TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP | Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 2021 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH QUAN HỆ PHỐI HỢP TRONG VIỆC THỰC HIỆN TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TẠM ĐÌNH CHỈ VÀ GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ
Căn cứ Luật Thi hành án hình sự ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên tịch quy định quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này quy định quan hệ phối hợp trong thực hiện một số quy định của Luật Thi hành án hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự về hồ sơ, trình tự, thủ tục xét, đề nghị, quyết định, thi hành quyết định tạm đình chỉ và quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh; cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện; phạm nhân; người đã có quyết định thi hành án phạt tù của Tòa án đang ở trong trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện chờ đưa đi chấp hành án (gọi chung là người đang chờ đưa đi chấp hành án) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp trong việc thực hiện tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Tuân thủ quy định của pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự và tố tụng hình sự.
2. Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa.
3. Bảo đảm tính công khai, minh bạch và công bằng.
4. Tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân.
5. Chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, tạo điều kiện hỗ trợ thực hiện tốt nhiệm vụ.
Điều 4. Mẫu các văn bản ban hành kèm theo Thông tư liên tịch
1. Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (Mẫu số 01).
2. Quyết định hủy quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (Mẫu số 02).
3. Quyết định hủy quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (Mẫu số 03).
4. Quyết định mở phiên họp xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù (Mẫu số 04).
5. Quyết định về việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù (Mẫu số 05).
Chương II
HỒ SƠ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÉT, ĐỀ NGHỊ, QUYẾT ĐỊNH VÀ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH TẠM ĐÌNH CHỈ CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ
Điều 5. Hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
1. Hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù gồm các tài liệu sau:
a) Đơn đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân của người thân thích với phạm nhân đó, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân cư trú;
b) Văn bản đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của Giám thị trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu; Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu (trong trường hợp do Viện kiểm sát đề nghị);
c) Bản sao bản án, quyết định hoặc bản sao trích lục bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật;
d) Bản sao Quyết định thi hành án phạt tù;
đ) Đối với phạm nhân là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi phải có kết luận của bệnh viện cấp huyện trở lên về việc phạm nhân có thai hoặc bản sao Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của con phạm nhân, xác nhận của Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi phạm nhân đang chấp hành án về việc họ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ;
e) Đối với phạm nhân bị bệnh nặng phải có kết luận của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao bệnh án, kết luận của bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên về tình trạng sức khỏe của người đó. Riêng phạm nhân bị nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn lâm sàng IV phải có kết quả xét nghiệm HIV theo quy định của Bộ Y tế và bản sao Bệnh án hoặc kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền khẳng định đã chuyển giai đoạn lâm sàng IV, đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu;
g) Đối với phạm nhân được đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù vì lý do là lao động duy nhất trong gia đình phải có Bản tường trình có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân về cư trú về việc phạm nhân là lao động duy nhất trong gia đình, nếu tiếp tục chấp hành án phạt tù thì gia đình sẽ gặp hoàn cảnh khó khăn đặc biệt;
h) Đối với phạm nhân được đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù do nhu cầu công vụ phải có văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương hoặc đơn vị quân đội có liên quan đến việc thực hiện công vụ đó;
i) Các tài liệu khác liên quan (nếu có).
2. Hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù phải được đánh số bút lục và lưu giữ trong Hồ sơ thi hành án của người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù do Tòa án quản lý.
Điều 6. Đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật Thi hành án hình sự khi đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân phải làm văn bản. Văn bản phải có các nội dung sau đây:
1. Ngày, tháng, năm làm văn bản;
2. Tên cơ quan đề nghị;
3. Tên Tòa án nhận văn bản;
4. Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú, làm việc của phạm nhân;
5. Số, ngày, tháng năm của bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án; số, ngày, tháng, năm của quyết định thi hành án phạt tù; thời gian phạm nhân đã chấp hành án phạt tù;
6. Lý do đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù;
7. Danh mục tài liệu kèm theo văn bản đề nghị;
8. Cuối văn bản đề nghị phải do người đại diện hợp pháp của cơ quan ký tên và đóng dấu của cơ quan đó.
Điều 7. Hội đồng xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
1. Bộ Công an quy định việc thành lập và thành phần Hội đồng xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh; thành phần họp xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
2. Bộ Quốc phòng quy định việc thành lập và thành phần Hội đồng xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.
Điều 8. Trình tự, thủ tục lập và thẩm định hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
1. Hội đồng xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam đó và chuyển cho Cục Cảnh sát quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng Bộ Công an để xem xét, thẩm định.
2. Hội đồng xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam đó và chuyển cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng để xem xét, thẩm định.
3. Hội đồng xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện và báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh xem xét, thẩm định.
4. Hội đồng xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của trại giam, trại tạm giam thuộc quân khu lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam thuộc quân khu và chuyển cho cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu để xem xét, thẩm định.
5. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù phải xem xét, thẩm định và có văn bản trả lời cho cơ quan lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ. Nếu hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù chưa đầy đủ tài liệu thì cơ quan thẩm định yêu cầu cơ quan lập hồ sơ bổ sung hoặc làm rõ thêm. Thời hạn 02 ngày làm việc để xem xét, thẩm định được tính lại, kể từ ngày cơ quan thẩm định nhận được tài liệu bổ sung hoặc văn bản giải trình về vấn đề cần được làm rõ thêm.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến đồng ý của cơ quan thẩm định, trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu làm văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Đối với hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, trại tạm giam thuộc quân khu, sau khi thẩm định và đồng ý, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có văn bản đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án xem xét, quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
6. Đối với phạm nhân bị phạt tù từ 15 năm trở xuống bị nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng IV đang có các nhiễm trùng cơ hội và không có khả năng tự phục vụ bản thân, có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao, cơ quan có thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 36 của Luật Thi hành án hình sự lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và chuyển cho Chánh án Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định mà không cần phải thẩm định hồ sơ đề nghị như các trường hợp khác.
