Thông tư 172/1998/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 54/CP-1993, 94/1998/NĐ-CP thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi do Bộ Tài chính ban hành
E - HOÀN LẠI THUẾ, TRUY THU THUẾ
I/ HOÀN THUẾ:
1/ Các trường hợp được xét hoàn thuế:
Các trường hợp được xét hoàn lại thuế theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 54/CP ngày 28/08/1993 của Chính phủ, khi đề nghị xét hoàn lại tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã nộp, các tổ chức, cá nhân phải có đầy đủ các giấy tờ sau:
a/ Đối với hàng nhập khẩu đã nộp thuế mà còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu dưới sự giám sát của Hải quan, được phép tái xuất, phải có:
- Công văn đề nghị hoàn thuế nhập khẩu đã nộp, có nêu lý do xin hoàn.
- Tờ khai Hải quan hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu có thanh khoản của cơ quan Hải quan. Đối với tờ khai Hải quan hàng xuất khẩu phải có xác nhận của cơ quan Hải quan là hàng còn lưu kho, lưu bãi ở cửa khẩu biên giới hoặc hàng hóa vẫn còn dưới sự giám sát của Hải quan và trong khu vực quản lý của Hải quan.
- Biên lai nộp thuế.
- Hợp đồng uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu (nếu là hàng xuất nhập khẩu uỷ thác).
b/ Đối với hàng xuất khẩu đã nộp thuế xuất khẩu nhưng không xuất nữa phải có:
- Công văn đề nghị hoàn thuế xuất khẩu đã nộp.
- Tờ khai Hải quan hàng hóa xuất khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan là hàng không xuất khẩu theo tờ khai.
- Biên lai nộp thuế.
c/ Đối với hàng đã nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nhưng thực tế xuất khẩu hoặc nhập khẩu ít hơn, phải có:
- Công văn đề nghị hoàn lại thuế xuất khẩu hoặc thuế nhập khẩu đã nộp quá.
- Tờ khai Hải quan hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu đã thanh khoản Hải quan.
- Biên lai nộp thuế.
- Hóa đơn bán hàng, mua hàng theo hợp đồng ngoại thương.
d/ Đối với hàng nhập khẩu chưa phù hợp về chất lượng qui cách, phẩm cấp so với hợp đồng thương mại đã ký với phía nước ngoài, do phía nước ngoài gửi sai, có giấy giám định của cơ quan chức năng giám định Nhà nước, có xác nhận của chủ hàng nước ngoài thì Cục Hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào kết quả kiểm hóa hàng thực nhập khẩu và đối chiếu với các quy định hiện hành của Nhà nước để xem xét quyết định việc cho nhập khẩu hàng hóa hoặc bắt buộc tái xuất. Đồng thời tính lại số thuế nhập khẩu phải nộp để thu thuế phù hợp với hàng thực nhập khẩu trong trường hợp có sự thay đổi về thuế suất, giá tính thuế. Nếu doanh nghiệp đã nộp số tiền thuế nhập khẩu quá số thuế nhập khẩu tính lại theo hàng thực nhập khẩu thì sẽ được hoàn lại số đã nộp thừa, nếu nộp thiếu thì phải nộp bổ sung.
Hồ sơ xin hoàn lại thuế bao gồm:
- Công văn đề nghị hoàn lại số tiền thuế nhập khẩu nộp thừa (nêu rõ nguyên nhân xin hoàn thuế).
- Kết quả giám định hàng hóa nhập khẩu của cơ quan có thẩm quyền.
- Xác nhận của phía chủ hàng nước ngoài về việc gửi sai hợp đồng.
- Tờ khai Hải quan hàng nhập khẩu có ghi rõ kết quả kiểm hóa và các hồ sơ có liên quan đến việc nhập khẩu lô hàng.
- Biên lai nộp thuế.
e/ Đối với trường hợp đối tượng nộp thuế nhầm lẫn trong kê khai thì được hoàn trả tiền thuế nộp quá trong thời hạn một năm trở về trước (tính đến ngày nộp Tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu) kể từ ngày kiểm tra, phát hiện. hồ sơ đề nghị xét hoàn thuế phải có:
- Công văn đề nghị hoàn lại tiền thuế xuất khẩu, nhập khẩu nộp thừa (nêu rõ nguyên nhân và lý do nhầm lẫn xin hoàn lại thuế).
