ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1853/QĐ-UB-VX | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 12 năm 1993 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH CHIẾN LƯỢC THÔNG TIN GIÁO DỤC-TRUYỀN THÔNG DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH TẠI TP.HCM
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30/6/1989;
- Xét đề nghị của Ủy ban dân số-kế hoạch hóa gia đình thành phố;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Ban hành kèm theo quyết định này “chiến lược thông tin giáo dục-truyền thông dân số và kế hoạch hóa gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh”.
Điều 2.- Chiến lược này có hiệu lực thi hành từ ngày ban hành.
Điều 3.- Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền thành phố, Giám đốc Sở Y tế, Sở Văn hóa thông tin, Sở Tài chánh, Chủ tịch Ủy ban dân số-kế hoạch hóa gia đình thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận huyện và Thủ trưởng các ban ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành chiến lược này.-
| T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
CHIẾN LƯỢC THÔNG TIN - GIÁO DỤC - TRUYỀN THÔNG (TGT) DÂN SỐ VÀ KHHGĐ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 1853/QĐ-UB-VX ngày 10/12/1993 của Ủy ban nhân dân thành phố)
I- ĐẶC ĐIỂM VÀ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC TGT TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH:
Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế-văn hóa lớn của cả nước, nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho công tác TGT. Đa số dân cư ở nội thành (74%), tỷ lệ mù chữ thấp (8,9%), điều kiện vật chất văn hóa cao hơn nhiều nơi: 86,18% hộ có điện, 55,2% số hộ có tivi, 16,78% có Video. Thành phố cũng là nơi tập trung đông đảo các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan thông tin, nghệ thuật, báo chí. Các trường Đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp và các trường phổ thông. Đó là những điều kiện vật chất thuận lợi công tác TGT. Bên cạnh đó cũng còn những bất lợi: tăng cơ học nhanh, mặt bằng dân trí mới đạt 5,2 lớp (ngoại thành thấp hơn nhiều), một bộ phận người Hoa không rành tiếng Việt.
Phát huy những thế mạnh trên trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, của UBND thành phố. Ủy ban dân số-kế hoạch hóa gia đình đã tổ chức hoạt động TGT rộng rãi, có sự tham gia của nhiều ban ngành, đoàn thể. Công tác này đã đóng góp đáng kể vào việc hạ thấp tỷ suất sinh (ASFR) ở các nhóm tuổi.
Tuy vậy, những hoạt động TGT vẫn chưa nằm trong một chiến lược duy nhất. Bên cạnh những cố gắng, vẫn còn những mặt, những vấn đề tồn tại cần giải quyết.
Dưới đây là một số ưu khuyết điểm của hoạt động này.
VỀ CÔNG TÁC THÔNG TIN:
Chi nhành trung tâm tư liệu về thông tin dân số (PDIC) ở thành phố Hồ Chí Minh (có mạng lưới cán bộ chuyên trách và công tác viên ở 16 tỉnh, thành phố) trong những năm qua đã thu thập, lưu trữ được nhiều thông tin dân số trong và ngoài nước để phục vụ cho các đối tượng nghiên cứu về dân số của khu vực và cả nước. Tồn tại là thiếu kinh phí cho các ấn phẩm TGT, do thiếu các nguồn tư liệu khu vực và trong nước, thông tin vẫn dựa chủ yếu vào các nguồn tư liệu nước ngoài biên dịch. Các chỉ báo thống kê chưa thống nhất và còn sai biệt giữa các nguồn thu thập. Số liệu pháp lý dân số, sinh, tử chưa cập nhật, khó cho việc quản lý và giám sát chương trình.
VỀ CÔNG TÁC GIÁO DỤC, TRUYỀN THÔNG:
Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa nội dung giáo dục dân số vào các trường. Ở các lớp phổ thông môn dạy trên được đưa vào các môn như KHTT (bậc tiểu học), giáo dục công dân môn sinh, địa (bậc trung học).
Ở một số trường đại học và trung học chuyên nghiệp đã có giảng dạy môn dân số học. Nhưng từ nội dung đến chương trình cho từng trường, từng loại đối tượng, đang trong quá trình vừa làm, vừa tổng kết rút kinh nghiệm.
Tuy đã có sự lồng ghép giữa công tác TGT trong quá trình thực hiện KHHGĐ, nhưng chưa được nhận thức đầy đủ ở một bộ phận cán bộ, nhân viên y tế, còn nặng tư tưởng chuyên môn đơn thuần. Sự phối hợp giữa ngành y tế và các ban ngành đoàn thể khác, hay các cơ quan truyền thông chưa đồng bộ. Mặc dù các phương tiện và hình thức TGT của thành phố có phong phú hơn những nơi khác nhưng hiệu quả tương xứng với những khả năng và yêu cầu về công tác này.
