HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 159-HĐBT | Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1983 |
Trong những năm qua, dưới ánh sáng nghị quyết Đại hội lần thứ IV, thứ V của Đảng, công văn văn hoá, thông tin tiếp tục phát triển và đạt những thành tựu quan trọng.
Các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp và phong trào văn nghệ quần chúng, công tác thông tin cổ động, triễn lãm, giáo dục truyền thống, xuất bản sách báo đã góp phần đáng kể vào việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Nhiều cơ sở hoạt động văn hoá như nhà văn hoá, thư viện, nhà truyền thống được xây dựng theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Phong trào thi đua với huyện Hải Hậu, lá cờ đầu về văn hoá trong cả nước, ngày càng phát triển.
Qua các hoạt động nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ của ta tỏ rõ có tài năng sáng tạo, có phẩm chất chính trị tốt. Một số diễn viên và một số tác phẩm nghệ thuật đạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế.
Trong công tác lãnh đạo và quản lý, ngành văn hoá thông tin có nhiều cố gắng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, đào tạo cán bộ, khắc phục khó khăn sản xuất vật tư, phương tiện kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của phong trào ngày càng mở rộng.
Bên cạnh những ưu điểm nói trên, công tác văn hoá thông tin còn có những khuyết điểm sau đây:
- Chưa nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và tình hình kinh tế xã hội của đất nước, chưa nhận thức đầy đủ cuộc đấu tranh giữa hai con đường, giữa địch và ta, trên mặt trận văn hoá đang diễn ra gay gắt.
Chưa chú trọng đúng mức công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với cán bộ văn hoá nghệ thuật, thông tin xuất bản, do đó chất lượng hoạt động văn hoá thông tin chưa cao, nội dung xã hội chủ nghĩa chưa sâu sắc, tính chiến đấu còn yếu. Có lúc hữu khuynh trong việc chỉ đạo, hạ thấp chức năng giáo dục của văn hoá nghệ thuật, sa vào những khuynh hướng không lành mạnh; để cho văn hoá nghệ thuật thương mại trỗi đậy, một số nghệ sĩ chạy theo thị hiếu thấp kém.
- Đời sống văn hoá ở cơ sở, ở nhiều vùng còn kém, nhất là vùng dân tộc ít người, vùng căn cứ kháng chiến cũ, vùng nông thôn miền Nam.
- Phong trào nếp sống mới chuyển biến chậm. Mê tín dị đoan, hủ tục phát triển trong cả lớp thanh niên. Những hiện tượng càn quấy, ăn mặc lố lăng, nói năng thô tục, thái độ thiếu văn hoá phát triển, nhất là ở các thành phố.
- Công tác quản lý không chặt chẽ, buông lỏng cải tạo xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật ở miền Nam, không kịp thời phê phán, ngăn chặn những ảnh hưởng của văn hoá nghệ thuật phản động, đồi truỵ của giai cấp tư sản và chủ nghĩa thực dân mới, những hoạt động phi pháp của bọn đầu cơ, gian thương; thiếu cảnh giác cách mạng đối với âm mưu phá hoại của địch về tư tưởng văn hoá. Các chính sách đối với văn hoá, nghệ thuật chưa được kịp thời sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Cơ sở vật chất kỹ thuật còn kém, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động văn hoá thông tin. Công tác kinh tế trong lĩnh vực văn hoá chưa được coi trọng. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý chưa vững mạnh và ổn định.
II. PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ CÔNG TÁC VĂN HOÁ THÔNG TIN TRONG THỜI GIAN TRƯỚC MẮT.
Trong giai đoạn mới của cách mạng, công tác văn hoá thông tin cần tiếp tục quán triệt sâu sắc phương hướng nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội Đảng lần thứ V đã đề ra là:
"Đẩy mạnh công cuộc xây dựng nền văn hoá mới, con người mới, bám sát yêu cầu của cách mạng và phù hợp với khả năng kinh tế, thúc đẩy tốt hơn nữa công cuộc xây dựng chế độ mới và nền kinh tế mới. Tăng cường đấu tranh xoá bỏ tệ nạn xã hội cũ, những tàn dư của văn hoá phản động".
