HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 286-CP | Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 1977 |
I. NHẬN ĐỊNH VỀ TÌNH HÌNH CÔNG TÁC THỦY LỢI PHỤC VỤ NÔNG NGHIỆP 2 NĂM 1976 - 1977
Từ sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng và thống nhất, chúng ta đã có nhiều thành tích phát triển thủy lợi để giải quyết nước cho sản xuất nông nghiệp, góp phần to lớn vào việc thâm canh, tăng vụ, mở rộng diện tích và xây dựng vùng kinh tế mới.
Các tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ, trung du, và Liên khu 4 cũ đã tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn chỉnh thủy nông và xây dựng mới thêm nhiều công trình để chống úng, chống hạn, bảo đảm có nước tưới cho 1,1 triệu ha, trong đó có 90 vạn ha chủ động về tưới và 70 vạn ha chủ động về tiêu. Các tỉnh ở Nam Bộ và Liên khu 5 cũ đã bỏ ra hàng chục triệu ngày công để tu sửa công trình bị hư hỏng, nạo vét và làm mới nhiều kênh rạch, cống, đập, trạm bơm, hồ chứa, đắp bờ ngăn mặn giữ ngọt lấy nước tưới cho gần 40 vạn ha. Phong trào làm thủy lợi đã và đang trở thành phong trào cách mạng sôi nổi ở hầu khắp các tỉnh; đang tạo nên một khí thế mới và mở ra nhiều triển vọng làm đồng bộ, dứt điểm nhiều công trình trong một thời gian ngắn.
Nhìn chung, phong trào làm thủy lợi phục vụ nông nghiệp đang có những bước phát triển mới, đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với sản xuất và đời sống. Tuy nhiên phong trào phát triển chưa đều, và so với yêu cầu của sản xuất nông nghiệp thì kết quả đạt được còn thấp, ước tính trong hai năm 1976 - 1977 mới chỉ thực hiện được trên dưới 20% tổng mức đầu tư của kế hoạch 5 năm, khối lượng còn lại phải làm trong 3 năm rất lớn; công tác quản lý kỹ thuật, quản lý kinh tế chưa được coi trọng đúng mức:
- Về mặt kỹ thuật, nhiều công trình xây dựng chưa theo đúng quy hoạch, chưa đồng bộ và ăn khớp với các quy hoạch sản xuất, giao thông, xây dựng nông thôn mới; một số công trình thiết kế và thi công không tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật, dẫn đến chỗ chất lượng kém, phải làm đi làm lại, hoặc ít phát huy tác dụng.
- Về mặt kinh tế, tình trạng huy động lao động ồ ạt còn khá phổ biến; việc quản lý vật tư, tiền vốn chưa chặt chẽ; nạn lãng phí, tham ô còn xảy ra ở nhiều nơi, có nơi, có lúc nghiêm trọng. Một số nơi mới chú trọng công trình đầu mối, chưa chú trọng kênh mương và công trình trên kênh; chưa bảo vệ tốt công trình đã xây dựng, công trình bị hư hỏng nhanh, không bảo đảm được yêu cầu tưới tiêu.
Nguyên nhân của các khuyết điểm và nhược điểm trên đây là do về khách quan, yêu cầu phát triển thủy lợi rất lớn, rất cấp bách, nhưng cơ sở vật chất kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu đó lại có hạn, tài liệu điều tra cơ bản nhất là ở các tỉnh miền Nam không đủ, làm cho công tác quy hoạch, khảo sát, thiết kế các công trình gặp nhiều khó khăn; vật tư, thiết bị khan hiếm cả về số lượng, chất lượng, quy cách và thời gian; Về chủ quan, ngành thủy lợi chưa vươn lên đủ sức làm tham mưu cho các cấp ủy Đảng và chính quyền về quản lý kỹ thuật và kinh tế; chưa kịp thời đề xuất các yêu cầu cụ thể với các ngành; chưa phân phối động viên và sử dụng tốt nhất đội ngũ cán bộ, chưa khai thác cao khả năng thiết bị, vật tư của toàn ngành.
