ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 84/KH-UBND | Lào Cai, ngày 01 tháng 3 năm 2021 |
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC ĐÔ THỊ VÀ GIAO THÔNG TRỌNG ĐIỂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI, GIAI ĐOẠN 2020 - 2025”
Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 16/10/2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025;
Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 11/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về 18 đề án trọng tâm giai đoạn 2020 - 2025;
Căn cứ Đề án số 04-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về Phát triển, nâng cao chất lượng các đô thị và giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025;
Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển, nâng cao chất lượng các đô thị và giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025”; cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Mục đích
- Nhằm từng bước xây dựng và nâng cao chất lượng các đô thị, hình thành nên mạng lưới các đô thị tương đối hoàn chỉnh trên địa bàn tỉnh. Tập trung phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh, bền vững, đô thị có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa tăng bình quân từ 2,0%/năm trở lên.
- Xây dựng từng đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại và khả năng kết nối tốt; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có vị thế xứng đáng, tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội.
- Bảo đảm việc quy hoạch và phát triển đô thị hỗ trợ tích cực cho việc phân bố lực lượng sản xuất giữa các vùng trong tỉnh.
- Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng điểm, đáp ứng khả năng kết nối tốt giữa các đô thị, giữa đô thị với trung tâm các xã xung quanh; đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh; đảm nhận vai trò là cầu nối của cả nước với vùng Tây Nam của Trung Quốc.
2. Yêu cầu
- Việc triển khai thực hiện Đề án phải đảm bảo đúng với quan điểm, mục tiêu, định hướng đã nêu tại Đề án số 04-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai.
- Tập trung triển khai các nhiệm vụ được phân công ngay từ đầu giai đoạn (đầu năm 2021) với giải pháp phù hợp, hiệu quả; có phương án huy động, phân bổ nguồn lực để thực hiện từng nhiệm vụ.
- Các Sở, ngành, cơ quan, các huyện, thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai có trách nhiệm phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với cơ quan được phân công chủ trì để tổ chức triển khai hiệu quả các giải pháp, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra.
II. MỤC TIÊU
1. Về phát triển, quản lý đô thị
(1) Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 36%, (2) Dân số toàn đô thị trên 350.000 người; mục tiêu đến cuối năm 2025 đối với từng địa phương:
TT | Địa phương | Tỷ lệ đô thị hóa (%) | Quy mô dân số đô thị (người) | Ghi chú |
1 | Thành phố Lào Cai | 79,60 | 136.824 | quy mô dân số đô thị bao gồm cả dân số quy đổi ước tính |
2 | Bát Xát | 16,04 | 17.221 | |
3 | Mường Khương | 17,37 | 14.424 | |
4 | Si Ma Cai | 17,42 | 8.324 | |
5 | Bắc Hà | 13,73 | 11.539 | |
6 | Bảo Thắng | 25,09 | 34.754 | |
7 | Bảo Yên | 29,41 | 31.155 | |
8 | Sa Pa | 72,99 | 64.965 | |
9 | Văn Bàn | 27,55 | 30.807 | |
| Tổng số: |
| 350.012 |
|
(3) Định hướng phát triển đô thị:
TT | Đô thị | Loại ĐT | Ghi chú | |
2020 | 2025 | |||
1 | Thành phố Lào Cai | II | I | Xây dựng đô thị theo hướng xanh, thông minh, bền vững |
2 | Thị xã Sa Pa | IV | IV | Xây dựng đô thị theo hướng xanh, thông minh, bền vững |
3 | Thị trấn Phố Lu | V | IV | Mở rộng theo QHC |
4 | Thị trấn Bắc Hà | V | IV | Mở rộng theo QHC; Xây dựng đô thị theo hướng |
5 | Thị trấn Bát Xát | V | V | Tiếp tục XD theo QHC |
6 | Thị trấn Mường Khương | V | V | Mở rộng theo QHC |
7 | Thị trấn Khánh Yên | V | V | Mở rộng theo QHC |
8 | Thị trấn Phố Ràng | V | V | Mở rộng theo QHC |
9 | Thị trấn Si Ma Cai | V | V | Tiếp tục XD theo QHC |
10 | Thị trấn Tằng Loỏng | V | V | Tiếp tục XD theo QHC |
11 | Đô thị Bảo Hà | Chưa công nhận | V | Thành lập thị trấn |
12 | Đô thị Y Tý - Phìn Hồ | Chưa công nhận | V | Xây dựng theo quy hoạch chung |
13 | Đô thị Võ Lao | Chưa công nhận | V | Xây dựng theo Quy hoạch chung |
14 | Đô thị Bảo Nhai | Chưa công nhận | V | Lập, phê duyệt QHC và xây dựng theo QHC |
2. Về chất lượng đô thị
(1) Tỷ lệ phục vụ vận tải hành khách công cộng tại thành phố Lào Cai ≥25%; Sa Pa ≥18%; các huyện khác từ 2-5%.