Cùng với việc gửi hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân quy định tại khoản này cho Tòa án có thẩm quyền thì đồng thời sao gửi hồ sơ này cho Viện kiểm sát cùng cấp.
7. Đối với phạm nhân thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự, nếu bị kết án về các tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia thì phải có văn bản đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Đối với phạm nhân thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự, nếu bị kết án về các tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia hoặc bị kết án tù chung thân mà chưa được giảm xuống tù có thời hạn thì phải có văn bản đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và văn bản đồng ý của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
8. Qua công tác kiểm sát thi hành án, nếu thấy có phạm nhân đủ điều kiện được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, Viện kiểm sát tự mình hoặc có văn bản yêu cầu Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đó. Trường hợp Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân theo yêu cầu của Viện kiểm sát thì trình tự, thủ tục được thực hiện theo quy định tại Điều này.
Điều 9. Thủ tục nhận hồ sơ và xem xét, quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
1. Hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được gửi đến Tòa án có thẩm quyền bằng các phương thức sau đây:
a) Bàn giao trực tiếp tại Tòa án;
b) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
c) Gửi bằng phương tiện điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
2. Ngay khi nhận được hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, Tòa án phải vào sổ tiếp nhận, tổ chức xem xét, nghiên cứu hồ sơ và giải quyết như sau:
a) Trường hợp hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đã đầy đủ theo hướng dẫn tại Điều 5 và Điều 6 của Thông tư liên tịch này thì xem xét, quyết định việc tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù;
b) Trường hợp hồ sơ đề nghị chưa đầy đủ theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Thông tư liên tịch này hoặc chưa rõ thì Tòa án thông báo cho cơ quan có thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù bổ sung tài liệu hoặc làm rõ thêm. Trường hợp này, thời hạn 07 ngày quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật Thi hành án hình sự được tính lại, kể từ ngày Tòa án nhận được tài liệu bổ sung hoặc văn bản giải trình về vấn đề cần được làm rõ thêm.
3. Sau khi xem xét hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án giải quyết như sau:
a) Trường hợp không đủ căn cứ tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì không ra quyết định tạm đình chỉ và có văn bản trả lời trong đó nêu rõ lý do. Văn bản này có thể bị khiếu nại hoặc kiến nghị theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và phải được gửi theo quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật Thi hành án hình sự;
b) Trường hợp có đủ căn cứ tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù;
c) Trường hợp hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đã đầy đủ nhưng nếu thấy còn nội dung vướng mắc, chưa rõ thì Chánh án Tòa án phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp để trao đổi, thống nhất trước khi ban hành quyết định.
4. Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có các nội dung sau:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tòa án ra quyết định;
c) Ghi rõ họ tên, chức vụ người ra quyết định;
d) Số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định được thi hành;
đ) Số, ngày, tháng, năm của quyết định thi hành án phạt tù;
e) Họ tên, năm sinh, nơi cư trú của phạm nhân;
g) Lý do được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù;
h) Tên cơ quan thi hành án hình sự, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người được tạm đình chỉ.
Trường hợp người được tạm đình chỉ bị bệnh nặng đang phải điều trị tại bệnh viện mà phải giao cho thân nhân chăm sóc thì ghi thêm họ tên, nơi cư trú của thân nhân và mối quan hệ giữa họ;
i) Thời hạn tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và hiệu lực thi hành.
Trường hợp tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự thì cuối quyết định ghi “Quyết định thi hành án phạt tù số ... của Tòa án ... được thi hành kể từ ngày hết thời hạn tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù hoặc ngày cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nhận được văn bản của bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện cấp quân khu trở lên hoặc kết luận của tổ chức pháp y công lập hoặc kết luận của Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh trở lên về tình trạng sức khỏe của người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù phục hồi”.
Trường hợp tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù theo quy định tại các điểm b, c, d khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự thì cuối quyết định ghi “Hết thời hạn tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì Quyết định thi hành án phạt tù số, ngày, tháng, năm của Tòa án ... được thi hành theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”.
5. Thời hạn tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù tính từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được tạm đình chỉ về cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý người được tạm đình chỉ nhận bàn giao người được tạm đình chỉ.
Trường hợp người được tạm đình chỉ bị bệnh nặng đang phải điều trị tại bệnh viện mà phải giao cho thân nhân chăm sóc thì thời hạn tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù tính từ ngày lập biên bản giao người được tạm đình chỉ cho thân nhân người đó tại bệnh viện.
6. Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được thi hành ngay và có thể bị kháng nghị. Trình tự, thủ tục giải quyết kháng nghị thực hiện theo quy định tại các chương XXII, XXV và XXVI của Bộ luật Tố tụng hình sự.
7. Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù phải được gửi theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật Thi hành án hình sự.
Điều 10. Tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với một số trường hợp cụ thể
1. Đối với người đang chờ đưa đi chấp hành án phạt tù.
