BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5032/BYT-TCCB | Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2022 |
Kính gửi: Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày 26/4/2022, Bộ Y tế đã ký, ban hành Thông tư số 03/2022/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế (sau đây viết tắt là Thông tư số 03/2022/TT-BYT).
Thời gian qua, Bộ Y tế nhận được Công văn của một số Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Long An, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình…) đề nghị hướng dẫn thực hiện các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ hành nghề (nếu có), về cách xác định kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ trong yêu cầu về tiêu chuẩn đào tạo, bồi dưỡng dùng để thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế và về cách xếp lương viên chức y tế hạng IV.
Sau khi rà soát, xem xét, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý khi xây dựng Thông tư số 03/2022/TT-BYT
- Ngày 18/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức, trong đó tại khoản 4 Điều 1 của Nghị định này (sửa đổi Điều 17 của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP) đã quy định như sau:
"4. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành. Mỗi chuyên ngành có 01 chương trình, thời gian thực hiện tối đa là 06 tuần".
Tại khoản 9 Điều 1 của Nghị định số 89/2021/NĐ-CP (sửa đổi Điều 26 của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP) đã quy định như sau:
"2. Viên chức có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật được sử dụng thay thế chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tương ứng".
- Ngày 10/6/2021, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 3845/VPCP-TCCV gửi các Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành về cắt giảm các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức, trong đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: “Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý cho phù hợp, đảm bảo cắt giảm những chứng chỉ bồi dưỡng mang tính hình thức, không phù hợp, trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; quy định về chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch công chức, chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp viên chức phù hợp với yêu cầu, tính chất hoạt động nghề nghiệp của công chức, viên chức”.
Căn cứ quy định tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP của Chính phủ, thực hiện Công văn số 3845/VPCP-TCCV ngày 10/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Thông tư số 03/2022/TT-BYT ngày 26/4/2022 sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế cho phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ký, ban hành các Quyết định số 1743/QĐ-BYT, Quyết định số 1707/QĐ-BYT, Quyết định số 1731/QĐ-BYT, Quyết định số 1732/QĐ-BYT, Quyết định số 1733/QĐ-BYT, Quyết định số 1734/QĐ-BYT, Quyết định số 1735/QĐ-BYT, Quyết định số 1736/QĐ-BYT ngày 29/6/2022 về việc ban hành 08 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các chuyên ngành: bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dược, y tế công cộng, dinh dưỡng và Quyết định số 1845/QĐ-BYT ngày 05/7/2022 về việc ban hành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dân số, làm cơ sở để cho các đơn vị, địa phương thực hiện việc bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành y tế.
2. Quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế:
Thông tư số 03/2022/TT-BYT của Bộ Y tế đã quy định thống nhất mỗi nhóm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành y tế (bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, y tế công cộng, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dược, dinh dưỡng, dân số) sử dụng chung một loại chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của chuyên ngành đó, không phân loại chứng chỉ bồi dưỡng theo hạng chức danh nghề nghiệp của nhóm chuyên ngành đó như trước đây, đồng thời quy định chứng chỉ hành nghề của chuyên ngành (nếu có) được sử dụng thay thế chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của nhóm chuyên ngành đó.
Tại khoản 1 Điều 8 Thông tư số 03/2022/TT-BNV quy định như sau:
“Viên chức đã được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế theo quy định của pháp luật trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà trong quy định về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh đó không yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì không phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp quy định tại Thông tư này. Viên chức khi tham dự kỳ thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức quy định tại Thông tư này”.
Tại khoản 2 Điều 8 Thông tư số 03/2022/TT-BYT quy định:
"Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế của tất cả các hạng chức danh nghề nghiệp chuyên ngành y tế được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành có giá trị tương đương với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức quy định tại Thông tư này"
Quy định này được thực hiện như sau:
Theo quy định tại các Thông tư liên tịch của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ trước đây (Thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BYT-BNV, số 11/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 27/5/2015; Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV, số 27/2015/TTLT-BYT-BNV, số 28/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 07/10/2015 và Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BYT-BNV ngày 15/4/2016) quy định mã số, tiêu chuẩn các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế: khi bổ nhiệm viên chức vào các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế hạng IV, hạng III (trừ chức danh nghề nghiệp dân số hạng III) thì không cần phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của chuyên ngành đó.
Theo quy định tại Thông tư 03/2022/TT-BYT này, thì tất cả các viên chức chuyên ngành y tế khi bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng (kể cả hạng IV, hạng III) thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của chuyên ngành đó hoặc có chứng chỉ hành nghề tương ứng.
