CÔNG TRÌNH THỦY LỢI - QUY TRÌNH VẬN HÀNH TRẠM BƠM ĐIỆN
Hydraulic structures - Procedure for operation of electrical pumping station
Lời nói đầu
TCVN 8417:2022 thay thế TCVN 8417:2010;
TCVN 8417:2022 do Viện Bơm và Thiết bị Thủy lợi thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
CÔNG TRÌNH THỦY LỢI - QUY TRÌNH VẬN HÀNH TRẠM BƠM ĐIỆN
Hydraulic structures - Procedure for operation of electrical pumping station
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu chung trong việc vận hành trạm bơm điện có điện áp vận hành tới 6000 V, gồm các loại máy bơm: trục ngang, trục đứng, trục xiên và bơm chìm (kiểu bơm ly tâm hướng trục và hỗn lưu), sử dụng trong tưới tiêu nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt nông thôn.
Các tài liệu viện dẫn sau đây rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 8418, Công trình thủy lợi - Quy trình quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng cống.
Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ, định nghĩa sau:
3.1
Đơn vị khai thác trạm bơm (unit for pumping station exploitation)
Doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân được giao khai thác trạm bơm.
3.2
Máy bơm điện (the electrical pump)
Máy bơm sử dụng động cơ điện để dẫn động. Theo cấp điện áp của động cơ, máy bơm điện có 2 loại:
- Máy bơm điện hạ thế: Sử dụng động cơ điện hạ áp để dẫn động (có điện áp vận hành tới 1000 V);
- Máy bơm điện trung thế: Sử dụng động cơ điện trung áp để dẫn động (có điện áp vận hành từ 1000 V đến 6000 V).
4.1.1 Việc vận hành trạm bơm, máy bơm phải tuân thủ các quy định tại quy trình quản lý, vận hành đã được phê duyệt.
4.1.2 Chỉ được phép vận hành máy bơm khi các điều kiện an toàn của trạm bơm (công trình thủy công, thiết bị cơ khí, thiết bị điện...) được đảm bảo. Trong trường hợp buộc phải vận hành trong điều kiện không đảm bảo các điều kiện an toàn, phải có biên bản trong đó có cam kết về trách nhiệm và chữ ký của người ra lệnh vận hành.
4.1.3 Các tổ máy bơm dự phòng phải được bố trí vận hành luân phiên với các tổ máy bơm khác trong trạm bơm.
4.1.4 Số giờ vận hành của các tổ máy bơm không lệch nhau quá nhiều trong một năm.
4.1.5 Nên vận hành các tổ máy bơm đối xứng để đảm bảo dòng chảy không mất cân bằng quá nhiều trên mặt cắt ngang bể hút và bể xả.
4.1.6 Luôn luôn theo dõi tổ máy trong quá trình vận hành, khi phát hiện có dấu hiệu bất thường, nhân viên vận hành phải dừng ngay tổ máy bơm bị sự cố, ngắt các thiết bị điện đang vận hành và báo cáo người phụ trách trực tiếp trạm bơm để kiểm tra, xử lý.
4.1.7 Tại mỗi trạm bơm, tối thiểu phải trang bị các dụng cụ, thiết bị sau: bút thử điện, kìm điện, mê gôm mét 500 V (đối với trạm bơm điện hạ thế), mê gôm mét 2500 V (đối với trạm bơm điện trung thế), ampe kìm, đồng hồ vạn năng, máy đo nhiệt độ không tiếp xúc, găng cách điện, ủng cách điện và bộ dụng cụ tháo lắp, sửa chữa nhỏ về cơ khí.
4.1.8 Các bước thực hiện khi vận hành tổ máy bơm:
- Kiểm tra trước khi khởi động máy;
- Khởi động máy;
- Theo dõi vận hành;
- Dừng máy.
4.2 Kiểm tra trước khi khởi động máy
4.2.1 Trước khi khởi động máy, tổ nhân viên vận hành phải kiểm tra các hạng mục công trình thủy công, thiết bị cơ điện chính và phụ trợ.
Thời gian kiểm tra: ít nhất 2 h trước khi khởi động máy bơm đối với mỗi đợt vận hành và 30 min, trong trường hợp bàn giao ca, máy vừa ngừng vận hành ở ca trước.
Việc kiểm tra có thể thực hiện thông qua việc theo dõi, đánh giá, phân tích dữ liệu thu thập được từ các thiết bị quan trắc lắp đặt tại các hạng mục công trình và hệ thống quan trắc đồng bộ lắp đặt trong khu vực công trình đầu mối trạm bơm hoặc thông qua việc quan sát tình trạng hiện tại của công trình bằng trực quan. Kết quả kiểm tra phải phản ánh đúng khả năng làm việc của công trình, thiết bị.
4.2.2 Kiểm tra công trình thủy công
4.2.2.1 Nhà máy bơm
a) Tình trạng vệ sinh trong khu vực nhà máy bơm;
b) Tình trạng làm việc của hệ thống cửa ra vào, hệ thống thông gió, lấy sáng, không gian để vận hành, thoát hiểm, cầu thang lên xuống;
c) Các bảng nội quy, hướng dẫn vận hành;
d) Sự rò rỉ nước ở hầm máy bơm;
e) Độ lún, nứt nẻ, thấm của các bộ phận công trình nhà trạm;
f) Bể lọc nước kỹ thuật, bể chứa nước kỹ thuật, hầm bơm tiêu;
g) Yêu cầu kỹ thuật đối với việc kiểm tra nhà máy bơm quy định tại 5.1, 5.2, 5.3 tiêu chuẩn này.
4.2.2.2 Bể hút, bể xả, kênh dẫn
a) Bể hút, cống lấy nước, các lưới chắn rác: kiểm tra mức nước bể hút, sự bồi lắng, vật cản bèo rác, tình trạng sạt lở, nứt nẻ, rò rỉ của mái bể hút, vệ sinh cột thủy trí;
b) Các ống xả nước: kiểm tra kín nước tại các mặt bích nối giữa các đoạn ống xả, điều kiện làm việc của van clape, ống thông hơi, hộp ngắt của ống xả kiểu xiphông;
c) Mực nước tại bể hút, bể xả;
d) Yêu cầu kỹ thuật đối với việc kiểm tra bể xả, bể hút, kênh dẫn nước quy định tại 5.4, 5.5 tiêu chuẩn này.
4.2.2.3 Cống dưới đê
a) Kiểm tra thân cống, tường cánh cửa vào, cửa ra, bộ phận đóng mở, bộ phận tiếp giáp giữa thân cống với các hạng mục liên quan để phát hiện kịp thời những hư hỏng;
b) Kiểm tra cửa van: tình trạng các mối hàn, bu lông liên kết, bánh xe cữ, vật kín nước, các dầm chính dầm phụ, dầm biên, tấm bưng;
c) Yêu cầu kỹ thuật đối với việc kiểm tra cống dưới đê thực hiện theo điều 5 TCVN 8418.