Tại các cấp chính quyền địa phương, các ngành, yêu cầu tập trung chỉ đạo cho công tác thủy lợi có nơi chưa đều, chưa liên tục. Việc phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động và việc tổ chức quản lý lao động của chính quyền các cấp, nhất là cấp huyện và cơ sở chưa tốt, chưa phát động được phong trào quần chúng làm thủy lợi rộng khắp và bền bỉ. Một số chính sách, chế độ như chính sách đối với ruộng đất được sử dụng vào làm thủy lợi, chế độ đối với lao động làm thủy lợi, các định mức và đơn giá xây dựng ở các tỉnh miền Nam, v.v… chưa được ban hành kịp thời cũng ảnh hưởng đến tốc độ xây dựng thủy lợi. Việc kiểm tra, hướng dẫn, giúp đỡ cấp dưới và cơ sở chưa tốt, chưa giải quyết được kịp thời các khó khăn vướng mắc, và cũng chưa uốn nắn được các lệch lạc, thiếu sót cho cơ sở.
Những khuyết điểm và nhược điểm trên đây cần được khắc phục một cách kiên quyết và tích cực.
II. NHIỆM VỤ, MỤC TIÊU VÀ PHƯƠNG CHÂM CHỈ ĐẠO PHONG TRÀO THỦY LỢI 3 NĂM 1978 - 1980
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã chỉ rõ phải “tập trung cao độ lực lượng của cả nước, của các ngành, các cấp tạo ra một bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp”.
Là biện pháp kỹ thuật hàng đầu, và mũi nhọn quyết định thắng lợi của mặt trận sản xuất nông nghiệp, công tác thủy lợi trong những năm tới cần được phát triển mạnh mẽ.
Căn cứ vào kế hoạch 5 năm, nhiệm vụ và mục tiêu của phong trào thủy lợi 3 năm 1978 - 1980 là tận lực phát triển thủy lợi ở tất cả các vùng của đất nước, hết sức coi trọng các vùng chuyên canh, nhằm phục vụ tốt yêu cầu thâm canh, tăng vụ, mở rộng diện tích các loại cây trồng, trước hết là yêu cầu về nước để sản xuất 21 triệu tấn lương thực và yêu cầu về nước của một số cây công nghiệp, vùng rau trồng tập trung và cây xuất khẩu quan trọng; tích cực giải quyết yêu cầu về nước để đẩy mạnh khai hoang, phục hóa, bảo đảm nước sinh hoạt cần thiết cho nhân dân các vùng kinh tế mới; giải quyết nước uống, nước làm vệ sinh và giữ ẩm cho các cánh đồng có dùng vào việc chăn nuôi đại gia súc quy mô lớn.
Yêu cầu phát triển thủy lợi trong những năm tới rất lớn, rất cấp bách, lại phải thực hiện trong điều kiện nền kinh tế của ta còn có nhiều khó khăn; lương thực, vật tư, thiết bị, giao thông vận tải chưa đáp ứng được nhu cầu; khả năng nhập khẩu còn bị hạn chế; tài liệu điều tra cơ bản, đặc biệt là ở các tỉnh miền Nam rất thiếu; quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn miền Bắc đang trong quá trình củng cố và hoàn thiện, quan hệ sản xuất ở nông thôn miền Nam mới bắt đầu đi vào cải tạo.
Trong việc chỉ đạo phong trào làm thủy lợi cần nắm vững các phương châm và chủ trương lớn sau đây:
- Phát huy cao độ tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động, của chính quyền các cấp và của các đoàn thể quần chúng, ra sức tận dụng đến mức cao nhất tiềm lực sẵn có về các mặt, trước hết là tiềm lực rất to lớn về sức lao động của các địa phương. Trên cơ sở đó, phát động một cao trào toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến công mạnh mẽ và liên tục vào mặt trận thủy lợi trong suốt 3 năm. Nêu cao ý thức tự lực tự cường, chống khuynh hướng trông chờ vào nhập khẩu, ỷ lại vào Nhà nước và cấp trên.
- Kết hợp thủy lợi hóa và hợp tác hóa thông qua phong trào làm thủy lợi, sử dụng hợp lý và tiết kiệm ruộng đất, tiết kiệm nước và sức lao động mà chứng tỏ tính hơn hẳn của quan hệ sản xuất mới; thúc đẩy việc cải tạo và xác lập từng bước quan hệ sản xuất mới ở nông thôn đối với các tỉnh miền Nam và củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất mới ở nông thôn đối với các tỉnh miền Bắc, thúc đẩy việc tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện. Đồng thời, thông qua việc xây dựng và củng cố hoàn thiện quan hệ sản xuất mới ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất phát triển, đưa phong trào làm thủy lợi lên những bước cao hơn, sớm thực hiện thủy lợi hóa nông nghiệp, kết hợp chặt chẽ giữa thủy lợi hóa, cải tạo đất với cơ giới hóa và điện khí hóa một bước ở nông thôn.
