HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 38-CT | Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 1983 |
VỀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC XÂY DỰNG CƠ BẢN NĂM 1983
Trong năm 1982, các ngành, các địa phương đã cố gắng khắc phục những khó khăn về vốn, vật tư, năng lượng, vận tải, đời sống, thực hiện sắp xếp các công trình xây dựng, tăng cường chỉ đạo tập trung vào các công trình trọng điểm, bước đầu thực hiện chủ trương Trung ương và địa phương cùng làm, Nhà nước và nhân dân cùng làm nhằm huy động tiềm năng của ngành, địa phương và của nhân dân tham gia xây dựng.
Nhưng nhìn chung kế hoạch xây dựng cơ bản năm 1982 thực hiện còn thấp. Việc thực hiện chủ trương sắp xếp lại các công trình xây dựng mới làm bước đầu vẫn còn phân tán. Nhiều công trình thi công chậm, chưa bảo đảm chất lượng và tiến độ xây lắp.
Những thiếu sót và khuyết điểm trong việc lập và giao kế hoạch, cấp phát và thanh tóan vốn, cung cấp vật tư và năng lượng, điều động hàng nhập từ nước ngoài, tổ chức vận chuyển, lập đơn giá trong năm qua đã gây nhiều trở ngại, hạn chế việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch xây dựng cơ bản. Công tác nghiên cứu ban hành các chính sách, quy định tiếp theo điều lệ quản lý xây dựng cơ bản làm chậm, chưa giúp cho công tác xây dựng cơ bản đi vào nền nếp.
Năm 1983 là năm quyết định trong kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1981 – 1985), ngành xây dựng cơ bản phải quyết tâm tạo ra chuyển biến mới, lập lại trật tự trong đầu tư và xây dựng, nhằm thực hiện tốt nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V và nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 3, phải chú trọng hiệu quả kinh tế trong đầu tư, sắp xếp công trình theo thứ tự ưu tiên, làm đồng bộ và làm dứt điểm, bàn giao sử dụng theo đúng tiến độ. Phải coi trọng chất lượng kỹ thuật và quy hoạch xây dựng.
Các ngành, địa phương phải ra sức phấn đấu hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 1983, bảo đảm cho được tiến độ xây lắp và các mục tiêu quan trọng của kế hoạch Nhà nước về xây dựng các công trình phục vụ nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, giao thông vận tải, đặc biệt là các công trình trọng điểm Nhà nước thuộc ngành điện, than, dầu khí, cơ khí, phân bón, sợi, giấy, vật liệu xây dựng, nhà ở và nước uống tại thủ đô Hà Nội. Đồng thời, phải tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản các năm 1984, 1985.
Để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng cơ bản trên đây, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng chỉ thị các ngành, địa phương làm tốt các mặt công tác sau đây:
1. Tiếp tục tiến hành sắp xếp các công trình xây dựng theo nội dung quyết định số 4-CT ngày 16-01-1982 của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng và chỉ thị số 120-HĐBT ngày 17-07-1982 của Hội đồng bộ trưởng, tập trung hơn nữa tiền vốn, vật tư, lao động, năng lượng, vận tải… vào các công trình trọng điểm của Nhà nước (theo bản danh mục công trình trọng điểm Nhà nước đã được ban hành theo quyết định số 369-CT ngày 31-12-1982 của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng) bảo đảm cho được tiến độ và mục tiêu, trước hết là những công trình sẽ đưa vào vận hành năm 1983.
Giao Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Bộ Xây dựng và các ngành có liên quan sơ kết tình hình sắp xếp lại đầu tư và xây dựng trong thời gian qua và có kiến nghị cụ thể về những bước sẽ thực hiện trong những năm 1983 – 1985 để đưa trình Hội đồng bộ trưởng xem xét trong quý I năm 1983.
Trong tháng 1 năm 1983, căn cứ vào mức vốn đầu tư mà Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phân bố cho các ngành, địa phương, Bộ Tài chính và Ngân hàng đầu tư và xây dựng thông báo vốn cấp phát và vốn tín dụng cho các ngành và các địa phương. Các ngành, địa phương phải chỉ đạo đẩy mạnh thi công ngay trong quý I năm 1983, tranh thủ mùa khô làm một khối lượng xây dựng gấp rưỡi những năm trước. Không để các công trình xây dựng phải ngừng việc do thiếu vốn như đã xảy ra đầu năm 1982.