- Tờ khai Hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (kèm theo hồ sơ xuất khẩu, nhập khẩu có liên quan).
- Biên lai nộp thuế và thông báo thuế của cơ quan hải quan.
g/ Đối với hàng vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu được hoàn thuế tương ứng với tỷ lệ xuất khẩu thành phẩm:
Các loại vật tư, nguyên liệu được hoàn lại thuế bao gồm:
- Vật tư, nguyên liệu trực tiếp cấu thành thực thể sản phẩm.
- Vật tư, nguyên liệu trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất hàng xuất khẩu nhưng không trực tiếp chuyển hóa thành hàng hoá hoặc không cấu thành thực thể sản phẩm bao gồm: giấy, phấn, bút vẽ, bút vạch dấu, đinh ghim quần áo, mực sơn in, bàn chải quyét keo, chổi quyét keo, khung in lưới, kếp tẩy, dầu đánh bóng... nếu doanh nghiệp xây dựng thành định mức tiêu hao cho đơn vị sản phẩm và giám đốc doanh nghiệp chịu trách nhiệm về định mức này.
Các trường hợp được xét hoàn thuế bao gồm:
- Các doanh nghiệp nhập nguyên liệu, vật tư rồi trực tiếp sản xuất hoặc tổ chức đưa gia công và nhận sản phẩm về để xuất khẩu (kể cả trường hợp liên kết sản xuất hàng xuất khẩu).
- Các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước sau đó tìm được thị trường xuất khẩu và đưa số nguyên liệu, vật tư này vào sản xuất hàng xuất khẩu, đã thực xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
- Các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu thuộc phần vốn góp đầu tư của bên nước ngoài trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, sau đó xuất khẩu cho khách hàng nước ngoài hoặc cho công ty chính (công ty mẹ) ở nước ngoài.
Hồ sơ xét hoàn thuế:
- Công văn đề nghị hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp của doanh nghiệp, trong đó có phương án giải trình cụ thể về số lượng hàng xuất khẩu, mức tiêu hao thực tế nguyên liệu nhập khẩu, số thuế nhập khẩu đã nộp, số thuế nhập khẩu xin hoàn.
- Hợp đồng xuất khẩu hàng hóa ký kết với nước ngoài (trong đó có ghi rõ số lượng, qui cách, phẩm chất, chủng loại... hàng xuất khẩu) và hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu.
- Tờ khai Hải quan hàng nhập khẩu nguyên liệu, vật tư đã thanh khoản Hải quan.
- Tờ khai Hải quan hàng xuất khẩu có xác nhận thực xuất của Hải quan cửa khẩu.
- Biên lai nộp thuế.
- Hợp đồng uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu (nếu là xuất nhập khẩu uỷ thác).
Định mức tiêu hao nguyên liệu, vật tư sử dụng vào sản xuất sản phẩm xuất khẩu do doanh nghiệp xây dựng và giám đốc doanh nghiệp chịu trách nhiệm về cơ sở pháp lý, tính chính xác đúng đắn của định mức, đăng ký với cơ quan Hải quan (nơi làm thủ tục nhập khẩu và xuất khẩu sản phẩm sau này). Việc đăng ký định mức với cơ quan Hải quan phải được tiến hành trước khi làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm. Trường hợp đăng ký định mức không đúng với mức tiêu hao sản xuất thực tế thì doanh nghiệp phải báo cáo ngay với cơ quan Hải quan nơi đã đăng ký định mức để làm căn cứ hoàn thuế khi thực tế xuất khẩu sản phẩm. Đối với trường hợp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng tiêu thụ trong nước, sau đó tìm được thị trường xuất khẩu doanh nghiệp phải xây dựng định mức tiêu hao gửi cơ quan Hải quan trước khi làm thủ tục xin hoàn thuế Giám đốc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về định mức nay. Thuế nhập khẩu được hoàn được xác định trên mức tiêu hao thực tế, nhưng không quá định mức tiêu hao đăng ký.
Trường hợp thấy có nghi vấn về định mức tiêu hao vật tư, nguyên liệu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu thì cơ quan Hải quan có thể trưng cầu giám định của cơ quan quản lý chuyên ngành về mặt hàng đó để làm cơ sở xem xét giải quyết hoàn thuế cho doanh nghiệp. Hàng năm, cơ quan Hải quan chủ trì phối hợp với cơ quan thuế địa phương tổ chức kiểm tra định mức tiêu hao vật tư, nguyên liệu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu liên quan đến việc giải quyết hoàn thuế nhập khẩu.
