VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 246/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 2021 |
Ngày 08 tháng 9 năm 2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc với Đài Tiếng nói Việt Nam về tình hình hoạt động và định hướng phát triển của Đài trong giai đoạn mới. Tham dự buổi làm việc có Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ và các đồng chí trong Ban lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, lãnh đạo các đơn vị chủ chốt trực thuộc Đài, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam báo cáo, ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận như sau:
I. Đánh giá tình hình hoạt động
Đài Tiếng nói Việt Nam là một trong những cơ quan báo chí chủ lực của quốc gia, có vai trò quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần định hướng tư tưởng, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.
Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (07 tháng 9 năm 1945 - 07 tháng 9 năm 2021), thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi lời chúc mừng, thăm hỏi đến các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nghệ sĩ và người lao động của Đài qua các thời kỳ. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những đóng góp to lớn của Đài Tiếng nói Việt Nam vào sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với vai trò là Đài phát thanh quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: (1) chủ động, tích cực sáng tạo, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; lan tỏa những giá trị tốt, cách làm hay, điển hình tiên tiến; quảng bá hình ảnh tốt đẹp, thân thiện, an toàn về đất nước, về truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc; khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào và những giá trị tốt đẹp của dân tộc; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Các chương trình, hoạt động của Đài đã trở thành cầu nối quan trọng, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, Đài Tiếng nói Việt Nam đã “vào cuộc” một cách rất tích cực, hiệu quả, chủ động thông tin kịp thời, chính xác, qua đó càng khẳng định vai trò, vị thế của Đài (2) Chủ động nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 một cách sáng tạo, linh hoạt; thực hiện cơ bản chuyển đổi số, đưa các sản phẩm báo chí đến được với công chúng trên tất cả các nền tảng hạ tầng số. (3) Tăng cường đoàn kết, kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống của Đài, phát hiện và khắc phục những hạn chế, bất cập một cách nhanh nhất, phù hợp, hiệu quả nhất.
Bên cạnh kết quả đạt được đáng khích lệ, Đài Tiếng nói Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn, còn những hạn chế, bất cập:
Một là, nội dung chương trình chưa thực sự phong phú, hấp dẫn; việc nắm bắt tình hình, thông tin định hướng dư luận xã hội chưa nhạy bén, kịp thời, cần xây dựng kế hoạch truyền thông bám sát yêu cầu thực tiễn…Hai là, bị cạnh tranh gay gắt bởi các phương tiện truyền thông mới trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển rất nhanh; thông tin có tính tương tác trực tiếp, cá nhân hóa đang là thách thức lớn, làm thay đổi sâu sắc, mạnh mẽ phương thức hoạt động, tổ chức sản xuất thông tin. Ba là, cơ chế chính sách, điều kiện làm việc vẫn còn hạn chế, chưa phù hợp với thực tế hoạt động của Đài, chính sách đãi ngộ chưa tạo được nhiều động lực để cán bộ gắn bó lâu dài. Bốn là, đội ngũ cán bộ còn bất cập so với yêu cầu, có lúc, có nơi vẫn thiếu nhân lực; công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ còn có lúc chưa được coi trọng đúng mức, phù hợp.
III. Định hướng phát triển Đài Tiếng nói Việt Nam trong giai đoạn mới
Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí với 9 định hướng mà Đài Tiếng nói Việt Nam đã nêu và nhấn mạnh thêm: Thời gian tới, đất nước ta đứng trước khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ. Trong bối cảnh chung đó, Đài Tiếng nói Việt Nam phải cố gắng, vươn lên mạnh mẽ, phát huy hơn nữa những thành tích, kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời chia sẻ khó khăn cùng đất nước và nhân dân để có nhiệm vụ, giải pháp sáng tạo, phù hợp, góp phần cùng các cấp, các ngành đưa đất nước phát triển.
Tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Đài phát thanh quốc gia trên mặt trận tư tưởng, trong công tác truyền thông của hệ thống chính trị; giữ vững định hướng chính trị, tôn chỉ, mục đích, nêu cao tinh thần cách mạng, tiến công, tinh thần lạc quan; tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước ta, vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Xây dựng Đài Tiếng nói Việt Nam trở thành cơ quan báo chí chủ lực, đa loại hình, đa phương tiện, đa nền tảng, hàng đầu khu vực, phát triển nhanh và bền vững, trong đó yếu tố đột pháp là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các chương trình và chuyển đổi số.
- Phải xác định khó khăn, thách thức là động lực, cơ hội để Đài Tiếng nói Việt Nam phấn đấu trưởng thành, vươn lên. Tăng cường đoàn kết, thống nhất, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể. Tinh thần chỉ đạo là: “Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc phải có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đấy”.
- Phát huy tối đa tinh thần tự lực, tự cường, tự chịu trách nhiệm. Coi nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.
- Chủ động, tích cực, không ngừng đổi mới sáng tạo, thích ứng với tình hình. Lấy đội ngũ cán bộ là nền tảng, là trung tâm; chương trình hoạt động là động lực; cơ sở vật chất là điều kiện hỗ trợ quan trọng. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực thông tin, truyền thông.
- Đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, làm chủ mặt trận tuyên truyền, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông; phục vụ hiệu quả hoạt động của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; tiếp tục thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Tích cực đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, xuyên tạc để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt vai trò chủ lực trong công tác thông tin đối ngoại.
