HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 156-CP | Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 1968 |
VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÔNG TÁC Y TẾ VÙNG CAO MIỀN NÚI
Trong phiên họp ngày 03-7-1968, sau khi nghe Bộ Y tế và Ủy ban dân tộc trung ương báo cáo về tình hình công tác y tế vùng cao, Hội đồng Chính phủ nhận định rằng công tác y tế vùng cao có tầm quan trọng to lớn về chính trị, văn hóa, xã hội. Trong mấy năm qua công tác y tế vùng cao có nhiều tiến bộ nhưng nhìn chung còn yếu về nhiều mặt: mê tín dị đoan còn nhiều, ăn ở còn quá thiếu vệ sinh, công tác chữa bệnh còn kém, nhiều nơi chưa có cơ sở y tế, hoặc cơ sở y tế hoạt động thất thường.
Hội đồng Chính phủ thấy cần quan tâm chỉ đạo hơn nữa công tác y tế vùng cao để công tác này phát triển nhanh, mạnh, vững chắc, nhằm tăng cường sức khỏe và cải thiện cuộc sống của nhân dân vùng cao. Bộ Y tế và Ủy ban hành chính các cấp cần ra sức tuyên truyền, vận động làm cho công tác y tế ở vùng cao trở thành một phong trào sâu rộng trong quần chúng.
Để giúp đỡ cho phong trào y tế vùng cao, Hội đồng Chính phủ quyết định cho thi hành một số chính sách như sau:
1. Công tác đào tạo cán bộ y tế.
Công tác đào tạo cán bộ phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm và phải làm với tinh thần hết sức tích cực, dứt điểm. Phải phấn đấu, trong vòng 5 năm, đào tạo đủ cán bộ người dân tộc để bổ sung cho biên chế cấp huyện và thay thế cho cán bộ trung cấp, sơ cấp người Kinh ở huyện. Phải ra sức đào tạo cho các xã có đủ y tá, hộ sinh, dược tá, y sĩ. Phải đặc biệt chú ý đào tạo nữ hộ sinh.
Phải mở trường sơ cấp y tế ở huyện, đào tạo cán bộ cho biên chế Nhà nước, cho xã và hợp tác xã. Việc chiêu sinh vào học các trường này phải được chiếu cố về trình độ văn hóa, khi cần có thể lấy cả người không biết chữ. Trường cần có giáo viên văn hóa để dạy văn hóa trước khi dạy chuyên môn.
Các trường cán bộ y tế tỉnh cần phải được củng cố và tăng cường về mọi mặt. Tỉnh nào chưa có trường đào tạo y sĩ cần phải tích cực xây dựng. Những tỉnh lớn có nhiều huyện miền núi như Nghệ An, Thanh Hóa cần nghiên cứu thành lập thêm mỗi tỉnh một trường đào tạo y sĩ riêng cho miền núi.
Việc chiêu sinh vào các trường y tế phải nhằm chủ yếu vào đối tượng nữ thanh niên.
2. Xây dựng tổ chức y tế xã, hợp tác xã.
a) Mỗi xã vùng cao nhất thiết phải xây dựng một trạm y tế - hộ sinh hoạt động được thường xuyên. Mỗi trạm y tế - hộ sinh cần có từ 3 đến 5 cán bộ y tế chuyên trách, trước mắt cần có y tá, nữ hộ sinh, cán bộ đông y, tiến lên có thêm y sĩ và dược tá. Việc bố trí cán bộ ở xã chủ yếu lấy người ở xã đó. Những nơi chưa có cán bộ là người trong xã thì tạm thời lấy cán bộ vùng thấp và miền xuôi lên. Phải phấn đấu đến năm 1970 tất cả số xã vùng cao đều có trạm y tế - hộ sinh hoạt động thường xuyên. Trong năm 1968, mỗi huyện cần làm thí điểm ở một số xã để rút kinh nghiệm cho các xã khác.
b) Mỗi hợp tác xã cần tổ chức một tổ y tế có 1 hoặc 2 cán bộ bán thoát ly hoạt động. Nếu chưa có hợp tác xã, phải tổ chức tổ y tế thôn, bản.
Mỗi trạm y tế - hộ sinh xã được cấp một bộ dụng cụ trị giá bảy trăm ngàn đồng (cấp một lần) và mỗi tháng được cấp một số thuốc trị giá ba hào bình quân cho mỗi người dân trong xã để trạm y tế - hộ sinh chữa bệnh không mất tiền cho nhân dân. Kinh phí này do ngân sách Nhà nước đài thọ.
Những nơi không tìm được nguồn nước và không đào được giếng thì Nhà nước cần giúp đỡ nhân dân xây dựng bể chứa nước mưa. Ngành y tế cần kết hợp với công tác định cư, định canh và các ngành có liên quan như kiến trúc, thủy lợi cần phối hợp với ngành y tế trong việc xây dựng bể chứa nước mưa. Cần huy động nhân dân làm là chính, đồng thời Nhà nước cần dành phần thích đáng về vật tư và tài chính cần thiết.
4. Chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế xã và hợp tác xã.
Những cán bộ y tế thoát ly chuyên trách công tác ở trạm y tế - hộ sinh xã vùng cao, nếu có quá trình đào tạo và khả năng công tác như cán bộ trong biên chế thì được phụ cấp sinh hoạt phí hàng tháng bằng tiền lương cán bộ y tế trong biên chế Nhà nước và được cấp phiếu vải, lương thực, thực phẩm như cán bộ trong biên chế Nhà nước. Cán bộ y tế người miền xuôi lên công tác ở vùng cao được cấp 1 áo bông, 1 chăn bông trong từng thời gian 3 năm.
Những cán bộ y tế ở hợp tác xã trong thời gian làm công tác y tế được bình công chấm điểm như những xã viên khác. Những nơi chưa có hợp tác xã thì những cán bộ y tế thoát ly chuyên trách ở thôn, bản được phụ cấp 20 đồng một tháng. Kinh phí trả cho cán bộ y tế xã, thôn, bản do ngân sách Nhà nước đài thọ.
Cán bộ y tế công tác ở các xã, hợp tác xã, thôn, bản và những học sinh phổ thông người dân tộc ở vùng cao, khi đi học ở các trường y tế, được hưởng chế độ học bổng hiện hành của học sinh miền núi. Học sinh người dân tộc học các trường y tế được cấp tiền tàu xe đi về trong dịp nghỉ hè, nghỉ Tết nguyên đán.
Học sinh người dân tộc và người Kinh của các trường y tế ở vùng cao nếu thiếu áo bông, chăn, màn thì được nhà trường cho mượn áo bông, chăn, màn trong thời gian học và được cung cấp lương thực, thực phẩm như học sinh trung học và đại học.
Bộ Y tế, Bộ Tài chính, các Bộ có liên quan và Ủy ban hành chính các khu, tỉnh miền núi có nhiệm vụ thi hành và hướng dẫn thi hành quyết định này và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
| TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
File gốc của Quyết định 156-CP năm 1968 về một số chính sách đối với công tác y tế vùng cao miền núi do Hội đồng Chính phủ ban hành đang được cập nhật.
Quyết định 156-CP năm 1968 về một số chính sách đối với công tác y tế vùng cao miền núi do Hội đồng Chính phủ ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Hội đồng Chính phủ |
Số hiệu | 156-CP |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Nguyễn Duy Trinh |
Ngày ban hành | 1968-10-07 |
Ngày hiệu lực | 1968-10-22 |
Lĩnh vực | Y tế |
Tình trạng | Đã hủy |