THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 01-TTg/TT | Hà Nội, ngày 01 tháng 1 năm 1957 |
Kính gửi: Uỷ ban hành chính các liên khu, khu, thành phố và các tỉnh
Trong bước 3 sắp tới, số người phải xét trả lại tự do cũng còn nhiều; trong số này có một số người ở bước 1và bước 2 còn sót lại.
Những người cần xét trong bước 3, thành phần rất phức tạp: đa số là địa chủ, có người có tội trước Cách mạng Tháng Tám, có người làm ngụy quân, ngụy quyền, có tội ác trong thời gian kháng chiến bị kết án về tội hình và hộ.
Do tính chất phức tạp như trên, nên việc xét trả lại tự do trong bước 3 sẽ có nhiều khó khăn, cần nắm vững phương châm không tha lầm một kẻ có tội và không giữ lại một người bị oan và phải tiến hành một cách thận trọng. Cần nhận thức rõ nếu tha lầm người có tội, sẽ gây ảnh hưởng chính trị xấu trong nhân dân và có nhiều hậu quả tai hại: sẽ làm cho quần chúng không phân biệt ranh giới giữa ta địch; sẽ gây nhiều khó khăn trong việc ổn định tình hình, giữ gìn trật tự trị an và còn ảnh hưởng lâu dài trong việc củng cố miền Bắc, trong cuộc đấu tranh cách mạng tiến lên xã hội chủ nghĩa sau này.
I- TIÊU CHUẨN, CHÍNH SÁCH, THỦ TỤC XÉT TRONG BƯỚC 3:
1. Tiêu chuẩn xét trả lại tự do cho những người bị xử trí oan trong bước 3
Ngoài việc phải tiếp tục xét trả lại tự do cho những người thuộc tiêu chuẩn bước 1, bước 2 còn sót lại, trong bước 3 sẽ trả lại tự do cho những người thuộc nông dân lao động bị quy sai là địa chủ và bị kết luận sai là phản động và địa chủ kháng chiến hoặc địa chủ thường bị kết luận sai là phản động hoặc phá hoại hiện hành đã bị bắt giam (Thông tư số 5983-P1 của Thủ tướng phủ).
Trong khi tiến hành bước 1, bước 2 có một số trường hợp cần để xem xét tiếp bước 3. Do đó những người cần được xét trả lại tự do trong bước 3 gồm những trường hợp cụ thể như sau:
a) Những người thuộc thành phần nhân dân lao động, phú nông bị quy sai là địa chủ và kết luận oan là phản động hoặc bị kết án về tội cường hào gian ác.
b) Những người thuộc thành phần nông dân lao động trước đây là ngụy quân, ngụy quyền, bị quy sai là cường hào gian ác cá biệt hoặc phần tử phản cách mạng hiện hành; nay xét những tội ấy không đáng trừng trị.
c) Những địa chủ kháng chiến, địa chủ thường bị kết án oan về tội phản động hoặc tội phá hoại hiện hành, hoặc bị kết án oan về tội cường hào gian ác, nay thấy rõ ràng là oan (để phân biệt rõ địa chủ cường hào gian ác thì cần nghiên cứu bản điều lệ số 472-TTg ngày 1-3-1955 và thông tư bổ sung số 1196-TTg ngày 28-12-1956 của Thủ tướng phủ đã quy định rõ thế nào là địa chủ cường hào gian ác.
d) Từng lớp trên ở miền núi (thổ ty, lang đạo, thống lý, quan mán) bị kết tội oan về cường hào gian ác, về phản động trước cải cách ruộng đất hay trong cuộc vận động lập Khu tự trị.
e) Những người hoặc là cán bộ, bộ đội hoặc là gia đình cán bộ bộ đội, thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, với kháng chiến, đáng lẽ được xét trong bước 1 nhưng có tội và quần chúng đòi phải trừng trị, nên phải để lại xét trong bước 3 .