Nhằm góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nghị quyết của đại hội lần thứ V của Đảng và các nghị quyết của Hội nghị trung ương lần thứ III, lần thứ IV và lần thứ V, ngành văn hoá thông tin có những nhiệm vụ cụ thể sau đây:
1. Tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa, cổ vũ mạnh mẽ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong giai đoạn mới, tinh thần tự lực tự cường, tinh thần làm chủ tập thể của nhân dân lao động, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
2. Nâng cao chất lượng của các hoạt động văn hoá, nghệ thuật và thông tin, xuất bản. Tổ chức tốt đời sống văn hoá ở cơ sở. Phấn đấu có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật.
3. Xây dựng nếp sống xã hội chủ nghĩa, đoàn kết thân ái, hăng hái lao động, văn minh, kỷ luật, liêm khiết, tiết kiệm. Bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục, đẩy lùi những tệ nạn xã hội và những mặt tiêu cực trong đời sống.
4. Chống ảnh hưởng của văn hoá, nghệ thuật tư sản và thực dân mới, chống sự phá hoại về văn hoá, tư tưởng của bọn bành trướng Trung Quốc và đế quốc Mỹ. Hoàn thành cải tạo các tổ chức văn hoá, nghệ thuật ở miền Nam.
5. Chấn chỉnh tổ chức từ trung ương đến cơ sở, đặc biệt coi trọng cơ sở và cấp huyện. Tiêu chuẩn hoá cán bộ ngành văn hoá, thông tin, nhằm nâng cao chất lượng, đồng thời có kế hoạch đào tạo cán bộ cho cân đối với yêu cầu phát triển của các ngành văn hoá nghệ thuật, thông tin, xuất bản và nâng cao sinh hoạt văn hoá của nhân dân. Sửa đổi những chính sách không phù hợp, bổ sung các luật lệ về văn hoá nghệ thuật, thông tin, xuất bản.
6. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành văn hoá, nghệ thuật, thông tin, xuất bản theo hướng từng bước hiện đại hoá, trước hết cho các ngành in, điện ảnh, sân khấu và các trường nghệ thuật phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước.
Từ nay đến năm 1985, cố gắng phấn đấu đạt một số mục tiêu cụ thể sau đây:
1. Xây dựng rộng khắp đời sống văn hoá ở các đơn vị cơ sở, có chật lượng tốt. Nâng cao chỉ tiêu hưởng thụ tính theo đầu người về đọc sách báo, nghe đài, xem phim, xem nghệ thuật.
2. Đẩy mạnh phong trào sáng tác để có những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao. Củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng biểu diễn của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp ở trung ương và địa phương.
3. Tạo sự chuyển biến mới thật sự về lối sống xã hội chủ nghĩa trong xã hội, nhất là trong thanh niên, thiếu niên và ở các thành phố lớn.
4. Hoàn thành về cơ bản việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối cới các tổ chức văn hoá, nghệ thuật ở miền Nam, đưa công tác quản lý văn hoá nghệ thuật vào nền nếp.
Quét sạch những văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ và những hoạt động phi pháp trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật.
5. Chuẩn bị điều kiện cho bước phát triển mới về văn hoá nghệ thuật, thông tin, xuất bản trong những năm sau, chủ yếu về các mặt cán bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật.
III. NHỮNG CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP CỤ THỂ
1. Xây dựng và nâng cao đời sống văn hoá ở cơ sở và địa phương.
- Từ nay đến năm 1985, phải bảo đảm cho phần lớn đơn vị cơ sở đều có hoạt động văn hoá, nhân dân lao động được đọc báo, nghe đài, xem phim, xem nghệ thuật. Đặc biệt chú ý các vùng nông thôn, vùng dân tộc ít người ở vùng cao và biên giới.
Theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, cần củng cố và xây dựng các cơ sở văn hoá ở cấp tỉnh và huyện như nhà văn hoá, thư viện, rạp chiếu bóng, bảo tàng, nhà triển lãm v. v.. . ở phường, xã hay cụm kinh tế kỹ thuật, từng bước xây dựng những cơ sở văn hoá tuỳ theo khả năng thực tế của cơ sở. Từ nay, khi xây dựng các khu dân cư mới, các thị trấn mới, phải có quy hoạch xây dựng các công trình văn hoá.