4.2.3 Kiểm tra máy bơm và thiết bị cơ khí
4.2.3.1 Máy bơm chính
a) Các bu lông chân máy, bệ máy, bu lông khớp nối trục;
b) Dầu mỡ bôi trơn ổ bi, ổ trượt;
c) Vòng đệm chống rò rỉ cổ trục, gioăng làm kín tại các mặt bích;
d) Nước kỹ thuật cung cấp cho việc bôi trơn và làm mát các ổ trục;
e) Khả năng quay trơn của trục bơm và trục động cơ;
f) Góc nghiêng lá cánh của bánh công tác (đối với các máy bơm có thể xoay góc cánh bánh công tác);
g) Yêu cầu kỹ thuật đối với việc kiểm tra máy bơm chỉnh quy định tại điều 5.6 tiêu chuẩn này.
4.2.3.2 Máy bơm phụ trợ
a) Sự đầy đủ và chắc chắn của các bu lông bệ máy, các bu lông khớp nối; lượng mỡ, dầu trong các ổ bi; vòng đệm kín nước cổ trục; khả năng quay trơn của trục bơm;
b) Kiểm tra các hệ thống đường ống dẫn nước, đồng hồ áp lực, hệ thống van khóa trên đường ống, bình chứa nước bơm chân không, van mồi bơm chân không;
c) Yêu cầu kỹ thuật đối với việc kiểm tra máy bơm phụ trợ quy định tại 5.7.1 tiêu chuẩn này.
4.2.3.3 Các thiết bị khác
a) Lưới chắn rác: các thanh chắn của lưới chắn; rác và các loại vật cản bám vào lưới chắn rác;
b) Máy vớt rác: bu lông bệ máy, khớp nối, động cơ, hộp số, hệ thống thủy lực nâng hạ máy vớt rác, băng tải chuyển rác;
c) Máy đóng mở, vít nâng cánh cống và cánh phai;
d) Van phá chân không;
e) Hệ thống quạt gió, thông gió;
f) Thiết bị an toàn và phòng chống cháy nổ;
g) Yêu cầu kỹ thuật đối với việc kiểm tra các thiết bị khác quy định tại 5.7.2, 5.7.3 tiêu chuẩn này.
4.2.4 Kiểm tra hệ thống điện
4.2.4.1 Động cơ điện
a) Độ chặt các bu lông ở bệ máy, khớp nối, liên kết tại các mối ghép nối bằng bu lông;
b) Kiểm tra tình trạng liên kết ở đầu các dây cáp;
c) Kiểm tra điện trở cách điện động cơ;
d) Kiểm tra lượng dầu ở các nồi dầu của các động cơ dùng dầu bôi trơn ổ trục;
e) Đối với động cơ đồng bộ kiểm tra chổi than, vành tiếp xúc, điện trở khử từ; đối với động cơ ro to dây quấn hạ thế tay gạt vòng góp điện phải ở vị trí khởi động;
f) Yêu cầu kỹ thuật đối với việc kiểm tra động cơ điện quy định tại điều 5.8 tiêu chuẩn này.
4.2.4.2 Tủ điện
a) Mạch động lực:
- Kiểm tra các thiết bị đóng cắt: áp tô mát, công tắc tơ, máy cắt;
- Tình trạng liên kết tại các đầu cáp lực, hệ thống thanh cái, nối đất, sứ đỡ, các đầu bắt bu lông, ê cu;
- Kiểm tra tụ bù, cuộn kháng để xả điện áp dư.
b) Mạch điều khiển:
- Kiểm tra tình trạng các đồng hồ đo lường điện, biến dòng, biến áp, rơ le bảo vệ, rơ le trung gian, rơ le thời gian, đèn tín hiệu;
- Kiểm tra tình trạng liên kết tại các đầu dây với thiết bị, khóa chuyển mạch, nút ấn, áp tô mát điều khiển;
c) Yêu cầu kỹ thuật đối với việc kiểm tra tủ điện quy định tại điều 5.9, 5.10, 5.11 tiêu chuẩn này;
d) Với các hệ thống có thiết bị khởi động điện tử và thiết bị bảo vệ sẽ thực hiện kiểm tra theo hướng dẫn của nhà sản xuất thiết bị.
4.2.4.3 Hệ thống cáp điệp
a) Kiểm tra lớp vỏ ngoài của cáp, các đầu đấu cáp;
b) Đo điện trở cách điện của dây cáp;
c) Yêu cầu kỹ thuật đối với việc kiểm tra hệ thống cáp điện quy định tại điều 5.12 tiêu chuẩn này.
4.2.4.4 Hệ thống nối đất
a) Kiểm tra tình trạng liên kết tại các điểm nối của hệ thống nối đất với vỏ máy, vỏ tủ điện, vỏ động cơ;
b) Yêu cầu kỹ thuật đối với việc kiểm tra hệ thống nối đất quy định tại điều 5.14 tiêu chuẩn này.
4.2.4.5 Hệ thống điều khiển giám sát
a) Kiểm tra hiện tượng chạm chập cực đấu dây, cáp tín hiệu, đầu đấu dây và vít bắt đầu dây;
b) Kiểm tra tình trạng hoạt động của máy tính, phần mềm, đường truyền dữ liệu; đường truyền tín hiệu từ các cảm biến về bộ xử lý trung tâm, từ bộ xử lý trung tâm đến các rơ le trung gian và cơ cấu chấp hành;
c) Hệ thống camera giám sát;
d) Với các hệ thống thiết bị có quy trình kiểm tra riêng, thực hiện theo quy trình riêng của thiết bị.
4.2.4.6 Hệ thống chiếu sáng
a) Tình trạng, số lượng các bóng đèn và chụp đèn;
b) Các thiết bị đóng cắt, bảo vệ, dây dẫn điện.
4.2.4.7 Kiểm tra điện áp của nguồn điện, sai lệch cho phép so với điện áp định mức của thiết bị điện không quá ± 5 %.
4.3 Vận hành các thiết bị phụ trợ
4.3.1 Tùy theo nhiệm vụ của từng thiết bị phụ trợ, người vận hành căn cứ theo quy trình vận hành thực tế tại nhà máy để xác định việc vận hành thiết bị phụ trợ khi cần thiết.
4.3.2 Các máy bơm mồi, bơm kỹ thuật, bơm tiêu nước trong nhà máy được vận hành tuân theo quy trình riêng của từng loại máy bơm, trạm bơm.
4.3.3 Hệ thống vớt rác tự động được vận hành theo nguyên tắc các băng tải chuyển rác hoạt động trước máy vớt rác. Việc vận hành hệ thống máy vớt rác phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp thiết bị.
4.3.4 Hệ thống quạt thông gió nhà trạm bơm được vận hành với số lượng tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, nhiệt độ trong nhà máy. Đối với hệ thống thông gió cho các tủ điện thì luôn phải hoạt động khi vận hành tủ.
4.3.5 Đối với hệ thống chiếu sáng, khi cần chiếu sáng khu vực nào thì cấp nguồn chiếu sáng cho khu vực đó.