Người đã có quyết định thi hành án phạt tù của Tòa án đang ở trong trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện chờ đưa đi chấp hành án (người đang chờ đưa đi chấp hành án) nếu đủ điều kiện thì có thể được đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được thực hiện như đối với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
2. Đối với phạm nhân được trích xuất.
Phạm nhân được trích xuất để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử nhưng không thuộc đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi phạm nhân được trích xuất có văn bản đề nghị trại giam, trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi quản lý hồ sơ phạm nhân xem xét, lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, nếu họ có đủ điều kiện có thể được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Đối với trường hợp trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi phạm nhân được trích xuất đồng thời quản lý hồ sơ phạm nhân thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi phạm nhân được trích xuất đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được thực hiện như đối với phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
3. Tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.
Ngay sau khi nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định bị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đang quản lý người được tạm đình chỉ tổ chức giao người tạm đình chỉ cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý.
Điều 11. Thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, hủy quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
1. Việc thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được thực hiện theo quy định tại Điều 37 của Luật Thi hành án hình sự.
2. Tòa án xem xét hủy quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù trong các trường hợp sau:
a) Người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có kết quả giám định xác định họ mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi;
b) Người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có kết quả giám định xác định họ đã phục hồi sức khỏe và đã bị đưa đến nơi chấp hành án phạt tù;
c) Người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thực hiện hành vi phạm tội mới, bỏ trốn hoặc vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đơn tự nguyện xin chấp hành án phạt tù khi chưa hết thời hạn tạm đình chỉ.
3. Thủ tục xem xét hủy quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được thực hiện như sau:
a) Tòa án xem xét hủy quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, đề nghị hủy quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
b) Trường hợp đề nghị hủy quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù theo quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này thì trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 37 của Luật Thi hành án hình sự.
c) Trường hợp đề nghị hủy quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này thì trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 37 của Luật Thi hành án hình sự.
d) Trường hợp người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù tự nguyện xin chấp hành án phạt tù theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được tạm đình chỉ về cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý người được tạm đình chỉ báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu để cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù hủy quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
đ) Thủ tục xem xét hủy quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3 và 7 Điều 9 của Thông tư liên tịch này.
4. Quyết định hủy quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có các nội dung sau: Ngày, tháng, năm ra quyết định; Tòa án ra quyết định; ghi rõ họ tên, chức vụ người ra quyết định; số, ngày, tháng, năm của quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; ghi rõ họ tên, năm sinh, nơi cư trú của người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; lý do hủy quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu được chỉ định thi hành; ghi rõ số, ngày, tháng, năm của quyết định thi hành án đã ban hành. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày Tòa án ra quyết định.
Quyết định hủy quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có thể bị kháng nghị theo quy định tại khoản 5 Điều 167 của Luật Thi hành án hình sự và được giải quyết theo quy định tại khoản 4 Điều 169 của Luật Thi hành án hình sự.
Trường hợp hủy quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù quy định tại điểm a khoản 2 Điều này thì ngoài nội dung hủy quyết định tạm đình chỉ còn phải có nội dung về áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
5. Khi nhận được quyết định hủy quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu tổ chức việc thi hành án theo quy định tại khoản 4 Điều 23 của Luật Thi hành án hình sự.
Khi nhận được quyết định hủy quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Tòa án thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, cơ sở chữa bệnh tâm thần tổ chức việc thi hành theo quy định tại các điều 137, 138 của Luật Thi hành án hình sự.
Chương III
HỒ SƠ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÉT, ĐỀ NGHỊ, QUYẾT ĐỊNH VÀ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ
Điều 12. Thời điểm xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được thực hiện mỗi năm 03 (ba) đợt, vào các dịp: Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), ngày Quốc khánh (2/9) và tết Nguyên đán. Đối với các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, thực hiện việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù vào dịp ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12) thay cho dịp tết Nguyên đán. Năm để xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được xác định từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm đó.
2. Mỗi năm 01 phạm nhân chỉ được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 01 lần theo quy định tại Điều 38 của Luật Thi hành án hình sự. Sau lần xét giảm đầu tiên, nếu các năm tiếp theo phạm nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì sẽ được xét giảm vào đúng đợt mà đã được xét giảm lần đầu. Trường hợp đã được giảm mà thời hạn tù còn lại không đủ 01 năm thì năm tiếp theo có thể đề nghị xét giảm sớm hơn 01 đợt, nhưng vẫn phải bảo đảm mỗi năm chỉ được xét giảm 01 lần.
Điều 13. Lập hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Trước thời điểm xét giảm quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư liên tịch này, ít nhất là 20 ngày, các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện bố trí cho cán bộ quản giáo tổ chức họp đội (tổ) phạm nhân để bình xét, giới thiệu, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho những người có đủ điều kiện và biểu quyết bằng hình thức giơ tay. Cuộc họp phải được lập biên bản, có chữ ký của cán bộ quản giáo và phạm nhân ghi biên bản. Trên cơ sở kết quả họp đội phạm nhân, cán bộ quản giáo lập danh sách và đề xuất mức giảm cho từng phạm nhân báo cáo tại cuộc họp xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của phân trại (đối với trại giam có từ 02 phân trại trở lên).
Trường hợp cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có ít phạm nhân thì cán bộ quản giáo không tổ chức họp mà kiểm tra, rà soát, lập danh sách phạm nhân có đủ điều kiện xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, báo cáo tại cuộc họp xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
2. Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức họp, nghe báo cáo kết quả xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của các phân trại (đối với các trại giam có từ 02 phân trại trở lên) hoặc của cán bộ quản giáo phụ trách đội (tổ) phạm nhân và xét, đề nghị giảm thời hạn cho từng phạm nhân, sau đó hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách do Chủ tịch Hội đồng ký.
