TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
BẢN ÁN 17/2022/HS-PT NGÀY 16/05/2022 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN
Ngày 16 tháng 5 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 02/2022/TLPT-HS ngày 13 tháng 01 năm 2022 đối với bị cáo Chúc Văn N và các đồng phạm do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 40/2021/HS-ST ngày 30 tháng 11 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Tuyên Quang.
Các bị cáo có kháng cáo:
1. Họ và tên: Chúc Văn N, sinh ngày 02/8/1992 tại huyện N, tỉnh Tuyên Quang;
Nơi cư trú: Thôn L, xã S, huyện N, tỉnh Tuyên Quang; nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ học vấn: 9/12; Quốc tịch: Việt Nam ; Dân tộc: Dao; Tôn giáo: Không; Chức vụ (Đảng, chính quyền, đoàn thể): Không; con ông Chúc Thồng V, sinh năm 1968 và bà Bàn Thị T, sinh năm 1971; Vợ: Chúc Thị P, sinh năm 1993;
Con: 02 con.
* Tiền án, tiền sự: Không.
* Bị cáo hiện đang áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú. (Có mặt).
2. Họ và tên: Chúc Văn N1, sinh ngày 14/01/1992 tại huyện N, tỉnh Tuyên Quang;
Nơi cư trú: Thôn L, xã S, huyện N, tỉnh Tuyên Quang; nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ học vấn: 9/12; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Dao; Tôn giáo: Không; Chức vụ (Đảng, chính quyền, đoàn thể): Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện đang bị đình chỉ sinh hoạt Đảng tại Quyết định số 18- QĐ/UBKTHU ngày 22/10/2021 của Uỷ ban kiểm tra huyện uỷ huyện N; con ông Chúc Tạ C (Đã chết); và bà Chúc Thị G, sinh năm 1969; có Bố dượng là Chúc Tạ T, sinh năm 1967; Vợ: Phùng Thị N, sinh năm 1997; Con: 03 con.
* Tiền án, tiền sự: Không.
* Bị cáo hiện đang áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú.
(Có mặt).
3. Họ và tên: Chúc Càn T, sinh ngày 13/9/1995 tại huyện N, tỉnh Tuyên Quang;
Nơi cư trú: Thôn L, xã S, huyện N, tỉnh Tuyên Quang; nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ học vấn: 9/12; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Dao; Tôn giáo:
Không; Chức vụ (Đảng, chính quyền, đoàn thể): Không; Con ông Chúc Thồng H, sinh năm 1974 và bà Bàn Thị C, sinh năm 1974; Vợ: Dương Thị N, sinh năm 1997; Con: 01 con.
* Tiền án, tiền sự: Không.
* Bị cáo hiện đang áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú. (Có mặt).
4. Họ và tên: Bàn Văn Đ, sinh ngày 25/01/1994 tại huyện N, tỉnh Tuyên Quang;
Nơi cư trú: Thôn L, xã S, huyện N, tỉnh Tuyên Quang; nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ học vấn: 7/12; Quốc tịch: Việt Nam - Dân tộc: Dao - Tôn giáo: Không; Chức vụ (Đảng, chính quyền, đoàn thể): Không; Con ông Bàn Dào H, sinh năm 1967 và bà Bàn Thị M, sinh năm 1967; Vợ: Hoàng Thị N, sinh năm 1998; Con: 01 con.
* Tiền án, tiền sự: Không.
* Bị cáo hiện đang áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú. (Có mặt).
5. Họ văn tên: Bàn Càn S, sinh ngày 15/4/1997 tại huyện N, tỉnh Tuyên Quang;
Nơi cư trú: Thôn L, xã S, huyện N, tỉnh Tuyên Quang; nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ học vấn: 9/12; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Dao; Tôn giáo:
Không; Chức vụ (Đảng, chính quyền, đoàn thể): Không; Con ông Bàn Chòi N (đã chết) và bà Chúc Mùi T, sinh năm 1969; Vợ: Hoàng Thị P, sinh năm 2000; Con: 01 con.
* Tiền án, tiền sự: Không.
* Bị cáo hiện đang áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú.