Hết sức coi trọng phát triển văn hoá ở thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác làm mẫu mực cho phong trào chung. Phải có những hoạt động và công trình văn hoá tiêu biểu cho nền văn hoá mới.
- Bộ Văn hoá cần có quy chế hoạt động cụ thể cho các đoàn nghệ thuật của trung ương và địa phương, các nghệ sĩ, các tổ chức văn hoá chuyên nghiệp các cấp tăng cường hoạt động, đi sát cơ sở, phục vụ nhân dân lao động ở thành thị và nông thôn, đặc biệt chú ý các vùng biên giới, vùng dân tộc, vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến cũ; chống tư tưởng chạy theo doanh thu đơn thuần mà xem nhẹ mục tiêu phục vụ nhân dân lao động, nâng cao sinh hoạt văn hoá, giáo dục thị hiếu nghệ thuật của quần chúng.
2. Nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật.
Nghệ thuật là một mặt trận xung yếu trong cuộc đấu tranh giữa hai con đường, giữa địch và ta, giữa hai nền văn hoá. Phải chống tư tưởng hữu khuynh, buông lỏng chỉ đạo, cũng như chống khuynh hướng bảo thủ, trì trệ trong các hoạt động nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn và trong công tác tổ chức, quản lý.
Yêu cầu cơ bản đối với tất cả các loại hình nghệ thuật là nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật và sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Trước mắt, tập trung chỉ đạo, tập trung lực lượng xây dựng những tác phẩm nghệ thuật phục vụ những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong những năm 1984-1985 và hướng tới đại hội Đảng lần VI.
Để đạt yêu cầu đó, phải làm tốt những công tác chính sau đây:
a) Đẩy mạnh sáng tác nghệ thuật.
Cần cải tiến mạnh mẽ công tác tổ chức quản lý nghệ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ phát huy tài năng.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng làm cho cán bộ quản lý và nghệ sĩ quán triệt các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, thấy rõ tình hình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ đi sâu vào thực tế ở cơ sở, gần gũi con người mới, điển hình tiên tiến, để tạo nên những tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh được chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, tinh thần làm chủ tập thể của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; vạch trần âm mưu phá hoại của địch, phê phán những biểu hiện lạc hậu, tiêu cực trong xã hội.
Bộ Văn hoá cần phối hợp với các hội nghệ thuật xây dựng kế hoạch sáng tác, quy định chế độ cho nghệ sĩ đi vào thực tế, tổ chức tốt các trại sáng tác; mở rộng và sử dụng có hiệu quả quỹ văn hoá; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và phương tiện hoạt động; xây dựng chính sách khuyên khích tài năng nghệ thuật về vật chất cũng như tinh thần, kiến nghị với Nhà nước xét tặng giải thưởng quốc gia, huân chương, phong danh hiệu nghệ sĩ, v.v...
b) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận và phê bình.
Cụ thể hoá đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng trong từng ngành nghệ thuật. Xây dựng phương hướng phát triển từng ngành nghệ thuật như ca nhạc, múa, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, kiến trúc...; xúc tiến việc nghiên cứu lịch sử các ngành nghệ thuật.
Vạch trần âm mưu thủ đoạn của địch trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, phê phán những tác hại của văn hoá, nghệ thuật tư sản, thực dân mới trên báo chí và các phương tiện thông tin khác để giáo dục quần chúng.
Làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn nghệ thuật truyền thống; mạnh dạn phát triển, đổi mới nghệ thuật truyền thống của dân tộc, tổ chức tốt các cuộc hội thảo về nghiên cứu lý luận, phê bình nghệ thuật, đánh giá các tác phẩm, giới thiệu những thành tựu, tài năng nghệ thuật mới, thảo luận những vấn đề có ý nghĩa nâng cao tính tư tưởng, tính nghệ thuật.
c) Phát triển phong trào hoạt động nghệ thuật trong quần chúng. Củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng các đoàn nghệ thuật.
