BỘ NGOẠI GIAO |
|
Số: 13/2011/TB-LPQT | Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2011 |
THÔNG BÁO HIỆU LỰC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Hiệp định Giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa U-dơ-bê-ki-xtan về hợp tác phòng chống khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các loại tội phạm khác, ký tại Tashkent ngày 10 tháng 9 năm 2010, có hiệu lực kể từ ngày 23 tháng 4 năm 2011.
Bộ Ngoại giao kính chuyển Bản sao lục Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
| TL. BỘ TRƯỞNG KT. VỤ TRƯỞNG |
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa U-dơ-bê-ki-xtan, sau đây được gọi là “các Bên”;
Mong muốn tăng cường hợp tác và củng cố mối quan hệ hữu nghị hiện nay giữa hai nước;
Nhận thức được sự cần thiết phải bảo vệ tính mạng, tài sản, các quyền cơ bản và tự do của công dân hai nước;
Xem xét đến các hiệp định quốc tế về đấu tranh chống khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các loại tội phạm khác;
Công nhận các nguyên tắc về chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp, bình đẳng và các Bên cùng có lợi;
Quan ngại sâu sắc về mối đe dọa đang ngày càng tăng của chủ nghĩa khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các loại tội phạm khác;
Nhận thức rằng tài sản có được từ hoạt động của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các loại tội phạm khác là một trong những nguồn tài trợ chính cho khủng bố;
Nhận thức rằng hợp tác quốc tế giữ vai trò hết sức quan trọng trong phòng chống một cách hiệu quả tội phạm khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các loại tội phạm khác;
Với mục đích phối hợp nỗ lực ngăn chặn và đấu tranh phòng chống khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các loại tội phạm khác; Tuân theo luật pháp và quy định hiện hành của mỗi nước; Thỏa thuận như sau:
Các Bên sẽ hợp tác phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm thông qua trao đổi thông tin và kinh nghiệm thực tiễn trong phạm vi Hiệp định này và tuân theo luật pháp và quy định của mỗi nước.
1. Trong phạm vi của Hiệp định này và tuân theo luật pháp, quy định của mỗi nước, các Bên sẽ hợp tác phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm sau đây:
a) Khủng bố, kể cả tài trợ cho khủng bố;
b) Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán trái phép các chất ma túy, các chất hướng thần và tiền chất;
c) Buôn bán người và đưa người di cư bất hợp pháp;
d) Rửa tiền;
e) Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép vũ khí, đạn dược, chất nổ và các vật liệu nguy hiểm khác;
f) Tội phạm công nghệ cao;
g) Tội phạm kinh tế quốc tế;
h) Vi phạm các quy định pháp luật về buôn lậu và hải quan;
i) Các loại tội phạm khác nếu hai Bên thấy cần thiết.
2. Hiệp định này không ảnh hưởng đến các vấn đề tương trợ tư pháp về hình sự hoặc dẫn độ.
Để thực hiện các nội dung hợp tác nêu tại Điều 2 của Hiệp định này, các Bên sẽ:
1. Trao đổi thông tin và tài liệu sau trong phạm vi cho phép của luật pháp và quy định cũng như trách nhiệm của mỗi Bên:
a) Thông tin về các hoạt động và thủ đoạn phạm tội liên quan đến các loại tội phạm nêu tại Điều 2 của Hiệp định này để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phát hiện, điều tra và ngăn chặn các loại tội phạm đó;
b) Thông tin và dữ liệu cá nhân của người phạm tội trong khuôn khổ luật pháp của Bên kia;
c) Các thông tin khác về phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm mà các Bên cùng quan tâm.
2. Trong khuôn khổ cho phép của luật pháp và quy định cũng như trách nhiệm của mỗi Bên, nếu thấy cần thiết các cơ quan thực thi pháp luật liên quan sẽ tiến hành các hoạt động phối hợp đấu tranh chống tội phạm.
3. Trao đổi thông tin pháp luật quốc gia của mỗi Bên về đấu tranh chống các loại tội phạm nêu trong Hiệp định này.
4. Trao đổi các đoàn cấp cao và chuyên viên hoặc học viên tập huấn ở mỗi nước để nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng kỹ thuật và các hoạt động tác chiến trong phạm vi Hiệp định này.
5. Tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ về hoạt động chuyên ngành, ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm, trao đổi kinh nghiệm về sản xuất công cụ hỗ trợ và trang thiết bị chuyên dụng cho các cơ quan thực thi pháp luật.
6. Hợp tác trong lĩnh vực nâng cao năng lực thông qua các chương trình giáo dục, đào tạo về thực thi pháp luật liên quan đến chống khủng bố, giải thoát con tin và các hình thức đào tạo khác mà các Bên thấy cần thiết cũng như hỗ trợ các phương tiện và cơ sở hạ tầng cho giáo dục và đào tạo về thực thi pháp luật.
7. Trao đổi các ấn phẩm và kết quả nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực nêu tại Hiệp định này.
1. Nhằm thực hiện mục đích của Hiệp định này, Cơ quan chức năng của các Bên, trong phạm vi thẩm quyền và khả năng của mình, sẽ tiến hành liên lạc trực tiếp với nhau hoặc thông qua đại diện được ủy quyền. Cơ quan chức năng:
a) Về phía Việt Nam:
1) Bộ Công an;
2) Bộ Ngoại giao;
3) Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
4) Bộ Tài chính.
b) Về phía U-dơ-bê-ki-xtan:
1) Bộ Ngoại giao;
2) Bộ Nội vụ;
3) Cơ quan An ninh Quốc gia;
4) Viện Kiểm sát tối cao;
5) Ủy ban Phòng chống ma túy Quốc gia;
6) Ủy ban Hải quan quốc gia.
2. Các Bên sẽ thông báo cho nhau về những thay đổi liên quan đến các Cơ quan chức năng một cách nhanh nhất qua kênh ngoại giao.
Cơ quan chức năng của các Bên, trong khuôn khổ cho phép của luật pháp và quy định cũng như trách nhiệm của mình, có thể ký kết văn bản thỏa thuận liên quan đến các chương trình và hoạt động cụ thể trong khuôn khổ của Hiệp định này.
1. Trong khuôn khổ cho phép của luật pháp và quy định cũng như trách nhiệm của mình, khi được yêu cầu, các Bên phải đảm bảo trao đổi các thông tin hỗ trợ công tác phát hiện và ngăn chặn tội phạm, xác định và đưa đối tượng ra trước công lý. Điều này sẽ không được áp dụng nếu luật pháp quốc gia của Bên được yêu cầu quy định rằng yêu cầu đó phải được chuyển cho các cơ quan tư pháp.
2. Khoản 1 không ngăn cản các Bên thông tin cho nhau về những sáng kiến, những thông tin hữu ích, đặc biệt là những thông tin liên quan đến đảm bảo luật pháp và trật tự.
3. Những yêu cầu thông tin và/hoặc trợ giúp theo Hiệp định này được làm bằng văn bản và được ký bởi người đứng đầu hoặc quan chức được chỉ định của Cơ quan chức năng Bên yêu cầu và được đóng dấu bằng con dấu chính thức.
4. Nội dung yêu cầu thông tin và/hoặc hỗ trợ bao gồm:
a) Tên Cơ quan chức năng Bên yêu cầu;
b) Bản chất và sự thực về vụ việc cũng như các điều khoản của luật áp dụng;
c) Tên, quốc tịch, địa chỉ thường trú hoặc địa chỉ hiện tại của những người được nêu trong yêu cầu;
d) Mục đích yêu cầu;
e) Thông tin chi tiết về những lý do áp dụng thủ tục đặc biệt, nếu có, để Bên được yêu cầu thông qua;
f) Thời hạn mong muốn yêu cầu được thực hiện;
g) Các tài liệu khác cần thiết cho việc thực hiện yêu cầu;
5) Theo pháp luật trong nước, các Bên phải đảm bảo bí mật nội dung thông tin trao đổi trong quá trình thực hiện Hiệp định này.
6) Các Bên trao đổi thông tin trực tiếp hoặc qua kênh ngoại giao hoặc qua hệ thống thông tin của Interpol.
