BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 370/BXD-KTTC | Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2006 |
Kính gửi: Tổng công ty Điện lực Việt Nam
Bộ Xây dựng đã nhận văn bản số 139/ CV-EVN-KTDT ngày 10/01/2006 về việc hướng dẫn một số vấn đề vướng mắc trong quản lý đầu tư xây dựng công trình thuỷ điện; Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
1 - Việc đầu tư nhập khẩu xe máy, thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu thi công xây dựng các công trình, hạng mục công trình theo công nghệ mới là chủ trương công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của Đảng và Nhà nước. Trong công nghiệp xây dựng, việc đề xuất sử dụng các xe máy thiết bị hiện đại nêu trên do Tư vấn của dự án xây dựng công trình hoặc Nhà thầu đề xuất, vì vậy trước đó Tư vấn hoặc Nhà thầu có nhiệm vụ điều tra, khảo sát giá từ các nguồn nhập khẩu để có được những thông số phù hợp trong việc tính giá ca máy thi công công trình. Tư vấn hoặc Nhà thầu báo cáo Chủ đầu tư thống nhất các thông số này, làm cơ sở tính đơn giá, lập tổng dự toán công trình. (Trường hợp cần thiết có thể được chuẩn xác lại sau khi nhập khẩu xe máy, thiết bị).
2 - Trực tiếp phí khác được quy định tại phần B khoản III mục 2.1 Thông tư số 04/2005/TT - BXD ngày 01/4/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên chi phí trực tiếp và giao khoán cho Nhà thầu thực hiện những công việc như chi phí bơm nước, vét bùn, thí nghiệm vật liệu, di chuyển nhân lực và thiết bị thi công đến công trường và nội bộ trong công trường, an toàn lao động, bảo vệ môi trường cho người lao động và môi trường xung quanh ; Vì vậy, khoản mục trực tiếp phí khác không phải lập dự toán chi tiết, không phải nghiệm thu. Công trình cụ thể đã áp dụng mức trực tiếp phí khác 1,5% trên tổng chi phí vật liệu, nhân công và máy thi công trong tổng dự toán mà không phù hợp thì căn cứ vào hồ sơ thiết kế cụ thể để lập dự toán bổ sung và Chủ đầu tư phê duyệt dự toán bổ sung này.
Việc xây dựng, lắp đặt thiết bị hệ thống đường ống cấp nước, thoát nước, cấp gió, cấp điện phục vụ thi công công trình hầm là các công việc thuộc công trình phục vụ thi công công trình chính và chi phí của một số công việc như: Chi phí vận hành (kể cả chi phí nhân công, năng lượng của các thiết bị thuộc hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp gió, cấp điện phục vụ thi công trong hầm; Chi phí sửa chữa thường xuyên thiết bị thuộc hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp gió, cấp điện trong quá trình thi công hầm…) thì Chủ đầu tư căn cứ vào yêu cầu và điều kiện cụ thể của công trình tính toán và xác định dự toán chi phí trên cơ sở thiết kế, biện pháp thi công và các chế độ chính sách có liên quan.
3 - Về định mức tỷ lệ chi phí chung và thu nhập chịu thuế tính trước trong dây chuyền sản xuất, khai thác vật liệu tại chỗ (cát, đá) phục vụ xây dựng công trình: Theo quy chế tính giá tài sản, hàng hoá, dịch vụ ban hành kèm theo Quyết định số 06/2005/QĐ - BTC ngày 18/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì: Giá tài sản, hàng hoá, dịch vụ bao gồm cả các chi phí cần thiết và lợi nhuận. Vì vậy, đối với những loại vật liệu như: Cát ( cát tự nhiên và cát nhân tạo), đá hộc, đá dăm được các đơn vị thi công khai thác, sản xuất ra thành phẩm để phục vụ thi công công trình thì được phép áp dụng tỷ lệ chi phí chung và lợi nhuận hợp lý để tính vào giá bán sản phẩm.
