CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 64-CT | Hà Nội, ngày 15 tháng 2 năm 1984 |
CHỈ THỊ
VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA NĂM 1984.
Thực hiện Chỉ thị số 144-CT ngày 19-5-1983 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức phong trào thi đua yêu nước xã hội chủ nghĩa 3 năm 1983 - 1985, trong năm 1983, phong trào thi đua phát triển khá, đã động viên đông đảo quần chúng phát huy tinh thần làm chủ tập thể, tích cực lao động, sáng tạo, nhờ vậy, đã khắc phục được nhiều khó khăn, thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước.
Tuy nhiên, ở nhiều nơi, phong trào phát triển chưa đều, khí thế thi đua chưa mạnh, chưa đi vào chiều sâu là năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế.
Quán triệt nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ V và nghị quyết của kỳ họp Quốc hội vừa qua, cần tăng cường chỉ đạo nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước xã hội chủ nghĩa năm 1984 rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, ở tất cả các ngành, các địa phương và cơ sở và tạo sự chuyển biến lớn về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất và công tác.
Yêu cầu chung của phong trào thi đua năm 1984 là mọi ngành, mọi đơn vị, mọi người đều đạt năng suất lao động cao, sản xuất và công tác có chất lượng và hiệu quả cao; thực hiện đầy đủ 4 chế độ: chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật, chế độ bảo vệ của công và chế độ phục vụ nhân dân; triệt để thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí.
Trong sản xuất và xây dựng, cần đề cao việc tuân thủ các quy trình, quy phạm thực hiện tiêu chuẩn định mức; coi trọng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, phát huy tinh thần chủ động, phát huy và sử dụng tốt các tiềm năng từ 4 nguồn để phát triển sản xuất, vận dụng tốt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Trung ương và địa phương cùng lo; quản lý và sử dụng tốt lao động và cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao không ngừng chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế; làm tròn nghĩa vụ giao nộp sản phẩm và nộp lãi cho Nhà nước.
Trong phân phối lưu thông, phải làm tốt công tác thu mua, nắm tiền, nắm hàng, quản lý thị trường giá cả, phát triển thương nghiệp quốc doanh và dịch vụ; quản lý tốt hàng hoá, phân phối hàng đúng đối tượng, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, thái độ phục vụ văn minh lịch sự; đẩy mạnh phong trào mua công trái xây dựng Tổ quốc.
Trên lĩnh vực văn hoá xã hội, chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, làm tốt công tác hướng nghiệp, tuyển sinh, bồi dưỡng giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng chữa bệnh, phòng bệnh và tinh thần phục vụ người bệnh; đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch để hạ thấp tỷ lệ tăng dân số; xây dựng phong trào thực hiện nếp sống mới, lối sống mới lành mạnh, vui tươi, tiết kiệm.
Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh phong trào thi đua rèn luyện tốt, sẵn sàng chiến đấu cao, giữ nghiêm kỷ luật, đoàn kết quân dân, nâng cao cảnh giác, giữ vững trật tự an ninh xã hội, đấu tranh chống tiêu cực và mọi thủ đoạn phá hoại của địch.
Để bảo đảm phong trào thi đua có hiệu quả thiết thực, cần chú ý mấy công việc lớn dưới đây:
1. Kết hợp việc nghiên cứu quán triệt nghị quyết hội nghị lần thứ V của Ban chấp hành Trung ương và việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, rà soát lại các chỉ tiêu kế hoạch của từng đơn vị sản xuất, công tác, chú ý xây dựng các chỉ tiêu về năng suất, chất lượng, hiệu quả và lấy đó làm chỉ tiêu chủ yếu trong giao ước thi đua.
Tiêu chuẩn về chất lượng từng mặt hàng, từng loại công việc do thủ trưởng ngành hoặc đơn vị ban hành và phải được tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh ở tất cả những cơ sở trong ngành. Cơ quan khoa học kỹ thuật các cấp cần cấp dấu chất lượng và theo dõi việc thực hiện.
2. Các cơ quan văn hoá thông tin, báo chí tăng cường công tác giáo dục động viên chính trị tư tưởng, biểu dương các điển hình tiên tiến, phổ biến các kinh nghiệm hay nhằm phát huy tinh thần làm chủ tập thể, lao động và công tác chủ động, sáng tạo, có hiệu quả và năng suất cao.
3. Để phong trào thi đua có hiệu quả thiết thực, thủ trưởng các ngành và địa phương cùng với các đoàn thể quần chúng cần tổ chức nhiều hình thức, biện pháp như tổ chức phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi trong các ngành kinh tế kỹ thuật; tổ chức phong trào quần chúng kiểm tra lẫn nhau về chất lượng; mở những hội nghị chuyên đề về nâng cao chất lượng sản phẩm trong từng ngành nghề và từng khu vực; tổ chức triển lãm các mặt hàng có chất lượng cao và mặt hàng làm dối, làm ẩu để động viên và giáo dục quần chúng.
4. Khen thưởng kịp thời các đơn vị hoặc cá nhân lao động sản xuất giỏi, công tác tốt, chiến đấu tốt.
5. Coi trọng việc sơ kết, tổng kết các điển hình tiên tiến lấy kinh nghiệm thực tế để phổ biến rộng rãi.
6. Kiện toàn tổ chức chuyên trách công tác thi đua của các ngành và các địa phương, các cấp để giúp chính quyền chỉ đạo chặt chẽ phong trào.
Nhận được chỉ thị này, các ngành, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể tổ chức và chỉ đạo nhằm dấy lên một phong trào thi đua rộng lớn và thiết thực. Ban thi đua Trung ương phối hợp cùng các cơ quan, đoàn thể theo dõi và giúp Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo chặt chẽ phong trào thi đua trong cả nước.
| Tố Hữu (Đã ký)
|
File gốc của Chỉ thị 64-CT về tiếp tục đẩy mạnh phòng trào thi đua yêu nước XHCN năm 1984 do Hội đồng bộ trưởng ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 64-CT về tiếp tục đẩy mạnh phòng trào thi đua yêu nước XHCN năm 1984 do Hội đồng bộ trưởng ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng |
Số hiệu | 64-CT |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Tố Hữu |
Ngày ban hành | 1984-02-15 |
Ngày hiệu lực | 1984-03-01 |
Lĩnh vực | Văn hóa |
Tình trạng | Đã hủy |