3. Trường hợp phạm nhân được trích xuất để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử nhưng không thuộc đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác, nếu có đủ điều kiện xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi phạm nhân được trích xuất có văn bản đề nghị trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi đang quản lý hồ sơ phạm nhân xem xét, lập hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Đối với trường hợp trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi phạm nhân được trích xuất đồng thời quản lý hồ sơ phạm nhân thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi phạm nhân được trích xuất đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
4. Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại giam, trại tạm giam thuộc quân khu, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện chuyển hồ sơ, danh sách đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đến Hội đồng thẩm định có thẩm quyền để thẩm định.
5. Hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật Thi hành án hình sự.
Điều 14. Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Bộ Công an quy định việc thành lập và thành phần Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an và trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh; thành phần họp xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện; quy định việc thành lập và thành phần Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an.
2. Bộ Quốc phòng quy định việc thành lập và thành phần Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu; Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.
Điều 15. Thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Trại giam thuộc Bộ Công an chuyển hồ sơ, danh sách đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đến Hội đồng thẩm định của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an để thẩm định. Trại tạm giam thuộc Bộ Công an chuyển hồ sơ, danh sách đến Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý để xét duyệt, sau đó chuyển cho Hội đồng thẩm định của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an thẩm định.
Hội đồng thẩm định tổ chức họp để thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do trại giam, trại tạm giam chuyển đến. Đối với trường hợp người được đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù là phạm nhân phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Hội đồng thẩm định phải mời đại diện Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an dự họp hoặc gửi văn bản đề nghị cho ý kiến trước khi Hội đồng họp. Sau khi thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của các trại giam, trại tạm giam, Hội đồng tổng hợp kết quả và báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an duyệt.
Căn cứ kết quả thẩm định đã được Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an duyệt, Giám thị trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách, làm văn bản đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù xem xét, quyết định, đồng thời gửi một bộ hồ sơ, danh sách đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp với Tòa án để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của pháp luật.
2. Giám thị trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh và Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện chuyển hồ sơ, danh sách đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho Hội đồng thẩm định của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để thẩm định. Căn cứ kết quả thẩm định của Hội đồng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phối hợp với trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trình Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh có văn bản đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù xem xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân, đồng thời chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh để thực hiện chức năng kiểm sát.
3. Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng chuyển hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đến Hội đồng thẩm định của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng để thẩm định. Hội đồng thẩm định tiến hành thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do trại giam, trại tạm giam chuyển đến và tổng hợp kết quả, báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng duyệt.
Căn cứ kết quả thẩm định đã được Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng duyệt, Giám thị trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách, làm văn bản đề nghị Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù xem xét, quyết định; đồng thời, gửi một bộ hồ sơ, danh sách đến Viện kiểm sát quân sự có thẩm quyền để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của pháp luật.
4. Trại giam thuộc quân khu chuyển hồ sơ, danh sách đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đến Hội đồng thẩm định của cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu để thẩm định. Căn cứ kết quả thẩm định của Hội đồng, Giám thị trại giam thuộc quân khu hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách, làm văn bản đề nghị Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án xem xét, quyết định, đồng thời gửi một bộ hồ sơ, danh sách cho Viện kiểm sát quân sự có thẩm quyền để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của pháp luật.
5. Trại tạm giam thuộc quân khu, quân đoàn chuyển hồ sơ, danh sách đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đến Hội đồng thẩm định của quân khu, quân đoàn để thẩm định. Căn cứ kết quả thẩm định của Hội đồng, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phối hợp với trại tạm giam hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách, làm văn bản đề nghị Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án xem xét, quyết định; đồng thời, gửi một bộ hồ sơ, danh sách đến Viện kiểm sát quân sự có thẩm quyền để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của pháp luật.
6. Trong quá trình kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu nơi phạm nhân chấp hành án nếu phát hiện trường hợp nào đủ điều kiện được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù nhưng không được cơ quan có thẩm quyền đề nghị thì Viện kiểm sát yêu cầu cơ quan đó đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho họ.
Cơ quan có thẩm quyền đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù xem xét lập hồ sơ bổ sung. Nếu đồng ý thì thực hiện thủ tục đề nghị theo quy định tại Điều 38 của Luật Thi hành án hình sự, hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này và thực hiện trong thời điểm xét giảm đó. Nếu không đồng ý thì trả lời bằng văn bản cho Viện kiểm sát đã yêu cầu biết và nêu rõ lý do.
Điều 16. Nhận và xử lý hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày lập hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, cơ quan đề nghị phải chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền và Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án.
Việc gửi hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Thông tư liên tịch này.
2. Ngay sau khi nhận được hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, Tòa án vào sổ nhận hồ sơ. Chánh án thành lập Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù gồm 03 Thẩm phán và phân công 01 Thẩm phán chủ trì phiên họp.
3. Sau khi được phân công chủ trì phiên họp, Thẩm phán xem xét, giải quyết như sau:
a) Quyết định mở phiên họp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án cử Kiểm sát viên tham gia phiên họp.
b) Đề nghị cơ quan đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù bổ sung hoặc làm rõ thêm đối với trường hợp cần bổ sung tài liệu hoặc tài liệu chưa rõ. Văn bản đề nghị này đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.
Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, cơ quan đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù phải gửi tài liệu bổ sung hoặc làm rõ tài liệu cho Tòa án và Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án.
4. Quyết định mở phiên họp phải có các nội dung sau: ngày, tháng, năm ra quyết định; tên Tòa án ra quyết định; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên họp; Họ tên, năm sinh, nơi cư trú của phạm nhân; Quyết định thi hành án phạt tù; Họ tên Thẩm phán, Thư ký phiên họp; Họ tên Kiểm sát viên.
Phiên họp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù có thể họp tại trụ sở Tòa án hoặc tại trại giam, trại tạm giam nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù. Trường hợp phiên họp được tổ chức tại trại giam, trại tạm giam thì Tòa án, Viện kiểm sát, trại giam, trại tạm giam và các cơ quan có liên quan phối hợp lập kế hoạch chuẩn bị phiên họp an toàn, hiệu quả, tiết kiệm.
Quyết định này phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án chậm nhất là 05 ngày trước khi mở phiên họp.
Điều 17. Thành phần, thủ tục tiến hành phiên họp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Những người tham gia phiên họp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
a) Thành phần tham gia phiên họp theo quy định tại khoản 3 Điều 38 của Luật Thi hành án hình sự. Trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án hoãn phiên họp.
b) Trường hợp cần thiết, Tòa án có thể triệu tập phạm nhân hoặc người đại diện hợp pháp của họ, người giám định, người phiên dịch, đại diện cơ quan lập hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan tham gia phiên họp; nếu có người vắng mặt thì Tòa án quyết định hoãn phiên họp hoặc vẫn tiến hành phiên họp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
c) Thời hạn hoãn phiên họp không quá 07 ngày, kể từ ngày hoãn.
2. Phiên họp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được tiến hành như sau:
a) Thư ký phiên họp báo cáo sự có mặt, vắng mặt của những người được Tòa án triệu tập và lý do vắng mặt;
b) Chủ tọa khai mạc phiên họp, giới thiệu thành phần Hội đồng, Kiểm sát viên tham gia phiên họp, Thư ký phiên họp;
c) Một thành viên của Hội đồng trình bày hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù;
d) Kiểm sát viên trình bày quan điểm của Viện kiểm sát về việc đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của cơ quan đề nghị và việc tuân theo pháp luật trong việc xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù;
đ) Chủ tọa phiên họp điều hành thảo luận.
3. Căn cứ vào hồ sơ đề nghị, ý kiến của Viện kiểm sát, người tham gia phiên họp (nếu có), Hội đồng xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù xem xét, quyết định như sau:
a) Không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù;
b) Chấp nhận toàn bộ hoặc một phần mức đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
Trường hợp đến ngày mở phiên họp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại của phạm nhân được đề nghị xét giảm không quá 01 tháng thì Hội đồng xét giảm có thể quyết định giảm hết thời hạn tù còn lại nhưng phải bảo đảm thời gian thực sự chấp hành hình phạt tù theo quy định tại Điều 63 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp sau khi được Hội đồng xét giảm chấp nhận toàn bộ mức đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại không quá 01 tháng, Hội đồng xét giảm có thể quyết định giảm hết thời hạn tù còn lại.
4. Mọi diễn biến tại phiên họp được ghi vào biên bản và lưu hồ sơ xem xét đề nghị. Biên bản phiên họp phải có chữ ký của chủ tọa phiên họp và Thư ký phiên họp.
Điều 18. Quyết định về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Quyết định về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù có các nội dung sau đây:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án ra quyết định;
c) Họ tên của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký phiên họp;
d) Họ tên, năm sinh, nơi cư trú của phạm nhân; bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành; số, ngày, tháng, năm của quyết định thi hành án phạt tù;
đ) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết;
e) Nhận định của Tòa án về những căn cứ chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị;
g) Căn cứ pháp luật để giải quyết đề nghị;
h) Quyết định của Tòa án;
i) Hiệu lực thi hành.
2. Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và có thể bị kháng nghị. Trình tự, thủ tục giải quyết kháng nghị thực hiện theo quy định tại các chương XXII, XXV và XXVI của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Trường hợp thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù bằng thời hạn tù còn lại phải chấp hành thì quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được thi hành ngay và ghi rõ trong quyết định.
3. Việc gửi Quyết định về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 38 của Luật Thi hành án hình sự.
Điều 19. Thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ hoặc có hành vi vi phạm pháp luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước thời điểm Tòa án quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
Trước khi có quyết định giảm của Tòa án mà phạm nhân đã được đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù vi phạm nội quy cơ sở giam giữ hoặc có hành vi vi phạm pháp luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải báo cáo kịp thời với Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, Tòa án có thẩm quyền xét giảm và Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án để loại phạm nhân đó ra khỏi danh sách xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
Điều 20. Thi hành quyết định của Tòa án về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Trường hợp thời gian được giảm bằng thời hạn phải chấp hành án phạt tù còn lại thì quyết định về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của Tòa án được thi hành ngay.
2. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải tổ chức công bố công khai quyết định của Tòa án về việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho toàn thể phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ biết. Khi quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù có hiệu lực thì làm thủ tục trừ thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân để lưu hồ sơ phạm nhân.
3. Sau khi công bố quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân, Giám thị trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu tổng hợp tình hình, kết quả cụ thể báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng để theo dõi, chỉ đạo.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2021.