(Có mặt).
- Người bào chữa cho các bị cáo Chúc Văn N (sinh 02/8/1992); Chúc Văn N1 (sinh 14/01/1992); Chúc Càn T: Bà Vũ Thanh Th - Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Tuyên Quang. (Có mặt).
- Người bào chữa cho các bị cáo Bàn Càn S và Bàn Văn Đ: Ông Phạm Thế N - Trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Tuyên Quang. (Có mặt) Ngoài ra, trong vụ án còn có 01 bị hại và 02 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào khoảng tháng 5/2021, trong lúc ngồi uống rượu, Chúc Văn N1(thường gọi là N Chiêm) nói với Chúc Văn N (thường gọi là N Vảng) về việc tại khu vực rừng Đán Lình, thuộc Thôn L, xã S, huyện N có 01 cây gỗ Nghiến có bìu to. Nghe thấy vậy, N (Vảng) nói rủ thêm mấy người quen đi khai thác bìu gỗ Nghiến bán lấy tiền chia nhau, N (Chiêm) đồng ý. Sau đó, N (Vảng) gọi điện thoại rủ Chúc Càn T đi khai thác bìu gỗ Nghiến bán lấy tiền chia nhau, T đồng ý. Sau đó, T gọi điện thoại rủ thêm Bàn Văn Đ đi khai thác bìu gỗ Nghiến, Đ đồng ý. Khi N (Vảng) và N (Chiêm) đang nói chuyện thì Bàn Càn S đến nhà N (Vảng) chơi, N (Vảng) và N (Chiêm) rủ S cùng đi khai thác gỗ Nghiến, S đồng ý. Cả nhóm thống nhất chiều tối tập trung tại nhà N (Vảng) để cùng nhau đi khai thác bìu gỗ Nghiến. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, N (Chiêm), S, T tập trung tại nhà N (Vảng) như đã hẹn, còn Đ đến muộn nên cả nhóm đi trước và bảo Đ đi theo sau. Sau đó, N (Vảng) mang theo 01 máy cưa xăng nhãn hiệu Husqvarna 365 kèm lam, xích, 01 dao quắm, 01 đèn pin rồi điều khiển xe mô tô nhãn hiệu WIN NOVIA, biển kiểm soát 22K5-1776 của bố bị cáo là Chúc Thồng Vảng chở N (Chiêm) ngồi sau; còn S điều khiển xe mô tô nhãn hiệu YAMAHA TAURUS, biển kiểm soát 22N1- 039.12 của mẹ bị cáo là Chúc Mùi Tàn chở T ngồi sau mang theo xăng, nhớt, 01 con dao quắm chuôi bằng gỗ, ngoài ra mỗi người còn mang theo 01 chiếc đèn pin loại có dây đeo. Khi đến đoạn đường mòn rẽ vào khu vực rừng sản xuất là rừng tự nhiên khu vực Đàn Lình, Thôn L, xã S, huyện N, Chúc Văn N (Vảng), Bàn Văn Đ, Chúc Càn T, Bàn Càn S và Chúc Văn N (Chiêm) để xe mô tô ở lề đường rồi cùng nhau mang theo máy cưa xăng, đồ đạc đi bộ vào trong rừng theo sự dẫn đường của N (Chiêm) đến vị trí cây gỗ Nghiến mà N (Chiêm) đã thấy từ trước. Đến nơi, N (Vảng), Đ, T, S, N (Chiêm) thấy 01 cây gỗ Nghiến cao khoảng 15m, đường kính thân cây khoảng 65cm, lá còn xanh tốt, phát triển bình thường. Tiếp đó, N (Vảng) cùng T lắp lam xích, đổ xăng, nhớt vào máy cưa xăng, còn Đ, N (Chiêm), S đứng cảnh giới tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Sau đó, N (Vảng) khởi động máy cưa xăng và trực tiếp cắt vào phần gốc cây gỗ Nghiến cách mặt đất khoảng 90cm, N (Vảng) cắt được một nửa vào thân cây thì chuyển máy cưa xăng cho T cắt tiếp cho đến khi cây Nghiến đổ ngọn hướng về khe suối. Sau đó, N (Chiêm) cùng S đứng cảnh giới để N (Vảng), T, Đ cùng nhau xẻ sơ chế hai vị trí trên thân cây gỗ Nghiến lấy được 01 cục bìu kích thước dài 80cm, rộng 65cm, dày 30cm;