Đối với trường hợp một loại nguyên liệu nhập khẩu về để sản xuất nhưng thu được hai hoặc nhiều loại sản phẩm khác nhau (nhập khẩu lúa mì để sản xuất bột mỳ thu lại được hai sản phẩm là bột mỳ và cám mỳ. Nhập khẩu condensate để lọc dầu thu được sản phẩm là xăng và diesel...) nhưng chỉ xuất khẩu một loại sản phẩm sản xuất ra, thì số thuế nhập khẩu được hoàn được tính theo phương pháp phân bổ như sau:
Số thuế nhập khẩu được hoàn (tương ứng với sản phẩm thực tế xuất khẩu
=
Tỷ lệ giữa trị giá của sản phẩm xuất khẩu và tổng trị giá của các sản phẩm thu được
x
Số thuế nhập khẩu của nguyên vật liệu nhập khẩu
Nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu nếu thực xuất khẩu trong thời hạn nộp thuế quy định tại Mục III, Phần C Thông tư này thì không phải nộp thuế nhập khẩu tương ứng với số hàng thực tế xuất khẩu. Hồ sơ xét không thu thuế như quy định hồ sơ xét hoàn thuế. Riêng biên lai nộp thuế được thay bằng thông báo thuế chính thức của cơ quan Hải quan.
h/ Đối với hàng tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu hoặc hàng tạm xuất khẩu để tái nhập khẩu được xét hoàn thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu và không phải nộp thuế nhập khẩu khi tái nhập, thuế xuất khẩu khi tái xuất trong các trường hợp sau:
- Hàng tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu hoặc hàng tạm xuất khẩu để tái nhập khẩu theo phương thức kinh doanh hàng tạm nhập - tái xuất. hàng tạm xuất - tái nhập và hàng nhập khẩu uỷ thác cho phía nước ngoài, phải có:
+ Công văn đề nghị hoàn lại thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã nộp.
+ Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Thương mại (hoặc cơ quan được uỷ quyền) cấp trong đó có ghi rõ hàng tạm nhập - tái xuất. hàng tạm xuất - tái nhập và hàng nhập khẩu uỷ thác cho phía nước ngoài (nếu có).
+ Tờ khai Hải quan hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu có thanh khoản và xác nhận thực nhập, thực xuất của cơ quan Hải quan về số lượng, trọng lượng và chủng loại hàng hóa xuất, nhập.
+ Hợp đồng mua bán ngoại thương ký với người bán và người mua hoặc hợp đồng nhập khẩu uỷ thác ký với nước ngoài.
+ Biên lai nộp thuế.
+ Hợp đồng uỷ thác xuất khẩu, nhập khẩu (nếu là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu uỷ thác).
- Đối với hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam được phép nhập để làm đại lý giao, bán hàng cho nước ngoài. Hàng hóa nhập khẩu để bán cho các phương tiện của các hãng nước ngoài trên các tuyến đường Quốc tế qua cảng Việt Nam và các phương tiện của Việt Nam trên các tuyến đường quốc tế theo qui định của Chính phủ, phải có:
+ Công văn xin hoàn lại thuế nhập khẩu.
+ Công văn của Bộ thương mại cho phép nhập khẩu trong đó có ghi rõ hình thức kinh doanh (nhập khẩu để bán cho các máy bay nước ngoài hạ cánh tại Việt Nam, bán cho máy bay Việt Nam bay chuyến quốc tế...)
+ Tờ khai Hải quan hàng nhập khẩu.
+ Biên lai nộp thuế.
+ Hóa đơn bán hàng.
+ Tờ khai Hải quan hàng xuất khẩu có xác nhận thực xuất của Hải quan cửa khẩu.
+ Hợp đồng làm đại lý giao bán hàng và hợp đồng, hoặc thỏa thuận cung cấp hàng.
Đối với đồ uống phục vụ trên các chuyến bay quốc tế thì tờ khai Hải quan hàng xuất khẩu được thay bằng phiếu giao nhận đồ uống có xác nhận của Hải quan sân bay.
