TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
BẢN ÁN 104/2022/HS-PT NGÀY 12/05/2022 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Trong các ngày 05 và 12 tháng 5 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 86/2021/HS-PT ngày 26 tháng 5 năm 2021 đối với bị cáo Danh D do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 38/2021/HS-ST ngày 23 tháng 4 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Kiên Giang.
- Bị cáo có kháng cáo: Danh D; sinh năm 1968 tại Kiên Giang; Nơi cư trú: ấp X, xã B, huyện T, tỉnh Kiên Giang; nghề nghiệp: Làm thuê; trình độ văn hóa: 8/12; dân tộc: Khmer; giới tính: Nam; tôn giáo: Đạo phật; quốc tịch: Việt Nam; con ông Danh K (chết) và bà Thị C (chết); vợ tên Thị B và có 05 người con, lớn nhất sinh năm 1992, nhỏ nhất sinh năm 2003; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.
- Bị hại: Ông Danh Lý L – Sinh năm: 1984 (có mặt)
Địa chỉ: Ấp X, xã B, huyện T, tỉnh Kiên Giang.
- Người làm chứng:
1. Anh Danh CH, sinh năm 1992 (có mặt)
Trú tại: Ấp X, xã B, huyện T, tỉnh Kiên Giang
2. Ông Danh H, sinh năm 1969 (có mặt)
Trú tại: ấp P, xã B, huyện T, tỉnh Kiên Giang
3. Bà Thị Đ, sinh năm 1979 (có mặt)
Địa chỉ: Ấp X, xã B, huyện T, tỉnh Kiên Giang;
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào ngày 21 tháng 02 năm 2018 Danh D và Danh CH cư trú ấp X, xã B, huyện T, tỉnh Kiên Giang (CH là con ruột của ông D) đi đến bà Thị H ở cùng ấp để phục vụ hát nhạc vì nhà của bà H có đám cưới. Đến khoảng 21 giờ thì khách đến dự đám cưới đã về hết chỉ còn lại Danh Lý L và một số người trong gia đình bà H đang ngồi hát nhạc. Lúc này giữa D và L xảy ra cự cải với nhau về việc hát nhạc sóng. Trong lúc cãi nhau D có kêu L là “Khùng”, nghe D nói vậy nên L quay lưng đi và nói “Tao khùng tao đi về trước”. Danh CH đứng gần đó nghĩ là L chửi cha mình nên chạy đến dùng chân đá vào mặt L một cái làm L té nhưng không bị thương tích, L đứng lên định đánh CH thì được mọi người can ngăn sau đó thì L bỏ đi về nhà.
Đến khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày, D và CH rời khỏi nhà bà H để đi về nhà, CH điều khiển xe môtô chở Danh Thành Ph (Tiện), sinh năm 2000, cư trú ấp P xã B, huyện T, tỉnh Kiên Giang (hiện không có mặt tại địa phương), D thì điều khiển một mình chạy phía sau xe của CH một đoạn. Khi CH chạy đến trước nhà L tại ấp X, xã B, huyện T, tỉnh Kiên Giang thì L bước ra lộ và dùng khúc cây củi dừa đánh vào người CH nhưng không gây thương tích, CH điều khiển xe một đoạn cách L khoảng 10m thì dừng lại. Lúc này D cũng vừa điều khiển xe chạy đến thì cũng bị L đánh làm xe của D bị ngã nhưng D không bị thương tích. D đứng lên và đánh nhau với L bằng tay không, L vừa đánh nhau vừa lùi vào trong sân nhà thì thấy CH cũng đang đi đến nên L bỏ chạy vào nhà, khép cửa lại và đứng gần cửa chờ sẵn. D thấy vậy nên lượm một cục gạch ống (loại gạch ống xây nhà có dính bê-tông, cục gạch này L dùng để lót đường đi) cầm trên tay rồi chạy đến dùng chân đạp cửa vào và dùng cục gạch đánh trúng 01 cái vào mặt làm L quỵ xuống, L nhìn lên thì thấy CH đã đi đến đứng sau lưng D. Sau đó, D ném bỏ cục gạch tại đây rồi cùng với CH đi về nhà. L được người nhà đưa đến Bệnh viện điều trị, sau đó xuất viện.
