ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/CT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 04 năm 1992 |
CHỈ THỊ
VỀ KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ LẦN THỨ 45 (27/7/1947- 27/7/1992).
Năm nay, cùng với cả nước thành phố Hồ Chí Minh tổ chức những hoạt động kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ lần thứ 45.
Bốn mươi lăm năm qua, trong thời chiến cũng như trong xây dựng đất nước, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, các ban ngành đoàn thể cùng các tầng lớp nhân dânthành phố với lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh xương máu cho đất nước đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện chính sách thương binh liệt sĩ, đã huy động được nhiều đóng góp, tổ chức được nhiều phong trào đền ơn đáp nghĩa mang lại những kết quả thiết thực, tạo thêm điều kiện thuận lợi để hầu hết thương binh và gia đình liệt sĩ ổn định dần cuộc sống và giữ gìn, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của bản thân và gia đình.
Tuy nhiên cho đến nay công tác thương binh liệt sĩ của thành phố vẫn còn những mặt làm chưa tốt, thậm chí có những vấn đề rất bức xúc : đời sống của một bộ phận khá đông gia đình liệt sĩ và thương binh còn quá khó khăn, số con liệt sĩ, con thương binh thất học và thất nghiệp còn nhiều, việc giải quyết tồn đọng trong thi hành chính sách thương binh liệt sĩ cũng còn nhiều hạn chế.
Từ tháng 9/1991 Hội đồng Bộ trưởng đã ra Chỉ thị 367/HĐBT và Bộ Lao động- Thương binh xã hội đã có nhiều văn bản hướng dẫn về yêu cầu và nội dung các hoạt động kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ năm nay. Để chấp hành tốt chỉ thị và các thông tri hướng dẫn của Trung ương và căn cứ vào các vấn đề đặt ra trong công tác thương binh- xã hội của thành phố hiện nay, Ủy ban nhân dânthành phố chỉ đạo các nội dung chính của đợt hoạt động kỷ niệm 45 năm ngày thương binh liệt sĩ như sau :
1- Tiến hành sơ kết công tác thương binh liệt sĩ từ phường xã, quận huyện và ở tất cả các ban ngành đoàn thể để xác định những việc đã làm được, bình xét khen thưởng những đơn vị và cá nhân có nhiều đóng góp, nghiêm túc vạch ra những tồn tại khuyết điểm, đề ra những biện pháp cụ thể để đẩy mạnh công tác thương binh liệt sĩ trong thời gian tới. Mốc thời gian kiểm điểm là từ khi Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị 105/CT về công tác hậu phương quân đội ngày 29 tháng 4 năm 1989 đến nay.
2- Tiến hành bình chọn và đăng ký phấn đấu để đạt danh hiệu “người công dân kiểu mẫu” và “gia đình cách mạng gương mẫu” trong thương binh, trong thân nhân chủ yếu của liệt sĩ, trong cán bộ về hưu, trong gia đình có công cách mạng và trong bộ đội phục viên. Để phát huy tinh thần tự giác và dân chủ, việc bình chọn cần tiến hành từ bước tự nhận xét qua phiếu tự nhận xét theo từng tiêu chuẩn đến bước bình chọn tập thể ở tổ thương binh, tổ gia đình liệt sĩ ở tổ hội cựu chiến binh và ban đại diện hưu trí phường, xã.
Thời gian đăng ký để phấn đấu đạt danh hiệu trên là từ năm 1993 đến 1995.
3- Mở hội nghị biểu dương những người đạt các danh hiệu trên và các tập thể và cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và làm tốt công tác hậu phương quân đội ở cả 3 cấp phường xã, quận huyện và thành phố.
Sở Lao động- Thương binh xã hội phối hợp với Ban Thi đua khen thưởng, với Hội Cựu chiến binh thành phố và Sở Tài chánh để hướng dẫn việc sơ kết, việc bình chọn, việc khen và thưởng đảm bảo những công tác trên được tiến hành chu đáo.
4- Đẩy mạnh việc giải quyết những mặt tồn đọng trong thực hiện chính sách thương binh liệt sĩ theo Chỉ thị 551/HĐBT, Chỉ thị 18 của Ủy ban nhân dânthành phố và Thông tư Liên Bộ Lao động- Thương binh xã hội- Quốc phòng.