Tóm lại: trong bước 3 ta phải xét lại tất cả những người bị kết án sai là phản động hay phá hoại hiện hành hay kết án sai về tội cường hào gian ác trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức vận động lập Khu tự trị; người nào đúng là cường hào gian ác, và phản động hay phá hoại hiện hành thì không xét trả lại tự do; còn việc ân giảm, ân xá thì xem xét sau.
2. Chính sách xử lý đối với một số loại xét trong bước 3
a) Đối với những người thực sự là oan, toà án xét lại, huỷ bỏ bản án cũ, trao lại tự do cho người bị kết án oan.
b) Đối với những người có ít tội, nhưng tội không đáng trừng trị thì toà án cũng xét lại, cải án và miễn tố cho can phạm.
c) Đối với những người có tội tương đối nặng hơn trường hợp trên, nhưng xét có thể khoan hồng và những người thực sự có tội, đáng xử nhẹ, nhưng đã xử quá nặng thì cũng cải án để phóng thích (Những trường hợp xử nặng ít nhiều, như đáng 5 năm xử 10 năm, 15 năm ... thì sẽ xét hoặc ân giảm, ân xá trong một dịp khác).
d) Đối với những người có phạm những tội trước Cách mạng Tháng Tám, cần căn cứ vào nguyên tắc tội trước cách mạng nhẹ hơn tội sau cách mạng mà xử trí khoan hồng. Trong loại này, cần phân biệt:
- Đối với nhân dân lao động có những tội trước Cách mạng Tháng Tám mà bị kết án tù thì nay coi những tội đó không đáng trừng trị, toà án huỷ bỏ bản án cũ và trả lại tự do
- Đối với địa chủ phạm tội ác trước Cách mạng nhưng không nặng lắm và từ khi cách mạng thành công đến nay đã biết tuân theo pháp luật, không có những hành động chống phá chính sách gì thì coi như tội đó không đáng trừng trị và cho ân xá.
Trường hợp cá biệt, tuy sau cách mạng không có tội, nhưng tội trước cách mạng quá nặng (nhiều nợ máu nhân dân, oán ghét và tha thiết yêu cầu trừng trị) thì dù là nông dân hay địa chủ cũng phải giữ lại.
đ) Đối với những người phạm tội trong thời kỳ tạm chiếm theo Sắc lệnh số 218/SL ngày 1-10-1954 nói về "không trừng phạt những người đã hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh thì nói chung đối với những người đã bị kết án về tội việt gian, phản động, làm tề, ngụy ... đều được khoan hồng và tha. Nhưng đối với những tên dựa vào thế lực địch, phạm những tội ác nghiêm trọng và nhân dân oán ghét, yêu cầu trừng trị thì giữ lại, vì chúng đã phạm vào tội hình sự như đốt nhà hay cướp của, giết người.
3. Phương pháp xác minh lại tội trạng
Việc tiến hành xết bước 3 lần này cần lồng vào công tác bước 2 của kế hoạch sửa sai toàn diện mà xác minh lại thành phần, điều tra thu thập tài liệu, xác minh các tội trạng, cũng như thực hiện việc công bố ở xã và giải quyết các vấn đề về quyền lợi chính trị, kinh tế cho những người được xét trả lại tự do trong bước 3.
Công tác điều tra xác minh là do uỷ ban hành chính xã (đã được kiện toàn theo kế hoạch sửa sai toàn diện ), nhưng cần có sự hướng dẫn, theo dõi chặt chẽ của toà án, ty công an tỉnh. Các cấp tư pháp và công an liên khu và tỉnh, cần có kế hoạch cụ thể giúp đỡ cho ủy ban hành chính huyện, xã trong việc này.
Phương pháp xác minh chủ yếu là dựa vào cán bộ cũ và mới, quần chúng tốt ở xã được học tập thông suốt chủ trương của Đảng và Chính phủ về việc trả lại tự do. Trong những trường hợp khó khăn, phức tạp, thì công an và toà án cần phối hợp cử cán bộ về tận nơi xác minh từng vụ, thu thập tài liệu thật chính xác để cùng xã có một kết luận chung cho thống nhất.