(2) Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt của đô thị, khu công nghiệp được thu gom và xử lý đạt ≥ 95%.
(3) Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật tại thành phố Lào Cai ≥ 50%; Sa Pa ≥30%; Bắc Hà, Phố Lu ≥15%.
(4) Đất cây xanh đô thị tại thành phố Lào Cai, Sa Pa đạt trên 10 m2/người; các đô thị khác đạt từ 5 - 7 m2/người.
(5) Tỷ lệ tuyến phố Văn minh đô thị trên tổng số tuyến phố tại thành phố Lào Cai ≥ 60%; Sa Pa ≥50%; các đô thị khác từ ≥30%.
(6) Số không gian công cộng được đầu tư mới tại thành phố Lào Cai ≥ 20; tại Sa Pa ≥10 và các đô thị khác là ≥ 5/đô thị.
3. Về giao thông trọng điểm
(1) Xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai với quy mô 04 làn xe.
(2) Nâng cấp, sửa chữa ≥ 50% số km Quốc lộ.
(3) Nâng cấp, sửa chữa ≥ 60% số km Đường tỉnh.
(4) Nâng cấp đường đến 100% số xã, khoảng 300km đường đến Trung tâm các thôn bản có tiềm năng phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, làng nghề truyền thống và các sản phẩm hàng hóa...
(5) Xây dựng hoàn thành Cảng hàng không Sa Pa và các cầu lớn qua sông Hồng: Cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bản Vược-Bát Xát, cầu Làng Giàng, cầu Phú Thịnh.
(6) Xây dựng hoàn thành các tuyến đường: Cải tạo, nâng cấp tuyến đường Sa Pả - Hầu Thào, đường Trịnh Tường - Phìn Hồ - Y Tý; Xây dựng tuyến đường kết nối từ cầu Làng Giàng đến Quốc lộ 70, đường kết nối từ Võ Lao (huyện Văn Bàn) đến nút giao Cảng hàng không Sa Pa, đường kết nối từ đường tránh Quốc lộ 4D đến Trung tâm thị xã Sa Pa; Dự án kết nối Tỉnh lộ 152 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (nút giao Phố Lu).
(7) Khai thác hiệu quả tuyến vận tải đường sông trên sông Hồng, trong đó trọng điểm là khai thác vận tải hành khách du lịch từ thành phố Lào Cai đến Bảo Hà.
(8) Hoàn thành quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hoàn thành phương án kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (tỉnh Lào Cai, Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).
(chi tiết phân kỳ theo phụ lục 1 kèm theo)
III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Về quy hoạch
1.1. Quy hoạch chung
- Quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Sa Pa;
- Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bảo Hà.
- Điều chỉnh mở rộng quy hoạch chung thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên và thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn.
- Mở rộng và điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.
- Quy hoạch chung thị trấn Phong Hải.
- Quy hoạch chung dọc tuyến sông Hồng, đoạn kết nối đô thị thành phố Lào Cai và đô thị Phố Lu; đoạn kết nối đô thị Phố Lu và đô thị Bảo Hà; đoạn phía Đông Nam đô thị Bảo Hà.
- Quy hoạch chung khu vực xã Bản Lầu, huyện Mường Khương.
- Quy hoạch chung khu vực xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà.
1.2. Quy hoạch chi tiết
- Trên cơ sở các quy hoạch chung, thực hiện quy hoạch chi tiết các đô thị, đặc biệt quan tâm việc quy hoạch chi tiết xây dựng dọc tuyến sông Hồng; quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị cho các phường thuộc thị xã Sa Pa và các khu vực dự kiến thành lập phường tại thành phố Lào Cai như: Vạn Hòa, Cốc San, Cam Đường; quy hoạch chi tiết các khu vực: đô thị Y Tý - Phìn Hồ, huyện Bát Xát; đô thị Phố Lu mở rộng; đô thị Võ Lao; thị trấn Khánh Yên; thị trấn Phố Ràng; đô thị Bảo Hà, Bảo Nhai - Bắc Hà.
- Quy hoạch chi tiết tại thị trấn Phố Lu và thị trấn Phong Hải.
- Thường xuyên rà soát tổng thể về quy hoạch nhằm đảm bảo tính đồng bộ, tính gắn kết nhiều với quy hoạch vùng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư của tỉnh; mặt khác, làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế.
2. Về phát triển đô thị
2.1. Thành phố Lào Cai
- Nâng loại đô thị thành phố Lào Cai từ loại II lên loại I. Trong đó tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đảm bảo theo quy định của đô thị loại I theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên toàn bộ ranh giới thành phố được mở rộng với diện tích 28.213 ha. Tập trung đầu tư các khu vực sẽ nâng cấp từ xã lên phường gồm: Cốc San, Vạn Hòa và Cam Đường.