4.4.1 Sau khi đã hoàn thành nội dung kiểm tra theo quy định tại điều 4.2, các hạng mục công trình, thiết bị đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật và an toàn, máy biến áp chính đã được đóng điện và điện đã được cấp đến các tủ đầu vào thì có thể cho khởi động các tổ máy bơm.
4.4.2 Không khởi động đồng thời các tổ máy bơm. Tổ máy bơm sau khi khởi động hoạt động ổn định (qua theo dõi đồng hồ đo điện áp, dòng điện) mới tiếp tục khởi động tổ máy bơm tiếp theo, máy có công suất thấp hơn khởi động sau.
4.4.3 Khởi động động cơ máy bơm thực hiện theo nguyên tắc đóng điện từ nguồn (máy biến áp lực) đến phụ tải (động cơ). Các hệ thống phục vụ động cơ chính (nước làm mát dầu trong các nồi dầu, cấp điện một chiều cho nguồn điều khiển ...) phải làm việc trước khi khởi động động cơ chính.
4.4.4 Đối với máy bơm trục ngang phải tiến hành mồi nước bằng cách bơm nước vào ống hút máy bơm hay bằng bơm hút chân không (đối với bơm không tự mồi), đảm bảo đầy nước trong buồng bánh công tác mới đóng điện khởi động máy bơm.
4.4.5 Đối với bơm hướng trục và bơm hỗn lưu có lắp van điều tiết ở ống xả, phải mở hết cỡ van điều tiết trước khi khởi động máy.
4.4.6 Đối với máy bơm ly tâm có lắp van điều tiết ở ống xả, phải đóng van điều tiết; sau khi máy bơm đã chạy ổn định (từ 1 min đến 2 min), phải mở van điều tiết ngay.
4.4.7 Các tủ điện và động cơ điện (có trang bị thiết bị sấy) được sấy khoảng 1 h (trường hợp tổ máy dừng vận hành quá 3 ngày) trước khi khởi động máy bơm.
4.4.8 Trước khi thực hiện thao tác khởi động tổ máy bơm (từ 3 min đến 5 min) phải phát tín hiệu cảnh báo bằng âm thanh và ánh sáng.
4.4.9 Trình tự đóng điện để khởi động tổ máy bơm:
a) Đóng thiết bị đóng cắt nguồn động lực tại tủ phân phối (máy cắt, cầu dao, áp tô mát);
b) Kiểm tra điện áp các pha của nguồn điện tại tủ đầu vào;
c) Đóng cầu dao hoặc áp tô mát cấp điện cho tủ khởi động động cơ, đóng áp tô mát cấp điện cho mạch điều khiển;
d) Ấn nút khởi động tại tủ khởi động hoặc tại bàn điều khiển trung tâm để khởi động động cơ;
e) Khi động cơ làm việc ổn định, đóng tụ bù công suất phản kháng (nếu có).
4.4.10 Nếu động cơ sử dụng thiết bị khởi động điện tử hoặc hệ thống điều khiển giám sát để khởi động, phải tuân thủ trình tự, thao tác khởi động do nhà sản xuất đề ra.
4.4.11 Khi đóng điện khởi động tổ máy nếu động cơ không khởi động được hoặc khởi động khó khăn, thời gian khởi động kéo dài quá mức quy định của nhà chế tạo, phải kiểm tra lại tổ máy, các thiết bị đo lường, tín hiệu và bảo vệ, xác định nguyên nhân và xử lý kỹ thuật xong mới được tiếp tục khởi động lại.
4.5 Vận hành công trình thủy công
Vận hành các cống tự chảy, cống dưới đê, kênh dẫn của trạm bơm theo TCVN 8418 và quy định vận hành kênh và các công trình trên kênh đã được phê duyệt.
4.6.1 Trong khi vận hành, nhân viên vận hành phải thường xuyên theo dõi sự làm việc của thiết bị cơ điện, công trình thủy công; kiểm tra hoạt động của hệ thống vớt rác, lưới chắn rác, vớt bèo rác và các vật cản khác mắc vào lưới chắn rác; định kỳ một giờ một lần, đọc và ghi vào số vận hành các thông số, gồm: mực nước ở bể hút, bể xả, dòng điện, điện áp, nhiệt độ cuộn dây của động cơ và nhiệt độ các ổ trục của tổ máy. Trường hợp công trình đầu mối trạm bơm được đầu tư hệ thống thiết bị quan trắc, theo dõi tự động, tối thiểu 1 h một lần các thông số trên phải được lưu và cập nhật vào cơ sở dữ liệu của hệ thống phần mềm quản lý vận hành.
4.6.2 Các yêu cầu đối với động cơ điện và các thiết bị điện khi vận hành
a) Điện áp lưới điện ổn định, sai lệch không quá ± 5 % điện áp định mức của động cơ điện;
b) Trị số dòng điện ổn định, không vượt quá trị số định mức của động cơ điện;
c) Các thiết bị điện không phát sinh nhiệt độ quá mức, không có tiếng kêu khác thường, không bị rung động hoặc có tia lửa phát ra ở những chỗ tiếp xúc, các bộ phận cơ khí không bị kẹt hay chuyển động bất thường;
d) Các đồng hồ đo điện phải làm việc tin cậy;
e) Đèn tín hiệu báo đúng với trạng thái làm việc của tổ máy;
f) Nhiệt độ ở các ổ bi không vượt quá 70 °C;
g) Nhiệt độ động cơ không được vượt quá mức quy định của nhà chế tạo (trên 70 °C đến 100 °C, tùy theo cấp cách điện của dây quấn, được ghi trên nhãn động cơ);
h) Cổ góp không đánh lửa, chổi than không bị nứt vỡ, không có tiếng kêu ở bộ phận vành góp -chổi than;
i) Quạt gió động cơ hoạt động bình thường;
j) Không có dầu mỡ bắn vào cuộn dây stato;
k) Khi các thiết bị bảo vệ tác động, cần căn cứ vào cấp độ tín hiệu cảnh báo (trị số hiển thị, ánh sáng và âm thanh) để nhanh chóng dừng tổ máy, loại trừ sự cố, xác định nguyên nhân, xử lý và phục hồi lại trạng thái làm việc;
l) Đối với máy biến áp đo lường, cầu dao cách ly, thanh cái: mặt sứ phải sạch, không bị rạn vỡ, không có hiện tượng phỏng điện; không bị rò dầu; không được để hở mạch thứ cấp máy biến dòng; chốt an toàn của dao cách ly phải giữ chắc chắn tại vị trí hộp chốt; thanh cái không có hiện tượng phát sinh nhiệt độ quá mức;
m) Đối với cáp điện: các phễu cáp phải đầy nhựa, mặt phễu khô, sạch sẽ và không bị nứt, sứ không bị rạn nứt, sứt mẻ hay có hiện tượng phóng điện, dây nối đất với vỏ cáp chắc chắn; vỏ cáp (bằng thép, chì, PVC...) không bị hỏng, nứt vỡ hay ngấm nước; cần tăng cường kiểm tra nhiệt độ phát sinh khi cáp bị quá tải.