- Gắn chặt thủy lợi với sản xuất, giao thông vận tải và xây dựng nông thôn mới trong quy hoạch tổng thể của từng vùng. Trong việc xây dựng quy hoạch cũng như trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch phải cân nhắc các yêu cầu một cách toàn diện: kết hợp chặt chẽ yêu cầu phát triển thủy lợi để phát triển sản xuất, với yêu cầu phát triển giao thông và yêu cầu phân bố lại dân cư, xây dựng nông thôn mới.
- Gắn chặt đất nước, khí hậu - thời tiết, cây trồng trong từng vùng, từng vụ và trên từng địa bàn cụ thể. Triệt để lợi dụng những điều kiện thuận lợi về thiên nhiên, tận dụng đất đai và khả năng nguồn nước hiện có mà bố trí cây trồng thích hợp nhằm đạt hiệu quả cao, không chờ đợi có công trình thủy lợi mới tổ chức sản xuất. Mặt khác phải gắn chặt kế hoạch phát triển thủy lợi với kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, trên từng địa bàn và từng vụ, từng bước giải quyết yêu cầu về nước cho cây trồng để thực hiện thâm canh và cải tạo đất.
- Giải quyết đúng đắn các mối quan hệ:
Nhà nước và nhân dân cùng làm, làm cho mọi người hiểu rõ xây dựng công trình thủy lợi là xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng nhất của nền nông nghiệp, cả Nhà nước và nhân dân phải cùng lo. Với tinh thần đó, động viên cao độ sức lao động trong nhân dân, trước hết là sức lao động trong nông dân để tự lực xây dựng các công trình ấy để phát triển sản xuất; đồng thời Nhà nước phải đầu tư cho thủy lợi, trước hết và chủ yếu là đầu tư về kỹ thuật và thiết bị, vật tư kỹ thuật.
Kết hợp các loại công trình lớn, vừa và nhỏ. Trong những năm trước mắt, cần khởi công và tích cực chuẩn bị để khởi công xây dựng các công trình thủy lợi lớn; đồng thời ra sức làm nhiều công trình vừa và nhỏ, có điều kiện đầu tư ít, xây dựng nhanh mau đưa vào phục vụ.
Kết hợp giữa giữ nước, dẫn nước và tháo nước trong một quy hoạch thống nhất; từng bước thực hiện yêu cầu thâm canh, cải tạo đất, không để công trình nọ làm trở ngại công trình kia, trước mắt trở ngại cho lâu dài, gây lãng phí và tốn kém.
Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng với quản lý: Xây dựng đến đâu phải tổ chức quản lý, khai thác đến đó; bảo đảm tưới tiêu cho cây trồng, tiết kiệm nước, tiết kiệm chi phí sản xuất.
- Quán triệt nguyên tắc xây dựng tập trung, đồng bộ, dứt điểm, sớm đưa công trình vào phục vụ sản xuất. Hết sức tránh phân tán, vừa gây căng thẳng về lao động, vật tư, tiền vốn.
- Tăng cường quản lý kỹ thuật, quản lý kinh tế, chống lãng phí tham ô. Nắm vững khoa học kỹ thuật thủy lợi và các tri thức khoa học có liên quan, nhanh chóng xác định quy hoạch cho từng dòng sông, từng vùng lớn, nhỏ, để làm cơ sở cho việc xây dựng công trình, tránh tình trạng xây dựng không theo một quy hoạch hợp lý, dẫn đến chỗ phải làm đi làm lại; nghiên cứu ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật trong việc thiết kế và thi công, bảo đảm các công trình thủy lợi được xây dựng nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Quản lý chặt chẽ lao động, vật tư, tiền vốn, ngăn chặn tình trạng tham ô tài sản của Nhà nước và giảm đến mức thấp nhất tình trạng lãng phí sức người, sức của của nhân dân.
III. TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Nhiệm vụ khai thác thủy lợi phục vụ nông nghiệp trong 3 năm 1978 - 1980 rất to lớn và nặng nề, nhiệm vụ ấy chủ yếu lại phải thực hiện trong ba mùa khô tới, trong tình hình chúng ta đang còn nhiều khó khăn. Do đó, chỉ riêng ngành thủy lợi không thể làm được, mà phải có sự chỉ đạo rất tập trung của Hội đồng Chính phủ và của Ủy ban nhân dân các cấp; phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả nước, của các ngành, các địa phương, kể cả quân đội; huy động mọi lực lượng có thể huy động để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và bảo đảm các nhu cầu không thể thiếu về lao động, vật tư, thiết bị, tiền vốn để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ này. Cụ thể là:
1. Phải ưu tiên cung cấp vật tư, thiết bị đầy đủ và kịp thời đến tận các công trình thủy lợi. Các ngành có liên quan phải có kế hoạch và biện pháp, có sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, ăn khớp để sản xuất, vận chuyển kịp thời vật tư, thiết bị đến công trường. Đối với tiền vốn và các vật tư, thiết bị trong nước, trong địa phương sản xuất phải đáp ứng đầy đủ và kịp thời. Đối với vật tư, thiết bị ngoài nước phải dành ưu tiên khả năng nhập khẩu; nếu không đáp ứng được, phải mạnh dạn nghiên cứu tổ chức sản xuất, hoặc nghiên cứu sử dụng các vật tư, vật liệu thay thế để đưa vào sử dụng. Đi đôi với việc bảo đảm cung ứng, phải rất coi trọng tiết kiệm vật tư, thiết bị, quản lý chặt chẽ việc sử dụng.
2. Động viên cao độ mọi lực lượng lao động có thể động viên để xây dựng nhanh, đồng bộ, dứt điểm các công trình thủy lợi, sớm đưa công trình vào phục vụ sản xuất. Phải bảo đảm cho mọi người lao động có đủ công cụ, được tổ chức chặt chẽ, có kỹ thuật và kỷ luật nghiêm minh, để có năng suất cao, chất lượng tốt. Phải sớm ban hành và bổ sung các chính sách, chế độ đối với lực lượng lao động làm thủy lợi, nhằm động viên được các tầng lớp nhân dân đi làm thủy lợi, bảo đảm huy động lao động công bằng hợp lý để thúc đẩy phong trào phát triển được liên tục. Đi đôi với việc huy động đông đảo nhân dân, phải chuyên môn hóa lực lượng làm thủy lợi, ra sức củng cố và phát triển các đội xây dựng thủy lợi và quản lý thủy nông ở các tỉnh miền Bắc; xây dựng và phát triển các đội chuyên làm thủy lợi ở các ấp, xã thuộc các tỉnh miền Nam; phát triển nhanh các đội làm công trình thủy lợi ở huyện, các công ty xây dựng thủy lợi ở tỉnh, nhất là ở miền Nam.
Bộ Thủy lợi là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm quản lý công tác thủy lợi theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở kế hoạch Nhà nước được duyệt, Bộ phải tập trung lực lượng làm nhanh và tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là về mặt kỹ thuật để triển khai nhanh và bảo đảm hiệu quả của các công trình; phải tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn giúp đỡ các lực lượng của Bộ và các địa phương hoàn thành nhiệm vụ, và uốn nắn kịp thời các thiếu sót, lệch lạc. Trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước phân bổ cho ngành thủy lợi, Bộ Thủy lợi được phép điều chỉnh vốn, vật tư, thiết bị; khi cần thiết được điều chỉnh cán bộ kỹ thuật từ bậc đại học trở lên trong phạm vi toàn ngành. Bộ phải có kế hoạch và biện pháp động viên toàn ngành hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phải kết hợp chặt chẽ kế hoạch ngành và kế hoạch địa phương, cân đối lại khả năng và yêu cầu về vật tư, thiết bị, lao động (bao gồm cả cán bộ và công nhân kỹ thuật), tiền vốn và vận tải của mỗi ngành, mỗi cấp, kể cả quân đội, với tinh thần dành ưu tiên cung cấp kịp thời cho yêu cầu xây dựng các công trình thủy lợi.
Tổng cục Địa chất có trách nhiệm tham gia khảo sát địa chất, địa chất công trình phục vụ các công trình thủy lợi. Tìm kiếm thăm dò thêm nguồn nước ngầm để bổ sung cho nguồn nước mặt.
Cục Đo đạc và bản đồ Nhà nước, Bộ Quốc phòng phải dành lực lượng tham gia khảo sát các công trình thủy lợi.
Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp huy động học sinh, sinh viên các trường phổ thông, trường đại học và trung học thủy lợi, bách khoa, giao thông, xây dựng tham gia các công tác quy hoạch, khảo sát, thiết kế các công trình thủy lợi.
