BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 541/BXD-HĐXD | Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2010 |
Kính gửi: Văn phòng Chính phủ
Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 1777/VPCP-KTN ngày 22/3/2010 của Văn phòng Chính phủ đề nghị góp ý giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư tại hai dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt theo kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 1353/BGTVT-KHĐT ngày 10/3/2010. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
1/ Về chủ trương thực hiện dự án
Thống nhất với chủ trương của Bộ Giao thông vận tải trong việc triển khai dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt các tuyến: Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và khu đầu mối Hà Nội (dự án 3 tuyến và khu đầu mối) và dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Vinh - Sài Gòn, tuyến đường sắt Thống Nhất (dự án Vinh - Sài Gòn). Việc phân chia giai đoạn thực hiện cũng như phân chia khối lượng công việc phải đảm bảo phù hợp với khoản vay của từng dự án theo Hiệp định khung.
Thống nhất với kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải đối với việc triển khai giai đoạn 2 của dự án Vinh - Sài Gòn.
2/ Về áp dụng chế độ đãi ngộ theo quy định của Trung Quốc
Hiện nay, việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình thực hiện theo qui định tại Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ.
Tuy nhiên, do hai dự án đã được phê duyệt từ trước và đang trong quá trình triển khai nên việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình sẽ thực hiện xử lý chuyển tiếp theo qui định tại Điều 34 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009.
Theo quy định tại Điều 2 Văn bản số 526 [2007] của Bộ Tài chính Trung Quốc về biện pháp quản lý đãi ngộ đời sống cho nhân viên viện trợ ở nước ngoài (bản dịch) “Bản biện pháp này thích hợp sử dụng cho các nhân viên ra nước ngoài theo chương trình viện trợ (dưới đây gọi tắt là nhân viên viện trợ) thực hiện thoả thuận giữa chính phủ hai nước, thực hiện dự án viện trợ kinh tế, thực hiện nhiệm vụ của đội viện trợ y tế và viện trợ quân sự với thời gian công tác liên tục ở nước ngoài là trên 90 ngày”.
Như vậy, việc các doanh nghiệp của Trung Quốc tham gia nhận thầu thi công xây dựng công trình với chủ đầu tư Việt Nam không thuộc phạm vi điều chỉnh của Văn bản trên.
Các Hợp đồng EPC số VNR-ST-03 ký ngày 02/11/2005 giữa Ban quản lý các đường sắt và Công ty cổ phần hữu hạn viễn thông Trung Hưng - ZTE; Hợp đồng EPC số VNR-ST-04 ký ngày 25/9/2006 giữa Ban quản lý các đường sắt và Công ty hữu hạn tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc để thực hiện 2 dự án hiện đại hoá thông tin tín hiệu đường sắt sử dụng nguồn vốn vay tín dụng của Trung Quốc tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, khi xác định chi phí nhân công trực tiếp trong dự toán xây dựng công trình cho các dự án này phải thực hiện theo qui định về chế độ tiền lương hiện hành của Nhà nước Việt Nam.
3/ Về giải phóng mặt bằng
Việc giải phóng mặt bằng trong phạm vi hành lang an toàn đường sắt thực hiện theo văn bản số 3820/VPCP-CN ngày 10/7/2007 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Xây dựng thống nhất với kiến nghị trong việc thực hiện khối lượng giải phóng mặt bằng nằm ngoài hành lang an toàn đường sắt. Theo đó, chủ đầu tư phối hợp với địa phương để tính toán phương án đền bù cho các hạng mục này.
Trên đây là ý kiến của Bộ Xây dựng, đề nghị Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Công văn 541/BXD-HĐXD giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư tại hai dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt do Bộ Xây dựng ban hành đang được cập nhật.
Công văn 541/BXD-HĐXD giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư tại hai dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt do Bộ Xây dựng ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Xây dựng |
Số hiệu | 541/BXD-HĐXD |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Bùi Phạm Khánh |
Ngày ban hành | 2010-03-31 |
Ngày hiệu lực | 2010-03-31 |
Lĩnh vực | Xây dựng |
Tình trạng | Còn hiệu lực |