4.6.3 Các yêu cầu đối với máy bơm khi vận hành
a) Máy chạy êm, trục bơm không đảo, lắc, không có hiện tượng va chạm của cánh bơm vào vành mòn, độ rung, độ ồn không vượt ngưỡng cho phép của từng loại bơm;
b) Với các máy bơm sử dụng ép túp làm kín, nước làm mát ở cổ trục bơm chảy ra phải ổn định, đúng yêu cầu (theo giọt hay tia nhỏ). Với các máy bơm sử dụng bộ làm kín cơ khí, không cho phép nước chảy ra ở cổ trục phía ngoài bơm;
c) Không bị rò rỉ nước ở các khớp nối thân bơm, ống xả;
d) Ổ bi làm việc êm, nhiệt độ không quá 70 °C;
e) Bơm mỡ hoạt động tốt, hệ thống đường ống dẫn mỡ không bị thủng, tắc, lượng dầu mỡ tiêu thụ trong phạm vi quy định của nhà chế tạo;
f) Trị số hiển thị của đồng hồ đo áp lực phải tương ứng với cột nước bơm;
g) Hệ thống bơm nước kỹ thuật hoạt động bình thường, ổ trục bằng cao su không có mùi khét.
4.6.4 Các trường hợp phải dừng ngay tổ máy bơm khi đang vận hành
a) Xảy ra tai nạn;
b) Động cơ điện hoạt động không bình thường: dòng điện khi vận hành không ổn định, tăng cao quá dòng điện định mức; động cơ bị rung động mạnh, có tiếng kêu không bình thường, bốc khói hay ngừng chạy; nhiệt độ cuộn dây và ổ trục cao quá mức cho phép; số vòng quay của động cơ giảm nhiều, thay đổi đột ngột;
c) Máy bơm hoạt động không bình thường: máy bơm bị rung động, có tiếng va đập mạnh; nhiệt độ ổ trục tăng quá mức cho phép; hệ thống bơm nước kỹ thuật, bơm mỡ hoạt động không bình thường;
d) Mực nước bể hút thấp hơn mực nước nhỏ nhất thiết kế hoặc mực nước bể xả cao hơn mực nước lớn nhất thiết kế;
e) Điện áp lưới điện giảm hơn 5 % điện áp định mức, hoặc điện áp các pha chênh lệch nhau quá 5 %.
4.7.1 Nguyên tắc và trình tự dừng máy bơm như sau:
a) Cắt điện tụ bù;
b) Cắt điện động cơ kéo máy bơm chính tại tủ khởi động hoặc tại bàn điều khiển trung tâm;
c) Cắt điện hệ thống thiết bị phục vụ như bơm nước làm mát, bơm mỡ, bơm dầu, quạt thông gió, máy vớt rác;
d) Cắt dần phụ tải ra đến nguồn điện.
4.7.2 Đối với động cơ rô to dây quấn khởi động bằng biến trở, quay tay quay của biến trở về vị trí 1, tay gạt của vành góp về vị trí khởi động; đối với động cơ rôto lồng sóc khởi động bằng biến thế tự ngẫu, quay tay khởi động của biến thế về vị trí 0.
4.7.3 Trường hợp ngừng chạy máy từ 24 h trở lên thì phải cắt áp tô mát tổng của tủ phân phối (chỉ cắt áp tô mát này khi đã dừng hết các tổ máy trong phạm vi tủ phân phối) sau đó chuyển nguồn tự dùng bằng máy biến áp tự dùng.
5 Yêu cầu kỹ thuật đối với công trình và thiết bị cơ điện
a) Sàn bơm phải khô ráo, rãnh tập trung nước rò rỉ ở các gối đỡ trục bơm trong khi vận hành phải đảm bảo thu hết nước về vị trí bơm tiêu nước sàn bơm;
b) Sàn điện phải sạch sẽ, khô ráo và phải có thảm cách điện tại các vị trí thao tác;
c) Cầu thang đi lại giữa các tầng phải chắc chắn, có tay vịn;
d) Mái nhà trạm, các cửa thông gió, lấy ánh sáng không bị thấm, dột, hắt nước khi mưa;
e) Hệ thống ánh sáng phải đảm bảo cho việc vận hành, theo dõi, kiểm tra và bảo vệ nhà máy bơm, máy móc, thiết bị.
5.2 Hệ thống tiêu nước trong nhà máy bơm
a) Trạm bơm phải có đủ máy bơm tiêu nước trong nhà máy bơm kể cả dự phòng. Hệ thống bơm tiêu phải hoạt động tin cậy, ổn định để đảm bảo bơm khô nước sàn trong nhà máy. Máy bơm tiêu phải thường xuyên được kiểm tra, tránh bị ngập nước (trường hợp bơm tiêu không phải là bơm chìm);
b) Các máy bơm tiêu nước đặt cố định trong nhà máy nên có chế độ chạy tự động;
c) Đề phòng sự cố mất điện nguồn chính phải có nguồn điện dự phòng hoặc bố trí máy bơm tiêu dự phòng chạy bằng động cơ đốt trong.
a) Lượng nước trong bể chứa nước kỹ thuật phải đủ để vận hành;
b) Nước dùng để bôi trơn, làm mát tổ máy bơm phải đảm bảo sạch, không chứa các hạt thô (không quá 50 g hạt sét, hạt bột trong 1 L nước), không chứa các chất hòa tan gây ăn mòn vật lý, hóa học đường ống, gối trục và các chi tiết liên quan;
c) Định kỳ phải sửa chữa các ngăn chứa nước, thau rửa tầng lọc và kiểm tra các thiết bị của hệ thống lọc nước. Khi tầng lọc bị tắc phải xử lý ngay mới tiếp tục vận hành bơm;
d) Hàng năm, hoặc khi thấy cần thiết phải lấy mẫu nước đã lọc để kiểm tra, phân tích độ đục, thành phần hóa học các chất hòa tan trong nước.
a) Các cống xả nước qua đê phải đảm bảo kín nước và an toàn;
b) Mực nước tại bể xả không được cao hơn mực nước lớn nhất thiết kế;
b) Đối với ống xả, miệng ống có van kiểu bản lề: ống thông hơi phải có nắp bảo vệ, tránh rác bẩn, đất đá rơi vào, bản lề phải thường xuyên được tra dầu mỡ;
c) Đối với ống xả kiểu xiphông; phải đảm bảo hoạt động bình thường của hộp ngắt khi bơm làm việc hoặc ngừng. Ghi chép mực nước ở trong và ngoài hộp, định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng hộp ngắt.
a) Bể hút không bị nút nẻ, bồi lấp, mực nước không được thấp hơn mực nước nhỏ nhất thiết kế;
b) Kênh dẫn không bị nứt nẻ, sạt lở, bồi lấp, dẫn đủ lưu lượng thiết kế; bèo rác, vật cản phải được vớt để không ảnh hưởng đến dòng chảy và điều kiện làm việc của các tổ máy bơm;
c) Cột thủy trí phải sạch, rõ ràng;
d) Đối với máy bơm có bể hút lấy nước trực tiếp từ sông, phải kiểm tra lượng phù sa bồi lấp phía miệng hút của máy. Tuyệt đối không được vận hành tổ máy bơm khi mức phù sa bồi lấp tới vị trí bánh công tác của bơm hoặc bịt kín ống hút của máy bơm.