Ngoài vốn đầu tư do ngân sách Nhà nước cấp phát và ngân hàng cho vay, các ngành, địa phương huy động thêm vốn tự có của ngành, địa phương và lao động, vật liệu của nhân dân địa phương, thực hiện tốt phương châm Trung ương và địa phương cùng làm, Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhằm nhanh chóng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội mà Đại hội Đảng lần thứ V và hội nghị Trung ương lần thứ 3 đã đề ra, đưa nhanh các công trình xây dựng vào sử dụng. Việc sử dụng các nguồn vốn tự có của địa phương và vốn nhân dân đóng góp nhằm đồng bộ hóa, phát huy nhanh hiệu quả sản xuất của các công trình đã có và xây dựng các công trình phúc lợi thiết thực cho địa phương, tránh làm các công trình có tính chất phô trương hình thức. Các ngành, địa phương có trách nhiệm báo cáo lên Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính trong quý I năm 1983 về nguồn vốn tự có của địa phương và của nhân dân đóng góp và đăng ký danh mục các công trình sử dụng các nguồn vốn này. Chủ tịch Hội động bộ trưởng giao Bộ Tài chính chủ trì cùng Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ngân hàng đầu tư và xây dựng soạn thảo và trong quý I năm 1983 trình Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ban hành chính sách, chế độ về các hình thức huy động vốn tự có và vốn nhân dân đóng góp, mục tiêu sử dụng quản lý vốn và vật tư đã huy động được,v.v…, bảo đảm quản lý thống nhất các nguồn vốn xây dựng cơ bản, theo đúng các chính sách, chế độ của Nhà nước.
2. Thủ trưởng các ngành, các cấp cần tổ chức chỉ đạo chặt chẽ và quản lý tốt công tác xây dựng cơ bản.
Các ngành tài chính và ngân hàng tăng cường quản lý vốn xây dựng cơ bản, thực hiện tốt chức năng giám sát, kiểm tra công việc xây lắp các công trình thông qua việc cấp phát, cho vay và thanh toán. Phải tố chức quyết toán đầy đủ khi công trình đã hoàn thành xây dựng. Trong tháng 1 năm 1983, tiếp tục giải quyết cho xong những mắc mứu về vốn và các khoản nợ của các công trình xây dựng, kể cả vốn thiết bị vật tư nhập về qua ngoại thương (trong chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước) mà chưa được thanh toán theo chỉ thị số 271-CT ngày 14-10-1982 của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng. Bộ Tài chính cần tổ chức sơ kết công việc này trước ngày 25 tháng 02 năm 1983 và báo cáo lên Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng.
Các cơ quan cung ứng vật tư (Bộ Vật tư, Bộ Xây dựng, Bộ Lâm nghiệp) căn cứ vào chỉ tiêu vật tư Nhà nước đã giao, có biện pháp tích cực tổ chức việc cấp phát nhằm bảo đảm cung cấp đủ số lượng, chủng loại, chất lượng và kịp thời theo tiến độ xây lắp của công trình, ưu tiên cho các công trình trọng điểm Nhà nước. Các Bộ Điện lực, Vật tư, Giao thông vận tải quan tâm hơn nữa đến việc cung cấp năng lượng, xăng dầu, phương tiện và phối hợp chặt chẽ để bảo đảm cho các cơ sở các điều kiện thuận lợi trong sản xuất vật liệu xây dựng, vận chuyển gỗ và thiết bị vật tư.
Để thi hành quyết định số 195-HĐBT ngày 14-12-1982 của Hội đồng bộ trưởng về quyết toán vật tư, nay giao Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước chủ trì cùng các ngành có liên quan soạn thảo quy chế quyết toán vật tư trong ngành xây dựng cơ bản, trình Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng trong quý I năm 1983.
Các ngành, địa phương cần nghiên cứu việc sửa đổi lại kết cấu xây dựng, tìm cách thay thế các vật tư nhập khẩu, các vật liệu khan hiếm bằng các vật liệu dễ tìm, tổ chức quản lý chặt chẽ hơn nữa việc sử dụng vật tư, bảo đảm thực hiện tiết kiệm vật tư trong xây dựng cơ bản, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ mới về kỹ thuật, về tổ chức và quản lý công trường, mặt khác, phải tổ chức tốt công tác bảo quản, bảo vệ thiết bị, vật tư có kho tàng, che chắn mưa nắng, có biện pháp tổ chức đưa nhanh thiết bị, vật tư nằm ở các cảng, ga đường sắt về công trường, không để hư hỏng, mất mát, thất lạc, đề phòng kẻ xấu phá hoại gây thiệt hại cho Nhà nước, phải nhập bổ sung tốn thêm ngoại tệ và làm chậm tiến độ xây lắp của công trình. Cần xử lý nghiêm khắc đối với những vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa trong ngành xây dựng cơ bản, đồng thời, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân đã làm tốt công tác quản lý thiết bị vật tư.
Bộ Ngoại thương soát xét lại việc ký kết hợp đồng, có kế hoạch mời chuyên gia và điều động hàng về từng tháng, từng quý sát với tiến độ xây lắp của các công trình xây dựng, phối hợp chặt chẽ với các công trường tổ chức tốt việc tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản thiết bị, vật tư đã nhập về, phát hiện và báo cáo lên Nhà nước những thiếu sót của từng công trường trong công tác này.
Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước rà soát lại việc thực hiện đơn giá xây dựng cơ bản của các ngành, địa phương theo hệ thống giá bán buôn mới, có kiến nghị cụ thể trình Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng xem xét trong quý I năm 1983.
Đối với những công trình trên hạn ngạch đang thi công mà đến nay chưa lập xong luận chứng kinh tế kỹ thuật hoặc đã vượt mức vốn đầu tư đã được duyệt trong nhiệm vụ thiết kế trước đây, thì các ngành, địa phương phải báo cáo lên Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng trước tháng 03 năm 1983 để xem xét việc gia hạn, gây khó khăn trong các mặt quản lý. Những văn bản luận chứng kinh tế kỹ thuật và bổ sung vượt vốn theo nhiệm vụ thiết kế của các ngành, địa phương đã gửi trình duyệt, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước phải khẩn trương xem xét trình lên Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng xét và quyết định. Tạm thời cho phép Ngân hàng đầu tư và xây dựng căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 1983 đã ghi mà xem xét việc cấp phát và cho vay vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm 1983 trong khi chờ đợi quyết định của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng về các công trình này.
Cần nhanh chóng đưa các mặt quản lý xây dựng cơ bản vào nền nếp. Các Bộ, ngành được phân công phải khẩn trương soạn thảo các văn bản cần thiết tiếp theo điều lệ quản lý xây dựng cơ bản để ban hành trong 6 tháng đầu năm 1983 vì đang gây nhiều trở ngại, khó khăn cho các ngành, địa phương, các cơ sở. Trước mắt, các ngành, địa phương cần tăng cường quản lý kỹ thuật đã được các cơ quan khoa học kỹ thuật có thẩm quyền công nhận và công tác khảo sát, thiết kế và thi công; tổ chức quản lý chặt chẽ đất xây dựng theo quy hoạch và kế hoạch, sắp xếp lại năng lực xây dựng cơ bản hiện có nhằm sử dụng tốt và nâng cao hiệu quả kinh tế; có chính sách sử dụng và quản lý các hợp tác xã xây dựng và các tổ chức xây dựng tư nhân..v..v…để phục vụ kịp thời cho thi công xây lắp các công trình xây dựng cơ bản năm 1983.
Các Bộ Điện lực, Giao thông vận tải, Lao động, Nội thương, Lương thực, Nội vụ và Ủy ban nhân dân các địa phương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình mà đề ra những biện pháp cụ thể phục vụ tốt các yêu cầu của các công trình xây dựng, chăm lo chu đáo hơn đời sống của các bộ, công nhân xây dựng, kịp thời giải quyết những vướng mắc của công trường, ưu tiên đối với các công trình trọng điểm Nhà nước.
3. Để tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng cơ bản, các cơ quan tổng hợp Nhà nước (Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng đầu tư và xây dựng, Tổng cục Thống kê) cùng Văn phòng Hội đồng bộ trưởng và các ngành có liên quan phải phối hợp chặt chẽ để giúp Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng xem xét và giải quyết kịp thời các yêu cầu của các ngành, địa phương và của các công trình trọng điểm Nhà nước nhằm bảo đảm hoàn thành tốt kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 1983.
Ở các ngành, địa phương, các đồng chí thứ trưởng, phó chủ tịch tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng cơ bản cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc tổ chức thực hiện kế hoạch và các mặt quản lý xây dựng cơ bản trong phạm vi ngành và địa phương.
Đoàn kiểm tra xây dựng cơ bản đã được Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng thành lập (quyết định số 311-CT ngày 29 tháng 11 năm 1982) cần khẩn trương thực hiện chương trình kiểm tra đã định và báo cáo lên Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng.
Các ngành, địa phương căn cứ chỉ thị này khẩn trương xây dựng các biện pháp và triển khai tổ chức thực hiện. Văn phòng Hội đồng bộ trưởng và các cơ quan tổng hợp Nhà nước chịu trách nhiệm theo dõi và báo cáo kịp thời lên Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng.
| K.T. CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Chỉ thị 38-CT về đẩy mạnh công tác xây dựng cơ bản năm 1983 do Chủ tịch Hội Đồng Bộ trưởng ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 38-CT về đẩy mạnh công tác xây dựng cơ bản năm 1983 do Chủ tịch Hội Đồng Bộ trưởng ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Hội đồng Bộ trưởng |
Số hiệu | 38-CT |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Đỗ Mười |
Ngày ban hành | 1983-01-31 |
Ngày hiệu lực | 1983-02-15 |
Lĩnh vực | Xây dựng |
Tình trạng | Đã hủy |