- Thành lập các phường: Vạn Hòa, Cốc San, Cam Đường; đồng thời triển khai đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo các tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đối với khu vực thành lập phường.
- Tập trung phát triển đô thị dọc hai bên sông Hồng, đoạn từ cầu Phố Mới đến suối Ngòi Bo.
- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án đô thị và nhà ở thương mại, trung tâm thương mại, khách sạn nhà hàng đã chấp thuận đầu tư; tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án về vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch như: trung tâm thương mại, khách sạn nhà hàng, sân golf; các dự án về giáo dục quốc tế...;
2.2. Thị xã Sa Pa
- Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng cho vùng lõi của Sa Pa với diện tích 5.525ha đang là đô thị loại IV sẽ cơ bản đạt tiêu chuẩn đô thị loại III. Quy hoạch và đầu tư hạ tầng hướng tới công nhận khu vực Thanh Phú (Mường Bo) là đô thị loại V phục vụ phát triển du lịch.
- Hoàn thiện đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo hoạt động của 6 phường mới; hoàn thiện các tiêu chuẩn còn thiếu của đô thị loại IV đồng thời nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn để đạt tiêu chí của đô thị loại III.
- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án đô thị và nhà ở thương mại, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng đã chấp thuận đầu tư, tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án về vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch như: công viên văn hóa, trung tâm thương mại, khách sạn nhà hàng, sân golf...
- Lập kế hoạch cải tạo, chỉnh trang khu vực đô thị hiện hữu.
2.3. Huyện Bảo Thắng
- Nâng loại đô thị Phố Lu theo quy hoạch mở rộng (quy mô đảm bảo tỷ lệ đô thị hóa) từ loại V lên loại IV vào năm 2025 để tiến tới thành lập thị xã Bảo Thắng trong giai đoạn đến 2030.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng đối với thị trấn Phong Hải cho phù hợp với quy mô, tiêu chuẩn của thị trấn và đô thị loại V.
- Xây dựng trụ sở hành chính mới của huyện.
- Lập kế hoạch cải tạo, chỉnh trang khu vực đô thị hiện hữu.
2.4. Huyện Bát Xát
- Nâng cao chất lượng đô thị loại V đối với thị trấn Bát Xát với diện tích 1.525ha (theo quy hoạch chung được phê duyệt). Hoàn thiện quy hoạch và tập trung đầu tư đô thị Y Tý với diện tích 3.110ha theo mô hình đô thị du lịch, đảm bảo tiêu chí đô thị loại V để thành lập thị trấn Y Tý.
- Phát triển Y Tý thành đô thị du lịch, tạo hành lang tuyến du lịch Sa Pa - Y Tý (Bát Xát) - thành phố Lào Cai.
2.5. Huyện Bắc Hà
- Nâng loại đô thị Bắc Hà từ đô thị loại V lên đô thị loại IV với diện tích 1.500ha để tiến tới thành lập thị xã Bắc Hà trong giai đoạn đến 2030.
- Tập trung lập quy hoạch và đầu tư khu vực Bảo Nhai, đến năm 2025 đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.
- Lập kế hoạch cải tạo, chỉnh trang khu vực đô thị hiện hữu.
2.6. Huyện Bảo Yên
- Nâng cao chất lượng đô thị Phố Ràng với diện tích 1.439ha theo tiêu chí đô thị loại V và định hướng lên đô thị loại IV trong giai đoạn đến 2030; Tập trung đầu tư khu vực Bảo Hà đạt tiêu chí đô thị loại V để tiến tới thành lập thị trấn Bảo Hà, hướng đến phát triển thành khu du lịch tâm linh trọng điểm khu vực phía Nam của tỉnh.
- Lập kế hoạch cải tạo, chỉnh trang khu vực đô thị hiện hữu.
2.7. Huyện Văn Bàn
- Nâng cao chất lượng đô thị loại V đối với đô thị Khánh Yên theo quy hoạch mở rộng với diện tích 1.500ha, hướng đến đô thị loại IV trong giai đoạn đến 2030.
- Tập trung đầu tư khu vực xã Võ Lao đạt tiêu chuẩn đô thị loại V hướng đến thành lập thị trấn Võ Lao trong giai đoạn đến 2030.
- Quan tâm đầu tư xây dựng khu vực xã Tân An, hướng tới hình thành cụm đô thị Bảo Hà - Tân An trong tương lai.
- Lập kế hoạch cải tạo, chỉnh trang khu vực đô thị hiện hữu.
2.8. Huyện Mường Khương
- Nâng cao chất lượng vùng lõi đô thị Mường Khương theo quy hoạch chung mở rộng với diện tích 950ha.
- Tập trung đầu tư khu vực xã Bản Lầu đạt tiêu chuẩn đô thị loại V, hướng đến thành lập thị trấn Bản Lầu trong giai đoạn đến 2030.
2.9. Huyện Si Ma Cai
- Nâng cao chất lượng đô thị loại V đối với Si Ma Cai theo quy hoạch mở rộng với diện tích 1.501 ha.