VỀ BỘ MÁY VÀ KINH PHÍ:
Thành phố hiện có 692 cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ nhưng hoạt động chủ yếu là làm dịch vụ KHHGĐ và sản phụ khoa, thiếu cán bộ quản lý chương trình TGT về DS-KHHGĐ từ thành phố đến cơ sở, chưa có quy chế đãi ngộ thích đáng.
Kinh phí dành cho công tác TGT về DS-KHHGĐ chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu ngân sách dành cho công tác DS-KHHGĐ.
II- NHỮNG BIỆN PHÁP CỦA CÔNG TÁC TGT VỀ DÂN SỐ-KHHGĐ TỪ NĂM 1993 ĐẾN NĂM 2000:
Nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu chiến lược phát triển dân số- KHHGĐ của thành phố và căn cứ theo những định hướng lớn của chiến lược TGT dân số-KHHGĐ của cả nước, thành phố HCM xây dựng những giải pháp lớn cho công tác TGT dân số-KHHGĐ từ năm 1993-2000 như sau:
1/ Tăng cường mối quan hệ giữa TGT và dịch vụ KHHGĐ nhằm tăng nhanh số người chấp nhận KHHGĐ và thực hiện KHHGĐ trong các nhóm đối tượng.
Để thực hiện yêu cầu trên cần quán triệt thông suốt trong nhận thức từ cấp lãnh đạo, thành phố đến phường, xã và trong cán bộ ngành y tế, nội dung và ý nghĩa của TGT và DS-KHHGĐ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đạt được mục tiêu.
SAU ĐÂY LÀ NHỮNG BIỆN PHÁP CỤ THỂ:
1.1- Ngành y tế cần củng cố đội ngũ cán bộ chuyên môn để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong kỹ thuật dịch vụ KHHGĐ.
1.2- Tổ chức mạng lưới cơ sở đi đôi với cung ứng trang thiết bị và dụng cụ cần thiết, thành lập những đội lưu động cho các vùng xa xôi.
1.3- Củng cố và nâng cao chất lượng phòng truyền thông và tham vấn tại trung tâm KHHGĐ thành phố và ở các bệnh viện khoa sản-KHHGĐ.
1.4- Tất cả các đội BVSK-BMTE-KHHGĐ quận huyện có nhận sự đặc trách tham vấn và truyền thông, cung cấp thiết bị cần thiết và xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể.
1.5- Phát huy vai trò truyền thông DS-KHHGĐ tại các cụm trung tâm liên xã đã và đang được xây dựng. Các trung tâm liên xã này có nhiệm vụ là TGT gắn với dịch vụ KHHGĐ.
1.6- Thiết lập quy chế kiểm tra, đánh giá hiệu quả lồng ghép TGT vào hoạt động dịch vụ KHHGĐ ở cơ sở và các cơ quan ban ngành đoàn thể tổ chức xã hội trên địa bàn thành phố.
2/ Cải tiến lề lối làm việc: từ thu nhập, phân tích, lưu trữ đến phổ biến thông tin và dữ liệu DS-KHHGĐ với chất lượng cao.
2.1- Hoàn thiện bộ máy chi nhánh thông tin tư liệu DS-KHHGĐ (PDIC) trong năm 1994, củng cố mạng lưới cộng tác viên ở 16 tỉnh, thành phố. Tổ chức định kỳ hội nghị cộng tác viên, hội nghị những người dùng tin trong khu vực.
2.2- Điều tra để xác định nhu cầu tin cho những đối tượng sử dụng khác nhau tập trung thu thập thông tin từ các cuộc tổng điều tra và điều tra DS trong cả nước từ các công trình nghiên cứu về dân số, lao động, môi trường kết hợp thu thập thông tin về DS các nước, trọng tâm là ở các khu vực Châu Á Thái Bình Dương qua tổ chức ESCAP và thư viện UNESCO.
2.3- Biên soạn và xuất bản các ấn phẩm về dân số như:
- Thông tin dân số (4 kỳ/1 năm)
- “Tin thư viện” trong đó giới thiệu tóm tắt những tư liệu về DS-KHHGĐ.
- Các tờ bướm với những kiến thức cơ bản về dân số.
2.4- Xây dựng và phổ biến thông tin dân số và KHHGĐ phù hợp với đường lối quốc gia thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp và các kênh truyền thông khác, đảm bảo sự hỗ trợ lẫn nhau nhằm tạo dựng một môi trường thuận lợi cho công tác DS-KHHGĐ.