Trường hợp viên chức đã có quyết định bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế hạng IV, hạng III trước khi Thông tư 03/2022/TT-BYT này có hiệu lực thì không cần phải học bổ sung thêm chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp vẫn đủ tiêu chuẩn để được giữ các hạng chức danh nghề nghiệp đã được bổ nhiệm đó.
Viên chức đã được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp chuyên ngành y tế theo các Thông tư, Thông tư liên tịch trước đây muốn dự thi hoặc xét thăng hạng để được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn thì bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế hoặc chứng chỉ hành nghề tương ứng theo quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BYT.
Trường hợp viên chức đã đi học chứng chỉ bồi dưỡng theo các hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế trước đây và đã được cấp chứng chỉ bồi dưỡng trước ngày Thông tư số 03/2022/TT-BYT có hiệu lực thi hành, thì được tiếp tục sử dụng các chứng chỉ bồi dưỡng theo các hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế đã được cấp để tham dự các kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế.
Như vậy, căn cứ theo quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BYT này, thì khi viên chức muốn được bổ nhiệm mới (sau tuyển dụng) vào bất kỳ hạng chức danh nghề nghiệp nào của viên chức chuyên ngành y tế hoặc muốn được tham dự các kỳ thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp để được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế hạng cao hơn, thì bắt buộc phải có một trong các chứng chỉ sau:
- Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của chuyên ngành tương ứng với chức danh nghề nghiệp đó.
- Hoặc chứng chỉ hành nghề tương ứng của chuyên ngành đó (chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề dược…)
Về ví dụ cụ thể:
a) Đối với nhóm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành điều dưỡng.
- Đối với các viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp Điều dưỡng hạng IV (đã có quyết định bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng IV) thì không cần học bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chuyên ngành điều dưỡng (theo quy định tại Thông tư số 03/2022/TT- BYT) vẫn được tiếp tục giữ chức danh nghề nghiệp Điều dưỡng hạng IV đó. Tuy nhiên, nếu những viên chức này muốn thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Điều dưỡng hạng III thì cần phải có một trong hai chứng chỉ sau: (1) Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, hoặc (2) Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng mới (theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 03/2022/TT-BYT này).
- Đối với các viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp Điều dưỡng hạng III (đã có quyết định bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Điều dưỡng hạng III) thì không cần học bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng (theo quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BYT) vẫn được tiếp tục giữ chức danh nghề nghiệp Điều dưỡng hạng III. Tuy nhiên, nếu những viên chức này muốn thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Điều dưỡng hạng II thì cần phải có một trong hai chứng chỉ sau: (1) Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, hoặc (2) Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng mới (theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 03/2022/TT-BYT).
Nếu viên chức này đã học và có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Điều dưỡng hạng II (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV trước đây) thì chứng chỉ này vẫn được sử dụng để thay thế chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng mới (quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BYT) khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng từ chức danh nghề nghiệp Điều dưỡng hạng III lên chức danh nghề nghiệp Điều dưỡng hạng II mà không phải học bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nào khác.
b) Đối với nhóm chức danh nghề nghiệp dân số.
- Đối với các viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp Dân số viên hạng IV (đã có quyết định bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Dân số viên hạng IV) thì không cần học bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dân số vẫn được tiếp tục giữ chức danh nghề nghiệp Dân số viên hạng IV. Tuy nhiên, nếu những viên chức này muốn tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Dân số viên hạng III thì cần phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dân số (theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 03/2022/TT-BYT). Nếu viên chức này đã học và có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Dân số viên hạng III (theo quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BYT trước đây) thì chứng chỉ này vẫn được sử dụng để thay thế chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dân số (quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BYT) khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng từ chức danh nghề nghiệp Dân số viên hạng IV lên chức danh nghề nghiệp dân số viên hạng III mà không phải học bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nào khác. Đồng thời, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Dân số viên hạng III này còn được tiếp tục sử dụng để thay thế chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dân số (quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BYT này) khi các viên chức này tham dự các kỳ thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Dân số viên hạng II.
c) Đối với các nhóm chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế khác (bác sỹ, bác sỹ y tế dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật viên, dược) việc áp dụng quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được thực hiện tương tự như trên.
3. Về việc đánh giá kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ trong việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức.
- Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thay thế Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, khoản 1 Điều 17 quy định: "Trường hợp người trúng tuyển có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học theo quy định mà tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển thì được thay thế chứng chỉ ngoại ngữ, tin học". Theo đó, Nghị định 115/2020/NĐ-CP đã quy định việc xác định bằng chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học thì không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Ngày 18/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức, đồng thời ngày 25/10/2021, Bộ Nội vụ có Công văn số 5355/BNV-CCVC gửi các Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành đề nghị khẩn trương xây dựng, ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành được giao quản lý, trong đó cần lưu ý nội dung đề nghị không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong quy định về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức. Các Bộ quản lý chuyên ngành nghiên cứu, quy định về tiêu chuẩn năng lực ngoại ngữ, tin học phù hợp với yêu cầu về chức trách, nhiệm vụ của ngạch, chức danh nghề nghiệp tương ứng.
Căn cứ quy định trên, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-BYT ngày 26/4/2022 sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế, trong đó quy định về tiêu chuẩn đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ thông tin và ngoại ngữ như sau: “Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm”. Như vậy, kể từ ngày Thông tư số 03/2022/TT-BYT có hiệu lực thi hành, việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế không yêu cầu viên chức phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nhưng vẫn phải có kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, tin học theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Việc xác định kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, tin học theo yêu cầu của từng vị trí việc làm được thực hiện thông qua các kỳ thi tuyển dụng hoặc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp (có nội dung thi về tin học, ngoại ngữ). Việc xác định kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, tin học theo yêu cầu của từng vị trí việc làm trong các kỳ xét tuyển hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được thực hiện thông qua các bài thi trắc nghiệm hoặc thông qua các văn bằng, chứng chỉ của viên chức đó (do cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch xét tuyển, kế hoạch xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp quyết định).
4. Về bổ nhiệm và xếp lương viên chức chuyên ngành y tế hạng IV:
Viên chức đã được tuyển dụng và hiện đang hưởng lương ở các ngạch hộ lý, y công, dược tá, điều dưỡng sơ cấp, hộ sinh sơ cấp, kỹ thuật viên sơ cấp y trước đây (theo bảng lương viên chức loại C) mà chưa được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp chuyên ngành y tế hạng IV, đến nay đã đi học và có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng trở lên, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế hạng IV quy định tại các Thông tư, Thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế, thì đề nghị Sở Y tế khẩn trương bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế hạng IV và được xếp hưởng theo bảng lương viên chức loại B nếu viên chức đó có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp, hoặc được xếp hưởng theo bảng lương viên chức loại A0 nếu viên chức đó có bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng.
Viên chức đã được bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp Điều dưỡng hạng IV, Hộ sinh hạng IV, Kỹ thuật y hạng IV, Dược hạng IV, Dân số viên hạng IV và đang được xếp theo hệ số lương của bảng lương viên chức loại B (từ hệ số 1,86 đến hệ số 4,06), đến nay đã chuẩn hoá và có bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng theo đúng chuyên ngành, nhóm ngành đào tạo thì đủ điều kiện để được chuyển xếp lương theo hệ số lương của bảng lương viên chức loại A0 (từ hệ số 2,1 đến hệ số 4,89) theo quy định về chuyển xếp lương tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ.
Viên chức chuyên ngành y tế đã được bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp hạng IV (Điều dưỡng hạng IV, Hộ sinh hạng IV, Kỹ thuật y hạng IV, Dược hạng IV, Dân số viên hạng IV), mà có bằng tốt nghiệp trình độ tốt nghiệp đại học theo đúng chuyên ngành, nhóm ngành đào tạo thì đảm bảo đủ tiêu chuẩn điều kiện để được chuyển xếp lương theo hệ số lương của bảng lương viên chức loại A0 (từ hệ số 2,1 đến hệ số 4,89).
5. Chuẩn hoá trình độ cao đẳng đối với chức danh Dân số viên hạng IV:
Viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp Dân số hạng IV mà có trình độ trung cấp thì tiếp tục xếp theo hệ số lương của bảng lương viên chức loại B. Trường hợp viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp Dân số viên hạng IV có trình độ cao đẳng hoặc trình độ đại học thì đủ điều kiện để chuyển xếp lương theo các hệ số lương của bảng lương viên chức loại A0 (từ hệ số 2,1 đến hệ số 4,89) theo quy định về xếp lương tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ.
Bộ Y tế kính gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố để biết và thực hiện.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Công văn 5032/BYT-TCCB của Bộ Y tế về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung Thông tư 03/2022/TT-BYT đang được cập nhật.
Công văn 5032/BYT-TCCB của Bộ Y tế về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung Thông tư 03/2022/TT-BYT
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Y Tế |
Số hiệu | 5032/BYT-TCCB |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Nguyễn Trường Sơn |
Ngày ban hành | 2022-09-15 |
Ngày hiệu lực | 2022-09-15 |
Lĩnh vực | Y tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |