tra viên.
4.3. Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ báo cáo theo quy định kể từ ngày ký văn bản này.
4.4. Đồng chí Chánh Thanh tra Tổng cục chỉ đạo và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các quy định trên đây.
| Nguyễn Hữu Thiện (Đã ký) |
File gốc của Công văn về việc kiện toàn công tác thanh tra trong hệ thống Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đang được cập nhật.
Công văn về việc kiện toàn công tác thanh tra trong hệ thống Tiêu chuẩn đo lường chất lượng
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường |
Số hiệu | 233-TĐC-TTr |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Nguyễn Hữu Thiện |
Ngày ban hành | 1995-03-31 |
Ngày hiệu lực | 1995-03-31 |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
Tình trạng | Còn hiệu lực |