- Qua các cuộc sinh hoạt, kiểm điểm công tác thương binh liệt sĩ tiếp tục phát động cán bộ và quần chúng phát hiện những tồn đọng để có kế hoạchgiải quyết tiếp. Sơ kết đợt 1 vào cuối tháng 6/1992, tập trung giải quyết những việc còn lại để cơ bản hoàn thành vào cuối năm 1992.
Bộ Chỉ huy quân sự và Sở Lao động- Thương binh xã hội tổ chức các tổ chuyên viên chuyên trách đến các quận huyện để phối hợp giải quyết các mặt tồn đọng tránh tình trạng để dây dưa, kéo dài không giải quyết dứt điểm.
5- Củng cố và phát triển các phong trào đền ơn đáp nghĩa với các hình thức đa dạng theo phương châm xã hội hóa sự nghiệp chăm sóc thương binh và gia đình liệt sĩ :
a- Về dạy nghề và việc làm cho thương binh và con em gia đình liệt sĩ, thương binh : Sở Lao động- Thương binh xã hội và Sở Giáo dục đào tạo đề xuất quy chế ưu đãi trong dạy nghề và trong bố trí việc làm cho diện chính sách có công. Cần ưu tiên dành một số mặt hàng hoặc một số dịch vụ dễ làm cho thương binh và gia đình liệt sĩ. Đến cuối năm 1992 cố gắng giải quyết được 50% số thương binh và con em gia đình liệt sĩ có nhu cầu về dạy nghề và bố trí việc làm.
b- Về đời sống : Trong quá trình thực hiện chương trình phát triển kinh tế gia đình, chương trình xóa đói giảm nghèo, Phân ban nông thôn cùng các đoàn thể, các ngành chức năng khác cần ưu tiên cấp vốn và tạo những điều kiện thuận lợi cho những gia đình liệt sĩ và thương binh có khả năng tiếp nhận để làm ăn. Đối với số thương binh nặng không còn khả năng lao động, đối với cha mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, đối với con liệt sĩ, con thương binh nặng chưa trưởng thành gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống cần được thống kê để vận động các đơn vị kinh tế làm ăn có lãi tiếp tục giúp đỡ bằng các hình thức thích hợp như đỡ đầu kết nghĩa, giúp sổ tiết kiệm hoặc nhận con em của gia đình vào làm việc để có thêm thu nhập.
Đối với những hoàn cảnh không nơi nương tựa thì ngành lao động- thương binh xã hội cần tổ chức nuôi dưỡng cho chu đáo phấn đấu đến cuối năm 1992 không còn thương binh và thân nhân chủ yếu của liệt sĩ phải sống trong cảnh đói khổ mà không được giúp đỡ thiết thực.
c- Việc học hành cho con liệt sĩ, con thương binh : do đời sống khó khăn, số con liệt sĩ, con thương binh bị thất học ngày càng nhiều. Ngành giáo dục đào tạo, ngành lao động- thương binh xã hội cùng các đoàn thể cần nắm lại thực trạng, có kế hoạch đưa con em diện chính sách có công trở lại trường lớp phổ thông hoặc lớp phổ cập, lớp học tình thương. Ngành giáo dục liên kết chặt với gia đình, với chính quyền và các đoàn thể để ngăn chặn tình trạng các em bỏ học dở dang.
Phấn đấu không để con em liệt sĩ, thương binh bị thất học.
d- Việc điều trị bệnh cho thương binh và gia đình liệt sĩ : Do đời sống thiếu thốn, ăn uống thiếu dinh dưỡng nên vết thương của thương binh thường bị tái phát, cha mẹ liệt sĩ thường bị suy giảm sức khỏe và phát sinh nhiều bệnh tật và do nghèo khó, thiếu tiền chạy chữa nên bệnh tình ngày càng nặng. Diện ốm đau bệnh hoạn ngày càng tăng.
Để thiết thực chăm lo sức khỏe cho thương binh, gia đình liệt sĩ, bên cạnh việc hướng dẫn phòng bệnh, ngành y tế cần xúc tiến việc khám bệnh, lập y bạ cho thương bệnh binh nặng, cho cha mẹ liệt sĩ có Huân chương độc lập và giao cho các bệnh viện hoặc phòng khám trị bệnh hoàn toàn miễn phí cho các đối tượng này. Ngành y tế cần thực hiện các quy chế về miễn giảm viện phí, thuốc men cho các diện chính sách có công khác.
e- Việc xây dựng các loại quỹ bảo trợ :
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội cần phối hợp với chính quyền các cấp vận động xây dựng các loại quỹ bảo trợ, các quỹ tín dụng để trợ giúp cho những người hưởng chính sách có công và xã hội.
Phấn đấu đến cuối năm 1992, cấp thành phố có số dư là : 2 tỷ đồng, cấp quận huyện là 300 triệu, cấp phường xã là 30 triệu.
f- Về nhà tình nghĩa : Đến nay thành phố đã vận động xây dựng được trên 5.600 ngôi nhà tình nghĩa. Việc làm này mang lại ý nghĩa kinh tế xã hội to lớn có tác dụng khơi động phong trào trong cả nước. Các huyện còn đề nghị tiếp tục xây dựng gần 3.000 căn nhà tình nghĩa nữa trong các năm tới. Phấn đấu trong năm 1992 vận động xây dựng thêm 300 căn và sửa chữa 300 căn cho diện chính sách có công.
i- Về nghĩa trang liệt sĩ : Hoàn thành việc xây các mộ tiêu biểu và tiếp tục thi công các hạng mục còn lại ở nghĩa trang liệt sĩ thành phố. Tích cực tu bổ hai nghĩa trang liệt sĩ ở Củ Chi và Bình Chánh để tham gia cuộc thi tuyển chọn nghĩa trang tiêu biểu trong cả nước trong đợt kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ năm nay.
6- Tăng cường công tác kiểm tra thực hiện chính sách :
Trong quá trình tổ chức các sinh hoạt kiểm điểm công tác thương binh liệt sĩ, cán bộ và quần chúng sẽ phát hiện những việc làm tốt và những sai sót, những vi phạm trong thực hiện chính sách thương binh liệt sĩ nên ngành lao động- thương binh xã hội cần quan tâm tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, kịp thời xác minh các sự việc để biểu dương những việc làm tốt và sửa chữa uốn nắn, xử lý những khuyết điểm sai phạm.
7- Về tổ chức thực hiện :
Để các nội dung hoạt động kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ nêu trên được triển khai tốt, trong tổ chức thực hiện cần quan tâm mấy việc :
a- Làm tốt công tác tuyên truyền cổ động : Ban Tuyên huấn Thành ủy, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, Sở Văn hóa thông tin cần chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, các hộ, các đoàn nghệ thuật đẩy mạnh công tác tuyên truyền cổ động biểu diễn phục vụ đợt kỷ niệm này bắt đầu từ 1/5/1992 đến 22/12/1992 mà cao điểm là tháng 7/1992.
b- Ủy ban Kế hoạch, Sở Tài chánh cần kịp thời xét duyệt và cấp kinh phí đảm bảo các hoạt động kỷ niệm được tiến hành tốt trên tinh thần tiết kiệm, tránh phô trương hình thức.
c- Vì những hoạt động kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ liên quan tới nhiều ngành, nhiều giới nên cần thành lập Ban chỉ đạo ở cả 3 cấp : thành phố, quận huyện và phường xã. Thành viên của Ban chỉ đạo nên gồm :
- Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban (đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách khối văn xã) làm Trưởng ban. Các ngành lao động- thương binh xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Ban chỉ huy quân sự, công an, văn hóa thông tin, y tế, giáo dục, Hội Cựu chiến binh là thành viên của Ban chỉ đạo.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở ban ngành của thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận huyện căn cứ theo nội dung chỉ thị này và chức trách của mình vạch kế hoạch thực hiện cho có kết quả.
Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các cơ quan Trung ương và các tỉnh đóng trên địa bàn thành phố có sự phối hợp trách nhiệm để đẩy mạnh các hoạt động kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ lần thứ 45 tại thành phố đạt được các yêu cầu nêu trong Chỉ thị 367 của Hội đồng Bộ trưởng./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
File gốc của Chỉ thị 17/CT-UB năm 1992 về kế hoạch hoạt động kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ lần thứ 45 (27/7/1947- 27/7/1992) do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 17/CT-UB năm 1992 về kế hoạch hoạt động kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ lần thứ 45 (27/7/1947- 27/7/1992) do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Số hiệu | 17/CT-UB |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Trang Văn Quý |
Ngày ban hành | 1992-04-23 |
Ngày hiệu lực | 1992-04-23 |
Lĩnh vực | Văn hóa |
Tình trạng | Hết hiệu lực |