- Lập kế hoạch cải tạo, chỉnh trang khu vực đô thị hiện hữu.
3. Về chất lượng đô thị
Để đảm bảo các tiêu chí phân loại đô thị, cần triển khai lập, phê duyệt, điều chỉnh chương trình phát triển đô thị, báo cáo đề xuất các khu vực phát triển đô thị; tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các đô thị, với các công trình chính như sau:
3.1. Hạ tầng Giao thông - Vận tải
- Phát triển mạng lưới xe buýt thành phố Lào Cai, từ thành phố Lào Cai đi trung tâm các huyện, các khu công nghiệp có mật độ giao thông cao.
- Đầu tư một số bãi đỗ xe tĩnh hiện đại tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, thị trấn Bắc Hà, thị trấn Phố Lu, đô thị Bảo Hà. Đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống bến xe khách tại trung tâm các huyện đạt tối thiểu loại V trở lên.
- Đầu tư hoàn thiện các tuyến đường trong các khu đô thị, khu dân cư và các dự án đầu tư hạ tầng giao thông vận tải khác.
3.2. Hạ tầng cấp nước
- Xây dựng hoàn thành hệ thống cấp nước Sa Pa với công suất 15.000m3/ng.đêm.
- Xây dựng Nhà máy nước Ngòi Đường công suất 14.000m3/ng.đêm phục vụ di chuyển nhà máy nước phường Lào Cai.
- Xây dựng hệ thống cấp nước khu vực Cảng hàng không Sa Pa công suất 2.000m3/ng.đêm.
- Nâng công suất hệ thống cấp nước cho thành phố Lào Cai và các đô thị, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất (trong đó từng bước thay thế nguồn nước thô lấy từ nguồn nước mặt sông Hồng).
3.3. Xử lý chất thải, nước thải
- Xây dựng hoàn thành hai nhà máy xử lý nước thải tại Sa Pa; xây dựng bổ sung các nhà máy xử lý nước thải tại thành phố Lào Cai, Bảo Thắng và các đô thị khác đảm bảo tỷ lệ xử lý nước thải đô thị.
- Xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế tập trung: nghiên cứu đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn y tế tại khu vực bãi rác Đồng Tuyển trên cơ sở để tận dụng lại toàn bộ hệ thống lò hấp tiệt trùng, lò đốt rác thải y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện nay và đầu tư thêm trang thiết bị cần thiết để thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế đảm vệ sinh môi trường với tổng mức đầu tư khoảng 6,0 tỷ đồng.
- Lập dự án tổng thể và tổ chức xây dựng hệ thống thu gom nước thải, chất thải rắn tại các đô thị.
3.4. Hạ tầng kỹ thuật khác
- Triển khai hạ tầng đô thị theo hướng thông minh với 6 lĩnh vực ưu tiên: (1) Tích hợp quản lý đồng bộ xây dựng, đô thị, giao thông, quản lý đất đai; (2) Du lịch; (3) Y tế; (4) Giáo dục; (5) Tài nguyên, môi trường; (6) Nông nghiệp, phòng chống thiên tai.
- Đầu tư hoàn thành kè hai bên sông Hồng từ cầu Phố Mới đến Ngòi Đường, đồng thời phát triển các tiêu đô thị dọc theo tuyến kè hai bờ sông Hồng.
- Rà soát xây dựng và nâng cấp, bổ sung các khu công viên vui chơi giải trí, thể thao trong các khu dân cư; xây dựng mới các không gian công cộng.
- Hoàn thành cải tạo nâng cấp Công viên Nhạc Sơn.
- Xây dựng mới Công viên trung tâm tại phường Bình Minh.
- Cải tạo nâng cấp hệ thống cấp điện, chiếu sáng trên địa bàn các đô thị gắn với từng bước ngầm hóa hạ tầng kỹ thuật (tập trung cho thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và Bắc Hà).
- Nâng cấp hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin theo hướng đô thị thông minh; thực hiện ngầm hóa và thuê dùng chung hạ tầng.
- Cải tạo, mở rộng và xây dựng mới một số nghĩa trang đô thị; hoàn thành đầu tư xây dựng nhà tang lễ thành phố Lào Cai.
- Cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật khác nhằm đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Nghị quyết số 1210/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
4. Các công trình giao thông trọng điểm
4.1. Về hàng không
Xây dựng hoàn thành dự án Cảng hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn là cấp 4C, công suất 1,5 triệu hành khách/năm.
4.2. Về đường sắt
- Hoàn thiện lập quy hoạch, kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng;
- Triển khai xây dựng giai đoạn 2 dự án nâng cấp cải tạo tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai;
- Hoàn thiện kết nối đường sắt khổ lồng giữa ga Lào Cai (tỉnh Lào Cai, Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).