4. Vấn đề áp dụng thủ tục pháp lý:
a) Việc xét xử laị các bản án:
Việc xét lại các án do Toà án nhân dân khu phụ trách. Bộ Tư pháp sẽ có chỉ thị hướng dẫn về thủ tục pháp lý cho các Toà án khu.
b) Việc công bố án:
Việc công bố án phải theo đúng thủ tục pháp lý. Các bản án và các quyết định miễn tố, phóng thích, ân xá, sẽ tổ chức công bố ở xã, do ủy ban hành chính xã phụ trách.
-Đối với nhân dân lao động bị kích lên địa chủ và đối với địa chủ kháng chiến thì hình thức công bố như bước 2.
- Đối với địa chủ thì không công bố rộng rãi, chỉ cần giải thích cho nhân dân hiểu rõ chính sách khoan hồng, chủ trương trả lại tự do để nhân dân yên tâm.
- Không sao bản án cho đương sự giữ đem về xã.
II - GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÓ LIÊN QUAN TRONG VIỆC XÉT XỬ TRẢ LẠI TỰ DO TRONG CẢ BA BƯỚC
Trong thời gian giải quyết việc trả lại tự do bước 1 và bước 2, các địa phương đều có phát hiện một số vấn đề cần phải được tiếp tục giải quyết.
1. Vấn đề tiếp tục xoá quản chế, bỏ tiếng phản động, phá hoại, liên quan phản động:
Đây là vấn đề quan hệ đến sinh mệnh chính trị của người dân, đến danh dự của họ, của gia đình và họ hàng của họ; vì vậy cần tiếp tục kết hợp trong bước này, để xoá quản chế, bỏ tiếng phản động, phá hoại hay liên quan phản động cho những người oan.
a) Xoá quản chế: Toà án nhân dân tỉnh cần xét lại các trường hợp quản chế trong giảm tô, cải cách ruộng đất, vận động lập khu tự trị để xoá quản chế cho những người bị quản chế oan và xoá quản chế cả cho những người trước đây bị quản chế mà không có quyết nghị của các toà án hay của ủy ban hành chính tỉnh.
Đối với những người cần giữ lại quản chế thì tuyên bố rõ tên từng người, thời hạn quản chế và kỷ luật quản chế.
Nơi nào trước đây đã xoá quản chế lầm thì giải quyết như sau:
- Đối với những người bị quản chế trong giảm tô, cải cách ruộng đất, vận động lập khu tự trị mà đã xoá lầm thì không đặt vấn đề quản chế lại nữa.
- Đối với những người quản chế do ủy ban hành chính hay toà án nhân dân tỉnh quyết định quản chế không thuộc trong những phạm vi kể trên như lưu manh, côn đồ... mà đã xoá lầm thì phải giữ lại quản chế theo đúng thủ tục và kỷ luật quản chế.
b) Xoá tiếng phản động, phá hoại hay liên quan phản động.
Đối với những người trước đây bị bắt đi quản huấn, bắt kiểm thảo hoạc bị bắt giam trong thời gian đã được" tha" trước khi có thông tư trả lại tự do cho những người bị oan thì đối với những người bị oan này phải tuyên bố xoá tiếng phản động hay liên quan cho họ và phải tuyên bố khôi phục công quyền, danh dự cho họ; chú ý giáo dục họ họ có thái độ đúng mức đối với những người đã tố mình, và có ý thức tôn trọng luật pháp.
2. Đường lối và biện pháp giải quyết trong những trường hợp tha lầm
Hiện nay ở nhiều địa phương, lẻ tẻ có hiện tượng tha lầm địa chủ cường hào gian ác, phản động ,lưu manh... về xã và chúng đã có hành động phá hoại.
Các khu, tỉnh cần kiểm tra lại việc này và báo cáo lên Thủ tướng phủ.
