ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 9 năm 1989 |
CHỈ THỊ
TỔ CHỨC ĐÓN TIẾP QUÂN TÌNH NGUYỆN Ở CAMPUCHIA VỀ THÀNH PHỐ, CHĂM LO ĐỜI SỐNG BỘ ĐỘI VÀ CHẤP HÀNH TỐT CHÁNH SÁCH HẬU PHƯƠNG QUÂN ĐỘI.
Thực hiện tuyên bố ngày 5 tháng 4 năm 1989 của Chính phủ ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, cuối tháng 9/89 quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia rút hết về nước, trong đó có một số đơn vị về trú đóng tại thành phố.
Để tổ chức đón tiếp được chu đáo theo chỉ đạo của Ban đón tiếp Trung ương, Thông tri số 64/TU ngày 31/8/1989 của Thành ủy và nhân dịp này tiếp tục chăm lo đời sống bộ đội, chấp hành tốt chánh sách hậu phương quân đội, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị cho các ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện tập trung làm tốt những việc sau đây :
1/ Mở đợt tuyên truyền sâu rộng, liên tục ở thành phố trước, trong và sau đợt rút quân nhằm làm cho mọi người nhận rõ thành quả vẻ vang, sự hy sinh to lớn của quân và dân ta đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Cuộc rút quân đợt cuối cùng này phản ánh thắng lợi to lớn và sự trưởng thành vững mạnh của cách mạng Campuchia. Kết quả của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Campuchia, phản ánh cục diện tốt đẹp đang diễn ra ở Campuchia cũng như trong khu vực Đông Nam Á. Cần đi sâu tuyên truyền thành tích các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và thành tích của các ngành, các địa phương ở thành phố trong nhiệm vụ giúp bạn.
Sở Văn hóa thông tin, các báo, Đài tiếng nói nhân dân, Đài truyền hình thành phố cần phối hợp chặt chẽ với Quân khu 7 và các đơn vị quân tình nguyện để có kế hoạch làm tốt việc này.
2/ Tổ chức hai Đoàn đại biểu Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thành phố và Đoàn xe mô tô 100 chiếc lên Tây Ninh cùng với đại biểu các tỉnh bạn đón quân tình nguyện về ngày 26/9/1989 qua cửa khẩu Mộc Bài và Sa Mát.
Giao cho Bộ Chỉ huy quân sự thành phố liên hệ với các ngành hữu quan thực hiện việc này và bàn với Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố để có kế hoạch bảo đảm cho các đoàn đại biểu của thành phố đi, về.
3/ Tổ chức cuộc mittinh lớn, đón tiếp trọng thể quân tình nguyện tại hội trường Thống Nhất sáng ngày 28/9/1989. Cuộc mittinh này có nhiều đơn vị quân tình nguyện, có đông đảo quần chúng tham dự và có nhiều phóng viên nước ngoài đến dự.
Ban Tổ chức lễ thành phố cần có kế hoạch tổ chức tốt cuộc mittinh, liên hệ với Sở ngoại vụ thành phố sắp xếp chu đáo cho các phóng viên nước ngoài đến dự.
4/ Huy động quần chúng đón tiếp hai bên đường có quân tình nguyện đi qua ngày 26 và ngày 28/9, huy động một vạn quần chúng dự mittinh ở hội trường Thống Nhất.
Ban tổ chức lễ thành phố có trách nhiệm thông báo cụ thể đến các quận, huyện có liên quan để Ủy ban nhân dân phối hợp với Mặt trận Tổ quốc làm tốt việc huy động quần chúng đón tiếp và dự mittinh.
5/ Công an thành phố có trách nhiệm phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự thành phố để làm tốt việc bảo vệ cuộc chuyển quân của quân tình nguyện trên địa bàn thành phố, bảo vệ cuộc mittinh và các đoàn đại biểu của thành phố lên biên giới.
6/ Tổ chức thăm hỏi, động viên, ủy lao, chăm lo đời sống tinh thần và vật chất các đơn vị quân tình nguyện về trú đóng ở thành phố và các đơn vị quân tình nguyện kết nghĩa với thành phố trú đóng ở các địa phương khác, nhất là đối với các thương bệnh binh.
Sở Lao động-Thương binh xã hội thành phố phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Bộ Chỉ huy quân sự thành phố để có kế hoạch tổ chức các đoàn của thành phố đi thăm.
Các quận, huyện, nhất là nơi có quân tình nguyện trú đóng cần tổ chức thăm hỏi, động viên, ủy lao kịp thời, thiết thực, hỗ trợ đời sống tinh thần và vật chất của bộ đội có nhiều khó khăn.
7/ Vận động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với gia đình liệt sĩ, thương binh. Các quận huyện cần chỉ đạo nắm cụ thể tình hình đời sống của từng gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh ở địa phương. Trên cơ sở đó có kế hoạch vận động nhân dân, các xí nghiệp, công ty, cửa hàng, cơ quan ở địa phương đóng góp chi viện, thực hiện kết nghĩa, đỡ đầu thường xuyên đối với những trường hợp có nhiều khó khăn, đặc biệt quan tâm cha mẹ liệt sĩ sống cô đơn, con chưa trưởng thành của liệt sĩ và thương binh nặng về sống với gia đình.
8/ Thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chánh sách hậu phương quân đội. Các quận, huyện cần tổ chức chu đáo việc đón nhận quân tình nguyện phục viên về địa phương đợt này. Mở rộng việc đào tạo, dạy nghề, ưu tiên giải quyết việc làm cho gia đình liệt sĩ, thương binh, quân nhân phục viên, kể cả học nghề và hợp tác lao động ở nước ngoài.
Bộ Chỉ huy quân sự thành phố phối hợp với Sở Lao động-Thương binh xã hội, Ủy ban Kế hoạch thành phố và Thành đoàn Thanh niên Cộng sản để có kế hoạch hướng dẫn các quận huyện thực hiện.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
File gốc của Chỉ thị 33/CT-UB năm 1989 về tổ chức đón tiếp quân tình nguyện ở Campuchia về thành phố chăm lo đời sống bộ đội và chấp hành tốt chánh sách hậu phương quân đội do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 33/CT-UB năm 1989 về tổ chức đón tiếp quân tình nguyện ở Campuchia về thành phố chăm lo đời sống bộ đội và chấp hành tốt chánh sách hậu phương quân đội do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Số hiệu | 33/CT-UB |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Lê Quang Chánh |
Ngày ban hành | 1989-09-18 |
Ngày hiệu lực | 1989-09-18 |
Lĩnh vực | Văn hóa |
Tình trạng | Hết hiệu lực |