Trường hợp hàng tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu hoặc hàng tạm xuất khẩu để tái nhập khẩu, nếu đã thực tái xuất khẩu hoặc tái nhập khẩu trong thời hạn nộp thuế quy định tại Mục III, Phần C Thông tư này thì không phải nộp thuế nhập khẩu hoặc xuất khẩu tương ứng với số hàng thực tế đã tái xuất hoặc tái nhập khẩu. Hồ sơ xét không thu thuế như quy định hồ sơ xét hoàn thuế (riêng biên lai nộp thuế được thay bằng thông báo thuế chính thức của cơ quan Hải quan).
i/ Đối với hàng hóa từ thị trường nội địa xuất vào khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chế xuất được thực hiện như quy định hoàn thuế đối với các trường hợp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu. tạm nhập tái xuất nêu trên.
k/ Hàng đã xuất khẩu nhưng vì lý do nào đó buộc phải nhập khẩu trở lại Việt Nam được xét hoàn thuế xuất khẩu đã nộp và không phải nộp thuế nhập khẩu với điều kiện:
- Hàng được thực nhập trở lại Việt Nam trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày thực tế xuất khẩu.
- Hàng hóa chưa qua quá trình sản xuất, gia công, sửa chữa hoặc sử dụng ở nước ngoài.
- Hàng nhập khẩu trở lại Việt Nam phải cùng cửa khẩu đã xuất khẩu hàng hóa đó.
* Hồ sơ xét hoàn thuế xuất khẩu đã nộp và không phải nộp thuế nhập khẩu, gồm:
- Công văn đề nghị xét hoàn thuế xuất khẩu và không phải nộp thuế nhập khẩu, trong đó nêu rõ lý do phải nhập khẩu trở lại Việt Nam.
- Thông báo của khách hàng nước ngoài hoặc thỏa thuận với khách hàng nước ngoài về việc nhận lại hàng, có nếu rõ lý do, số lượng hàng trả lại.
- Tờ khai Hải quan hàng xuất khẩu, hợp đồng mua bán ngoại thương ký với nước ngoài, hóa đơn bán hàng cho phía chủ hàng nước ngoài.
- Biên lai nộp thuế.
- Tờ khai Hải quan hàng nhập khẩu trở lại, có ghi rõ số hàng này trước đây đã được xuất khẩu theo tờ khai Hải quan hàng xuất khẩu nào và kết quả kiểm hóa cụ thể của Hải quan cửa khẩu, xác nhận là hàng nhập khẩu trở lại Việt Nam.
- Hợp đồng uỷ thác xuất nhập khẩu (nếu là hàng xuất nhập khẩu uỷ thác).
Trường hợp hàng xuất khẩu phải nhập khẩu trở lại Việt Nam còn trong thời hạn nộp thuế xuất khẩu quy định tại Mục III, Phần C Thông tư này thì không phải nộp thuế xuất khẩu tương ứng với số hàng thực tế nhập khẩu trở lại. Hồ sơ xét không thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu như quy định hồ sơ xét hoàn thuế (riêng biên lai nộp thuế được thay bằng thông báo thuế của cơ quan Hải quan).
Trường hợp hàng xuất khẩu là hàng của các doanh nghiệp Việt Nam gia công cho phía nước ngoài thuộc diện đã được miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, phải nhập khẩu trở lại Việt Nam để sửa chữa, tái chế, tiêu thụ thì cơ quan Hải quan quản lý, quyết toán hợp đồng gia công ban đầu phải tiếp tục thực hiện việc theo dõi, quản lý để quyết toán hàng xuất khẩu, thuế nhập khẩu nguyên vật liệu theo quy định tại Điểm 6, Mục I, phần D Thông tư này. Nếu không xuất khẩu thì phải kê khai nộp thuế theo quy định.
Trường hợp hàng xuất khẩu là hàng sản xuất từ nguyên vật liệu nhập khẩu. hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất (thuộc đối tượng được hoàn thuế khi xuất khẩu) phải nhập khẩu trở lại Việt Nam thì doanh nghiệp phải truy nộp số thuế nhập khẩu lần đầu đã được hoàn lại hoặc sẽ không được xét hoàn lại thuế (nếu chưa hoàn) tương ứng với số hàng phải nhập khẩu trở lại Việt Nam. Khi thực tế xuất khẩu số hàng đã nhập khẩu trở lại Việt Nam thì doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế xuất khẩu (nếu thuộc đối tượng phải nộp thuế xuất khẩu) và được xét hoàn thuế nhập khẩu theo quy định tại điểm 1g, 1h Mục I, Phần E Thông tư này.