3/ Thông tin và cổ động:
3.1- Thông tin đại chúng:
- Phát thanh và truyền hình:
+ Dành thường xuyên một chương trình phát thanh về dân số với những hình thức truyền tải phong phú được nhiều người yêu thích như: hỏi đáp, nhỏ to tâm sự, kể chuyện đêm khuya, trong nhà ngoài phố…
Bố trí ở ĐPT cán bộ chuyên trách về dân số.
+ Đưa vấn đề dân số lên đài truyền hình mỗi ngày, có biểu tượng riêng, nội dung ngắn gọn và hình thức hấp dẫn. Lựa chọn đưa lên màn hình những phim trong và ngoài nước có nội dung gắn với TGT-DS-KHHGĐ.
+ Những bài hát tiểu phẩm và tiết mục tấu hài đặc sắc đưa vào bằng Video, băng nhạc để phát hành rộng rãi.
- Báo chí:
+ Mở rộng trên các báo những chuyên đề về DS-KHHGĐ có các biểu tượng riêng và sử dụng những hình thức linh hoạt như thơ ca, vẽ, truyện ngắn, ký sự, trang biếm họa với nội dung dễ hiểu dễ nhớ.
+ Đưa vào tập tin các quận huyện những nội dung về DS-KHHGĐ, biểu dương những cá nhân và đơn vị làm tốt công tác này đồng thời nhắc nhở, có thái độ đối với những nơi những cá nhân chưa làm tốt.
3.2- Cổ động cho công tác DS-KHHGĐ:
- Cổ động bằng những phương thức, hình thức khác nhau, các loại khẩu hiệu, các tờ bướm, tranh ảnh, panô. Đưa khẩu hiệu và tin tức DS-KHHGĐ vào trong bản tin quảng báo trước nhà hát lớn, chợ Bến Thành.
- Tổ chức báo cáo chuyên đề, hội thảo trong các nhà văn hóa các cơ quan trường học, các phường xã về vấn đề DS-KHHGĐ.
- Vào ngày dân số thế giới (11/7) hằng năm giao cho báo phụ nữ tổ chức hội thi thể thao “Vì bà mẹ trẻ em” và kết hợp với diễu hành quần chúng.
- Tổ chức đem xe chuyên dùng làm công tác cổ động đến các vùng sâu còn thiếu các phương tiện thông tin.
- Mở các cuộc thi sáng tác, vẽ tranh cổ động, sáng tác bài hát, kịch bản tấu hài về nội dung dân số. Tổ chức biểu diễn và tuyển chọn.
- Tổ chức các cuộc triển lãm, trưng bày tranh về hoạt động DS-KHHGĐ ở thành phố và các quận huyện, kết hợp đặt các tủ ảnh ở các nơi đông dân cư trong thành phố để cho công tác tuyên truyền cổ động về DS trở thành một phong trào sâu rộng.
4/ Thực hiện có hiệu quả giáo dục DS, giáo dục giới tính và đời sống gia đình với nội dung thích hợp cho từng nhóm đối tượng thông qua giáo dục chính quy và không chính quy nhằm làm cho giới trẻ chấp nhận gia đình quy mô nhỏ như là một chuẩn mực xã hội.
4/ Theo từng nhóm đối tượng:
4.1- Đối tượng học sinh chú ý đến lớp 5, bởi gần 100% dân cư đều phải học qua giai đoạn này và sau đó một bộ phận đáng kể dân cư có thể rời bỏ hẳn nhà trường.
Trong các nhà trường phổ thông vấn đề DS học không hình thành một bộ môn riêng mà kết hợp vào các môn khoa học khác có nhiều ưu thế như khoa học thường thức (ở tiểu học) môn sinh, địa, giáo dục công dân (ở bậc trung học). Những nội dung về dân số học được đưa vào các kỳ kiểm tra, thi ở các lớp.
Kết hợp bài giảng ở lớp với các báo cáo phim ảnh, triển lãm thi sáng tác về nội dung dân số học.
4.2- Đối với đối tượng là sinh viên trong các trường đại học và cao đẳng thì nội dung TGT được đưa vào nội dung môn dân số học. Cần phối hợp chặt chẽ giữa UBDS thành phố, Thành đoàn và các trường đoàn thể tổ chức buổi báo cáo, hội thảo và sinh hoạt khác về dân số học.
4.3- Đưa nội dung TGT DS-KHHGĐ vào nội dung sinh hoạt các nhà văn hóa thanh niên để thu hút cả những đối tượng thanh niên không còn ngồi ghế nhà trường.