a) Chỉ cho phép đưa vào vận hành các máy bơm đã được lắp ráp hoàn chỉnh, đạt các chỉ tiêu kỹ thuật vá các điều kiện an toàn;
b) Các bulông chân máy, bệ máy, bulông khớp nối trục phải đầy đủ và đảm bảo chắc chắn;
c) Vòng đàn hồi, cao su giảm chấn, tấm thép truyền lực khớp nối đầy đủ, không bị vỡ, đứt gãy;
d) Dầu mỡ bôi trơn ổ bi, ổ trượt phải đầy đủ theo quy định, máy bơm mỡ, hệ thống bơm dầu, bơm mỡ phải hoạt động bình thường;
e) Nước kỹ thuật cung cấp cho việc bôi trơn và làm mát các ổ trục phải ổn định và đủ theo yêu cầu;
f) Trục bơm phải được quay thử, trục bơm và động cơ quay trơn, không có va chạm giữa cánh bơm và vỏ bơm;
g) Góc đặt lá cánh bánh công tác tương ứng với cột nước vận hành (đối với các máy bơm có thể xoay góc cánh bánh công tác);
h) Tuân thủ công tác bảo trì máy bơm theo quy định đã được phê duyệt.
5.7 Máy bơm phụ trợ và các thiết bị khác
5.7.1 Máy bơm phụ trợ
a) Các bulông chân máy, bệ máy, bulông khớp nối trục phải đầy đủ và đảm bảo chắc chắn. Lượng dầu mỡ đầy đủ, trục quay trơn không va chạm với vỏ;
b) Các van khóa trên đường ống hoạt động bình thường không rò rỉ, đồng hồ đo áp suất, đồng hồ chân không hoạt động bình thường;
c) Bình chứa bơm chân không đủ nước;
d) Các máy bơm phụ trợ hoạt động bình thường, đủ áp suất và lưu lượng;
e) Hệ thống cấp nước kỹ thuật phải kín, không được tắc. Sau khi lắp đặt, sửa chữa, trước khi đưa vào sử dụng phải thử độ kín của đường ống với áp suất 4 atm trong thời gian 5 min. Đường ống nước kỹ thuật phải được thông rửa ít nhất một lần sau mỗi vụ sản xuất.
5.7.2 Lưới chắn rác, máy vớt rác
a) Các lưới chắn rác ở cửa buồng hút phải đảm bảo chắc chắn, không cong vênh, không bị tắc rác;
b) Bu lông bệ máy vớt rác, khớp nối, động cơ, hộp số, băng tải đầy đủ chắc chắn;
c) Con lăn băng tải đầy đủ, băng tải cao su không đứt hoặc trùng quá mức cho phép;
d) Lượng dầu trong hộp giảm tốc và bộ nguồn thủy lực đầy đủ, xích tải đủ dầu mỡ và không bị trùng quá mức cho phép, xi lanh thủy lực không bị rò rỉ dầu.
5.7.3 Các thiết bị khác
a) Cửa van buồng hút phục vụ công tác sửa chữa phải chắc chắn, kín nước và vận hành lên xuống bình thường;
b) Thiết bị nâng hạ: hộp giảm tốc, vít me, thanh kéo, dây cáp, trục vít, bánh vít đủ dầu mỡ; bulông chân máy bệ máy, khớp nối đầy đủ chắc chắn;
c) Sử dụng cầu lăn và thiết bị nâng chuyển cần tuân theo các quy định về an toàn máy trục hiện hành;
d) Van phá chân không: dây cáp đối trọng và cáp truyền lực không bị kẹt, bộ truyền động cơ khí hoạt động ổn định;
e) Hệ thống quạt gió hoạt động bình thường;
f) Thiết bị an toàn và phòng chống cháy nổ đảm bảo tin cậy, hoạt động bình thường.
5.8.1 Động cơ phải luôn được vệ sinh sạch sẽ tránh bụi bẩn, nước, dầu, mỡ bắn vào.
5.8.2 Bu lông bệ động cơ, khớp nối, các mối ghép đầy đủ, chắc chắn.
5.8.3 Đầu nối của dây cáp điện với các cực động cơ chắc chắn, không có hiện tượng nứt vỡ, bị lỏng ê cu hoặc phóng điện ở các sứ đỡ, đầu cốt tại hộp cực.
5.8.4 Điện trở cách điện của động cơ
Điện trở cách điện của động cơ trung thế đo bằng Mê gôm mét 1000 V hoặc 2500 V không nhỏ hơn 1,0 MΩ/1KV. Nếu không đạt, phải sấy động cơ để đạt độ cách điện yêu cầu.
Điện trở cách điện ở nhiệt độ bình thường của động cơ hạ thế đo bằng Mê gôm mét 500 V tối thiểu phải đạt 2 MΩ.
Đối với các động cơ có yêu cầu đặc biệt về điện trở cách điện từ nhà sản xuất thì kiểm tra theo thông số đó.
Khi điện trở cách điện của động cơ thấp dưới trị số cho phép, cần phải sấy. Với máy bị ẩm ướt nhiều, không nên sấy bằng phương pháp xông điện trực tiếp vào các cuộn dây.
5.8.5 Đối với động cơ hạ thế ro to dây quấn, chổi than phải tiếp xúc đều với vành góp điện. Đối với động cơ đồng bộ: vành tiếp xúc phải được lau sạch, chổi than phải tiếp xúc tốt với vành tiếp xúc; loại trừ các chỗ chạm chập và các chỗ hở mạch trong bộ điện trở khử từ; các bu lông phải được bắt chặt.
5.8.6 Trên thân các động cơ điện và máy bơm phải được sơn mũi tên chỉ chiều quay và sơn đánh số phù hợp với thiết bị khởi động.
5.8.7 Để kiểm tra, theo dõi hoạt động của các động cơ điện không đồng bộ có công suất trên 200 kW, cần có các thiết bị đo lường tối thiểu như sau:
- Đo dòng điện stato của động cơ điện;
- Đo điện áp các pha;
- Đo nhiệt độ cuộn dây và lõi thép stato;
- Đo nhiệt độ các ổ trục;
- Đo mức dầu nồi dầu trên và dưới (nếu có);
- Đo điện năng tác dụng (kWh) và điện năng phản kháng (kVArh);
- Đo hệ số cosφ.
5.8.8 Để kiểm tra, theo dõi hoạt động của các động cơ điện đồng bộ có công suất trên 200 kW, ngoài việc đo các đại lượng nêu trên, cần đo thêm điện áp và dòng điện một chiều cấp cho rôto (dòng điện và điện áp hệ thống kích từ).