01 cục bìu kích thước dài 40cm, rộng 60cm, dày 30cm. Cắt xẻ xong cả nhóm hộ nhau thu dọn đồ đạc và lấy cục bìu Nghiến có kích thước nhỏ hơn vận chuyển đem về cất giấu tại nhà Bàn Văn Đ, cục bìu Nghiến còn lại để lại tại hiện trường. Khoảng 02 ngày sau, N (Vảng), T, Đ, S, N (Chiêm) tiếp tục đi lên vị trí trên để hộ nhau vận chuyển cục bìu Nghiến còn lại mang về cất giấu ở khu vực gần nhà Bàn Càn S chờ đem bán. Khoảng 01 tuần sau, N (Vảng) gọi điện thoại cho Phạm Đăng Lịch, sinh năm 1993, trú tại tổ dân phố Ngòi Nẻ, thị trấn Na Hang, huyện N để bán 02 cục bìu gỗ Nghiến. Lịch đồng ý mua và hẹn khi nào đến xã S sẽ liên hệ. Khoảng 03 ngày sau, Lịch đi xe mô tô nhãn hiệu Wave ZX, không gắn biển số của Phạm Đăng Thi, sinh năm 1985, trú cùng tổ dân phố đến xã S gặp N (Vảng) để mua bìu Nghiến. Thấy vậy, N (Vảng) gọi điện thoại cho T và Đ bảo đến nửa đêm thì đi ra hộ nhau khiêng 02 cục bìu Nghiến lên để bán cho Lịch. Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, Đ chở cục bìu Nghiến cất giấu ở nhà mình đi ra khu vực nhà S thì gặp T, S. Cùng lúc đó, Lịch đi đến nơi gặp Đ, T, S. Sau khi thỏa thuận, Đ, T, S bán 02 cục bìu Nghiến cho Lịch với giá 3.500.000 đồng. Đến ngày hôm sau, Đ, S, T, N (Chiêm) tập trung tại nhà N (Vảng) để chia nhau tiền. Sau khi trừ chi phí, mỗi người chia nhau được 500.000 đồng (đã chi tiêu cá nhân hết). Khoảng 02 ngày sau, Lịch bán 02 cục bìu gỗ Nghiến cho một người đàn ông không quen biết với giá 5.000.000 đồng.
- Tại biên bản khám nghiệm hiện trường, lập ngày 13/7/2021 xác định: Vị trí cây gỗ Nghiến bị khai thác tại Lô 28, khoảnh 207, chức năng rừng sản xuất là rừng tự nhiên thuộc khu rừng Đán Lình thuộc Thôn L, xã S, huyện N. Khối lượng gỗ nghiến bị khai thác 7,417m3, trong đó khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường: 7,219m3. Khối lượng gỗ bị lấy đi khỏi hiện trường 0,198m3.
- Tại biên xác định đối tượng rừng và loài cây lập ngày 13/7/2021 xác định: Cây gỗ bị khai thác là gỗ Nghiến thuộc loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA.
- Tại kết luận định giá tài sản số 21 ngày 16/8/2021 của Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự huyện N kết luận: 01 cây gỗ Nghiến nhóm IIA có khối lượng 7,417m3 có giá trị là 76.884.250 đồng, trong đó: Gỗ Nghiến tròn có khối lượng 7,219m3 còn lại tại hiện trường có giá trị là 74.939.488 đồng; Gỗ Nghiến tròn có khối lượng 0,198m3 có giá trị là 1.944.762 đồng.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2021/HS-ST ngày 30 tháng 11 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Tuyên Quang đã quyết định:
Tuyên bố các bị cáo Chúc Văn N (sinh 02/8/1992), Chúc Văn N (sinh 14/01/1992), Bàn Văn Đ, Chúc Càn T, Bàn Càn S phạm tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản.