Phổ biến sâu rộng đường lối chính sách văn hoá, văn nghệ của Đảng, xây dựng phong cách, thị hiếu nghệ thuật lành mạnh. Phổ biến rộng rãi những tác phẩm nghệ thuật cách mạng, phát động phong trào ca múa nhạc, tạo không khí vui tươi, lành mạnh khắp mọi nơi.
Quét sạch các loại văn hoá phẩm phản động, đồi truỵ lén lút lưu hành trong nước hoặc đưa từ nước ngoài vào.
Chấn chỉnh tổ chức, nâng cao chất lượng các nhà hát, các đoàn nghệ thuật từ trung ương đến địa phương. ở trung ương, tiến tới mỗi ngành nghệ thuật đều có một nhà hát quốc gia tiêu biểu. ở các tỉnh và thành phố, cần xây dựng nhà hát hoặc đoàn nghệ thuật tiêu biểu cho truyền thống của địa phương mình.
Bộ Văn hoá cần xây dựng các quy chế chặt chẽ về tổ chức và hoạt động nghệ thuật, tiêu chuẩn hoá diễn viên, sắp xếp lại các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, bảo đảm có đủ nghệ sĩ có tài năng và phẩm chất, và có cán bộ quản lý tốt. ở cấp huyện, quận, phường, xã tổ chức các đội văn nghệ nghiệp dư, không tổ chức các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.
Cần tổ chức thường xuyên các hội diễn hàng năm để động viên sáng tác, biểu diễn và tuyển chọn nghệ sĩ có tài năng.
d) Nâng cao chất lượng điện ảnh.
Phấn đấu để những năm tới, mỗi tháng có thêm một bộ phim mới cho thiếu nhi, một bộ phim mới cho người lớn, chú ý phát triển phim khoa học, kỹ thuật.
Để nâng cao chất lượng phim, cần coi trọng kịch bản và đạo diễn.
Có kế hoạch sản xuất phim mầu và tăng dần tỷ lệ phim mầu.
Tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật, kế hoạch hoá sản xuất phim và thực hiện hạch toán kinh tế trong toàn ngành. Mở rộng quan hệ quốc tế dưới các hình thức như hợp tác làm phim, bán phim, trao đổi phim, thực hiện các dịch vụ thu ngoại tệ để đầu tư lại phát triển ngành.
Chấn chỉnh tổ chức, tăng cường ngành điện ảnh theo hướng xây dựng thành một ngành quản lý thống nhất trong cả nước, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế, phấn đấu trở thành một ngành công nghiệp điện ảnh hoàn chỉnh có khả năng tự tạo nguồn tự tạo nguồn vốn để phát triển ngành.
Chú trọng xây dựng lối sống xã hội chủ nghĩa nhằm góp phần tích cực vào việc xây dựng con người mới và quản lý xã hội. Trước mắt, tập trung vào một số việc sau đây:
- Xây dựng phong cách lao động có kỷ luật, có kỹ thuật, đạt năng suất cao chống những hành vi xấu như vô trách nhiệm, lười biếng, làm dối, làm ẩu, ăn cắp của công, v.v...
- Xây dựng phong cách sống giản dị, tiết kiệm, lành mạnh. Đấu tranh loại trừ lối sống lãng phí, xa hoa, tiêu cực.
- Xây dựng gia đình văn hoá mới.
- Xây dựng nếp sống văn minh ở những nơi công cộng, nhất là ở các rạp hát, rạp chiếu bóng, công viên, đường phố...
- Quét sạch những tàn dư văn hoá phản động, đồi truỵ, bài trừ tệ nạn xã hội và hủ tục trong ma chay, cưới xin, chống mê tín dị đoan.
Xây dựng nếp sống mới là một nhiệm vụ to lớn và phức tạp, chính quyền các cấp phải tăng cường chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của các ngành kinh tế văn hoá, công an, quân đội và các đoàn thể quần chúng và tiến hành trên mọi mặt lao động, công tác, sinh hoạt và quan hệ xã hội. Phải kiên trì và tích cực kết hợp biện pháp giáo dục với biện pháp hành chính và giải quyết dứt điểm, không qua loa đại khái, nửa chừng bỏ dở. Chú ý đối tượng quan trọng nhất là thanh niên, thiếu niên.