4.3. Về đường thủy
- Lập quy hoạch tuyến đường thủy nội địa từ Yên Bái đến ngã ba Nậm Thi (thành phố Lào Cai) để phát triển du lịch và vận tải hàng hóa;
- Nghiên cứu xây dựng các bên cảng hàng hóa và phục vụ du lịch.
4.4. Về đường hộ
4.4.1. Đường cao tốc
Xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai với quy mô 04 làn xe, chiều dài khoảng 80km, kinh phí khoảng 1.350 tỷ đồng từ nguồn vốn qua Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.
4.4.2. Quốc lộ
- Quốc lộ 4D
+ Đoạn từ đỉnh đèo Trạm Tôn đến Km110 (điểm cuối đường tránh Sa Pa): Cải tạo nâng cấp với quy mô đường cấp III, chiều dài khoảng 21km, tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng từ nguồn vốn qua Bộ GTVT.
+ Đoạn từ Km110 đến nút giao IC19: Sửa chữa mặt đường bê tông nhựa chiều dài 26km, kinh phí khoảng 100 tỷ đồng từ nguồn vốn qua Tổng cục ĐBVN.
+ Đoạn từ nút giao IC19 đến Kim Tân: Nâng cấp quy mô 4 làn xe, chiều dài 1,5km, kinh phí 55 tỷ đồng từ nguồn vốn qua Tổng cục ĐBVN và ngân sách tỉnh.
+ Đoạn Bản Phiệt - cửa khẩu Sín Tẻn: Cải tạo nâng cấp quy mô đường cấp IV, chiều dài khoảng 50km, kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn qua Bộ GTVT.
- Quốc lộ 279
+ Hoàn thành dự án đường giao thông kết nối các tỉnh phía Bắc (Quốc lộ 279 nối từ nút giao IC16 cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Lai Châu), chiều dài khoảng 64km, quy mô đường cấp III, kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ADB qua Bộ GTVT.
+ Đoạn từ nút giao IC16 đi Bảo Hà - Phố Ràng - Nghĩa Đô - Hà Giang: Cải tạo nâng cấp 8km từ Km80 - Km88 đạt cấp IV, kinh phí 100 tỷ đồng; Sửa chữa mặt đường bê tông nhựa trên tuyến, kinh phí 20 tỷ đồng từ nguồn vốn qua Tổng cục ĐBVN.
- Quốc lộ 4E
+ Cải tạo, nâng cấp 8km từ Km9 - Km 17 đạt cấp IV, mặt đường bê tông nhựa, kinh phí khoảng 80 tỷ đồng từ nguồn vốn qua Bộ GTVT.
+ Kéo dài Quốc lộ 4E: Chuyển 98km Tỉnh lộ, đường địa phương gồm: Tỉnh lộ 153, Tỉnh lộ 159, đường Phú Thịnh, Lê Thanh, Hoàng Liên, Nhạc Sơn, Lương Khánh Thiện, Thủ Dầu Một, Tỉnh lộ 156 thành Quốc lộ 4E. Về lâu dài (đến năm 2050), tiếp tục kéo dài Quốc lộ 4E thêm 86km từ Lũng Pô (biên giới Việt - Trung) đến A Mú Sung - Y Tý - Dền Sáng - Sàng Ma Sáo đến giáp huyện Phong Thổ (Lai Châu). Tổng chiều dài Quốc lộ 4E trên địa bàn tỉnh Lào Cai dự kiến sau khi điều chỉnh sẽ dài khoảng 225km.
- Quốc lộ 70: Sửa chữa mặt đường bê tông nhựa chiều dài 89km, kinh phí khoảng 30 tỷ đồng từ nguồn vốn qua Tổng cục ĐBVN.
- Quốc lộ 4: Sửa chữa mặt đường bê tông nhựa chiều dài 90km, kinh phí khoảng 500 tỷ đồng từ nguồn vốn qua Tổng cục ĐBVN.
4.4.3. Các tuyến Đường tỉnh: Cải tạo nâng cấp, sửa chữa khoảng 420km các tuyến Đường tỉnh, gồm:
- Tỉnh lộ 151: Cải tạo nâng cấp đoạn từ ngã ba Xuân Giao đến đường Quý Xa - Tằng Loỏng đạt cấp III miền núi, chiều dài khoảng 7km; xây dựng một số cầu và cầu tràn còn lại trên Tỉnh lộ 151, tổng kinh phí là 157 tỷ đồng.
- Tỉnh lộ 151B: Cải tạo nâng cấp đoạn từ cầu Hòa Mạc đến Quốc lộ 279, chiều dài 5km đạt cấp V miền núi, kinh phí là 15 tỷ đồng.
- Tỉnh lộ 151C: Sửa chữa mặt đường đoạn qua xã Cam Cọn, chiều dài khoảng 6km, kinh phí là 9 tỷ đồng.