Điều 7. Giao nhận có kiểm soát
Căn cứ luật pháp và quy định quốc gia cũng như nghĩa vụ quốc tế, với mục đích ngăn chặn việc buôn bán trái phép các chất ma túy và các chất hướng thần đồng thời xác định các đối tượng tham gia vào việc buôn bán trái phép này, các Bên và Cơ quan chức năng của các Bên, theo sự đồng thuận, có thể sử dụng biện pháp giao nhận hàng hóa có kiểm soát, ví dụ: Bên này có thể cho phép Bên kia đưa vào, đem ra hoặc quá cảnh các chất ma túy và các chất hướng thần qua lãnh thổ của mình dưới sự kiểm soát của Cơ quan chức năng Bên kia.
1. Nếu việc thực hiện yêu cầu theo Hiệp định này vi phạm quyền con người, chủ quyền quốc gia của Bên được yêu cầu hoặc tạo ra mối đe dọa cho an ninh, hoặc phương hại đến luật pháp và các quy định cũng như các nghĩa vụ quốc tế của Bên đó, Bên được yêu cầu có thể từ chối thực hiện một phần hoặc toàn bộ nội dung yêu cầu đó.
2. Nếu Bên được yêu cầu quyết định từ chối thực hiện yêu cầu của Bên yêu cầu, Cơ quan chức năng của Bên được yêu cầu phải gửi thông báo nêu rõ lý do từ chối.
Sự từ chối thực hiện yêu cầu không ảnh hưởng đến việc thực thi Hiệp định này.
Điều 9. Bảo vệ dữ liệu cá nhân
1. Trong quá trình triển khai Hiệp định này, việc cung cấp và xử lý dữ liệu cá nhân phải tuân theo luật pháp quốc gia của mỗi Bên và các quy định hiện hành trong tổ chức Interpol.
2. Bên yêu cầu phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo mật tất cả các tài liệu, thông tin, các mẫu vật hay thiết bị kỹ thuật được cung cấp theo Hiệp định này nếu Bên được yêu cầu đòi hỏi.
3. Không được thông báo, chuyển giao các thông tin, tài liệu, mẫu vật và thiết bị kỹ thuật được trao đổi theo Hiệp định này cho Bên thứ ba nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của Bên được yêu cầu.
4. Nếu như không ảnh hưởng nội dung nêu trong Khoản 1, các quy định sau đây được áp dụng để xử lý dữ liệu cá nhân được cung cấp trong quá trình triển khai Hiệp định này:
a) Bên yêu cầu chỉ được sử dụng dữ liệu cho những mục đích mà Hiệp định này quy định có thể cung cấp dữ liệu cá nhân đó; và chỉ được sử dụng dữ liệu đó cho những mục đích khác nếu có sự đồng ý trước bằng văn bản của Bên được yêu cầu và phù hợp với luật pháp của Bên yêu cầu;
b) Dữ liệu chỉ có thể được sử dụng bởi các cơ quan tư pháp, công an/nội vụ hoặc các cơ quan thực thi pháp luật do các Bên chỉ định, danh sách các cơ quan thực thi pháp luật đó phải được chuyển cho Bên kia.
c) Bên được yêu cầu phải đảm bảo độ chính xác của dữ liệu, nếu không đảm bảo được điều đó thì Bên yêu cầu phải được thông báo một cách cụ thể và có nghĩa vụ đính chính hoặc hủy bỏ các dữ liệu liên quan;
d) Bên yêu cầu không được biện hộ rằng Bên kia đã cung cấp dữ liệu không chính xác nhằm trốn tránh nghĩa vụ pháp lý theo quy định của luật pháp quốc gia đối với Bên bị tổn hại;
e) Việc chuyển và nhận dữ liệu cá nhân phải được lưu hồ sơ. Các Bên phải thông báo cho nhau danh sách các cơ quan quan tâm đến số hồ sơ lưu trữ đó;
f) Việc trao đổi và tiếp cận các dữ liệu sẽ chịu sự điều chỉnh bởi luật pháp quốc gia của Bên được yêu cầu cho phép cá nhân có liên quan tiếp cận hay trao đổi dữ liệu đó. Dữ liệu chỉ có thể được trao đổi với cá nhân đó nếu Bên được yêu cầu đồng ý bằng văn bản.
