ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/2022/QĐ-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 16 tháng 8 năm 2022 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
Căn cứ Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc bản đồ;
Căn cứ Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật trồng trọt về giống cây trồng và canh tác;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 611/TTr-STNMT-TTr ngày 28 tháng 12 năm 2021, Báo cáo số 53/BC-STNMT ngày 25/02/2022 và Báo cáo số 192/BC-STNMT ngày 08/7/2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đối với từng loại vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 8 năm 2022.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ MỨC ĐỘ KHÔI PHỤC LẠI TÌNH TRẠNG BAN ĐẦU CỦA ĐẤT ĐỐI VỚI TỪNG LOẠI VI PHẠM HÀNH CHÍNH QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH 91/2019/NĐ-CP NGÀY 19 THÁNG 11 NĂM 2019 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Kèm theo Quyết định số 37/2022/QĐ-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)
Quy định này quy định mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với từng loại vi phạm hành chính về đất đai được quy định tại các điều: Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15 và Điều 16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Những nội dung không quy định tại Quy định này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
1. Người sử dụng đất quy định tại Điều 5 Luật Đất đai và các tổ chức, cá nhân khác bị xử phạt vi phạm hành chính về đất đai và theo quy định bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về đất đai thuộc: Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) trên địa bàn tỉnh.
3. Người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
1. Tình trạng ban đầu của đất là tình trạng của loại đất tồn tại trước thời điểm đối tượng vi phạm thực hiện hành vi vi phạm, loại đất được xác định dựa trên các căn cứ quy định tại Điều 11 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 3 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ.
Đối với trường hợp không đủ căn cứ nêu trên thì tình trạng ban đầu của đất được xác định căn cứ vào hiện trạng của đất trước khi vi phạm để xác định tình trạng ban đầu của đất.
2. Gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác là hành vi đưa vật liệu xây dựng hoặc các vật khác, đưa chất thải, chất độc hại lên thửa đất do người khác quản lý, sử dụng hoặc thửa đất của mình quản lý, sử dụng; đào bới, xây tường, làm hàng rào mà gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất do người khác quản lý, sử dụng.
Điều 4. Mức độ khôi phục và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan
1. Mức độ khôi phục tại Quy định này gồm 03 mức độ: Khôi phục lại như nguyên trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; khôi phục lại tình trạng của đất có tính tương đương để nhằm giữ đúng mục đích sử dụng đất; giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất như tại thời điểm phát hiện vi phạm nếu phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Khôi phục lại nguyên trạng ban đầu của đất là áp dụng những biện pháp nhằm khôi phục lại nguyên tình trạng ban đầu của đất đó trước khi bị tác động bởi hành vi vi phạm hành chính đối với đất đai.
Khôi phục lại tình trạng của đất để giữ mục đích sử dụng đất bao gồm những biện pháp nhằm khôi phục lại tình trạng của loại đất, để phục hồi mục đích sử dụng đất tương đương như trước khi bị tác động bởi hành vi vi phạm đối với đất đai.
2. Kết quả thực hiện khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm do đại diện cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan và địa phương nơi có đất tổ chức kiểm tra, xác nhận bằng biên bản. Trường hợp người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì cơ quan trình ban hành Quyết định xử phạt là cơ quan chủ trì kiểm tra, xác nhận.
Điều 5. Đối với các vi phạm quy định tại Điều 9, 10, 11, 12 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP
1. Trường hợp vị trí, loại đất, diện tích và đối tượng vi phạm tự ý chuyển mục đích mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được chấp thuận dự án đầu tư, thì yêu cầu đối tượng vi phạm giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất như tại thời điểm phát hiện vi phạm.
2. Trường hợp vị trí, loại đất, diện tích và đối tượng vi phạm tự ý chuyển mục đích không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì buộc đối tượng vi phạm phải áp dụng các biện pháp khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
3. Tùy theo tình hình thực tế của từng hành vi vi phạm, lĩnh vực vi phạm mà người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính quyết định thời gian thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Điều 6. Đối với vi phạm quy định tại Điều 13 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác thì buộc đối tượng vi phạm phải áp dụng các biện pháp để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trồng lúa trước khi vi phạm.
Điều 7. Đối với vi phạm quy định tại Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP
1. Đối với diện tích đất lấn, chiếm mà tại vị trí đất lấn, chiếm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch nông thôn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận dự án đầu tư, thì yêu cầu đối tượng vi phạm giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất như tại thời điểm phát hiện vi phạm.