Sau khi sự việc xảy ra anh L đến trình báo Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã mời Danh D về làm việc. Tại đây, D thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên do ban đầu anh L khẳng định thương tích do anh CH gây ra nên Cơ quan cảnh sát điều tra chưa khởi tố D. Đến ngày 05 tháng 5 năm 2020 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện T, tỉnh Kiên Giang đã tiến hành khởi tố bị can đối với Danh D. Tuy nhiên, đến ngày 02 tháng 6 năm 2020 Danh D không thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Tại bản kết luận giám định thương tích số: 57/TgT ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Hậu Giang đối với anh Danh Lý L kết luận như sau:
Dấu hiệu chính tại thời điểm giám định: Vết thương vùng mũi mặt ảnh hưởng thẩm mỹ, hô hấp, gãy xương chính mũi.
Tỷ lệ thương tích gây tổn hại đến sức khỏe hiện tại. Theo TT số 20/2014/TT- BYT điểm 1, mục IV, chương 9 và điểm 3.2, mục II, chương 13 là: 36% (Ba mươi sáu phần trăm).
Vật gây thương tích: Do vật tày có cạnh sắc gây nên.
* Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 38/2021/HS-ST ngày 23 tháng 4 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện T đã quyết định:
1. Áp dụng: Điểm c khoản 3 Điều 134; khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017
- Xử phạt: Bị cáo Danh D - 05 (năm) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời hạn tù tính kể từ ngày bị cáo đi chấp hành án.
2. Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Danh D phải bồi thường cho anh Danh Lý L số tiền còn lại là 31.500.000 đồng.
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về biện pháp tư pháp, án phí và báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
* Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 29 tháng 4 năm 2021 bị cáo Danh D có đơn kháng cáo kêu oan, yêu cầu cấp phúc thẩm tuyên bị cáo không phạm tội.
* Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang giư quyên công tô tai phiên toa phat biêu quan điểm giai quyêt vu an như sau: Quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án thể hiện, lời khai của bị hại, bị cáo và người làm chứng còn có nhiều mâu thuẫn; việc khám nghiệm hiện trường vụ án được thực hiện sau ngày xảy ra sự việc gần hai tháng nên hiện trường đã bị xáo trộn, không đảm bảo được chứng minh tội phạm; việc thực nghiệm điều tra, cơ quan điều tra đã nhờ người đóng thế Danh D và Danh CH khi vào trong nhà bị hại là chưa đảm bảo tính khách quan; trong tờ nhận tội của bị cáo thể hiện thương tích của bị hại là 36%, trong khi Kết luận giám định thương tích của bị hại có sau ngày bị cáo viết tờ nhận tội, nên tờ nhận tội của bị cáo là không đảm bảo. Mặt khác, tại phiên tòa phúc thẩm Danh CH thừa nhận có cầm khúc cây (tàu dừa) đánh vào người bị hại một cái mà không biết trúng vào đâu, nên thương tích của bị hại có khả năng do anh gây nên. Do cấp sơ thẩm có những sai sót và mâu thuẫn trong việc thu thập chứng cứ nên chưa có cơ sở vững chắc để xác định thương tích của bị hại do ai gây. Do đó, đề nghị HĐXX căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355 và điểm b, c khoản 1 Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.
- Bị cáo không thừa nhận hành vi gây thương tích cho bị hại như cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo, yêu cầu HĐXX xem xét lại tội danh.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo:
Xet đơn kháng cáo của bị cáo về nôi dung, quyền kháng cáo, thủ tục kháng cáo và thời hạn kháng cáo đã đúng quy định tại các Điều 331, 332 va 333 Bộ luật tố tụng hình sự. Do đo, Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét giải quyết đơn kháng cáo của bị cáo theo trình tự phúc thẩm.