Đầu tư cho CLB hôn nhân và gia đình (tại nhà văn hóa Thanh niên). Xây dựng thí điểm phòng tư vấn sức khỏe và hạnh phúc cho thanh niên.
5/ Đào tạo, huấn luyện cán bộ: Tuyển chọn, đào tạo và duy trì hoạt động có hiệu quả của đội ngũ cán bộ TGT chuyên nghiệp và tuyên truyền viên, cổ động viên của các đoàn thể quần chúng các tổ chức xã hội nhằm thỏa mãn nhu cầu tuyên truyền vận động đối với các nhóm đối tượng.
5.1- Đào tạo đội ngũ TGT có chất lượng bao gồm cán bộ quản lý, cán bộ chuyên trách từ cấp huyện xuống cơ sở, để phủ kín, trước mắt 70 phường xã điểm (1993) và tiến tới phủ kín 282 phường xã (1995).
5.2- Nội dung đào tạo cần đảm bảo tính khoa học với tính phổ cập, tính quần chúng, kết hợp lý luận thực tiễn và kinh nghiệm của các chuyên gia trong ngoài nước.
Đối với cán bộ quản lý cần tập trung, các kiến thức để nâng cao khả năng xây dựng chiến lược, lập kế hoạch, quản lý theo dõi và đánh giá kết quả.
Đối với cán bộ chuyên trách cần cung cấp kiến thức để vận dụng cách tiếp cận truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Đối với đội ngũ tuyên truyền viên thì cung cấp những kiến thức cơ bản về DS-KHHGĐ và hướng dẫn có tính thuyết phục.
5.3- Phương châm đào tạo, huấn luyện là làm từng bước từ đơn giản đến phức tạp, lý thuyết đi đôi với thực hành (khuyến khích tính chủ động, có phân tích đặt tình huống, xử lý tình huống và xây dựng mô hình).
5.4- Huy động đội ngũ giảng viên có chất lượng- cả lý thuyết và thực hành cho công tác đào tạo. Mở rộng hợp đồng giảng dạy đối với các giảng viên đang công tác tại trường đại học, các viện nghiên cứu trên địa bàn thành phố.
5.5- Nội dung công tác đào tạo:
Giai đoạn đầu (1993-1995)
- Xây dựng tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với các loại cán bộ (cán bộ quản lý, cán bộ chuyên trách, tuyên truyền viên và cộng tác viên).
- Xây dựng nội dung, giáo trình đào tạo cho từng loại cán bộ.
- Thử nghiệm các mô hình đào tạo theo từng loại cán bộ TGT để rút kinh nghiệm đào tạo diện rộng.
- Tuyển chọn để đào tạo cán bộ quản lý trong các lĩnh vực TGT cho 282 phường xã.
- Tuyển chọn để đào tạo cán bộ điều phối viên cấp cơ sở (xã phường) và trang bị các phương tiện truyền thông cần thiết cho 282 phường xã.
5.6- Phân công trách nhiệm đào tạo:
- Ngành giáo dục chịu trách nhiệm đào tạo đội ngũ giảng viên về các kiến thức dân số, các tuyên truyền viên, cổ động viên trong hàng ngũ giảng viên của ngành.
- Ngành dân số đào tạo cán bộ quản lý TGT.
- Ngành y tế chịu trách nhiệm đào tạo đội ngũ cán bộ y tế về công tác tham vấn KHHGĐ.
- Ngành văn hóa thông tin chịu trách nhiệm đào tạo đội ngũ truyền thông đại chúng chuyên trách DS-KHHGĐ.
- Các đoàn thể quần chúng và các tổ chức xã hội đào tạo tuyên truyền viên, cổ động viên trong số các thành viên của mình.
- Tổ chức công đoàn chịu trách nhiệm đào tạo đội ngũ tuyên truyền viên các cơ quan xí nghiệp, kể cả xí nghiệp tư doanh.-
File gốc của Quyết định 1853/QĐ-UB-VX năm 1993 về Chiến lược thông tin giáo dục-truyền thông dân số và kế hoạch hóa gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh đang được cập nhật.
Quyết định 1853/QĐ-UB-VX năm 1993 về Chiến lược thông tin giáo dục-truyền thông dân số và kế hoạch hóa gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Số hiệu | 1853/QĐ-UB-VX |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Trang Văn Quý |
Ngày ban hành | 1993-12-10 |
Ngày hiệu lực | 1993-12-10 |
Lĩnh vực | Văn hóa |
Tình trạng | Hết hiệu lực |