1/ Hàng nhập khẩu nhưng vì lý do nào đó buộc phải tái xuất ra nước ngoài (xuất trả lại chủ hàng nước ngoài hoặc tái xuất sang nước thứ ba) được xét hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp tương ứng với số lượng tái xuất và không phải nộp thuế xuất khẩu, với điều kiện:
- Hàng được tái xuất ra nước ngoài trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày thực nhập khẩu.
- Hàng hóa chưa qua quá trình sản xuất, gia công, sửa chữa hoặc sử dụng tại Việt Nam.
- Hàng tái xuất ra nước ngoài phải cùng cửa khẩu đã nhập khẩu hàng hóa đó.
Hồ sơ xét hoàn thuế nhập khẩu đã nộp và không phải nộp thuế xuất khẩu, gồm:
- Công văn đề nghị xét hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu, trong đó nêu rõ lý do xuất trả lại hàng cho chủ hàng nước ngoài hoặc tái xuất sang nước thứ ba (ghi rõ số lượng, chủng loại... hàng tái xuất).
- Hợp đồng mua hàng ký với nước ngoài. hóa đơn bán hàng của phía nước ngoài.
- Tờ khai Hải quan hàng nhập khẩu được cơ quan Hải quan kiểm hóa có ghi rõ số lượng, chất lượng, chủng loại hàng nhập khẩu.
- Biên lai nộp thuế.
- Văn băn thỏa thuận trả lại hàng cho phía nước ngoài có ghi rõ lý do hoặc hợp đồng bán hàng cho phía nước ngoài trong đó có ghi rõ số lượng, chất lượng và chủng loại, xuất xứ hàng....
- Tờ khai Hải quan hàng xuất khẩu có xác nhận thức xuất của Hải quan cửa khẩu, trong đó có ghi rõ số lượng, chất lượng, chủng loại hàng xuất khẩu và hàng xuất khẩu là theo tờ khai Hải quan hàng nhập khẩu nào.
- Hóa đơn kiêm phiếu xuất kho hoặc hóa đơn bán hàng của hàng xuất khẩu.
- Hợp đồng uỷ thác xuất nhập khẩu (nếu là hàng xuất nhập khẩu uỷ thác).
Trường hợp hàng nhập khẩu không phù hợp với hợp đồng thì phải có kết quả giám định hàng hóa của cơ quan có chức năng giám định Nhà nước.
Đối với số hàng hóa do phía nước ngoài gửi bù số lượng đã xuất trả lại do không phù hợp với hợp đồng thì doanh nghiệp phải kê khai nộp thuế nhập khẩu theo quy định.
Trường hợp hàng phải tái xuất còn trong thời hạn nộp thuế nhập khẩu quy định tại Mục III, Phần C Thông tư này thì không phải nộp thuế nhập khẩu tương ứng với số hàng tái xuất. Hồ sơ xét không thu thuế nhập khẩu như quy định hồ sơ xét hoàn thuế (riêng biên lai nộp thuế được thay bằng thông báo thuế của cơ quan Hải quan).
m/ Đối với số máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập - tái xuất hoặc mượn - tái xuất để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất và các mục đích khác, khi nhập khẩu phải kê khai nộp thuế nhập khẩu theo quy định, khi tái xuất ra khỏi Việt Nam sẽ được hoàn thuế nhập khẩu. Số thuế nhập khẩu được hoàn được xác định trên cơ sở giá trị sử dụng còn lại của máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển khi tái xuất khẩu tính theo thời gian sử dụng và lưu lại tại Việt Nam (trường hợp thực tế đã hết giá trị sử dụng thì không được hoàn lại thuế). Cụ thể theo quy định dưới đây:
Đối với loại hàng mới, nhập khẩu vào Việt Nam:
- Thời gian sử dụng và lưu lại tại Việt Nam từ 6 tháng trở xuống được hoàn lại toàn bộ số thuế nhập khẩu đã nộp.