Tổng cục Khí tượng - Thủy văn cần khẩn trương tập trung sức lập các trạm khảo sát các yếu tố khí tượng, thủy văn và chỉnh biên tài liệu thủy văn, đặc biệt là ở các tỉnh miền Nam, và trước hết là ở đồng bằng sông Cửu Long để cung cấp cho ngành thủy lợi làm tài liệu xây dựng quy hoạch, thiết kế và quản lý công trình.
Bộ Nông nghiệp kết hợp chặt chẽ với Bộ Thủy lợi trong việc bố trí quy hoạch và kế hoạch sản xuất nông nghiệp, căn cứ vào khả năng nguồn nước được tăng thêm trong từng năm, từng vụ, và các yếu tố sản xuất khác mà bố trí cây trồng trên từng địa bàn cụ thể; huy động một phần lực lượng tham gia khảo sát và thi công công trình thủy lợi; nắm chắc tình hình thi công các hồ chứa, tổ chức thu dọn lòng hồ, nhanh chóng đi vào kinh doanh các hồ chứa một cách có hiệu quả.
Bộ Xây dựng với chức năng quản lý ngành cần quy hoạch, phân cấp, tổ chức sản xuất và cung cấp đầy đủ, kịp thời xi-măng, cát, đá, sỏi cho các công trình thủy lợi theo sự phân bố của kế hoạch Nhà nước; huy động một phần lực lượng thi công xây dựng một số công trình thủy lợi; chủ trì phối hợp với các ngành nghiên cứu bổ sung và ban hành các định mức, đơn giá xây dựng cơ bản thủy lợi, tạo điều kiện để thúc đẩy việc quản lý đi vào nề nếp.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Thủy lợi trong việc làm quy hoạch giao thông đường thủy, giao thông nông thôn, tổ chức nạo vét các kênh rạch vừa có yêu cầu giao thông, vừa có yêu cầu thủy lợi; tham gia thi công một số công trình thủy lợi theo kế hoạch Nhà nước; tập trung phương tiện, bảo đảm vận chuyển kịp thời vật tư, thiết bị đến các công trình thủy lợi trọng điểm và các vùng trọng điểm như Nghị quyết số 19-CP ngày 29-1-1976 của Hội đồng Chính phủ.
Bộ Cơ khí và luyện kim huy động lực lượng toàn ngành cơ khí tổ chức sản xuất, bảo đảm cung cấp đủ máy bơm, tàu hút bùn; các thiết bị cơ, điện dùng vào việc thi công các công trình thủy lợi, các công cụ lao động cải tiến và công cụ lao động thường đáp ứng yêu cầu công tác thủy lợi. Phải chú trọng sản xuất phụ tùng thay thế đối với các thiết bị sản xuất trong nước; đồng thời nghiên cứu sản xuất các phụ tùng thay thế để sửa chữa các thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài.
Bộ Điện và than, với chức năng quản lý toàn ngành chịu trách nhiệm bố trí mạng lưới điện, thi công hoặc phân cho các tỉnh thi công mạng lưới điện đến tận các trạm bơm điện; ưu tiên cung cấp đủ công suất, bảo đảm điện thế cho các trạm bơm hoạt động; nhận thầu thi công phần điện hạ thế cho các công trình thủy lợi. Phải điều động các cụm điện diésel chưa sử dụng ở các nơi để bổ sung cho các vùng chưa có khả năng đưa điện lưới tới.
Bộ Quốc phòng phải huy động lực lượng bộ đội, phương tiện và thiết bị để thi công các công trình thủy lợi trong các vùng chuyên canh của quân đội, và các công trình do ngành thủy lợi giao thầu; chuyên môn hóa lực lượng quân đội làm thủy lợi.
Bộ Lâm nghiệp cùng Bộ Thủy lợi nghiên cứu quy hoạch bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước, tổ chức trồng rừng đầu nguồn, khai thác gỗ cung cấp cho nhu cầu thủy lợi.
Bộ Vật tư tổ chức sản xuất và nhập khẩu, ưu tiên cung cấp đầy đủ, kịp thời, đúng quy cách các vật tư, vật liệu, thiết bị và phụ tùng xe máy cho ngành thủy lợi.
Bộ Lao động nghiên cứu gấp chính sách lao động và hướng dẫn việc tổ chức, huy động lực lượng lao động làm thủy lợi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; đồng thời tăng cường kiểm tra việc thực hiện chính sách, chế độ đối với người lao động làm thủy lợi.