[2] Về quyết định của bản án sơ thẩm:
Bản án sơ thẩm đã xác định: Do có mâu thuẫn trong lúc hát nhạc sống tại đám cưới nhà bà Thị H, nên khi Danh D và CH điều khiển xe chạy ngang qua nhà L thì bất ngờ bị L dùng cây đánh dẫn đến hai bên xảy ra xô xát. Trong quá trình xô xát, L bỏ chạy vào nhà thì Danh D lụm được viên gạch dưới chân và đuổi theo L đến trước cửa nhà, dùng chân đạp cửa và cầm viên gạch đánh trúng vào mặt của L, gây thương tích cho L qua giám định là 36%. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo D về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
[3] Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, HĐXX xét thấy, án sơ thẩm căn cứ vào lời khai của người làm chứng Danh CH, Danh H và các chứng cứ khác có trong hồ sơ như biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản thực nghiệm hiện trường.... để xác định bị cáo là người gây thương tích cho bị hại. Tuy nhiên, HĐXX nhận thấy như sau:
Vụ án xảy ra vào ngày 21/02/2018 nhưng đến ngày 19/4/2018, Cơ quan điều tra mới tiến hành khám nghiệm hiện trường, như vậy sau gần hai tháng mới tiến hành khám nghiệm hiện trường thì không còn đảm bảo đúng hiện trường vụ án, vì qua thời gian dài hiện trường bị xáo trộn nên việc lập Biên bản hiện trường không đảm bảo tính khách quan và cũng không thể hiện được bản chất của vụ án. Đồng thời, do bị cáo không thừa nhận vào hàng ba nhà của bị hại để đánh bị hại nên việc thực nghiệm hiện trường nhờ người đóng thế bị cáo và Danh CH khi vào nhà đánh bị hại là không khách quan, không thể làm chứng cứ để kết tội bị cáo.
Lời khai của bị hại Danh Lý L, sau khi sự việc mới xảy ra, bị hại làm đơn yêu cầu khởi tố và trong quá trình điều tra sau đó bị hại xác định chính Danh CH dùng cục gạch đánh vào mặt bị hại gây thương tích; nhưng thời gian sau đó và tại các phiên tòa sơ, phúc thẩm bị hại lại khẳng định chính Danh D dùng gạch đánh vào mặt gây thương tích cho bị hại. Lý do trước đây bị hại khai do Danh CH đánh là do bị hại giận CH nên khai vậy. Đồng thời, lời khai của bị hại cũng rất mâu thuẫn, tại Biên bản đối chất ngày 18/6/2020 (BL 93) bị hại khai: “Ông D đạp cửa xông vào tôi vừa nhìn thấy ông D thì tôi bị đánh vào mặt, tôi khụy xuống và ngẩng đầu lên nhìn thấy CH đứng sau ông D và còn nghe ông D nói “nó ra máu rồi, đi về”; trong khi tại phiên tòa phúc thẩm bị hại khai: Khi bị hại bị đánh xong thì bị ngất xỉu. Xét thấy lời khai của bị hại cũng không thống nhất, chính bị hại cũng không xác định rõ ai là người gây thương tích cho mình.
Lời khai của nhân chứng Danh CH cũng còn nhiều mâu thuẫn: Tại (bút lục 69- 70) CH khai: Sau khi nhìn thấy L đánh cha mình (bị cáo D) thì “tôi mới chạy đến đánh nhau bằng tay không với ông L tại khu vực sân trước nhà, khi tôi đang đánh nhau với ông L thì cha tôi chạy đến, ông L sợ nên mới chạy vào nhà, tôi đứng lại tại chỗ còn cha tôi thì đuổi theo ông L. Lúc này trong nhà có đèn loại sáng trắng hắt ra, ngoài hàng ba không có đèn nên tôi chỉ nhìn thấy cảnh tiếp theo là ba tôi đi ra ngoài, còn ông L thì nằm trong nhà chỉ thấy phần thân dưới nằm ló ra ngoài cửa. Tại vị trí gần chân của ông L có một cục gạch ống nằm đó” và nhiều lời khai khác của CH cũng khẳng định khi bị cáo D trở ra ngoài thì CH nhìn vào chỉ thấy hai chân của L...Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, CH lại khai: CH không vô tới nhà bị hại, thấy ba (bị cáo) nhào vô áp sát L, L chạy vô nhà thì tôi đứng lại, nhìn thấy ba từ sân đi ra có nghe ba nói với L là “nếu mày đánh tao nữa, tao đánh mày lại”, còn thương tích của L thì không biết do ai gây ra. Ngoài ra, lời khai của bà Thị Đ (vợ bị hại) cũng không thống nhất, khi thì bà xác định “Khi về nhà thấy chồng đang nằm, máu chảy ướt sàn nhà, tôi hỏi thì chỉ nghe chồng tôi nói là ông D và CH, không nói gì thêm thì bị ngất xỉu” (BL 86). Trong khi tại phiên tòa phúc thẩm, bà Đ lại khẳng định khi bà về thấy chồng (Lý L) đã ngất xỉu, khi đến bệnh viện mới tỉnh lại. Do đó, việc căn cứ vào các lời khai này để buộc tội bị cáo là chưa đảm bảo vững chắc. Đối với lời khai của ông Danh H, ông H cũng là người nghe bị cáo nói lại là chính bị cáo đánh bị hại, chứ không trực tiếp chứng kiến sự việc; tại phiên tòa phúc thẩm chính bị cáo cũng thừa nhận bị cáo có nói như vậy với ông Danh H, nhưng bị cáo cho rằng vì nghĩ CH đánh nên bị cáo nhận tội thay cho con.