2. Đối với diện tích đất lấn, chiếm không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì đối tượng vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
3. Tùy theo tình hình thực tế của từng hành vi vi phạm, lĩnh vực vi phạm mà người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính quyết định thời gian thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Điều 8. Đối với vi phạm quy định tại Điều 15 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP
1. Trường hợp làm biến dạng địa hình đối với đất trồng lúa thì đối tượng vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
2. Trường hợp làm biến dạng địa hình đối với các loại đất còn lại thì đối tượng vi phạm không phải khôi phục lại địa hình ban đầu của đất trước khi vi phạm, nhưng phải khôi phục để giữ mục đích sử dụng đất trước khi vi phạm và đảm bảo không ảnh hưởng đến các thửa đất xung quanh.
3. Trường hợp làm suy giảm chất lượng đất thì đối tượng vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
4. Tùy từng hành vi vi phạm, mức độ khắc phục hậu quả, lĩnh vực ngành quản lý mà chính quyền địa phương, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phối hợp với các cơ quan, đơn vị của ngành, lĩnh vực có liên quan để xử lý.
Điều 9. Đối với vi phạm quy định tại Điều 16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP
Trường hợp gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác thì đối tượng vi phạm phải đưa vật liệu xây dựng, các vật khác, chất thải, chất độc hại ra khỏi thửa đất đến nơi quy định đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép, cấp phép; đồng thời đối tượng vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất như trước khi vi phạm.
Điều 10. Trách nhiệm của các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Tuyên truyền, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan áp dụng, thực hiện thống nhất, đúng quy định tại Quyết định này;
b) Hàng năm, chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất, thực hiện tốt công tác công khai các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, các trường hợp bị xử lý vi phạm và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả;
c) Tổng hợp, tham mưu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh biện pháp xử lý đối với những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện quy định này.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc cải tạo đất, trồng rừng, trồng cây lâu năm, cây hàng năm đối với trường hợp khi áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả mà buộc phải cải tạo lại đất, trồng lại rừng;
b) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện phương án sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước vào mục đích nông nghiệp, đất trồng cây hàng năm ở những nơi có chất lượng đất tốt khi các tổ chức, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm sang mục đích khác nhằm có quỹ đất để cải tạo, khắc phục các diện tích đất bị vi phạm.
3. Sở Xây dựng:
a) Chủ trì hướng dẫn các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác thẩm tra, xác định sự phù hợp của công trình xây dựng, vật kiến trúc trên đất với quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Hướng dẫn các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tháo dỡ công trình vi phạm bảo đảm an toàn, đúng quy định.
4. Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính về đất đai, theo quy định này để các tổ chức, cá nhân biết;
b) Chỉ đạo, phối hợp, giám sát việc khắc phục hậu quả của tổ chức, cá nhân bị áp dụng biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm;
c) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện tốt công tác theo dõi, giám sát việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
5. Ủy ban nhân dân cấp xã:
a) Chủ trì giám sát việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả của các tổ chức, cá nhân bị áp dụng biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Khi tổ chức, cá nhân đã hoàn thành việc khôi phục tình trạng ban đầu của đất theo mức độ quy định tại Quy định này phải lập biên bản ghi nhận sự việc, gửi cho người vi phạm 01 (một) bản, cho cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất để biết;
b) Thực hiện tốt công tác theo dõi, giám sát việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
6. Các sở, ngành, các cơ quan, tổ chức khác theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp thực hiện tốt các biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo quy định này và các quy định của pháp luật hiện hành.
7. Quá trình triển khai thực hiện Quy định này nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân kịp thời có ý kiến đề xuất bằng văn bản gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế để xem xét sửa đổi, bổ sung theo đúng quy định của pháp luật./.
File gốc của Quyết định 37/2022/QĐ-UBND ban hành Quy định về mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với từng loại vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang được cập nhật.
Quyết định 37/2022/QĐ-UBND ban hành Quy định về mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với từng loại vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thừa Thiên Huế |
Số hiệu | 37/2022/QĐ-UBND |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Phan Quý Phương |
Ngày ban hành | 2022-08-16 |
Ngày hiệu lực | 2022-08-26 |
Lĩnh vực | Vi phạm hành chính |
Tình trạng | Còn hiệu lực |