Bộ Tài chính nghiên cứu cải tiến chế độ cấp phát vốn xây dựng cơ bản thủy lợi thích hợp, nhất là đối với các tỉnh miền Nam, bảo đảm cấp vốn không bị chậm trễ; đồng thời tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn, nâng cao hiệu quả của đồng vốn bỏ ra. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế toán tài vụ, bổ sung số cán bộ cần thiết cho các công trình thủy lợi lớn và các Ty, Sở thủy lợi, giúp ngành thủy lợi đẩy nhanh tốc độ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ này.
Bộ Ngoại thương phải đảm bảo nhập khẩu đủ, đúng và kịp thời các thiết bị vật tư và phụ tùng thay thế theo chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước.
Các ngành lương thực, nội thương, y tế…, cần có kế hoạch bảo đảm nhu cầu về đời sống và sức khỏe cho công nhân, dân công ở các công trường thủy lợi. Riêng ngành nội thương phải tổ chức kinh doanh, bảo đảm cung cấp đầy đủ các công cụ lao động phổ thông, công cụ cải tiến với chất lượng tốt cho các công trường thủy lợi.
Các cơ quan tuyên truyền, báo chí cần nắm vững mục tiêu, yêu cầu và các chủ trương lớn của phong trào thủy lợi, tuyên truyền động viên các ngành, các cấp thực hiện nhiệm vụ của phong trào; biểu dương kịp thời người tốt, việc tốt và phê phán sâu sắc việc làm sai trái, nhất là những việc gây lãng phí lao động, lãng phí tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Các đoàn thể quần chúng, nhất là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cần có kế hoạch vận động đoàn viên tham gia phong trào này.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Thủy lợi sẽ cùng với các ngành bàn bạc và phân công cụ thể những việc cần làm, khối lượng và thời gian hoàn thành những việc ấy.
4. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp đối với công tác thủy lợi. Ở mỗi địa phương, mỗi cấp ủy Đảng và chính quyền phải xác định và làm chủ quy hoạch thủy lợi của địa phương mình, gắn chặt quy hoạch thủy lợi với quy hoạch sản xuất, quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn chặt thủy lợi hóa với hợp tác hóa, cơ giới hóa, và tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện. Phải chỉ đạo chặt chẽ việc lập và tổ chức thực hiện kế hoạch thủy lợi 3 năm và các kế hoạch hàng năm, trước mắt là kế hoạch 1978, trên tinh thần huy động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiên công mạnh mẽ vào mặt trận thủy lợi. Phải chú trọng tăng cường và củng cố tổ chức của ngành thủy lợi bao gồm cả cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị sản xuất nhất là ở các tỉnh miền Nam, đồng thời có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhanh đội ngũ cán bộ này để bổ sung kịp thời cho các Ty, phòng thủy lợi. Phải tổ chức tốt phong trào đồng khởi thi đua làm thủy lợi, biểu dương và khen thưởng kịp thời những ngành, những đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thủy lợi.
Thường vụ Hội đồng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo phong trào 3 năm làm thủy lợi phục vụ nông nghiệp và sẽ phân công một đồng chí Phó Thủ tướng giải quyết các vấn đề do phong trào đặt ra. Ba tháng một lần, Thường vụ sẽ nghe Bộ Thủy lợi báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này cần được phổ biến nguyên văn trong các cấp, các ngành từ trung ương xuống đến xã, và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.
| TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
File gốc của Nghị quyết số 286-CP về việc phát động phong trào quần chúng tiến công mạnh mẽ và liên tục vào mặt trận thủy lợi nhằm phục vụ thắng lợi các mục tiêu của sản xuất nông nghiệp 5 năm 1976-1980 do Hội đồng Chính phủ ban hành đang được cập nhật.
Nghị quyết số 286-CP về việc phát động phong trào quần chúng tiến công mạnh mẽ và liên tục vào mặt trận thủy lợi nhằm phục vụ thắng lợi các mục tiêu của sản xuất nông nghiệp 5 năm 1976-1980 do Hội đồng Chính phủ ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Hội đồng Chính phủ |
Số hiệu | 286-CP |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Người ký | Phạm Hùng |
Ngày ban hành | 1977-10-28 |
Ngày hiệu lực | 1977-11-12 |
Lĩnh vực | Xây dựng |
Tình trạng |