Thông tư 13/2015/TT-BTC quy định về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; kiểm soát hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Điều 6. Quy định về nộp hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc người được ủy quyền nộp bộ hồ sơ gửi Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) gồm:
1. Đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo mẫu số 01-SHTT ban hành kèm Thông tư này: 01 bản chính.
2. Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp hoặc tài liệu khác chứng minh quyền sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ tại Việt Nam hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng hoặc tài liệu khác chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng: 01 bản sao có ký tên, đóng dấu xác nhận của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc người được ủy quyền.
3. Mô tả chi tiết hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ảnh chụp, các đặc điểm phân biệt hàng thật với hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: 01 bản chính.
4. Danh sách những người xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp hàng hóa có yêu cầu giám sát. danh sách những người có khả năng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: 01 bản chính.
Điều 7. Tiếp nhận, kiểm tra và xử lý đơn đề nghị
1. Sau khi nhận đủ bộ hồ sơ đề nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này, cơ quan hải quan kiểm tra bộ hồ sơ theo các nội dung sau:
a) Tư cách pháp lý của người nộp đơn theo quy định của pháp luật.
b) Kiểm tra sự phù hợp giữa nội dung đơn với các tài liệu gửi kèm. Kiểm tra thời hạn hiệu lực của các văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
c) Mẫu vật, hiện vật (hoặc ảnh chụp) phù hợp với nội dung quyền sở hữu trí tuệ có yêu cầu bảo hộ hoặc nội dung tố cáo hành vi vi phạm.
d) Nội dung ủy quyền phù hợp với chức năng hoạt động của cơ quan hải quan và của người nộp đơn (trường hợp ủy quyền nộp đơn).
2. Các trường hợp từ chối tiếp nhận đơn:
a) Đơn gửi không đúng cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận.
b) Cơ quan hải quan có cơ sở khẳng định người nộp đơn không đủ tư cách pháp lý nộp đơn theo quy định của pháp luật.
c) Người nộp đơn không cung cấp đủ các tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật Hải quan.
d) Trong thời gian thụ lý đơn, cơ quan hải quan nhận được văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ thông báo về việc tranh chấp, khiếu nại về chủ thể quyền, khả năng bảo hộ, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
3. Trường hợp chấp nhận đơn đề nghị thì xử lý như sau:
a) Sau khi chấp nhận yêu cầu kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thông báo chấp nhận đơn tới các Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Cục Điều tra chống buôn lậu để triển khai việc kiểm tra, giám sát.
b) Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Cục Điều tra chống buôn lậu tiếp nhận thông báo của Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) và tra cứu dữ liệu trên hệ thống để tổ chức, triển khai thực hiện trong phạm vi địa bàn quản lý.
c) Chi cục Hải quan căn cứ thông tin trên cơ sở dữ liệu và thông báo của Tổng cục hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) để triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.
4. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ bộ hồ sơ đề nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này, Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) kiểm tra và thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn đề nghị.