5.8.9 Tuân thủ công tác bảo trì theo quy định hiện hành.
5.9 Các thiết bị điện có điện áp dưới 1000 V và mạch thứ cấp
5.9.1 Tất cả phần kim loại của thiết bị phân phối, bảng điện, tủ điện phải được sơn chống gỉ và sơn màu.
5.9.2 Đường đi lại để quan sát, kiểm tra thiết bị đảm bảo thông thoáng, có đủ ánh sáng cần thiết cho nhân viên làm việc. Bố trí các ổ cắm điện ở những vị trí cần thiết để cấp điện cho đèn soi kiểm tra thiết bị.
5.9.3 Các thiết bị đóng cắt nguồn điện động lực phải tin cậy, đóng cắt nhẹ nhàng, các bề mặt tiếp xúc chắc chắn, không bị nứt vỡ, không có hiện tượng phóng điện gây nguy hiểm khi đóng cắt và trong khi vận hành.
5.9.4 Dây chảy dùng cho cầu chì phải thích hợp với từng loại cầu chì và đúng với yêu cầu bảo vệ. Cạnh cầu chì phải ghi dòng điện định mức của dây chảy.
5.9.5 Bố trí các mạch thứ cấp, các áp tô mát, cầu dao và cầu chì của thiết bị phân phối, tủ, bảng điện phải đảm bảo khi kiểm tra, sửa chữa không phải cắt điện toàn bộ tủ, bảng điện.
5.9.6 Các đồng hồ đo, các thiết bị phân phối điện, rơ le bảo vệ của tủ bảng điện phải ghi rõ ký hiệu đúng theo sơ đồ nguyên lý.
5.9.7 Các khóa điều khiển, khóa chế độ, nút ấn phải được ghi rõ nhiệm vụ và các vị trí sử dụng (đóng, cắt, khởi động, tự động...).
5.9.8 Các đèn tín hiệu, thiết bị tín hiệu phải được ghi rõ tính chất báo hiệu (đóng, cắt, quá tải, ngắn mạch, tắc rác, mất nước kỹ thuật, mực nước bể hút thấp...).
5.9.9 Các thiết bị có buồng dập hồ quang phải được định kỳ kiểm tra, vệ sinh buồng dập hồ quang và vệ sinh, xử lý các tiếp điểm.
5.9.10 Các thanh cái của thiết bị phải sơn màu như sau: Pha A: màu vàng, Pha B: màu xanh lá cây, Pha C: màu đỏ.
5.9.11 Thanh cái, dây dẫn bằng kim loại khác với các đầu nối của khí cụ điện phải đảm bảo không được ăn mòn lẫn nhau khi đấu nối. Hệ thống thanh cái, các đầu cáp, đầu nối chắc chắn, không có hiện tượng phóng điện hay phát nhiệt cục bộ.
5.9.12 Biến dòng, biến áp không bị rạn nứt hoặc vỡ, không có hiện tượng phóng điện, các đầu nối dây phải chắc chắn và không được để hở mạch thứ cấp của máy biến dòng điện.
5.9.13 Tụ bù, cuộn kháng để xả điện áp dư khi cắt tụ bù, cuộn kháng khởi động không có các hiện tượng phóng điện. Tụ điện không được phồng quá quy định, không bị chảy dầu.
5.9.14 Ở vị trí bảng, bàn điều khiển phải có: Sơ đồ nối điện chính toàn bộ nhà máy, sơ đồ nguyên lý và lắp ráp các hệ thống điều khiển, bảo vệ, đo lường và tín hiệu, bảng thống kê các trị số chỉnh định của rơ le và bộ phận tự động, sơ đồ thao tác điện toàn trạm bơm, các sổ ghi chép cần thiết.
5.10 Các thiết bị phân phối điện áp trên 1000 V
5.10.1 Quy định chung
Các thiết bị phân phối phải có các thông số định mức thỏa mãn các điều kiện làm việc bình thường hay khi bị quá điện áp, ngắn mạch.
Cấp cách điện của thiết bị phải chịu được điện thế định mức.
Các ổ khóa cửa của thiết bị phân phối cùng điện áp phải mở được bằng cùng một chìa khóa;
Các rãnh đặt cáp trong thiết bị phân phối phải được đậy kín bằng vật liệu chịu được lửa. Các hào, rãnh, hầm cáp của thiết bị phân phối phải sạch sẽ, thông thoáng, đảm bảo thoát nước tốt.
Máy cắt điện và bộ truyền động của máy cắt phải có cái chỉ vị trí “đóng” và “cắt” bằng cơ khí. Các tay truyền của các dao nối đất phải có màu sơn khác với màu sơn của các tay truyền động khác.
Các thiết bị phân phối sau khi lắp đặt mới hoặc sau sửa chữa phải được kiểm tra, thử nghiệm. Kết quả kiểm tra, thử nghiệm phải được ghi thành biên bản, lưu trong hồ sơ, lý lịch thiết bị.
5.10.2 Máy cắt
Đối với máy cắt khí: áp suất khí nằm trong giới hạn của nhà sản xuất.
Đối với máy cắt dầu: mực dầu trong ống chỉ thị phải nằm trong phạm vi quy định; van dầu không bị rò rỉ.
Bộ phận chỉ vị trí của bộ truyền động phải ăn khớp với biển chỉ vị trí của máy cắt; Các bộ phận, chi tiết cách điện không được có vết nứt nẻ hay vết phóng điện.
Không có hiện tượng phát nhiệt quá mức ở dây điện chính, các chỗ tiếp xúc. Các bộ phận bằng sứ, nhựa cách điện của máy cắt, buồng cắt chân không, cầu chì không được có vết nứt, hoặc vết phóng điện.
Vị trí các biển báo phải chính xác, rõ ràng.
Khi nhiệt độ môi trường thấp hơn 35 °C, cho phép máy cắt điện quá tải lâu dài cao hơn dòng điện định mức với mức 0,5 % dòng điện định mức /1 °C của nhiệt độ giảm đi, nhưng mức quá tải lớn nhất không vượt quá 20 % dòng điện định mức.
Trong khi máy đang vận hành, không được để hở mạch cuộn dây thứ cấp của máy biến dòng và thực hiện bất kỳ thao tác tại mạch thứ cấp;
Mọi hư hỏng, sự cố và kết quả kiểm tra định kỳ, xử lý, số lần cắt ngắn mạch đều phải được ghi chép, lưu trong hồ sơ, lý lịch máy cắt điện.
Tuân thủ công tác kiểm định, bảo trì theo đúng quy định.
5.10.3 Rơle bảo vệ, tự động và điều khiển từ xa
Các thiết bị rơle bảo vệ, tự động và điều khiển từ xa phải được làm mát bằng không khí, quạt gió.
Các rơ le bảo vệ nên sử dụng loại rơ le kỹ thuật số để đáp ứng yêu cầu độ nhạy, độ chính xác và có khả năng kết nối với hệ thống điều khiển giám sát.
Các thiết bị bảo vệ bằng rơle bảo vệ, tự động và điều khiển từ xa chỉ được phép vận hành sau khi đã lắp ráp, hiệu chỉnh, thử nghiệm xong, có biên bản, tài liệu bàn giao.