- Tỉnh lộ 152: Cải tạo nâng cấp đoạn từ Bản Dền đi Phố Lu với quy mô đường cấp IV miền núi, chiều dài khoảng 20km, kinh phí khoảng 280 tỷ đồng từ nguồn vốn vay WB.
- Tỉnh lộ 152B: (Thanh Phú - Nậm Cang - Nậm Chày - Dương Quỳ - QL279): Cải tạo nâng cấp đoạn từ Thanh Phú - Nậm Cang với quy mô đường cấp V, chiều dài khoảng 15km, kinh phí khoảng 150 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
- Tỉnh lộ 153: Cải tạo nâng cấp đoạn từ Bắc Ngầm - Bắc Hà với quy mô đường cấp IV, chiều dài khoảng 25km, kinh phí khoảng 250 tỷ đồng từ nguồn vốn vay WB.
- Tỉnh lộ 154: Cải tạo nâng cấp quy mô đường cấp V miền núi, chiều dài 22km, kinh phí 70 tỷ đồng, sửa chữa mặt đường toàn tuyến với kinh phí 50 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
- Tỉnh lộ 155:
+ Cải tạo nâng cấp đoạn từ Sa Pa đến Dền Sáng - Y Tý (kết nối từ Sa Pa sang Y Tý) với quy mô cấp IV miền núi, trong đó: kinh phí xây dựng đoạn từ Sa Pa đến ngã ba Cán Tỷ là 450 tỷ đồng từ nguồn vốn vay WB, đoạn từ Ngã ba Cán Tỷ đến Y Tý khoảng 250 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
+ Hoàn đoạn tuyến nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo hình thức hợp đồng BOT (Tỉnh lộ 155, chiều dài 22km) với quy mô đường cấp IV, kinh phí đầu tư trong giai đoạn này khoảng 430 tỷ đồng.
- Tỉnh lộ 156: Cải tạo nâng cấp đoạn Kim Thành - Ngòi Phát với quy mô cấp II, chiều dài 12km, kinh phí 420 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ.
- Tỉnh lộ 156B: Sửa chữa mặt đường trên toàn tuyến với chiều dài 54Km, kinh phí 50 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
- Tỉnh lộ 157: Sửa chữa mặt đường trên toàn tuyến với chiều dài 43Km, kinh phí 40 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
- Tỉnh lộ 158: Cải tạo nâng cấp đoạn A Mú Sung - Y Tý và đoạn Dền Sáng - Sàng Ma Sáo với quy mô IV miền núi, chiều dài 50km, kinh phí 300 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
- Tỉnh lộ 159: Cải tạo nâng cấp một số đoạn tuyến kết hợp với sửa chữa mặt đường với chiều dài khoảng 25km, bổ sung các công trình phòng hộ, đảm bảo an toàn giao thông, kinh phí khoảng 75 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
- Tỉnh lộ 160: Cải tạo nâng cấp 18km với quy mô đường cấp V, kinh phí 85 tỷ đồng; sửa chữa mặt đường trên toàn tuyến, kinh phí 30 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
- Tỉnh lộ 161: Hoàn thành nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi, chiều dài 64km, mặt đường thảm bê tông nhựa, kinh phí 723 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ và vốn ngân sách tập trung.
- Tỉnh lộ 162: Hoàn thành đưa vào sử dụng đoạn Quý Sa - Tằng Loỏng. Nâng cấp khoảng 10km đường đoạn từ Tằng Loỏng - Phú Nhuận - cầu Phố Lu, kinh phí khoảng 30 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
4.4.4. Các công trình cầu
- Xây dựng cầu Làng Giàng, kinh phí 258 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách tỉnh.
- Xây dựng cầu Phú Thịnh, kinh phí 450 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh (300 tỷ đồng) và vốn vay WB (150 tỷ đồng).
- Xây dựng cầu Bến Cóc, kinh phí 55 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
- Xây dựng cầu Nậm Tôn trên Tỉnh lộ 160, kinh phí 50 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
4.4.5. Các công trình khác
- Cải tạo, nâng cấp tuyến đường Trịnh Tường - Phìn Hồ - Y Tý (chiều dài 30km, quy mô cấp IV miền núi, kinh phí 380 tỷ đồng từ vốn vay WB).
- Đường Sa Pả - Hầu Thào (chiều dài 14km, quy mô cấp IV miền núi, kinh phí 410 tỷ đồng từ vốn vay WB).
- Đường kết nối từ cầu Làng Giàng đến Quốc lộ 70 (dài 22km, quy mô cấp V miền núi, kinh phí 200 tỷ đồng từ ngân sách địa phương).
- Đường kết nối từ Võ Lao (huyện Văn Bàn) đến nút giao Cảng hàng không Sa Pa (chiều dài 10km, quy mô cấp V MN, kinh phí 80 tỷ đồng từ ngân sách địa phương).
- Đường kết nối từ đường tránh Quốc lộ 4D đến Trung tâm thị xã Sa Pa. Chiều dài 4km, quy mô nền đường rộng 27m, mặt đường rộng 15m, kinh phí đầu tư khoảng 800 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh.