Đối với những người tha lầm (phần tử phản động, địa chủ cường hào gian ác thật sự, lưu manh côn đồ và các tội phạm hình sự khác) cần phân biệt những trường hợp khác nhau, tính chất khác nhau để giải quyết được đúng đắn.
a) Đối với những người không thuộc phạm vi của việc xét trả lại tự do (thường phạm, phạm tội chính trị do toà án nhân dân thường xử) mà địa phương đã tha lầm thì phải bắt lại.
b) Đối với những người thuộc phạm vi của việc xét trả lại tự do thì nói chung ta không vội vàng bắt lại, vì có thể gây hoang mang trong số người đã trả lại tự do và trong nhân dân. Nhưng có hai truờng hợp sau đây cần phải xét kỹ để giải quyết:
- Nếu những phần tử đã được tha lầm về địa phương đã có những hành động rõ rệt phá hoại, gây ra những vụ rối loạn ở nông thôn thì công an cần phải tiến hành điều tra xác minh, lập hồ sơ chu đáo, sau đó tuỳ theo tính chất, mức độ nghiêm trọng đến đâu, cần thiết hay không, mà đề nghị Uỷ ban hành chính tỉnh xét và nếu cần bắt lại thì Toà án nhân dân tỉnh ra lệnh bắt.
Nếu những phần tử đã được tha lầm về địa phương, tuy chưa có hành động phá hoại rõ rệt, nhưng đa số quần chúng không tán thành việc tha về, thì công an tỉnh cũng phải tiến hành xác minh lại, thu thập ý kiến của quần chúng và các cơ quan chính quyền, đoàn thể ở xã; nếu xét cần thiết phải bắt giữ lại thì phải đề nghị cơ quan trước đã ra lệnh tha, nay ra lệnh bắt lại. Cần chú ý việc dùng biện pháp bắt trong những trường hợp nói trên đều phải trải qua công tác điều tra, nghiên cứu cẩn thận, dựa vào ý kiến của quần chúng; nếu được đa số quần chúng tán thành thì mới bắt lại.
Trường hợp cần phải bắt lại một số ở cùng một nơi thì cũng không nên bắt tất cả ngay trong một lúc mà sẽ bắt dần dần, đồng thời cần nói rõ lý do và giải thích để nhân dân và những người được trả lại tự do khỏi hoang mang.
Trong việc bắt giữ lại, phải làm đúng thủ tục pháp lý. Toà án sẽ tuỳ theo từng trường hợp, ra quyết định hủy bỏ lệnh hay bản án xử lầm trả lại tự do trước kia.
Đối với những người thuộc thành phần nông dân lao động vì có sai hoặc có ít tội, đối với địa chủ kháng chiến, địa chủ thường có ít nhiều sai lầm không quan trọng, khi được tha về địa phương, nếu có người thắc mắc, thì phải tiếp tục giải thích cho nhân dân chính sách, chủ trương trả lại tự do, tinh thần đoàn kết và ngăn ngừa việc đánh chửi nhau. Đối với những trường hợp này không được bắt giữ lại.
3. Giải quyết những vụ xử tử hình oan:
a) Vấn đề này cần phải đặt ra vì theo tình hình chung thì trong số người bị xử tử hình có một số oan, trong đó có cán bộ quần chúng nông dân tốt. Hiện nay, có nhiều gia đình, vợ con họ yêu cầu Chính phủ minh oan; nếu trong dịp trả lại tự do này, ta không minh oan cho những người bị xử tử hình oan thì sẽ ảnh hưởng không tốt trong tư tưởng những gia đình có người bị xử oan và trong nhân dân.
b) Đối với các vụ xử tử hình oan, cần giải quyết như sau:
-Đối với những người không có tội, hoặc có ít tội không đáng xử tù mà bị xử tử hình oan thì bất cứ là địa chủ hay nông dân cũng cần minh oan.
-Đối với những người có một số tội, nhưng về pháp luật chỉ đáng xử tù, chưa đến mức tử hình mà bị tử hình thì cần chia ra: loại thứ nhất là nhân dân lao động, phú nông, địa chủ có con đi bộ đội hay làm cán bộ có một số tội chỉ đáng xử tù nhẹ ( như 5, 10 năm tù ) mà bị xử tử hình thì cũng cần minh oan; còn loại thứ hai là người có tội đáng xử tù 15, 20 năm hay chung thân mà xử tử hình thì không xét.