Khi trạm bơm đang vận hành, tất cả các thiết bị bảo vệ rơ le, tự động và điều khiển từ xa cần phải được nối thường xuyên vào làm việc và sẵn sàng hoạt động.
Dây điện, dây cáp nối vào các thiết bị điện cần phải đánh dấu đúng với sơ đồ nguyên lý và sơ đồ lắp.
Điện trở cách điện của mạch điện nối giữa các thiết bị bảo vệ rơ le, tự động và điều khiển từ xa được đo bằng Mê gôm mét 1000 V không được nhỏ hơn 2 MΩ. Điện trở cách điện của mạch điều khiển thiết bị điện làm việc ở điện áp 60 V trở xuống, đo bằng Mê gôm mét 500 V không được nhỏ hơn 1 MΩ.
Cách điện đối với đất của mạch rơ le, tự động và điều khiển từ xa (trừ mạch có điện áp từ 60 V trở xuống) cần được thử bằng điện áp 1000 V xoay chiều trong thời gian 1 min trước khi đưa thiết bị mới lắp vào làm việc. Trong quá trình sử dụng, ít nhất 1 năm phải thử 1 lần.
Sau khi thực hiện bất cứ công việc gì trong mạch hoặc trên thiết bị bảo vệ rơ le, tự động và điều khiển từ xa phải kiểm tra thiết bị tác động có đúng không.
Việc kiểm tra, hiệu chỉnh mạch bảo vệ rơ le, tự động và điều khiển phải do nhân viên được đào tạo về hiệu chỉnh và thử nghiệm rơ le thực hiện.
Các tủ bảng điện, các thiết bị phân phối và các thiết bị bảo vệ rơ le, điều khiển phải thường xuyên được lau chùi sạch sẽ.
Mọi tác động sai hoặc không tác động của thiết bị bảo vệ rơ le, tự động và điều khiển phải được ghi vào sổ nhật ký vận hành. Các kết quả kiểm tra, thử nghiệm phải được ghi chép lưu trong hồ sơ, lý lịch của thiết bị.
Các đồng hồ đo lường điện phải được bảo quản, giữ gìn và vệ sinh chu đáo, không được tự ý mở, hiệu chỉnh. Những đồng hồ dự trữ, đồng hồ mẫu phải có tủ bảo quản, chống ẩm mốc, định kỳ kiểm tra và cho đồng hồ hoạt động.
Trên mặt đồng hồ đo điện áp, dòng điện, công suất phải có vạch đỏ ứng với trị số cho phép thiết bị hoạt động (đối với các đồng hồ đo kiểu điện từ).
Trong ca trực hoặc chạy máy, nhân viên vận hành phải theo dõi hoạt động của các đồng hồ, ghi chép lại những, hiện tượng hoạt động không bình thường.
Chỉ cho phép nhân viên có chuyên môn về đo lường điện được kiểm định, hiệu chỉnh các đồng hồ điện thông thường với điều kiện phải có đầy đủ các đồng hồ mẫu và đồng hồ kiểm tra. Việc kiểm định, hiệu chỉnh các đồng hồ chuẩn, các loại cầu đo phải do các đơn vị có chức năng kiểm định về máy móc, thiết bị đo lường thực hiện.
Cần lưu trữ đầy đủ các tài liệu kỹ thuật của thiết bị, lý lịch các đồng hồ, trong đó ghi nhận xét và kết luận sau mỗi kỳ kiểm tra.
Mỗi sợi cáp phải có số hiệu và tên riêng. Biển ghi ký hiệu treo ở đầu cáp, ghi các thông tin về điện áp, tiết diện, tên cáp và số hiệu cáp.
Các đầu nối của cáp điện với các thiết bị đóng cắt và hộp cực động cơ đảm bảo chắc chắn, vỏ cáp không bị rách lớp vỏ bọc bảo vệ, không bị vật nặng đè lên.
Cáp điện, dây dẫn phải được bố trí trên các giá đỡ hay trong rãnh cáp theo thứ tự quy định, được kẹp giữ chặt, không xếp chồng chéo lên nhau và có đầy đủ hệ thống nối đất. Hầm cáp, rãnh cáp các tấm nắp đậy, cửa hầm cáp phải đầy đủ chắc chắn, vệ sinh sạch sẽ, không được để nước đọng.
Điện trở cách điện giữa các pha với nhau, các pha với vò: đối với cáp điện áp ≥ 6 kV đo bằng Mê gôm mét 1000 V hoặc 2500 V, điện trở cách điện yêu cầu phải ≥ 50 MΩ với cáp PVC và ≥ 150 MΩ với cáp XLPE ; đối với cáp hạ thế 0,4 kV đo bằng Mê gôm mét 500 V, điện trở cách điện yêu cầu phải ≥ 10MΩ;
Nhiệt độ cho phép cáp làm việc lâu dài: 70 °C đối với cáp có cách điện bằng PVC và 90 °C đối với cáp có cách điện bằng XLPE hoặc EPR.
Cho phép cáp được làm việc quá tải không quá 2 h với mức quá tải 10% dòng phụ tải cho phép đối với cáp có điện áp làm việc U ≤ 3 kV; 15 % dòng phụ tải cho phép đối với cáp có điện áp làm việc 6 kV ≤ U ≤ 10 kV.
Trong điều kiện bình thường, cho phép cáp làm việc với điện áp tăng cao hơn đến 15% điện áp định mức.
Đối với sợi cáp có hiện tượng nóng nhiều, phải tăng cường theo dõi, kiểm tra và có biện pháp để giảm nhiệt độ của cáp xuống.
Trong lưới điện có điểm trung tính cách ly, cho phép cáp làm việc trong tình trạng một pha tiếp đất, nhưng phải xử lý những hư hỏng trong hệ thống trong thời gian ngắn nhất để giải trừ hiện tượng chạm đất.
Cáp và các chi tiết, bộ phận đi kèm phải định kỳ được xem xét, kiểm tra:
a) Cáp đặt trong rãnh cáp, đặt trong đường ống, hầm cáp hoặc các kết cấu tương tự ít nhất 1 tháng 1 lần;
b) Cáp trong giếng cáp: 6 tháng 1 lần;
c) Hộp đấu cáp đặt ngoài trời có U < 1000 V: 6 tháng 1 lần;
d) Hộp đấu cáp trong các trạm biến thế, trạm bơm được kiểm tra cùng với việc kiểm tra xem xét các thiết bị liên quan.
Những đường cáp có U > 1 kV, mỗi năm ít nhất 1 lần phải được thử bằng điện áp 1 chiều.
Những đường cáp làm việc trong điều kiện bị ăn mòn điện hóa, cáp có cách điện thấp, phải được kiểm tra, thử thường xuyên.
Các sợi cáp bị va đập làm hỏng vỏ cáp cần phải sửa chữa ngay hoặc phải thay mới.
Cần lưu trữ đầy đủ các tài liệu kỹ thuật, lý lịch hệ thống cáp, trong đó ghi nhận xét và kết luận sau mỗi kỳ kiểm tra.