Bộ Văn hoá có trách nhiệm phối hợp với các ngành khoa học xã hội và các đoàn thể tổ chức nghiên cứu lý luận về lối sống xã hội chủ nghĩa, xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch, xây dựng nếp sống mới trong toàn xã hội.
4. Về công tác bảo tồn bảo tàng
Trong thời gian tới, cần có quy hoạch bảo tồn, tu sửa các di tích lịch sử trong cả nước, chú trọng những công trình có ý nghĩa lớn như Đền Hùng, Điện Biên Phủ, Côn Đảo, đường Trường Sơn v.v... Trước mắt, tập trung sức bảo tồn, xây dựng di tích lịch sử Điện Biên Phủ để chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (1984). Có kế hoạch mở rộng thêm bảo tàng mỹ thuật (dành phần cho bản sao các tác phẩm nổi tiếng của thế giới), tiến tới xây dựng bảo tàng dân tộc học, bảo tàng thiên nhiên.
Ở các địa phương và cơ sở, xây dựng các nhà bảo tàng, nhà truyền thống, Bộ Văn hoá cần giúp đỡ các địa phương về nghiệp vụ cũng như về mỹ thuật.
Thực hành những biện pháp có hiệu quả ngăn chặn tệ bán trái phép đồ cổ ra nước ngoài.
Chuẩn bị để Hội đồng Nhà nước ban hành pháp lệnh về bảo tồn di tích lịch sử, công trình văn hoá và thắng cảnh.
5. Về công tác xuất bản, in, phát hành, thư viện.
Nâng cao chất lượng và số lượng sách, báo, chấn chỉnh việc phân phối cho hợp lý, đúng đối tượng và sử dụng có hiệu quả hơn.
Xây dựng những bộ sách cần đọc ở các thư viện tỉnh, huyện và cơ sở về các lĩnh vực chính trị, khoa học, kỹ thuật, văn nghệ và sách dành cho thiếu nhi. In lại các tác phẩm cổ điển, các công trình khoa học, văn học có giá trị lớn.
Mở rộng hợp tác quốc tế về xuất bản, in, phát hành sách báo, trước hết với các nước xã hội chủ nghĩa. Củng cố Nhà xuất bản ngoại văn làm cơ sở mở rộng công tác tuyên truyền và giới thiệu những tác phẩm có giá trị của nước ta ra nước ngoài.
Về mặt quản lý, các ngành, các cấp phải chấp hành nghiêm chỉnh các luật lệ về xuất bản, ấn loát. Nhà nước thống nhất quản lý ngành in, xuất bản và phát hành. Các cửa hàng sách báo phải do Nhà nước quản lý. Giấy in không được lưu thông trên thị trường tự do. Khẩn trương cải tạo ngành in ở các tỉnh, thành miền Nam, xoá bỏ kinh doanh tư nhân đối với ngành in, xuất bản và phát hành sách báo.
Cải tiến tổ chức ngành xuất bản báo chí, in phát hành theo hướng thống nhất quản lý toàn ngành.
6. Về công tác thông tin, cổ động triễn lãm.
Củng cố các đội thông tin lưu động của huyện và xã, tăng cường các phương tiện truyền tin nhất là loa, đài, kết hợp với công tác văn hoá quần chúng, với các đội văn nghệ và các tổ chức văn hoá khác, làm cho công tác này vừa có sức thuyết phục vừa có sức hấp dẫn.
Triễn lãm là hình thức thông tin trực quan có tác dụng lớn. Cần phát triển các hình thức triễn lãm chuyên đề về các mặt để phục vụ các mục tiêu của nhiệm vụ chính trị. Coi trọng tổ chức triễn lãm thành tựu kinh tế kỹ thuật. Từng tỉnh, từng huyện nên tổ chức triễn lãm kinh tế kỹ thuật của địa phương vừa để động viên phong trào lao động sản xuất, vừa để phát triển quan hệ hợp tác liên kết sản xuất, thúc đẩy lưu thông hàng hoá.
1. Chấn chỉnh tổ chức bộ máy văn hoá các cấp.
Chấn chỉnh tổ chức cho gọn nhẹ, có hiệu lực, giảm đầu mối trung gian, không bắt chước rập khuôn các cơ quan hành chính, các tổ chức kinh tế.