5. Mỗi Bên sẽ giám sát việc sử dụng thông tin mà Bên kia cung cấp nhằm ngăn chặn và trừng phạt mọi hành vi lạm dụng có thể gây phương hại đến quyền cá nhân.
Các điều khoản trong hiệp định này không được ảnh hưởng đến các Điều ước Quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Cộng hòa U-dơ-bê-ki-xtan là thành viên.
Chi phí liên quan đến việc thực hiện các điều khoản Hiệp định này sẽ do các Bên tự lo trong phạm vi lãnh thổ mà các chi phí đó phát sinh trừ trường hợp các Bên có quyết định khác.
Hiệp định này có thể được xem xét lại hoặc sửa đổi, bổ sung vào bất cứ lúc nào với sự đồng ý bằng văn bản của các Bên. Nội dung sửa đổi, bổ sung đó sẽ có hiệu lực vào ngày do các Bên quyết định.
Tiếng Anh được sử dụng làm ngôn ngữ chính trong quá trình thực hiện các nội dung hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định này.
Điều 14. Giải quyết tranh chấp
Mọi tranh chấp giữa các Bên về việc giải thích hay thực hiện Hiệp định này được các Bên giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp hoặc kênh ngoại giao.
Điều 15. Hiệu lực, thời hạn và chấm dứt
1. Hiệp định này có hiệu lực sau 60 ngày, kể từ ngày các Bên nhận được thông báo cuối cùng bằng văn bản về việc các Bên đã hoàn thành các thủ tục nội bộ theo quy định để Hiệp định có hiệu lực.
2. Hiệp định này có giá trị 5 năm và sẽ mặc nhiên được gia hạn mỗi lần 5 năm. Mỗi Bên có thể chấm dứt hiệu lực Hiệp định này bất cứ lúc nào bằng cách gửi thông báo bằng văn bản cho Bên kia, trong trường hợp này Hiệp định sẽ chấm dứt hiệu lực sau 6 tháng kể từ ngày nhận được thông báo đó.
3. Việc chấm dứt hiệu lực Hiệp định này không ảnh hưởng đến nghĩa vụ của các Bên trong việc bảo mật tài liệu, thông tin hay dữ liệu nhận được theo Hiệp định này trừ khi các Bên có thỏa thuận khác.
Để làm bằng, những người ký tên dưới đây được sự ủy quyền của Chính phủ mỗi nước, đã ký Hiệp định này.
Được làm tại Tashkent, ngày 10 tháng 9 năm 2010, thành hai bản tiếng Việt, tiếng U-dơ-bek và tiếng Anh. Tất cả các văn bản đều có giá trị pháp lý như nhau. Trong trường hợp có sự khác nhau về giải thích, bản tiếng Anh sẽ được dùng làm cơ sở./.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ | THAY MẶT CHÍNH PHỦ |
Từ khóa: Điều ước quốc tế 13/2011/TB-LPQT, Điều ước quốc tế số 13/2011/TB-LPQT, Điều ước quốc tế 13/2011/TB-LPQT của Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hoà Uzbekistan, Điều ước quốc tế số 13/2011/TB-LPQT của Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hoà Uzbekistan, Điều ước quốc tế 13 2011 TB LPQT của Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hoà Uzbekistan, 13/2011/TB-LPQT
File gốc của Thông báo hiệu lực Hiệp định về hợp tác phòng chống khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các loại tội phạm khác giữa Việt Nam và U-dơ-bê-ki-xtan đang được cập nhật.
Thông báo hiệu lực Hiệp định về hợp tác phòng chống khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các loại tội phạm khác giữa Việt Nam và U-dơ-bê-ki-xtan
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hoà Uzbekistan |
Số hiệu | 13/2011/TB-LPQT |
Loại văn bản | Điều ước quốc tế |
Người ký | Lê Hồng Anh, Rustam Inoyatov |
Ngày ban hành | 2010-09-10 |
Ngày hiệu lực | 2011-04-23 |
Lĩnh vực | Hình sự |
Tình trạng | Còn hiệu lực |