c) Trường hợp cán bộ, bộ đội, gia đình cán bộ, bộ đội liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng chết trong khi bị giam giữ cũng được xét và minh oan trong dịp này. Còn đối với tất cả các trường hợp khác sẽ xét và minh oan sau; trong khi chưa xét cũng cần phải đặc biệt chú ý việc giải thích, an ủi, săn sóc giúp đỡ những gia đình có người bị oan.
d) Việc xác minh lại những án xử tử hình oan cũng phải kết hợp với bước 2 trong kế hoạch sửa sai toàn diện. Cần phải làm thật thận trọng, lập hồ sơ đầy đủ và xét thấy thật là oan, thì Toà án khu sẽ kết luận bằng một bản án.
d) Việc công bố xoá án tử hình oan không nên tổ chức một cuộc họp riêng mà sẽ làm nhân dịp có cuộc họp nào ở xóm, thôn hay xã, tuỳ theo từng trường hợp của từng người; nhưng tránh gây không khí buồn thảm, kích động nnhân dân; không nên đọc toàn văn bản án xử oan.
Điều chủ yếu trong vấn đề này là phải tích cực giải thích cho gia đình người bị oan; thiết thực giúp đỡ về tinh thần, vật chất. Cần chú ý trong dịp tết sắp đến, đoàn thể, chính quyền cử cán bộ đến thăm viếng gia đình, giúp đỡ họ trong dịp tết; vận động một số đồng bào trong xóm đến thăm viếng, an ủi, giúp đỡ, tỏ tình đoàn kết, thông cảm với đau xót của họ.
4. Vấn đề tuyên truyền giáo dục:
Việc tuyên truyền giáo dục trước đây chưa được chú trọng đúng mức, nhất là ở xã và đối cán bộ, nhân dân và gia đình có người bị bắt oan, xử trí oan. Nay cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương trả lại tự do; phát huy tác dụng tốt của những anh em được trả lại tự do khi về xã. Tiếp tục bồi dưỡng, giáo dục chính sách, chủ trương của Đảng, Chính phủ cho anh em được trả lại tự do. Cần chú ý việc vận động nhân dân đoàn kết, giúp đỡ nhà ở, sinh hoạt cho anh em, nhất là trong dịp Tết này, không để anh em đói rét, không nhà ở, kết hợp trong các bước sửa sai toàn diện, giải quyết thoả đáng các vấn đề khác cho anh em .
Việc tổ chức lớp học cho những người được trả lại tự do bước 3 không nên kéo dài này, cố gắng làm trong 1 tuần lễ, hay 10 ngày cho đến 15 ngày thì có thể trả lại tự do cho họ về xã trước Tết âm lịch để ổn định tình hình tư tưởng cho gia đình họ và cho nhân dân.
Đối với số người được xét là hoàn toàn oan thì cần chú ý giáo dục cho họ có thái độ tốt đối với nhuững người đã tố sai; phát huy tác dụng gương mẫu, góp phần tích cực vào việc sửa sai chung, đoàn kết nhân dân, đẩy mạnh các công tác.
Đối với loại có ít nhiều tội, cần cho họ thấy họ có một số sai lầm tội lỗi với nhân dân, nay được Chính phủ khoan hồng, chứ không phải là hoàn toàn vô tội nhất là đối với địa chủ, nguỵ quân nguỵ quyền cần xác minh cho họ có thái độ đúng mức khi về địa phương, giáo dục tinh thần đoàn kết, ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng nhân dân.
Đối với nhân dân ở xã, cần giải thích rõ chủ trương trả lại tự do cho những người bị oan và chính sách khoan hồng đối với những người có ít tội lỗi, làm cho nhân dân yên tâm và xoá bỏ thành kiến, nhất là đối với những người có ít nhiều sai lầm.
Uỷ ban hành chính các cấp cần hết sức chú ý đến công tác tuyên truyền, giáo dục và có kế hoạch cụ thể để đảm bảo phát huy kết quả tốt của chủ trương trả lại tự do của Chính phủ.