2. Các nội dung quy định tại Chương 3, Chương 4 của Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT ngày 15 tháng 5 năm 2013 của Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và các nội dung quy định tại Chương 3, Chương 4 của Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15 tháng 5 năm 2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành.
Điều 22. Tổ chức thực hiện
1. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này.
2. Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng để có hướng dẫn kịp thời./.
KT. CHÁNH ÁN | KT. VIỆN TRƯỞNG
| |
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG | |
Nơi nhận: |
| |
|
|
|
Mẫu số 01-THAHS (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)
TÒA ÁN ....(1) | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: .../...(2)/THAHS-QĐ | ...., ngày .... tháng .... năm ..... |
QUYẾT ĐỊNH
TẠM ĐÌNH CHỈ CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ
CHÁNH ÁN TÒA ÁN ... (3)
Căn cứ ............................................................................................................ (4)
Xét thấy .......................................................................................................... (5)
QUYẾT ĐỊNH:
1. Tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với: ……………………………………….…(6)
Nơi cư trú: …………………………………………………………………………………..
Bị Tòa án …………………………………………………………………………………….(7)
Xử phạt ...(8) Theo điểm (các điểm) ... khoản (các khoản) ... Điều (các điều) ... của Bộ luật Hình sự.
Theo Quyết định thi hành án phạt tù ……………………………………………………(9)
2. Thời hạn tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù ...(10), kể từ ngày .......................... (11)
3. Giao cho ... (12) quản lý người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
4. Quyết định này được thi hành ngay và có thể bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
5. ................................................................................................................. (13)
Nơi nhận: | ................................. (15) |
Hướng dẫn sử dụng mẫu số 01-THAHS:
(1) và (3) ghi tên Tòa án ra quyết định (ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội).
(2) ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra Quyết định (ví dụ: số: 01/2021/THAHS-QĐ).
(4) ghi căn cứ pháp luật để ra quyết định.
(5) ghi nhận định của Tòa án.
(6) ghi họ tên, năm sinh của người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Nếu người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù là người dưới 18 tuổi thì ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh.
(7) ghi tên Tòa án đã ra bản án/quyết định có hiệu lực thi hành.
(8) ghi rõ mức hình phạt tù (ghi cả số và chữ), tội danh bị xét xử.
(9) ghi số, ký hiệu, ngày, tháng, năm của quyết định thi hành án phạt tù, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phạt tù.
(10) Trường hợp tạm đình chỉ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự thì ghi rõ thời hạn tạm đình chỉ; Trường hợp tạm đình chỉ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự thì ghi thời hạn tạm đình chỉ cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; Trường hợp tạm đình chỉ theo quy định tại điểm c, d khoản i Điều 67 của Bộ luật Hình sự thì ghi thời hạn tạm đình chỉ là 12 tháng.
(11) ghi theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Thông tư liên tịch này.
Ví dụ: kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được tạm đình chỉ về cư trú nhận bàn giao người được tạm đình chỉ.
(12) ghi tên của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người được tạm đình chỉ.
(13) ghi theo quy định tại điểm i khoản 4 Điều 9 Thông tư liên tịch này (ví dụ: Hết thời hạn tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì Quyết định thi hành án phạt tù số 05/2021/QĐ-TA ngày 05/01/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh B được thi hành theo quy định của Luật Thi hành án hình sự).
(14) ghi những nơi cần gửi theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật Thi hành án hình sự.
(15) nếu là Chánh án thì ghi “CHÁNH ÁN”; nếu là Phó Chánh án được Chánh án ủy quyền thì ghi
“KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN”.
Mẫu số 02-THAHS (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)
TÒA ÁN ....(1) | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: .../...(2)/THAHS-QĐ | ...., ngày .... tháng .... năm ..... |
QUYẾT ĐỊNH
HỦY QUYẾT ĐỊNH TẠM ĐÌNH CHỈ CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ
CHÁNH ÁN TÒA ÁN...(3)
Căn cứ vào Điều 68 của Bộ luật Hình sự;
Căn cứ vào Điều 36 và Điều 37 của Luật Thi hành án hình sự.
Xét thấy, trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, ...(4)
QUYẾT ĐỊNH:
1. Hủy Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù số ..../...../THAHS-QĐ ngày ... tháng ... năm ... của Tòa án ................................................... (5)
Đối với ………………………………………………………………………………………(6)
2. Quyết định thi hành án phạt tù số ... (7) của Tòa án …………………………………(8)
Đối với ……………………………………………………………………………………….(9);
Được tổ chức thi hành theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
3. Giao ... (10) tổ chức thi hành quyết định này và Quyết định thi hành án phạt tù số ...(11) của Tòa án ................................................... (12)
4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày Tòa án ra quyết định.
Nơi nhận: | ................................. (14) |
Hướng dẫn sử dụng mẫu số 02-THAHS:
(1), (3) và (5) ghi tên Tòa án ra quyết định (ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội).
(2) ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra Quyết định (ví dụ: số: 02/2021/THAHS-QĐ).
(4) ghi nhận định về lý do hủy quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
(6) và (9) ghi họ tên, năm sinh (nếu là người dưới 18 tuổi thì ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh), nơi cư trú của người chấp hành án.
(7) và (11) ghi số, ký hiệu, ngày, tháng, năm của quyết định thi hành án phạt tù.
(8) và (12) ghi tên Tòa án ra quyết định thi hành án phạt tù.
(10) ghi rõ tên cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.
(13) ghi những nơi cần gửi theo quy định tại khoản 6 Điều 37 của Luật Thi hành án hình sự.