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 232; Điều 38; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58 của Bộ luật hình sự.
- Xử phạt bị cáo Chúc Văn N (sinh ngày 02/8/1992) 08 tháng tù. Hạn tù tính từ ngày bị cáo vào trại giam chấp hành án.
- Xử phạt bị cáo Chúc Văn N1 (sinh ngày 14/01/1992) 07 tháng tù. Hạn tù tính từ ngày bị cáo vào trại giam chấp hành án.
- Xử phạt bị cáo Chúc Càn T 06 tháng tù. Hạn tù tính từ ngày bị cáo vào trại giam chấp hành án.
- Xử phạt bị cáo Bàn Văn Đ 06 tháng tù. Hạn tù tính từ ngày bị cáo vào trại giam chấp hành án.
- Xử phạt bị cáo Bàn Càn S 06 tháng tù. Hạn tù tính từ ngày bị cáo vào trại giam chấp hành án.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự; xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 09 tháng 12 năm 2021, các bị cáo Chúc Văn N (sinh ngày 02/8/1992), Chúc Văn N1 (sinh ngày 14/01/1992), Chúc Càn T, Bàn Văn Đ, Bàn Càn S có đơn kháng cáo với nội dung xin hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho các bị cáo được hưởng án treo.
Kết thúc phần xét hỏi, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang phát biểu quan điểm:
- Về thủ tục tố tụng đảm bảo đúng quy định pháp luật; đơn kháng cáo của các bị cáo hợp lệ trong hạn luật định; thủ tục giải quyết vụ án đúng trình tự tố tụng.
- Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết liên quan đến vụ án trên cơ sở các tài liệu chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, đánh giá mức độ hành vi phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xử phạt các bị cáo Chúc Văn N (sinh 02/8/1992) 08 tháng tù, Chúc Văn N1 (sinh 14/01/1992) 07 tháng tù, Chúc Càn T 06 tháng tù, Bàn Văn Đ 06 tháng tù, Bàn Càn S 06 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” là đúng người, đúng tội, đúng với hành vi phạm tội của bị cáo.
Tại phiên tòa các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội. Ngoài các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, i, s khoản 1 và 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự cấp sơ thẩm đã áp dụng cho các bị cáo, ngày 01/3/2022, bị hại là Ủy ban nhân dân xã S, huyện N có Công văn số 07/CV-UBND về việc xin giảm nhẹ hình phạt và cho 05 bị cáo được hưởng án treo. Các bị cáo có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hưởng án treo có xác nhận của chính quyền địa phương; Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã S, huyện N xác nhận gia đình các bị cáo thuộc diện hộ nghèo năm 2022. Bị cáo Chúc Văn N (sinh ngày 14/01/1992) có ông nội là Chúc Ỳ N được tặng huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì; có bà nội là Phùng Mùi P được tặng Huy chương vì giai cấp nông dân Việt Nam; tặng Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương hội Nông dân Việt Nam; bản thân bị cáo có nhiều Giấy khen của Ủy ban nhân dân xã S trong thực hiện nhiệm vụ. Bị cáo Chúc Văn N (sinh ngày 02/8/1992) có ông nội là Chúc Tạ H được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba. Bị cáo Bàn Văn Đ có bố đẻ là Bàn Giào H có công trong việc bảo vệ Biên giới. Bị cáo Chúc Càn T có ông nội là Chúc Tạ H được tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhất.
Đây là những tình tiết giảm nhẹ mới được quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự cần được áp dụng cho các bị cáo. Các bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, có nơi cư trú rõ ràng và xét tính chất mức độ phạm tội của các bị cáo thấy không cần cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội cho các bị cáo cải tạo tại địa phương cũng đủ tác dụng cải tạo bị cáo và phòng ngừa tội phạm nói chung.
Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự chấp nhận kháng cáo của các bị cáo sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm số 40/2021/HS-ST ngày 30 tháng 11 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện N như sau:
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 232; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58 Điều 65 của Bộ luật hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Chúc Văn N (sinh ngày 02/8/1992) 08 (tám) tháng tù cho hưởng án treo; bị cáo Chúc Văn N (sinh ngày 14/01/1992) 07 (bảy) tháng tù cho hưởng án treo; bị cáo Chúc Càn T, Bàn Văn Đ và Bàn Càn S mỗi bị cáo 06 (sáu) tháng tù cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, ấn định thời gian thử thách đối với các bị cáo. Giao các bị cáo về nơi cư trú để theo dõi trong thời gian thử thách.
Các bị cáo Chúc Văn N, Chúc Văn N, Chúc Càn T, Bàn Văn Đ và Bàn Văn S không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Bị cáo Chúc Văn N, Chúc Văn N, Chúc Càn T, Bàn Văn Đ và Bàn Văn S không có ý kiến tranh luận.
Người bào chữa cho các bị cáo trình bày các bị cáo bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản và xử phạt mức án là phù hợp. Nhất trí như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo được hưởng án treo cải tạo tại địa phương là phù hợp quy định của pháp luật.
Khi được Hội đồng xét xử cho phép nói lời sau cùng, các bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét cho các bị cáo được hưởng án treo.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà phúc thẩm, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa cho bị cáo và các bị cáo;
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về thủ tục kháng cáo của các bị cáo là hợp lệ, đúng pháp luật; trình tự, thủ tục giải quyết vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng là đúng quy định.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo tiếp tục thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội phù hợp với lời khai của các bị cáo tại giai đoạn điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm. Do vậy, có đủ căn cứ xác định: Vào khoảng tháng 5/2021, Chúc Văn N (sinh 02/8/1992), Chúc Văn N (sinh 14/01/1992), Bàn Văn Đ, Chúc Càn T, Bàn Càn S cùng trú tại xã S, huyện N, tỉnh Tuyên Quang đã có hành vi cùng nhau khai thác bìu gỗ Nghiến bán lấy tiền. Cây gỗ bị khai thác là gỗ Nghiến thuộc loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA. Tại kết luận định giá tài sản số 21 ngày 16/8/2021 của Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự huyện N kết luận: 01 cây gỗ Nghiến nhóm IIA có khối lượng 7,417m3 có giá trị là 76.884.250 đồng, trong đó: Gỗ Nghiến tròn có khối lượng 7,219m3 còn lại tại hiện trường có giá trị là 74.939.488 đồng; Gỗ Nghiến tròn có khối lượng 0,198m3 có giá trị là 1.944.762 đồng.
Hành vi của các bị cáo Chúc Văn N (sinh 02/8/1992), Chúc Văn N (sinh 14/01/1992), Bàn Văn Đ, Chúc Càn T, Bàn Càn S bị Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Tuyên Quang xét xử về tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản theo điểm b khoản 1 Điều 232 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.
[2] Xét nội dung kháng cáo của các bị cáo thấy rằng: Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế cụ thể là trật tự quản lý về rừng, gây nguy hại đến tài nguyên rừng cũng như hệ sinh thái tự nhiên, loài gỗ các bị cáo khai thác là gỗ Nghiến nhóm IIA thuộc danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm cần được quan tâm, ưu tiên bảo vệ; đồng thời hành vi của các bị cáo còn gây mất ổn định an ninh trật tự tại địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Do đó, cần phải xử lý nghiêm các bị cáo theo quy định của pháp luật để răn đe và phòng ngừa chung.
Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo tự nguyện khai báo; các bị cáo cũng đã bồi thường cho bị hại; các bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; các bị cáo là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm b, điểm i, điểm s, khoản 1, khoản 2, Điều 51 Bộ luật Hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá tính chất, mức độ hành vi, áp dụng tình tiết giảm nhẹ và xử phạt các bị cáo Chúc Văn N (sinh ngày 02/8/1992) 08 tháng tù, Chúc Văn N (sinh ngày 14/01/1992) 07 tháng tù, Chúc Càn T 06 tháng tù, Bàn Văn Đ 06 tháng tù, Bàn Càn S 06 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” là phù hợp. Tại phiên tòa các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội. Ngày 01/3/2022 Ủy ban nhân dân xã S, huyện N có Công văn số 07/CV-UBND về việc xin giảm nhẹ hình phạt và cho 05 bị cáo được hưởng án treo. Các bị cáo có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hưởng án treo có xác nhận của chính quyền địa phương; Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã S xác định gia đình 05 bị cáo thuộc diện hộ nghèo năm 2022. Bị cáo Chúc Văn N (sinh ngày 14/01/1992) có ông nội là Chúc Ỳ N được tặng huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, được tặng thưởng Huân chương kháng chiến; có bà nội là Phùng Mùi Pđược tặng Huy chương vì giai cấp nông dân Việt Nam; được tặng Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương hội Nông dân Việt Nam; bản thân bị cáo có nhiều Giấy khen của Ủy ban nhân dân xã S trong thực hiện nhiệm vụ. Bị cáo Chúc Văn N (sinh ngày 02/8/1992) có ông nội là Chúc Tạ H được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba. Bị cáo Bàn Văn Đ có bố đẻ là Bàn Giào H có công trong việc bảo vệ Biên giới. Bị cáo Chúc Càn T có ông nội là Chúc Tạ H được tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhất. Đây là những tình tiết giảm nhẹ mới được quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự cần được áp dụng cho cả 05 bị cáo. Các bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, có nơi cư trú rõ ràng và xét tính chất mức độ phạm tội của các bị cáo thấy không cần cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội cho các bị cáo cải tạo tại địa phương cũng đủ tác dụng cải tạo các bị cáo và phòng ngừa tội phạm nói chung.
[3] Xét đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có căn cứ nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[4] Về luận cứ bào chữa của người bào chữa cho các bị cáo, Hội đồng xét xử sẽ xem xét quyết định cho phù hợp pháp luật.
[5] Các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Chúc Văn N (sinh 02/8/1992), Chúc Văn N (sinh 14/01/1992), Bàn Văn Đ, Chúc Càn T, Bàn Càn S, sửa một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 40/2021/HS-ST ngày 30 tháng 11 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Tuyên Quang như sau:
Căn cứ: Điểm b khoản 1 Điều 232; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58 và Điều 65 Bộ luật Hình sự;
Xử phạt: Bị cáo Chúc Văn N (sinh ngày 02/8/1992) 08 (tám) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, thời gian thử thách 01 (một) năm 04 (bốn) tháng. Thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (16/5/2022).
Xử phạt: Bị cáo Chúc Văn N (sinh ngày 14/01/1992) 07 (bảy) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, thời gian thử thách 01 (một) năm 02 (hai) tháng. Thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (16/5/2022).
Xử phạt: Bị cáo Chúc Càn T 06 (sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, thời gian thử thách 01 (một) năm. Thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (16/5/2022).
Xử phạt: Bị cáo Bàn Văn Đ 06 (sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, thời gian thử thách 01 (một) năm. Thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (16/5/2022).
Xử phạt: Bị cáo Bàn Càn S 06 (sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, thời gian thử thách 01 (một) năm. Thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (16/5/2022).
Giao các bị cáo Chúc Văn N (sinh 02/8/1992), Chúc Văn N (sinh 14/01/1992), Bàn Văn Đ, Chúc Càn T, Bàn Càn S cho Ủy ban nhân dân xã S, huyện N, tỉnh Tuyên Quang nơi bị cáo cư trú, giám sát giáo dục trong thời gian thử thách của án treo.
Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt tù của bản án mới theo quy định. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 68, khoản 2 Điều 92 Luật Thi hành án hình sự.
- Về án phí: Các bị cáo Chúc Văn N (sinh ngày 02/8/1992), Chúc Văn N (sinh ngày 14/01/1992), Bàn Văn Đ, Chúc Càn T, Bàn Càn S không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
- Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (16/5/2022).
File gốc của Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 17/2022/HS-PT – Tòa án nhân dân Tuyên Quang đang được cập nhật.
Bản án về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 17/2022/HS-PT – Tòa án nhân dân Tuyên Quang
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Tuyên Quang |
Số hiệu | 17/2022/HS-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2022-05-16 |
Ngày hiệu lực | 2022-05-16 |
Lĩnh vực | Hình sự |
Tình trạng | Còn hiệu lực |