- Thời gian sử dụng và lưu lại tại Việt Nam từ trên 6 tháng đến 1 năm được hoàn lại 85% số thuế nhập khẩu đã nộp.
- Thời gian sử dụng và lưu lại tại Việt Nam từ trên 1 năm đến 2 năm được hoàn lại 70% số thuế nhập khẩu đã nộp.
- Thời gian sử dụng và lưu lại tại Việt Nam từ trên 2 năm đến 3 năm được hoàn lại 55% số thuế nhập khẩu đã nộp.
- Thời gian sử dụng và lưu lại tại Việt Nam từ trên 3 năm đến 4 năm được hoàn lại 40% số thuế nhập khẩu đã nộp.
- Thời gian sử dụng và lưu lại tại Việt Nam từ trên 4 năm đến 5 năm được hoàn 35% số thuế nhập khẩu đã nộp.
- Thời gian sử dụng và lưu lại tại Việt Nam từ trên 5 năm được hoàn lại 15% số thuế nhập khẩu đã nộp.
Đối với loại hàng đã qua sử dụng, được phép nhập khẩu vào Việt Nam:
- Thời gian sử dụng và lưu lại tại Việt Nam từ 6 tháng trở xuống được hoàn lại toàn bộ số thuế nhập khẩu đã nộp.
- Thời gian sử dụng và lưu lại tại Việt Nam từ trên 6 tháng đến 1 năm được hoàn lại 80% số thuế nhập khẩu đã nộp.
- Thời gian sử dụng và lưu lại tại Việt Nam từ trên 1 năm đến 2 năm được hoàn lại 60% số thuế nhập khẩu đã nộp.
- Thời gian sử dụng và lưu lại tại Việt Nam từ trên 2 năm đến 3 năm được hoàn lại 45% số thuế nhập khẩu đã nộp.
- Thời gian sử dụng và lưu lại tại Việt Nam từ trên 3 năm đến 4 năm được hoàn lại 30% số thuế nhập khẩu đã nộp.
- Thời gian sử dụng và lưu lại tại Việt Nam từ trên 4 năm được hoàn lại 15% số thuế nhập khẩu đã nộp.
Hồ sơ xét hoàn thuế nhập khẩu gồm:
- Công văn đề nghị xét hoàn thuế nhập khẩu.
- Văn bản của Bộ Thương mại hoặc Tổng cục Hải quan cho phép nhập khẩu, trong đó ghi rõ là hàng tạm nhập - tái xuất (trong trường hợp cần phải có theo quy định của Nhà nước).
- Hợp đồng (hoặc văn bản thỏa thuận) nhập khẩu, mượn máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiên vận chuyển.
- Tờ khai Hải quan xuất khẩu, nhập khẩu có thanh khoản và xác nhận của cơ quan Hải quan về số lượng, chủng loại hàng thực nhập khẩu, thực tái xuất khẩu.
- Biên lai nộp thuế.
- Hợp đồng uỷ thác xuất nhập khẩu (nếu là uỷ thác xuất nhập khẩu).
Trường hợp các tổ chức, cá nhân nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển hết thời gian tạm nhập, phải tái xuất nhưng chưa tái xuất, mà được phép của Bộ Thương mại hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển giao cho đối tượng khác tại Việt Nam tiếp tục quản lý, sử dụng thì khi chuyển giao không được coi là xuất khẩu và không được hoàn lại thuế nhập khẩu, đối tượng tiếp nhận hoặc mua lại không phải nộp thuế nhập khẩu. Đến khi thực tái xuất ra khỏi Việt Nam sẽ được hoàn lại thuế nhập khẩu theo quy định tại điểm này. Khi đề nghị xét hoàn thuế, ngoài hồ sơ theo quy định nêu trên, tổ chức, cá nhân đề nghị xét hoàn thuế còn phải bổ sung thêm hồ sơ sau:
- Văn bản của Bộ Thương mại (hoặc cơ quan có thẩm quyền) cho phép chuyển giao, tiếp nhận số máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển đã tạm nhập (trong trường hợp cần phải có theo quy định của Nhà nước).
- Hợp đồng mua bán hoặc biên bản bàn giao, giao nhận máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển giữa hai bên.
- Hóa đơn kiêm phiếu xuất kho hoặc hóa đơn bán hàng của tổ chức cá nhân nhập khẩu giao cho bên mua hoặc tiếp nhận.