Bộ Văn hoá cùng Ban tổ chức của Chính phủ hoàn chỉnh đề án chấn chỉnh bộ máy văn hoá các cấp trình Thường vụ Hội đồng bộ trưởng xét duyệt vào quý I năm 1984.
Những tỉnh, thành phố đã có các tổ chức sự nghiệp như nhà bảo tàng, thư viện, nhà triễn lãm, v.v... thì các tổ chức này kiêm nghiệm công tác chỉ đạo nghiệp vụ cho huyện và cơ sở. ở huyện, quận chỉ để một bộ phận trong biên chế hành chính, còn lại tổ chức theo tính chất sự nghiệp như thư viện, nhà văn hoá, nhà bảo tàng, đội thông tin lưu động, và các đơn vị kinh doanh như đội chiếu bóng, cửa hàng sách, v.v...
Ở xã, phường có cán bộ chuyên trách được hưởng chế độ thù lao như cán bộ giáo dục, y tế; ở các cơ sở xí nghiệp, công trường, nông trường, v.v... tuỳ theo tính chất và quy mô mà tổ chức bộ phận hay bố trí cán bộ chuyên trách.
2. Bổ sung và sửa đổi các chính sách cho phù hợp với đặc điểm của lao động văn hoá, nghệ thuật.
Để khắc phục khuynh hướng bình quân chủ nghĩa và chiếu cố đặc thù của lao động nghệ thuật, cần nghiên cứu sửa đổi chế độ lương nghệ thuật, các loại phụ cấp như phụ cấp biểu diễn, phụ cấp thanh sắc chế độ nhuận bút, chính sách đối với giáo viên và học sinh nghệ thuật, chính sách đối với những tác phẩm được trưng bày hoặc được biểu diễn, những công trình nghiên cứu, giảng dạy nghệ thuật v.v... nghiên cứu chính sách đầu tư, cung ứng vật tư, kỹ thuật cho các ngành nghệ thuật, sử dụng cho các ngành nghệ thuật, sử dụng quỹ văn hoá, v.v...
Bộ Văn hoá cùng Bộ Tài chính, Bộ Lao động và các ngành liên quan nghiên cứu các chinh sách nói trên trình Thường vụ Hội đồng bộ trưởng đầu năm 1984.
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê nin, đường lối chính sách chung và đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng. Coi trọng thích đáng việc giáo dục nghệ thuật truyền thống.
Tăng cường đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên đại học và trên đại học, nâng cao trình độ sư phạm và kiến thức chuyên môn về văn hoá và nghệ thuật.
Xem xét lại công tác tuyển sinh nhằm tuyển chọn đúng những người có năng khiếu nghệ thuật thực sự, có phẩm chất tốt. Có biện pháp thích hợp để tuyển chọn học sinh địa phương và con em các dân tộc để có cán bộ văn hoá nghệ thuật phục vụ địa phương và đồng bào dân tộc. Các trường dân tộc phải bảo đảm tuyển chọn số đông học sinh là con em các dân tộc.
Quy hoạch lại hệ thống nhà trường, hình thành hai trung tâm đại học ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; khi có điều kiện, xây dựng trường cao đẳng nghệ thuật ở Huế. Để đào tạo cán bộ cho các địa phương, có thể tổ chức một số trường, lớp khu vực, giao cho một Sở văn hoá trực tiếp quản lý. Việc tuyển sinh do các Sơ văn hoá đảm nhiệm, phải tổ chức sát hạch kiểm tra theo đúng quy định của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp và Bộ văn hoá.
4. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, cải tiến công tác kinh tế trong văn hoá văn hoá.
Xây dựng và mở rộng các cơ sở sản xuất vật tư chuyên dùng, nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu phát triển phong trào ở địa phương và cơ sở. Việc xây dựng các cơ sở hoạt động văn hoá ở địa phương và cơ sở phải dựa vào phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Đối với các lực lượng chuyên nghiệp, ngành văn hoá cần có kế hoạch từng bước bổ sung một số thiết bị và vật tư chuyên dùng cần thiết để nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá, nghệ thuật.