- Dự án kết nối Tỉnh lộ 152 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Nút giao Phố Lu), kinh phí 150 tỷ đồng từ ngân sách địa phương... và một số tuyến đường khác.
4.4.6. Đường giao thông nông thôn
- Nâng cấp khoảng 480km đường đến Trung tâm các xã có tiềm năng phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, làng nghề truyền thống và các sản phẩm hàng hóa.... Quy mô đường cấp VI miền núi, kinh phí 1.493 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh.
- Nâng cấp khoảng 300km đường đến Trung tâm các thôn bản có tiềm năng phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, làng nghề truyền thống và các sản phẩm hàng hóa... Quy mô đường cấp A-GTNT, kinh phí 840 tỷ đồng (vốn ngân sách tỉnh là 750 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 90 tỷ đồng).
2. Dự án thành phần:
(có phân kỳ kế hoạch 5 năm triển khai dự án thành phần kèm theo)
IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Các nhóm giải pháp chủ yếu
1.1. Tăng cường rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh quy trình lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch kiến trúc, đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả trong việc phối hợp với thực hiện quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch đô thị, đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, có tính toán các nguồn lực thực hiện theo từng giai đoạn.
- Nâng cao nhận thức của lãnh đạo các địa phương về công tác lập và thực hiện quy hoạch; quản lý đô thị cùng với việc thường xuyên kiểm tra chất lượng tư vấn lập quy hoạch để có định hướng đào tạo nguồn nhân lực.
- Tăng cường xã hội hóa công tác lập quy hoạch, đồng thời khuyến khích việc thuê tư vấn nước ngoài xây dựng ý tưởng đối với những quy hoạch quan trọng.
- Vận dụng, lồng ghép các ý tưởng, tiêu chí về phát triển đô thị xanh bền vững, đô thị thông minh trong các đồ án quy hoạch. Phát huy vai trò của cộng đồng và sự tham gia của người dân trong quản lý quy hoạch, đô thị.
1.2. Tăng cường quản lý tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư, các dự án có yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển các lĩnh vực trong đô thị, đặc biệt thúc đẩy thực hiện hình thức hợp tác công tư (PPP) nhằm tạo bước đột phá về huy động nguồn vốn.
- Đầu tư, quản lý kết cấu hạ tầng với mục tiêu bảo vệ môi trường và có khả năng chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu.[1] Thực hiện nghiêm các quy định của Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị, để dần ngầm hóa hệ thống đường dây dẫn điện, thông tin liên lạc.
- Thực hiện quản lý phân vùng theo chương trình, khu vực phát triển đô thị được phê duyệt. Trường hợp cần thiết thì phải đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo phát triển đô thị có chất lượng ngày càng được nâng cao, theo hướng xanh, thông minh.
1.3. Tổ chức có hiệu quả các chủ trương, đề án xã hội hóa đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt trong lĩnh vực đường bộ, đường thủy nhằm khuyến khích thu hút đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước.
- Phát triển vận tải đường sắt và dịch vụ hỗ trợ vận tải nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của dịch vụ vận tải đường sắt với các loại hình vận tải khác. Khai thác tối đa năng lực vận chuyển hành khách, hàng hóa đặc biệt là tuyến Yên Viên - Lào Cai. Phát triển mạnh vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics để nâng cao lượng luân chuyển hàng hóa trên các tuyến.
- Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng góp phần nâng cao chất lượng công trình, hạ giá thành sản phẩm, rút ngắn thời gian thi công và tiếp cận được các công nghệ mới của nước ngoài.
- Tiếp tục rà soát chiến lược, các quy hoạch đã được duyệt để bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
- Tập trung đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông để tăng khả năng liên kết vùng, liên kết giữa các phương thức vận tải; ưu tiên đầu tư một số công trình quan trọng, có sức lan tỏa, tạo ra đột phá lớn và mang tính kết nối.
2. Giải pháp về vốn
2.1. Vốn ngân sách
Tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp các đô thị, các công trình giao thông trọng điểm, cụ thể:
- Đầu tư phát triển đô thị: thông qua hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; đấu giá các phần diện tích đất nhà nước quản lý, dự kiến trong giai đoạn thực hiện Đề án sẽ tạo ra khoảng 898 ha đất, dự kiến thu được khoảng 15.000 tỷ đồng (chi tiết tại Phụ lục 2-2).
- Các công trình giao thông trọng điểm: Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ, Ngành đầu tư gồm: Đường cao tốc; các tuyến quốc lộ trọng yếu như Quốc lộ 4D, Quốc lộ 279 kết nối đến Lai Châu; kết nối và xây dựng đường sắt quốc gia; đường thủy nội địa; điều chỉnh kéo dài Quốc lộ 32C và Quốc lộ 4E. Ngân sách tỉnh, các nguồn vốn từ Trung ương thông qua các chương trình mục tiêu, nguồn vốn ODA... để cải tạo, sửa chữa các tuyến Đường tỉnh, các tuyến đường kết nối từ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với các Trung tâm kinh tế, du lịch, công nghiệp trên địa bàn Tỉnh và đường giao thông đến Trung tâm các xã.