(14) nếu là Chánh án thì ghi “CHÁNH ÁN”; nếu là Phó Chánh án được Chánh án ủy quyền thì ghi
“KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN”.
Mẫu số 03-THAHS (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)
TÒA ÁN ....(1) | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: .../...(2)/THAHS-QĐ | ...., ngày .... tháng .... năm ..... |
QUYẾT ĐỊNH
HỦY QUYẾT ĐỊNH TẠM ĐÌNH CHỈ CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ VÀ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP BẮT BUỘC CHỮA BỆNH
CHÁNH ÁN TÒA ÁN ...(3)
Căn cứ vào Điều 49 của Bộ luật Hình sự;
Căn cứ vào 447 và 452 của Bộ luật Tố tụng Hình sự;
Căn cứ vào Điều 36 và Điều 37 của Luật Thi hành án hình sự;
Căn cứ ..................................................................................................................... (4)
Xét thấy, trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, ......................... (5)
QUYẾT ĐỊNH:
1. Hủy Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù số ..../THAHS-QĐ ngày ... tháng ... năm ... của Tòa án ...(6)
Đối với ....................................................................................................................... (7)
2. Áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với …………(8) tại ... (9) cho đến khi sức khỏe được hồi phục.
3. Giao ....(10) tổ chức thi hành quyết định này.
4. Quyết định này được thi hành kể từ ngày ban hành cho đến khi có quyết định khác thay thế hoặc hủy bỏ và có thể bị khiếu nại, kháng nghị.
Nơi nhận: | ................................. (12) |
Hướng dẫn sử dụng mẫu số 03-THAHS:
(1), (3) và (6) ghi tên Tòa án ra quyết định.
(2) ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra Quyết định.
(4) ghi số, ký hiệu, ngày, tháng, năm của kết luận giám định pháp y tâm thần.
(5) ghi nhận định của Tòa án về việc hủy quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
(7) và (8) ghi đầy đủ họ tên và năm sinh (nếu là người dưới 18 tuổi thì ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh) của người chấp hành án phạt tù.
(9) ghi rõ tên cơ sở bắt buộc chữa bệnh Tòa án chỉ định.
(10) ghi rõ cơ quan thi hành án hình sự, cơ sở bắt buộc chữa bệnh Tòa án chỉ định.
(11) ghi những nơi cần gửi theo quy định tại khoản 6 Điều 37 của Luật Thi hành án hình sự.
(12) nếu là Chánh án thì ghi “CHÁNH ÁN”; nếu là Phó Chánh án được Chánh án ủy quyền thì ghi
“KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN”.
Mẫu số 04-THAHS (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)
TÒA ÁN ....(1) | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: .../...(2)/THAHS-QĐ | ...., ngày .... tháng .... năm ..... |
QUYẾT ĐỊNH
MỞ PHIÊN HỌP XEM XÉT GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ
TÒA ÁN ...(3)
Căn cứ Điều 63 của Bộ luật Hình sự;
Căn cứ Điều 21, Điều 38 của Luật Thi hành án hình sự;
Sau khi nghiên cứu hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của ...(4) đối với phạm nhân ...(5)
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Mở phiên họp xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân ……………………………………………………(6)
Bị Tòa án ……………………………………………………………………………………(7)
Xử phạt ... về tội (các tội) …………………………………………………………………(8)
Theo điểm (các điểm) ........... khoản (các khoản) .......... Điều (các điều) .............. của Bộ luật Hình sự.
Quyết định thi hành án phạt tù ……………………………………………………………(9)
Thời gian mở phiên họp: …………………………………………………………………..
Địa điểm mở phiên họp: …………………………………………………………………..
Điều 2. Những người tiến hành tố tụng xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù:
Thẩm phán - Chủ tọa phiên họp: Ông (Bà) …………………………………………….
Các Thẩm phán (10): Ông (Bà): …………….…………………………………………….
Ông (Bà): …………….…………………………………………………………………….
Thư ký phiên họp: ông (Bà) ……………………………………………………………(11)
Đại diện Viện kiểm sát ...(12) tham gia phiên họp: Ông (Bà): ... - Kiểm sát viên
Điều 3. Những người tham gia phiên họp xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù (nếu có): …………………………………………………..(13)
Nơi nhận: | THẨM PHÁN - CHỦ TỌA PHIÊN HỌP |
Hướng dẫn sử dụng mẫu số 04-THAHS:
(1) và (3) ghi tên Tòa án ra quyết định (ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội).
(2) ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra Quyết định (ví dụ: 05/2021/THAHS-QĐ).
(4) ghi tên cơ quan đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
(5) ghi họ tên của phạm nhân. Nếu có nhiều phạm nhân được đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì ghi “gồm ... phạm nhân (có danh sách kèm theo)”.
(6) ghi họ tên, năm sinh (nếu là người dưới 18 tuổi thì ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh), nơi cư trú của phạm nhân; trường hợp có nhiều phạm nhân được đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì ghi: “Mở phiên họp xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với... phạm nhân (có danh sách kèm theo)”.
(7) Tòa án đã ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
(8) ghi tội danh, hình phạt cụ thể mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án đã tuyên.
(9) ghi số, ký hiệu, ngày, tháng, năm của quyết định thi hành án phạt tù, Tòa án ban hành quyết định thi hành án phạt tù.
Trường hợp có nhiều phạm nhân được đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì nội dung hướng dẫn của các mục (7), (8) và (9) được ghi vào danh sách kèm theo.