5. Quy định thống nhất vấn đề chi tiêu, giúp dỡ những người được trả lại tự do trong bước 3
Việc chi tiêu cho những người được trả lại tự do đã chiếm một phần khá lớn ngân sách. Trước đây có địa phương đã nặng về sử dụng ngân quỹ quốc gia, nhẹ việc vận động nhân dân tương trợ, giúp đỡ.
Nay cần chú ý nắm vững nguyên tắc chi tiêu và phải chú ý đến khả năng tài chính hiện nay. Việc chi tiêu cho những người được xét trong bước 3, nay quy định là: mỗi người được cấp 1 cân 500 gam gạo trong một ngày những ngày ở lớp học ; nếu ai ốm đau thì được chăm sóc, chữa bệnh; người nào rách rưới quá thì được cấp một bộ quần áo cánh, người nào không có thì cấp cho một bộ quần áo cánh và một quần đùi, một may ô, tiền đi đường sẽ tuỳ theo đường xa hay gần của từng người mà cấp để đủ về đến xã. Nếu địa phương xét thấy gia đình nào quá túng thiếu thì cấp cho họ từ một tạ đến một tạ rưỡi thóc. Những người thuộc diện bước 1, bước 2 còn để sót lại ở bước 3, nay đang tiếp tục xét thì đãi ngộ bình thường theo chế độ như nói trong chỉ thị trước của Thủ tướng phủ.
Cần kiệm trong việc chi tiêu trong vấn đề này để trách chi tiêu không đúng nguyên tắc hoặc lãng phí, tham ô.
6. Về vấn đề xác minh lại các số liệu
Trong khi giải quyết bước 1 và bước 2, các địa phương đều có phát hiện tình trạng có người đáng được xét trả lại tự do nhưng đến nay chưa tìm thấy.
Việc nắm đầy đủ số liệu về những người đã bị bắt giam, bị xử tù hay xử tử hình ... trong thời gian cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, vận động thành lập khu tự trị, đến nay vẫn chưa được cụ thể, chính xác.
Ngoài ra, trong khi trả lại tự do cho những người thuộc bước 1, bước 2, ta có tha lầm một số người, nhưng chưa phát hiện đầy đủ.
Việc nắm các số liệu rất cần thiết, sẽ giúp cho Chính phủ có cơ sở nhận định tình hình được chính xác, đánh giá đúng mức các sai lầm và cũng giúp cho địa phương giải quyết các vấn đề tồn tại sau này được tốt.
Cho nên trong khi giải quyết bước 3, cần phải kết hợp xác minh các số liệu sau đây:
- Số người đã bị bắt xử trí nằm trong diện cần được xét trả tự do (chia ra từng bước) cho đến nay làm xong cả 3 bước .
- Số người đáng được trả lại tự do nhưng đến nay chưa tìm thấy.
- Số người không đáng trả lại tự do nhưng đã thả lầm qua ba bước.
- Số người bị bắt trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, vận động lập khu tự trị đáng được tha những đã giữ lại.
Vấn đề xác minh lại các số liệu rất quan trọng, nhất là việc truy tìm những người đáng được trả lại tự do mà nay chưa tìm thấy người. Hiện nay, lẻ tẻ đã có gia đình của những người đó gửi đơn đến các cơ quan chính quyền, đoàn thể yêu cầu xét trả lại tự do cho người nhà họ. Nếu sau khi giải quyết xong bước 3, mà không tìm được đầy đủ số người thiếu mặt, thì sẽ gặp nhiều khó khăn và bị động.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công an có nhiệm vụ cho soát lại danh sách trong các trại cải tạo, các trại giam, Uỷ ban cải cách ruộng đất Trung ương và Uỷ ban ruộng đất khu có nhiệm vụ cung cấp tài liệu, hồ sơ vè việc bắt và xét xử ở các đoàn đội cải cách ruộng đất ; Uỷ ban hành chính tỉnh có kế hoạch cho cấp xã phát hiện đầy đủ số người bị bắt oan trong giảm tô, cải cách ruộng đất, số người này chưa được trả lại tự do và số người đã tha lầm về xã. Mặt khác, cần có kế hoạch cho các nông trường, công trường phát hiện số người bị bắt trong giảm tô, cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức đưa đến làm ở các nông trường, công trường.