2.2. Vốn ngoài ngân sách
- Đầu tư phát triển đô thị: Tiếp tục kêu gọi đầu tư đối với các dự án có tiềm năng như: Các dự án phát triển đô thị, các dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án nhà ở, các dự án du lịch và một số các dự án tiềm năng khác trên địa bàn.
- Hạ tầng giao thông: (1) Kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP đối với các công trình giao thông trọng điểm như: Cảng hàng không Sa Pa; các tuyến đường giao thông có quy mô lớn; (2) Xã hội hóa một phần các công trình giao thông nông thôn.
V. NHU CẦU NGUỒN VỐN THỰC HIỆN
1. Tổng nhu cầu nguồn vốn thực hiện Đề án
Quan điểm: Ưu tiên, tập trung đầu tư dứt điểm các dự án lớn phục vụ nâng cấp đô thị tại Lào Cai, Sa Pa, Bảo Thắng, Bắc Hà, Bảo Yên; gồm các lĩnh vực: Quy hoạch, xây dựng hạ tầng, cải tạo, chỉnh trang đô thị và một số dự án khác....
Tổng nhu cầu vốn thực hiện đề án trong cả giai đoạn là: 132.080 tỷ đồng, cụ thể:
- Vốn NSNN: 23.015 tỷ đồng;
- Vốn ngoài NSNN: 109.065 tỷ đồng.
Phân kỳ hằng năm dự kiến như sau:
Nguồn vốn | Phân kỳ theo từng năm | Cộng | ||||
2021 | 2022 | 2023 | 2024 | 2025 | ||
NSNN | 3.953 | 5.785 | 5.650 | 4.285 | 3.342 | 23.015 |
Ngoài NSNN | 21.213 | 37.610 | 32.615 | 11.616 | 6.011 | 109.065 |
Tổng | 25.167 | 43.395 | 38.265 | 15.900 | 9.353 | 132.080 |
2. Nội dung:
(chi tiết tại phụ lục 2 và phụ lục 3 kèm theo)
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai căn cứ nội dung kế hoạch này xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể của ngành, địa phương mình để triển khai thực hiện, đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương và mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch này và định hướng nêu tại Đề án 04-ĐA/TU ngày 11/12/2020.
2. Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng (cơ quan chủ trì) có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các địa phương báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ hằng năm theo kế hoạch, so sánh, đánh giá với kế hoạch này để xác định được hướng đi tổng thể, từ đó xem xét báo cáo đề xuất điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thực tế, đảm bảo hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
3. Các cơ quan, đơn vị và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng tổ chức thực hiện kế hoạch này.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng thực hiện giải pháp về vốn, theo dõi, cân đối, bố trí nguồn lực đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kế hoạch đề ra.
VII. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
- Báo cáo định kỳ: (1) báo cáo 6 tháng (trước ngày 20/6); (2) báo cáo năm (trước ngày 15/12);
- Báo cáo tổng hợp: (1) báo cáo tổng hợp giữa nhiệm kỳ; (2) báo cáo tổng hợp cuối nhiệm kỳ;
- Báo cáo theo yêu cầu: theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh hoặc Thường trực UBND tỉnh.
Trên đây là nội dung Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án: “Phát triển, nâng cao chất lượng các đô thị và giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025” của UBND tỉnh Lào Cai, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai và các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
[1] Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống giao thông và vận tải công cộng đảm bảo kết nối giữa các đô thị; Lập và triển khai kế hoạch ngầm hóa hệ thống đường điện, cáp thông tin; Lập quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước; Đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước thải (nâng cấp trạm xử lý nước thải, sử dụng hệ thống thu gom nước thải theo mô hình đô thị tuần hoàn); Phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác thải đạt tiêu chuẩn 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế); Tổ chức di chuyển, thu gom các nghĩa trang nhỏ lẻ đưa về nghĩa trang tập trung; khuyến khích người dân sử dụng hình thức hỏa táng; Quản lý tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu khí phát thải nhà kính.
File gốc của Kế hoạch 84/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án “Phát triển, nâng cao chất lượng các đô thị và giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025″ đang được cập nhật.
Kế hoạch 84/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án “Phát triển, nâng cao chất lượng các đô thị và giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025″
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tỉnh Lào Cai |
Số hiệu | 84/KH-UBND |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Người ký | Nguyễn Trọng Hài |
Ngày ban hành | 2021-03-01 |
Ngày hiệu lực | 2021-03-01 |
Lĩnh vực | Xây dựng |
Tình trạng |