4 - Việc áp dụng định mức chi phí chung và thu nhập chịu thuế tính trước trong dự toán chi phí xây dựng đối với công trình đường dây tải điện trên không, trạm biến áp theo loại hình công trình công nghiệp là phù hợp. Đối với các dự án nguồn điện, định mức chi phí chung và thu nhập chịu thuế tính trước được tính theo loại hình công trình của dự án.
5 - Việc phân loại các loại vật liệu điện (cầu dao, kết cấu thép, cáp điện...) tính vào chi phí trực tiếp trong dự toán xây lắp công trình xây dựng thực hiện theo hướng dẫn trong Thông tư số 17/2000/TT-BXD ngày 29/12/2000 của Bộ Xây dựng.
6 - Do điều kiện sản xuất trong xây dựng thường xuyên không ổn định, nên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có công văn thoả thuận số 4076/LĐTBXH-TL ngày 29/11/1993 cho phép tính vào đơn giá tiền lương phụ cấp không ổn định sản xuất với mức tối đa không quá 15% lương cấp bậc, chức vụ. Hiện nay Bộ Xây dựng đang tiếp tục hướng dẫn các Tỉnh, Thành phố tính phụ cấp này ở mức 10% trong việc tính toán các bộ đơn giá địa phương.
7 - Theo quy định trong Nghị định số 16/2005/NĐ-CP Ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thì thiết kế thi công và dự toán của hạng mục trước khi đưa ra thi công phải được thẩm định và phê duyệt; Chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán hạng mục công trình; Vì vậy, đối với trường hợp thiết kế 3 bước việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công phải bao gồm nội dung phần dự toán.
8 - Định mức chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình là chi phí tối đa cho các công việc nêu tại mục 2 phần I quyết định số 10/2005/QĐ-BXD ngày 15/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Đối với một số nội dung chi phí chưa được định mức, Chủ đầu tư căn cứ vào yêu cầu về nội dung và sản phẩm của các công việc để lập và phê duyệt dự toán theo hướng dẫn trong phụ lục kèm theo Quyết định nêu trên làm cơ sở quản lý chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Riêng chi phí kiểm định, chứng nhận sự phù hợp chất lượng công trình xây dựng được thực hiện theo quy định tại mục V Thông tư số 11/2005/TT-BXD ngày 14/7/2005 của Bộ Xây dựng.
9 - Chi phí thiết kế các công trình Điện đã được quy định tại Bảng III.3 và III.4 cùng những nội dung hướng dẫn áp dụng kèm theo trong quyết định số 11/2005/QĐ-BXD ngày 15/4/2005, như vậy chi phí thiết kế các công trình Điện không áp dụng những qui định tại mục 5 phần “Loại-công trình công nghiệp” trong Quyết định số 11/2005/QĐ-BXD ngày 15/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Định mức chi phí lập dự án và thiết kế xây dựng công trình.
10 - Việc thực hiện chuyển tiếp các dự án theo Thông tư số 08/2005/TT - BXD ngày 06/5/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình và xử lý chuyển tiếp thực hiện Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ. Trong Thông tư này đã chỉ rõ cách xử lý chuyển tiếp cho từng loại dự án, đồng thời cũng xác định người quyết định đầu tư có trách nhiệm xem xét quyết định việc chuyển tiếp thực hiện quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình theo nguyên tắc đảm bảo không làm gián đoạn công việc và đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của dự án.
Căn cứ hướng dẫn nêu trên, Tổng công ty điện lực Việt nam tổ chức triển khai thực hiện theo quy định hiện hành./.
Nơi nhận | KT. BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Công văn số 370/BXD-KTTC của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn một số vấn đề vướng mắc trong quản lý đầu tư xây dựng công trình thuỷ điện đang được cập nhật.
Công văn số 370/BXD-KTTC của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn một số vấn đề vướng mắc trong quản lý đầu tư xây dựng công trình thuỷ điện
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Xây dựng |
Số hiệu | 370/BXD-KTTC |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Đinh Tiến Dũng |
Ngày ban hành | 2006-03-08 |
Ngày hiệu lực | 2006-03-08 |
Lĩnh vực | Xây dựng |
Tình trạng | Còn hiệu lực |