Sau đó Bộ Công an có nhiệm vụ tổng hợp các tài liệu, làm báo cáo lên Thủ tướng phủ và đề nghị biện pháp giải quyết.
III- TỔ CHỨC LÃNH ĐẠO BƯỚC 3 XÉT TRẢ LẠI TỰ DO
1. Do tính chất phức tạp và quan trọng của việc xét trả lại tự do bước 3 và rút kinh việc lãnh đạo trong hai bước vừa qua, nay cần tăng cường lãnh đạo trong bước 3, chủ yếu là có kế hoạch lồng bước 3 xét trả lại tự do vào bước 2 sửa sai toàn diện, để tiến hành mọi công tác được tốt. Riêng đối với Liên khu 4, cần tăng cường lãnh đạo Quảng Bình, Vĩnh Linh, vì nếu việc trả lại tự do ở hai nơi này không được tốt sẽ có ảnh hưởng xấu vào miền Nam. Đối với vùng ngoại thành các thành phố lớn cũng cần tăng cường việc lãnh đạo để khỏi ảnh hưởng xấu vào thành phố.
2. Để đảm bảo việc thực hiện kế hoạch bước 3 được tốt, nay cần nhắc lại là: chính quyền các cấp có nhiệm vụ thực hiện công tác xét trả lại tự do, trong đó công an, cùng với toà án các cấp tổ chức thành một tiểu ban chuyên trách đặt dưới sự lãnh đạo chật chẽ cuả Uỷ ban hành chính cấp tương đương. Bộ Công an và Bộ Tư pháp sẽ có kế hoạch cụ thể cho ngành mình ở địa phương thi hành.
3. Việc trả lại tự do bước 3 cần phải làm thận trọng, nhưng cũng phải cố gắng hoàn thành về căn bản trước tết âm lịch. Các nguyên tắc về xin chỉ thị, thời hạn báo cáo cần phải dược chấp hành nghiêm chỉnh. Thời hạn báo cáo lên Thủ tướng phủ trước quy định 3 ngày một lần nay quy định lại là cứ 7 ngày báo cáo một lần, cho sát tình hình. Báo cáo sẽ không phải làm riêng từng bộ phận lẻ tẻ, mà sẽ làm một báo cáo thống nhất của tiểu ban chuyên trách vấn đề trả lại tự do ở tỉnh, khu, báo cáo phải được Uỷ ban hành chính tỉnh, Liên khu duyệt rồi gửi lên Thủ tướng phủ, Bộ công an, Bộ Tư pháp.
Để chuẩn bị cho việc tổng kết công tác trả lại tự do được tốt các tiểu ban chuyên trách các công tác ở địa phương cần tổ chức việc nắm tình hình thật chặt chẽ, sưu tầm đầy đủ tài liệu , thống kê chính xác các con số, tránh tình trạnh báo cáo không ăn khớp, sai lệch làm cho việc nhận định ở trên gặp nhiều khó khăn.
Tóm lại, việc xét trả lại tự do trong bước 3 rất phức tạp, khó khăn. Chúng ta cần nghiên cứu, nắm vững tiêu chuẩn, chính sách đối với những người dược xét trả lại tự do trong bước 3 và phương pháp, thủ tục tiến hành để làm được đúng chính sách của Chính phủ và đạt dược kết quả chính trị tốt, góp phần tích cực vào việc sửa sai toàn diện, đẩy mạnh các mặt công tác khác.
| Phan Kế Toại (Đã ký) |
File gốc của Thông tư 01-TTg/TT năm 1957 về việc tiến hành công tác xét trả lại tự do cho những người bị oan trong bước 3 do Thủ tướng Chính phủ ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 01-TTg/TT năm 1957 về việc tiến hành công tác xét trả lại tự do cho những người bị oan trong bước 3 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu | 01-TTg/TT |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Phan Kế Toại |
Ngày ban hành | 1957-01-01 |
Ngày hiệu lực | 1957-01-15 |
Lĩnh vực | Hình sự |
Tình trạng | Đã hủy |