(10), (11) và (12) ghi đầy đủ họ tên của Thẩm phán. Nếu là Tòa án quân sự thì không ghi “Ông (Bà)” mà ghi cấp bậc quân hàm. Họ tên của Thư ký phiên họp và ghi rõ là Thư ký Tòa án hoặc Thẩm tra viên của Tòa án nào. Họ tên của Kiểm sát viên tham gia phiên họp.
(13) ghi rõ họ tên, nơi cư trú của phạm nhân hoặc đại diện của họ; tên cơ quan, tổ chức, người đại diện tham gia phiên họp (nếu có).
(14) ghi những nơi cần gửi.
Mẫu số 05-THAHS (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)
TÒA ÁN .... (1) | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: .../... (2)/THAHS-QĐ | ...., ngày .... tháng .... năm ..... |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC XÉT GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ
TÒA ÁN ... (3)
- Thành phần Hội đồng phiên họp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù gồm có:
Thẩm phán - Chủ tọa phiên họp: Ông (Bà) ........................................................
Các Thẩm phán: Ông (Bà) ..................................................................................
Ông (Bà) .............................................................................................................
- Thư ký phiên họp: Ông (Bà) .......................................................................... (5)
- Đại diện Viện kiểm sát: ................ (6) tham gia phiên họp: Ông (Bà) ... - Kiểm sát viên.
NHẬN THẤY:
Ngày ... tháng ... năm ..., ... (7) có hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân: ...................................................................................................... (8)
Đang chấp hành án tại ……………………………………………………………………
Bản án số ... ngày.../.../... của Tòa án .......................................................................
Quyết định thi hành án số ... ngày ..../.../..... của Tòa án ……………………………..
Thời gian đã chấp hành án ..., Thời gian còn lại phải chấp hành án ………………..
XÉT THẤY:
Trên cơ sở các tài liệu có trong hồ sơ vụ việc, kết quả thảo luận tại phiên họp, ý kiến của Kiểm sát viên, Tòa án nhận định như sau: (9)
.....................................................................................................................................
.....................................................................................................................................
Căn cứ vào .............................................................................................................. (10)
QUYẾT ĐỊNH:
1. Chấp nhận (toàn bộ/một phần)/không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của ... (11) đối với: ................................................................... (12)
Thời hạn chấp hành án phạt tù được giảm là ...(13), thời hạn tù còn phải chấp hành là ………………………………………………………….. (14)
2. ... (15) có trách nhiệm thi hành quyết định này và thông báo cho phạm nhân biết.
3. Quyết định này có thể bị khiếu nại, kháng nghị và có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm(16)./.
Nơi nhận: | TM. HỘI ĐỒNG PHIÊN HỌP |
Hướng dẫn sử dụng mẫu số 05-THAHS:
(1) và (3) ghi tên Tòa án ra quyết định (ví dụ: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội).
(2) ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra Quyết định (ví dụ: 03/2021/THAHS-QĐ).
(4) ghi đầy đủ họ tên của Thẩm phán. Nếu là Tòa án quân sự thì không ghi “Ông (Bà)” mà ghi cấp bậc quân hàm.
(5) ghi đầy đủ họ tên của Thư ký phiên họp và ghi rõ là Thư ký Tòa án hoặc Thẩm tra viên của Tòa án nào.
(6) ghi tên Viện kiểm sát, họ tên Kiểm sát viên tham gia phiên họp.
(7) và (11) ghi rõ tên cơ quan đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù theo quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật Thi hành án hình sự.
(8) ghi đầy đủ họ tên của phạm nhân được đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
(9) ghi nhận định của Hội đồng, những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị; điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự và của văn bản quy phạm pháp luật khác mà Hội đồng phiên họp căn cứ để giải quyết vụ việc.
(10) ghi rõ căn cứ pháp luật để ra quyết định.
(12) ghi đầy đủ họ tên, năm sinh (nếu là người dưới 18 tuổi thì ghi đầy đủ ngày, tháng, năm sinh); nơi cư trú của phạm nhân được đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
(13) ghi cụ thể thời hạn chấp hành án phạt tù được giảm (ghi cả số và chữ).
(14) ghi thời hạn tù còn lại phạm nhân phải chấp hành (ghi cả số và chữ).
Trường hợp Tòa án không chấp nhận giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì không ghi mục (13), (14).
(15) ghi những cơ quan có trách nhiệm thi hành quyết định.
(16) Trường hợp thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù bằng thời hạn tù còn lại phải chấp hành thì ghi thêm cụm từ “quyết định này được thi hành ngay” vào đầu mục 3.
(17) ghi theo quy định tại khoản 4 Điều 38 của Luật Thi hành án hình sự.
Từ khóa: Thông tư liên tịch 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP, Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP, Thông tư liên tịch 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP của Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP của Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thông tư liên tịch 02 2021 TTLT TANDTC VKSNDTC BCA BQP của Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP
File gốc của Thông tư liên tịch 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP quy định về quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ trưởng Bộ Công an – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành đang được cập nhật.
Thông tư liên tịch 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP quy định về quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao – Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ trưởng Bộ Công an – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao |
Số hiệu | 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Người ký | Nguyễn Trí Tuệ, Nguyễn Huy Tiến, Lê Quốc Hùng, Võ Minh Lương |
Ngày ban hành | 2021-08-12 |
Ngày hiệu lực | 2021-10-01 |
Lĩnh vực | Hình sự |
Tình trạng | Còn hiệu lực |