Đối với Tờ nhận tội của bị cáo Danh D được lập ngày 20/3/2018, trong đó thể hiện bị cáo dùng cục gạch đánh gây thương tích cho Danh Lý L, với thương tích là 36%. Tuy nhiên, trong hồ sơ thể hiện: Ngày 03/4/2018 Cơ quan điều tra mới ra Quyết định trưng cầu giám định pháp y về tổn hại sức khỏe của bị hại và đến ngày 12/4/2018 mới có kết luận giám định về thương tích của bị hại là 36%. Do vậy, Tờ nhận tội này không đảm bảo tính khách quan và không phù hợp về mặt thời gian, nên không đảm bảo được tính hợp pháp của chứng cứ.
Ngoài ra, cấp sơ thẩm nhận định cục gạch thu giữ là hung khí gây án là chưa phù hợp. Bởi lẽ, hiện trường tại nhà bị hại L có rất nhiều cục gạch như vậy, không xác định được cục gạch nào gây nên thương tích của bị hại mà cục gạch do bà Thị Đ giao nộp cho Cơ quan điều tra chỉ là vật nghi ngờ, đồng dạng với vật gây thương tích, cấp sơ thẩm cũng chưa cho giám định xem cục gạch đó có gây ra được thương tích trên người bị hại hay không? Xét thấy, các chứng cứ và lời khai mà cấp sơ thẩm đã thu thập còn nhiều mâu thuẫn, chưa đảm bảo tính khách quan và giá trị pháp lý của chứng cứ nên cấp phúc thẩm không thể khắc phục, bổ sung được. Mặt khác, tại phiên tòa phúc thẩm, nhân chứng Danh CH khai nhận: Trong lúc xô xát với bị hại Danh Lý L, thì anh có cầm khúc cây (tàu dừa) đánh vào người bị hại một cái, không biết trúng vào đâu, nên thương tích của bị hại có khả năng do anh gây nên, còn cha anh (bị cáo) không gây thương tích cho bị hại. Đây là tình tiết mới mà tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX không thể điều tra làm rõ. Do đó, cần thiết phải hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung. Do HĐXX hủy án nên không xem xét kháng cáo của bị cáo yêu cầu tuyên bị cáo không phạm tội.
[4] Về quan điểm của Kiểm sát viên: Đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm và giao hồ sơ về cấp sơ thẩm điều tra lại theo thủ tục chung là phù hợp, có căn cứ nên được chấp nhận.
[5] Về án phí: Căn cứ Điều 135 va 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Do hủy án nên bị cáo không phải chịu án phí sơ thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 355 và điểm b, c khoản 1 Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự;
Hủy Bản án hình sự sơ thẩm số: 38/2021/HS-ST ngày 23 tháng 4 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Kiên Giang. Giao hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân huyện T, tỉnh Kiên Giang điều tra lại theo thủ tục chung.
2. Về án phí: Căn cứ Điều 135 va 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
File gốc của Bản án về tội cố ý gây thương tích số 104/2022/HS-PT – Tòa án nhân dân Kiên Giang đang được cập nhật.
Bản án về tội cố ý gây thương tích số 104/2022/HS-PT – Tòa án nhân dân Kiên Giang
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tòa án nhân dân Kiên Giang |
Số hiệu | 104/2022/HS-PT |
Loại văn bản | Bản án |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2022-05-12 |
Ngày hiệu lực | 2022-05-12 |
Lĩnh vực | Hình sự |
Tình trạng | Còn hiệu lực |