Bố trí chiếu sáng trạm bơm bằng 2 hệ thống: chiếu sáng bảo vệ bên ngoài nhà trạm; chiếu sáng bên trong trạm bơm.
Trong kho chứa vật tư dễ cháy nổ phải sử dụng loại đèn có bảo vệ chống nổ.
Không được lấy điện chiếu sáng bằng cách móc, đấu tạm dây vào thanh cái hoặc nơi có điện khác.
5.14 Hệ thống chống sét và nối đất
Tất cả các bộ phận kim loại của máy móc, thiết bị đều phải được nối đất. Từng thiết bị phải nối với hệ thống nối đất bằng nhánh riêng.
Các mối hàn, mối nối, bề mặt tiếp xúc giữa điểm nối của hệ thống nối đất với vỏ máy, vỏ tủ điện, vỏ động cơ không được lỏng hoặc han rỉ. Điện trở giữa vỏ máy, vỏ tủ điện với các điểm nối của hệ thống nối đất ≈ 0 Ω.
Hàng năm phải đo ít nhất 1 lần điện trở nối đất của nhà máy, trạm biến áp. Điện trở nối đất nhỏ hơn hoặc bằng 4 Ω.
- Trạm bơm nhất thiết phải bố trí hệ thống, thiết bị thu lôi, chống sét lan truyền từ đường dây tải điện vào trạm bơm. Đối với nhà trạm bơm có chiều cao ≥ 6 m phải bố trí chống sét đánh trực tiếp vào trạm bơm. Hàng năm phải bảo trì hệ thống chống sét, hệ thống nối đất.
Hồ sơ kỹ thuật về hệ thống chống sét, nối đất gồm: Thiết kế hệ thống chống sét, hệ thống nối đất trạm bơm, bản vẽ hoàn công và các số liệu, kết quả đo đạc, thử nghiệm các thiết bị, hệ thống chống sét, nối đất, các đợt sửa chữa, xử lý hệ thống.
6 Quy định về bảo vệ và an toàn
6.1 Tại khu vực đầu mối trạm bơm, phải bố trí bản nội quy, trong đó quy định:
a) Trách nhiệm của từng cá nhân và chế độ bảo vệ trạm bơm trong quá trình bảo vệ, vận hành và sửa chữa trạm bơm;
b) Phạm vi bảo vệ trạm bơm nói chung và phạm vi cấm người không có phận sự, các phương tiện qua lại;
c) Các hoạt động phải cấp phép trong khu vực bảo vệ công trình theo quy định hiện hành;
d) Các quy định cụ thể về việc thực hiện phương án bảo vệ công trình đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
6.2 Khu vực trạm bơm, trạm biến thế nhất thiết phải có tường, hàng rào bảo vệ. Các cầu công tác trong nhà trạm, khu thả phai, đóng mở cửa van phải có lan can bảo vệ.
6.3 Tại trạm bơm phải có bảng quy định về an toàn lao động, vệ sinh cho con người và thiết bị khi trạm bơm vận hành, lúc không vận hành và khi bảo trì (an toàn điện, an toàn cơ, phòng chống cháy nổ, chống ồn, bụi, nóng và độc hại).
6.4 Trạm bơm phải có đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ đảm bảo an toàn lao động (tùy theo loại công việc) theo quy định.
6.5 Trạm bơm phải được trang bị tủ thuốc cấp cứu và một số dụng cụ, phương tiện cấp cứu sơ bộ. Nhân viên quản lý, vận hành, sửa chữa phải được huấn luyện cơ bản về việc cấp cứu ban đầu khi xảy ra tai nạn lao động liên quan đến việc vận hành, quản lý thiết bị cơ điện trạm bơm.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] TCVN 8417 : 2010 Công trình thủy lợi - Quy trình quản lý vận hành, duy tu và bảo dưỡng trạm bơm điện.
[2] TCVN 9146 : 2012 Công trình thủy lợi - Hướng dẫn định kỳ sửa chữa các thiết bị trạm bơm.
[3] TCVN 8638 : 2011 Công trình thủy lợi - Máy bơm nước - Yêu cầu kỹ thuật lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa máy bơm chìm.
[4] TCVN 8423:2010 Công trình thủy lợi - Trạm bơm tưới, tiêu nước - Yêu cầu thiết kế công trình thủy công.
[5] TCVN 9141:2012 Công trình thủy lợi - Trạm bơm tưới, tiêu nước - Yêu cầu thiết kế thiết bị động lực và cơ khí.
[6] TCVN 9141:2012 Công trình thủy lợi - Trạm bơm tưới, tiêu nước - Yêu cầu cung cấp điện và điều khiển.
[7] TCVN 8637:2011 Công trình thủy lợi - Máy bơm nước - Yêu cầu kĩ thuật lắp đặt và nghiệm thu.
[8] TCKT 04 : 2018/TCTL - Bảo trì công trình thủy lợi.
[9] QCVN 621 : 2015/BCT Hệ thống lưới điện.
[10] QCVN QTĐ 5 : 2009/BCT Kiểm định trang thiết bị hệ thống điện.
[11] TCVN 1987-1994 Động cơ điện không đồng bộ ba pha roto ngắn mạch có công suất từ 0,55 đến 90KW.
Mục lục
Lời nói đầu
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Thuật ngữ và định nghĩa
4 Quy định về vận hành
4.1 Quy định chung
4.2 Kiểm tra trước khi khởi động máy
4.3 Vận hành các thiết bị phụ trợ
4.4 Khởi động máy bơm
4.5 Vận hành công trình thủy công
4.6 Theo dõi vận hành
4.7 Dừng máy
5 Yêu cầu kỹ thuật đối với công trình và thiết bị cơ điện
5.1 Nhà máy bơm
5.2 Hệ thống tiêu nước trong nhà máy bơm
5.3 Hệ thống nước kỹ thuật
5.4 Công trình xả nước
5.5 Bể hút, kênh dẫn nước
5.6 Máy bơm chính
5.7 Máy bơm phụ trợ và các thiết bị khác
5.8 Động cơ điện
5.9 Các thiết bị điện có điện áp dưới 1000 V và mạch thứ cấp
5.10 Các thiết bị phân phối điện áp trên 1000 V
5.11 Đồng hồ đo lường điện
5.12 Hệ thống cáp điện
5.13 Hệ thống chiếu sáng
5.14 Hệ thống chống sét và nối đất
6 Quy định về bảo vệ và an toàn
Thư mục tài liệu tham khảo
File gốc của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8417:2022 về Công trình thủy lợi – Quy trình vận hành trạm bơm điện đang được cập nhật.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8417:2022 về Công trình thủy lợi – Quy trình vận hành trạm bơm điện
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Đã xác định |
Số hiệu | TCVN8417:2022 |
Loại văn bản | Tiêu chuẩn Việt Nam |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 2022-01-01 |
Ngày hiệu lực | |
Lĩnh vực | Xây dựng |
Tình trạng | Còn hiệu lực |