Thông tư 158/2013/TT-BTC hướng dẫn về giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Điều 18. Chế độ báo cáo đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu
1. Báo cáo đánh giá tình hình tài chính:
a) Định kỳ (06 tháng và hàng năm), Hội đồng thành viên (Chủ tịch công ty) doanh nghiệp phải lập Báo cáo đánh giá tình hình tài chính theo các nội dung quy định tại Điều 6 Quy chế ban hành kèm theo Nghị định số 61/2013/NĐ-CP và hướng dẫn tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này.
Báo cáo đánh giá tình hình tài chính được gửi cho chủ sở hữu, cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ quản lý ngành quyết định thành lập, Sở Tài chính đối với doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập).
Thời điểm nộp báo cáo cùng với thời điểm nộp báo cáo tài chính giữa niên độ hoặc năm theo quy định của chế độ kế toán. Riêng báo cáo bất thường, báo cáo theo yêu cầu phải nộp theo thời hạn quy định của cơ quan yêu cầu báo cáo. Đối với doanh nghiệp thuộc diện giám sát tài chính đặc biệt phải gửi báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, năm.
2. Báo cáo giám sát tài chính và Báo cáo kết quả giám sát tài chính:
a) Bộ quản lý ngành lập Báo cáo giám sát tài chính và Báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực được phân công như quy định nêu tại Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Nghị định số 61/2013/NĐ-CP và gửi về Bộ Tài chính trước ngày 31/8 cùng năm đối với báo cáo 6 tháng và trước ngày 31/5 năm sau đối với báo cáo năm.
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập Báo cáo giám sát tài chính và Báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực được phân công như quy định nêu tại Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Nghị định số 61/2013/NĐ-CP gửi về Bộ Tài chính trước ngày 31/8 cùng năm đối với báo cáo 6 tháng và trước ngày 31/5 năm sau đối với báo cáo năm.
c) SCIC lập Báo cáo giám sát tài chính và Báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tiếp nhận từ các Bộ quản lý ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi về Bộ Tài chính trước ngày 31/8 cùng năm đối với báo cáo 6 tháng và trước ngày 31/5 năm sau đối với báo cáo năm.
d) Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo kết quả giám sát của các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9 cùng năm đối với báo cáo 6 tháng và trước ngày 31/7 năm sau đối với báo cáo năm.
3. Báo cáo đánh giá hiệu quả và xếp loại doanh nghiệp:
a) Doanh nghiệp phải gửi báo cáo đánh giá hiệu quả và xếp loại của năm báo cáo cho chủ sở hữu và cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp cùng cấp (Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp do Bộ quản lý ngành quyết định thành lập, Sở Tài chính đối với doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập) vào trước ngày 30/4 năm sau. Báo cáo được lập theo Biểu 01 và Biểu 02 – Mẫu số 04 quy định kèm theo Thông tư này.
b) Bộ quản lý ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thẩm định và gửi kết quả xếp loại năm báo cáo của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực được phân công cho Bộ Tài chính vào trước ngày 31/5 năm sau.
c) Việc xếp loại các công ty mẹ do Thủ tướng Chính phủ, Bộ quản lý ngành, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập. công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Bộ quản lý ngành quyết định thành lập được công bố sau khi có ý kiến tham gia bằng văn bản của Bộ Tài chính và được thực hiện trước ngày 31/7.
Điều 19. Chế độ báo cáo đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước
Báo cáo giám sát tài chính:
a) Định kỳ 6 tháng và hàng năm, Người đại diện lập báo cáo giám sát tài chính đối với doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, gửi cho chủ sở hữu và cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp cùng cấp trước ngày 31/7 hàng năm đối với báo cáo 6 tháng và trước ngày 31/3 năm sau đối với báo cáo hàng năm.
b) Định kỳ hàng năm, Người đại diện lập báo cáo giám sát tài chính đối với doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ gửi cho chủ sở hữu trước ngày 31/3 năm sau.
2. Báo cáo kết quả giám sát tài chính:
a) Bộ quản lý ngành gửi Báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực được phân công như đã nêu tại Khoản 1 Điều 20 Quy chế ban hành kèm theo Nghị định số 61/2013/NĐ-CP về Bộ Tài chính trước ngày 31/8 cùng năm đối với báo cáo 6 tháng và trước ngày 31/5 năm sau đối với báo cáo năm.
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực được phân công như đã nêu tại Khoản 2 Điều 20 Quy chế ban hành kèm theo Nghị định số 61/2013/NĐ-CP về Bộ Tài chính trước ngày 31/8 cùng năm đối với báo cáo 6 tháng và trước ngày 31/5 năm sau đối với báo cáo năm.
c) SCIC gửi Báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước tiếp nhận từ các Bộ quản lý ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về Bộ Tài chính trước ngày 31/8 cùng năm đối với báo cáo 6 tháng và trước ngày 31/5 năm sau đối với báo cáo năm.
d) Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo kết quả giám sát của các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9 cùng năm đối với báo cáo 6 tháng và trước ngày 31/7 năm sau đối với báo cáo năm