Bộ văn hoá cần cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu văn hoá phẩm. Cho phép Bộ văn hoá được sử dụng 90% lãi về xuất khẩu để phát triển sự nghiệp.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cần có chế độ hàng năm định mức nộp lãi cho Nhà nước. Số lãi vượt được giữ lại để phát triển sự nghiệp. Riêng đối với các đơn vị nghệ thuật, cần xây dựng chế độ thu nộp ngân sách thích hợp nhằm đề cao chức năng giáo dục, phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân là chính, không đòi hỏi thăng bằng thu chi, không chạy theo doanh thu và hạ thấp chất lượng nghệ thuật. Để tạo điều kiện đẩy mạnh sáng tác, cần mở rộng quỹ văn hoá; ngoài tỷ lệ được trích trong doanh thu chiếu bóng và phát hành sách, cần có biện pháp tăng thu thêm và cho phép giữ lại số dư cuối năm trong quỹ văn hoá để tích luỹ cho những tác phẩm lớn. Bộ Văn hoá cần bàn với các hội văn học, nghệ thuật về việc xây dựng các quỹ hoạt động của ngành và các chính sách cần thiết; cần tổng kết kinh nghiệm về công tác kinh tế trong văn hoá để có cơ sở xây dựng hoàn chỉnh các chính sách kinh tế trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật cho hợp lý.
5. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hoá.
Quản lý văn hoá là một mặt quan trọng của công tác quản lý xã hội. Ngành văn hoá thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên các mặt đường lối, quan điểm, chế độ, chính sách và những hoạt động thực tiễn về văn hoá nghệ thuật. Bộ Văn hoá phải cụ thể hoá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hoá, nghệ thuật, xây dựng các luật lệ, bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước trên mặt trận văn hoá, tư tưởng.
Trong phạm vi địa phương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố được quyền quyết định về nội dung và hình thức các hoạt động và sản phẩm văn hoá sử dụng ở địa phương.
Đối với các tác phẩm đã được Bộ Văn hoá cho lưu hành, nếu thấy không phù hợp với địa phương thì có thể tạm hoãn lưu hành và báo cáo lên Bộ Văn hoá.
Đối với các hội văn học, nghệ thuật, những tổ chức văn hoá có tính quần chúng, Bộ Văn hoá cần có hình thức phối hợp chặt chẽ trong việc đẩy mạnh sáng tác, và tạo điều kiện cần thiết về tài chính và cơ sở vật chất kỹ thuật.
Văn hoá nghệ thuật là một lĩnh vực hoạt động rất quan trọng của Đảng và Nhà nước. Bộ Văn hoá cần cụ thể hoá nghị quyết này thành các chương trình, kế hoạch hoạt động và cùng các ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức việc thực hiện cho hiệu quả.
Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các ngành có liên quan khác giải quyết các vấn đề thuộc trách nhiệm ngành mình nêu trong nghị quyết này.
Bộ Lao động, Bộ Tài chính cùng với Bộ Văn hoá nghiên cứu các chính sách đối với văn hoá, nghệ thuật như chế độ lương, chế độ nhuận bút, bản quyền tác giả..., Bộ Tư pháp cùng với Bộ Văn hoá xây dựng, bổ sung các luật lệ về văn hoá.
Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Tổng công đoàn, các hội văn học và nghệ thuật phối hợp với Bộ Văn hoá tổ chức quần chúng thực hiện nghị quyết này nhằm đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sóng văn hoá của nhân dân, xây dựng nếp sống mới xã hội chủ nghĩa trong toàn xã hội.
| Tố Hữu (Đã ký) |
File gốc của Nghị quyết số 159-HĐBT về công tác văn hoá thông tin trong thời gian trước mắt do Hội đồng Bộ trưởng ban hành đang được cập nhật.
Nghị quyết số 159-HĐBT về công tác văn hoá thông tin trong thời gian trước mắt do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Hội đồng Bộ trưởng |
Số hiệu | 159-HĐBT |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Người ký | Tố Hữu |
Ngày ban hành | 1983-12-19 |
Ngày hiệu lực | 1984-01-03 |
Lĩnh vực | Văn hóa |
Tình trạng | Đã hủy |