- Xây dựng chương trình truyền thông hài hòa, hợp lý, hiệu quả. Cần có chiến lược truyền thông chính sách, kiên trì tuyên truyền, giải thích, vận động để người dân biết - dân hiểu - dân tin - dân theo - dân làm, nhất là với các vấn đề, tác động đến đông đảo người dân như phòng chống dịch bệnh COVID-19.
IV. Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể
Thứ nhất, phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, dân chủ, gắn với nêu gương. Coi trọng hơn nữa công tác xây dựng tổ chức, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên.
Thứ hai, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, nhất là người đứng đầu. Xây dựng bộ máy tinh gọn gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Có chính sách khuyến khích, cơ chế đặc thù để thu hút cán bộ có năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ ba, quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước để tổ chức sản xuất các chương trình phù hợp, hiệu quả, đa dạng về nội dung và hình thức, phù hợp với từng vùng miền và đối tượng khán, thính, độc giả; bám sát định hướng: lấy công tác xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là trung tâm, văn hóa là nền tảng, an ninh quốc phòng là trọng yếu. Tham gia xây dựng văn hóa, con người mới thông qua các chương trình, sản phẩm báo chí, truyền thông phong phú, đa dạng, chất lượng cao, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị con người Việt Nam, phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí.
Thứ tư, tập trung chuyển đổi số, nâng cao năng lực công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, mở rộng diện phủ sóng trên toàn quốc, nhất là các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Tăng cường phủ sóng khu vực biên giới Đông Bắc, Tây Nam và Tây Nguyên; Tăng thời lượng phát sóng bằng tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài; Tăng cường phát thanh đối ngoại; Phát triển mạnh mẽ hơn nữa báo điện tử và nội dung số; Xây dựng các công cụ để bảo vệ bản quyền; Coi trọng sử dụng các nền tảng số dùng chung để góp phần đào tạo, giáo dục trực tuyến.
V. Về các đề xuất, kiến nghị của Đài Tiếng nói Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng tình. (i)Về đầu mối phối hợp cung cấp thông tin điều hành của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ căn cứ tinh thần Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ để kiện toàn. (ii)Về sửa đổi các quy định hiện hành để cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được ký kết hợp đồng lao động đối với những người làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ, Chính phủ đã có Nghị quyết giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, trình Chính phủ. (iii)Về bổ sung biên chế cho 03 cơ quan thường trú nước ngoài, Đài Tiếng nói Việt Nam căn cứ các quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm trên cơ sở đó xây dựng đề án tổng thể về các cơ quan thường trú ở nước ngoài cho phù hợp, hiệu quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. (iv)Về cơ chế tài chính đặc thù, Đài Tiếng nói Việt Nam có đề xuất cụ thể, phối hợp với các Bộ có liên quan trình Chính phủ theo quy định. (v)Về đề nghị Chính phủ cho phép Đài Tiếng nói Việt Nam được lập, trình bổ sung một số dự án đầu tư, Đài Tiếng nói Việt Nam căn cứ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch để triển khai thực hiện. Trường hợp đầu tư dự án mới ngoài danh mục trên, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xác định nguồn vốn và bổ sung danh mục theo đúng quy định. (vi)Về cơ chế đặt hàng, Đài Tiếng nói Việt Nam căn cứ quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP để có đề xuất cụ thể. (vii)Về việc mời Thủ tướng Chính phủ thăm và chứng kiến một số hoạt động của Đài, Đài Tiếng nói Việt Nam có kế hoạch cụ thể, báo cáo lãnh đạo Chính phủ xem xét quyết định. (viii)Về xây dựng đề án “Phát triển thông tin đối ngoại của Đài Tiếng nói Việt Nam trên nền tảng hệ thống truyền thông đa phương tiện” và đầu tư xây dựng xưởng sản xuất radio, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 109/TB-VPCP ngày 18 tháng 3 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ. (ix)Về bổ sung kinh phí đầu tư, thay thế thiết bị công nghệ mới, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công. (x)Về Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, trước mắt, Đài Tiếng nói Việt Nam khẩn trương hoàn thiện và phê duyệt Đề án tái cơ cấu Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, trong đó có phương án xử lý nợ và thực hiện đúng các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Thường trực Chính phủ sẽ họp, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan liên quan báo cáo riêng về việc này. Đối với các kiến nghị khác: hầu hết là những vấn đề quan trọng cần sớm được giải quyết để Đài Tiếng nói Việt Nam có thể thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao. Đài Tiếng nói Việt Nam chủ động làm việc với các cơ quan liên quan để xử lý; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung vượt thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Đài Tiếng nói Việt Nam biết, thực hiện./.
- TTg, PTTg Vũ Đức Đam; | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
File gốc của Thông báo 246/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Đài Tiếng nói Việt Nam về tình hình hoạt động và định hướng phát triển của Đài trong giai đoạn mới do Văn phòng Chính phủ ban hành đang được cập nhật.
Thông báo 246/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Đài Tiếng nói Việt Nam về tình hình hoạt động và định hướng phát triển của Đài trong giai đoạn mới do Văn phòng Chính phủ ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Số hiệu | 246/TB-VPCP |
Loại văn bản | Thông báo |
Người ký | Nguyễn Sỹ Hiệp |
Ngày ban hành | 2021-09-14 |
Ngày hiệu lực | 2021-09-14 |
Lĩnh vực | Văn hóa |
Tình trạng |